Bản tin tuần Biển Đông (ngày 11/3 - 17/3/2023)

Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Tờ “SCMP” ngày 12/3 đưa tin Trung Quốc đang phát triển tàu nạo vét 10.000 KW, lớn gấp đôi tàu Thiên Kinh (4.400 KW) từng tham gia xây dựng đảo ở Biển Đông. Kỹ sư trưởng Tần Bân của công ty đường thủy Thiên Tân, Tập đoàn xây dựng giao thông Trung Quốc cho biết “tàu mới không chỉ lớn hơn còn là một bước nhảy vọt về chất lượng”. Trung Quốc hiện sở hữu đội tàu nạo vét khoảng 200 chiếc sử dụng để nạo vét luồng tàu hoặc xây dựng đảo nhân tạo.

Ngày 13/3, Mỹ - Philippines tiến hành cuộc tập trận thường niên “Salaknib”, với các khoa mục diễn tập phòng thủ bảo vệ quần đảo Philippines trước các cuộc tấn công từ bên ngoài. Salaknib diễn ra trên nhiều khu vực, bao gồm Pháo đài Magsaysay, 1 trong 5 địa điểm Mỹ sẽ được quyền tiếp cận theo Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao. Nhật Bản sẽ lần đầu tham gia với tư cách quan sát viên.

Mỹ, Ấn, Canada, Nhật, Hàn diễn tập chống ngầm “Sea Dragon 23” ở Guam. Hoạt động ​​diễn ra từ ngày 15-30/3 tập trung vào năng lực phối hợp tác chiến chống tàu ngầm. “Sea Dragon 23” đánh giá khả năng của các máy bay theo dõi các mục tiêu dưới nước, đồng thời chia sẻ kiến ​​thức chuyên ngành. Cuộc tập trận có sự tham gia của P8I của Hải quân Ấn Độ, P8A của Hải quân Mỹ, P1 của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản, CP 140 của Không quân Hoàng gia Canada và P3C của Hàn Quốc. Cuộc tập trận thường niên này bắt đầu từ năm 2014.

Ngày 14/3 Giám đốc trung tâm huấn luyện của quân đội Philippines Đại tá Michael Logico cho biết từ ngày 11-28/4, Mỹ-Philippines sẽ tiến hành tập trận chung “Balikatan” lớn nhất với 17.600 binh sỹ tham gia, riêng Mỹ là khoảng 12.000 quân nhân. Trong khuôn khổ cuộc tập trận, hai nước lần đầu tiên diễn tập bắn đạn thật trên biển. Ông Logico nhấn mạnh: “Philippines tăng cường năng lực sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ lãnh thổ”.

Tờ “China Daily” ngày 17/3 đưa tin “Trung tâm tìm kiếm và cứu nạn Nam Sa” ngày 3/3 đã cử tàu "Cứu hộ Nam Hải 115", đồn trú tại bãi Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) cứu hộ tàu hàng Panama với 21 thủy thủ đoàn bị hỏng động cơ, trôi dạt ở Biển Đông. Sau 9 ngày, tàu Panama đã được kéo về cửa biển sông Châu Giang an toàn.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Tuyên bố chung Thượng đỉnh Úc - Ấn ngày 11/3 cho hay, “Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các quyền và tự do ở các vùng biển và đại dương phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt UNCLOS; tái khẳng định việc cần giải quyết tranh chấp một cách hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; kêu gọi hoàn tất COC hiệu quả, thực chất và không ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác; cam kết tăng cường hợp tác thông qua Quad và hợp tác với các đối tác khác ở Ấn - Thái Dương, cùng thúc đẩy tầm nhìn chung về một khu vực tự do, cởi mở, bao trùm”.

Ngày 13/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Thủ tướng Úc Anthony Albanese công bố những nội dung mới liên quan tới thỏa thuận AUKUS. Ba nước cùng sản xuất một tàu ngầm lớp SSN-AUKUS. Đến đầu thập niên 2030, Mỹ dự định bán cho Úc ba tàu ngầm lớp Virginia. Vào cuối thập niên 2030, Anh sẽ bàn giao tàu ngầm SSN-AUKUS đầu tiên cho Hải quân Hoàng gia Anh. Vào đầu những năm 2040, Úc sẽ bàn giao tàu ngầm SSN-AUKUS được đóng tại Úc cho hải quân nước này. Hợp tác ba bên nhằm tăng cường sự hiện diện tại Ấn - Thái Dương, góp phần đảm bảo an ninh và ổn định toàn cầu. 

Tại Đối thoại chính sách quốc phòng Việt - Nhật cấp Thứ trưởng lần thứ 9ngày 13/3, hai bên nhấn mạnh việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không tại Biển Đông có tầm quan trọng với tất cả các quốc gia trên thế giới; đề cao giải quyết bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở thượng tôn pháp luật, gồm UNCLOS năm 1982, tuân thủ DOC ở Biển Đông  và xúc tiến sớm kết thúc đàm phán, ký kết COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trả lời phỏng nhân chuyến thăm Philippines ngày 15/3, Đặc phái viên của EU tại Ấn - Thái Dương ông Richard Tibbels cho biết EU muốn đẩy mạnh các chuyến thăm cảng và khả năng diễn tập tại Biển Đông để thúc đẩy tự do lưu thông và tôn trọng luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS 1982, “EU có lợi ích lớn trong việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không để hệ thống thương mại toàn cầu không bị ảnh hưởng do căng thẳng ở khu vực”. Ông Tibbels cho biết EU sẵn sàng hỗ trợ về giám sát vệ tinh để giúp các nước khu vực ứng phó thảm họa và bảo vệ lợi ích biển.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 14/3 cho hay cuộc họp lần thứ 38 của Nhóm công tác chung ASEAN - Trung Quốc về thực thi DOC ở Biển Đông đã diễn ra tại Indonesia từ ngày 8-10/3. Hai bên nhất trí triển khai nhiều dự án hợp tác thiết thực trong các lĩnh vực như nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường và tìm kiếm cứu nạn; đẩy mạnh đối thoại và trao đổi, làm sâu sắc hơn hợp tác cùng có lợi, cùng duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Theo ông Uông, hai bên đã đạt được thỏa thuận về kế hoạch công tác năm 2023 và nhất trí tổ chức các vòng Hội nghị quan chức cấp cao về việc thực thi DOC và cuộc họp Nhóm công tác chung của DOC trong năm nay.

Phát biểu tại Viện Quốc tế Nghiên cứu chiến lược (IISS) ở Singapore ngày 15/3, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Đô đốc John Aquilino cho hay cọ xát hiện nay ở khu vực đang ở mức báo động và có xu hướng đi “sai hướng”. Ông Aquilino khẳng định các cuộc tập trận, tuần tra gần đây trong khu vực Ấn - Thái Dương và thỏa thuận AUKUS vừa được công bố không phải là nỗ lực kiềm chế Trung Quốc, “Là những đối tác tốt, Mỹ và Anh sẽ tiếp tục hỗ trợ Úc tự bảo vệ mình. Chúng tôi dự định xúc tiến thỏa thuận nhanh nhất và an toàn nhất có thể”.

Tại Hội nghị Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản-ASEAN ngày 15/3 ở Tokyo, hai bên nhất trí thiết lập một đường dây nóng quốc phòng. Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Toshiro Ino cho hay việc lập đường dây nóng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên lạc giữa Nhật Bản và các quốc gia thành viên ASEAN. Nhật Bản là quốc gia ngoài ASEAN đầu tiên thiết lập đường dây nóng với 10 quốc gia thành viên của khối.

Ngày 16/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chínhtiếp Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Ba Lan Zbigniew Rau nhân dịp thăm chính thức Việt Nam. Tại buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan nhất trí hai nước cần tăng cường hợp tác trên các diễn đàn đa phương và khu vực. Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông cũng như giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS năm 1982.

Ngày 16/3, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hội đàm cùng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại Tokyo. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Hàn Quốc đến Nhật Bản sau 12 năm. Phát biểu tại cuộc họp báo chung, Thủ tướng Kishida tái khẳng định nối lại hoạt động “ngoại giao con thoi” của hai bên. Hai lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng khu vực Ấn - Thái Dương ở bước ngoặt lịch sử; chia sẻ tầm nhìn cùng hợp tác với các bên chung quan điểm nhằm bảo vệ trật tự mở và tự do dựa trên luật pháp; phản đối hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực của Nga ở Ukraine.

Bình luận của Viện Biển Đông

Sau cuộc họp lần thứ 38 của Nhóm công tác chung ASEAN - Trung Quốc về thực thi DOC tại Indonesia,  Indonesia và Trung Quốc đều thông tin báo chí về cuộc gặp này. Nội dung trả lời báo chí của Tổng vụ trưởng Hợp tác ASEAN thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia Sidharto R. Suryodipuro (ngày 10/3) phản ánh quan điểm của ASEAN, khẳng định nguyên tắc COC phải “hiệu lực, thực chất và khả thi”, trong đó Indonesia nhấn mạnh “tính khả thi”. COC không chỉ thúc đẩy hợp tác biển được nêu trong Điều 6 của DOC cũng như yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với lợi ích của các nước liên quan và theo luật pháp quốc tế; mà COC còn kiềm chế được các hành vi quyết đoán, làm phức tạp tình hình Biển Đông, được nêu trong Điều 5 của DOC cũng như chuẩn mực ứng xử theo quy định của luật pháp quốc tế. Trong khi đó, trả lời báo chí của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (ngày 14/3) không đề cập các nguyên tắc kiểm soát hành vi, chỉ nhấn mạnh việc thúc đẩy hợp tác trong một số lĩnh vực được nêu trong Điều 6 của DOC như nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường và tìm kiếm cứu nạn trên biển. Trong bối cảnh hiện nay, Indonesia và các nước ASEAN cần đoàn kết cao, hiệp đồng chặt chẽ để đàm phán một COC “hiệu lực”, “thực chất” và “khả thi”, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982./.