Bản PDF tại đây

 

Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc sẽ triển khai tàu tuần tra lớn nhất vào năm 2015. Hôm 13/12, truyền thông Trung Quốc đăng tải bức ảnh một chiếc tàu ở xưởng đóng tàu Jiangnan, Thượng Hải. Đây là chiếc tàu tuần tra biển đầu tiên của Trung Quốc vượt mốc trọng tải 10.000 tấn và đã gần hoàn thành công đoạn sơn ngoại thất. Tàu Haijing 2901, lớn hơn bất kì tuần tra biển nào của Nhật Bản và sẽ là con tàu tuần tra lớn nhất thế giới khi nó được đưa vào sử dụng. Theo kế hoạch, Haijing 2901 sẽ gia nhập lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc sớm nhất là vào mùa xuân năm 2015.

Trung Quốc tăng cường năng lực giám sát biển. Trung Quốc dự kiến tới năm 2020, nước này sẽ hoàn tất xây dựng một hệ thống quan sát ngoài khơi gồm nhiều trạm radar và vệ tinh. Theo bản hướng dẫn mà Cục Hải dương Quốc gia đưa ra ngày 17/12, hệ thống này - sẽ kiểm soát các vùng nước ven biển, khu vực ngoài khơi và vùng biển gần địa cực - là “nền tảng” để bảo vệ lợi ích trên biển của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ tiến hành xây dựng thêm các trạm quan sát đáy biển và trạm cảnh báo sóng thần.

Trung Quốc có kế hoạch trang bị súng bắn tia viba cho tàu tuần tra biển? Loại súng bắn tia viba do Trung Quốc chế tạo mang tên Poly WB-1, có tính năng phát ra một tia viba dày khoảng một ly. Khi bắn trúng người, tia viba sẽ làm đối tượng bị phỏng và đau đớn dữ dội. Khẩu súng có tầm bắn 80m, nhưng nếu tăng cường độ, có thể có tầm hoạt động hơn 1km. Theo tạp chí quốc phòng Anh IHS Jane, Trung Quốc đã giới thiệu loại súng Poly WB-1 bên lề Triển lãm Hàng không Airshow China 2014 ở Châu Hải vào tháng 11 vừa qua và Bắc Kinh được cho là có ý định phát triển thêm để có thể gắn loại súng này trên các tàu tuần tra. 

+ Philippines:

Tướng Philippines: 'Không quốc gia nào có quyền sở hữu Biển Đông.’ Trả lời câu hỏi của hãng NHK hôm 16/12 rằng liệu các hoạt động khẳng định chủ quyền tại biển Đông của Trung Quốc có dẫn đến một sự cố nghiêm trọng, Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines Gregorio Pio Catapang khẳng định, “Tôi hy vọng chúng ta sẽ không phải đối mặt với tình huống đó. Đó là lý do vì sao chúng tôi muốn cả thế giới hiểu chuyện gì đang xảy ra ở biển Đông. Trung Quốc đang hành động không theo cách mà cộng đồng quốc tế mong muốn. Tôi nghĩ thế giới sẽ cùng lên tiếng rằng những gì Trung Quốc đang làm (tại Biển Đông) là không có lợi cho thế giới. Bởi Biển Đông là cửa ngõ, là khu vực thương mại, và không thuộc quyền sở hữu của bất kỳ ai. Không quốc gia nào có quyền sở hữu riêng đối với vùng biển mở này.”

Philippines tuyên bố kế hoạch hiện đại hóa hải quân. Philippines dự kiến mua hai tàu khu trục nhỏ, hai trực thăng, ba pháo hạm trị giá 39 tỉ peso (872 triệu USD) cho hải quân nhằm nâng cao năng lực phòng vệ trên biển. Chuẩn Đô đốc Caesar Taccad, người phụ trách về hệ thống vũ khí Hải quân Philippines hôm 17/12 cho biết: “Những sự việc ở Biển Đông đặt ra nhu cầu cấp thiết cho việc mua sắm vũ khí.” Philippines đã khởi động một chương trình hiện đại hóa quân đội, kéo dài 15 năm với ngân sách khoảng hai tỷ USD. Theo ông Taccad, các nước như Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Pháp đang đề nghị cung cấp hai tàu khu trục tàng hình trang bị tên lửa trong khi Italia và Indonesia muốn nhận thầu sản xuất hai máy bay trực thăng chiến đấu chống ngầm cho Philippines.

+ Indonesia:

Tổng thống Indonesia khẳng định chiến lược hướng về biển. Phát biểu trong Ngày Quần đảo Indonesia (Nusantara Day of Indonesia) hôm 15/12, Tổng thống Widodo khẳng định biển sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với tương lai của Indonesia, và Indonesia cần phải thực thi chủ quyền biển phù hợp với khái niệm về trục biển toàn cầu. Tổng thống Indonesia cho biết nhằm tăng cuờng sức mạnh trên biển và khả năng bảo vệ chủ quyền, ngoài ưu tiên hàng đầu trong lĩnh vực quốc phòng cho lực lượng Hải quân, Chính phủ Indonesia sẽ chú trọng nâng cao hiệu quả bảo vệ an ninh và các nguồn tài nguyên biển, với việc nâng cấp về quy mô và chất lượng đội tàu tuần tra biển trong năm 2015. Ông Widodo cũng một lần nữa khẳng định sự cần thiết áp dụng biện pháp kiên quyết đánh chìm các tàu thuyền nước ngoài đánh bắt trộm cá trên các vùng biển của Indonesia.

Indonesia bắt giữ, đánh đắm 2 tàu Thái Lan đánh cá bất hợp pháp. Hải quân Indonesia cho biết đã lên chương trình ngày 21/12 để đánh đắm hai tàu đánh cá Century 4 và Century 5 của Thái Lan. Người phát ngôn Hải quân Indonesia, Phó Đô đốc Manahan Simorankir cho biết số phận hai tàu cá này đã được tòa án tỉnh Ambon phân xử và phán quyết rằng hai tàu này đã phạm tội đánh bắt trộm hải sản trong vùng biển của Indonesia. Theo ông Manahan Simorankir, các biện pháp trừng phạt nặng nề như trên là để các tàu đánh cá nước ngoài phải "suy nghĩ kỹ" và cân nhắc hậu quả trước khi xâm phạm vùng biển của Indonesia.

+ Ấn Độ:

Ấn Độ cung cấp cho Việt Nam tàu tuần tra cao tốc. Cựu Chuẩn Đô đốc AK Verma, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn Garden Reach Ship Engineering chuyên đóng các loại tàu buôn và tàu quân sự, hôm 19/12 cho hay công ty của ông đã gửi cho Việt Nam bản giới thiệu đặc trưng kỹ thuật của các tàu tuần tra cao tốc này. Theo ông AK Verma, đây những tàu có chiều dài 37 mét, ngắn hơn 13 mét so với các tàu cùng lớp của Hải quân Ấn Độ và Việt Nam muốn mua từ 7 đến 8 chiếc tàu loại này. Ấn Độ gần đây đã cho Việt Nam vay một khoản tín dụng 100 triệu USD để mua thiết bị quốc phòng và các chiếc tàu tuần tra nói trên sẽ nằm trong khuôn khổ khoản tín dụng đó.

+ Mỹ:

Mỹ thắt chặt việc giám sát hành động trên biển của Trung Quốc. Quốc hội Mỹ vừa thông qua một điều khoản yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ báo cáo thường xuyên về các động thái của Trung Quốc tại các khu vực biển tranh chấp. Điều khoản này nằm trong Dự luật chi tiêu ngân sách quốc phòng 2015 được Thượng viện Mỹ thông qua ngày 12/12. Theo điều khoản mới được bổ sung, trong vòng 180 ngày kể từ thời điểm Dự luật chi tiêu ngân sách quốc phòng 2015 có hiệu lực, Bộ Quốc phòng Mỹ phải đệ trình một báo cáo lên Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện và Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ về các hành động nhằm thay đổi hiện trạng của Trung Quốc tại Biển Đông và Hoa Đông, cũng như tác động của những động thái này đối với lợi ích an ninh của Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng phải trình bày cụ thể những sáng kiến song phương hoặc khu vực về xây dựng năng lực biển hoặc hải quân tại Châu Á-Thái Bình Dương.

Quan hệ các nước

Tòa Trọng tài ra Thông báo mới về vụ kiện của Philippines. Ngày 17/12, Tòa Trọng tài Thường trực (Permanent court of arbitration - PCA) ra thông cáo đề nghị đến ngày 15/3/2015, Philippines cần cung cấp những lập luận bổ sung bằng văn bản đối với vụ kiện “đường lưỡi bò” của nước này. PCA cũng yêu cầu Trung Quốc ngày 16/6/2015 phải trả lời các luận điểm mới mà phía Philippines đưa ra. Philippines sẽ được đề nghị giải đáp các tuyên bố chính thức mà phía Trung Quốc đưa ra liên quan đến vụ kiện. Theo thông cáo, PCA sẽ quyết định các bước tiếp theo của vụ kiện này, kể cả gia hạn cho việc đệ trình thêm luận cứ bằng văn bản và nghe trình bày vụ kiện, sau khi bàn bạc với cả Philippines và Trung Quốc.

Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ quân sự với các nước trong khu vực. Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, ông Harry B. Harris Jr hôm 18/12 khẳng định sẽ tiếp tục chiến lược của người tiền nhiệm với việc tăng cường quan hệ với Trung Quốc và các nước khác trong khu vực, bất chấp các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Theo ông Harris, việc Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông những năm gần đây đã khiến một số quốc gia trong khu vực phải coi Mỹ làm đồng minh an ninh. Đô đốc Harris cho hay ông đã thực hiện 19 chuyến thăm tới các quốc gia Thái Bình Dương trong năm nay, “Tôi không thể xem nhẹ giá trị các mối quan hệ sâu sắc này cùng những nỗ lực xây dựng năng lực với các đối tác như Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam”. Đô đốc Harris, sinh tại Nhật Bản, người Mỹ gốc Á đầu tiên đứng đầu Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ.

Ngoại trưởng Trung-Mỹ thảo luận về xây dựng quan hệ song phương. Ngoại trưởng Trung Quốc tối 21/12 đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ về nhiều vấn đề, trong đó có quan hệ Trung-Mỹ. Tại cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Barack Obama hồi tháng trước đã đạt được những kết quả quan trọng và thiết thực, tạo động lực mới cho việc xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới giữa hai nước. Ông Vương bày tỏ hy vọng hai bên có thể sớm hiện thực hóa sự đồng thuận, tăng cường trao đổi, và hợp tác, cũng như tôn trọng lợi ích cốt lõi của mỗi nước cùng các mối quan tâm chung nhằm đạt được những bước phát triển hơn nữa trong quan hệ song phương.

Phân tích và đánh giá

“Chiến lược Đơn điệu có thể giúp Trung Quốc ở Biển Đông?” của Joshua Philipp. Trung Quốc đang có lợi thế trong việc giành quyền kiểm soát Biển Đông, nhưng điều này ít được nhận thấy bằng việc đọc các trang báo. Lý do bắt nguồn từ đặc điểm đáng buồn trong giới báo chí. Về cơ bản, Trung Quốc đang tiến hành quá nhiều động thái ở biển Đông khiến việc đó không còn là tin tức nóng hổi nữa.

Vấn đề là dù Trung Quốc có yêu sách quyết đoán ở vùng biển này, nhưng hành động của Trung Quốc diễn ra tương tự ngày này qua ngày khác. Đối với các nhà báo, tính đơn điệu trong động thái của Trung Quốc có nghĩa là tin tức của ngày hôm nay không có khác biệt nhiều so với ngày hôm qua. Chính quyền Trung Quốc vẫn ra sức thúc đẩy yêu sách và tiến hành các cuộc xâm lấn tại vùng Biển Đông. Trung Quốc dường như nhận ra lợi thế của chiến lược đơn điệu. Cụ thể, nước này có vẻ nhận thấy rõ rằng tin tức báo chí sẽ chìm  xuống khi nó không có gì mới hay không hướng tới những vấn đề bị chỉ trích.

Vấn đề trên tương tự như vụ việc Trung Quốc tấn công mạng Google mà Google đã tiết lộ vào tháng 1 năm 2010. Hàng loạt các bản tin đã đăng tải về sự kiện này khi đó. Các chuyên gia an ninh gọi cuộc tấn công này là “Chiến dịch rạng đông – Operation Aurora”. Nhưng sau đó, tin tức về các cuộc tấn công đã nhanh chóng qua đi. Trong khi báo chí dừng đưa tin về các cuộc tấn công Google, các tin tặc Trung Quốc vẫn không ngừng tấn công nhằm vào Google. Vấn đề của giới báo chí khi đưa tin về nội dung trên là họ chỉ có thể lặp lại rất nhiều lần rằng “Trung Quốc vẫn đang tấn công Google”, cho đến khi độc giả cảm thấy không muốn đọc nữa.

Các nhà báo thường phải đối mặt với áp lực từ hai phía. Một trong những vai trò truyền thống của báo chí là hoạt động như một cơ quan giám sát – để báo động các vấn đề và cảnh báo cho công chúng và các nhà lập pháp. Đồng thời, đó cũng là một ngành công nghiệp hướng tới độc giả, nên nếu báo chí không thể tìm ra thông tin gì mới mẻ hay thú vị để đăng tải, họ sẽ khó mà duy trì được sự chú ý của độc giả đối với một chủ đề nào đó. Vấn đề trên dẫn đến hậu quả là khi áp lực từ báo chí và các làn sóng phản đối sau đó không đến được các nhà lập pháp, thì tình hình có xu hướng lắng xuống. Về vấn đề Biển Đông, hiện giờ chúng ta đang thấy rằng áp lực quốc tế đối với chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu suy giảm. Bản chất đáng buồn của báo chí, khi liên quan đến các sự kiện diễn ra trên thế giới, đó là đôi khi họ bớt đưa tin một số vấn đề nếu không có gì độc đáo xảy ra, ngay cả khi vấn đề đó có mối đe dọa nghiêm trọng đối với thế giới tự do – như các yêu sách quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông.

“Hải quân Trung Quốc đang thách thức Mỹ ở Châu Á?” của James R. Holmes. Lực lượng trên biển của Trung Quốc không chỉ là lực lượng hải quân mà còn bao gồm các căn cứ chiến lược ven biển của Trung Quốc cùng lực lượng tên lửa đạn đạo, máy bay chiến đấu từ đất liền. Có thể trong một trận thực chiến, Trung Quốc không đánh bại được các lực lượng hải quân Mỹ ở Châu Á. Ở một ý nghĩa khác, đó không phải điều quan trọng. Từ 40 năm trước, nhà chiến lược quân sự Mỹ Edward Luttwak đã nói, “uy lực hải quân” là ở cảm quan bên ngoài chứ không phải là một trận thắng bại đối thủ. Thông qua việc phô trương sức mạnh tàu chiến, máy bay, vũ khí để thuyết phục rằng quân đội của mình có thể giành chiến thắng. Trong thời đại hòa bình, hai bên đối đầu không cần giao tranh thực tế mà chỉ là khi đa số nhà quan sát nhận định ai sẽ thắng trong cuộc chiến, bên đó sẽ thắng. Các tàu chiến, máy bay và vũ khí có bề ngoài thu hút sẽ tiếp tục tạo thành ấn tượng phóng đại qua công chúng - nếu vậy thì rõ ràng Trung Quốc ở thế yếu hơn khi đối đầu với Mỹ.

Tuy nhiên, nếu đối đầu với hải quân Mỹ, hải quân Trung Quốc có thể thông qua việc răn đe để gây tổn hại đến ưu thế của quân Mỹ. Washington khó duy trì được quy mô hải quân hiện nay, nếu tàu chiến bị tổn thất lớn trong chiến đấu, nếu cần thay thế thì sẽ thế nào? Mỹ có thể tổn thất bao nhiêu lực lượng hải quân mà vẫn giữ được vị thế siêu cường? Hải quân Mỹ cần bao lâu để phục hồi? Nguồn kinh phí bổ sung lấy từ đâu? Nếu đặt câu hỏi như vậy, ở thời khắc quyết định, lãnh đạo Mỹ sẽ do dự, thậm chí từ bỏ đối đầu. Đây chính là răn đe, là phương thức để kẻ yếu thách thức kẻ mạnh hơn.

Kết luận rút ra là, người Mỹ không nên để quan niệm buộc phải thắng trong cuộc chiến tàu ngầm hay bất kỳ lĩnh vực tác chiến nào làm lu mờ các phán đoán chính trị. Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh quan trọng có thực lực không thể xem nhẹ, hơn nữa, Trung Quốc cũng có khả năng thắng. Có 3 phương thức chiến thắng đối thủ trong chiến tranh. Thứ nhất là dùng sức mạnh đánh bại kể thù. Hai cách còn lại, liên quan đến đòn tâm lý với đối thủ, phù hợp với cạnh tranh thời bình. Bắc Kinh rất giỏi trong chiến tranh tâm lý. Thể hiện sức mạnh đúng lúc, đúng chỗ để làm nhụt chí đối thủ, đó chính là “không đánh mà thắng”. Hoặc nếu buộc đối thủ nếu muốn thắng lợi, sẽ phải trả giá nhiều hơn khả năng có thể chịu. Kẻ yếu có thể chiến thắng kẻ mạnh, Trung Quốc có nhiều lựa chọn và có thể có cơ hội thành công.

"Indonesia đang đùa với lửa ở Biển Đông" của Carl Thayer. Ngày 5/12, tân Tổng thống Indonesia ra lệnh cho lực lượng chức năng nước này đánh chìm 3 tàu cá Việt Nam mà Indonesia cho là đánh bắt bất hợp pháp trong vùng biển gần quần đảo Anambas. Sự cố này đã được các phương tiện truyền thông đưa tin rộng rãi. Ngày hôm sau Jakarta chính thức công bố chính sách mới của mình và gọi nó là "liệu pháp sốc cho những người đánh bắt bất hợp pháp". Theo Bộ trưởng Điều phối các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh Tedjo Edhy Purdijatno, Jakarta đang có ý định chứng minh sự cứng rắn, thậm chỉ chuẩn bị đánh chìm 5 tàu cá Thái Lan bị họ bắt giữ gần West Kalimantan sau khi Tổng thống Widodo công bố "liệu pháp sốc." Trong thời hạn 5 ngày kể từ khi công bố "liệu pháp sốc" của Tổng thống Widodo, Indonesia đã bắt giữ 155  tàu cá nước ngoài. Bộ trưởng Bộ Biển và Thủy sản Indonesia Susi Pudjiastuti nói rằng "liệu pháp sốc" của nước này đã làm giảm đáng kể số lượng tàu cá nước ngoài hoạt động xung quanh đảo Natuna.

Tuy nhiên "liệu pháp sốc" của Joko Widodo đang đặt ra câu hỏi về ứng xử với "đồng minh chính trị và ngoại giao lâu năm của Indonesia, đó là Việt Nam." Ngày 27/6/2013, Indonesia và Việt Nam công khai tuyên bố 2 nước nâng mối quan hệ song phương lên đối tác chiến lược. Điều 10 và 11 của Tuyên bố chung công bố quan hệ đối tác chiến lược đã nêu rõ: (10) Hai nhà lãnh đạo ghi nhận những tiến bộ trong hợp tác nghề cá và nuôi trồng thủy sản và nhấn mạnh sự cần thiết cho cả hai nước tiếp tục thực hiện Biên bản ghi nhớ về hợp tác hàng hải và Thủy sản (2010) để khai thác hơn nữa tiềm năng cao về hợp tác trong lĩnh vực này và để giải quyết vấn đề đánh bắt bất hợp pháp, không được kiểm soát và không được báo cáo, bao gồm cả việc sắp xếp trao trả ngư dân bị bắt; (11) Hai nhà lãnh đạo chỉ đạo nhóm kỹ thuật tiến hành cuộc thảo luận nhằm sớm kết thúc hoạt động phân định vùng đặc quyền kinh tế. Và để không ảnh hưởng đến việc giải quyết cuối cùng của hoạt động  phân định biên giới trên biển, khuyến khích cả hai bên để tìm một giải pháp tạm thời để tạo điều kiện hợp tác trên biển và các vấn đề nghề cá. Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, hai bên đã đồng ý phối hợp chặt chẽ trong việc đối phó với các vấn đề liên quan đến ngư dân và tàu cá xâm lấn vùng biển của mỗi bên trên cơ sở nhân đạo và hữu nghị.

Trong năm qua chưa có con số nào về các tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép ở vùng biển nhạy cảm xung quanh đảo Natuna được công bố. Năm nay các nhà phân tích nước ngoài cho biết, tàu cá Trung Quốc tiến vào cả vùng lãnh hải, thậm chí vào tận cửa sông của đảo Natuna, Indonesia. Điều này khiến một số nhà quan sát cho rằng chính sách "liệu pháp sốc" của Joko Widodo là một tín hiệu đến Trung Quốc về việc nước này cần kiềm chế các hoạt động xâm nhập. "Liệu pháp sốc" của Joko Widodo cũng đặt ra câu hỏi về chủ nghĩa dân tộc cực đoan hẹp hòi đang điều khiển chính sách.

Nhà báo Farish Noor bình luận trên tờ New Straits Times của Malaysia, những phiền toái từ sự việc Indonesia đánh chìm 3 tàu cá Việt Nam là một kiểu phô trương thanh thế cứng rắn, vượt qua giới hạn và đi ngược lại tinh thần đối thoại của ASEAN. Đánh cá bất hợp pháp là vấn đề của cả ASEAN đang phải đối mặt chứ không riêng gì Indonesia. Jakarta sẽ cảm thấy thế nào nếu các nước khác trả đũa và đốt cháy tàu cá Indonesia? Chuyên gia pháp lý Indonesia Fans Hendra Winarta, cũng đồng tình với quan điểm của nhà báo Farish Noor, cho rằng Tổng thống Joko Widodo đã bất cẩn khi cho đốt cháy tàu cá nước ngoài vì điều này chỉ làm tăng căng thẳng chính trị với các thành viên khác của ASEAN trước sự kiện hình thành Cộng đồng ASEAN. Ông Winarta xem vụ Indonesia đánh chìm 3 tàu cá Việt Nam là một kiểu biểu dương lực lượng và vận động chính trị tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri trong nước.

Một bài bình luận khác trên tờ The Straits Times của Singapore thì cho rằng, sự phụ thuộc của ông Joko Widodo vào chủ nghĩa dân tộc cực đoan để chống đỡ cho chính phủ mới có thể tốt trong nước nhưng sẽ gây xích mích không cần thiết trong quan hệ song phương lâu dài với các nước láng giềng và làm suy yếu quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN.

“Ông Tập Cận Bình và tham vọng thay đổi trật tự thế giới?” của Claire Groden. Tháng trước, Trung Quốc đã thể hiện cho cộng đồng quốc tế thấy mặt hợp tác của mình. Nước này ký với Mỹ một thỏa thuận về khí hậu đầy tham vọng và tham gia vào vòng đàm phán P5+1 tại Vienna nhằm bàn thảo về tương lai của chương trình hạt nhân Iran. Bắc Kinh cũng đáp lại lời kêu gọi của Liên Hợp Quốc về hỗ trợ cuộc chiến chống Ebola tại Tây Phi bằng việc gửi một đơn vị quân đội và nhân viên cứu trợ tinh nhuệ của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) tới đây. Khi đề cập đến vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc trong các khủng hoảng quốc tế, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nói như sau: “Đó là vai trò lãnh đạo toàn cầu, và đó là điều hết sức quan trọng, và chúng tôi mong chờ được hợp tác với Trung Quốc”.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Trung Quốc cam kết hoàn toàn vào trật tự thế giới của phương Tây. Tuần trước, Trung Quốc đã chính thức từ chối không tham gia vụ kiện của Philippines tại Biển Đông. Lập trường cứng rắn của ông Tập Cận Bình trên Biển Đông cho thấy Trung Quốc chỉ muốn tham gia vào hợp tác quốc tế khi việc này phục vụ lợi ích của mình. Ví dụ, Bắc Kinh bày tỏ mong muốn tham gia chống khủng bố quốc tế bởi cũng ngày càng lo ngại về tình hình khủng bố trong nước tại khu vực Tân Cương đầy bất ổn. Trung Quốc hỗ trợ cho cuộc chiến chống Ebola tại các nước Châu Phi có lý do rõ ràng bởi nước này đang có nhiều dự án đầu tư tại đây. Và việc giảm thiểu khí thải carbon cũng nằm trong mục tiêu của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bắc Kinh hy vọng chuyển đổi nền kinh tế Trung Quốc từ công nghiệp chế tạo sang các ngành công nghiệp cao hơn, và ô nhiễm không khí cũng là một vấn đề chính trị nhức nhối đối với Trung Quốc.

Dĩ nhiên, không chỉ có Trung Quốc vì lợi ích tốt nhất của mình mà tham gia vào các cam kết quốc tế. Nhưng các quốc gia khu vực cần nhớ rằng một hệ thống quốc tế lý tưởng mà Trung Quốc mong muốn không giống với hệ thống hiện tại, do phương Tây xây dựng nên. Trong một bài phát biểu của ông Tập ngày 29/11, ông đã đề cập về mong muốn “cải tổ hệ thống quốc tế và quản trị toàn cầu, và tăng sự hiện diện và tiếng nói của Trung Quốc và các quốc gia đang phát triển.” Một Liên Hợp Quốc lý tưởng của Bắc Kinh là đặc biệt coi trọng đến vấn đề chủ quyền – điều này sẽ có lợi cho một quốc gia mà không để tâm nhiều đến nhân quyền và có đủ sức mạnh kinh tế để uy hiếp các quốc gia láng giềng của mình. Trung Quốc rõ ràng đang tỏ ra thân thiện với cộng đồng quốc tế, và cùng với đó, họ cũng muốn định hình lại trật tự của thế giới.

“Trung Quốc với ván cờ vây tại Biển Đông” của Alexander Vuving. Hình ảnh vệ tinh được tạp chí tin tức quốc phòng IHS Jane’s phân tích cho thấy Trung Quốc đang cải tạo Đá Chữ Thập tại quần đảo Trường Sa thành một mảnh đất có thể xây dựng được một sân bay dài 3.000 mét với một cảng đủ lớn để có thể neo đậu tàu chở và tàu chiến lớn. Đây không phải là hành động đầu tiên, mà là hành động mới nhất trong chuỗi hành động cải tạo đất mà Trung Quốc đang tiến hành ở cả quần đảo Hoàng Sa lẫn Trường Sa trên Biển Đông.

Vậy Trung Quốc muốn gì với việc cải tạo hòn đảo này? Mục tiêu cuối cùng của các dự án cải tạo này là gì? Lăng kính mà chúng ta thường dùng để giải mã các động thái chiến lược trên trường quốc tế sẽ không phù hợp cho việc trả lời những câu hỏi này. Nó coi cuộc chơi của các quốc gia là một “ván cờ vua”, nhưng Trung Quốc lại đang chơi “ván cờ vây” tại Biển Đông.

Rõ ràng là khi nhìn vào ván bài này từ góc độ cờ vua, chính một nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ đã nói “các cường quốc không gây chiến vì những hòn đá”, và một học giả hàng đầu của Trung Quốc về các vấn đề quốc tế kết luận rằng “những căng thẳng này giữa một cường quốc mới nổi và các nước láng giềng của nó là tự nhiên và không gây ra mối đe dọa lớn nào tới cán cân quyền lực toàn cầu, thậm chí không gây đe dọa tới chức năng vận hành bình thường của hệ thống quốc tế”.

Nhưng trong con mắt của người chơi cờ vây, điều mà Trung Quốc đã làm ở Biển Đông là một ví dụ kinh điển về cách thức làm chủ lối chơi này. Mục tiêu tối thượng là giành được quyền kiểm soát khu vực này. Chiến dịch để đạt được mục tiêu này phụ thuộc vào sự bành trướng dần dần, chứ không phải là các trận chiến lớn. Sự bành trướng dần dần này là một công cuộc kéo dài đã diễn ra trong nhiều thập kỷ. Phù hợp với chiến lược này là các chiến thuật ưa thích như “cắt lát salami” và “ngoại giao cây gậy nhỏ”. Lôgích cơ bản là dịch chuyển dần dần mọi thứ theo hướng có lợi cho sự thống trị của Trung Quốc bằng cách kín đáo điều khiển sự bố trí chiến lược của khu vực.

Chiến lược này cần đến một số yêu cầu, mà mỗi một yêu cầu trong số đó được xây dựng trên cái còn lại. Yêu cầu đầu tiên là tránh các cuộc tấn công vũ trang công khai càng nhiều càng tốt; có thể khởi xướng xung đột, nhưng chỉ nhằm lợi dụng một tình huống có lợi đang tồn tại. Hai là kiểm soát phần lớn các vị trí chiến lược trên biển: nếu chưa sở hữu được thì phải bí mật chiếm giữ các vị trí này nếu có thể và trong phạm vi một cuộc xung đột có giới hạn nếu cần thiết. Ba là xây dựng các vị trí này thành các điểm kiểm soát mạnh mẽ, các trung tâm hậu cần sôi nổi và các căn cứ triển khai sức mạnh hiệu quả.

Với các hòn đảo có vị trí chiến lược và đang được mở rộng, Trung Quốc có tiềm năng hơn bất kỳ một cường quốc nào trong việc giành ưu thế không quân và hải quân tại Biển Đông. Dù vẫn còn một chặng đường dài phải đi, nhưng cũng không khó tưởng tượng ra trong hai thập kỷ tới Bắc Kinh sẽ “rải đầy” các căn cứ trên Biển Đông, kéo dài từ quần đảo Hoàng Sa ở phía Tây Bắc cho đến bãi Vành khăn ở phía Đông Nam, và từ bãi cạn Scarborough ở Đông Bắc cho tới Đá Chữ Thập phía Tây Nam.

Đại chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông là một chiến lược thông minh lợi dụng điểm yếu của các chiến lược dựa trên những trận chiến lớn, hai trong số đó là khái niệm Tác chiến trên không – trên biển, khái niệm tác chiến hàng đầu của Mỹ nhằm loại bỏ các khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực của Trung Quốc, và lựa chọn thay thế chính là khái niệm Kiểm soát ngoài khơi. Nhưng chiến lược bành trướng dần dần này còn lâu mới hoàn hảo. Nó có thể bị phá hỏng nếu Mỹ, Việt Nam và một số cường quốc khu vực khác cũng thạo thuật cờ vậy như Trung Quốc./.