“Biển Đông” có lẽ là cụm từ mà người ta nhắc đến nhiều nhất những năm gần đây. Không chỉ bởi vùng biển này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với khu vực và thế giới, mà còn bởi căng thẳng ở đây ngày một nóng lên, tiềm ẩn các nguy cơ xung đột vũ trang. Không có gì ngạc nhiên khi Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) xếp Biển Đông vào trong top 10 khu vực có nguy cơ xảy ra xung đột mà các nhà hoạch định chính sách Mỹ cần ưu tiên ngăn chặn trong năm 2015. Căng thẳng ở các vùng biển này chủ yếu là do lối hành xử đầy quyết đoán của Trung Quốc, dựa trên yêu sách “đường lưỡi bò” bao trọn gần toàn bộ Biển Đông. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc phòng Mỹ đã thống kê  hơn 1.200 hoạt động quân sự, bán quân sự, pháp lý, kinh tế quản lý hành chính các bên yêu sách ở Biển Đông thực hiện từ năm 1995 tới năm 2013. Trong số đó, hành động của Trung Quốc chiếm khoảng 55% với mức độ quyết đoán ngày càng tăng kể từ năm 2009.

Một mặt, Trung Quốc cam kết xây dựng mối quan hệ hữu hảo với các nước láng giềng, không ngừng đưa ra các sáng kiến hợp tác và thúc đẩy kết nối khu vực. Tại hội nghị về công tác đối ngoại ở khu vực ngoại vi diễn ra từ ngày 24-25/10/2013 ở Bắc Kinh, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, “Chủ trương cơ bản trong chính sách ngoại giao với các nước láng giềng là coi họ như những người bạn và đối tác, tạo cảm giác an toàn cho họ và giúp họ cùng phát triển.” Mặt khác, Trung Quốc lại liên tục hành xử quyết đoán trên biển khiến các nước trong khu vực hết sức quan ngại. Tại sao Trung Quốc lại hành xử đầy mâu thuẫn như vậy? Đây là một câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp.

Báo cáo nhan đề “Những Chủ thể An ninh Biển Khó Đoán biết của Trung Quốc” do Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc tế Lowy (Úc) công bố hôm 11/12/2014 phần nào giải đáp cho câu hỏi trên. Báo cáo có độ dài 51 trang do chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc hàng đầu của Viện Lowy, bà Linda Jakobson thực hiện. Trước khi tới Úc vào năm 2011, bà Jakobson đã công tác tại Trung Quốc trong 20 năm và từng đảm nhận chức vụ Giám đốc của Chương trình Trung Quốc và An ninh Toàn Cầu và nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm từ năm 2009-2011. Bà đã xuất bản 6 cuốn sách về Trung Quốc và các quốc gia Đông Á.

Một số nhà phân tích cho rằng cách hành xử trên biển của Trung Quốc bắt nguồn từ một chiến lược tổng thể, có hệ thống, được tính toán kỹ lưỡng mà giới lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc thông qua. Tuy nhiên, tác giả Jakobson lập luận rằng những hành động trên biển gần đây của Trung Quốc không phải nằm trong một chiến lược tổng thể nhằm đạt được các mục tiêu định sẵn. Các vấn đề trong hệ thống chính trị cùng sự phân quyền ở Trung Quốc đã tạo cơ hội cho các chủ thể an ninh biển thúc đẩy nghị trình riêng của mình, đặc biệt là ở Biển Đông, khiến tình hình trở nên căng thẳng. Trong bối cảnh chính trị đầy màu sắc dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc, ông Tập - dù thể hiện hình ảnh là một lãnh đạo mạnh mẽ - cũng không thể phản đối những hành động dưới danh nghĩa bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc.

Theo tác giả Jakobson, muốn hiểu được chính sách và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, điều quan trọng là cần phải nắm rõ vai trò của các chủ thể có tác động đến quá trình hoạch định và thực thi chính sách của nước này. Báo cáo chia các chủ thể này thành 2 nhóm: (i) Nhóm các cơ quan chính thống xây dựng chính sách an ninh và đối ngoại: bao gồm các tổ chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, các cơ quan chính phủ và quân đội Trung Quốc; và (ii) Nhóm các chủ thể “bên lề”: bao gồm các tỉnh và thành phố ven biển, cơ quan chấp pháp, các tập đoàn kinh tế, ngư dân và các cơ quan tuyên truyền, giới nghiên cứu, phân tích với vai trò định hình dư luận.

Trong nhóm thứ nhất, cơ quan ra quyết sách tối cao ở Trung Quốc là Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm bảy thành viên, trong đó người đứng đầu và có quyết định quan trọng nhất là ông Tập Cận Bình. Bên cạnh ông Tập các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, có ba nhân vật hoạch định chính sách rất quan trọng trong lĩnh vực an ninh biển, không nắm giữ một chức vụ trong chính phủ, đó là: (i) ông Vương Hồ Ninh, y viên Bộ Chính trị, lãnh đạo Văn phòng Nghiên cứu Chính sách Ủy ban Trung ương Đảng - người từng là cố vấn kỳ cựu sau hậu trường cho các vị lãnh đạo như ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào; (ii) ông Lật Chiến Thư, lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng - cơ quan phụ trách việc kiểm soát thông tin tới các lãnh đạo cấp cao và quản lý lịch công tác của họ; và (iii) ông Lưu Kỳ Bảo, Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương - cơ quan định hình ý kiến dư luận về các chính sách an ninh biển. Ngoài ra, báo cáo cũng nhắc đến các quan chức quan trọng khác của Đảng trong vấn đề an ninh biển như bí thư tỉnh ủy các tỉnh ven biển (ví dụ như Hồ Xuân Hoa của Quảng Đông là một trong sáu bí thư tỉnh ủy nằm trong Bộ Chính trị; La Bảo Minh, Bí thư Tỉnh Hải Nam thành viên của Ủy ban Trung ương Đảng).

Dưới Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị là các Tiểu ban lãnh đạo của Ủy ban Trung ương Đảng do một thành viên của Ủy ban Thường vụ đứng đầu, có nhiệm vụ cân nhắc, dự thảo, phối hợp chính sách trong các vấn đề quan trọng và báo cáo lên Ủy ban Thường vụ. Ông Tập được cho là người đứng đầu Tiểu ban lãnh đạo về an ninh quốc gia, về đối ngoại và về các vấn đề biển. Tiếp theo là các bộ, ban, ngành của chính phủ liên quan đến biển như: Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Cục Quản lý Nghề cá thuộc Bộ Nông nghiệp, Cục Hải dương Quốc gia thuộc Bộ Tài nguyênĐất đai, Cục An toàn Hàng hải thuộc Bộ Giao thông vận tải, Bộ Bảo vệ Môi trường, Tổng cục Hải quan… Giữa những cơ quan này thường có sự chồng chéo về thẩm quyền trong một số vấn đề biển, khiến quá trình ra quyết sách trở nên phức tạp, dẫn đến những phản ứng chậm chạp hoặc chính sách trái ngược nhau.

Trong các cơ quan chính phủ, Bộ Ngoại giao là một trong số ít cơ quan của Trung Quốc có kinh nghiệm giải quyết các vấn đề quốc tế nhưng theo đánh giá của tác giả Jakonson nhìn chung đây vẫn là một “Bộ yếu”. Điều này tương tự nhận định trong báo cáo “Stirring up the South China Sea” mà Nhóm Nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế (ICG) công bố vào tháng 4/2012 rằng Bộ Ngoại giao tuy giữ trách nhiệm xây dựng và thực thi chính sách đối ngoại của Trung Quốc nhưng vai trò lãnh đạo, trách nhiệm và quyền lực đối với hầu hết vấn đề chính sách đối ngoại mang tính chiến lược phần lớn bị các cơ quan có nhiều quyền lực hơn qua mặt.

Quân đội Trung Quốc ngày có vai trò quan trọng cả về chính trị và hoạt động thực tiễn. Dù Trung Quốc chủ yếu dựa vào lực lượng chấp pháp dân sự để tăng cường sự hiện diện trên biển nhưng các tàu của Hải quân Trung Quốc thường xuyên tuần tra các khu vực biển mà nước này yêu sách, đồng thời có nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài cho các tàu chấp pháp. Các lãnh đạo quân đội Trung Quốc có lợi ích trong việc cố gắng định hình quan điểm của giới lãnh đạo cấp cao về các vấn đề an ninh biển bởi họ chủ trương bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc một cách mạnh mẽ hơn và lâu dài so với bất kỳ của các chủ thể nào khác.

CÁC CHỦ THỂ “BÊN LỀ”

Chủ thể đầu tiên trong nhóm thứ hai mà báo cáo đề cập là chính quyền các tỉnh, thành phố ven biển. Lãnh đạo tỉnh rất có quyền lực. Họ ít nhất ngang cấp với bộ trưởng trong chính phủ đôi khi nắm giữ vị trí cao hơn trong Đảng. Các tỉnh cũng có quyền thông qua các luật lệ quy định riêng, miễn không đi ngược lại các luật lệ quy định quốc gia. Điều này khiến các chính quyền địa phương các tỉnh ven biển có thẩm quyền rất lớn trong lĩnh vực biển. Báo cáo dẫn ra một ví dụ và cho rằng, nhiều khả năng chính quyền trung ương đã không được tham vấn khi tỉnh Hải Nam công bố quy định mới về quản lý trật tự trị an khu vực biên giới và ven biển hiệu lực vào 1/1/2013, cho phép các đơn vị công an kiểm tra, bắt giữ, hoặc trục xuất tàu nước ngoài xâm phạm bất hợp pháp vùng biển thuộc quyền tài phán của tỉnh này.

Thứ hai là lực lượng chấp pháp trên biển của Trung Quốc, gồm 5 con rồng: Cảnh sát biển, Hải giám, Ngư chính, Cảnh sát biển chống buôn lậu và Cục an toàn hàng hải. Do các cơ quan này chồng chéo thẩm quyền, phối hợp kém hiệu quả nên tháng 3/2013, Trung Quốc đã quyết định hợp nhất 4 lực lượng trong số này thành một lực lượng duy nhất là Cục Cảnh sát biển. Trong khi Cục Hải dương Quốc gia quản lý về hành chính đối với Cảnh sát biển thì lực lượng này lại nhận các chỉ đạo” hoạt động từ Bộ Công an. Cục trưởng Cục Hải dương Quốc gia từ năm 2007 - ông Lưu Tứ Quý - đã không được trao quyền lãnh đạo lực lượng Cảnh sát Biển mới được hợp nhất, trong khi một nhân vật cấp cao khác trong Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an Mạnh Hồng Quân lại được bổ nhiệm làm cục trưởng và bí thư của Cục Cảnh sát Biển. Ông Mạnh cũng đảm nhiệm chức vụ cục phó của Cục Hải dương Quốc gia. Chính những đấu tranh quyền lực đằng sau quá trình hợp nhất khiến việc quản lý “Cảnh sát biển Trung Quốc” trở thành một “cơn ác mộng.”

Chủ thể an ninh biển thứ ba là các tập đoàn thương mại lớn. Các công ty năng lượng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, thậm chí ngay cả các công ty vẽ bản đồ cũng được hưởng lợi từ việc Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ các yêu sách biển. Báo cáo khẳng định có một mối quan hệ chặt chẽ giữa các tập đoàn của nhà nước và Đảng Cộng sản bởi nhân sự cấp cao của các tập đoàn này đều do Ban Tổ chức Trung ương Đảng chỉ định. Đáng chú ý nhất trong số các tập đoàn nhà nước là Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Quốc gia (CNOOC) với vai trò là một chủ thể an ninh biển quan trọng, vừa là cơ quan phối hợp với các chủ thể khác. Chủ tịch CNOOC Vương Nghi Lâm từng tuyên bố giàn khoan HD-981 là “lãnh thổ di động của quốc gia” và “vũ khí chiến lược” để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp khai thác dầu khí xa bờ. Theo báo cáo, CNOOC cũng có hoạt động hợp tác với các chủ thể khác như cùng Bộ Nông nghiệp, Cảnh sát Biển Trung Quốc, chính quyền tỉnh Hải Nam nhằm tổ chức các hoạt động khôi phục nguồn cá tại vùng biển quanh Quần đảo Hoàng Sa.

Chủ thể thứ tư là ngư dân Trung Quốc. Đây là lực lượng thường xuyên xuất hiện và cũng là trung tâm trong các vụ va chạm trên biển Hoa Đông và Biển Đông. Báo cáo cho rằng có sự hợp tác giữa ngư dân và các lực lượng chấp pháp hoặc hải quân trong một số vụ việc, tuy nhiên việc chính quyền Trung Quốc có sử dụng ngư dân như một công cụ để thúc đẩy yêu sách trong các vùng tranh chấp không thì vẫn chưa có đủ bằng chứng để khẳng định.

Chủ thể cuối cùng được xét đến là các cơ quan tuyên truyền của đảng và chính phủ, giới nghiên cứu, bình luận và cả những blogger với vai trò định hình dư luận. Các lãnh đạo Trung Quốc hiểu rất rõ rằng nếu để sự bất mãn của dân chúng tăng cao, nó sẽ khiến người ta đặt dấu hỏi về năng lực cai trị của Đảng. Họ lo ngại sự bất mãn biến thành biểu tình trên đường phố. Vì thế, khi có sự cố ngoại giao nào liên quan đến Trung Quốc và Mỹ hay Trung Quốc và Nhật Bản, hoặc động chạm đến những vấn đề nhạy cảm như chủ quyền, Đài Loan hay Tây Tạng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc, dù ở mức độ tối thiểu nào đó, vẫn phải để tâm đến ý kiến dư luận.

SỰ TƯƠNG TÁC PHỨC TẠP GIỮA CÁC CHỦ THỂ

Tương tác giữa các chủ thể, cùng văn hóa chính trị của Trung Quốc, sẽ quyết định chính sách của Trung Quốc trong các vấn đề trên biển. Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị chịu trách nhiệm phác họa những đường nét chung nhất về chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Dựa trên những định hướng cơ bản này, các tổ chức thấp hơn của Đảng và các cơ quan chính phủ xây dựng các chính sách cụ thể và các hướng dẫn thực hiện. Các định hướng mà Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị thông qua sẽ trở thành văn kiện chính sách.

Tuy nhiên, các văn kiện này thường là những mô tả chung chung với cách diễn đạt mơ hồ, nên hoàn toàn có thể bị lợi dụng nhằm biện minh cho một loạt các mục tiêu chính sách đôi khi mâu thuẫn nhau. Ngoài ra, việc thực thi chính sách cụ thể do các cấp thấp hơn trong chính phủ đảm nhiệm, vì thế các chủ thể an ninh biển càng có nhiều dư địa tác động đến các cơ quan hoạch định chính sách. Ví dụ, các quan chức quân đội cấp cao, lãnh đạo các tỉnh và các doanh nghiệp quốc doanh lớn - những người được tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao và các phụ tá của họ - luôn tìm cách lồng ghép lợi ích của mình vào trong những văn bản chỉ đạo được ông Tập hay các thành viên của Ủy ban Thường vụ hoặc Bộ Chính trị thông qua. Hoặc họ sẽ tranh thủ vận động hành lang để đảm bảo rằng ngày càng có nhiều hơn các chỉ thị chính sách cụ thể được thực thi phù hợp với lợi ích của họ.

Ở Trung Quốc, sự cạnh tranh giữa các bộ ngành, giữa các cơ quan chính quyền trung ương và địa phương, giữa các quan chức trong cùng một cơ quan chính phủ đang diễn ra ngày một gay gắt. Các cơ quan của các bộ ban ngành riêng rẽ thường không chia sẻ thông tin với nhau và cũng không có ý muốn hợp tác. Trên thực tế, có những lúc hai cơ quan chính phủ không có sự giao tiếp, trao đổi với nhau. Việc xuất bản bản đồ ở Trung Quốc là một ví dụ cho thấy sự phối hợp yếu kém này. Cục Hàng hải và bản đồ của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Trung Quốc đã hoàn thành bản đồ mà tờ Nhân dân Nhật báo gọi là “tấm bản đồ hoàn chỉnh và chính xác” đầu tiên của Trung Quốc về cấu tạo địa chất của Biển Đông (trong đó có đường Chín đoạn) vào năm 2012. Sau đó 7 tháng, Nhà xuất bản bản đồ Trung Quốc SinoMaps Press, thuộc Cục Đo đạc và Bản đồ, đã cho xuất bản một bản đồ với đường 10 đoạn. Báo cáo cho rằng việc làm này không hề thay đổi yêu sách của Trung Quốc, nhưng đoạn thứ mười thêm vào đã gây quan ngại không cần thiết đối với các nước trong khu vực.

Giữa giới chức địa phương và trung ương Trung Quốc cũng có sự tương tác kéo-đẩy liên tục. Các quan chức địa phương ủng hộ các dự án có thể đem lại thu nhập và việc làm nên sẽ không mong muốn các quan chức trung ương tham gia vào quá trình hoạch định chính sách của họ. Do đó, họ thường chỉ “báo cáo khi sự đã rồi”, thay vì tìm kiếm chấp thuận từ trước. Theo báo cáo, trong trường hợp của Tam Sa, Bộ Ngoại giao đã phải tìm cách hãm phanh các quan chức địa phương quá nhiệt huyết. Đối với Con đường Tơ lụa Trên biển, nếu tỉnh Hải Nam thực hiện theo cách thức của mình, Con đường Tơ lụa Trên biển có lẽ sẽ kéo dài đến tận Bãi ngầm James (James Shoal) ở quần đảo Trường Sa.

Sau khi phân tích một loạt chủ thể an ninh biển quan trọng của Trung Quốc và sự tương tác giữa những chủ thể này, tác giả Jakobson đã đưa ra một số kết luận quan trọng như sau:

  • Quân đội Trung Quốc đang đóng một vai trò điều phối tích cực hơn các lực lượng chấp pháp trên biển của Trung Quốc. Có xu hướng tăng cường hợp tác giữa PLA và lực lượng chấp pháp dân sự. Sau sự kiện giàn khoan HD-981 tháng 5 năm 2014, PLA đã tập trung nghiêm túc hơn vào mô hình phối hợp giữa dân sự-quân sự. Mùa hè năm 2014, PLA đã tổ chức một cuộc diễn tập ở vùng biển gần với Việt Nam, mô phỏng kịch bản một giàn khoan bị các tàu đánh cá nước ngoài bao vây với sự tham gia của hơn 10 đơn vị quân đội các khu vực hành chính địa phương, bao gồm lực lượng không quân của Hải quân, Ngư chính, Cảnh sát Biển lực lượng dân quân biển.
  • Việc hợp nhất các lực lượng chấp pháp biển của Trung Quốc vẫn chưa hoàn tất. Báo cáo cho rằng sự hợp nhất này chưa thực sự diễn ra dù tháng 7/2013, truyền thông Trung Quốc đã công bố hình ảnh về các tàu chấp pháp với dòng chữ “Cảnh sát biển” cùng các nhân viên trong đồng phục mới.
  • Các hành động trên biển của Trung Quốc không mang tính hệ thống, không nằm trong một chiến lược tổng thể có tính toán. Lối hành xử mâu thuẫn của Trung Quốc chủ yếu do những chủ thể an ninh biển luôn tìm cách thúc đẩy giới hạn cho phép, lợi dụng những chỉ đạo rất rộng của trung ương về việc bảo vệ quyền lợi biển, để lồng ghép vào đó các nghị trình hành động riêng. Các chủ thể cạnh tranh lẫn nhau, tận dụng mọi cơ hội để đạt được các lợi ích kinh tế và khuếch trương ảnh hưởng. Điều đó khiến cách hành xử của Trung Quốc trở nên khó lường.

Liên quan đến vụ việc giàn khoan HD-981, báo cáo cung cấp cho người đọc một số thông tin khá thú vị. Ví dụ như có nguồn tin cho rằng kế hoạch kéo giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam vào tháng 5/2014 sẽ không thể triển khai được nếuy viên Quốc Vụ Viện phụ trách đối ngoại Dương Khiết Trì không thông qua kế hoạch này và đệ trình lên Tiểu ban lãnh đạo về các vấn đề biển. Ông Dương là người đứng đầu Văn phòng giúp việc cho Tiểu ban lãnh đạo về an ninh quốc gia, đối ngoại và có thể bao gồm cả vấn đề biển. Các kế hoạch triển khai giàn khoan ở Hoàng Sa, theo như tác giả Jakobson, đã nhiều lần được đề lên, nhưng người tiền nhiệm của ông Dương là Đới Bỉnh Quốc đã bác không trình lên cấp cao. Ông Dương quyết định thông qua kế hoạch này vì việc bảo vệ chủ quyền biển đang được nâng lên trong bối cảnh chính trị Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình; đồng thời ông cũng muốn để thể hiện bản chất dân tộc chủ nghĩa của mình và tăng cường uy tín với các chủ thể có lợi ích liên quan.

Trong bối cảnh quá trình hợp nhất của lực lượng cảnh sát biển còn nhiều phức tạp và chưa hoàn tất, báo cáo cho rằng hoạt động phối hợp tương đối nhịp nhàng của các tàu chấp pháp biển Trung Quốc trong vụ giàn khoan HD-981 là nhờ vào vai trò điều phối của Hải quân. Hay lý do của việc triển khai giàn khoan HD-981 là vì Trung Quốc muốn “trả đũa” việc Việt Nam năm 2011 đã cho phép Tập đoàn Exxon của Mỹ khai thác các lô dầu khí ở khu vực mà Trung Quốc coi là thuộc chủ quyền của mình. Một vài người Trung Quốc được tác giả phỏng vấn, bao gồm các quan chức chính phủ, cho rằng Trung Quốc đã đánh giá thấp sức mạnh phản kháng của Việt Nam và đó chính là lý do vì sao Trung Quốc rút giàn khoan sớm hơn dự kiến.

MỘT SỐ NHẬN XÉT

Trong báo cáo, tác giả đã phân tích kỹ lưỡng các chủ thể quan trọng, có khả năng tác động tới chính sách biển của Trung Quốc. So với báo cáo “Stirring up the South China Sea” của Nhóm Nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế, tác giả đã nêu ra thêm hai chủ thể là ngư dân và giới định hình dư luận. Báo cáo cung cấp khá nhiều thông tin thú vị, lồng ghép các đánh giá, nhận xét của giới học giả, nghiên cứu, quan chức trung ương và tỉnh của Trung Quốc mà tác giả phỏng vấn. Điều này giúp độc giả hiểu thêm về quan điểm của người Trung Quốc, đồng thời hình dung rõ ràng hơn về nội tình phức tạp, đầy mầu sắc của quá trình ra quyết sách và triển khai chính sách của Trung Quốc, cụ thể trong lĩnh vực biển.

Kết luận quan trọng nhất của báo cáo đó là: Các hành động quyết đoán trên biển gần đây của Trung Quốc chỉ mang tính bột phát, không nằm trong một chiến lược tổng thể. Tác giả đã chỉ ra những vấn đề cố hữu trong hệ thống chính trị Trung Quốc, sự phân quyền giữa trung ương và địa phương, sự cạnh tranh gắt giữa các chủ thể vì miếng bánh lợi ích hoặc danh tiếng. Đây thực sự là một kết luận thú vị, gợi mở nhiều điều. Tuy nhiên một số học giả sẽ không đồng tình với kết luận trên của tác giả Jakobson. Trong bài phân tích “Xây dựng các Đảo ở Biển Đông: Thách thức từ Chiến lược Tổng thể của Trung Quốc” đăng trên tờ National Interest ngày 8/12, học giả Alexander Vuving cho rằng Trung Quốc đang chơi một ván cờ vây ở Biển Đông với mục tiêu tối thượng là giành quyền kiểm soát khu vực. Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc sẽ tiến hành một chiến lược bành trướng dần dần trong nhiều thập kỷ, chứ không phải là các trận chiến lớn. Phù hợp với chiến lược này là các chiến thuật như “cắt lát salami” và “ngoại giao cây gậy nhỏ.” Chúng ta có thể thấy chiến thuật này thể hiện rõ nhất trong vụ việc Bãi cạn Scarborough năm 2012. Trong bài phân tích khác trên tờ National Interest ngày 16/12, học giả Bonnie S. Glaser, cố vấn cấp cao về Châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) thì cho rằng sự cạnh tranh giữa các chủ thể an ninh biển của Trung Quốc không phải nguyên nhân chính gây căng thẳng trên biển. Nguyên nhân chính là việc Trung Quốc quyết tâm thúc đẩy yêu sách và mở rộng quyền kiểm soát vùng biển này. Các hành động hung hăng và gây bất ổn của Trung Quốc được phối hợp một cách nhuần nhuyễn. Theo bà Glaser, rõ ràng Trung Quốc có một chiến lược tổng thể. Củng cố quyền kiểm soát của Trung Quốc ở Biển Đông là một phần trong “Giấc mơ Trung Hoa”.

Mỗi nhà phân tích đều có cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau về một vấn đề. Suy cho cùng, điểm mấu chốt ở đây là hành động quyết đoán hiện nay của Trung Quốc, dù bột phát hoặc nằm trong một chiến lược tổng thể, thì cũng đang phá vỡ nguyên trạng trên biển, gây căng thẳng và bất ổn trong khu vực. Chúng ta có thể thấy rõ qua hoạt động cải tạo đất quy mô lớn mà Trung Quốc đang tiến hành ở Quần đảo Trường Sa. Trong một bài phát biểu tại Paris tháng 3 năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố: “Napoleon từng nói Trung Quốc là một con sư tử đang ngủ và khi nó thức dậy, thế giới sẽ rúng động. Hôm nay con sư tử đã thức dậy nhưng là con sư tử hòa bình, thân thiện và văn minh.” Liệu chúng ta có thể tin đó là một con sư tử “hòa bình” khi nó đang tìm mọi cách để mở rộng lãnh địa của mình?

Đinh Tuấn Anh

Quan điểm thể hiện trong bài viết là quan điểm cá nhân của tác giả. Tác giả xin chân thành cảm ơn những ý kiến đóng góp quý báu của ThS. Nguyễn Minh Ngọc trong quá trình thực hiện bài viết này.