Cuốn “Following the Leader: Ruling China, from Deng Xiaoping to Xi Jinping” [Tạm dịch: Theo chân Giới Lãnh đạo Trung Quốc: từ Đặng Tiểu Bình đến Tập Cận Bình] của tác giả David M. Lampton được Nhà xuất bản Đại học California phát hành vào năm 2014.  Cuốn sách khái quát quá trình phát triển chính trị của Trung Quốc từ cải cách mở cửa tới nay, phân tích nét đặc thù góp phần hình thành phong cách của các nhà lãnh đạo Trung Quốc: tư duy trong nhìn nhận về thế giới, cách thức hoạch định chính sách đối ngoại, và các phương pháp xử lý vấn đề nội bộ. Bên cạnh đó, TS David Lampton cũng đưa ra những nhận xét về tác động và ảnh hưởng của các nhân tố bên trong và bên ngoài tới hành vi ứng xử của Trung Quốc trong từng hoàn cảnh cụ thể cùng với những khó khăn, thách thức mà nước này đang phải đối mặt trong thời gian tới.

Một trong những điểm nhấn quan trọng nhất của cuốn sách là nguồn tư liệu được tác giả sử dụng độc quyền bao gồm 558 cuộc phỏng vấn trực tiếp với nhiều nhà lãnh đạo, quan chức cấp cao của Trung Quốc trong thời gian từ năm 1978 đến 2013.[1] Việc này giúp cho tác giả có được các nhìn chân thực hơn về tư duy của giới lãnh đạo Trung Quốc, song nó cũng gây khó khăn cho độc giả trong việc thẩm định tính chính xác của các thông tin này.Tuy vậy, cuốn sách vẫn có thể được coi là một tài liệu nghiên cứu mang nhiều giá trị tham khảo cho hoạt động nghiên cứu về hệ thống chính trị và cách thức vận hành chính sách của Trung Quốc.

TS David Lampton mở đầu cuốn sách bằng việc khảo sát chính trị nội bộ, quan hệ quốc tế, các cuộc khủng hoảng, mối quan hệ giữa dân sự - quân sự và cách hành xử của Trung Quốc từ 1977 đến 2013. Tiếp đó, ông đưa ra những phân tích chi tiết về hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội, góc nhìn và hành động của Trung Quốc về vấn đề toàn cầu và cách Trung Quốc quản lý và đối phó với thế giới bên ngoài dưới góc độ tư duy của giới lãnh đạo nước này. Sau cùng, tác giả chỉ ra những thách thức và rủi ro mà Trung Quốc có thể gặp phải trong tương lai và qua đó đưa ra các khuyến nghị cho Trung Quốc và cho các nước khác trong quan hệ với một Trung Quốc đang ngày càng mạnh mẽ, tự tin và cứng rắn hơn.

Trong cuốn “Theo chân Giới lãnh đạo Trung Quốc”, TS David Lampton chia lịch sử Trung Quốc trong thế kỷ 20 thành các giai đoạn với dấu mốc là ba cuộc cách mạng lớn. Cuộc cách mạng thứ nhất diễn ra vào thời điểm nhà Thanh chính thức sụp đổ, mà hệ luỵ của nó là sự chấm dứt của chế độ phong kiến Trung Quốc vào năm 1911. Cuộc cách mạng thứ hai được tác giả gọi là Cách mạng Cộng sản lần thứ nhất. Cuộc cách mạng này được đánh dấu bằng sự kiện Đảng Cộng sản Trung Quốc lên cầm quyền vào tháng 10/1949 dưới sự lãnh đạo tối cao của Mao Trạch Đông, mở ra thời kỳ cộng sản của Trung Quốc. Cuộc cách mạng thứ ba được tác giả gọi là Cách mạng Cộng sản lần thứ hai. Cuộc cách mạng này được đánh dấu bằng sự kiện Đặng Tiểu Bình trở về năm 1977 và kéo dài cho đến tận ngày nay dưới sự lãnh đạo chính của Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình. Đây cũng chính là giai đoạn được tác giả dành nhiều sự quan tâm nhất trong cuốn sách này.

Các chiến lược chính

Theo TS Lampton, sau khi trở lại cầm quyền vào cuối năm 1977, Đặng Tiểu Bình đã triển khai kế hoạch gồm bảy chiến lược chính, bao gồm:

Một là thay đổi nhận thức từ “Chiến tranh và Cách mạng” sang “Hoà bình và phát triển”, bao gồm: (i) theo đuổi chính sách phát triển, chủ động mở cửa kinh tế với học hỏi kinh nghiệm nước ngoài; (ii) thực hiện những chính sách làm yên lòng các quốc gia láng giềng; và (iii) dựa vào vị trí và uy tín trong quân đội của Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc tạm thời cắt giảm và kìm hãm chi tiêu quốc phòng để tập trung phát triển kinh tế.

Hai là triển khai áp dụng“chủ nghĩa thực nghiệm thực dụng” (Pragmatic Experimentalism): (i) tăng quyền cho địa phương nhằm tìm kiếm mô hình phát triển tối ưu trước khi nhân rộng trên phạm vi cả nước; và (ii) Trung ương chỉ kiểm soát đối với các vấn đề lợi ích thiết thực và tập trung.

Ba là cải cách chế độ đãi ngộ, sử dụng động lực là vật chất, mở cửa thị trường: thị trường nguyên liệu, thị trường lao động… và cho phép con người tự làm chủ cuộc sống của mình để thúc đẩy năng suất lao động. Đặng Tiểu Bình chỉ dùng sức mạnh khi hệ thống chính trị bị đe doạ.[2]

Bốn là thực hiện cải cách dân số: áp dụng chính sách một con để giảm tỷ lệ sinh, kìm hãm tốc độ tăng trưởng dân số nhằm nhanh chóng tăng GDP bình quân đầu người.

Năm là thực hiện chính sách đẩy mạnh và xin viện trợ phát triển giáo dục nhằm bù đắp cho phần đã mất trong Cách mạng Văn hoá. Trung Quốc đề nghị Mỹ hỗ trợ giáo dục bậc cao, khuyến khích du học nước ngoài, đồng thời mở rộng nhanh các cơ sở giáo dục trong nước và bổ nhiệm người có kiến thức vào các cơ cấu quản lý kinh tế, chính trị.

Sáu là chiến lược duy trì vị trí độc tôn của Đảng Cộng sản. Đặng Tiểu Bình đấy mạnh phát triển kinh tế và ổn định xã hội với mục đích làm tạm quên đi các nhu cầu về chính trị. Trung Quốc thực hiện thắt chặt và loại bỏ đối kháng chính trị.

Bảy là tham gia thương mại toàn cầu và chuyển từ tự cung tự cấp sang cạnh tranh lợi thế và tạo phụ thuộc lẫn nhau: (i) khai thác thị trường lao động giá rẻ, ưu đãi thuế để hút đầu tư và một số vùng ven biển ưu tiên và lập các đặc khu kinh tế mở; (ii) hợp tác chặt chẽ với Ngân hàng Thế giới và các tổ chức tài chính quốc tế để có vốn tư bản và kinh nghiệm chiến lược phát triển tài chính; và (iii) xuất khẩu than đá và dầu mỏ dự trữ để đổi lấy công nghệ

Các thay đổi lớn

Những chiến lược này, theo TS David Lampton, đã khởi động thời kỳ cải cách của Trung Quốc và mang đến nhiều thay đổi sâu sắc cho quốc gia này trong cả bốn lĩnh vực bao gồm chính trị, kinh tế, xã hội, và vai trò toàn cầu cho đến tận ngày nay, cụ thể như sau:

- Về chính trị: có ba thay đổi lớn, đó là (i) các lãnh đạo được đánh giá dựa trên năng lực và khả năng thay vì chỉ dựa trên tên tuổi và uy tín như trước; (ii) nhà nước chỉ duy trì sự kiểm soát nhằm bảo vệ và duy trì vị trí độc tôn của Đảng Cộng sản thay vì trong tất cả các lĩnh vực của đời sống như trước đây; và (iii) sự thay đổi trong phong cách của các nhà lãnh đạo Trung Quốc: chuyển dần từ lãnh đạo kiểu lãnh tụ cách mạng (transformational leader) sang lãnh đạo kiểu duy trì vận hành hệ thống (transactional leader).[3] Qua đó, tác giả nhận định lớp lãnh đạo mới của Trung Quốc tuy trẻ hơn và được đào tạo bài bản hơn nhưng lại yếu hơn nhiều so với những lãnh đạo trước kia. Chính vì vậy, hiện nay, Trung Quốc thường đưa ra các quyết định tập thể dựa trên đồng thuận hoặc lập các tiểu ban để giải quyết vấn đề thay vì đưa ra những quyết định bất kể hậu quả như dưới thời Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình trước đây. Tác giả nhận định các nhà lãnh đạo Trung Quốc đều hiểu rằng không thể giải quyết triệt để mọi vấn đề và thoả mãn được tất cả các yêu cầu. Mỗi lãnh đạo sao khi lên nắm quyền đều cần thực hiện các mục tiêu: tạo tăng trưởng, duy trì ổn định chế độ, đảm bảo đời sống cho nhân dân, đảm bảo nguồn thu của trung ương, đảm bảo sự chấp hành chính sách của địa phương và điều phối, giải quyết bất đồng, khác biệt giữa các nhánh cơ cấu quyền lực trong hệ thống.

- Về kinh tế: tác giả chỉ ra sáu thay đổi chính bao gồm (i) dịch chuyển từ mô hình kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường; (ii) giảm sự kiểm soát của nhà nước; (iii) thực hiện tư nhân hoá, trừ các ngành quan trọng như công nghiệp thép, ô tô và các ngành liên quan đến điện; (iv) dịch chuyển cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang sản xuất, dịch vụ; (v) xây dựng cấu trúc quản lý: và (vi) mở cửa thương mại toàn cầu. Điều này đã giúp nền kinh tế có những bước tiến vượt bậc và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2012. Tuy vậy, theo TS Lampton, kinh tế Trung Quốc hiện đang tập trung quá nhiều vào đầu tư và xuất khẩu mà quên đi các lĩnh vực quan trọng khác như y tế, giáo dục và hệ thống an sinh xã hội.

- Về xã hội: các sự khác biệt chính được tác giả chỉ ra bao gồm: (i) tốc độ đô thị hoá cao dẫn đến sự phát triển nhanh của tầng lớp trung lưu và các vấn đề đi cùng với nó bao gồm cả bất bình đẳng thu nhập; (ii) việc áp dụng chính sách một con đã giúp Trung Quốc nhanh chóng tăng chỉ số bình quân GDP đầu người trong ngắn hạn nhưng tạo ra vấn đề mất cân bằng dân số và dân số già trong dài hạn; (iii) tiếng nói ngày càng lớn của các tổ chức xã hội khiến giới lãnh đạo Trung Quốc gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định của mình do gặp phải xung đột giữa các nhóm lợi ích; và (iv) sự xuất hiện của nhiều vấn đề xã hội khác như ô nhiễm môi trường, tham nhũng, ly khai và phong trào dân chủ…

- Về vai trò toàn cầu: có ba thay đổi lớn, đó là (i) cùng với sức mạnh kinh tế, quân sự tăng dần, Trung Quốc thay đổi trong cách thể hiện sức mạnh từ “cường quốc khu vực” thành nâng cao “hiện diện toàn cầu” trong mọi lĩnh vực bao gồm quân sự, kinh tế, tài chính, liên lạc, văn hoá và ngoại giao; (ii) nhằm phục vụ mục tiêu kinh tế và bảo vệ tài sản, con người và lợi ích của mình trên phạm vi toàn cầu, nước này từ bỏ chính sách “không tham gia”, “không can thiệp” trước kia; và (iii) xuất phát từ việc người Trung Quốc tin vào khả năng của mình và phần lớn đã cho rằng nước này có thể thay thế Mỹ để trở thành một cực, Trung Quốc có ý chí định hình sự phát triển toàn cầu và mang tư tưởng thay Mỹ trở thành siêu cường trên thế giới. Quá trình hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc từ những năm 1950 tới nay có nhiều bước điều chỉnh liên tục, mang tính thực dụng và thích ứng với tình hình thực tế. Chính sách đối ngoại của nước này chịu sự chi phối của bốn cụm nhân tố chính là: (i) vấn đề chính trị nội bộ và các ràng buộc hạn chế trong hệ thống; (ii) toàn cầu hoá và sự phụ thuộc lẫn nhau, trong đó có sự phụ thuộc giữa các nước lớn; (iii) tính hiện thực trong tư duy đối ngoại: và (iv) xu hướng phản ứng với ảnh hưởng công nghệ và tác động của nó lên hệ thống chính trị Trung Quốc.

Các thách thức chủ yếu

Cuộc cải cách mở cửa và những tác động sâu rộng của nó cũng khiến Trung Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng không dễ giải quyết. Tác giả chỉ ra năm nhóm thách thức chủ yếu mà Trung Quốc đang phải đối mặt, bao gồm:

Thứ nhất là thách thức trong quản trị hệ thống:(i) Việc lãnh đạo không thể quyết đoán như trước trong bối cảnh xã hội đang ngày càng trở nên phức tạp hơn cùng với sự mạnh lên tương đối của các tổ chức xã hội buộc các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay phải quản lý theo hình thức tập thể và dựa trên sự đồng thuận. Điều này là không dễ trong thời điểm xung đột lợi ích luôn ở mức cao như hiện nay; (ii) Sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và quân sự đã thúc đẩy đô thị hoá và sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu Trung Quốc. Hệ quả của nó là việc nhu cầu công lý, công bằng và an sinh xã hội được nâng cao cũng như tiếng nói của tầng lớp nông thôn được đẩy mạnh. Điều này đặt ra thách thức cho Trung Quốc khi hệ thống quản lý của nước này còn yếu và chưa thể theo kịp những thay đổi nhanh chóng về kinh tế và xã hội của nước này.

Thứ hai là thách thức lớn về tham nhũng trong giới lãnh đạo: Cải cách và thị trường đã góp phần làm cho nạn tham nhũng lan rộng. Báo cáo chính trị của Đại hội XVIII của Trung Quốc cũng đã thừa nhận: “nếu chúng ta thất bại trong việc xử lý vấn đề (tham nhũng), nó có thể tạo ra rủi ro nghiêm trọng cho Đảng, thậm chí khiến Nhà nước sụp đổ.”

Thứ ba là những thách thức tiềm ẩn đến từ tốc độ phát triển kinh tế và xã hội quá nhanh: Do tăng trưởng quá nhanh, Trung Quốc sẽ khó nhận diện hết con đường và những khó khăn phía trước cũng như không có đủ thời gian để đưa ra những giải pháp hợp lý và kịp thời cho các thách thức này. Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng không thể chỉ đưa ra những hứa hẹn về một sự hài hoà kinh tế, xã hội và quản lý hệ thống để tạo tính hợp pháp cho cải cách như trước đây mà thay vào đó phải chứng minh bằng tăng trưởng kinh tế, chất lượng cuộc sống, bình đẳng tư pháp và sự tham gia hệ thống chính trị cho mọi thành phần xã hội.

Thứ tư là sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu dẫn đến những vấn đề về bất ổn, cực đoan và chủ nghĩa dân tộc trong xã hội. Với số lượng tương đương với dân số của cả nước Mỹ, tầng lớp trung lưu đang tăng dần các đòi hỏi về quyền được tôn trọng, công lý, tiếng nói và một chế độ quản trị minh bạch hơn. Sự đi lên của tầng lớp này cùng với sự phát triển của thời đại công nghệ thông tin và vấn đề tham nhũng nghiêm trọng trong giới lãnh đạo Trung Quốc tạo nên thách thức không hề nhỏ đối với chế độ hiện hành của quốc gia này.

Thứ năm là ảnh hưởng quá lớn của quân đội. Mối quan hệ giữa quân sự và dân sự chứa đựng nhiều phức tạp và rủi ro bởi: (i) các tổ hợp công nghiệp quân sự ngày càng phát triển, trở thành trung tâm của nền kinh tế và có ảnh hưởng lớn; (ii) Quân đội Trung Quốc có thể lợi dụng khát vọng chủ nghĩa dân tộc của quần chúng, buộc các nhà lãnh đạo chính trị phải miễn cưỡng bỏ qua nhiều hành động gắn với chủ nghĩa dân tộc của họ; và (iii) khi lợi ích lớn, tự tin tăng cao có thể khiến cho quân đội coi việc điều phối của giới dân sự là một sự ức chế.

Một số nhận xét đáng chú ý khác

Về cách thức Trung Quốc tổ chức đàm phán đối ngoại: Đàm phán được Trung Quốc sử dụng như một công cụ tạo lợi thế trong chính sách đối ngoại. Theo tác giả, sáu nhóm thủ pháp thường được Trung Quốc sử dụng trong đàm phán là: (i) đưa ra lập trường mạnh khiến đối phương khó phản bác, hoặc đóng vai trò người chơi tích cực khi đối phương tỏ ra mạnh hơn; (ii) thể hiện là kẻ yếu, bị ức hiếp trong trường hợp bên “mạnh hơn” cần có trách nhiệm giúp đỡ hoặc đền bù bất công gây ra trong quá khứ; (iii) câu giờ, chờ đợi vị thế mới khi sức mạnh gia tăng để tạo lợi thế với các vấn đề đã đàm phán trước đó; (iv) khi cần đến sự tương tác, cần kết quả, Trung Quốc sẽ tỏ ra linh hoạt và tạo sự phù hợp cho cả đôi bên; (v) tận dụng khai thác sự khác biệt trong hệ thống chính trị đối phương, khai thác mâu thuẫn của đối tác trong đàm phán; (vi) tạo đồng thuận ngầm, tránh cụ thể hoá nếu vấn đề giải thích ra sẽ gây bế tắc.

Về quan điểm của giới lãnh đạo Trung Quốc về Mỹ và quan hệ Mỹ - Trung: Giới lãnh đạo và người Trung Quốc cho rằng Mỹ đang yếu dần và đang mất dần tính chính đáng để đứng ở vị trí dẫn đầu, đặc biệt là trong thời điểm sức mạnh Trung Quốc đang tăng lên đáng kể. Tác giả cho rằng Trung Quốc đang đánh giá thấp hệ thống văn hoá, kinh tế và chính trị Mỹ. Đối với hệ thống quốc tế hiện tại, tác giả khẳng định Trung Quốc không muốn lật đổ hệ thống quốc tế và bộ máy kinh tế toàn cầu mà chỉ muốn có ảnh hưởng lớn hơn trong hệ thống và muốn điều chỉnh những thoả thuận không công bằng trước đây theo cách nhìn của người Trung Quốc. Nước này không muốn Mỹ tiếp tục làm chủ trật tự an ninh quốc tế và cảm thấy thoải mái hơn khi các vấn đề được đưa ra bàn bạc tại Liên Hợp Quốc vì ở đó ý kiến của Trung Quốc được coi trọng. Tác giả cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc luôn cảm thấy bị Mỹ ép buộc để phục vụ cho các lợi ích của Mỹ và đi ngược với các lợi ích của mình. Từ đó tác giả nhận định, khả năng để Trung Quốc hợp tác với Mỹ và các bên khác nhằm phát triển tầm nhìn cho cấu trúc an ninh quốc tế, kể cả tại Đông Á là rất khó khăn. Do vậy, phương thức tốt nhất là Mỹ - Trung nên tạo ra một sự cân bằng tại Châu Á, kiềm chế sự cứng rắn, xây dựng các tổ chức kinh tế và an ninh chung, củng cố mức độ phụ thuộc lẫn nhau, và đẩy cao cái giá phải trả cho những xung đột thiếu kiềm chế giữa hai bên.

Trên đây là những quan điểm, nhận xét và kết luận quan trọng nhất mà tác giả muốn truyền tải thông qua cuốn sách của mình. Dù nguồn tư liệu được tác giả sử dụng để hoàn thành cuốn sách còn có thể gây nhiều tranh cãi về độ xác thực của thông tin cũng như một số luận điểm do tác giả đưa ra còn có thiên hướng “thiên vị Trung Quốc”, nhưng cuốn sách “Theo chân Giới Lãnh đạo Trung Quốc: từ Đặng Tiểu Bình đến Tập Cận Bình” của tác giả David Lampton vẫn có thể được coi là một tài liệu quan đáng tham khảo trong việc tìm hiểu và nghiên cứu hệ thống chính trị đương đại Trung Quốc.

Đào Tuấn Việt và Nguyễn Đăng Dương


[1] Tác giả đích thân thực hiện 93%  trong số 558 cuộc phỏng vấn.

[2] Sự kiện Bức tường Dân chủ 1979, Sự kiện Thiên An Môn 1989.

[3] Theo tác giả David Lampton, lãnh đạo có thể được chia thành 3 loại: (1) Lãnh đạo kiểu lãnh tụ cách mạng (Transformational Leader) là những người tạo ra tinh thần hoặc sự liên kết học thuyết với những người ủng hộ, ảnh hưởng và hoạt động của họ hướng tới việc thiết lập ra một trật tự chính trị xã hội hoàn toàn mới. Ví dụ: Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình…; (2) Loại lãnh đạo kiểu duy trì vận hành hệ thống (Transactional Leader): là những người tập trung chủ yếu vào việc vận hành trơn tru hệ thống chính trị của một trật tự đã được thiết lập, giảm thiểu sự cọ sát, thực hành duy trì khả năng hoạt động của hệ thống. Ví dụ: Giang Trạch Dân…; (3) Lãnh đạo kiểu sử dụng quyền lực (Power Wielder Leader): là những người sử dụng sức mạnh để phục vụ mục đích cá nhân, tăng cường uy tín và vị thế cá nhân. Ví dụ: Saddam Hussein…