Kể từ khi giới lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đưa ra thông điệp về một “mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới” Mỹ-Trung đến nay, giới phân tích chính sách ở cả hai nước đã không ngừng nhập cuộc tìm hiểu nguồn gốc, nội hàm và thậm chí là tính thực chất của ý tưởng này. Là những nhà phân tích chính sách có nhiều năm theo dõi chính sách đối ngoại Mỹ, Trung Quốc và những bước phát triển trong quan hệ hai nước, đồng thời là những người từng tham gia trực tiếp vào việc hoạch định và xử lý chính sách của Mỹ đối với Châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng, James Steinberg và Michael O’Hanlon quan tâm hơn đến khía cạnh triển khai xây dựng của mô hình quan hệ mới Mỹ-Trung và đưa ra những đề xuất của riêng mình trong cuốn sách nhan đề “Phép trấn an và Trấn áp Chiến lược: Quan hệ Mỹ-Trung trong thế kỷ 21” (Strategic Reassuarance and Resolve: U.S.-China Relations in the Twenty-First Century). Với góc nhìn của người trong cuộc và cách tiếp cận tương đối thực tế, cả hai đã đưa ra một cuốn cẩm nang không nhiều lý thuyết, chủ yếu thiên về hành động, có thể là một tư liệu tham khảo thú vị cho tất cả những ai đang tham gia cuộc tranh cãi về chiến lược Mỹ trước sự trỗi dậy của Trung Quốc và trong xử lý quan hệ Mỹ-Trung.

Phép trấn an và trấn áp trong quan hệ Mỹ-Trung: Công thức kết hợp giữa nhân nhượng và quyết đoán  

Tuy không đi sâu phân tích nội hàm của “mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới” Mỹ-Trung, Steinberg và O'Hanlon cũng đề ra một tầm nhìn khái quát cho mô hình này; theo đó, Mỹ và Trung Quốc cần vun đắp “một mối quan hệ mang tính xây dựng” hơn là chỉ đơn thuần theo đuổi nguyên tắc “chung sống hòa bình” từng được áp dụng trong thời Chiến tranh Lạnh. Dĩ nhiên, để thực hiện được điều này không phải là dễ dàng. Steinberg và O'Hanlon dành phần đầu tiên của sách để đánh giá thực trạng quan hệ Mỹ-Trung, những nguyên nhân gây mâu thuẫn trong quan hệ giữa hai nước, cũng như những nhân tố quyết định lựa chọn chiến lược của mỗi bên cần được chú ý trong quá trình xây dựng tương lai hợp tác Mỹ-Trung. Mặc dù Trung Quốc đã được hưởng một số lợi ích đáng kể từ hệ thống trật tự thế giới do Mỹ cầm đầu, Steinberg và O'Hanlon chỉ ra rằng hiện nay trong quan hệ giữa hai nước vẫn tồn tại nhiều vấn đề có thể trở thành “nguồn gốc xung đột” như vai trò của Mỹ ở eo biển Đài Loan, Biển Đông và Biển Hoa Đông, sự tồn tại của hệ thống đồng minh Mỹ đặc biệt là tại Châu Á, khuynh hướng của Mỹ đơn phương sử dụng vũ lực can thiệp vào các vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia (Kosovo, Iraq, Libya), sức ép của Mỹ khiến Liên minh Châu Âu duy trì lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc, địa vị thống trị của Mỹ trong trật tự kinh tế thế giới và những sức ép đi kèm đối với kinh tế Trung Quốc, khác biệt về văn hóa chiến lược cũng như chế độ giữa hai nước, và sự lớn mạnh của chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc và tâm lý bài xích ở cả hai nước đối với nước kia.

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung hiện có cả yếu tố “thuận” lẫn yếu tố “chống” lại việc xây dựng thành công một mô hình hợp tác kiểu mới giữa hai nước, Steinberg và O'Hanlon cũng chỉ ra rằng chính chiến lược mà hai bên lựa chọn trong xử lý các vấn đề liên quan đến bên còn lại sẽ quyết định tương lai quan hệ song phương Mỹ-Trung. Cụ thể, các nhân tố sẽ quyết định chiến lược của cả hai bên là cách mà hai bên định nghĩa về lợi ích quốc gia, truyền thống văn hóa chiến lược, tình hình chính trị nội bộ, cũng như nhận thức về chiến lược của bên còn lại. Trong đó, có lẽ phần bình luận về văn hóa chiến lược của mỗi bên chính là phần quan trọng và thú vị nhất, bởi đây là tiền đề cho những thay đổi trong tư duy chiến lược của hai phía mà Steinberg và O'Hanlon khuyến nghị.

Steinberg và O'Hanlon tỏ ra lạc quan về lựa chọn chiến lược của Trung Quốc, không chỉ vì giới lãnh đạo Trung Quốc ngày nay thường xuyên tôn vinh hình ảnh của Đô đốc Trịnh Hòa thời Minh với các chuyến thám hiểm “hòa bình” vào thế kỷ 15 như dẫn chứng tiêu biểu cho một nền văn hóa chiến lược đề cao việc thiết lập trật tự thông qua truyền bá văn hóa theo tư tưởng Khổng-Mạnh và trí tuệ của binh pháp Tôn Tử “chiến thắng không dùng vũ lực” của Trung Quốc, mà vì như nhận định của một số nhà phân tích, các nhà cầm quyền Trung Quốc thực sự hiểu được giá trị của tư tưởng Khổng giáo: Bằng việc cam kết theo đuổi các tư tưởng về phát triển hài hòa, hạn chế sử dụng vũ lực, Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể khẳng định tính chính danh của chế độ dựa trên sự tiếp nối các nguyên tắc tư tưởng truyền thống đã được công nhận rộng rãi không liên quan đến chủ nghĩa cộng sản hay việc nắm giữ quyền lực đơn thuần. Bên cạnh đó, hai tác giả cũng không quên trích dẫn một số ý kiến cho rằng với việc tuyên bố theo đuổi đường lối “phát triển hòa bình,” Trung Quốc đã tránh được việc tạo ra “cớ” cho các nước khác tìm cách cân bằng Trung Quốc và như vậy, Trung Quốc cũng đã tự đặt ra tiêu chuẩn và giới hạn hành vi cho chính mình.  

Thế nhưng, hai nhà phân tích Mỹ lại không quá lạc quan về khả năng lựa chọn chiến lược tối ưu của Mỹ, bởi các cuộc tranh cãi bất tận về nhu cầu nắm giữ vị thế tuyệt đối trên trường quốc tế, về tương lai các giá trị Mỹ, về mối liên hệ giữa an ninh và kinh tế... tiếp tục ngăn cản việc đạt được đồng thuận trong việc quyết sách của Mỹ. Steinberg và O'Hanlon miêu tả khá chi tiết các cuộc tranh cãi này để chứng minh cơ sở cho ba cách tiếp cận chủ đạo thường được đưa ra trong các cuộc tranh luận nội bộ Mỹ về việc xử lý mối thách thức mang tên Trung Quốc: (i) nỗ lực duy trì ưu thế sức mạnh tuyệt đối của Mỹ so với Trung Quốc, khiến Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận hiện trạng hệ thống trật tự quốc tế; (ii) tăng cường quan hệ đồng minh với các nước láng giềng xung quanh Trung Quốc, đồng thời khuyến khích hợp tác giữa các nước này nhằm duy trì cán cân chiến lược có lợi cho Mỹ ở khu vực; và (iii) đẩy mạnh hợp tác với Trung Quốc để giữ kênh tác động trực tiếp đến giới cầm quyền Trung Quốc, cổ vũ Trung Quốc đóng vai trò tích cực đối với hòa bình, an ninh trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, cách tiếp cận thứ nhất và thứ hai tập trung vào khía cạnh đảm bảo ưu thế chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc dựa trên cơ sở các cân nhắc truyền thống - bắt nguồn từ lịch sử phát triển Mỹ - về bài học hậu quả của việc thỏa hiệp với các cường quốc đang lên, về sự ưu việt quốc gia và nhu cầu thể hiện hệ thống giá trị Mỹ trong chính sách đối ngoại, và về tầm quan trọng của ưu thế lực lượng và công nghệ áp đảo trong ngăn chặn cũng như chiến đấu với các nguy cơ an ninh. Tuy nhiên, theo Steinberg và O'Hanlon, chính các cân nhắc này và các cách tiếp cận nhấn mạnh khía cạnh “ưu thế tuyệt đối” của sức mạnh Mỹ xuất phát từ đó cũng đồng thời thúc đẩy tâm lý đối đầu trong quan hệ Mỹ-Trung và đưa mối quan hệ này đi vào quỹ đạo xấu.

Vậy đâu là phương án tối ưu cho Mỹ? Công thức mà Steinberg và O'Hanlon đưa ra là kết hợp giữa cách hành xử mềm mỏng trong quan hệ với Trung Quốc và thái độ quyết đoán khi liên quan đến lợi ích sống còn của Mỹ: Mỹ cần trấn an Trung Quốc về thiện chí hợp tác của Mỹ, đồng thời chứng tỏ khả năng cũng như quyết tâm bảo vệ lợi ích sống còn của Mỹ nhằm trấn áp ý định thách thức các lợi ích đó. Phép “trấn áp” đối với Trung Quốc cũng nhằm trấn an các đồng minh Mỹ về cam kết của Mỹ đối với việc bảo vệ lợi ích an ninh chung của Mỹ và các đồng minh. Tuy nhiên, mặc dù khẳng định “[phép] trấn áp chiến lược là một sự bổ sung cần thiết cho [phép] trấn an chiến lược,” công thức của Steinberg và O’Hanlon nhấn mạnh vào khía cạnh “trấn an chiến lược.” Cốt lõi của phép “trấn an chiến lược” là các hạn chế các hành động mang tính đối đầu (kiềm chế - restraint), thể hiện cam kết hợp tác thông qua hành xử và chính sách nhất quán, phản ứng tích cực với những dấu hiệu thiện chí của bên kia (củng cố - reinforcement), tăng cường thông tin và hiểu biết lẫn nhau (minh bạch - transparency), và tích cực hạn chế tránh leo thang căng thẳng, giải quyết hoà bình các mâu thuẫn trong trường hợp xảy ra khủng hoảng trong quan hệ để giữ kênh hợp tác (bền bỉ - resilience), nhằm mục tiêu xoa dịu những nghi ngại dẫn đến bất ổn trong quan hệ Trung-Mỹ, xây dựng lòng tin, đặt nền tảng cho quan hệ hợp tác lâu dài.

Steinberg và O’Hanlon dành phần hai của cuốn sách để đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm thực hiện “trấn an chiến lược.” Mặc dù khẳng định cả hai bên đều cần nỗ lực thực hiện “trấn an chiến lược” đối với bên còn lại và Trung Quốc, với tư cách là một cường quốc đang lên, có trách nhiệm đặc biệt trong việc chứng tỏ cho Mỹ cũng như các láng giềng Trung Quốc về thiện chí hợp tác, “trỗi dậy hoà bình” của mình, đồng thời đề xuất một số kiến nghị cho cho Bắc Kinh, Steinberg và O’Hanlon đặt yêu cầu nhiều hơn cho Mỹ trong việc giành quyền chủ động. Danh sách các kiến nghị cụ thể của hai tác giả bao quát tương đối rộng, đề cập hầu hết các lĩnh vực thuộc phạm vi chiến lược: chi tiêu quân sự và hiện đại hoá quốc phòng; xử lý các trường hợp khủng hoảng; an ninh hạt nhân, không gian và an ninh mạng; và triển khai lực lượng, căn cứ và hoạt động quân sự. Trong phạm vi quản lý xung đột tại Châu Á-Thái Bình Dương liên quan đến tình hình Biển Đông, đáng chú ý là các đề xuất xây dựng với Trung Quốc một bộ quy tắc về tránh va chạm trên biển tương tự như bản quy tắc ứng xử giữa Mỹ và Liên Xô trong thời Chiến tranh Lạnh (INCSEA), xây dựng thoả thuận cho phép máy bay do thám không trang bị vũ khí được phép hoạt động trong không phận hai bên – tương tự như hiệp ước Bầu trời mở (Open Skies Treaty) giữa Khối Warsaw và NATO, thông báo trước khi triển khai các hoạt động quân sự, đẩy mạnh các kênh đối thoại thúc đẩy minh bạch hoá về quân sự với Trung Quốc, thay đổi cách đối phó với chiến lược “chống tiếp cận/chống thâm nhập” (A2/AD) của Trung Quốc bằng chiến lược “tác chiến không hải” (AirSea Battle) sang tăng cường kiểm soát và gây sức ép lên các tuyến hàng hải mà Trung Quốc lệ thuộc, kết hợp tăng cường hợp tác quân sự hướng tới thiết lập căn cứ quân sự tại Philippines và Việt Nam. Bên cạnh đó, biện pháp “trấn áp” rõ ràng hơn mà Steinberg và O’Hanlon đưa ra là xác định các “làn ranh giới đỏ” mà hành động của Trung Quốc sẽ dẫn đến các biện pháp phản kích từ Mỹ và các đồng minh.

Phép trấn an và trấn áp chiến lược: Liệu có phải là lời giải cho quan hệ Mỹ-Trung trong thế kỷ 21?

Là những nhà phân tích và hoạch định chính sách tương đối giàu kinh nghiệm, sâu sát với tình hình quan hệ Mỹ-Trung, James Steinberg và Michael O’Hanlon đã đưa ra một góc nhìn tương đối tổng quát về mặt chiến lược và cung cấp nhiều khuyến nghị cụ thể, mang tính thực thi cao cho việc triển khai mối quan hệ hợp tác Mỹ-Trung trong thế kỷ 21. Một số khuyến nghị này trên thực tế đã diễn ra, ví dụ như các bản cam kết về nguyên tắc tránh va chạm xung đột trên biển và đưa ra cảnh báo sớm về các cuộc diễn tập quân sự mà Mỹ và Trung Quốc vừa ký gần đây. Có thể dự đoán trong tương lai, giới chính sách ở cả Washington và Bắc Kinh quan tâm đến việc phát triển quan hệ Mỹ-Trung sẽ có hứng thú tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn cuốn cẩm nang của Steinberg và O’Hanlon và tìm thấy nhiều gợi ý chính sách cho việc phát triển “mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới” Mỹ-Trung.

Tuy nhiên, thận trọng không phải là thừa ngay cả với việc sử dụng cẩm nang. Trong phần đặt cơ sở cho yêu cầu thay đổi cách tiếp cận của Mỹ đối với Trung Quốc và quan hệ Mỹ-Trung, Steinberg và O’Hanlon tỏ ra rất hiểu Trung Quốc và nắm rõ những mắc mứu trong suy nghĩ của Bắc Kinh về Mỹ. Thế nhưng, có lẽ chính vì muốn thể hiện hiểu biết của mình mà hai nhà phân tích chính sách dường như vô tình rơi vào cái “bẫy” tuyên truyền của Trung Quốc. Phần lớn các mục trong danh sách những “nguồn cơn gây mâu thuẫn” trong quan hệ Mỹ-Trung mà Steinberg và O’Hanlon đưa ra – can dự của Mỹ ở các vùng biển gần Trung Quốc, sự tồn tại của hệ thống đồng minh Mỹ, khuynh hướng can thiệp của Mỹ vào các vấn đề nội bộ, sức ép về quân sự, kinh tế đối với Trung Quốc… là sự phản chiếu những lời phàn nàn thường xuyên của Trung Quốc về Mỹ. Độc giả muốn tìm hiểu về những lo ngại, bất an trong cách đánh giá của Mỹ về Trung Quốc – những tiền đề cho cách hành xử của Mỹ hiện nay – sẽ khó tìm được những thông tin cần thiết để có một cái nhìn khách quan hơn về những động lực trong quan hệ Mỹ-Trung trong phần đặt vấn đề của Steinberg và O’Hanlon.

Sự thiên lệch trong đánh giá tình hình của Steinberg và O’Hanlon cũng đưa đến nhiều vấn đề trong suy luận. Với nhiều “ấm ức” như đã được liệt kê, khó để tin rằng về lâu dài Trung Quốc sẽ tiếp tục muốn làm một “quốc gia nguyên trạng” trong hệ thống trật tự quốc tế do Mỹ nắm giữ. Chính Steinberg và O’Hanlon cũng chỉ ra rằng đã có nghiên cứu chứng minh hành vi chiến lược của Trung Quốc trong lịch sử thường bộc lộ khuynh hướng chủ động sử dụng vũ lực để đạt các mục tiêu của mình và thể hiện ý thức mạnh về tương quan lực lượng. Khát vọng bành trướng của Trung Quốc lớn mạnh “theo mức độ mà tiềm lực cho phép” và các nhà cầm quyền tại các giai đoạn hưng thịnh của Trung Quốc thường có xu hướng nghi ngờ hiệu quả của chính sách hoà dịu trong quan hệ lân bang. Thêm vào đó, ý thức về “chủ nghĩa ưu việt” dân tộc càng khiến Trung Quốc càng có khao khát thể hiện “quyền” đặt quy tắc trong xử lý các vấn đề quốc tế thay vì chấp nhận vị trí bá quyền của Mỹ trên thế giới. Steinberg và O’Hanlon cũng đề cập đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc như một yếu tố đáng lo ngại có thể tác động đến cách hành xử của Trung Quốc, nhưng cả hai cũng đồng thời tỏ ra lạc quan về khả năng quản lý “thông điệp công chúng” và định hướng dư luận trong nước theo ý chí lãnh đạo của Bắc Kinh. Tuy nhiên, thành công của Trung Quốc trong việc bóp méo và xuyên tạc lịch sử – như Tansen Sen đã chỉ ra trong bài phân tích khá kỹ về bản chất các cuộc thám hiểm của Trịnh Hoà trước đây[1] – để phục vụ cho mục tiêu chiến lược của mình là dấu hiệu đáng lo ngại hơn là tin mừng về ý định mà Trung Quốc thực sự đang theo đuổi.

Khía cạnh thứ hai trong đánh giá của Steinberg và O’Hanlon về nền tảng lựa chọn chiến lược của Trung Quốc – tiềm lực – cũng đặt ra nhiều vấn đề cần cân nhắc. Mặc dù một số đánh giá về “mối đe doạ Trung Quốc” thường bị thổi phồng và Trung Quốc chưa đủ tiềm lực để thách thức vị trí của Mỹ trên phạm vi toàn cầu, một thực tế khó chối cãi là Trung Quốc đã trở thành một thách thức mang tầm khu vực đối với Mỹ. Evan Braden Montgomery của Trung tâm Phân tích Chiến lược và Ngân sách Mỹ (CSBA) đã chỉ ra rằng các đánh giá về hành vi và khả năng hành động của một cường quốc đang lên cần phân biệt giữa “cân bằng toàn cầu” và “cân bằng khu vực”: một cường quốc đang trong quá trình trỗi dậy trong một trật tự thế giới do một nước mạnh hơn lãnh đạo sẽ có nhiều động cơ để lựa chọn tập trung tăng cường mở rộng “vành đai ảnh hưởng” và tự do hành động của mình trên sân nhà (cân bằng khu vực) trước khi nước này cảm thấy đủ an toàn để triển khai những hoạt động quân sự trên quy mô lớn để thách thức địa vị của đối thủ chủ chốt (cân bằng toàn cầu). Như vậy, Trung Quốc chưa cần phải có – hay tìm cách đạt được – tiềm lực ngang bằng với Mỹ mà chỉ cần tập trung thay đổi cán cân quân sự tại Châu Á-Thái Bình Dương và gây khó khăn cho việc triển khai sức mạnh của Mỹ tại khu vực là đủ để làm lung lay hệ thống trật tự quốc tế do Mỹ cầm đầu.[2]

Liên quan đến vấn đề về cân bằng sức mạnh khu vực, công thức 2:1 mà Steinberg và O’Hanlon cho rằng sẽ giúp duy trì “thế cân bằng” về chi tiêu quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc và hạn chế các cuộc chạy đua về chi tiêu quốc phòng không cần thiết cũng tiềm ẩn nhiều bất ổn. Theo ước tính của Steinberg và O’Hanlon, với xu hướng cắt giảm ngân sách quốc phòng của Mỹ hiện nay, ước tính chi tiêu quốc phòng của Mỹ trong phần còn lại của thập kỷ vào khoảng 550 tỷ USD, trong khi chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc từ đây đến cuối thập kỷ có thể đạt 300 tỷ USD. Các mức chi tiêu này phù hợp với tỷ lệ 2:1 mà Steinberg và O’Hanlon đưa ra, và được đánh giá là “hợp lý và có thể chấp nhận được” cho cả hai. Tuy nhiên, Steinberg và O’Hanlon “quên” chỉ ra rằng, nếu các mức chi tiêu quân sự này được phân bổ như cả hai dự đoán – Mỹ dành 35% chi tiêu của mình cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và Trung Quốc dành khoảng 70% – cán cân quân sự tại Châu Á-Thái Bình Dương nhiều khả năng sẽ nghiêng về Trung Quốc: 192,5 tỷ USD mà Mỹ chi cho hoạt động quân sự tại khu vực thấp hơn mức 210 tỷ USD mà Trung Quốc có thể đầu tư. Ngay cả nếu khoảng cách về trình độ khoa học kỹ thuật giúp Mỹ duy trì lợi thế so sánh trong giai đoạn đầu, với tốc độ “cũ” hoá của công nghệ và mức độ đầu tư cũng như tốc độ sao chép công nghệ của Trung Quốc, nỗ lực thu hẹp khoảng cách về khả năng quân sự của Trung Quốc sẽ dễ dàng hơn nỗ lực duy trì ưu thế quân sự của Mỹ tại khu vực nếu tình hình diễn ra theo ước tính của Steinberg và O’Hanlon.

Tất cả những vấn đề kể trên đều đưa đến một câu hỏi căn bản: Đâu là sự cần thiết cho biện pháp trấn an chiến lược trong quan hệ Mỹ-Trung? Chính Steinberg và O'Hanlon cũng thừa nhận rằng, sự vượt trội về sức mạnh của Mỹ là động lực cho thái độ hợp tác của Trung Quốc trong 40 năm qua. Nếu hệ số so sánh về sức mạnh giữa Mỹ và Trung Quốc không thay đổi đáng kể theo hướng có lợi cho Trung Quốc - một khả năng hoàn toàn thực tế khi kinh tế Mỹ đang dần phục hồi, thay đổi chiến lược là không cần thiết. Dĩ nhiên, giữ kênh hợp tác với Trung Quốc là quan trọng, nhưng không quan trọng đến mức phải đưa ra một khái niệm mới mang nhiều sắc thái thỏa hiệp khiến các đồng minh và đối tác Mỹ lo lắng, thậm chí có thể cân nhắc những điều chỉnh thỏa hiệp riêng với Trung Quốc làm xói mòn thêm hệ thống trật tự mà Mỹ muốn bảo vệ. Nếu Trung Quốc đòi hỏi phải có “lòng tin chiến lược” trong quan hệ với Mỹ cũng như các đối tác khác, Bắc Kinh cần tập thói quen hợp tác để xây dựng lòng tin đó. Nỗ lực “trấn an” Trung Quốc không tạo ra lòng tin, mà có thể càng củng cố niềm tin và chiến dịch tuyên truyền của giới lãnh đạo Bắc Kinh rằng chuyển giao quyền lực Mỹ-Trung là tất yếu.  

Lê Thùy Trang

 



[1] Tansen Sen, “Silk Road Diplomacy: Twists, Turns and Distorted History,” Yale Global Online, September 23, 2014, http://yaleglobal.yale.edu/content/silk-road-diplomacy-–-twists-turns-and-distorted-history.

[2] Evan Braden Montgomery, “Contested Primacy in the Western Pacific: China’s Rise and the Future of US Power Projection,” International Security 38(4): 115-149.