Mục đích nghiên cứu

Trung Quốc gọi biển Đông Việt Nam hay biển Đông Nam Á là Nam Hải, và các quần đảo, đảo trong vùng biển này là “Nam Hải chư đảo” [Các đảo Nam Hải], cụm từ “Nam Hải chư đảo” được sử dụng thống nhất trong văn bản hành chính và mọi ngành học thuật. Trong công trình “Khảo luận về địa danh các đảo Nam Hải” tôi đang thực hiện, mục đích chính là chứng minh hệ thống địa danh này không dựa trên các yếu tố lịch sử, bài viết dưới đây là một trong các chương thuộc phần lịch sử vấn đề. Đây là trích đoạn được chỉnh sửa sơ bộ để trình bày tại hội thảo này, với các mục tiêu được mở rộng hơn, như sau:

1.    Tìm hiểu sơ bộ về thành tựu của học giới Trung Quốc qua ngành địa danh học [toponymy] trong mảng nghiên cứu thuộc lĩnh vực lịch sử- địa lý liên quan trực tiếp đến biển Đông.

2.    Nhằm có một tư liệu sơ bộ phục vụ các nghiên cứu liên quan đến lịch sử hình thành các địa danh các đảo trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và những hải đảo khác thuộc vùng biển Việt Nam trong lịch sử và hiện tại.

3.    Trong lĩnh vực truyền thông, thời gian vừa qua có những sơ xuất hoặc lúng túng khi tiếp nhận những thông tin từ báo, đài, võng trạm Trung Quốc về các chi tiết có liên quan đến địa danh [ex, thác Bản Giốc, đảo Trụ Cẩu], nguyên nhân dẫn đến vấn đề này là do thiếu thông tin, thiếu danh mục về các loại địa danh khác nhau trên cùng vị trí/tọa độ địa lý. Bài viết này góp một phần vào việc so sánh, đối chiếu địa danh Trung Quốc và địa danh Việt Nam trên các đảo thuộc hai quần đảo Paracel Islands và Spratly Islands.

Tóm tắt

Trong khoảng 30 năm từ 1950s đến 1980s, giới nghiên cứu khoa học Trung Quốc thuộc nhiều lĩnh vực đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về vùng biển Nam Hải, riêng trong lĩnh vực lịch sử - địa lý lượng ấn phẩm chiếm ưu thế. Các chuyên đề lịch sử-địa lý được chú trọng bởi nó là vấn đề căn bản trong lập luận xác lập chủ quyền của chính phủ Trung Quốc đối với vùng biển Nam Hải.

Tên gọi [địa danh] cho các đảo Nam Hải vốn là phương tiện ký sự không nhất quán trong thư tịch cổ, tuy nhiên yếu tố địa danh đã được học giới Trung Quốc điều tra và nghiên cứu cẩn thận, giúp ích rất nhiều cho chính phủ, với kết quả là việc Quốc vụ viện đã ủy nhiệm cho Hội địa danh Trung Quốc công bố “Bảng địa danh tiêu chuẩn bộ phận các đảo Nam Hải” trên Nhân Dân nhật báo ngày 25 tháng 4 năm 1983. Bên cạnh bảng Địa danh tiêu chuẩn cũng công bố bảng Địa danh theo tập quán ngư dân Quỳnh Châu [Hải Nam], như một hệ thống tục danh được sử dụng với ý nghĩa truyền thống. Việc nghiên cứu địa danh các đảo Nam Hải cả trên phông thư tịch cổ và phông địa danh ngư dân không chỉ ở tầm mức điều tra thu thập, lý giải ở góc độ từ nguyên, góc độ tập quán mà còn được tổng hợp thành hệ thống theo phương pháp địa danh học hiện đại…

Bài viết này trình bày tổng quan về tình hình nghiên cứu, về sự liên đới của chủ đề địa danh với các lĩnh vực nghiên cứu / hoạt động khác theo cách mô tả trung thực, với mục tiêu xem chúng là tư liệu tham khảo..

Hai phụ lục được đính kèm, 1/ “Bảng đối chiếu Địa danh tiêu chuẩn [1983]- Địa danh ngư dân-” ; 2/  bảng “Danh mục sơ bộ các ấn phẩm nghiên cứu chuyên đề lịch sử, địa lý, địa danh các đảo Nam Hải xuất bản từ 1955 đến 2005”.

Những nhận xét và kết luận đi sau phần mô tả là quan điểm cá nhân, các nhận xét và kết luận này căn cứ trên thực tế tư liệu, hoặc trên cách áp dụng và diễn giải tư liệu vào các công trình nghiên cứu đã mô tả.

Vài kiến nghị cuối bài liên quan đến vấn đề định hướng nghiên cứu và việc phổ biến các loại địa danh vùng biển Đông.

Đọc toàn bộ bài viết tại đây

Phạm Hoàng Quân, Nhà nghiên cứu độc lập

Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập NCBĐ.