Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao đánh giá Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông, sau 10 năm tổ chức, đã có được khung chương trình nghị sự ổn định, giúp hình thành một mạng lưới học giả quốc tế nghiên cứu về Biển Đông, góp phần nâng cao nhận thức của giới hoạch định chính sách và công chúng về vấn đề Biển Đông; xét từ góc độ học thuật, vấn đề Biển Đông đã trở thành một chủ đề nghiên cứu với nội dung đa dạng, đa ngành và đa chiều, thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của giới học giả.

Thay mặt Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, địa phương đăng cai Hội thảo lần này, ông Hồ Kỳ Minh, Uỷ viên Thường vụ Thành uỷ, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng chào mừng các đại biểu tới tham dự Hội thảo, bày tỏ hy vọng các đại biểu sẽ trao đổi thẳng thắn về thực trạng tình hình Biển Đông, đề xuất các sáng kiến hướng đến kiểm soát tốt hình hình, từng bước xây dựng một Biển Đông hoà bình, hữu nghị và hợp tác bền vững, đảm bảo an ninh, an toàn cho cuộc sống của 300 triệu người dân ven biển, đóng góp vào hoà bình, ổn định của khu vực.

Phiên Khai mạc

Phiên 1 với chủ đề “Biển Đông: Trung tâm của Khu vực Ấn Độ Dương – Châu Á - Thái Bình Dương” sẽ xem xét bối cảnh địa chính trị rộng lớn của khu vực Ấn Độ Dương - Châu Á - Thái Bình Dương để đánh giá tầm quan trọng của Biển Đông trong chiến lược cạnh tranh địa chính trị của các nước lớn như Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hay Sáng kiến Vành đai và Con đường. Phiên này cũng tìm hiểu mối liên hệ giữa những sự kiện trên Biển Đông với diễn biến ở Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và Biển Hoa Đông cũng như với cục diện địa chính trị chung của toàn bộ khu vực.

Phiên 1

Với chủ đề “Biển Đông Tiêu điểm: 10 năm Nhìn lại”, Phiên 2 sẽ đánh giá tình hình Biển Đông hiện nay trong tương quan với 10 năm trước, qua đó phác họa những nguyên trạng cũng như những thay đổi trên thực địa, trong đánh giá, nhận thức của các chính phủ cũng như trong quan hệ giữa các bên có liên quan. Phiên này cũng xem xét các cách nhìn nhận và lý giải khác nhau từ cùng một sự việc lịch sử để xác định những điểm tương đồng và khác biệt về tư duy, hiểu biết và diễn giải. Qua đó, tranh luận sẽ làm nổi bật những yếu tố làm sai lệch thực tế và phức tạp hoá vòng luẩn quẩn những hành động và phản ứng qua lại. Theo sát những thăng trầm của mức độ căng thẳng, các diễn giả sẽ tìm cách nhận diện những nguyên nhân cơ bản dẫn đến những thay đổi cả về thực tiễn và tư duy.

Phiên 2

Phiên 3: “Lập trường và Yêu sách của các Bên: Tiếp nối và Điều chỉnh” đưa ra tổng kết về quan điểm và yêu sách của các bên tranh chấp trong một thập kỷ qua. Các diễn giả phân tích các tuyên bố chính thức và văn bản lập pháp của từng bên để xác định những điểm có tính tiếp nối cũng như thay đổi trong cách áp dụng và diễn giải luật biển. Thông thường, xác định các nhân tố quan trọng đằng lập trường của các bên là cần thiết để nhận thức rõ nhận thức và cách tiếp cận của họ đối với trật tự pháp lý trên biển hiện nay. Phản ứng của bên yêu sách liên quan đến phán quyết trong vụ kiện lịch sử giữa Philippines và Trung Quốc ngày 12/7/2016 là đặc biệt quan trọng bởi nó phản ánh cách thức các tiến trình pháp lý có thể ảnh hưởng tới hành vi của các chủ thể liên quan.

Phiên 3

“Các Nước Lớn: Can dự hay Không Can dự?” là chủ đề Phiên 4. Biển Đông là một vùng biển có tầm quan trọng toàn cầu bởi nó án ngữ nhiều tuyến hải hành huyết mạch của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Có một luồng quan điểm cho rằng sự tích cực và hiện diện hải quân của các cường quốc bên ngoài đã và đang gây bất ổn và thúc đẩy hoạt động quân sự hóa khu vực. Ở chiều ngược lại, có ý kiến khác giải thích rằng việc các cường quốc can dự vào vấn đề khu vực do lo ngại về nguy cơ tiềm tàng đối với tự do hàng hải, hàng không cũng như các thách thức đối với trật tự luật pháp hiện hành. Phiên thảo luận này sẽ đánh giá tổng thể những thay đổi trong quan điểm và chính sách của các cường quốc chủ chốt đối với Biển Đông và nhận diện những động lực và nguyên nhân đằng sau những thay đổi này.

Phiên 4

Thảo luận về những thay đổi trong cán cân quyền lực và đánh giá những rủi ro có thể dẫn đến xung đột vũ trang ở Biển Đông là chủ đề chính của Phiên 5: “Xây dựng Lực lượng trên Biển Đông”. Sau một thập kỷ từ Sự kiện Impeccable năm 2009, một số lượng lớn khí tài hải quân và không quân, tàu chấp pháp, lực lượng dân quân và các phương tiện tự hành đang hiện diện dày đặc ở vùng biển này. Khu vực Trường Sa và Hoàng Sa được cải tạo thành các tiền đồn với trung tâm hậu cần, các cơ sở ra-đa và được lắp đặt các hệ thống vũ khí mới. Các diễn giả sẽ đánh giá những thành tố cấu thành năng lực biển của các bên để xác định lợi thế giữa các bên, nhận diện tư tưởng và chiến lược an ninh biển của các bên liên quan để đánh giá nguy cơ dẫn tới đối đầu và xung đột.

Phiên 5

Phiên 6 với tiêu đề “Xây dựng Lòng tin, Ngoại giao Phòng ngừa và Giải quyết Tranh chấp” xem xét các tiến trình xây dựng niềm tin, ngoại giao phòng ngừa và nỗ lực giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Mặc dù căng thẳng luôn hiện hữu, nhưng thập kỷ qua cũng có một số diễn biến tích cực. Sau khi thống nhất về khuôn khổ chung, ASEAN và Trung Quốc bắt đầu đi vào đàm phán nội dung thực chất của một bộ quy tắc ứng xử từ đầu năm 2018 trên cơ sở văn kiện đàm phán đơn nhất. Hai bên đã vận hành đường dây nóng để xử lý các tình huống khẩn cấp và thảo luận về mở rộng áp dụng CUEs đối với các tàu cảnh sát biển. Một số bên đang tiến hành đàm phán về khai thác chung và phân định biển. Trong bối cảnh như vậy, các diễn giả sẽ đánh giá những cơ chế quan trọng nhất và xem xét triển vọng của những quá trình này trong tương lai.

Phiên 6

Chủ đề Phiên 7 là “Các Nhân tố Mới Có thể Tạo Bất ổn trên Biển Đông”. Phiên này đề cập các vấn đề mới phát sinh có khả năng phá vỡ trật tự ở Biển Đông. Các tiến bộ khoa học và công nghệ không chỉ mở ra những lĩnh vực cạnh tranh mới, như không gian mạng hoặc khai thác đáy biển sâu, mà còn xoá nhoà ranh giới giữa dân sự và quân sự, giữa con người và thiên nhiên. Biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường biển do hoạt động tàn phá ở quy mô lớn của con người đang phá huỷ hệ sinh thái biển và để lại những hậu quả khó lường cho đời sống và sinh kế của các cộng đồng ven biển. Việc từ chối và không tuân thủ luật pháp quốc tế có thể thúc đẩy các phản ứng đáp trả trái luật, từ đó phương hại một cách hệ thống tới trật tự luật pháp trên biển.

Phiên 7

Phiên 8: “Trật tự và Bất ổn trên Biển Đông: Suy ngẫm về Quá khứ và Định hình Tương lai”. Trật tự dựa trên luật pháp ở Biển Đông đang bị thách thức nghiêm trọng và có thể bị thay thế bởi một trật tự thứ bậc dựa trên sức mạnh, hoặc một kiểu lai tạo giữa sức mạnh và lẽ phải, hoặc thậm chí rơi vào hỗn loạn. Loại hình trật tự nào sẽ đem lại môi trường an ninh, sự thịnh vượng và bền vững cho toàn bộ khu vực? Phiên 8 là tập hợp những suy ngẫm về bản chất của những biến đổi trong thập kỷ qua và những thách thức với Biển Đông trong thập kỷ tới, trên cơ sở rút ra các bài học để cải thiện khả năng quản lý và quản trị Biển Đông vì an ninh và thịnh vượng chung của toàn khu vực.

Phiên 8 và Bế mạc

Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (FESS)