1. Các diễn biến nổi bật năm 2024 Biển Đông năm 2024 chứng kiến nhiều nhiều diễn biến mới đáng chú ý, cả về mặt cạnh tranh và hợp tác, trải khắp các lĩnh vực. Trong đó, nổi bật nhất là các diễn biến về pháp lý, thực địa (bao gồm các lực lượng trên biển), chính trị - ngoại giao và thông tin - tuyên truyền (liên quan đến các chủ thể phi nhà nước như kênh truyền thông hay các viện nghiên cứu).
Trong lĩnh vực pháp lý, thứ nhất, Trung Quốc, Philippines và Việt Nam có xu hướng cụ thể hóa yêu sách tại Biển Đông, gồm nhiều động thái “đầu tiên”. Trong số đó, một số động thái được cho là nhằm điều chỉnh yêu sách theo hướng phù hợp với luật quốc tế hơn, củng cố nền tảng hợp tác biển, một số động thái khác (chủ yếu của Trung Quốc) bị coi là công cụ “pháp lý chiến”.
Về phía Philippines, Philippines lần đầu đệ trình yêu sách về thềm lục địa ngoài 200 hải lý ở phía Tây Palawan lên Ủy ban Ranh giới Thềm Lục Địa (CLCS), Liên hợp Quốc, ghi nhận đệ trình có thể chồng lấn với đệ trình của Việt Nam và Malaysia và khẳng định sẵn sàng thảo luận với các nước liên quan để phân định biển [1]. Philippines cũng ban hành Đạo luật về Vùng biển và Đạo luật Đường biển của Quần đảo, lần đầu xác định ranh giới biển theo tinh thần Phán quyết Biển Đông 2016 [2] và lần đầu quy định tuyến đường biển quần đảo. Động thái ngay lập tức nhận được ủng hộ từ Mỹ [3] và được một số ý kiến đánh giá tích cực vì nhận thấy Philippines đã tự điều chỉnh yêu sách theo hướng phù hợp UNCLOS hơn [4].
Về phía Trung Quốc, Trung Quốc lần đầu công bố hai đường cơ sở lãnh hải mới trong một năm. Ngày 1/3, Trung Quốc công bố Đường cơ sở Lãnh hải tại phía Bắc Vịnh Bắc Bộ. Ngày 10/11, Trung Quốc ra Tuyên bố về Đường cơ sở Lãnh hải quanh Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham [5], đồng thời công bố tên gọi “tiêu chuẩn” của 64 thực thể ở Biển Đông [6] (hầu hết tập trung trong EEZ của Philippines) và phát hành bản đồ “thành phố Tam Sa” mới [7] (trong đó có Đường cơ sở mới ở Scarborough/Hoàng Nham). Động thái tại Scarborough có thể vừa để phản ứng trước Đạo luật mới của Philippines, vừa để Trung Quốc có “cơ sở pháp lý” để tăng hoạt động thực địa tại đây.
Về phía Việt Nam, Việt Nam lần đầu đệ trình giới hạn thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý đối với khu vực trung tâm ở Biển Đông vào ngày 18/7 [8] - đệ trình thứ ba của Việt Nam lên CLCS từ trước tới nay.
Xu hướng thứ hai là, cộng đồng quốc tế tiếp tục ủng hộ Phán quyết Biển Đông 2016, cho thấy giá trị và xu hướng sử dụng Phán quyết làm cơ sở pháp lý để xây dựng lập trường trong các sự việc tại Biển Đông. Cụ thể, ngoài Philippines, ít nhất 17 chủ thể khác [9] ra tuyên bố ủng hộ Phán quyết theo nhiều cấp, một số ở cấp chính phủ - Bộ Ngoại giao như Mỹ [10], Úc [11], EU [12], New Zealand [13], Nhật Bản [14], một số ở cấp Đại sứ quán tại Philippines như Anh [15], Hàn Quốc [16], Canada [17], Pháp [18], Đức [19], Na Uy [20], Đan Mạch [21], Hà Lan [22], Ba Lan [23], Thụy Điển [24], Italia [25] và Séc [26]… Đáng chú ý, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ năm nay có thay đổi về “chất” khi không chỉ khẳng định giá trị của Phán quyết và kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ theo luật quốc tế như mọi năm mà còn thêm đoạn chỉ trích các hành động “nguy hiểm, phá hoại” của Trung Quốc với Philippines tại Biển Đông [27]. Tuyên bố Thượng đỉnh Quad tháng 9/2024 [28] và Bộ trưởng Ngoại giao Quad tháng 7/2024 [29] cũng đề cập đến Phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 12/7/2016 là cơ sở để giải quyết các tranh chấp giữa các bên một cách hòa bình, cho thấy Quad lần đầu khẳng định giá trị của Phán quyết trong các tuyên bố cấp cao.
Trên thực địa, đụng độ giữa Trung Quốc với các nước quanh Biển Đông gia tăng về cường độ và phạm vi, chủ yếu là các đụng độ theo hướng “vùng xám” vì liên quan đến các lực lượng phi - bán quân sự của Trung Quốc hoặc liên quan tới các hành động chưa đến ngưỡng xung đột quân sự.
Với Philippines, Trung Quốc bị cáo buộc liên tục ngăn cản hoạt động của Philippines tại bốn “điểm nóng” chính, phạm vi va chạm rộng hơn 2023 (chỉ tập trung tại hai điểm). Tại Bãi Cỏ Mây, va chạm ngày 17/6 (tàu hải cảnh Trung Quốc lần đầu thực hiện “khám xét tàu” tàu Philippines theo quy định thực thị Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc) [30] gây chú ý dư luận nhiều nhất vì dẫn đến tổn thương về người với phía Philippines… Tại Bãi Hoàng Nham/Scarborough, tàu hải cảnh Trung Quốc bị tố cáo là phun vòi rồng vào tàu công vụ Philippines ngày 4/12 [31], không quân Trung Quốc bị tố cáo thả pháo sáng vào đường bay của không quân Philippines khi Philippines đang tuần tra hàng hải ngày 8/8 [32]… Tại Bãi Sabin, tàu hải cảnh Trung Quốc bị tố cáo cố tình phun vòi rồng vào tàu tiếp tế của Philippines ngày 25/8 [33] và đâm vào tàu của Cục Thủy sản Philippines (31/8) [34]… Tại Đá Khúc Giác, trực thăng và hải cảnh Trung Quốc “chạm trán” với tàu cá PLP (27/11) [35]…
Với Việt Nam, ngày 29/9, tại Hoàng Sa, tàu tuần tra Trung Quốc tấn công một tàu cá Việt Nam, gây thiệt hại về người và của với ngư dân Việt Nam [36]. Với Indonesia, ngày 16-27/10, hải cảnh Trung Quốc liên tục đối đầu với lực lượng Indonesia tại vùng biển Natuna, được cho là “gây rối” hoạt động khảo sát của Công ty Dầu khí Indonesia [37]…
Thứ hai, các nước trong và ngoài tranh chấp Biển Đông tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quân sự mang tính răn đe được bắt đầu từ năm 2022-2023. Về phía Trung Quốc, theo thống kê chưa đầy đủ, Trung Quốc tăng tần suất tập trận tại Biển Đông (khoảng 74 cuộc trong tháng 7-11/2024, gần gấp đôi khoảng 37 cuộc cùng kỳ 2023) [38], trong đó lần đầu Trung Quốc tập trận có hai đội hình tàu sân bay [39]. Về phía Mỹ, một số hiện diện quân sự giảm (Mỹ cả năm tiến hành hai FONOP công khai [40] và bốn lần điều tàu sân bay vào Biển Đông, ít hơn 2023 với ba FONOP và sáu lượt tàu sân bay) nhưng năng lực răn đe tại Biển Đông của Mỹ có thể không ảnh hưởng nhiều vì Mỹ có nhiều tập trận mới với đối tác, đáng chú ý là tám Hoạt động Hợp tác Biển (MCA) với Philippines tại Biển Đông từ tháng 11/2023 đến 11/2024. Một số nước “tầm trung” khác như Nhật, Canada hay New Zealand cũng lần đầu tham gia MCA tại Biển Đông với PLP và Mỹ [41, 42, 43]…
Về chính trị - ngoại giao, các nước ngoài tranh chấp tiếp tục xu hướng phản ứng nhanh trước các sự cố trên Biển Đông, chủ yếu là phản đối mạnh mẽ yêu sách và hành động được coi là phi pháp của Trung Quốc (cả bằng ngôn từ trực tiếp và gián tiếp). Mỹ phản ứng mạnh mẽ và nhanh chóng ở nhiều cấp đối với các vụ việc xảy ra với Philippines. Hết tháng 8/2024, Bộ Ngoại giao bốn lần ra tuyên bố [44] (ngày 5/3 [45], 23/3 [46], 17/6 [47] và 31/8 [48]) sau các đụng độ tại Bãi Cỏ Mây, bắt đầu dùng từ “lên án” (condemn) nhằm vào Trung Quốc kể từ tuyên bố ngày 5/3. Với vụ việc ngày 17/6, lần đầu tiên cả Ngoại trưởng [49] và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ [50] điện đàm với người đồng cấp Philippines để bày tỏ cam kết bảo vệ Philippines của Mỹ theo Hiệp ước Phòng thủ chung. Thượng đỉnh G7 [51] lần đầu phản đối việc Trung Quốc lợi dụng lực lượng dân binh và hải cảnh ở Biển Đông, “quan ngại sâu sắc” về việc ngày càng có nhiều hành động nguy hiểm nhằm vào tàu Philippines. Tuyên bố chung Hội nghị Ngoại trưởng Quad không chỉ đích danh Trung Quốc nhưng phần về Biển Đông mạnh mẽ hơn (“phản đối mạnh mẽ” mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi thực trạng; “quan ngại sâu sắc” việc quân sự hóa các thực thể ở Biển Đông và sử dụng nguy hiểm các lực lượng cảnh sát biển và dân binh biển) trong Tuyên bố năm ngoái (không nhắc tới Biển Đông) [52]. Anh [53], Nhật Bản [54];, Canada [55], Úc [56], Hàn Quốc [57] hay EU… cũng nhiều lần lên tiếng ủng hộ Philippines trong các vụ việc như tại Bãi Cỏ Mây.
Riêng về đụng độ Trung Quốc – Việt Nam, một số nước “tầm trung” có tuyên bố nêu quan ngại nhưng không chỉ trích trực tiếp, chủ yếu ở cấp cơ quan đại diện ở Việt Nam gồm Úc [58], New Zealand [59] và Canada [60]. BNG Mỹ [61] lên tiếng về vụ việc mạnh mẽ hơn các nước nói trên, cho biết Mỹ vô cùng quan ngại trước thông tin về “hành động nguy hiểm” của tàu Trung Quốc đối với tàu cá Việt Nam, kêu gọi Trung Quốc chấm dứt hành vi nguy hiểm và bất ổn ở Biển Đông.
Bên cạnh đó, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á đạt được tiến triển trong nhiều hợp tác biển song – đa phương. Trung Quốc - Indonesia lần đầu tổ chức đối thoại về các vấn đề trên biển, đạt đồng thuận về khai thác chung trên các vùng biển “chồng lấn” (mặc dù cụm từ này gây ra nhiều tranh cãi trong nội bộ Indonesia về lập trường tại Biển Đông của nước này). Trung Quốc cũng lần đầu có đối thoại tương tự với Malaysia và đạt đồng thuận tương tự với Brunei [62]. Trung Quốc – Philippines dù nhiều lần “va chạm” thực địa nhưng vẫn đạt được đồng thuận theo cơ chế tham vấn song phương [63] về giảm căng thẳng tại Bãi Cỏ Mây. Lãnh đạo Trung Quốc - Việt Nam cũng đạt đồng thuận về biến Biển Đông thành vùng biển hợp tác. Trung Quốc – ASEAN tiếp tục đối thoại về COC, tổ chức chức Hội nghị SOM-DOC lần thứ 22 tại Trung Quốc. [64]
Về thông tin - tuyên truyền, Philippines và Trung Quốc thúc đẩy chiến lược “minh bạch hóa” về các va chạm giữa hai bên trên Biển Đông. Về phía Philippines, các lực lượng như Lực lượng Vũ trang Philippines và Lực lượng đặc nhiệm quốc gia Biển Tây Philippines nhanh chóng công bố các video sau các đụng độ lần lượt tại Bãi Cỏ Mây [65] và Hoàng Nham/Scarborough [66], đưa ra các bằng chứng lên án không quân [67] hoặc hải cảnh Trung Quốc hành xử nguy hiểm [68] tại Biển Đông… Ngược lại, Trung Quốc cũng đưa ra các bằng chứng và tuyên bố từ phía mình, cho rằng Philippines mới là bên gây hấn trong các va chạm [69], Philippines từ bỏ “hiệp ước quân tử” đã đạt được với Trung Quốc [70], bị bên ngoài lợi dụng để làm căng thẳng Biển Đông [71] hay đang tìm cách dẫn dắt dư luận [72] qua quá trình “minh bạch hóa” của mình…
Một xu hướng đáng chú ý khác là nhiều chính phủ, kênh học thuật và truyền thông đăng loạt bài về các động thái thực địa của Việt Nam, so sánh với Trung Quốc. Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (AMTI/CSIS) công bố nhiều báo cáo về hoạt động cải tạo đảo của Việt Nam ở Trường Sa [73], được một số báo lớn của Mỹ như Washington Post [74] hay Wall Street Journal [75] dẫn lại, tạo thành hiệu ứng dư luận mạnh mẽ hơn trong năm 2024 cả trên kênh nhà nước và tư nhân. Cụ thể, số lượng chủ thể chính phủ phản ứng chính thức với hoạt động của Việt Nam gia tăng (có Philippines và Malaysia); số lượng các bài bình luận học giả - truyền thông gia tăng (thêm các báo đài châu Âu, Trung Quốc và Philippines); nội dung – quan điểm bình luận về Việt Nam cũng đa dạng hơn (trước chỉ tập trung vào hoạt động cải tạo trước áp lực của Trung Quốc, nay đi thêm vào các nội dung về hệ lụy môi trường, so sánh hoạt động cải tạo của Việt Nam và Trung Quốc hay Philippines, so sánh phản ứng của Trung Quốc trước hoạt động cải tạo của Việt Nam và Philippines…)
2. Dự báo tình hình năm 2025
Trong năm tới, tình hình Biển Đông sẽ tiếp tục bị chi phối bởi các động thái của Trung Quốc và Mỹ, được định hình bởi chính sách khu vực và yếu tố chính trị nội bộ của hai nước này. Các động thái này sẽ được cân nhắc, điều chỉnh trong bối cảnh quan hệ với các quốc gia ASEAN và các cường quốc trung lập, từ đó tác động đến chiến lược và các mối quan hệ an ninh khu vực. Bài viết xem xét các yếu tố sau để làm cơ sở dự báo: (i) những yếu tố nội bộ Trung Quốc và nội bộ Mỹ tác động đến thái độ/lập trường chính sách của họ đối với Biển Đông ; (ii) chính sách hai nước sẽ triển khai tại khu vực; (iii) chính sách của các bên liên quan như ASEAN hay các nước “tầm trung” khác.
Về nội bộ, tình hình nội trị Mỹ và Trung Quốc trong năm 2024 nhiều khả năng thúc đẩy hai nước tiếp tục theo đuổi can dự tại khu vực (gồm Biển Đông) và biến khu vực thành địa bàn cạnh tranh chiến lược. Về phía Mỹ, chính quyền Trump 2.0 đã đề bạt các ứng viên cho các vị trí chủ chốt, đa phần đều là các cá nhân có hiểu biết và quan tâm sâu sắc đến Biển Đông hay có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. Điển hình, ứng cử viên Ngoại trưởng Marco Rubio từng trình dự thảo “Luật trừng phạt Biển Đông và Biển Hoa Đông” [76], hướng tới đối tượng là các cá nhân, tập đoàn, công ty của Trung Quốc liên quan đến hoạt động cải tạo đảo ở Biển Đông [77]. Ứng cử viên Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz [78] cũng được biết đến vì thường xuyên chỉ trích các hoạt động của Trung Quốc tại khu vực Ấn - Thái [79], thậm chí từng gửi thư kêu gọi Tổng thống Mỹ tăng cường hiện diện hải quân ở khu vực vì Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Biển Đông [80]. Riêng về Trump, tuy không nhắc đến Biển Đông trong hơn 100 lời hứa lúc tranh cử [81], Trump có nhắc đến nhu cầu cạnh tranh mạnh mẽ với Trung Quốc. Bên cạnh đó, đồng thuận lưỡng đảng tại Mỹ về cạnh tranh với Trung Quốc đang là xu hướng phổ biến, nhất là khi Đảng Cộng hòa chiếm đa số ở cả Thượng viện và Hạ viện.
Về phía Trung Quốc, Trung Quốc cũng có thể hành xử mạnh mẽ hơn tại Biển Đông, đặc biệt là giai đoạn đầu 2025 để “thử” phản ứng của chính quyền Trump 2.0 giống thời Trump 1.0 [82], ứng phó với chiến lược “phân tán rủi ro kinh tế” (derisking/decoupling) của Mỹ [83], hoặc giảm chú ý vào quá trình điều chỉnh lãnh đạo bộ máy quốc phòng ở trong nước [84]. Ngoài ra, các yếu tố chính trị - kinh tế - quân sự khác cũng có thể thúc đẩy xu hướng này. Báo cáo Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thể hiện quyết tâm thúc đẩy “Chiến lược Cường quốc Biển”, nhấn mạnh “an ninh quốc gia” trong tổng thể đối ngoại [85] (giai đoạn 2020-2050 được đánh giá là có mục tiêu giúp hải quân kiểm soát các khu vực vượt ra ngoài “chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai”). Trung Quốc vẫn có nhu cầu lớn về năng lượng, có thể mở rộng các địa điểm khai thác ở vùng biển phía Nam Trung Quốc [86], bao gồm Biển Đông. Trung Quốc tiếp tục thu hẹp khoảng cách về lực lượng (đặc biệt là trên biển) với Mỹ khi năm 2024 đã triển khai xây dựng hệ thống ra-đa chống tàng hình tại các căn cứ Biển Đông [87], thử nghiệm thành công máy dò tàu ngầm phạm vi 20 km trên Biển Đông [88]. hay chế tạo 3 tàu ngầm hạt nhân phóng tên lửa hành trình thế hệ mới [89]….
Về chính sách khu vực của hai nước lớn, trong năm 2025, Mỹ nhiều khả năng sẽ duy trì Chiến lược Ấn – Thái (liên quan tới Biển Đông) nhưng với những định hướng được nhấn mạnh trong Dự án 2025 (Project 2025) – văn bản chính sách do hơn 100 tổ chức và 400 nhân vật bảo thủ (gồm cựu quan chức thời Trump 1.0) chuẩn bị cho Trump 2.0. Văn bản mang màu sắc chống Trung cực đoan hơn chính sách thời Biden và Trump 1.0 khi khẳng định Trung Quốc là “kẻ thù toàn trị”, Đảng Cộng sản Trung Quốc là “diệt chủng”; chính sách hợp tác với Trung Quốc khi có thể đã thất bại hoàn toàn; Châu Á là “điểm xuất phát” trong cuộc chiến chống lại Trung Quốc Cộng sản; mối đe dọa trực tiếp nghiêm trọng nhất từ Trung Quốc là với đồng minh Mỹ và Đài Loan theo “chuỗi đảo đầu tiên”. Theo đó, Mỹ cần theo đuổi một số định hướng liên quan đến Biển Đông. Với đối tác, Mỹ cần lập mô hình “phòng thủ tập thể” trong chuỗi đảo thứ nhất nhưng ở mức chi phí người Mỹ chấp nhận được; thúc đẩy Quad+ với đối tác mới; tăng chia sẻ tin tình báo tạm thời hoặc bán chính thức với đối tác; giúp Thái Bình Dương chống đánh bắt cá trái phép – không khai báo – không theo quy định (IUU) và dự án phát triển công nghệ lưỡng dụng của Trung Quốc; tập trận cảnh sát biển hàng năm ở Thái Bình Dương… Trong nước, Mỹ cần mở rộng cơ cấu lực lượng hải quân; đưa “chiến tranh bất quy ước” (irregular warfare – gồm chiến tranh “vùng xám”) vào Chiến lược Quốc phòng; phát triển chiến thuật với tàu chiến đổ bộ hạng nhẹ ở Thái Bình Dương…
Về phía Trung Quốc, Trung Quốc vẫn sẽ coi khu vực là địa bàn ưu tiên cho các chiến lược toàn cầu của mình, tăng cả cạnh tranh lẫn hợp tác tại Biển Đông. Cụ thể, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy thực hiện “Sáng kiến An ninh toàn cầu” (GSI), “Sáng kiến Phát triển toàn cầu” (GDI), “Sáng kiến Văn minh toàn cầu” (GCI) và Cộng đồng chung vận mệnh, bắt đầu từ khu vực gồm các nước quanh Biển Đông [90]. Trung Quốc coi Đông Nam Á là mắt xích quan trọng trong chiến lược liên kết với các nước “Nam Bán cầu” để hướng tới trật tự đa cực hoặc thiết lập cực mới [91], thúc đẩy các nước tham gia vào các nhóm như BRICS. Trung Quốc cũng sẽ đặt Biển Đông trong mối tương quan với các biển gần kề khác như Hoa Đông hay Hoàng Hải, phục vụ chiến lược Cường quốc Biển của Trung Quốc đến năm 2030…
Về các yếu tố khác, chính sách của ASEAN và các nước “tầm trung” khác tại Biển Đông có thể ảnh hưởng đến hành xử của các nước lớn. Về phía các nước “tầm trung” phương Tây, các điểm nóng khu vực khác có thể thúc đẩy hai xu hướng đối lập về Biển Đông. Một là, các nước có thể vì tập trung vào các điểm nóng khác, phải căng trải nguồn lực nên không chú ý hoặc giảm can dự tại Biển Đông. Hai là, các nước có thể tăng cường gắn vấn đề Biển Đông với các khủng hoảng khác dựa trên thượng tôn pháp luật. Dấu hiệu của xu hướng này có thể thấy tại Hội thảo Biển Đông lần thứ 16 của Học viện Ngoại giao. Tại đây, Tổng Vụ trưởng EU phụ trách Châu Á - Thái Bình Dương Niclas Kvarnström nhận định an ninh Ấn – Thái và Châu Âu đang gắn kết “hơn bao giờ hết”, thể hiện qua việc Bắc Triều Tiên ủng hộ Nga tại Ukraine hay Biển Đông và Biển Đỏ chia sẻ các thách thức an ninh theo hướng “vùng xám”. Thứ trưởng Quốc phòng Canada Scott Miller nhấn mạnh Biển Đông là “một trong những điểm nóng an ninh quan trọng” với Canada, Canada sẽ gắn kết Biển Đông với Biển Đen – Biển Đỏ [92]…
Về phía ASEAN, các nước nhiều khả năng sẽ tiếp tục cân bằng nước lớn nhưng có thái độ rõ ràng hơn trong một số trường hợp và lĩnh vực cụ thể. Philippines sẽ hợp tác quốc phòng mạnh mẽ hơn với phương Tây và trung cường; Malaysia có thể tìm kiếm hợp tác biển với Trung Quốc ở mức độ nhất định nhưng sẽ không để ảnh hưởng đến năm Chủ tịch ASEAN 2025; Indonesia và Singapore có thể “thực dụng” hơn trong quan hệ nước lớn như trong năm 2024 (Indonesia có tuyên bố chung công nhận yêu sách “chồng lấn” với Trung Quốc; Singapore là nước ASEAN duy nhất tham gia Tuyên bố về cáp ngầm đáy biển do Mỹ thúc đẩy tại Liên hợp quốc…) nhưng sẽ không để các hợp tác này ảnh hưởng đến hình ảnh “nước dẫn dắt” ASEAN.
Về dự báo cụ thể, trên thực địa, Mỹ có thể sẽ thay đổi chiến thuật can dự ở Biển Đông. Các FONOP thời Trump 2.0 có thể sẽ được thúc đẩy trở lại để thể hiện sức mạnh quân sự Mỹ theo tinh thần Project 2025. Tuy nhiên, số FONOP nhiều khả năng không đạt mức kỷ lục thời Trump 1.0 để tập trung nguồn lực vào các hoạt động răn đe. Trump 2.0 có thể thúc đẩy các chiến thuật mới với tàu hạng nhẹ, thiết bị không người lái và tàu cảnh sát biển (theo Project 2025); điều quân trang mới tới khu vực cho các căn cứ mới tại Philippines với mức giá chấp nhận được; tập trung vào các kịch bản chiến tranh “bất quy ước” (vấn đề Project 2025 quan tâm); thúc đẩy đồng minh – đối tác tự tổ chức tập trận, trong khi Mỹ hỗ trợ hậu cần và khí tài… Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục hành xử cứng rắn với Philippines thông qua các hành động “vùng xám” vào giai đoạn đầu 2025 để “thử” chính quyền Mỹ mới, dù với tần suất giảm so với 2024. Tiêu điểm sẽ là Hoàng Nham/Scarborough thay vì Bãi Cỏ Mây để Trung Quốc có thể thúc đẩy Đường cơ sở mới và phủ nhận giá trị hai Đạo luật mới của Philippines. Các nước Đông Nam Á và “tầm trung” khác sẽ tiếp tục tham gia các hoạt động gia tăng năng lực biển do Mỹ và đồng minh dẫn dắt và mạnh dạn hơn với các hoạt động tập trận nội khối.
Về pháp lý, không loại trừ khả năng Mỹ điều chỉnh lập trường pháp lý về Biển Đông để phản đối các yêu sách – động thái mới của Trung Quốc và tạo di sản cho Trump 2.0, giống như Trump 1.0 đã lần đầu ra lập trường về Biển Đông. Lập trường mới có thể làm rõ hơn quan điểm của Mỹ về các thực thể trong tâm điểm gần đây (như Scarborough/Hoàng Nham, Tư Chính hay Bãi Cỏ Mây) hay các động thái đơn phương của Trung Quốc (như đường cơ sở mới tại Vịnh Bắc Bộ hay Hoàng Nham), làm rõ ranh giới kích hoạt Hiệp ước Phòng thủ với Philippines. Trung Quốc có thể sẽ thúc đẩy việc ban hành các nội luật chuẩn bị cho kịch bản vẽ Đường cơ sở xung quanh “Tứ Sa” hay các nội luật về cạnh tranh kinh tế với Mỹ có liên quan đến Biển Đông (như luật riêng về cảng biển, cáp ngầm hay cơ sở hạ tầng biển). ASEAN sẽ tiếp tục thúc đẩy COC để hoàn thành lần đọc thứ ba trước năm 2026.
Về chính trị - ngoại giao, xu hướng ngoại giao láng giềng, đối thoại song phương với ASEAN để thúc đẩy khai thác chung sẽ được Trung Quốc tiếp tục. Các lãnh đạo chủ chốt trong nội các Trump 2.0 có thể tăng công khai chỉ trích Trung Quốc với nội hàm mới (xu hướng này đã xuất hiện thời Trump 1.0, khi một loạt quan chức cấp cao như Phó Tổng thống Mike Pence [93], Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien [94] và Ngoại trưởng Mike Pompeo liên tiếp phê phán Trung Quốc cuối năm 2019 [95]). Nội hàm chỉ trích có thể bổ sung các nội dung trong Project 2025: phê phán IUU và hoạt động vùng xám; phê phán các yêu sách – nội luật mới của Trung Quốc; ủng hộ vụ kiện mới của Philippines… Các văn bản chiến lược như Chiến lược Ấn – Thái (IPS) và Chiến lược An ninh (NSS) hay một văn bản chiến lược riêng về Trung Quốc cũng có thể được Trump 2.0 ban hành.
Về tuyên truyền, Trung Quốc và Philippines sẽ tiếp tục “minh bạch hóa” theo hướng chống lại nhau (Philippines có hỗ trợ của Mỹ). Mỹ có thể hướng tới chia sẻ thông tin tình báo thực địa trên biển theo hướng linh hoạt hơn qua mạng lưới Quad+ hoặc Cửu Nhãn (Project 2025 đề cập khả năng nâng cấp Five Eyes thành Nine Eyes). Để giảm tính nhạy cảm của các dự án nhận thức biển (MDA) tại Biển Đông, Mỹ có thể kết hợp Sáng kiến Nhận thức biển khu vực (IPMDA) của Quad với các dự án thông tin biển tư nhân của các đồng minh khác như Canada (dự án Dark Vessel Detection Program), Anh (dự án Skylight), New Zealand (dự án Starboard) hay EU (CRIMARIO)...
Nhìn tổng thể, tình hình Biển Đông năm 2024 tương đối “sôi động” với nhiều diễn biến chưa từng có và các xu hướng như: xu hướng làm rõ ràng yêu sách pháp lý của một số bên tranh chấp; xu hướng mở rộng phạm vi và tần suất va chạm trên thực địa giữa Trung Quốc và Philippines – Việt Nam; xu hướng tăng hoạt động mang tính răn đe quân sự của các bên liên quan hay xu hướng tăng các luận điểm trái chiều nhau trong lĩnh vực chính trị - ngoại giao và thông tin – tuyên truyền… Trong năm tới, Biển Đông nhiều khả năng tiếp tục bị chi phối bởi Trung Quốc và Mỹ, xuất phát từ những vấn đề về nội bộ và chính sách khu vực của hai nước, trong tương quan với chính sách nước lớn của Đông Nam Á và “tầm trung” khác. Do đó, Biển Đông rất có thể sẽ tiếp tục được coi là địa bàn cạnh tranh nước lớn, gắn với các điểm nóng khác trên toàn cầu cũng như nhiều hoạt động “vùng xám” và răn đe quân sự. ASEAN có thể sẽ là nhân tố cân bằng ảnh hưởng giữa các nước lớn trong khu vực này./.
Đỗ Hoàng
Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân, có đóng góp thông tin từ các đồng nghiệp của tác giả tại Viện Biển Đông)
Tài liệu tham khảo
- “Philippines Đệ Trình Thềm Lục Địa Mở Rộng Lên Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục Địa Liên Hợp Quốc.“ Nghiên Cứu Biển Đông, 20/6/2024. https://nghiencuubiendong.vn/dien-bien-phap-ly-moi-tren-bien-dong-philippines-de-trinh-them-luc-dia-mo-rong-len-uy-ban-ranh-gioi-them-luc-dia-lien-hop-quoc.56572.anews.
- Ruth Abbey Gita-Carlos. “Marcos Inks Laws on PH Maritime Zones, Archipelagic Sea Lanes. “Philippine News Agency, 08/11/2024. https://www.pna.gov.ph/articles/1237378.
- “On the Philippines Maritime Zones Act,“ United States Department of States, 8/11/2024. https://www.state.gov/on-the-philippines-maritime-zones-act/.
- Alex P. Dela Cruz. “Why The Philippines Made a Dramatic Turnaround on the Question of Archipelagos in the Law of the Sea.“ Lowy Institute, 19/11/2024. https://www.lowyinstitute.org/the-interpreter/why-philippines-made-dramatic-turnaround-question-archipelagos-law-sea.
- “中国政府就黄岩岛领海基线发表声明,“ Xinhua News, 10/11/2024. http://www.news.cn/politics/20241110/103c17f8045b472a9286454d91262157/c.html.
- 叶梦圆, “我国南海部分岛礁标准名称公布 - 中华人民共和国国防部,“ 中华人民共和国国防部, 10/11/2024, http://www.mod.gov.cn/gfbw/qwfb/16350825.html.
- 共青团中央, “自然资源部正式发行三沙市新版地图!_腾讯新闻,“ QQNews, 12/11/2024, https://news.qq.com/rain/a/20241112A042O100
- Kim Loan, “Viet Nam’s Submission on Extended Continental Shelf Beyond 200 Nautical Miles Is Appropriate With UNCLOS,“ Socialist Republic of Vietnam Government News, 18/7/2024, https://en.baochinhphu.vn/viet-nams-submission-on-extended-continental-shelf-beyond-200-nautical-miles-is-appropriate-with-unclos-111240718180411193.htm.
- Thống kê của nhóm Pháp lý, VBĐ (Lan Hương; Thanh Thảo, Hồng Minh & Minh Hà).
- “Eighth Anniversary of the Philippines-PRC South China Sea Arbitral Tribunal Ruling - United States Department of State,“ United States Department of State, 11/07/2024, https://www.state.gov/eighth-anniversary-of-the-philippines-prc-south-china-sea-arbitral-tribunal-ruling/.
- Australian Ambassador, The Philippines @AusAmbPH). “A stable and peaceful maritime domain is at the heart of our shared interests and prosperity..“ Bài đăng X (Twitter), 12/7/2024, https://x.com/AusAmbPH/status/1811653276246638656/photo/2
- “South China Sea: Statement by the Spokesperson on the Anniversary of the Award Rendered in the Arbitration Between the Philippines and China,“ EEAS, 11/07/2024. https://www.eeas.europa.eu/eeas/south-china-sea-statement-spokesperson-anniversary-award-rendered-arbitration-between-philippines_en.
- New Zealand Ministry of Foreign Affairs & Trade (@MFATNZ). “On the 8th anniversary of the Arbitral Award, NZ calls on the parties to respect the ruling on maritime rights in the South China Sea as final and binding. “Bài đăng X (Twitter), 12/7/2024, https://x.com/MFATNZ/status/1811597490619318503
- “Eight Years Since the Issuance of the Arbitral Tribunal’s Award as to the Disputes Between the Republic of the Philippines and the People’s Republic of China Regarding the South China Sea, “Ministry of Foreign Affairs of Japan, 12/07/ 2024, https://www.mofa.go.jp/press/release/pressite_000001_00430.html.
- British Embassy Manila (@ukinphilippines). “Today marks the 8th anniversary of a significant milestone – the 2016 Award in the South China Sea Arbitration, which is final and legally binding on both the Philippines and China.“ Bài đăng X (Twitter), 12/7/2024, https://x.com/ukinphilippines/status/1811611674815918124?s=54
- Korean Embassy in the Philippines (@KoreanEmbassyPH). “Marking the 8th Anniversary of the South China Sea Arbitral Award, we reiterate that peace, stability and rules-based order in the SCS must be upheld together with the freedom of navigation and overflight based on the principles of international law, including UNCLOS“, 12/7/2024, https://x.com/koreanembassyph/status/1811739208173912198?s=54
- David Hartman (@AmbDBHartman), https://x.com/AmbDBHartman
- France in the PH (@FrenchEmbassyPH). “As an #IndoPacific nation, France is fully committed to uphold freedom of navigation and overflight consistent with international law, particularly the #UNCLOS, together with The Philippines and other like-minded partners.” Bài đăng X (Twitter), 12/7/2024 https://x.com/frenchembassyph/status/1811605633227215097?s=54
- Ambassador Andreas Pfaffernoschke (@germanyinphl). “Eight years ago, the Philippines vs. China Arbitral Award of 12 July 2016 clarified the legal status of several features in the South China Sea and confirmed that all maritime claims must be based on the relevant provisions of UNCLOS. “ Bài đăng X (Twitter), 12/7/2024 https://x.com/germanyinphl/status/1811573369147670554?s=54
- Ambassador Christian Halaas Lyster (@NorwayAmbMnl). “Respect for international law incl #LawoftheSea is crucial #UNCLOS. Norway supports peaceful, economic development and trade in the Asia-Pacific. “Bài đăng X (Twitter), 12/7/2024, https://x.com/norwayambmnl/status/1811569334466269418?s=54
- Denmark in the Philippines (@DenmarkinPH). “Today, 12 July, marks the 8th anniversary of the 2016 Arbitration Award on South China Sea. We amplify the call from the EU for a peaceful resolution of disputes by maintaining international legal order based on the rule of law. “Bài đăng X (Twitter), 12/7/2024 https://x.com/DenmarkinPH/status/1811564415671816446
- Marielle Geraedts (@geraedtsmariel). “The Netherlands considers it of utmost importance that judgements of int’l law courts and tribunals are implemented and respected “Bài đăng X (Twitter), 12/7/2024 https://x.com/geraedtsmariel/status/1811593324773658998?s=46&t=FaULGG5n74MaCHW_1GaGAw
- PLinPhilippines @PLinManila). “The statement by the Spokesperson Foreign Affairs & Security Policy of the EU on the arbitration initiated by the Republic of the Philippines against the People's Republic of China over the South China Sea. “Bài đăng X (Twitter), 12/7/2024, https://x.com/PLinManila/status/1811599003609706867
- Sweden in Manila @SwedeninManila). “Statement by the EEAS Spokesperson on the anniversary of the Award rendered in the arbitration between the Philippines and China, “Bài đăng X (Twitter), 12/7/2024 https://x.com/swedeninmanila/status/1811566657703412079?s=54
- Italy in the Philippines (@ItalyinPH). “Today, 12 July, marks the 8th anniversary of the 2016 Arbitration Award on the South China Sea. “Bài đăng X (Twitter), 12/7/2024, https://x.com/italyinph/status/1811663193040978430?s=54
- Karel Hejč (@CZAmbManila). “South China Sea: Statement by the Spokesperson on the anniversary of the Award rendered in the arbitration between the Philippines and China, “Bài đăng X (Twitter), 12/7/2024, https://x.com/czambmanila/status/1811544674735415299?s=54
- Xem Chú thích 12.
- “The Wilmington Declaration Joint Statement From the Leaders of Australia, India, Japan, and the United States, “ The White House, 21/09/2024, https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2024/09/21/the-wilmington-declaration-joint-statement-from-the-leaders-of-australia-india-japan-and-the-united-states/.
- “Joint Statement From the Quad Foreign Ministers’ Meeting in Tokyo - United States Department of State, “United States Department of State, 29/07/2024, https://www.state.gov/joint-statement-from-the-quad-foreign-ministers-meeting-in-tokyo/.
- Nguyễn Đăng Hoàng Vũ, “Vụ Va Chạm Giữa Trung Quốc Và Philippines Tại Bãi Cỏ Mây: Diễn Biến Và Hệ Lụy, “Nghiên Cứu Biển Đông, 08/07/2024, https://nghiencuubiendong.vn/vu-va-cham-giua-trung-quoc-va-philippines-tai-bai-co-may-dien-bien-va-he-luy.56593.anews.
- “Tàu công vụ Philippines - Trung Quốc va chạm gần bãi cạn Scarborough”, VnExpress, 4/12/2024, https://vnexpress.net/tau-cong-vu-philippines-trung-quoc-va-cham-gan-bai-can-scarborough-4823918.html#:~:text=B%C3%A3i%20c%E1%BA%A1n%20Scarborough%20l%C3%A0%20r%E1%BA%A1n,c%E1%BA%A1n%20n%C3%A0y%20t%E1%BB%AB%20n%C4%83m%202012.
- Thụy Miên, “Philippines cáo buộc không quân Trung Quốc quấy rối máy bay trên bãi cạn Scarborough”, Thanh Niên, 10/8/2024, https://thanhnien.vn/philippines-cao-buoc-khong-quan-trung-quoc-quay-roi-may-bay-tren-bai-can-scarborough-185240810162603252.htm.
- Thanh Bình, “Philippines tố 8 tàu hải cảnh Trung Quốc bám sát, phun vòi rồng vào tàu tiếp tế”, Tuổi Trẻ, 25/8/2024, https://tuoitre.vn/philippines-to-8-tau-hai-canh-trung-quoc-bam-sat-phun-voi-rong-vao-tau-tiep-te-20240825171659447.htm
- Ngọc Đức, “Tàu Trung Quốc và Philippines đâm nhau trên Biển Đông”, Tuổi Trẻ, 31/8/2024, https://tuoitre.vn/nong-tau-trung-quoc-va-philippines-dam-nhau-tren-bien-dong-20240831162308449.htm
- “China accuses Philippine ships of 'illegally gathering' at disputed reef”, Japan Times, 3/12/2024, https://www.japantimes.co.jp/news/2024/12/03/asia-pacific/politics/china-philippines-ships-reef/
- Phạm Giang. “Việt Nam yêu cầu thả ngay ngư dân bị bắt trên Biển Đông. “VnExpress, 31/10/2024. https://vnexpress.net/viet-nam-yeu-cau-tha-ngay-ngu-dan-bi-bat-tren-bien-dong-4810743.html.
- Nghi Vũ. “Indonesia hai lần xua đuổi tàu Trung Quốc tại vùng biển Bắc Natuna”, Tuổi Trẻ, 24/102024. https://tuoitre.vn/indonesia-hai-lan-xua-duoi-tau-trung-quoc-tai-vung-bien-bac-natuna-20241024151055418.htm.
- Thống kê của Nhóm Trung Quốc, VBĐ (Hoàng Lan; Đăng Dương; Nhật Linh; Lệ Quyên & Khánh Trọng)
- 黄佐春 & 刘亮, “中国首次开展双航母演练:专家:有战略意义,并非简单1+1, “CCTV, 01/11/2024, https://military.cctv.com/2024/11/01/ARTIzxvFQDMNXyyhEepRJ6Ug241101.shtml.
- “U.S. Navy Destroyer Conducts Freedom of Navigation Operation in The South China Sea”, Commander, U.S. 7th Fleet, 10/05/2024, https://www.c7f.navy.mil/Media/News/Display/Article/3771278/us-navy-destroyer-conducts-freedom-of-navigation-operation-in-the-south-china-s/.
- Cristina Chi: “Philippines, Japan Hold First Joint Drills in West Philippine Sea.”, Philstar.com, August 2, 2024. https://www.philstar.com/headlines/2024/08/02/2374959/philippines-japan-hold-first-joint-drills-west-philippine-sea.
- “Úc, Canada, Mỹ và Philippines Tập Trận ở Biển Tây PH”, ABS-CBN News, August 7, 2024. https://www-abs--cbn-com.translate.goog/news/2024/8/7/aus-can-us-ph-exercise-1724
- “PH Holds Joint Drills with Australia, Japan, New Zealand and US in Philippine Waters.” ABS-CBN News, September 28, 2024, https://news.abs-cbn.com/news/2024/9/28/ph-holds-joint-drills-with-australia-japan-new-zealand-and-us-in-philippine-waters-850
- Tổng hợp của Nhóm Mỹ, VBĐ (Đỗ Ngân; Ngọc Mai; Hợp Châu & Khánh Nam).
- “U.S. Support For The Philippines in The South China Sea - United States Department of State, “United States Department of State, 06/03/2024, https://www.state.gov/u-s-support-for-the-philippines-in-the-south-china-sea-8
- “U.S. Support For The Philippines in The South China Sea - United States Department of State, “United States Department of State, 23/03/2024, https://www.state.gov/u-s-support-for-the-philippines-in-the-south-china-sea-9.
- “U.S. Support For The Philippines in The South China Sea - United States Department of State, “United States Department of State, 17/06/2024, https://www.state.gov/u-s-support-for-the-philippines-in-the-south-china-sea-10.
- “U.S. Support For The Philippines in The South China Sea - United States Department of State, “United States Department of State, 31/08/2024, https://www.state.gov/u-s-support-for-the-philippines-in-the-south-china-sea-12/.
- “Secretary Blinken’s Call With Philippine Secretary of Foreign Affairs Manalo, “United States Department of State, 19/06/2024, https://www.state.gov/secretary-blinkens-call-with-philippine-secretary-of-foreign-affairs-manalo-5/.
- “Deputy Secretary Campbell’s Call With Philippine Undersecretary of Foreign Affairs Lazaro - United States Department of State, “United States Department of State, 17/06/2024, https://www.state.gov/deputy-secretary-campbells-call-with-philippine-undersecretary-of-foreign-affairs-lazaro/.
- “G7 Apulia Leaders’ Communiqué, “The White House, 14/06/2024, https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2024/06/14/g7-leaders-statement-8/.
- “Quad Foreign Ministers’ Meeting Joint Statement, Tokyo”, Australian Government Department of Foreign Affairs and Trade, 29/07/2024, https://www.foreignminister.gov.au/minister/penny-wong/media-release/quad-foreign-ministers-meeting-joint-statement-tokyo.
- “Chinese Coast Guard and Maritime Militia Vessels in the South China Sea: FCDO Statement.”, Commonwealth & Development Office, June 19, 2024, https://www.gov.uk/government/news/fcdo-statement-on-the-south-china-sea
- “Recent Surge in Tensions in the South China Sea.” Ministry of Foreign Affairs of Japan, June 18, 2024, https://www.mofa.go.jp/press/release/pressite_000001_00377.html
- “Canada Condemns Actions by People's Republic of China Against Philippine Vessels in South China Sea.”, Global Affairs Canada, June 18, 2024, https://www.canada.ca/en/global-affairs/news/2024/06/canada-condemns-actions-by-peoples-republic-of-china-against-philippine-vessels-in-south-china-sea.html
- “Statement Regarding Recent Incidents in the South China Sea.” Department of Foreign Affairs and Trade (DFAT), June 18, 2024, https://www.dfat.gov.au/news/media-release/statement-regarding-recent-incidents-south-china-sea
- Korean Embassy in the Philippines, June 18, 2024, https://x.com/KoreanEmbassyPH/status/1802907846243488165
- Andrew Goledzinowski (@AusAmbVN). “Australia is seriously concerned by reports China’s maritime forces injured Vietnamese fishermen. “Bài đăng X (Twitter), 4/10/2024 https://x.com/AusAmbVN/status/1842139269684682945
- NZ Embassy Vietnam (@nzinvietnam). “New Zealand is deeply concerned at reports of dangerous actions by Chinese vessels against Vietnamese fishing vessels in the #ParacelIslands. “Bài đăng X (Twitter), 4/10/2024 https://x.com/nzinvietnam/status/1842027048694636996
- Shawn Steil (@ShawnSteil). “I am deeply concerned for the health and safety of Vietnamese fisherman involved in the incident on 29 September, and the ongoing PRC actions against civilian vessels in the South China Sea. “Bài đăng X (Twitter), 4/10/2024 https://x.com/ShawnSteil/status/1841999434605076899?fbclid=IwZXh0bgNhZW0CMTAAAR1x376Gh3fBcTjCnjmvXINh5OAwUMTb8kpUjJMZBJfow9sDpGk1S2_08EQ_aem_IUiqhG7YS_MvOc6Tboqsqg
- Matthew Miller @StateDeptSpox). “The United States is deeply concerned by reports of dangerous actions by PRC law enforcement vessels against Vietnamese fishing vessels around the Paracel Islands on September 29. “Bài đăng X (Twitter), 4/10/2024 https://x.com/StateDeptSpox/status/1841998593538089158
- “中华人民共和国和印度尼西亚共和国关于推进全面战略伙伴关系和中印尼命运共同体建设的联合声明(全文) — 中华人民共和国外交部, “中华人民共和国外交部, 09/11/2024, https://www.mfa.gov.cn/web/ziliao_674904/1179_674909/202411/t20241109_11524047.shtml.
- “中国和菲律宾举行南海问题双边磋商机制第九次会议_中华人民共和国外交部, “ 中华人民共和国外交部, 02/07 2024, https://www.fmprc.gov.cn/wjbxw_new/202407/t20240702_11446084.shtml.
- “22nd ASEAN-China SOM-DOC Convenes in the Ancient City of Xi’an, China,” ASEAN, 13/09/2024, https://asean.org/22nd-asean-china-som-doc-convenes-in-the-ancient-city-of-xian-china/.
- Jay Tarriela, June 20, 2024, https://x.com/jaytaryela/status/1803547421399720267
- “Philippines Accuses China of Firing Flares at Its South China Sea Plane, “Hong Kong Free Press (HKFP), 25/08/2024, https://hongkongfp.com/2024/08/25/philippines-accuses-china-of-firing-flares-at-its-south-china-sea-plane/.
- Jay Tarriela @jaytaryela). “NSC PRESS RELEASE 12 August 2024: Statement of the National Task Force for the West Philippine Sea. “Bài đăng X (Twitter), 12/8/2024, https://x.com/jaytaryela/status/1822881622360019260?lang=en
- “WATCH: China Vessels Ram, Water Cannon PH Ship, “The Manila Times, August 25, 2024, https://www.manilatimes.net/2024/08/25/videos/watch-china-vessels-ram-water-cannon-ph-ship/1966656.
- Carla Teng, “Sabina Shoal: New China-Philippines Flashpoint in South China Sea, “Asia Media Centre, 4/9/2024, https://www.asiamediacentre.org.nz/sabina-shoal-new-china-philippines-flashpoint-in-south-china-sea.
- “吴士存:菲政府否认‘君子协定’违背诚信原则,也违背国际法_腾讯新闻”, QQN, 23/5/2024, https://news.qq.com/rain/a/20240523A05C6I00?suid=&media_id.
- “《南海仲裁案裁决再批驳》报告发布:中国政府不会承认仲裁庭作出的非法裁决”, CCTV, 11/7/ 2024, https://news.cctv.com/2024/07/11/ARTIBF0ZwgKBD1yVcVojtUAl240711.shtml.
- “‘无意挑起战争’又挑衅不断 菲律宾在南海打什么算盘”, Sina News, 28/6/2024, https://news.sina.cn/2024-06-28/detail-incafpmy6466574.d.html.
- “Hanoi in High Gear: Vietnam’s Spratly Expansion Accelerates”, Asia Maritime Transparency Initiative (AMTI), June 7, 2024. https://amti.csis.org/hanoi-in-high-gear-vietnams-spratly-expansion-accelerates/
- Rebecca Tan và Laris Karklis, “Vietnam Accelerates Island Building to Fight China’s Maritime Claims, “The Washington Post, 9/8/2024, https://www.washingtonpost.com/world/interactive/2024/vietnam-south-china-sea-islands-growth/.
- https://www.wsj.com/video/series/news-explainers/vietnam-is-rapidly-building-artificial-land-in-the-shadows-of-china/5C3022D2-F396-4B9A-9895-8217E8B634BD
- Marco Rubio, Rubio-Cardin South China Sea Act (Washington, DC: Office of Senator Marco Rubio, n.d.), https://www.rubio.senate.gov/wp-content/uploads/_cache/files/f3e4a93c-68b1-41d9-aca4-edcf30df461f/B2D5942E2DC2A48C4119E9DD2705C920.rubiocardinsouthchinasea.pdf
- “Dự Luật Trừng Phạt Trung Quốc Ở Biển Đông Và Biển Hoa Đông”, My Anh (dịch), Thanh Hải (hiệu đính), Tài liệu Nghiên cứu Biển Đông, https://nghiencuubiendong.vn/du-luat-trung-phat-trung-quoc-o-bien-dong-va-bien-hoa-dong.6891.adata.
- Kaitlan Collins và Jack Forrest, “Trump Asks Mike Waltz to Serve as His National Security Adviser”, CNN, 12/11/2024, https://edition.cnn.com/2024/11/11/politics/mike-waltz-national-security-adviser/index.html.
- Lolita C. Baldor, “Trump Likely to Name Loyalist as Defense Secretary”, AP News, 12/11/ 2024, https://apnews.com/article/trump-defense-secretary-pentagon-nomination-59657362d8bb5b6bf245def8611e7a0f.
- “Waltz, Kelly Lead Bipartisan, Bicameral Letter Calling on Biden to Prioritize U.S. Maritime Defense”, Congressman Mike Waltz: Proudly Serving Florida, 31/1/2024, https://waltz.house.gov/news/documentsingle.aspx?DocumentID=866.
- Louis Jacobson và Ian McKinney, “Donald Trump’s 2024 campaign promises: Here’s his vision for a second term”, Politifact, 29 /10/2024, https://www.politifact.com/article/2024/sep/30/donald-trumps-2024-campaign-promises-heres-his-vis/?form=MG0AV3.
- Idrees Ali. “China Finishing South China Sea Buildings That Could House Missiles - U.S. Officials.” Reuters, February 22, 2017. https://www.reuters.com/article/world/exclusive-china-finishing-south-china-sea-buildings-that-could-house-missiles--idUSKBN161029/
- Cheng-Chwee Kuik, “Southeast Asia hedges between feasibility and desirability”, East Asia Forum, 4/7/2023, https://eastasiaforum.org/2023/07/04/southeast-asia-hedges-between-feasibility-and-desirability/
- Bong Xin Ying. “China Defence Minister Dong Jun’s Reappearance Stirs More Intrigue Amid Patron Miao Hua's Downfall.”, Channel News Asia, December 6, 2024. https://www.channelnewsasia.com/east-asia/dong-jun-miao-hua-china-pla-purge-xi-jinping-4791276
- “Toàn văn Báo cáo tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc”, Lãnh sứ quán Trung Quốc tại TP. HCM, 26/10/2022, http://hochiminhcity.china-consulate.gov.cn/xwdt/202210/t20221026_10792286.html.
- “Everyone is drilling inside the Nine-dash line”, AMTI, 8/3/2023, https://amti.csis.org/almost-everyone-is-drilling-inside-the-nine-dash-line/
- “China Puts Anti-Stealth Radar System on Strategic S. China Sea Island”, The Maritime Executive, 21/10/2024, https://maritime-executive.com/article/china-puts-anti-stealth-radar-system-on-strategic-s-china-sea-island.
- “Trung Quốc Thử Nghiệm Thành Công Máy Dò Tàu Ngầm Phạm Vi 20 Km Trên Biển Đông.” VTC News, 21/09/2024, https://vtcnews.vn/trung-quoc-thu-nghiem-thanh-cong-may-do-tau-ngam-pham-vi-20-km-tren-bien-dong-ar897230.html
- Thạch Anh, “Trung Quốc Thử Nghiệm Thành Công Máy Dò Tàu Ngầm Phạm Vi 20 Km Trên Biển Đông”, Báo Điện Tử VTC News, 21/9/ 2024, https://vtcnews.vn/trung-quoc-thu-nghiem-thanh-cong-may-do-tau-ngam-pham-vi-20-km-tren-bien-dong-ar897230.html.
- “Trung Quốc Công Bố Sách Trắng về Quan Hệ Quốc Tế”, Quân đội nhân dân Việt Nam, 26/9/2023, https://www.qdnd.vn/quoc-te/tin-tuc/trung-quoc-cong-bo-sach-trang-ve-quan-he-quoc-te-744380
- “China’s leaders will seek to exploit global divisions in 2024 “, The Economist, 13/11/2023, https://www.economist.com/the-world-ahead/2023/11/13/chinas-leaders-will-seek-to-exploit-global-divisions-in-2024.
- Trao đổi tại Hội thảo Biển Đông lần thứ 16 của Học viện Ngoại giao.
- “Remarks by Vice President Pence at the Frederic V. Malek Memorial Lecture – the White House”, Trump White House, 24/10/2019, https://trumpwhitehouse.archives.gov/briefings-statements/remarks-vice-president-pence-frederic-v-malek-memorial-lecture/.
- Ben Doherty, “Asean Summit: US Condemns Chinese ‘intimidation’ in the South China Sea”, The Guardian, 4/11/2019, https://www.theguardian.com/world/2019/nov/04/asean-summit-us-condemns-chinese-intimidation-in-the-south-china-sea.
- Kay Johnson, “Pompeo Blasts Chinese ‘coercion’ in South China Sea”, Reuters, 1/8/2019, https://www.reuters.com/article/us-asean-thailand-pompeo/pompeo-blasts-chinese-coercion-in-south-china-sea-idUSKCN1UR4D2/.