Các đảo quốc Thái Bình Dương – Trọng tâm chiến lược Chính quyền Biden

Lợi ích của Mỹ tại khu vực

Chiến lược nhấn mạnh tầm quan trọng Thái Bình Dương với Mỹ. Về địa-chiến lược, khu vực chiếm 15% diện tích toàn cầu, giúp kết nối Mỹ với khu vực trọng tâm khác là Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Về văn hóa – xã hội, Mỹ có hơn hai triệu dân tại các đảo quốc, có “lịch sử gắn bó lâu đời” với các đảo quốc (từ Thế Chiến 2, người bản địa Solomon đã giúp Mỹ xây đường băng). Về an ninh, khu vực đang đối mặt với một loạt thách thức, bao gồm biến đổi khí hậu, đánh bắt cá trái phép, COVID-19 hay sức ép từ Trung Quốc. Chiến lược khẳng định tất cả đều có hệ lụy với Mỹ với tư cách là một nước Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, các đảo quốc Thái Bình Dương và tầm quan trọng của khu vực này vốn đã được nhắc tới trong Chiến lược Ấn – Thái của chính quyền Biden hồi tháng 2/2022[1]. Nếu chỉ vì những lý do trên, Mỹ không nhất thiết phải soạn một văn bản riêng về các đảo quốc. Lợi ích khác mà chiến lược không nhắc đến là cạnh tranh nước lớn.

Các đảo quốc là nơi Trung Quốc đang thúc đẩy tầm ảnh hưởng của mình. Ngoài thương mại hai chiều với giá trị ngày một lớn[2], Trung Quốc cũng đã khởi xướng hơn 100 dự án viện trợ và đào tạo hơn 10.000 nhân lực cho khu vực từ năm 1970 đến nay[3]. Riêng trong năm 2022, truyền thông rộ lên thông tin về thỏa thuận an ninh bí mật giữa Trung Quốc và Solomon và đàm phán thỏa thuận an ninh – kinh tế giữa Trung Quốc các đảo quốc. Trước đó, một số đảo quốc như Kiribati và Solomon cũng ngừng công nhận ngoại giao Đài Loan và chuyển sang công nhận Trung Quốc.

Trong khi đó, Mỹ đã nhiều năm “bỏ quên” khu vực Thái Bình Dương. Các văn bản chính sách thời Trump ít nhấn mạnh khu vực này (Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017 chỉ nhắc đến các đảo quốc đúng một lần[4]). Bên cạnh đó, Mỹ vẫn chưa giải quyết ổn thỏa các di sản chiến tranh nặng nề tại khu vực. Thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ nhiều lần đổ rác thải hạt nhân xuống Thái Bình Dương, tiến hành 67 cuộc thử vũ khí tại đảo quốc Marshall từ 1946 tới 1958 (có báo cáo cho rằng hậu quả còn nghiêm trọng hơn ở Fukushima hay Chernobyl[5]). Việc quản lý các vùng lãnh thổ trong khối Hiệp ước Tự do của Mỹ cũng là vấn đề nhạy cảm. Các phong trào độc lập, bài trừ “đế quốc” Mỹ cũng phổ biến tại nhiều đảo quốc.

Do đó, Chiến lược của Mỹ có thể coi là động thái “ngầm” phản ứng lại ảnh hưởng ngày một tăng của Trung Quốc và tái can dự tại các đảo quốc Thái Bình Dương.

Dấu ấn về chủ nghĩa đa phương

Chiến lược đề ra bốn mục tiêu: (i) thúc đẩy đối tác Mỹ - Thái Bình Dương bền chặt; (ii) duy trì đoàn kết Thái Bình Dương trong kết nối toàn cầu; (iii) thúc đẩy Thái Bình Dương bền bỉ trước biến đổi khí hậu và các thách thức thế kỷ 21; (iv) thúc đẩy thịnh vượng cho người dân đảo quốc. Có thể thấy, hai mục tiêu đầu thiên về ngoại giao song phương và đa phương, mục tiêu thứ ba thiên về an ninh truyền thống và không truyền thống, mục tiêu thứ tư thiên về kinh tế - phát triển. Để đạt được bốn mục tiêu, Chính quyền Biden sẽ theo đuổi 10 phương hướng, trong đó chủ nghĩa đa phương nổi lên rõ rệt.

Nếu như Chiến lược Ấn – Thái hồi tháng 2/2022 coi trọng các cơ chế tiểu đa phương như Quad hay AUKUS, Chiến lược Thái Bình Dương lại nhấn mạnh vai trò của đa phương, đặc biệt là PIF. PIF được nhắc đến 16 lần xuyên suốt văn bản (Quad được nhắc 3 lần, AUKUS thậm chí không nhắc đến). Điều này có thể do: (i) PIF trong thời gian qua có nhiều dấu hiệu rạn nứt (5 quốc đảo Micronesia thông báo sẽ rút khỏi PIF vào tháng 2/2021, Kiribati và Solomon ngừng công nhận Đài Loan năm 2019 trong khi Tuvalu hay đảo quốc Marshall vẫn có tuyên bố ủng hộ Đài Loan[6]), Mỹ cần thúc giục hàn gắn; (ii) các dự án của Quad hay AUKUS hiện hướng tới Đông Á và Ấn Độ Dương nhiều hơn.

Chiến lược cũng tránh gắn đa phương và PIF vào cạnh cạnh nước lớn. Biểu hiện là văn bản chỉ nhắc đến Trung Quốc một lần trong phần liên hệ bối cảnh (Trung Quốc không hề xuất hiện trong phần chính). Đây cũng là điểm khác biệt nữa của Chiến lược so với Chiến lược Ấn – Thái (Chiến lược Ấn – Thái liên tục nhắc đến cạnh tranh địa – chính trị và thách thức từ Trung Quốc). Điều này có thể do: (i) Trung Quốc không thuộc khu vực đảo quốc Thái Bình Dương nên nghiễm nhiên ít được chú ý hơn; (ii) đây là lần đầu Mỹ có văn bản chiến lược riêng về Thái Bình Dương nên cần nhấn mạnh vào tầm quan trọng của riêng Thái Bình Dương và PIF hơn; (iii) chính lãnh đạo một số nước Thái Bình Dương từng lên tiếng cảnh giác về cạnh tranh nước lớn và không muốn Thái Bình Dương trở thành địa bàn cạnh tranh nước[7] nên Mỹ muốn thể hiện sự tế nhị, tránh để các nước có cảm giác phải “chọn bên” và dễ ủng hộ Chiến lược Thái Bình Dương hơn.

Triển vọng của Chiến lược tới đâu?

Mỹ đã có các động thái “tái cam kết” tại Thái Bình Dương, làm nền tảng để thúc đẩy Chiến lược mới này. Ví dụ, năm 2018, Phó Tổng thống Mike Pence đi PNG dự APEC. Năm 2019, Mike Pompeo là Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên thăm Micronesia. Sau gián đoạn COVID-19, thời chính quyền Biden, nhất là năm 2022, hàng loạt quan chức cấp cao đã tới thăm Thái Bình Dương, bao gồm Ngoại trưởng Blinken, Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Kritenbrink, Cố vấn An ninh Kurt Campbell, Đặc phái viên John Kerry, Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman… Trong cuộc họp PIF ngày 12/7/22, Phó Tổng thống Mỹ đã tuyên bố Mỹ sẽ đưa ra Chiến lược Thái Bình Dương[8]. Mỹ cũng lựa chọn Fiji làm địa điểm công bố Chiến lược Ấn – Thái hồi tháng 2/2022.

Tuy nhiên, Chiến lược vẫn bỏ ngỏ nhiều vấn đề. Thứ nhất, như đã nêu trên, ảnh hưởng của Mỹ tại Thái Bình Dương còn nhiều hạn chế trong khi ảnh hưởng của Trung Quốc hay thậm chí Úc có phần gia tăng.

Thứ hai, dù đã rất cẩn thận trong câu chữ, một số ý tứ trong Chiến lược có thể khiến các nước Thái Bình Dương “phật ý”: Chiến lược tự coi Mỹ là nước có vai trò “dẫn dắt” về chống biến đổi khí hậu tại Thái Bình Dương, các nước Thái Bình Dương khác chỉ là đối tác chứ không đi đầu trong vấn đề này; Chiến lược nhắc đến cạnh tranh địa – chính trị nhưng ngay sau đó “đổ lỗi” điều này do Trung Quốc tăng sức ép lên Thái Bình Dương.

Thứ ba và cũng là quan trọng nhất, Chiến lược chưa cụ thể hóa nguồn lực để triển khai. Mỹ đưa ra nhiều ý tưởng mới như Đối tác Thái Binh Dương, mở rộng các phái đoàn ngoại giao Mỹ, sáng kiến xử lý rác thải nhựa, đầu tư vào hạn chế tác động của BĐKH… nhưng tất cả đều cần có nguồn tài chính. Chiến lược chỉ nhắc đến việc đầu tư và lôi kéo các đối tác Quad vào đầu tư chung chung, không đưa ra nguồn vốn cụ thể. Trong bối cảnh xung đột Ukraine kéo dài, có thể chính khu vực Thái Bình Dương phải cạnh tranh với các khu vực khác trong Ấn – Thái về nguồn lực. Mới đây, thông tin rò rỉ từ đàm phán COFA cho thấy lãnh đạo Palau, Micronesia và Marshall đã thẳng thừng tuyên bố số tiền viện trợ Mỹ đề xuất là không đủ để hiện thực hóa các cam kết Mỹ đề ra[9]. Nếu không có nguồn lực cụ thể, các cam kết của Mỹ cũng chỉ là “đãi môi”.

Nhìn chung, Chiến lược Đối tác Thái Bình Dương là một dấu mốc quan trọng trong chính sách đối ngoại của chính quyền Biden. Chiến lược cho thấy các đảo quốc Thái Bình Dương được Mỹ dần coi trọng trở lại trong bối cảnh Trung Quốc cũng đang thúc đẩy ảnh hưởng của mình tại đây. Tuy nhiên, Chiến lược vẫn có thể chỉ là động thái mang tính chất phản ứng. Để thành công, Mỹ cần có tầm nhìn dài hạn hơn, coi trọng khu vực vì giá trị riêng của các đảo quốc, tập trung vào các vấn đề lịch sử khó khăn cũng như huy động đầy đủ nguồn lực triển khai Chiến lược trong dài hạn.

 

[1] https://www.whitehouse.gov/wp-content/uploads/2022/02/U.S.-Indo-Pacific-Strategy.pdf

[2] https://www.economist.com/china/2022/06/02/chinas-interest-in-the-pacific-islands-is-growing

[3] https://www.lowyinstitute.org/the-interpreter/china-s-influence-pacific-donor

[4]https://trumpwhitehouse.archives.gov/wp-content/uploads/2017/12/NSS-Final-12-18-2017-0905.pdf

[5] https://foreignpolicy.com/2022/09/30/a-summit-cant-fix-americas-pacific-islands-problems/

[6] https://www.rand.org/blog/2022/08/after-pelosis-visit-most-of-the-indo-pacific-sides.html

[7] https://www.pacificislandtimes.com/post/panuelo-urged-solomons-to-reconsider-security-pact-with-china

[8]https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2022/07/12/fact-sheet-vice-president-harris-announces-commitments-to-strengthen-u-s-partnership-with-the-pacific-islands/

[9] https://www.theguardian.com/world/2022/sep/28/us-pacific-summit-faces-rocky-start-as-island-leaders-reject-washingtons-offers