29/03/2016
Các dự án của Trung Quốc không chỉ giúp Pakistan bù đắp sự thiếu thốn về vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, giúp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, mà hơn thế, nó còn hứa hẹn tạo ra những giá trị chiến lược quan trọng trong toan tính của cả hai nước.
Từ khi công bố sáng kiến Con đường Tơ lụa trên biển, Trung Quốc đã tăng cường đầu tư vào hàng loạt dự án Cơ sở hạ tầng (CSHT) trên toàn thế giới, đặc biệt là khu vực Nam Á. Các dự án này mang những giá trị khác nhau đối với sự phát triển của quốc gia sở hữu, cũng như quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia tiếp nhận đầu tư .
Trong bài viết trước đó, tác giả đã trình bày liên kết CSHT cảng biển của Trung Quốc tại Sri Lanka. Trong đó, cảng Colombo nổi lên như một điểm nối chiến lược trên con đường vận chuyển hàng hải Đông - Tây cũng như Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc. Tuy nhiên, sự hiện diện của Trung Quốc lại đặt Sri Lanka vào một thế lưỡng nan đầy khó xử với các thách thức an ninh - chính trị, nhưng lại không đảm bảo các lợi ích về mặt kinh tế.
Tiếp nối Sri Lanka, hệ thống hóa các dự án CSHT liên kết biển của Trung Quốc tại Pakistan - quốc gia có quan hệ tốt nhất với Trung Quốc tại Nam Á là điểm nhấn tiếp theo trong bài viết này. Là quốc gia nhận được tuyên bố đầu tư lớn nhất kể từ khi OBOR được đưa ra với dự án Hàng lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) trị giá 46 tỷ USD, Pakistan hiện được xem như đối tác chiến lược quan trọng bậc nhất của Bắc Kinh. Các dự án của Trung Quốc không chỉ giúp Pakistan bù đắp sự thiếu thốn về vốn đầu tư CSHT, giúp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, mà hơn thế, nó còn hứa hẹn tạo ra những giá trị chiến lược quan trọng trong toan tính của cả hai nước.
Hàng lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) và Cảng Gwadar
Trị giá 46 tỷ USD, Dự án CPEC tương đương khoảng 20% GDP Pakistan năm 2014, gấp ba lần vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp mà Pakistan nhận được trong 7 năm qua. Số tiền này cũng vượt xa vốn đầu tư cũng như các chi phí khác của Mỹ ở Pakistan. CPEC được hoan nghênh rộng rãi ở Pakistan như là một siêu dự án “game changer” - đóng vai trò thay đổi cục diện.
Cốt lõi của dự án này là 2.500 đường cao tốc và đường sắt liên kết, kết nối với cảng Gwadar (Pakistan) trên biển Ả Rập đến thành phố Tân Cương, Tây Bắc Trung Quốc. 46 tỷ USD sẽ được chia thành hai phần đầu tư cho 15 năm tới: (i) 34 tỷ sẽ dành cho các dự án năng lượng dựa vào than đá và năng lượng tái tạo nhằm tăng thêm khoảng 10,4 gigawatts vào mạng lưới điện của Pakistan, cùng đường ống dẫn dầu và khí đốt; (ii) 12 tỷ cho CSHT dọc hành lang thông qua cao tốc Karakoram, bao gồm mở rộng cảng Gwardar, xây dựng sân bay quốc tế mới, cùng các khu công nghiệp và hệ thống cáp quang.
Bản đồ 1: Hàng lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (nguồn CPEC)
Đi cùng với siêu dự án này là sự tham gia của Trung Quốc vào Gwadar. Cảng Gwadar có độ sâu 12,5m, gồm 3 cầu tàu đa chức năng dài 200m và 1 cầu tàu dịch vụ dài 1.100m, có thể tiếp nhận tàu trọng tải tối đa 50.000 tấn. Tháng 4/2015 Trung Quốc đã được cấp quyền vận hành cảng Gwadar trong 40 năm. Cuối 2015, Trung Quốc và Pakistan đã kí thỏa thuận cho phép Trung Quốc thuê 8.000m2 để xây dựng vùng kinh tế đặc biệt, bao gồm một sân bay quốc tế, một khu tự do thương mại và một công ty dịch vụ hàng hải mà Trung Quốc có toàn quyền quản lý. Cách eo Hormuz khoảng 400km, nơi 40% các tàu vận chuyển dầu thế giới đi ngang, Gwadar là điểm quan trọng nhất trên hành lang CPEC. Cảng Gwadar hiện đang trong quá trình xây dựng giai đoạn II, trị giá 932 triệu USD, với các cầu cảng sâu 14,5m để tiếp nhận tàu trọng tải 200.000 tấn.
CPEC và Gwadar được dự đoán sẽ rút ngắn khoảng cách vận chuyển dầu khí từ Trung Đông sang phía Tây Trung Quốc xuống tổng cộng gần 11.500 km, bao gồm gần như toàn bộ khoảng cách giữa Vịnh Oman và Gwadar. Tuyến đường mới sẽ chỉ dài 2.500 – 3.000km từ Gwadar (hoặc Karachi) Pakistan đến Tân Cương, Trung Quốc, thay vì đi vòng theo đường truyền thống qua Nam Á, tới biển Đông, rồi tới các tỉnh miền Đông Trung Quốc trước khi vận chuyển sang phía Tây. Cụ thể là đường đi truyền thống sẽ mất 10.000km qua biển và sau đó là 4.500km qua gần như toàn bộ diện tích Trung Quốc (Bản đồ 2). Trong khi đó, không chỉ có lợi về mặt kinh tế mà CPEC còn bảo đảm an toàn hơn so với con đường trên biển.
Đường ống dẫn dầu Iran - Pakistan (IPI) và Cảng Karachi
Sau CPEC và Gwadar thì Đường ống dẫn dầu Iran - Pakistan - Ấn Độ (IPI), trị giá 7,5 tỷ USD, dài 2775km là dự án quan trọng thứ ba của Trung Quốc tại Pakistan. Đường ống dẫn từ mỏ khí tự nhiên lớn nhất thế giới South Pars của Iran trong vùng vịnh Ba Tư sẽ đi qua Khuzdar và Baluchistan (khu vực Cảng Gwadar) Pakistan với một nhánh đi vào Multan và một đi vào Cảng Karachi, một cổng trên biển Ả Rập. Từ Multan, đường ống có thể mở rộng đến Ấn Độ (Bản đồ 3). Đường ống này có khả năng xuất đi 150 triệu mét khối tiêu chuẩn khí đốt mỗi ngày (mmscmd) cho Pakistan (60 mmscmd) và Ấn Độ (90 mmscmd).
Vào tháng 8/2015, Thủ tướng Iran và Pakistan đã có cuộc gặp gỡ nhằm chuẩn bị cho việc tiếp tục dự án đường dẫn khí Iran - Pakistan. Iran đã hoàn thành đường ống dẫn khí dài 1.800km với tổng trị giá 2 tỷ USD. Phần còn lại thuộc Pakistan sẽ do Trung Quốc hoàn thành với mức đầu tư 5 tỷ USD. Đại sứ Iran tại Trung Quốc Ali Asghar Khaji cũng lưu ý rằng phần mở rộng của hệ thống đường ống Iran-Pakistan bên phía Iran cũng sẽ được quan tâm, cũng như lợi ích của Trung Quốc và Pakistan.
Là một trong những điểm mút của IPI, Cảng Karachi cũng nhận được các gói đầu tư phát triển CSHT năng lượng từ Trung Quốc. Tháng 8/2015, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã tiến hành lễ động thổ hai dự án nhà máy điện hạt nhân do Trung Quốc hỗ trợ tài chính gần thành phố duyên hải Karachi. Dự án có tổng vốn là 9,59 tỷ USD, trong đó 6,5 tỷ là từ Trung Quốc. Dự kiến, hai nhà máy sẽ cung cấp 1.100 MW cho lưới điện nước này. Cảng Karachi có độ sâu 10m-3,7m, có 30 cầu tàu hàng khô, 3 cầu tàu chất lỏng và 2 cầu tàu container tư, có thể tiếp nhận tàu 75.000 tấn.
Bên cạnh ý nghĩa về năng lượng, Cảng Karachi cũng là một địa điểm mang giá trị chiến lược đối với Trung Quốc và các quốc gia khác. Trong 25 năm gửi tàu quân sự ra nước ngoài diễn tập, Karachi là nơi Trung Quốc cập cảng nhiều nhất (7 lần). Karachi cũng là cảng dịch vụ, thương mại và hậu cần quân sự cho các lực lượng của NATO đang chống lại phiến quân Taliban ở Afghanistan.
Từ 2014, Trung Quốc cũng có các động thái muốn hiện diện thường xuyên hơn tại đây, như thông qua các gói đầu tư năng lượng. Ngoài ra, trong thỏa thuận của Pakistan mua 8 tàu ngầm S-20 của Trung Quốc được Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan công bố vào đầu 2015, thì 4 chiếc sẽ được chế tạo ở Trung Quốc, 4 chiếc còn lại được chế tạo ở Pakistan. Do sự hiện diện quân sự của Trung Quốc, Karachi được nhận định là một “hạt ngọc” trên “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc.
Thách thức an ninh và cung ứng
An ninh hiện đang là thách thức chủ yếu mà Trung Quốc gặp phải tại các dự án ở Pakistan, bao gồm cả CPEC, IPI, Gwadar và Karachi. Nguồn gốc của thách thức này đến từ Balochistan - khu vực mà các dự án đều phải đi qua (xem bản đồ 1 và 3).
Balochistan là một trong những tỉnh lớn nhất và nghèo nhất của Pakistan với dân cư thưa thớt, là khu vực nằm trong Các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, không đảm bảo cả các điều kiện cơ bản như nước sạch và y tế. Khu vực này là nơi sinh sống của tộc người Baloch - đã chiến đấu vì nền độc lập từ những năm 1970, cùng với các chiến binh Hồi giáo có liên quan đến Al-Qaeda và Taliban, cũng như phong trào Hồi giáo Đông Turkestan, thậm chí có cả các chiến binh liên quan tới nhóm ly khai Uighur mà Trung Quốc lo sợ sẽ khuấy động tình trạng bất ổn ở Tân Cương.
Nguyên nhân dẫn đến sự bạo động của người Baloch đến từ hai lý do chính. Một là mối lo ngại Trung Quốc bóc lột các nguồn tài nguyên của họ như dầu, khí, than đá và quặng sắt; và hai là nỗi sợ bị đối xử tệ như tại Karachi khi chính phủ Pakistan đưa người dân Punjab và các tỉnh lân cận tới tỉnh này và biến sắc tộc Baloch thành thiểu số. Vì vậy, người Baloch đã tập hợp thành ba nhóm để chống chính quyền và phản đối các dự án, đòi hỏi công bằng và lợi ích. Các bộ tộc này bày tỏ thái độ bất mãn sâu sắc với Chính quyền trung ương Pakistan và các dự án của Trung Quốc. Họ công khai phản ứng không hề nhận được các khoản lợi tức công bằng từ hoạt động khai thác trong khu vực. Sự bất mãn đã chuyển thành các cuộc tấn công vào các dự án CSHT cũng như công nhân Trung Quốc tại Pakistan.
Điển hình là vào đầu tháng 4/2015, chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc tuyên bố tham gia xây dựng đường ống dẫn dầu Iran - Pakistan (IPI), các nhóm nổi dậy Baloch đã tấn công và giết chết 20 công nhân trong tỉnh Balochistan. Vào 2013, các nhóm nổi dậy này cũng đã tấn công những xe bồn chở dầu ở quận Changi. Xa hơn là vào tháng 1/2007, Quân đội giải phóng Baloch (BLA - một trong ba nhóm nổi dậy) cũng tuyên bố chịu trách nhiệm cho việc phá hủy đường ống dẫn khí và hai trụ điện cao thế tại Dera Bugti. Nhóm này cũng đã phá hủy một đường ống dẫn khí và một đường ống nước tại Pir Koh vào tháng 10/2006, bắn chết ba công nhân Trung Quốc tại một nhà máy xi măng (2006) và cũng chịu trách nhiệm cho cái chết của ba kỹ sư Trung Quốc làm việc tại Cảng Gwadar (2004).
Sự bất ổn và bạo lực đã đặt ra vấn đề an ninh rất lớn cho các dự án CSHT của Trung Quốc tại Pakistan. Theo một quan chức của Cơ quan Chống khủng bố Quốc gia Pakistan, để đảm bảo việc thi công, Chính quyền Pakistan đã phải triển khai một kế hoạch an ninh ba lớp, điều động 8.000 nhân viên an ninh bảo vệ cho 8.112 công nhân Trung Quốc đang làm việc tại 210 dự án ở Pakistan.
Tháng 10/2015, một quan chức an ninh cấp cao tham dự cuộc họp ở Trung Quốc cho biết “Chúng tôi [Pakistan] đang có một kế hoạch bốn lớp (four-layer plan) cho hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC), tích hợp với một chính sách an ninh mới”. “Ước tính có khoảng 32.000 nhân viên an ninh sẽ bảo vệ hơn 14.321 công nhân Trung Quốc tham gia vào khoảng 210 dự án lớn nhỏ ở Pakistan.” Tính trung bình thì tỷ lệ sẽ là 2,3 nhân viên an ninh/ 1 công nhân Trung Quốc. Theo kế hoạch này, sẽ có khoảng 5.700 nhân sự của Frontier Corps, 3.000 cảnh sát và 1.000 nhân viên Levies bảo vệ cho các tuyến đường của Balochistan, chiếm 27% toàn lực lượng an ninh.
Việc triển khai số lượng lớn nhân viên an ninh tại các dự án kinh tế với tỷ lệ bảo vệ trung bình lên tới 2,3:1 cho thấy vấn đề an ninh tại Pakistan là nghiêm trọng. Lực lượng này có thể sẽ mang lại hiệu quả, tuy nhiên, chi phí triển khai sẽ không hề rẻ. Chưa kể đến khu vực Tân Cương (đầu mút của CPEC tại Trung Quốc) vốn cũng đã bất ổn vì tình trạng bạo động của người Duy Ngô Nhĩ, thì vấn đề an ninh tại Balochistan - điểm giao của cả bốn dự án là thách thức lớn.
Một trường hợp tương tự để so sánh là Hệ thống đường ống dẫn khí Shwe từ mỏ khí Shwe ngoài khơi Myanmar vào bờ và nối liền tới Tây Nam Trung Quốc. Dự án bao gồm 2 phần: trên biển và trên đất liền với tổng chiều dài 2.380 km. Dự án trị giá 2,5 tỷ USD, được thực hiện bởi 6 nhà đầu tư đến từ 4 nước: Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Myanmar.
Dự án đã gây ra bất bình rộng khắp do cưỡng bức di dời và vấn đề lợi ích, làm bùng phát bạo động giữa các lực lượng vũ trang phản đối và quân đội Myanmar. Theo Wong Aung - Người phát ngôn của Phong trào chống Dự án Shwe, “các vụ di dời và cưỡng bách tái định cư sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ít nhất 8.000 người. Chúng tôi tin rằng dọc theo đường ống dẫn dầu và khí đốt này, sẽ có hơn 21.000 người khác nữa”. Ông cũng sợ rằng tác động tiêu cực của dự án sẽ lan rộng khắp Myanmar. Do bạo lực leo thang, dự án đã bị chậm tiến độ và từng bị hoãn.
Dự án hoàn thành và đi vào hoạt động vào tháng 7/2013, nhưng công suất hoạt động là rất thấp so với tính toán ban đầu vì nhu cầu và giá dầu thấp tại tỉnh Guangxi (Trung Quốc) - đầu ra của đường ống. Công ty quản lý PetroChina đã phải chịu lỗ trong thời gian dài, đến mức định bán lại 51% cổ phần của mình. Hiện các chuyên gia đang phải đặt câu hỏi về khả năng sinh lời của dự án.
Bên cạnh vấn đề an ninh, thách thức tương lai của IPI chỉ còn là vấn đề cung ứng. Thứ nhất, do CSHT yếu kém, Baloch - nơi CPEC và IPI đi qua, nằm gần cả Gwadar và Karachi là một trong những tỉnh nghèo và kém phát triển nhất Pakistan, không đảm bảo cả các điều kiện cơ bản như nước sạch và y tế. Do đó, CSHT tại khu vực này không hề phát triển. Trong khi CSHT khai thác và vận chuyển dầu, khí của Iran cũng không khá hơn do thiếu chú trọng đầu tư cộng với thời gian dài cấm vận, dẫn đến việc hủy bỏ và dừng các dự án trước đó.
Thứ hai là thiếu khả năng cung ứng do nhu cầu tăng. Theo Bộ Năng lượng Mỹ, nhu cầu dầu mỏ của thế giới sẽ tăng 57% vào 2030, Ấn Độ và Pakistan là các nước có nhu cầu tăng nhanh nhất. Bên cạnh đó, nhu cầu dầu mỏ nội địa của Iran cũng liên tục tăng nhanh, khiến cho việc đáp ứng cùng lúc cả Iran, Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc của IPI là rất khó khăn.
Thứ ba, do tác động của lệnh cấm vận, hiện Iran vẫn chưa thể xuất khẩu dầu, mỏ. Đối với Mỹ, IPI là một công cụ để Iran phá thế cấm vận, tạo ra một động lực phát triển cho nền kinh tế. Từ đó tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân và hỗ trợ khủng bố, đi ngược lại lợi ích của cộng đồng quốc tế. Vì vậy, để có thể kiềm chế và ngăn cản Iran khỏi các hành động chống lại lợi ích của Mỹ, IPI và việc xuất khẩu dầu có thể sẽ được mang ra làm con tin trao đổi. Chưa kể, Mỹ cũng không muốn việc IPI hoàn thành và mang lại lợi ích cho Trung Quốc hay Pakistan. Bởi việc hoàn thành IPI và CPEC sẽ giúp Trung Quốc giải quyết “lưỡng nan Malacca” khi 82% dầu mỏ và 30% khí tự nhiên của Trung Quốc đi qua eo này. Quan hệ Pakistan với Mỹ hiện cũng không mấy tốt đẹp sau khi Mỹ xâm phạm lãnh thổ Pakistan để tiêu diệt Osama bin Laden vào 2011.
Cơ hội của tương lai
Tuy nhiên, ngoại trừ vấn đề an ninh, thách thức cung ứng kể trên không phải là vấn đề quá lớn. Với thỏa thuận hạt nhân mà Iran đạt được với nhóm P5+1 vào 16/1/2016, các lệnh cấm vận đối với Iran sẽ dần được xóa bỏ và Iran sẽ có thể bắt đầu tái khởi động việc xuất khẩu dầu bị đình trệ trong nhiều năm qua.
Trước thỏa thuận này, việc triển khai xây dựng IPI không hề hứa hẹn một viễn cảnh tươi sáng. Bản thân Iran cũng đã từng muốn dừng dự án khi rút lại khoản vay 500 triệu USD dành cho việc xây dựng đường ống IPI bên phía Pakistan. Tuy nhiên, nhờ tiến triển trong quá trình đàm phán vấn đề hạt nhân Iran, Trung Quốc đã tham gia xây dựng IPI vào 2015 với cam kết đầu tư 2,5 tỷ USD để xây dựng đường ống chính bên phía Pakistan và các nhánh mở rộng, bao gồm cả đường ống sang lãnh thổ Trung Quốc. Việc tham gia này cũng đồng thời đảm bảo được rằng nguồn cung dầu mỏ sẽ phải chia theo một công thức tính công bằng với Trung Quốc.
Tóm lại, CPEC và IPI, Gwadar cùng Karachi là bốn dự án rất quan trọng của Trung Quốc tại Pakistan mà nước này muốn hoàn thành bằng mọi giá. Với hai trục dự án này, Trung Quốc có thể đảm bảo an ninh năng lượng và đồng thời mở ra các hướng giải quyết thế “lưỡng nan Malacca”. Tuy nhiên, thách thức an ninh và viễn cảnh thất bại do những yếu tố xuất phát từ địa phương như tại dự án Shwe (Myanmar) cũng là điều mà cả Trung Quốc và Pakistan cần suy nghĩ.
Vũ Thành Công, Nghiên cứu viên thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh.
Bài viết thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link bài viết, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.
Năm 2023, dù chiến sự tại Ukraine diễn biến căng thẳng và xung đột tại Trung Đông leo thang, tình hình Biển Đông tiếp tục thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Biển Đông cũng ngày càng được coi là chỉ dấu về trật tự dựa trên luật lệ từ phía Mỹ và đồng minh – đối tác thông qua các tuyên bố và văn bản...
Trả lời câu hỏi của phóng viên chiều ngày 25/5/2023, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết, tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 (XYH-10) của Trung Quốc cùng một số tàu hải cảnh, tàu cá bảo vệ đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được xác lập phù hợp với các quy định của...
Trong gần hai năm trở lại cầm quyền tại Malaysia từ tháng 5/2018 - 3/2020, Thủ tướng Mahathir Mohamad (sau đây gọi là Chính quyền Mahathir 2.0) đã thổi luồng gió mới vào chính sách Biển Đông của Malaysia. Khác với cách tiếp cận “thầm lặng” của chính quyền tiền nhiệm, Thủ tướng Mahathir và chính quyền...
Qua phân tích ảnh vệ tinh Đá Ba Đầu từ 2016 đến nay cho thấy, việc Trung Quốc tập kết lượng lớn tàu, dài ngày tại Đá Ba Đầu không phải để tránh thời tiết xấu mà nhiều khả năng là chiến thuật "cắt lát Salami" mới ở Biển Đông, bắt đầu triển khai từ tháng 2 năm 2020.
Bài viết phân tích Hải chiến Hoàng Sa (1974), cuộc tấn công ở Trường Sa (1988), sự kiện Đá Vành Khăn (1995) và sự kiện Bãi cạn Scarborough (2012) để tìm ra những quy luật nhất định. Đây sẽ là cơ sở để phán đoán thời điểm Trung Quốc hành động chiếm mới các thực thể ở Biển Đông để từ đó Việt Nam ra...
Nội dung bài viết bao quát lịch sử quá trình từ khi Trung Quốc manh nha thúc đẩy ý tưởng nghiên cứu băng cháy trên Biển Đông; cho đến hiện trạng khai thác hiện nay để làm rõ thực chất Trung Quốc đã đi đến bước nào trong tiến trình khai thác một loại năng lượng mới ở trên Biển Đông.