20/09/2017
Theo gần như bất kì cách tính nào, thành tích kinh tế của Trung Quốc trong 4 thập kỷ qua cũng ấn tượng không khác gì Vạn lý trường thành. Nhưng giống như Vạn lý trường thành không hiệu quả như người ta tưởng tượng, nền tảng của nền kinh tế Trung Quốc cũng yếu kém.
Theo gần như bất kì cách tính nào, thành tích kinh tế của Trung Quốc trong 4 thập kỷ qua cũng ấn tượng không khác gì Vạn lý trường thành. Kể từ cuối những năm 1970, Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh hơn bất cứ nước nào trong lịch sử. Nhưng giống như Vạn lý trường thành không hiệu quả như người ta tưởng tượng, nền tảng của nền kinh tế Trung Quốc cũng yếu kém. Vì quy mô và sự hội nhập của Trung Quốc vào mạng lưới sản xuất toàn cầu, có một điều chắc chắn: Khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển, nền kinh tế thế giới cũng vậy. Hơn nữa, những mối nguy của một nền kinh tế Trung Quốc không vận hành tốt là rất lớn, không chỉ đối với Trung Quốc mà còn đối với Mỹ và mọi nước khác.
Một mô hình không bền vững
Từ cuối những năm 1970 đến năm 2000, Trung Quốc đã tăng trưởng trung bình 9%, nhưng kể từ đó tăng trưởng đã giảm đáng kể, xuống 6,7% trong cả năm 2016. Sự sụt giảm năng suất của nước này còn gây rắc rối hơn so với tăng trưởng lao dốc. Hiện nay tất cả tăng trưởng của Trung Quốc đạt được nhờ huy động nhiều tiền của và lao động hơn, chứ không phải nhờ cải thiện nhân lực và công nghệ. Giờ đây phải mất gấp 3 lần lượng vốn để tạo ra 1 đơn vị tăng trưởng kinh tế so với năm 2008. Kết quả là nợ bùng phát, hiện lên đến ít nhất 280% GDP, và có thể vượt mức 300% vào cuối năm nay.
Trung Quốc có 3 chiến lược để ngăn chặn xu hướng này. Đầu tiên là thu hẹp quy mô nền kinh tế cũ bằng cách giảm công suất trong các ngành công nghiệp nặng do các tập đoàn sở hữu nhà nước vật vờ chi phối, trong đó có thép và nhôm. Thứ hai là mở rộng nền kinh tế mới bằng cách hỗ trợ các dịch vụ giá trị gia tăng cao và công nghệ tiên tiến. Và thứ ba là cải cách các hệ thống tài chính chính quyền địa phương trong khi thắt chặt quy chế về các công cụ tài chính mới như sản phẩm quản trị tài sản. Các số liệu nổi bật phản ánh sự tái cấu trúc kinh tế; dịch vụ hiện chiếm hơn một nửa nền kinh tế, chế tạo công nghệ cao đang mở rộng nhanh chóng và việc phát hành tín dụng mới đang chậm lại. Nhưng bất chấp những nỗ lực này, năng suất vẫn đang giảm sút.
Thủ phạm là sự can thiệp quá lớn của nhà nước. Năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa hẹn rằng thị trường sẽ đóng một vai trò quyết định trong việc phân phối các nguồn lực. Trên thực tế, bộ máy quan liêu của Đảng Cộng sản và chính phủ đã tăng chứ không giảm vai trò của họ trong nền kinh tế thông qua chính sách công nghiệp và chủ nghĩa trọng thương, và việc đóng cửa nhà máy cũng như cắt giảm sản xuất hiện thuộc tầm ảnh hưởng của các nhà hoạch định chính sách thay vì doanh nhân. Theo kế hoạch "Sản xuất ở Trung Quốc 2025" và các sáng kiến tương tự khác, hàng tỷ, nếu không muốn nói là hàng nghìn tỷ nhân dân tệ, đang được ném vào các ngành công nghiệp chiến lược, từ chất bán dẫn đến trí tuệ nhân tạo. Đó là lý do giải thích tại sao, chẳng hạn, gần 20 tỉnh Trung Quốc đang đầu tư cùng lúc vào các cơ sở chế tạo chíp bộ nhớ. Các công ty và viện nghiên cứu đang nộp đơn cấp các bằng sáng chế với con số vô dụng kỷ lục vì họ được miễn phí từ bộ máy quan liêu để làm vậy. Và tín dụng do nhà nước bảo trợ vẫn đang chảy tự do vào các dự án ưu tiên cao trên khắp đất nước, điều giải thích tại sao kinh tế tăng trưởng 6,9% trong quý đầu năm 2017 bất chấp khu vực tư nhân không thực sự nhiệt tình.
Kỷ nguyên cải cách kinh tế và mở cửa mà Đặng Tiểu Bình khởi xướng năm 1978 được xây dựng trên nền tảng tự do hóa dần dần trong nước và mở cửa hơn với thế giới bên ngoài, dù với sự báo trước rằng quyền lực của Đảng Cộng sản sẽ không bị đe dọa. Dưới thời Chủ tịch Giang Trạch Dân và Thủ tướng Chu Dung Cơ, Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới vào cuối năm 2001 với mục tiêu dùng toàn cầu hóa để tự do hóa nền kinh tế Trung Quốc và làm cho nó trở nên hiệu quả hơn. Cam kết đó đã phai nhạt dưới thời nhà lãnh đạo tiếp theo, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, nhưng ông này yếu kém và bị các lực lượng bảo thủ và tự do co kéo, dẫn đến chính sách dao động giữa các mục tiêu và chiến thuật khác nhau.
Khó có thể là một nhà tự do chủ nghĩa?
Tập Cận Bình không những không tin vào thị trường, ông còn có quyền lực hơn nhiều những người tiền nhiệm. Bất chấp những hứa hẹn cải cách ông đưa ra năm 2013, ông luôn chỉ là một nhà tự do hóa khi có thời cơ, và ngay khi bóng đen bao phủ lĩnh vực nhà ở vào năm 2014, Tập Cận Bình nhanh chóng can thiệp để chuyển dòng tiền sang thị trường cổ phiếu trong năm sau. Sự sụt giảm đột ngột của các thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến mùa Hè năm đó được xử lý bằng những biện pháp vụng về mà sau đó lại sinh ra thêm sự can thiệp. Cải cách giờ không có nghĩa là thị trường hóa mà là củng cố nhà nước.
Một số yếu tố của công nghiệp nước ngoài đang hưởng lợi từ cách tiếp cận mang tính tư bản nhà nước của Bắc Kinh. Các công ty Mỹ bán hàng tiêu dùng lâu bền và dịch vụ, hàng hóa vận tải và trang thiết bị xây dựng đang làm ăn khá tốt ở Trung Quốc. Nhưng ngày càng nhiều nhà sản xuất nước ngoài - đặc biệt là những người đứng đầu chuỗi giá trị gia tăng - giờ đây bị giới quan chức chính sách công nghiệp Trung Quốc nhắm tới. Liên tiếp nhiều cuộc thăm dò cho thấy các công ty nước ngoài cảm thấy ít được chào đón hơn. Mặc dù ngay cả khi chỉ thu được một miếng nhỏ trong chiếc bánh Trung Quốc khổng lồ cũng đem lại thu nhập đáng kể, tuyên bố của Trung Quốc rằng nước này ủng hộ kết quả cùng có lợi với thế giới giờ đây được hiểu một cách châm biếm có nghĩa là "Trung Quốc thắng, Trung Quốc thắng".
Tuy nhiên, nếu "tập đoàn" Trung Quốc tiếp tục canh tranh và chiến thắng không công bằng, tất cả cuối cùng sẽ thất bại, đặc biệt là Trung Quốc. Nền kinh tế nước này không thể tiếp tục vận hành ở chế độ "vỗ béo" là kích thích chính sách công nghiệp. Bối cảnh cạnh tranh toàn cầu và mô hình kinh doanh của các ngành công nghiệp, ngay cả khi hoạt động rất xa bên ngoài biên giới Trung Quốc, cũng sẽ khó duy trì trước các nguồn tài chính không đáy từ Trung Quốc. Và tất cả điều này có thể chuyển thành sự bất ổn và dễ tổn thương về kinh tế vĩ mô trên khắp thế giới.
Có một số cách để đảo ngược đường đi này, nhưng không cách nào khả thi cao. Một số người tin rằng Tập Cận Bình có thể đang cố ý hành động như một nhà dân tộc chủ nghĩa bảo thủ để ông có thể củng cố quyền lực và mở ra một chương trình tự do hóa sau này, có lẽ sau Đại hội đảng XIX năm nay. Tuy nhiên, đây có lẽ không hơn gì mơ tưởng, và Tập Cận Bình mà chúng ta thấy là Tập Cận Bình mà chúng ta phải sống chung. Nhiều khả năng ông sẽ gia tăng sự can thiệp của nhà nước trong nhiệm kì thứ hai hơn là làm một nhà tự do chủ nghĩa thực sự.
Một cuộc khủng hoảng kinh tế cũng có thể đem lại cho Tập Cận Bình một lựa chọn khắc nghiệt, nhưng Trung Quốc có nhiều cách để tránh tan chảy hoàn toàn; nước này có một nguồn tiết kiệm khổng lồ và có rất ít nợ nước ngoài. Ngay dù nếu một cuộc khủng hoảng nổ ra, có lẽ là kết quả của một chuỗi phản ứng liên quan đến giá nhà ở sụt giảm và vỡ nợ trái phiếu cũng như các công cụ tài chính khác, chưa rõ Tập Cận Bình sẽ phản ứng như thế nào. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998 là một bài học. Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung đã giải tán một số tập đoàn và ngân hàng hàng đầu nước này và mở cửa nền kinh tế. Ngược lại, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã tiến hành kiểm soát vốn và tăng cường sự can dự của nhà nước vào kinh tế. Tập Cận Bình rõ ràng giống với Thủ tướng Malaysia hơn.
Chủ nghĩa bảo hộ ương ngạnh
Điều này khiến ảnh hưởng nước ngoài trở thành cách cuối cùng để khuyến khích tự do hóa kinh tế và một mối quan hệ cân bằng hơn với phần còn lại của thế giới. Không may, Chính quyền Trump đã ném đi công cụ tốt nhất để tạo động lực cho Trung Quốc thay đổi khi Mỹ từ bỏ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, một thỏa thuận vốn sẽ hạ các rào cản thương mại đối với hàng hóa, nông nghiệp và dịch vụ, và vốn đã có thể tạo ra những nguyên tắc hoàn toàn mới để quản trị hành vi của các doanh nghiệp nhà nước, thương mại điện tử, đầu tư và việc mua sắm của chính phủ. Với việc Trung Quốc đứng ngoài nhìn vào, nước này sẽ phải cải cách theo điều kiện của thế giới để tránh bị đẩy ra khỏi đường cao tốc kinh tế toàn cầu vào ngõ cụt. Khó có khả năng những thỏa thuận song phương tương tự giữa Mỹ và từng nước tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương sẽ hiệu quả như vậy, và mặc dù các thỏa thuận đa phương và khu vực khác đang được đàm phán - như Thỏa thuận hàng hóa môi trường của Tổ chức thương mại thế giới và Đối tác kinh tế toàn diện khu vực ở châu Á - Bắc Kinh có đủ lực đòn bẩy để đảm bảo rằng những hiệp ước như thế chỉ đem lại những nhượng bộ có giới hạn.
Với hầu như không có sức ép trong nước và không có công cụ đa phương và khu vực đáng kể, toàn bộ gánh nặng có vẻ đặt lên những cuộc đàm phán Mỹ-Trung rủi ro cao. Tổng thống Trump từng phát biểu lớn tiếng trong chiến dịch tranh cử, nhưng đã dịu giọng kể từ đó, kể cả kiềm chế gọi Trung Quốc là một nước thao túng tiền tệ. Tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Mar-a-Lago hồi tháng 4, Trump và Tập Cận Bình đã đồng ý về thời kì đàm phán kéo dài 100 ngày để tạo tiến triển ban đầu trong việc tái cân bằng mối quan hệ giữa hai cường quốc. Các quan chức Trung Quốc tin họ đã “thuần hóa” được Trump và có thể tránh những hình phạt lớn bằng cách tiến hành những biện pháp chiếu lệ để thu hẹp thặng dư thương mại - có lẽ bằng cách mua thêm thịt bò, nhiên liệu hóa thạch và máy bay Boeing của Mỹ. Do cần sự giúp đỡ của Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên, có thể Trump sẽ chấp nhận thỏa thuận dễ dàng. Tuy nhiên, vì ông từ lâu đã than vãn về thương mại bất bình đẳng và sự xuất hiện của Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, có thể Mỹ sẽ đòi Trung Quốc phải thể hiện cam kết thực sự với việc kiềm chế bộ máy chính sách công nghiệp của nước này.
Cả hai bên bờ Thái Bình Dương hiện nay dường như ít có cách ra quyết định sáng tỏ, và việc Trung Quốc không quay trở lại con đường theo xu hướng cải cách có thể gây hại không thể sửa chữa được không chỉ cho nền kinh tế của chính nước này mà còn cho trật tự quốc tế tự do, và đặt hai siêu cường vào con đường chiến tranh thương mại.
Scott Kennedy là phó giám đốc Chương trình Freeman Chair thuộc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, giám đốc Dự án Kinh tế Chính trị và Kinh doan Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Ông là biên tập cuốn sách Global Governance and China: The Dragon’s Learning Curve (Routledge, sẽ xuất bản vào mùa thu năm 2017). Bài viết này nằm trong loạt bài đặc biệt của Real Clear World (RCW) về mối quan hệ địa chiến lược Mỹ-Trung. Bài viết được đăng trên RCW và thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Trần Quang (gt)
Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo mọi thứ và có mặt ở khắp mọi nơi. Một trong những phi hành gia của Trung Quốc đã kêu gọi thành lập một nhánh của ĐCSTQ ngoài không gian - sẽ là “một bước tiến nhỏ của con người, một bước tiến vĩ đại cho nhân loại”.
Để phục vụ công tác nghiên cứu và tra tìm tư liệu, website Nghiên cứu Biển Đông trân trọng giới thiệu bạn đọc toàn văn bài nghiên cứu có tựa đề “Chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman và việc bổ nhiệm đại sứ mới Tần Cương liệu có mở ra bước ngoặt cho quan hệ Trung – Mỹ?” của tác giả Zhou Yuan,...
Liệu họ có thể tin tưởng vào một quốc gia ban đầu đã tìm cách che giấu dịch COVID-19 để rồi khiến nó lan ra toàn cầu hay không?
Bài viết này xem xét chính sách đối ngoại và ngoại giao của Trung Quốc trong khuôn khổ lý thuyết địa tâm lý học, một loại lý thuyết có thể được định nghĩa là lăng kính địa lý về mô hình hành vi và thái độ của một dân tộc đối với các dân tộc khác, bắt nguồn từ những kinh nghiệm trong quá khứ, quá trình...
Luận điệu của Trung Quốc về cuộc chiến chống COVID-19 đã thay đổi rõ rệt theo sự chuyển biến của tiến trình chống dịch trong nước: từ thận trọng và phòng vệ sang bất mãn với những nhận định về nguồn gốc của virus.
Tham vọng của Bắc Kinh xây dựng PLA thành một lực lượng quân đội hàng đầu thế giới sẽ đặt ra những thách thức đối với các lợi ích của Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác của nước này trong và ngoài khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.