Trong thời kỳ đổi mới và mở cửa của Đặng Tiểu Bình, chính sách đối ngoại Trung Quốc luôn duy trì hướng nội: mối ưu tiên được đặt vào phát triển kinh tế trong nước và Trung Quốc đã không thể theo đuổi một chính sách đối ngoại tham vọng. 35 năm sau, hướng tiếp cận này đã trải qua nhiều điều chỉnh đáng kể. Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, chính sách đối ngoại “giấu mình chờ thời” của Trung Quốc đã không còn được ưa chuộng mà thay bằng định hướng “làm nên công tích”. Trong bối cảnh những sự biến chuyển về giáo lý này, ngoại giao Trung Quốc đã trở nên chủ động hơn nhiều, phát động những sáng kiến tại châu Á-Thái Bình Dương và vượt ra ngoài khu vực.

Phát triển kinh tế “như động lực chính” của chính sách đối ngoại

Chắc chắn, chính sách đối ngoại của Trung Quốc sẽ tiếp tục được định hình chủ yếu bởi những mục tiêu phát triển kinh tế trong nước, thậm chí ngay cả khi những yếu tố khác như tính cách của Tập Cận Bình hay khuôn khổ tư tưởng được quảng bá bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giành được ưu thế. Lý do nằm ở khoảng cách có từ lâu trong phát triển kinh tế giữa những khu vực phía Đông và phía Tây của Trung Quốc cũng như vai trò cốt yếu của khả năng của Đảng trong việc sử dụng tăng trưởng kinh tế để củng cố tính hợp pháp của mình. Kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng Con đường tơ lụa mới (hay “Vành đai và Con đường” theo thuật ngữ chính thức), được Tập Cận Bình phát động vào mùa Thu 2013 được thiết kế đặc biệt để khắc phục những điểm yếu của nền kinh tế quốc gia - đáng chú ý là thông qua việc mở cửa những tỉnh nghèo nhất của đất nước và tìm kiếm cơ hội trên thị trường quốc tế trong những lĩnh vực mà công suất đang quá tải nghiêm trọng (xây dựng, thép và than đá, trong số các ngành công nghiệp khác, đang đặc biệt bị ảnh hưởng). Với sự phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, Trung Quốc hy vọng sẽ tăng cường các mạng lưới cơ sở hạ tầng (bao gồm cảng biển, sân bay, đường bộ, đường sắt, đường ống dẫn dầu, viễn thông, cáp biển và vệ tinh) trong một khu vực láng giềng rộng hơn, mà có thể, theo đúng kế hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại khu vực và quan trọng nhất, đưa hàng hóa Trung Quốc tới thị trường châu Âu thông qua những con đường thay thế khắc phục được các hiểm lộ của eo biển Malacca.

Sáng kiến “Vành đai và Con đường” có thể được coi là một bước tiếp nối tham vọng hơn cho chính sách “đi ra ngoài” được triển khai vào giai đoạn cuối thập niên 90 với mục tiêu quốc tế hóa các doanh nghiệp Trung Quốc và là một dấu hiệu nữa của xu hướng tập trung phát triển kinh tế trong nước liên quan đến việc định hình vị thế quốc tế của Trung Quốc. Xu hướng quốc tế hóa này, đang diễn ra hơn ba thập kỉ, đã có những tác động về chính sách đối ngoại đáng kể, khiến Trung Quốc phải chịu ảnh hưởng từ những cú sốc bên ngoài ở cách xa biên giới, tại các khu vực mà họ đã mạnh tay đầu tư, điển hình như Sudan, Myanmar, hay Libya. Thậm chí ngay cả khi Trung Quốc quyết định không can thiệp trực tiếp vào các cuộc xung đột nội bộ hay khu vực, Chính phủ Trung Quốc - cùng với các doanh nghiệp nhà nước lớn – tốt hơn nên đánh giá và lường trước rủi ro ở những quốc gia mà họ có mặt để ngăn ngừa thiệt hại tiềm tàng cho công dân và những mất mát tài chính của họ.

Năng lượng quốc gia và nhu cầu nguyên liệu thô cũng đã điều hướng chính sách đối ngoại Trung Quốc ở một mức độ đáng kể trong vòng 2 thập kỉ đã qua – nhu cầu năng lượng của Trung Quốc đã tăng lên rất nhanh, gấp gần 3 lần từ 1.134 triệu tấn dầu tương đương vào năm 2000 lên 3.080 triệu tấn vào năm 2015. Do đó, đầu tư của Trung Quốc vào ngành năng lượng đã tăng nhanh chóng trong khoảng thời gian này, mở rộng cơ sở hạ tầng năng lượng cả ở trong nước và quốc tế – tăng sự hiện diện của Trung Quốc tại một số khu vực, bao gồm cả châu Phi và Trung Đông. Những khoản đầu tư quốc tế này nhấn mạnh hơn nữa mối quan hệ giữa kinh tế và an ninh, làm nổi bật lên nhu cầu bảo vệ kiều bào Trung Quốc và những tài sản tại nước ngoài như một vấn đề mới nổi cho cả ngành ngoại giao và các doanh nghiệp Trung Quốc.

Tập Cận Bình: Một chính sách đối ngoại tham vọng và chủ động hơn

Mặc dù phần nhiều sự tiếp nối tổng thể định hướng chính sách đối ngoại của Trung Quốc qua các đời chủ tịch nước là khá rõ ràng, tính cách của từng vị chủ tịch cũng đóng vai trò ảnh hưởng. Kể từ ngày nhậm chức Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Tập Cận Bình hồi tháng 3 năm 2013, những tham vọng trong chính sách đối ngoại và phương pháp luận của Trung Quốc đã được đánh dấu bởi một loạt sự điều chỉnh đáng kể. Ông Tập nhanh chóng củng cố vai trò lãnh đạo của mình trong tiến trình quyết định chính sách đối ngoại (giám sát hầu hết các cuộc họp nội bộ liên quan đến các vấn đề đối ngoại, tăng cường “xây dựng chính sách ở cấp cao nhất” và phối hợp, đưa ra những khái niệm và kế hoạch mới cũng như tăng cường những chuyến thăm đến các quốc gia khác trên thế giới), với tham vọng đặt ra một chiến lược chính sách đối ngoại dài hạn cho khu vực láng giềng của Trung Quốc và thậm chí xa hơn nữa.

Dưới sự lãnh đạo của ông, tổng số những sáng kiến được phát động bởi ngành ngoại giao trung Quốc trên cả cấp độ song phương và đa phương đã tăng với tốc độ chóng mặt. Trung Quốc đang tăng cường hiện diện tại các cuộc họp đa phương (điển hình là G20) và củng cố những tổ chức khác mà họ đã lập ra (như Ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng châu Á, những khuôn khổ hợp tác khu vực hay hội nghị cấp cao “Vành đai và Con đường”).

Bên cạnh hành động về thể chế, sự đổi mới khái niệm cũng được khuyến khích dưới thời ban lãnh đạo hiện tại. Trung Quốc gần đây đã đưa ra những khái niệm về chính sách đối ngoại mới như “Vành đai và Con đường” hay “Cộng đồng chung vận mệnh”, “Quan hệ kiểu mới giữa các quốc gia chủ chốt” và “Quan hệ quốc tế kiểu mới” – và hiện đang quảng bá chúng thông qua những nỗ lực ngoại giao công cộng đáng kể với mục đích cuối cùng để khẳng định chúng như những khái niệm chi phối trong khu vực và quốc tế. Với nguồn lực tài chính và nhân sự khổng lồ dành cho những nỗ lực trên được triển khai qua một loạt kênh quảng bá (do chính phủ dẫn dắt, với sự giúp đỡ của phương tiện truyền thông liên kết chính phủ, các thể chế giáo dục, các hội cộng đồng hải ngoại, các doanh nghiệp nhà nước, trong số những cơ quan khác), cơ hội để những khái niệm này xâm nhập vào thuật ngữ chính sách đối ngoại trong những năm sắp tới là rất cao. Các nhà ngoại giao Trung Quốc, tới nay, đã tìm cách đề cập rõ ràng về chúng trong những tuyên bố xuất phát từ các cuộc hội họp đa phương (bao gồm một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tuyên bố chung của Nhóm G20 và các bài phát biểu và thỏa thuận của diễn đàn “Vành đai và Con đường”).

Nhìn chung, cả trên phương diện thực tiễn và lý thuyết, Tập Cận Bình đã lật qua trang sử chính sách đối ngoại “chờ thời” của Đặng Tiểu Bình cùng di sản mà nó để lại. Mặc dù vậy, các lập trường chính sách đối ngoại của Trung Quốc có vẻ mang tính chiến lược nhiều hơn, có tính lường trước và dứt khoát hơn khi chúng liên quan đến các lợi ích cốt lõi trong khu vực - ví dụ như mối quan hệ qua eo biển với Đài Loan và các tuyên bố chủ quyền ở các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông – so với các vấn đề khác diễn ra ở những nơi xa xôi và được nhìn nhận là ít liên quan trực tiếp đến các ưu tiên trước mắt của Trung Quốc - như cuộc khủng hoảng của Syria hay Ukraine.

Khía cạnh ý thức hệ của chính sách đối ngoại Trung Quốc

Cách tiếp cận ngoại giao của Trung Quốc thường được xem là thực dụng, được điều chỉnh theo tình hình cụ thể và bản chất của những lợi ích quốc gia bị đe dọa. Điều này là chính xác từ thời Đặng Tiểu Bình, người đã tách mình khỏi những định hướng chính sách đối ngoại do hệ tư tưởng thúc đẩy nhiều hơn dưới thời Mao Trạch Đông. Đồng thời, một số khía cạnh ý thức hệ truyền thống của thời kỳ này tiếp tục thấm nhuần trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc ngày nay và không nên bị dễ dàng coi nhẹ. Ngược lại với người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Tập Cận Bình đã gán một vai trò lớn hơn cho nền tảng ý thức hệ của nó.

Trước hết, chính sách đối ngoại chủ động của Trung Quốc ngày nay được thúc đẩy bởi ý thức mạnh mẽ về lòng tự hào dân tộc và niềm tin rằng đã đến lúc để đưa Trung Quốc trở lại vị trí vốn được quốc tế công nhận và tôn trọng. Bắc Kinh cho rằng vào thời điểm hiện tại, họ đã có đủ tiềm lực kinh tế để hỗ trợ một chính sách đối ngoại tham vọng hơn, dẫn đến sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Quốc cũng như loại bỏ tổn thương chung của “100 năm tủi nhục” có từ cuộc Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất. Tuy nói vậy, mặc dù thông tin chính thức của Trung Quốc ngập tràn những lời ám chỉ mang tính dân tộc chủ nghĩa, áp lực của chủ nghĩa dân tộc phổ biến và sức nặng của công luận trong nước nói chung đối với chính sách đối ngoại vẫn không được đánh giá quá cao. Đảng Cộng sản Trung Quốc biết rõ chủ nghĩa dân tộc là một thanh gươm hai lưỡi trong công cuộc ổn định chính trị và giám sát.

Ngoài chủ nghĩa dân tộc, sự đối đầu truyền thống của Trung Quốc với các chế độ dân chủ tự do phương Tây - và trước tiên là Mỹ - định hình phần nhiều nhiều sự luận bàn và các định hướng về chính sách đối ngoại. Trung Quốc ngày càng tích cực thúc đẩy mô hình quan hệ quốc tế thay thế dựa trên quan hệ đối tác thay vì hệ thống liên minh (chắc chắn không phải là một hệ thống do Mỹ lãnh đạo). Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh một mô hình phát triển và quản lý thay thế, đặt dấu hỏi về "sự đồng thuận Washington" đặt mình vào thế là bên đem lại giải pháp, đồng thời chỉ ra rõ những điều được hiểu là điểm yếu của hệ thống dân chủ tự do phương Tây. Hoạt động này được hỗ trợ thông qua các chương trình đào tạo hướng tới những quan chức từ các nước mới nổi hay đang phát triển, thường bao gồm một thành phần ý thức hệ bên cạnh đào tạo thực tế. Trung Quốc cũng tìm cách củng cố hình ảnh của mình như một người cung cấp giải pháp thông qua các kênh truyền thông quốc tế của mình - hiện đang phát sóng bằng các ngôn ngữ địa phương tại ngày càng nhiều các quốc gia - và trong các hội nghị đa phương mà họ tham gia (chẳng hạn như Diễn đàn kinh tế thế giới Davos 2017) hoặc tự tổ chức (như Diễn đàn "Vành đai và Con đường" ở Bắc Kinh, được tổ chức vào tháng 5 năm 2017).

Những trào lưu tư tưởng này của chủ nghĩa dân tộc, sự oán giận lịch sử với phương Tây và ác cảm đối với các liên minh thường gắn kết chặt chẽ. Mặc dù còn chưa toàn diện - những cân nhắc khác về ý thức hệ, như quan điểm hiện thực về chính trị quốc tế, cũng ảnh hưởng đến các quyết định - chúng đã hình thành khuôn khổ chung về truyền thông và định hướng chính sách đối ngoại của Trung Quốc ngày nay.

Dự báo 2025

Cho đến nay, nhịp độ của những sáng kiến chính sách đối ngoại của Trung Quốc dường như không bị ảnh hưởng bởi sự chậm lại trong tăng trưởng kinh tế. Số lượng các sáng kiến không giảm đi, và cũng không có vẻ bớt tham vọng. Thậm chí ngược lại, với trường hợp sáng kiến "Vành đai và Con đường", ngày càng có nhiều quốc gia và khu vực tham gia, với các dự án cơ sở hạ tầng ống dẫn dầu quan trọng đang được triển khai và những lời đề nghị mới để mở rộng mạng lưới các thể chế liên kết và cơ chế hợp tác.
Những sự cố không thường xuyên, cho đến giờ, chưa kéo theo sự thu hẹp quy mô của các tham vọng chính sách đối ngoại của Trung Quốc chủ yếu bởi quốc gia này đã thông qua một quan điểm dài hạn về chính sách đối ngoại của mình. Kỷ niệm một trăm năm thành lập Nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào năm 2049 được coi là cột mốc quan trọng trong công cuộc "phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Quốc" và việc thực hiện đầy đủ các sáng kiến ngoại giao được đưa ra cho đến nay. Giới lãnh đạo Trung Quốc hy vọng sẽ mang lại hiệu thành quả đáng kể cho chính sách đối nội và đối ngoại vào lúc đó, với kết quả bước đầu được hy vọng vào năm 2020, cho ngày kỉ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà các buổi lễ kỷ niệm trên toàn quốc sẽ diễn ra hai năm trước Đại hội Đảng lần thứ 20 và có thể cũng là năm cuối cùng của nhiệm kỳ Tập Cận Bình. Với những thời hạn đã định như vậy, Trung Quốc sẽ cố gắng kết nối các sáng kiến khác nhau về ngoại giao kinh tế chủ động của mình khắp các khu vực (đặc biệt là đầu tư vào cơ sở hạ tầng chiến lược trong khuôn khổ "Vành đai và Con đường" nói trên bao gồm các cảng, sân bay, đường sắt, hệ thống đường ống dẫn, viễn thông, cáp tàu ngầm dưới biển và vệ tinh) để đạt được uy thế về hậu cần và địa chiến lược vượt ra ngoài khu vực láng giềng gần của Trung Quốc. Với sự quảng bá rộng rãi xung quanh “Vành đai và Con đường”, việc không đạt được kết quả theo thời hạn đã định sẽ có những ảnh hưởng nghiệm trọng đối với việc đánh giá nội bộ về thời đại và di sản của Tập Cận Bình.

Các tham vọng và kỳ vọng là rất cao, nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc đánh giá tổng thể môi trường quốc tế hiện nay là thuận lợi và có vẻ ngày càng tự tin hơn vào khả năng của chính mình khai thác tối đa bối cảnh này. Niềm tin này đã được củng cố kể từ cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu nổi lên vào mùa Thu năm 2008 và sức đề kháng tương đối mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc đối với các cơn dư chấn hậu khủng hoảng, giúp nâng cao vị thế kinh tế và chính trị của nước này ở mức độ toàn cầu. Sự tiếp nhận khá tích cực của quốc tế đối với các đề nghị ngoại giao của Trung Quốc, đặc biệt là sáng kiến "Vành đai và Con đường" và Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), tái khẳng định hơn nữa sự tự tin của ngoại giao Trung Quốc. Mặc dù vẫn còn quá sớm để đánh giá triển vọng cuối cùng của chúng, nhưng việc đưa ra các sáng kiến này được Bắc Kinh xem là một thành công, xét phạm vi phủ sóng diện rộng của truyền thông trên toàn thế giới và số lượng đông đảo các quốc gia thể hiện sự quan tâm đến việc tham gia ở giai đoạn sớm.

Với sự tự tin và nhận thức mới về bối cảnh thuận lợi ở hiện tại, rất có khả năng ngoại giao Bắc Kinh sẽ tiếp tục phát triển và đa dạng hoá số lượng các sáng kiến thể chế của nó. Trung Quốc có thể vẫn chủ động trong các lĩnh vực cơ cấu quản trị toàn cầu hiện có, như tài chính và thương mại. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đã báo hiệu sự sẵn sàng tận dụng mọi cơ hội để định hình quản trị toàn cầu, ở nơi vốn vẫn chưa hoàn thiện, bao gồm cả các lĩnh vực phi truyền thống như không gian ảo, vũ trụ và biến đổi khí hậu. Với quyết tâm dẫn đầu quy trình tái cơ cấu quản trị toàn cầu, Bắc Kinh sẽ tiếp tục tự coi bản thân là một người ủng hộ chính chủ nghĩa đa phương và toàn cầu hóa. Sự đắc cử của Donald Trump là một bước ngoặt trong vấn đề này. Trong các bài phát biểu của ông tại Davos và Geneva vào tháng 1 năm 2017, Tập Cận Bình đã tự lánh xa Brexit, chủ nghĩa bảo hộ kiểu như "Nước Mỹ trước tiên" và việc Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bằng cách tự đặt mình vào vị thế là người bảo vệ vững chắc cho "toàn cầu hoá kinh tế" mà ông đã lặp lại hơn 30 lần trong suốt bài diễn văn. Với Bắc Kinh, Brexit và sự đắc cử của Tổng thống Trump cũng được nhìn nhận là cơ hội để củng cố hình ảnh Trung Quốc như một quốc gia thành công và chủ động, trái ngược với các nền dân chủ tự do phương Tây, được miêu tả là kiệt quệ và đang thoái lui khỏi trường quốc tế.

Ngay cả khi Trung Quốc đang nắm lấy những cơ hội trước mắt mà họ nhìn ra từ sự đắc cử của Trump, những tham vọng của họ được báo hiệu bởi một chiến lược quản trị toàn cầu dài hạn mà ít quốc gia có thể đối đầu về phương diện đặt kế hoạch, phối hợp hay hỗ trợ tài chính. Trụ cột thể chế này chỉ ra rằng ngoài những tuyên bố hùng hồn, Trung Quốc thực sự có thể thành công trong việc tái cơ cấu quản trị toàn cầu phù hợp với những tham vọng của mình. Do quyết tâm của Tập Cận Bình, chỉ có một cuộc suy thoái kinh tế và sự tiêu hao nguồn lực trầm trọng mới có thể khiến những tham vọng của Trung Quốc bị đẩy lùi. Ngay cả trong hoàn cảnh như vậy, chính sách đối ngoại của Trung Quốc chắc hẳn sẽ không quay trở lại hướng tiếp cận “giấu mình” dưới thời Đặng Tiểu Bình, bởi sự chuyển dịch đáng kể của Tập Cận Bình xa với khỏi nó và mức độ sự hiện diện kinh tế và ngoại giao cũng như những lợi ích của Trung Quốc trên trường quốc tế hiện nay.

Thái độ ngày càng chủ động hơn trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc sẽ không đồng nghĩa với việc Trung Quốc nhất thiết phải nhúng tay nhiều hơn vào các cuộc khủng hoảng quốc tế mà họ cho là thứ yếu hoặc quá tốn kém để giải quyết. Thay vào đó, Trung Quốc sẽ tìm kiếm nhiều ảnh hưởng và tiếng nói mạnh mẽ hơn trong các thể chế có thể giải quyết những vấn đề này - nhất là để tăng cường khả năng ngăn chặn những sự can thiệp quốc tế vào lợi ích của họ.

Không nghi ngờ gì, tầm nhìn và phong cách cá nhân của Tập Cận Bình đang định hình chính sách đối ngoại của Trung Quốc ở một mức độ đáng kể. Bất kỳ dự báo nào về các định hướng chính sách đối ngoại sắp tới của Trung Quốc cũng cần tính tới chương trình nghị sự chính trị trong nước và nhất là số năm mà Tập Cận Bình nắm quyền. Ngay cả khi Tập Cận Bình có dừng bước vào năm 2022 hoặc sớm hơn, ông cũng đã sửa đổi các khái niệm, phương pháp, thể chế và tham vọng chính sách đối ngoại ở mức độ lớn đến nỗi những thay đổi này có khả năng tiếp tục ngay cả khi nhiệm kì của ông đã kết thúc.

Alice Ekman là giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Á, Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Pháp, giáo sư liên kết tại trường đại học Sciences Po, Paris, Pháp. Bà từng là học giả liên kết tại trường đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, chuyên viên nghiên cứu tại Đại sứ quán Pháp tại Trung Quốc. Lĩnh vực nghiên cứu của bà là về Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc. Bài viết được đăng trong Chinese futures: Horizon 2025, Số 35/2017, tr. 35-40, Viện Nghiên cứu An ninh Liên minh Châu Âu.

Trần Quang (gt)