flags.jpg

Tóm tắt

Lâu nay tình hình căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông thường được nhấn mạnh ở khía cạnh là cuộc tranh chấp giữa hai nước có tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này trong bối cảnh mối quan hệ giữa một bên là một số nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, ASEAN và bên kia là Trung Quốc. Bài viết khai thác một khía cạnh khác của vấn đề và muốn nhấn mạnh rằng, đằng sau căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông cần lưu tâm đến một bối cảnh lớn hơn và sâu xa hơn. Đó là cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, mà trước hết và cơ bản là giữa Trung Quốc - một cường quốc đang bứt phát mạnh mẽ, đang tìm đường vươn ra biển và Mỹ - siêu cường duy nhất hiện nay, muốn ngăn chặn bất kỳ cường quốc nào thách thức bá quyền của mình. Từ đó, bài viết rút ra một số nhận định cơ bản liên quan đến Việt Nam trong quá trình giải quyết vấn đề Biển Đông trong bối cảnh nói trên.

Năm năm trở lại đây, tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Việt Nam ở Biển Đông ngày càng trở nên căng thẳng và phức tạp. Lâu nay, trong các nghiên cứu liên quan, vấn đề này thường được nhấn mạnh ở khía cạnh là tranh chấp chủ quyền giữa hai nước đặt trong bối cảnh mối quan hệ giữa một bên là một số nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, ASEAN và bên kia là Trung Quốc, nhưng vấn đề không chỉ có vậy. Bài viết muốn nhấn mạnh một khía cạnh khác, đồng thời là bối cảnh lớn hơn và sâu xa hơn của vấn đề. Bài viết cho rằng, đằng sau căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông còn là cuộc đối đầu chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực, mà trước hết là giữa hai nước Trung Quốc và Mỹ. Hay nói cách khác, bài viết cho rằng, tình hình tranh chấp gia tăng căng thẳng như hiện nay ở Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc không tách rời cuộc đối đầu chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ đối với các vùng biển ở Tây Thái Bình Dương. Từ đó, bài viết rút ra một số nhận định cơ bản liên quan đến Việt Nam trong quá trình giải quyết vấn đề Biển Đông.

Biển Đông trong nhu cầu vươn ra biển của Trung Quốc    

Trung Quốc đang tìm đường vươn ra biển. Đại hội lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (11/2012) xác lập chủ trương phát triển Trung Quốc trở thành một cường quốc biển;1 và nó đang được chính quyền do Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lãnh đạo triển khai mạnh mẽ. Tại sao Trung Quốc ngày càng coi trọng Biển Đông và các vùng biển lân cận ở Tây Thái Bình Dương? Có thể đề cập đến một số nguyên do chủ yếu sau đây.

Một là, các tuyến hàng hải qua Biển Đông hiện là huyết mạch vận tải quan trọng nhất đối với hoạt động kinh tế đối ngoại của Trung Quốc, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Đảm bảo an ninh hàng hải ở Biển Đông và các vùng biển lân cận đã trở thành một thành tố hàng đầu trong tổng thể an ninh hàng hải của Trung Quốc và an ninh quốc gia của Trung Quốc.

Hai là, Biển Đông và các vùng biển lân cận còn là một kho tàng lớn về dầu mỏ và khí thiên nhiên, khoáng sản và sinh vật biển.[1] Khi mà kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn chuyển đổi mô hình phát triển, khi mà kinh tế trên đất liền, bên cạnh những thành tựu phát triển thần kỳ, đã và đang tạo ra những sức ép lớn đối với sự phát triển bền vững,[2] thì vươn ra biển đã trở thành một giải pháp chiến lược đối với Trung Quốc.

Ba là, do giá trị địa - chiến lược của các quần đảo ở Biển Đông, nếu mở rộng được quá trình xâm chiếm các đảo này, Trung Quốc sẽ hình thành được một bàn đạp chiến lược và mở ra một cục diện quân sự mới, có lợi cho Trung Quốc trong tương quan lực lượng giữa Trung Quốc với bên kia là Mỹ cùng các đồng minh của Mỹ ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.

Trung Quốc đang làm những gì để hiện thực hóa chủ trương vươn ra biển nói trên? Từ khi Bản đồ đường 9 đoạn ôm khoảng 80% diện tích Biển Đông được Trung Quốc đệ trình lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc vào mùng 7 tháng 5 năm 2009 cho đến nay, Trung Quốc đã có những hành động quyết liệt nhằm từng bước hiện thực hóa ý đồ xác lập chủ quyền đối với hầu hết các đảo ở vùng Biển Đông. Trung Quốc phát hành hộ chiếu in hình bản đồ đường lưỡi bò, nâng cấp cái gọi là thành phố Tam Sa thành lập cuối năm 2007 từ cấp huyện lên cấp địa khu vào tháng 6/2012, trong đó coi quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam nằm trong phạm vi quản lý nhà nước trực tiếp của chính quyền Tam Sa, đồng thời tăng cường xây dựng các cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự trên các đảo chiếm đóng ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phát hành bản đồ Tam Sa vào tháng 11/2012, cấp giấy cư trú và chứng minh nhân dân cho cư dân Trung Quốc ở khu vực Tam Sa từ tháng 7/2013. Trung Quốc còn cho ngư dân ồ ạt đổ ra khai thác ở vùng biển tranh chấp. Hiện có khoảng 50.000 tàu cá của Trung Quốc được trang bị thiết bị định vị và báo cứu khẩn cấp để có thể nhận được sự hỗ trợ ngay của các lực lượng chức năng của Trung Quốc khi đang tác nghiệp ở vùng Biển Đông.[3] Từ ngày 2/5 đến ngày 15/7/2014, Trung Quốc đưa giàn khoan dầu khí 981 vào hoạt động ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thêm vào đó đang nghiên cứu tính khả thi của việc xây dựng nhà máy khí hóa lỏng trên Biển Đông.[4] Trong khi đó, tháng 6/2014 Trung Quốc ấn hành bản đồ “Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” khổ dọc cỡ lớn đầu tiên đưa gần như toàn bộ các đảo ở Biển Đông vào trong phạm vi mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.[5] Cũng không thể không nhắc đến sự kiện quân đội Trung Quốc đưa vào sử dụng tàu sân bay Liêu Ninh từ tháng 9 năm 2012, đánh dấu một bước phát triển đột phá của hải quân nước này.

Nằm trong nhu cầu vươn ra biển cấp thiết như trình bày ở trên, các hoạt động gây hấn về chủ quyền của Trung Quốc thường không phải là sự manh động mà có tính toán kỹ lưỡng về thời điểm. Các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông thường được đẩy mạnh khi Mỹ mất tập trung đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương do các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông từ sau cuộc chính biến Mùa xuân Ả-rập.

Các bất ổn chính trị - xã hội trong nước, chẳng hạn như các cuộc khủng bố đẫm máu của nhóm ly khai Đông Thổ nhằm vào trụ sở chính quyền hoặc các nơi dân cư đông đúc, tuy ít được các nhà phân tích lưu ý, nhưng cũng có thể là một yếu tố thúc đẩy Trung Quốc mạnh tay hơn trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Bởi lẽ, đó có thể là đòn đánh lạc hướng phần nào sự bất mãn của dân chúng đối với tình hình an ninh trong nước đang xuống cấp, mà thay vào đó sẽ hướng nhiều hơn sự chú ý vào an ninh đối ngoại.

Sự chín muồi về trình độ kỹ thuật trong lĩnh vực khai thác hải dương nói chung và dầu khí hải dương nói riêng cũng là một yếu tố góp phần lý giải hành động quyết liệt của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian gần đây. Sau ba năm thi công, giàn khoan dầu khí 981 với tổng kinh phí khoảng 1 tỷ USD được bàn giao cho Tổng Công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) vào năm 2011. Đây là một trong số ít dàn khoan lớn và hiện đại nhất thế giới. Nó được đưa vào hoạt động ở vùng Biển Đông từ tháng 5/2012. Trung Quốc còn có tàu lặn biển Giao long có thể hoạt động ở độ sâu 7000m được thử nghiệm thành công vào 6/2012, tức là Trung Quốc có khả năng tiến hành thăm do gần như toàn bộ các đáy biển của các đại dương trên toàn cầu.[6] Có thể nói, Trung Quốc đã trở thành một trong số ít các quốc gia trên thế giới có thể chế tạo và làm chủ các thiết bị và kỹ thuật tiên tiến nhất trong thăm dò và khai thác hải dương.

Cuộc đối đầu chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc đối với nhu cầu vươn ra biển của Trung Quốc

Chủ trương vươn ra biển của Trung Quốc không phù hợp với quan điểm và lợi ích chiến lược của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc là một cường quốc khu vực đang trỗi dậy mạnh mẽ. Trong khi đó, Mỹ không muốn bất cứ cường quốc nào thách thức hoặc tiềm tàng nguy cơ thách thức vị thế bá quyền của mình. Sự trỗi dậy của Trung Quốc thường được cho là tiềm tàng nguy cơ thách thức vị trí bá quyền của Mỹ.

Trung Quốc ý thức được nỗi lo của Mỹ và muốn làm mềm lòng Mỹ bằng đề xuất xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới với Mỹ. Trong Đối thoại chiến lược Trung - Mỹ lần thứ 2 vào tháng 5/2010 tại Bắc Kinh, ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc phụ trách đối ngoại lần đầu tiên đề cập đến khái niệm quan hệ nước lớn kiểu mới. Bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Đối thoại chiến lược Trung - Mỹ lần thứ 4 vào ngày 3/5/2012 đã nêu khá rõ nội hàm cơ bản của quan hệ nước lớn kiểu mới mà Trung Quốc hướng tới.[7] Sau đó, trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào hai ngày 7 và 8 tháng 6 năm 2013 ở Rancho Mirage (California), cuộc gặp trực diện đầu tiên giữa Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Mỹ kể từ khi hai nước hoàn tất cuộc chuyển giao lãnh đạo gần đây nhằm vạch ra đường hướng cho các mối quan hệ song phương. Ông Tập Cận Bình đã khái quát mối quan hệ nước lớn kiểu mới giữa hai nước bằng ba cụm từ là “không xung đột và không đối đầu”, “tôn trọng lẫn nhau” và “hợp tác hướng tới các kết quả hai bên cùng thắng”.[8] Qua đề xuất này, Trung Quốc có lẽ muốn nhắn nhủ Mỹ rằng, Trung Quốc sẽ không thách thức bá quyền của Mỹ, ngược lại Trung Quốc cần Mỹ tôn trọng quyền lợi phát triển mà Trung Quốc cho là chính đáng. Sở dĩ được lãnh đạo Trung Quốc gọi là quan hệ nước lớn kiểu mới bởi lẽ nội hàm của nó trái ngược với quan niệm lâu nay về mối quan hệ giữa một cường quốc đang trỗi dậy và một siêu cường, theo đó mối quan hệ này thường được nhìn nhận là tiềm ẩn sự xung đột mang tính chiến lược. Cường quốc đang nổi lên thường được cho là nhân tố thách thức vị thế của siêu cường hiện tại. Ngược lại, siêu cường thường có khuynh hướng kiềm chế, ngăn chặn những cường quốc có biểu hiện thách thức bá quyền của mình. Qua nội dung trình bày ở trên có thể nhận thấy quan hệ nước lớn kiểu mới mà Trung Quốc hướng tới có lẽ mang hai đặc điểm cơ bản là ổn định về chính trị - an ninh và tích cực trong việc tìm kiếm các điểm đồng trên lĩnh vực hợp tác kinh tế.

Nhưng những lời “đường mật” của Trung Quốc đã không làm Mỹ “xao động” trong cách tiếp cận lâu nay của mình trước sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc. Theo sự nhìn nhận của Mỹ, sự xung đột chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc là không tránh khỏi, từ đó Mỹ muốn chủ động kiềm tỏa sự trỗi dậy của Trung Quốc. Việc Mỹ manh nha Chiến lược Xoay trục (Pivot to Asia) từ năm 2009[9] dưới thời Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và phiên bản sau đó của nó là Chiến lược Tái cân bằng (Rebalance) từ 1/2012 (thời điểm Bộ Quốc phòng Mỹ công bố văn kiện liên quan)[10] là nhằm cụ thể hóa logic nói trên.

Hoạt động quân sự của Mỹ nhằm kiềm tỏa Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể đề cập đến mấy hướng chủ yếu sau đây.

Một là củng cố và mở rộng hệ thống phòng thủ 3 chuỗi đảo. Chuỗi đảo thứ nhất chạy từ quần đảo Nhật Bản, dọc chuỗi Ryukyus, qua Đài Loan và Philippines, tới eo biển Malacca.[11] Chuỗi đảo này được Mỹ hình thành từ thời Chiến tranh lạnh với ý đồ ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa Cộng sản đến khu vực Đông Nam Á. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, chuỗi đảo này kiềm tỏa hai nước lớn là Liên Xô và Trung Quốc. Sau Chiến tranh lạnh, chuỗi đảo này chủ yếu được Mỹ sử dụng để kiềm tỏa Trung Quốc. Ở chuỗi đảo thứ nhất, Mỹ tăng cường hoạt động do thám khả năng phòng thủ và tác chiến của Trung Quốc bằng các máy bay trinh sát hiện đại như P-8A (P-8A Poseidon), Global Hawk và tàu ngầm. Đồng thời, Mỹ tăng cường và mở rộng quan hệ quân sự với Đài Loan và với các nước Đông Nam Á.

Ở chuỗi đảo thứ hai, Mỹ tăng cường quan hệ đồng minh quân sự với Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc. Trong đó đáng chú ý là từ năm 2012 Mỹ được Úc đồng ý cho đưa lính thủy quân lục chiến đến đồn trú tại căn cứ Darwin ở miền bắc nước Úc. Đây là lần đầu tiên sau Chiến tranh lạnh, Mỹ đưa quân tác chiến đến Úc. Tuy quân số triển khai hiện tại không nhiều, nhưng đây được coi là một động thái mang tính đột phá trong việc bố trí quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bởi lẽ, trước đây các căn cứ quân sự của Mỹ ở Úc chủ yếu làm công tác hậu cần, định vị, dẫn đường. Trong khi đó, căn cứ Darwin sẽ khiến lực lượng tác chiến của Mỹ có thêm một bàn đạp chiến lược trong quá trình tiếp cận khu vực Biển Đông, đồng thời căn cứ này còn được cho là đóng vai trò một trung tâm chỉ huy các phương thức tác chiến mới của quân Mỹ.

Ngoài ra, ở chuỗi đảo thứ hai, Mỹ còn tăng cường thúc đẩy Ấn Độ tham gia vào hệ thống an ninh của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và hình thành đối thoại chiến lược ba bên Mỹ - Nhật - Ấn. Mục tiêu lâu dài của Mỹ là muốn liên kết chặt chẽ hơn các lực lượng quân sự của Mỹ và thân Mỹ ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Thông qua hoạt động này, chuỗi đảo thứ hai không những được mở rộng về quy mô, mà còn được tăng cường về sức mạnh.

Ở chuỗi đảo thứ ba, Mỹ tăng cường năng lực trinh sát, thiết bị thông tin liên lạc và nguồn nhân lực cho các căn cứ quân sự ở quần đảo Hawai nhằm làm chúng phát huy tốt hơn năng lực chỉ huy tác chiến ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hai là, nâng cấp vũ khí và phương thức tác chiến tại khu vực. Một mặt, quân đội Mỹ nghiên cứu chế tạo các vũ khí chiến lược mới. Một phương châm của chiến lược Tái cân bằng là Mỹ sẽ dành một ngân sách ít hơn, nhưng không những không làm suy giảm mà còn nâng cao được khả năng tác chiến của quân Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Điều này được thực hiện chủ yếu thông qua việc phát triển các vũ khí tối tân như máy bay không người lái, kể cả loại sử dụng cho nhiệm vụ trinh sát và nhiệm vụ tấn công, vũ khí siêu thanh, vũ khí lade. Trong quá trình phát triển các vũ khí chiến lược, trong thời gian gần đây đáng chú ý là vào ngày 17/11/2011, ở quần đảo Hawai quân đội Mỹ đã thử nghiệm thành công một vũ khí tấn công siêu thanh ở cự ly 4000 km. Loại tên lửa dạng tàu lượn này được cho là có quỹ tích phức tạp, khó đánh chặn. Sau thành công này Mỹ tuyên bố trong vòng một giờ đồng hồ có thể tấn công vào bất kỳ một mục tiêu nào trên toàn cầu[12]. Ngoài ra, Mỹ cũng đang bước đầu thử nghiệm thành công vũ khí lade[13]. Do được bắn với tốc độ ánh sáng, sức công phá lớn hơn hầu hết các vũ khí thông thường, và không cần đạn được, vũ khí này có thể tạo thế áp đảo của quân Mỹ đối với các lực lượng đối đầu.

Mặt khác, quân Mỹ hình thành các phương thức tác chiến mới, trước hết là Nhất thể hóa tác chiến không quân - hải quân (Air-Sea Battle Concept)[14] được đề xuất từ 7/2009 và sau đó là Triển khai hiệp đồng tác chiến (Joint Operational Access Concept)[15] được công bố vào 1/2012. Nội dung cơ bản của các phương thức tác chiến này là hình thành hệ thống tác chiến tích hợp và nhất thể hóa các lực lượng trên không, trên biển, trên đất liền, lực lượng tác chiến không gian, lực lượng tác chiến điện tử nhằm chống lại khả năng “chống tiếp cận, chống xâm nhập” (anti-access, areal-denial) của đối phương.

Đối diện với vòng vây chiến lược nói trên của Mỹ, Trung Quốc đáp lại bằng việc triển khai phương thức “chống tiếp cận, chống xâm nhập” mà nội dung chính là khoanh vùng và phát triển lực lượng phòng thủ đủ mạnh mà trước hết là hệ thống phòng thủ tên lửa để ngăn ngừa và chống lại các cuộc xâm nhập, tấn công từ phía Mỹ và các đồng minh vào các khu vực, các vùng biển, trước hết là ở Thái Bình Dương mà Trung Quốc cho là có lợi ích quốc gia, lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.[16] Cho đến nay, trong hệ thống nói trên, một vũ khí chủ đạo hay được nhắc đến là tên lửa đạn đạo diệt hạm DF-21 D có tầm bắn trên 1500 km.

Và dường như Mỹ càng tìm cách thắt chặt vòng kiềm tỏa thì Trung Quốc càng vùng vẫy mạnh hơn, càng tìm cách đáp trả quyết liệt hơn. Cho đến nay, theo nhận định của chuyên gia quân sự Trung Quốc thì có vẻ như nước này đã thành công bước đầu trong việc phá vòng vây ba chuỗi đảo của Mỹ. Chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định rằng, “hải quân Trung Quốc đã vượt qua các khu vực mạnh nhất trong chuỗi đảo”. “Cho tới lúc này tính từ nam tới bắc, hải quân Trung Quốc đã vượt qua chuỗi đảo thứ nhất thông qua kênh Bashi, eo biển Miyako, eo Osumi, eo Tsugaru, và giờ là eo Soya”.[17]

Tiếp đó, tháng 11/2013 Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở vùng biển Hoa Đông, trong đó bao gồm quần đảo đang tranh chấp với Nhật Bản. Thời báo hoàn cầu, một tờ báo có quan hệ mật thiết với Đảng Cộng sản Trung Quốc phát biểu rằng, vùng nhận dạng phòng không nhằm chủ yếu vào Nhật Bản.[18] Tàu của lực lượng chấp pháp Trung Quốc cũng tiến hành tuần tra thường xuyên ở vùng biển xung quanh đảo tranh chấp với Nhật Bản. Nhật Bản là đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời cũng là một mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai mà Mỹ sử dụng để bủa vây Trung Quốc. Việc Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông có nhiều nguyên do, chẳng hạn như quan hệ song phương căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng không thể không xem nó như một phản ứng mạnh, một thành tố quan trọng trong quá trình Trung Quốc tìm cách phá giải vòng kiềm tỏa của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.

Một động thái đáng chú ý nữa của Trung Quốc là việc Trung Quốc ấn hành tấm bản đồ “Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” khổ dọc cỡ lớn đầu tiên mà Trung Quốc ấn hành vào tháng 6/2014. Ngoài việc đưa gần như toàn bộ các đảo ở Biển Đông vào trong phạm vi mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền như đã nhắc đến ở bên trên,[19] tấm bản đồ này còn thể hiện Arunachal Pradesh, một bang nằm ở Đông Bắc Ấn Độ như một phần thuộc Tây Tạng, gây bất bình từ phía Ấn Độ.[20] Có vẻ như Trung Quốc đang gây khó dễ Ấn Độ, một mối quan hệ song phương nhiều vướng mắc, đồng thời là một quốc gia quan trọng trong quá trình Mỹ mở rộng và tăng cường sự hiện diện và sức mạnh quân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Nói một cách hình ảnh, có lẽ Trung Quốc đang dùng phương thức “nổi lửa bốn bề” để phá giải vòng kiềm tỏa chiến lược mà Mỹ đang thắt chặt hơn. Thông qua phản ứng như vậy, có lẽ một thông điệp mà Trung Quốc muốn gửi đến Mỹ là, Mỹ càng không để cho Trung Quốc yên thì Trung Quốc cũng sẽ không để cho Mỹ được yên và Mỹ càng muốn kiềm tỏa sự phát triển của Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ càng khuấy đảo môi trường an ninh khu vực.

Hệ lụy và một số khuyến nghị đối với Việt Nam

Từ phân tích về cuộc đối đầu chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mà đặc biệt là ở Tây Thái Bình Dương, có thể rút ra một số nhận định liên quan đến Việt Nam trong quá trình giải quyết tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông như sau.

Một là do tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông giữa Việt Nam và Trung quốc nói riêng, và giữa các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nói chung không chỉ liên quan trực tiếp đến các nước có tuyên bố chủ quyền, mà đằng sau nó còn là cuộc cạnh tranh chiến lược giữa một bên là Mỹ, siêu cường duy nhất hiện nay và Trung Quốc, một cường quốc đang bứt phát mạnh mẽ và có tầm ảnh hưởng hàng đầu ở khu vực, cho nên việc giải quyết vấn đề này, vốn dĩ đã phức tạp, nhạy cảm, càng trở nên cam go, phức tạp, lâu dài. Đồng thời cần nhận thức rằng, vấn đề Biển Đông càng kéo dài càng bất lợi cho Việt Nam.

Hai là, vì đằng sau vấn đề Biển Đông còn diễn ra “cuộc chơi” giữa các nước lớn, mà trước hết và cơ bản là giữa Trung Quốc và Mỹ nên trong quá trình giải quyết các căng thẳng ở Biển Đông, Việt Nam cần hết sức tỉnh táo, thận trọng trong việc xử lý quan hệ song phương với hai nước lớn này. Với một vị thế đặc thù như Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, luôn cần lưu tâm một điều rằng “trong quan hệ với nước lớn, càng giữ được độc lập, giá trị của nước nhỏ sẽ càng cao”.[21] Nói cụ thể hơn, Việt Nam cần giữ quan hệ cân bằng với hai quốc gia này. Việt Nam luôn cần tránh bị lợi dụng, tránh để bị cho là liên minh với nước này để chống lại nước kia. Hiện tại, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là quan hệ đối tác hợp tác chiến lược, còn quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ hiện đang dừng ở mức độ quan hệ đối tác toàn diện[22] và Việt Nam đang hướng tới việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ.[23] Một vấn đề đặt ra trong quá trình này là nội hàm của đối tác chiến lược với Mỹ cần đặt trong tương quan cân bằng với nội hàm đối tác chiến lược với Trung Quốc.

Ba là, cần cảnh giác với mối quan hệ giữa hai nước Trung Quốc và Mỹ, tránh để bị rơi vào tình huống xấu là các nước lớn vì lợi ích của mình mà thỏa hiệp xâm hại lợi ích của Việt Nam. Tuy cách tiếp cận hiện hành của Trung Quốc và Mỹ đối với vùng biển Thái Bình Dương là đối nghịch, nhưng không loại trừ khả năng các nước lớn “đi đêm” với nhau gây tổn hại đến lợi ích quốc gia, đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Thực lực của Trung Quốc vẫn đang không ngừng gia tăng và do đó, không thể loại trừ khả năng Mỹ ngày càng phải học cách thỏa hiệp với Trung Quốc.

Cuối cùng nhưng vô cùng hệ trọng là câu chuyện Việt Nam phải tăng cường thực lực của bản thân. Có như vậy, Việt Nam mới đủ sức đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền lợi của mình trong vấn đề Biển Đông. Ở đây muốn lưu ý đến hai phương diện là kinh tế và đối ngoại.

Trước hết, Việt Nam cần tăng cường sức mạnh kinh tế. Hiện nay kinh tế Việt Nam đang ở trong tình trạng lép vế so với kinh tế Trung Quốc cả về quy mô và quan hệ song phương. Về quy mô kinh tế, hiện nay GDP của Việt Nam chỉ xấp xỉ với chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc. GDP năm 2013 của Việt Nam là 171,4 tỷ USD,[24] trong khi đó ngân sách quốc phòng năm 2013 của Trung Quốc là 188 tỷ USD.[25] Về quan hệ kinh tế song phương, nhiều năm nay Trung Quốc là thị trường mà Việt Nam nhập siêu nhiều nhất. Năm 2013 Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc lên tới 23,69 tỷ USD.[26] Do đó, Việt Nam cần tăng cường sự tự chủ kinh tế, sức mạnh kinh tế để gia tăng ảnh hưởng khu vực và quốc tế, để có thêm nguồn lực đầu tư cho quốc phòng. Một hướng phát triển chiến lược mà Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã xác định là Việt Nam cần trở thành cường quốc biển. Vấn đề đặt ra là cần tiếp tục làm những gì để thực hiện hiệu quả chiến lược này? Việc thực hiện hiệu quả chiến lược này sẽ mang lại một diện mạo mới cho kinh tế vĩ mô của Việt Nam và mang lại thế và lực mới cho thế trận quốc phòng của Việt Nam.

Trên phương diện đối ngoại, trong quá trình tiếp tục triển khai mạnh mẽ đường lối ngoại giao đa phương, ngoại giao toàn diện và đồng bộ hiện nay, điểm nhấn vẫn là việc cần tiếp tục coi ASEAN là một trụ cột đối ngoại giúp Việt Nam giải quyết vấn đề Biển Đông. Rõ ràng, Đông Nam Á, ASEAN ngày càng gia tăng giá trị chiến lược đối với an ninh và phát triển của Việt Nam, ngày càng đóng vai trò là không gian sinh tồn và phát triển của Việt Nam.[27] Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị qua chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên từ ngày 30/4 đến ngày 5/5/2013 sau khi nhậm chức, đã tái xác lập quan điểm của Trung Quốc, chia các nước ở khu vực này thành hai nhóm là nhóm nước thân thiện và nhóm nước bất hợp tác.[28] Tuy vậy, cho đến nay, về cơ bản có thể thấy Trung Quốc không thành công trong việc thuyết phục ASEAN thừa nhận và tán thành cách tiếp cận cơ bản của nước này trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông. Nhận định này ít nhất có thể đề cập đến hai điểm sau đây.

Trước hết, theo quan điểm của phía Trung Quốc, vấn đề Biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN với tư cách là một khối, mà đây là vấn đề giữa Trung Quốc với một số nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền.[29] Tuy nhiên, ASEAN lâu nay giữ lập trường rằng vấn đề Biển Đông là vấn đề chung của cả khối, là vấn đề mà ASEAN với tư cách là một tập thể cần quan tâm giải quyết, chứ không phải chỉ là vấn đề của một số nước đơn lẻ.

Tiếp đó, Trung Quốc cho rằng, các tranh chấp chủ quyền ở vùng Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước có tuyên bố chủ quyền khác cần được giải quyết trên cơ sở song phương.[30] Chẳng hạn, Trung Quốc cho rằng, các tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Việt Nam ở Biển Đông cần do hai nước trực tiếp giải quyết, không có sự can dự của bên thứ ba. Do tương quan lực lượng, đàm phán song phương với nước lớn thường tiềm tàng nguy cơ thua thiệt cho các nước nhỏ. Đáp lại cách tiếp cận song phương của Trung Quốc, các nước có tuyên bố chủ quyền, trong đó có Việt Nam, đã và đang tranh thủ sử dụng các kênh đa phương và tích cực quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.

Nếu trong tương lai, giả dụ xảy ra trường hợp xấu là ASEAN để bị thuyết phục bởi cách tiếp cận nói trên của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông thì điều này đồng nghĩa với việc ASEAN, một điểm tựa chiến lược của Việt Nam, mất đi sức mạnh đáng quý nhất của mình – sức mạnh tập thể vô cùng to lớn mà một tập hợp các nước vừa và nhỏ dày công tạo dựng được nhờ nỗ lực đoàn kết, gắn kết với nhau lại qua một quá trình xây dựng và phát triển lâu dài. Việt Nam cần hết sức lưu ý không để xảy ra tình huống này.

Căng thẳng Việt - Trung ở Biển Đông là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, nhiều tầng bậc và cung bậc, không thể nôn nóng nhưng cũng không thể không khẩn trương. Tình hình trước mắt tiếp tục đòi hỏi chúng ta nhìn nhận đầy đủ hơn, bám sát hơn sự phức tạp, gai góc của vấn đề và chuẩn bị tích cực hơn các nguồn lực để có thể giải quyết vấn đề theo hướng có lợi nhất cho nước nhà./.

Tác giả bài viết là TS. Phan Duy Quang, Viện Quan hệ quốc tế - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Những quan điểm nêu trong bài là của riêng tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của cơ quan nơi tác giả công tác. Bài viết được đăng lần đầu tiên trên Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế số 4 (99), tháng 12/2014.



1 胡锦涛在中国共产党第十八次全国代表大会上的报告 (Báo cáo của của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc), http://news.xinhuanet.com/18cpcnc/2012-11/17/c_113711665_9.htm, ngày 17/12/2012

[1] Chỉ riêng về dầu khí, Biển Đông được ước tính là chứa ít nhất 7 tỷ thùng dầu và 900 nghìn tỷ m3 khí, xem: Beina Xu, “South China Sea Tensions”, http://www. cfr.org/china/south-china-sea-tensions/p29790, May 14th, 2014

[2] Chẳng hạn như, Trung Quốc được Cơ quan năng quốc tế IEA đánh giá là vượt qua Mỹ, trở thành nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới vào tháng 7 năm 2010 (China Tops U.S. in Energy Use, http://online.wsj.com/news/articles/SB100014240527487037 20504575376712353150310?mg=reno64-wsj&url=http%3A%2F%2Fonline.wsj.com% 2Farticle%2FSB10001424052748703720504575376712353150310.html, July 18th, 2010). Tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm sông ngòi ở Trung Quốc cũng đang rất nghiêm trọng.

[3] “Trung Quốc thúc đẩy ngư dân ra vùng tranh chấp”, http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/trung-quoc-thuc-day-ngu-dan-ra-vung-tranh-chap-3023661.html, ngày 29/7/2014.

[4] “Trung Quốc có thể xây dựng nhà máy khí hóa lỏng nổi trên Biển Đông”, http://www.vietnamplus.vn/trung-quoc-co-the-xay-dung-nha-may-khi-hoa-long-noi-tren-bien-dong/271508.vnp, ngày 18/07/14.

[5] “Trung Quốc ngang ngược phát hành bản đồ “nuốt chửng” Biển Đông”, http://www. vietnamplus.vn/trung-quoc-ngang-nguoc-phat-hanh-ban-do-nuot-chung-bien-dong/267 387.vnp, ngày 25/06/14.

[6] 蛟龙号载人潜水器勇破7000米深度纪实 (Tàu lặn biển có người lái “Giao long” phá kỷ lục độ sâu 7000m), http://news.xinhuanet.com/tech/2012-06/25/c_123324587.htm, ngày 25/6/2012

[7] 胡锦涛:推进互利共赢合作 发展新型大国关系 (Hồ Cẩm Đào: Thúc đẩy hợp tác cùng thắng, Phát triển quan hệ nước lớn kiểu mới), http://news.xinhuanet.com/world/2012-05/03/ c_111882964_2.htm, ngày 3/5/2012.

[8] “Dư luận Trung Quốc hoan ngênh quan hệ kiểu mới với Mỹ”, http://vietkieu.vietnamplus.vn/CN/69/Tin-tuc-so-tai/Du-luan-TQ-hoan-nghenh-quan-he -kieu-moi-voi-My/24862.vnp, ngày 10/06/2013.

[9] Tháng 7/2009, trước lễ ký kết Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) với ASEAN trong thời gian đến tham dự ARF tại Phuket (Thái Lan), ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng, “Mỹ đã trở lại Đông Nam Á”, đánh dấu sự mở màn của Chiến lược Xoay trục. Sự chín muồi của Chiến lược này được thể hiện trong bài phát biểu của tổng thống Mỹ Obama tại Nghị viện Úc vào ngày 17/11/2011. Xem thêm “Remarks by president Obama to Australia Parliament”, http://www.whitehouse.gov/the-press-office/2011/11/17/remarks-president-obama-australian-parliament.

[10] “Sustaining U.S. Global Leadership: Priorities for 21st Century Defense”, http:// www.defense.gov/news/Defense_Strategic_Guidance.pdf, tr.2.

[11] Dean Cheng, “Hải quân và các định hướng tương lai của Trung Quốc” (bản dịch từ tiếng Anh), http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-07-21-hai-quan-va-cac-dinh-huong-tuong-lai-cua-trung-quoc, ngày 02/08/2011.

[12] 美国在研制超级武器,一个小时内打击全球目标” [Mỹ đang nghiên cứu chế tạo siêu vũ khí, có thể tấn công mục tiêu trên toàn cầu trong vòng một giờ đồng hồ], http://news.ifeng.com/mil/video/detail_2013_09/11/29528888_0.shtml, ngày 11/9/2013.

[13] “Người gốc Việt nghiên cứu siêu vũ khí laser”, http://dantri.com.vn/kieu-bao/nguoi-goc-viet-nghien-cuu-sieu-vu-khi-laser-543104.htm, ngày 30/11/2011.

[14] “Air-Sea Battle”, http://www.defense.gov/pubs/ASB-ConceptImplementation-Summary-May-2013.pdf.

[15] Joint Operational Access Concept, http://www.defense.gov/pubs/pdfs/joac_jan%202 012_signed.pdf.

[16] “China’s Evolving Anti-Access Approach: “Where’s the Nearest (U.S.) Carrier?” ”, China Brief, Vo.10 No. 18, September 2010.

[17] “Trung Quốc xuyên thủng phòng tuyến chuỗi đảo thứ nhất”, http://vietnamnet.vn/vn/quoc-te/133922/-tq-xuyen-thung-phong-tuyen-chuoi-dao-thu-nhat-.html, ngày

[18] “Thời báo Hoàn Cầu: Nhật Bản là “mục tiêu chính” của vùng phòng không”, http://dantri.com.vn/the-gioi/thoi-bao-hoan-cau-nhat-ban-la-muc-tieu-chinh-cua-vung-phong-khong-808838.htm, ngày 29/11/2013.

[19] “Trung Quốc ngang ngược phát hành bản đồ “nuốt chửng” Biển Đông”, tại: http://www.vietnamplus.vn/trung-quoc-ngang-nguoc-phat-hanh-ban-do-nuot-chung-bien-dong/267387.vnp, ngày 25/06/14.

[20] “Ấn Độ lên tiếng phản đối bản đồ mới phi pháp của Trung Quốc”, http://www.vietnamplus.vn/an-do-len-tieng-phan-doi-ban-do-moi-phi-phap-cua-trung-quoc/268097.vnp, ngày 29/06/14. “China’s Arunachal Pradesh Fixation”, http:// thediplomat.com/2013/12/chinas-arunachal-pradesh-fixation/, ngày 16/12/2013

[21] Nguyễn Vũ Tùng, “Sống chung với nước láng giềng lớn hơn: thực tiễn và chính sách”, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 2(81), 6/2010, tr.81

[22] Trong bài viết “Việt - Mỹ vì sao chưa là đối tác chiến lược?” (bản dịch từ tiếng Anh), Carl Thayer chỉ ra rằng, “đối tác toàn diện Việt Nam Hoa Kỳ lại là một tiến trình còn đang khai phá. Hầu hết các mục trong chín điểm của tuyên bố chung chỉ là sự lặp lại những lĩnh vực hợp tác vốn đang được triển khai”, http://vietnamnet.vn/ vn/tuanvietnam/133487/viet---my-vi-sao-chua-la-doi-tac-chien-luoc-.html, 31/07/2013.

[23] Trong bài phát biểu có tiêu đề “Xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của châu Á” tại Diễn đàn Đối thoại Shangri-la năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ mong muốn của Việt Nam rằng, “Chúng tôi mong muốn thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ một khi nguyên tắc độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi được cam kết và nghiêm túc thực hiện.”, http://baodientu.chinhphu.vn/Home/Thu-tuong-Nguyen-Tan-Dung-phat-bieu-khai-mac-Doi-thoai-ShangriLa-2013/20135/169968.vgp, 19:46, 31/05/2013

[24] World Bank, http://www.worldbank.org/en/country/vietnam.

[25] SIPRI, 14 Apr. 2014: Military spending continues to fall in the West but rises everywhere else, says SIPRI, http://www.sipri.org/media/pressreleases/2014/Milex_ April_2014.

[26] “Tổng quan xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam theo châu lục, theo khu vực thị trường và theo thị trường năm 2013”, http://www.customs.gov.vn/Lists/ThongKeHai Quan/ViewDetails.aspx?ID=533&Category=Ph%C3%A2n%20t%C3%ADch%20chuy%C3%AAn%20%C4%91%E1%BB%81&Group=Ph%C3%A2n%20t%C3%ADch, Thống kê Hải quan , ngày 23/01/2014.

[27] Phạm Bình Minh (chủ biên), Đường lối chính sách đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.136.

[28] “China Daily dọa dẫm ASEAN, Việt Nam, Philippines”, http://www.vietnamplus.vn/ china-daily-doa-dam-asean-viet-nam-philippines/200084.vnp, 05/05/13.

[29] 杨秀萍:如何避免南海问题影响中国 - 东盟合作大局 (Dương Tú Bình: Làm thế nào để tránh vấn để Biển Đông ảnh hưởng đến đại cục hợp tác Trung Quốc - ASEAN), http://news.ifeng.com/a/20140801/41406330_0.shtml, ngày 2014/08/01.

[30] 时评: 提出解决南海问题双轨思路是务实微调 (Bình luận thời sự: Đề xuất “Tư duy hai quỹ tích song hành” trong giải quyết vấn đề Biển Đông là sự hiệu chỉnh thiết thực) (tiếng Trung), http://news.china.com.cn/txt/2014-08/11/content_33197652.htm, ngày 2014/08/11.