Những phát hiện then chốt

+ Việc chú trọng vào chế độ một người nắm quyền là chủ tịch Quân ủy trung ương, cùng với đường lối về sự chia rẽ theo tư tưởng Mao Trạch Đông giữa Bộ Chính trị và Quân ủy trung ương, sẽ gây gián đoạn hơn nữa sự giám sát của người dân đối với các hoạt động của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).

+ Cách tiếp cận theo kiểu trực tiếp can dự của Tập Cận Bình tái cân bằng sự can thiệp của tổng tư lệnh và quyền tự trị của PLA trong công tác quản lý hàng ngày. Kết quả là, việc chuyên nghiệp hóa PLA có thể bị ảnh hưởng.

+ Việc quản lý nhân sự của Tập Cận Bình có thể gây ra tình trạng mất cân bằng phe phái giữa các nhóm sĩ quan khác nhau với khả năng có những hậu quả dài hạn.

+ Vai trò lãnh đạo chính trị của Tập Cận Bình được phản ánh ở chỗ ông sẵn sàng yêu cầu sự ủng hộ của Quân ủy trung ương nhằm thúc đẩy sự đồng thuận trong Bộ Chính trị về các vấn đề chiến lược. Điều này có thể mở cửa cho sự can thiệp của Quân ủy trung ương vào các vấn đề (phe cánh) trong đảng và do đó chính trị hóa PLA, với những ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ hoạt động chính trị của giới tinh hoa.

Tháng 11/2015, Tập Cận Bình đã đề xướng một kế hoạch cải cách mới đối với PLA trong vòng 5 năm. Khi được hoàn tất vào năm 2020, PLA sẽ có một diện mạo hoàn toàn mới. Bài viết này nghiên cứu hoạt động chính trị của cuộc cải cách này trong bối cảnh Tập Cận Bình nắm giữ vai trò lãnh đạo chính trị.

Có điều gì mới?

Đợt cải cách PLA gần đây nhất mang tính toàn diện nhưng tập trung vào 5 sự thay đổi chủ yếu:

+ Xem xét lại toàn bộ dây chuyền chỉ huy và kiểm soát của PLA, đặc biệt tại cơ quan quyền lực cao nhất – Quân ủy trung ương – với việc thành lập một bộ tư lệnh liên quân tối cao do chính Tập Cận Bình lãnh đạo

+ Đổi hệ thống quân khu thành hệ thống vùng tác chiến

+ Định hình lại cơ cấu lực lượng PLA bằng việc tạo ra một sở chỉ huy Lục quân, cải thiện vị thế của Lực lượng tên lửa và thiết lập Lực lượng hỗ trợ chiến lược mới

+ Đặt các thể chế pháp lý/kỷ luật của PLA dưới sự kiểm soát trực tiếp của Quân ủy trung ương

+ Tách riêng hệ thống quân lệnh và hệ thống quân chính trong dây chuyền chỉ huy từ cấp vùng tác chiến trở xuống

Chỉ đạo chung đối với cuộc cải cách này là nêu bật sự cần thiết phải chuẩn bị cho chiến tranh, phù hợp với sự chuyển dịch trọng tâm chú ý của Tập Cận Bình từ “chuẩn bị” dưới thời người tiền nhiệm của ông sang “chiến tranh” dưới thời của chính ông. Hệ thống Quân ủy trung ương mới, sở chỉ huy Lục quân mới và các sĩ quan chỉ huy vùng tác chiến mới đã được thể chế hóa, với một đội ngũ nhân sự, cơ cấu quản lý và quy trình chỉ huy mới sẵn sàng thực thi các mệnh lệnh của Tập Cận Bình. Sáu kế hoạch cải cách đồng thời đã được công bố, bao gồm việc cắt giảm 300.000 binh lính, xóa bỏ toàn bộ lợi ích thương mại của PLA, đặt các cơ quan pháp lý/kỷ luật của PLA dưới sự kiểm soát trực tiếp của Quân ủy trung ương và đẩy mạnh việc hợp nhất các ngành công nghiệp quốc phòng và dân sự.

Lực lượng Cảnh sát vũ trang nhân dân (PAP) cũng sẽ trải qua những sự thay đổi có ảnh hưởng sâu rộng để đảm nhận nhiều nhiệm vụ an ninh quốc gia hơn nhằm gánh bớt trách nhiệm đó cho quân đội thường trực. Điều này đánh dấu một sự thay đổi lớn trong mối quan hệ dân sự-quân sự, tái định hướng các lực lượng chiến đấu về phía các mối đe dọa bên ngoài nhiều hơn. Mục tiêu chủ yếu là đặt Bộ tư lệnh PAP dưới sự kiểm soát chặt chẽ hơn của Quân ủy trung ương thay vì Quốc vụ viện. Kết quả là, ảnh hưởng chính trị của PLA, đặt trong mối quan hệ đặc biệt của nó với vị tổng tư lệnh (Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc – ĐCSTQ), sẽ được gia tăng giữa những thách thức an ninh bên ngoài ngày càng dữ dội.

Hoạt động chính trị trong việc chỉ đạo các cuộc cải cách Quân ủy trung ương

Bộ tư lệnh liên quân tối cao mới thành lập của Quân ủy trung ương tuân theo sự chỉ đạo về mặt khái niệm của Tập Cận Bình đối với cải cách: Quân ủy trung ương sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm về quốc phòng, hợp nhất hệ thống quân lệnh và hệ thống quân chính của PLA ở cấp cao nhất, trong khi 2 hệ thống này sẽ tương đối riêng biệt ở các cấp thấp hơn. Vì vậy, thẩm quyền của Quân ủy trung ương trong công tác quản lý hàng ngày các vấn đề của PLA được gia tăng đến mức chưa từng có, như quyền lực của Tập Cận Bình.

Bề ngoài, điều này nhằm nâng cao tính hiệu quả của quân đội trong việc chuẩn bị cho chiến tranh. Tuy nhiên, đằng sau đó là động thái chiến lược của Tập Cận Bình nhằm tập trung quyền kiểm soát của Quân ủy trung ương đối với toàn bộ các lực lượng vũ trang. Động thái này có động cơ chính trị rất lớn. Cho tới gần đây, PLA đã sử dụng một hệ thống chỉ huy kết hợp giữa Quân ủy trung ương và các sở chỉ huy. Mặc dù Quân ủy trung ương chịu trách nhiệm cho các quyết định cuối cùng, nhưng các sở chỉ huy cũng được giao quyền ra các quyết định trọng đại trong khi điều hành các công việc của PLA. Theo thường lệ, các sở chỉ huy ra chính sách và mệnh lệnh cho các đơn vị của PLA dưới danh nghĩa Quân ủy trung ương và thay mặt cho Quân ủy trung ương.

Trong hệ thống chỉ huy trước đây của Quân ủy trung ương và các sở chỉ huy, sự kiểm soát của Quân ủy trung ương đối với các sáng kiến và quy trình chính sách có thể bị cản trở bởi các sở chỉ huy, đặc biệt là khi chủ tịch Quân ủy trung ương là người yếu kém. Giờ đây, vai trò của các sở chỉ huy là thực thi mệnh lệnh của Quân ủy trung ương. Điều này nhất cử lưỡng tiện. Một là, các sở chỉ huy PLA, ví dụ như Ban tham mưu liên hợp, và bộ tư lệnh các vùng tác chiến bị tước quyền ra quyết định chiến lược. Hai là, chủ tịch Quân ủy trung ương có quyền kiểm soát trực tiếp và cụ thể hơn, vì đối với ông việc kiểm soát một cơ quan nhỏ như Quân ủy trung ương cả về mặt thể chế lẫn nhân sự dễ dàng hơn là kiểm soát 4 sở chỉ huy khổng lồ của PLA.

Chìa khóa để thực hiện kiểm soát có hiệu quả là nhắc lại quyền lực tối cao của chủ tịch Quân ủy trung ương. Về mặt thể chế, đây là về việc củng cố hệ thống trách nhiệm của chủ tịch Quân ủy trung ương khi điều hành các công việc của PLA, được đảm bảo bởi Hiến pháp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cũng như các chuẩn mực và truyền thống của ĐCSTQ và PLA. Thẩm quyền này rõ ràng đã bị xói mòn bởi kiểu lãnh đạo của Hồ Cẩm Đào – cai mà không trị – để cho các sĩ quan cấp cao lạm dụng quyền lực mà không lo sợ gì. Kể từ Đại hội Đảng XVIII, Bộ Chính trị đã ra một số chỉ thị nhấn mạnh tính bất khả xâm phạm của hệ thống trách nhiệm của chủ tịch Quân ủy trung ương và coi nó ngang hàng với quyền kiểm soát tuyệt đối của đảng đối với PLA. Các sĩ quan cấp cao hiện nay nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân theo và bảo vệ quyền lực của Tập Cận Bình với tư cách là chủ tịch Quân ủy trung ương, như đã được phản ánh trong bài phát biểu của Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Phạm Trường Long tại cuộc hội thảo nhóm của PLA trong kỳ họp Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc năm 2016: “Kiên quyết bảo vệ và thực thi hệ thống trách nhiệm do một người lãnh đạo là chủ tịch Quân ủy trung ương là điểm then chốt và nhiệm vụ hàng đầu của các cuộc cải cách PLA. Đó là tiêu chuẩn cụ thể để đo lòng trung thành của PLA đối với đảng và là hiện thân cho kỷ luật sắt của PLA” (8/3/2016).

Việc tăng cường hệ thống trách nhiệm của chủ tịch Quân ủy trung ương luôn là một hành động mang tính chính trị, và điều đó được nêu bật mỗi khi Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình nhận thấy một thách thức nội bộ đối với sự cai trị của họ. Rõ ràng, việc Tập Cận Bình nhắc lại điều này là có ý nghĩa về mặt chính trị hơn là về mặt quân sự và quản lý ở chỗ một nỗ lực như vậy là nhằm đảm bảo quyền lực cá nhân to lớn cho chủ tịch Quân ủy trung ương. Điều này đến lượt nó có thể được mở rộng thành quyền kiểm soát của Tập Cận Bình đối với nghị trình của đảng và hoạt động của các phe phái, đặc biệt khi có sự bất đồng lớn trong giới tinh hoa về các đường lối chính trị của đảng, việc bố trí nhân sự (tức là việc lựa chọn người kế nhiệm) và các chính sách chiến lược.

Một động thái cụ thể nhằm cá nhân hóa quyền lực riêng của Tập Cận Bình là mang lại cho ông sự kiểm soát thực sự đối với quyền chỉ huy tác chiến PLA – thẩm quyền cá nhân cao nhất mà một nhà lãnh đạo có thể đạt được. Với chữ ký cá nhân của mình, chủ tịch Quân ủy trung ương tuyên bố chiến tranh, triển khai binh lính và ấn nút hạt nhân. Quyền lực không thể thách thức của Mao Trạch Đông có thể được truy nguyên bắt nguồn từ quyền chỉ huy trực tiếp đối với binh lính và các chiến dịch trong thời chiến. Trong thời bình, các chủ tịch Quân ủy trung ương thường giao phó các khía cạnh tác chiến trong công tác quản lý PLA cho các vị phó được họ tin tưởng, vì họ dành nhiều thời gian hơn cho các vấn đề chính trị hàng đầu khác. Tập Cận Bình tự nhận mình là người đứng đầu Bộ tư lệnh liên quân tối cao của Quân ủy trung ương. Ông đã có chuyến thị sát đầu tiên đến trụ sở Bộ tư lệnh hôm 20/4/2016. Với hành động như vậy, vị trí tổng tư lệnh của ông đã được củng cố hơn nữa.

Điều thú vị là bất chấp những tuyên bố rằng cuộc cải cách mới này đã thắt chặt sự kiểm soát của đảng đối với súng đạn, nhưng sự gián đoạn từ lâu vai trò lãnh đạo về mặt tổ chức của đảng đối với PLA vẫn chưa được cải thiện vì Tập Cận Bình tiếp tục duy trì công thức của Mao Trạch Đông “Bộ Chính trị quản lý các vấn đề chính trị và Quân ủy trung ương quản lý các vấn đề quân sự”. Không một thường dân nào khác là ủy viên Bộ Chính trị được phép xử lý các vấn đề của PLA và không một cơ quan nào khác của đảng được phép xâm phạm công tác quản lý PLA, tức là việc bổ nhiệm nhân sự và các vấn đề về pháp lý/kỷ luật. Quân ủy trung ương tiếp tục chỉ huy chiến dịch chống tham nhũng mà không bị ai kiểm soát. Không còn nghi ngờ gì về việc quyền kiểm soát cá nhân của Tập Cận Bình đối với PLA đã được tăng cường một cách đáng kể, nhưng điều này không nhất thiết mở rộng sang quyền kiểm soát tăng cường đối với đảng. Không có ủy viên nào của Thường vụ Bộ Chính trị có mặt tại bất kỳ sự kiện lớn nào mà ở đó Tập Cận Bình công bố các cải cách. Báo cáo chính thức về những sự kiện này đã không buồn đề cập đến Bộ Chính trị, đặt ra câu hỏi liệu các quyết định này là của Bộ Chính trị hay chỉ là của một mình Quân ủy trung ương (mặc dù Thường vụ Bộ Chính trị đã phải lập tức tán thành các quyết định này như một phần thủ tục của đảng). Do đó, quyền chỉ huy tác chiến và quản lý không bị ai kiểm soát của Quân ủy trung ương tránh được sự giám sát của nhân dân.

Cải cách PLA và vai trò lãnh đạo chính trị của Tập Cận Bình

Cuộc cải cách Quân ủy trung ương đang diễn ra chứng tỏ hơn nữa vai trò lãnh đạo chính trị mạnh mẽ của Tập Cận Bình trong việc điều hành đất nước Trung Quốc, được thúc đẩy bởi tính cách quyết đoán và chứng minh câu nói rằng “vai trò lãnh đạo là quan trọng”. Vai trò lãnh đạo chính trị của Tập Cận Bình đối lập hoàn toàn với người tiền nhiệm của ông vốn coi trọng sự đồng thuận và tinh thần cộng sự trong bộ máy quan liêu (chứ không phải là xoay chuyển tình thế) hơn là sự đổi mới chiến lược và sự tranh luận cần thiết/không thể tránh khỏi trong giới tinh hoa. Cuộc cải cách Quân ủy trung ương này mang lại một ví dụ tuyệt vời để phân tích phép biện chứng tiêu biểu của Tập Cận Bình trong việc sử dụng quyền lực bằng cách tạo ra một sự cân bằng tinh vi giữa quyết tâm đề xướng các cuộc cải cách táo bạo/gây tranh cãi với việc giải quyết và xử lý tính tiêu cực/kiềm chế bằng những phương tiện sẵn có, một cách thức hợp lý nhằm ưu tiên các chính sách lớn trong phạm vi một loạt lựa chọn có giới hạn.

Cụ thể, vai trò lãnh đạo chính trị của Tập Cận Bình được phản ánh qua những đặc điểm được liệt kê dưới đây:

+ Chấp nhận mạo hiểm có tính toán: Trước sự ngạc nhiên và sửng sốt của các nhà quan sát PLA, không có cuộc tranh luận công khai (giai đoạn tranh luận nội bộ khá ngắn), không có những thử thách mang tính thử nghiệm và không có các bước/giai đoạn chuyển tiếp cho một cuộc cải cách có ảnh hưởng sâu rộng như vậy mà sẽ xem xét lại toàn bộ hệ thống phòng thủ của Trung Quốc. Cách tiếp cận theo kiểu “vụ nổ lớn” này là điển hình của Tập Cận Bình và chưa từng có tiền lệ trong lịch sử các cuộc cải cách của đảng. Tập Cận Bình có thể thấy rõ nguy cơ cải cách thất bại nhưng vẫn tiến về phía trước trên bình diện rộng.

+ Quyết tâm chính trị: Mọi cuộc cải cách đều đòi hỏi phải xóa bỏ các lợi ích bất di bất dịch, khởi nguồn của sự cạnh tranh được mất ngang nhau trong nội bộ đảng, và vì vậy đòi hỏi quyết tâm cá nhân rất lớn để hoàn thành. Điều này đặc biệt đúng đối với PLA có tư tưởng bảo thủ. Trên thực tế, nhiều cải cách kiểu này đã được đề xuất một vài lần trước đó nhưng không được thực thi. Chẳng hạn, việc thay hệ thống quân dã chiến bằng hệ thống quân khu đã được đưa ra xem xét trong quá trình tái cấu trúc PLA năm 1983-1984 nhưng đã bị bỏ dở vì ngay cả Đặng Tiểu Bình cũng đã phải lùi bước trước sức ép từ phía các bậc lão thành và các chỉ huy trong PLA, những người sẽ thua thiệt trong một sự thay đổi như vậy. Việc thành lập một bộ tư lệnh liên quân tối cao của Quân ủy trung ương đã được đề xuất lên Hồ Cẩm Đào, người đơn giản là chọn sự ổn định thay vì thay đổi. Phong cách lãnh đạo quyết đoán của Tập Cận Bình cho thấy ông tự tin vượt qua được sự chống đối từ bên trong các nhóm lợi ích trong PLA bị ảnh hưởng, tức là có ít nhất 120 tướng mất ghế.

+ Nhận thức mạnh mẽ về trách nhiệm và tính cấp bách đối với việc cải tổ PLA: Gắn liền với quyết tâm chính trị là ý thức trách nhiệm và sự thôi thúc cá nhân về sự thay đổi. Các báo cáo chính thức của cơ quan tuyên truyền khẳng định rằng nếu không có các cuộc cải cách của Tập Cận Bình thì sự tồn tại của PLA sẽ gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, sự thực là PLA hẳn sẽ trở nên mạnh hơn dù có hay không có cuộc cải cách này. Bất chấp việc liệu những sự phóng đại như vậy có phải là một phần của chiến dịch truyền thông nhằm quảng bá hình ảnh cá nhân của Tập Cận Bình hay không thì động thái táo bạo của Tập Cận Bình nhẫn nhục chịu đựng là đáng ngưỡng mộ và phản ánh sự quan ngại của cá nhân ông về tương lai của PLA tại thời điểm diễn ra sự cải tổ quân đội toàn cầu.

+ Kỷ luật chiến trường được áp dụng trong việc kiểm soát súng đạn (một cụm từ phổ biến trong lĩnh vực quan hệ dân sự-quân sự ở Trung Quốc). Các cuộc cải cách đang diễn ra được thúc đẩy bởi sự cần thiết phải tăng cường sự chuẩn bị cho chiến tranh và khả năng sẵn sàng chiến đấu khi PLA bước vào tình trạng cận chiến tranh. Về mặt chính trị, việc áp dụng kỷ luật chiến đấu trong công tác điều hành PLA có thể hiệu quả hơn rất nhiều cho việc thắt chặt sự phục tùng của các sĩ quan, tinh thần binh lính và sự cố kết trong quân đội so với sự thuyết phục trong thời bình. Kiểu chỉ huy của Tập Cận Bình chịu ảnh hưởng nặng nề của truyền thống Quân dã chiến số 1 mà chỉ huy của lực lượng này Nguyên soái Bành Đức Hoài và chính ủy Tập Trọng Huân (bố của Tập Cận Bình) đã thực hành “3 diệt” để có được sự phục tùng của nhóm sĩ quan. Khi điều này được áp dụng trong chiến dịch chống tham nhũng, nó đặc biệt có hiệu quả.

Cải cách PLA và kế hoạch kế nhiệm của Tập Cận Bình

Tất cả những thành tố này phơi bày một kiểu lãnh đạo khác biệt, gắn liền với tính cách quyết đoán, khiến Tập Cận Bình trở thành một tổng tư lệnh khác so với những người tiền nhiệm của ông. Đây là một phần trong vai trò lãnh đạo chính trị của ông. Một đặc điểm nữa có thể cho thấy rõ hơn và ở mức độ chiến lược bản chất vai trò lãnh đạo của Tập Cận Bình là việc ông có xu hướng tạo lực đòn bảy cho PLA mới được tái cơ cấu trong hoạt động chính trị nhân sự/phe phái của Quân ủy trung ương/PLA.

Các cuộc cải cách PLA gần đây nhất mở ra cơ hội lớn cho một cuộc cải tổ ban lãnh đạo mà sẽ cho phép Tập Cận Bình gia tăng hơn nữa sự ủng hộ đối với ông trong PLA. Việc thiết lập một đội ngũ nòng cốt riêng trong hàng ngũ sĩ quan cấp cao nhất là một đặc điểm chủ yếu của vai trò lãnh đạo của Tập Cận Bình, được thúc đẩy bởi cả nhu cầu thể chế lẫn nhu cầu cá nhân, cũng như bởi bài học mà ông đã nhanh chóng rút ra từ việc Hồ Cẩm Đào mất quyền kiểm soát việc bố trí người kế nhiệm vào năm 2012. Việc lựa chọn ủy viên Bộ Chính trị cuối cùng được thực hiện thông qua các lá phiếu của tập thể ban lãnh đạo Thường vụ Bộ Chính trị. Các chuẩn mực như vậy của đảng đã tạo nên nhu cầu thể chế là tạo dựng các nhóm. Không có một nhóm vững chắc của riêng mình, Hồ Cẩm Đào đã không có được các lá phiếu để hiện thực hóa những ưu tiên về nhân sự của mình. Cuối cùng, trò chơi quyền lực của Tập Cận Bình sẽ được bảo vệ bởi quyền kiểm soát của ông đối với tiến trình bỏ phiếu tại cơ quan quyền lực cao nhất, thông qua sự ủng hộ mang tính phe phái. Sự ủng hộ mang tính phe phái đối với Tập Cận Bình là yếu tố căn bản để hiện thực hóa mong muốn của ông là trở thành nhà lãnh đạo của nhiều phe phái và ngăn chặn sự chống đối của giới tinh hoa đối với các sáng kiến về nhân sự và chính sách của ông. Lực lượng ủng hộ có tổ chức của Tập Cận Bình trong Quân ủy trung ương là điều kiện tiên quyết để ông đề xướng các cuộc cải cách táo bạo đối với PLA. Trên cơ sở này, có thể dễ dàng đạt được sự đồng thuận của Quân ủy trung ương về đội ngũ nhân sự của Quân ủy trung ương khóa XIX. Điều này đến lượt nó sẽ củng cố quyền lực của Tập Cận Bình trong việc chọn lựa người kế nhiệm ông hoặc đảm bảo một nhiệm kỳ thứ 3 nếu cần thiết.

Và thời gian để Tập Cận Bình làm như vậy lại cấp bách. Phiên họp toàn thể lần thứ 6 của đảng vào tháng 10/2016 chính thức đánh dấu Đại hội XIX, thời điểm của sự kế nhiệm chính trị. Một ban lãnh đạo quân sự mang tính ủng hộ phải được dựng lên trước thời điểm này. Đây là bối cảnh nhân sự của cuộc cải cách PLA về ý nghĩa chính trị. Ở một mặt nào đó, sự ủng hộ của PLA là thiết yếu để Tập Cận Bình biến tham vọng lịch sử của ông thành hiện thực: Mao Trạch Đông đã có ảnh hưởng đến Trung Quốc trong 30 năm đầu tiên của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Đặng Tiểu Bình trong 30 năm tiếp theo, và Tập Cận Bình sẽ là 30 năm sau. Giờ đây, Tập Cận Bình tự do xây dựng êkíp lãnh đạo PLA của ông. Cụ thể, một cuộc cải tổ là khả thi trong những lĩnh vực dưới đây:

+ Quân ủy trung ương khóa XVIII là một êkíp mang tính chuyển tiếp, với gần một nửa số ủy viên từ chức trong vòng 2 năm. Cuộc cải cách của Tập Cận Bình đã đặt bàn đạp cho việc thay thế họ. Điều này đặc biệt đúng đối với Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Phạm Trường Long, vốn từ đầu không phải là người của Tập Cận Bình. Người thay thế ông đang nổi lên trong hình hài của Hứa Kỳ Lượng, người đã được giao phó chịu trách nhiệm về đợt cải cách này thay cho Tập Cận Bình.

+ Việc bổ nhiệm người vào các vị trí chỉ huy Lục quân, tư lệnh của 5 vùng tác chiến, Lực lượng hỗ trợ chiến lược và vị trí mới là ủy viên hội đồng pháp lý/kỷ luật mang lại đội ngũ các ứng cử viên phù hợp cho các vị trí ủy viên Quân ủy trung ương khóa tiếp theo. Tập Cận Bình là người đưa ra quyết định cuối cùng trong việc lựa chọn họ và đưa họ vào đội hình Quân ủy trung ương khóa tiếp theo.

+ Việc bố trí lại sĩ quan cấp quân đoàn diễn ra trên phạm vi rộng. Một số người được bổ nhiệm đã được đưa vào danh sách nòng cốt dự bị của Quân ủy trung ương. Điều này cho phép Tập Cận Bình có người của ông trong Quân ủy trung ương sau khi ông về hưu vào năm 2020.

Các phương tiện, mục đích và hệ quả

Việc PLA tái cơ cấu đã thúc đẩy tốc độ củng cố, tập trung hóa và cá nhân hóa quyền lực của Tập Cận Bình. Vai trò lãnh đạo chính trị của Tập Cận Bình có lợi cho đảng ở chỗ bù đắp những thiếu hụt trong tiến trình thể chế hóa quyền lực sau thời Đặng Tiểu Bình, điều không thể ngăn chặn được những cuộc tranh giành quyền lực được mất ngang nhau ở cấp cao. Kiểu quyết tâm của Tập Cận Bình khiến cho bất kỳ kẻ thách thức nào cũng cảm thấy vô cùng khó khăn để nổi lên trong Bộ Chính trị. Sự thống nhất giữa Bộ Chính trị và Quân ủy trung ương được duy trì bằng bất cứ phương tiện nào có thể được thể hiện ra ở sự suôn sẻ tương đối trong việc hoạch định chính sách, xử lý quan chức tham nhũng, giải quyết các nhóm lợi ích bất di bất dịch... Việc trao cho Tập Cận Bình quyền lực ở mức độ chưa từng có là cách thức để Quân ủy trung ương và PLA giải quyết các vấn đề về cấu trúc tích tụ lại dưới sự lãnh đạo yếu kém của Hồ Cẩm Đào. Nhưng sự đồng thuận này chỉ là một phương tiện, không phải mục tiêu. Tuy nhiên, trong hệ thống của đảng, phương tiện dễ dàng trở thành mục đích. Đó là điều không thể tránh khỏi khi nhà lãnh đạo cao nhất tích lũy được quyền lực cá nhân ở mức độ lớn. Sự chuyển đổi phương tiện-mục đích sẽ làm đảo ngược nỗ lực của đảng trong việc thể chế hóa quyền lực sau thời Đặng Tiểu Bình. Các cuộc cải cách PLA đang diễn ra có thể đẩy mạnh xu thế này.

Danh sách những thách thức bắt nguồn từ kiểu lãnh đạo đặc biệt này của Tập Cận Bình là chưa đầy đủ; thay vào đó, nó mới chỉ động chạm đến một số ít vấn đề mà các nhà quan sát Tập Cận Bình cần tập trung vào trong lúc này. Vẫn còn quá sớm để kết luận rằng Tập Cận Bình sẽ lặp lại vai trò lãnh đạo kiểu người hùng của Mao Trạch Đông, xét tới việc ông chắc chắn vẫn phải tuân theo quy định tối đa 2 nhiệm kỳ. Tuy nhiên, điều chắc chắn là sự không chắc chắn đang ở phía trước như một nhân tố cấu thành vốn có trong vai trò lãnh đạo chính trị của Tập Cận Bình.

Giáo sư You Ji, Trường đại học Ma Cao. Bài viết được đăng trong “China’s Core Executive: Leadership Style, Structure a nd Processes under Xi Jinping”, Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator, Đức, tr.46-51.

Trần Quang (gt)