17/09/2019
Phép màu kinh tế của Trung Quốc đang gần tới hạn, và giờ có nguy cơ gây ra hại nhiều hơn lợi.
Sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc trong 40 năm qua được coi là một trong những thành tựu hiếm hoi trong lịch sử nhân loại. Trong chưa đầy hai thế hệ, một đất nước tự cấp tự túc, khép kín với thế giới bên ngoài đã tìm được cách tự thâm nhập vào mọi khía cạnh của cuộc sống hiện đại. Từ hàng hóa được sản xuất đơn giản nhất đến các thiết bị phức tạp, từ đường nhựa đến nhà máy điện hạt nhân, các công ty Trung Quốc – chủ yếu là do nhà nước sở hữu – đã phá vỡ chuỗi sản xuất và đầu tư toàn cầu.
Lịch sử phát triển kinh tế, từ việc phát minh ra bánh xe đến cách mạng công nghiệp lần thứ 4, luôn là câu chuyện về những sự đổi mới mang tính đột phá đẩy ranh giới tăng trưởng năng suất; và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc kể từ khi nước này mở cửa vào năm 1978 cũng không khác. Những thay đổi như vậy đã được hoan nghênh trong vài thập kỷ qua. Trung Quốc đã tạo ra việc làm và sự giàu có, trong khi phần còn lại của thế giới được hưởng sự lựa chọn sản phẩm rộng hơn và dịch vụ giá thấp hơn.
Tuy nhiên, tất cả những điều tốt đẹp đều phải kết thúc. Khi Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đến sinh nhật lần thứ 70, nước này không còn được coi là một thế lực vô hại. Những thách thức đối với mô hình kinh tế của Trung Quốc đang gia tăng, như các tranh chấp thương mại và công nghệ giữa Bắc Kinh và Washington đã chứng kiến.
Điều ít được đưa tin trên báo chí phương Tây là cách các nguồn lực mạnh mẽ được giải phóng bởi sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang làm gián đoạn nền kinh tế trong nước. Đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện tại và tương lai, việc quản lý sự thay đổi kinh tế trong khi duy trì ổn định xã hội quan trọng hơn nhiều so với việc tìm ra cách đối phó với những tuyên bố trên mạng xã hội của Tổng thống Mỹ đương nhiệm. Đối với cả một nền kinh tế và một cá nhân, quá nhiều điều tốt lại có thể gây bất lợi. Trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nền kinh tế Trung Quốc – và quan trọng hơn là các việc làm của người dân Trung Quốc – phụ thuộc vào xuất khẩu.
Đối mặt với nhu cầu quốc tế suy sụp và thị trường lao động trong nước trì trệ, Trung Quốc đã quyết định thay đổi chiến lược vào đầu năm 2009 và đã phát động một chiến dịch dùng nợ để đầu tư chưa từng có.
“Gói kích thích 4 nghìn tỷ nhân dân tệ” nổi tiếng, thực chất là tăng thanh khoản trị giá hơn 12% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc năm 2008, được cho là đã có tác dụng làm ổn định nền kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, “gói kích thích Obama” của Mỹ năm 2009 có giá trị dưới 800 tỷ USD, chỉ chiếm khoảng 5,5% GDP của Mỹ năm 2008.
Đây là khi Trung Quốc đã bắt đầu nghiện nợ, một tình huống mà các cơ quan quản lý tài chính của nước này cuối cùng cũng bắt đầu nắm bắt được, nhưng chỉ sau khi nhận ra rằng việc “cai nghiện” hoàn toàn trong giai đoạn cuối của chu kỳ kinh tế toàn cầu cũng không phải là điều lành mạnh.
Không thể phủ nhận rằng việc chấm dứt tình trạng nghiện nợ đã làm nền kinh tế Trung Quốc xáo trộn mạnh mẽ. Trong khi tranh chấp thương mại với Mỹ đã chiếm lĩnh hết các tít báo trong 18 tháng qua, tăng trưởng đã trở nên khó khăn từ nửa đầu năm 2018.
Các nhà kinh tế học của Ngân hàng đầu tư UBS lưu ý rằng “thắt chặt quy định và tài chính” là các nguyên nhân chính dẫn đến tốc độ tăng trưởng sụt giảm. Thứ nhất, các chính quyền địa phương đã thắt chặt kiểm soát nợ, dẫn đến đầu tư cơ sở hạ tầng suy giảm. Thứ hai, các quy định về “hoạt động tài chính ngầm” – một trong những nguồn tăng trưởng lớn nhất trong việc sử dụng tiền vay – đã bị thắt chặt, dẫn đến chi phí vay cao hơn, tín dụng ngầm suy giảm, phát hành trái phiếu yếu hơn và vỡ nợ trái phiếu cao hơn. Do đó, đến cuối năm 2018, tỷ lệ tín dụng là một phần GDP đã ổn định ở mức 20-25%, chỉ còn một nửa so với một thập kỷ trước.
Các thị trường tài chính bị giằng xé giữa việc khen ngợi nỗ lực kiềm chế tăng trưởng đầu tư không bền vững và lo lắng về nền kinh tế giảm tốc, đặc biệt là trong thị trường nhà đất.
Tài sản bất động sản giảm tốc tăng trưởng được dự kiến sẽ tác động đến tăng trưởng tiêu dùng, và điều này đã được chứng thực bằng dữ liệu vĩ mô – tăng trưởng tiêu dùng giảm xuống còn 7,4% so với cùng kỳ năm 2018, từ 7,5% năm 2017, và dự kiến sẽ giảm xuống dưới 7,0% năm 2019. Không nơi nào bị ảnh hưởng nhiều hơn ngành công nghiệp xe hơi: doanh số hàng tháng đã giảm từ mức tăng trưởng gần 30% so với cùng kỳ vào giữa năm 2016, xuống mức giảm mạnh bắt đầu vào tháng 7/2018, và đến giờ vẫn chưa tăng trưởng trở lại.
Thời tăng trưởng đầu tư bằng tín dụng đã qua, nhưng điều quan trọng trước khi chúng ta gióng lên hồi chuông cảnh báo là phải nhấn mạnh rằng phần lớn điều này là có chủ ý.
Tiêu dùng vẫn tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, trong khi điều ngược lại xảy ra với tăng trưởng đầu tư. Chừng nào còn sự khác biệt hữu hình giữa hai bên, thì nền kinh tế Trung Quốc đang tái cân bằng đúng hướng.
Tuy nhiên, khi tiêu dùng hộ gia đình bắt đầu trở thành đầu tàu của nền kinh tế, từ đó tạo ra các việc làm ngành dịch vụ thay vì ngành sản xuất, thì chính phủ và các công ty – cả nhà nước và tư nhân – cần phải thích nghi với những thay đổi về hành vi người tiêu dùng. Về mặt này, khi Trung Quốc mở cửa, một trong những nguồn lực gây gián đoạn lớn nhất là khi các hộ gia đình không thấy chất lượng hàng hóa và dịch vụ đủ tốt, và quay sang dùng hàng ngoại.
Quay lại kiểm tra thị trường xe hơi: trong khi tổng doanh số bán giảm 6% ở Trung Quốc vào năm 2018, điều ít được chú ý là thực tế rằng chủ yếu là các thương hiệu trong nước hứng chịu sự suy giảm nhu cầu. Dù không phân biệt quá nhiều giữa xe nhập khẩu và xe thương hiệu nước ngoài sản xuất trong nước, xe địa phương dù giảm giá đã không làm tăng nhu cầu. Ngay cả trong thời kỳ tài chính gia đình bị hạn chế, có vẻ như người tiêu dùng Trung Quốc sẵn sàng trả giá cao cho chất lượng, dù là chất lượng nhận thức hay thực tế. Đây là một bài học mà các doanh nghiệp trong nước rất cần phải học, đặc biệt là trong các ngành ít được bảo vệ hoặc các ngành có sự hiện diện trong nước yếu hơn.
Cuộc đua để thống trị thị trường các phương tiện chạy bằng điện hoặc tiết kiệm nhiên liệu khác đã bắt đầu; vốn là thị trường được cho là không có người chơi toàn cầu thống trị. Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào ngành này và các công ty như BYD và CATL đã được coi là yếu tố gây gián đoạn trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, với việc Tesla sắp hoàn thành nhà máy đầu tiên tại Trung Quốc và nỗ lực của các đối thủ nước ngoài sắp thành hiện thực, có nhiều khả năng người tiêu dùng Trung Quốc sẽ quay lưng lại với các thương hiệu Trung Quốc, ngay cả khi giá cả cạnh tranh hơn. Vốn cuối cùng sẽ chảy ra nước ngoài, làm tổn thương cán cân thanh toán của đất nước và ảnh hưởng đến tiền tệ, và đó là trước khi nói đến lo lắng triền miên về việc xảy ra tháo vốn.
Giống như ở nhiều nước châu Âu, trợ cấp chính phủ và quy định nhắm vào một số ngành nhất định đã khuyến khích đầu tư vào xe điện, nhưng nếu các thương hiệu Trung Quốc tụt lại trong cuộc đua này, câu hỏi sẽ được đặt ra là liệu sự hiện diện mạnh của nhà nước trong lĩnh vực này cuối cùng có gây trở ngại hay không. Điều này đưa chúng ta đến rủi ro gây gián đoạn cuối cùng, và có lẽ là đáng kể nhất: sự trỗi dậy của công nghệ Trung Quốc.
Trong quý 4/2006, một công ty Trung Quốc đã lọt vào danh sách các công ty giao dịch công khai có giá trị cao nhất thế giới của Financial Times là Ngân hàng Công thương Trung Quốc. Trong tốp 10 có 4 công ty năng lượng, 3 ngân hàng và chỉ 1 công ty công nghệ. Vào cuối năm 2018, có 1 ngân hàng còn trên danh sách, trong khi có 7 công ty công nghệ, với 2 trong số này đến từ Trung Quốc. Hai thập kỷ trước, Tencent chỉ được biết đến là công cụ trò chuyện, trong khi Jack Ma đang khởi sự Alibaba trong căn hộ của mình. Vào đầu năm 2018, 2 công ty trị giá tổng cộng 1 nghìn tỷ USD và là niềm tự hào của Trung Quốc. Sự trỗi dậy của 2 công ty này gần như không có nhà nước can thiệp. Cách họ đã gây biến động nền công nghệ toàn cầu, chưa kể đến xã hội Trung Quốc, đã được rộng rãi ghi nhận. Bắc Kinh có thể, với nhiều bằng chứng, chỉ đến các trung tâm công nghệ như Thâm Quyến và Hàng Châu là ví dụ cho cách làm thế nào để đổi mới công nghệ do tư nhân thúc đẩy và hệ thống chính trị có thể tồn tại song song.
Các công ty thường có thể tự chủ đột phá, miễn là nhà nước giữ quyền hợp pháp để can thiệp khi công nghệ đe dọa cả hệ thống. Tuy nhiên, việc một hệ thống kinh tế đang ổn định bị gián đoạn đang trở nên khó bỏ qua.
Lấy công nghệ tài chính chẳng hạn. Sự phát triển của ngân hàng trực tuyến đã dẫn đến số lượng các chi nhánh ngân hàng truyền thống giảm 21% trên khắp châu Âu trong thập kỷ qua. Chúng ta có thể tự đánh giá thị trường lao động bị gián đoạn trong ngành thường được coi là “cổ cồn trắng”. Điều tương tự cũng xảy ra ở Trung Quốc nhưng với quy mô lớn hơn rất nhiều, khi ngay cả những người ăn xin trên đường phố cũng chấp nhận thanh toán di động qua mã QR. Nếu phần lớn xã hội bỏ qua hoàn toàn hệ thống ngân hàng chính thức, nguy cơ chi nhánh đóng cửa là rõ ràng. Khác với châu Âu, Trung Quốc vẫn là một quốc gia đang phát triển và tính chính đáng của chính quyền, đặc biệt là ở các khu vực thành thị, phụ thuộc vào việc tạo ra việc làm cổ cồn trắng.
Nếu những việc làm này biến mất nhanh hơn là được thay thế, thông qua tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, và khi không có hệ thống phúc lợi phù hợp để hỗ trợ người dân, rõ ràng có nguy cơ mất ổn định xã hội. Và đó là còn chưa xem xét điều kiện ở những khu vực nông thôn, nơi mà lực lượng lao động phần lớn không có kỹ năng và có nguy cơ mất việc còn cao hơn.
Điểm mấu chốt là dù công nghệ đã làm nên điều kỳ diệu cho người dân Trung Quốc trong thập kỷ qua, giờ đây nó có thể sẽ gây gián đoạn quá mức. Bắc Kinh có bao giờ yêu cầu các công ty công nghệ lớn “đi chậm lại” không? Hoặc câu trả lời có thể nằm ở việc tự do hóa kinh tế hơn nữa, cho phép thị trường tạo ra các công việc cần thiết? Có khả năng nào Trung Quốc sẽ chủ động đặt mục tiêu tăng trưởng năng suất thấp hơn để hạn chế sự gián đoạn, hoặc lựa chọn đánh thuế lũy tiến cao?
Nền kinh tế Trung Quốc đang được quản lý để thách thức các kỳ vọng một cách nhất quán đến mức bất cứ khi nào có sự chao đảo, thị trường vẫn giữ niềm tin rằng Trung Quốc có thể tìm ra cách để vật lộn vượt qua, thông qua kích thích tài chính và tiền tệ kết hợp với các biện pháp hành chính.
Tuy nhiên, sẽ đến lúc việc vật lộn vượt qua là không đủ. Vật lộn vượt qua không tạo ra đủ tăng trưởng để tạo ra việc làm mới, để bù đắp sự gián đoạn được tạo ra trong nước; nó không tạo ra hiệu ứng tài sản để khuyến khích các hộ gia đình chi tiêu, nó không lôi kéo các công dân đầy tham vọng của Trung Quốc để giữ vốn trong nước, hoặc thậm chí là giữ bản thân họ trong nước.
Sau nhiều thập kỷ tạo ra mô hình tăng trưởng kinh tế gây đột phá nhất mà thế giới từng thấy, Bắc Kinh đang thấy rằng mô hình này tự gây gián đoạn, mặc dù chưa tự làm hủy hoại. Tập Cận Bình sẽ có nhiều điều phải nghĩ ngợi khi ông chào đón đám đông ở quảng trường Thiên An Môn vào ngày 1/10. Hy vọng rằng ở phía trước sẽ là câu hỏi: chúng ta có đủ việc làm cho tất cả mọi người không, và nếu không thì chúng ta sẽ tạo thêm việc làm bằng cách nào?
Geoffrey Yu là Trưởng Văn phòng Đầu tư Vương quốc Anh tại Công ty Quản lý tài sản UBS (UBS Wealth Management). Bài viết được đăng trên trang Chatham House.
Ngọc Tú (gt)
Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo mọi thứ và có mặt ở khắp mọi nơi. Một trong những phi hành gia của Trung Quốc đã kêu gọi thành lập một nhánh của ĐCSTQ ngoài không gian - sẽ là “một bước tiến nhỏ của con người, một bước tiến vĩ đại cho nhân loại”.
Để phục vụ công tác nghiên cứu và tra tìm tư liệu, website Nghiên cứu Biển Đông trân trọng giới thiệu bạn đọc toàn văn bài nghiên cứu có tựa đề “Chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman và việc bổ nhiệm đại sứ mới Tần Cương liệu có mở ra bước ngoặt cho quan hệ Trung – Mỹ?” của tác giả Zhou Yuan,...
Liệu họ có thể tin tưởng vào một quốc gia ban đầu đã tìm cách che giấu dịch COVID-19 để rồi khiến nó lan ra toàn cầu hay không?
Bài viết này xem xét chính sách đối ngoại và ngoại giao của Trung Quốc trong khuôn khổ lý thuyết địa tâm lý học, một loại lý thuyết có thể được định nghĩa là lăng kính địa lý về mô hình hành vi và thái độ của một dân tộc đối với các dân tộc khác, bắt nguồn từ những kinh nghiệm trong quá khứ, quá trình...
Luận điệu của Trung Quốc về cuộc chiến chống COVID-19 đã thay đổi rõ rệt theo sự chuyển biến của tiến trình chống dịch trong nước: từ thận trọng và phòng vệ sang bất mãn với những nhận định về nguồn gốc của virus.
Tham vọng của Bắc Kinh xây dựng PLA thành một lực lượng quân đội hàng đầu thế giới sẽ đặt ra những thách thức đối với các lợi ích của Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác của nước này trong và ngoài khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.