Ngày 19/3/2018, tại Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (FESS) đã tổ chức Lễ trao giải thưởng Nghiên cứu Biển Đông năm 2017. Tham dự Lễ trao giải có Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ- PGS.TS. Đặng Đình Quý, các thành viên trong Ban Sáng lập Quỹ, Hội đồng Quản lý Quỹ, Hội đồng giám khảo, các tác giả có bài viết đạt giải thưởng cùng nhiều khách mời và phóng viên nhà báo thuộc nhiều cơ quan thông tấn trong nước.

Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Quỹ, TS. Trần Trường Thuỷ cho biết đây là lần thứ 7 Quỹ FESS phát động phong trào nghiên cứu về Biển Đông. Trong đợt phát động năm 2017, các tác phẩm tham dự thể hiện nội dung và hình thức đa dạng, bao gồm: chính trị, kinh tế, lịch sử, giáo dục, quan hệ quốc tế, luật pháp quốc tế, thông tin truyền thông. Các tác giả tham gia phần lớn là các nhà nghiên cứu trẻ đang công tác, học tập tại nhiều tổ chức, viện nghiên cứu, trường đại học và các phóng viên trẻ của nhiều cơ quan báo chí từ mọi miền tổ quốc và từ nước ngoài như Mỹ, Úc, Đức.

Nhận xét về các bài tham dự Giải thưởng, Thiếu tướng, PGS.TS. Lê Văn Cương, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cho biết trong năm 2017, cuộc thi nhận được 57 tác phẩm ở hai thể loại nghiên cứu và báo chí của 65 tác giả (trong đó có 29 tác phẩm nghiên cứu và 28 tác phẩm báo chí), nhiều tác phẩm được viết bằng ngôn ngữ tiếng Anh. So với các năm trước, nhiều tác phẩm nghiên cứu tham gia có chất lượng vượt trội, chứa đựng hàm lượng khoa học cao, phản ánh đa chiều, cập nhật tính thời sự như phán quyết của Toà Trọng tài và việc tôn tạo đảo của Trung Quốc tại Biển Đông. Các tác phẩm báo chí đa dạng thể loại, bao gồm báo hình, báo viết, báo nói, báo mạng, trong đó một số tác giả trẻ tham dự với chuỗi các phóng sự bình luận dài kỳ về Biển Đông. Thông qua các tác phẩm dự thi, Thiếu tướng Lê Văn Cương đánh giá các tác giả thể hiện lòng nhiệt huyết và đam mê trong nghiên cứu về Biển Đông và khẳng định Biển Đông vẫn là chủ đề lôi cuốn đối với tầng lớp nhân dân, trong đó có giới trẻ, một phần là nhờ vai trò quan trọng của Quỹ FESS trong công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo.

Qua hai vòng chấm viết và chấm thuyết trình, Hội đồng Giám khảo Quỹ đã chọn ra 01 Công trình nghiên cứu, 11 Bài viết nghiên cứu (trong đó có 3 bài viết nghiên cứu đặc biệt xuất sắc và 8 bài nghiên cứu xuất sắc) và 05 tác phẩm báo chí về Biển Đông để trao giải. Giá trị giải thưởng Công trình nghiên cứu xuất sắc là 50 triệu đồng, Giải Bài nghiên cứu Đặc biệt xuất sắc là 20 triệu, Giải Bài nghiên cứu xuất sắc là 15 triệu, Giải Báo chí xuất sắc là 20 triệu. Giải Công trình nghiên cứu Biển Đông năm 2017 thuộc về công trình “Chính sách biển của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế” của tác giả Nguyễn Thanh Minh (Hà Nội). Ba Giải Nghiên cứu đặc biệt xuất sắc về Biển Đông thuộc về các bài dự thi là:

1. Tác phẩm tiếng Anh “Quyền lịch sử và danh nghĩa lịch sử: Tính tương thích của Phán quyết Toà Trọng tài Vụ kiện Philippines-Trung Quốc và luật biển quốc tế”, luận văn của thạc sỹ của tác giả Trần Thị Phương Thảo từ Đại học George Washington, Mỹ;

2. Ảnh hưởng của mạng xã hội và kênh thông tin chính thống đến  nhận thức và hành động của sinh viên trên địa bàn Hà Nội về vấn đề chủ quyền biển đảo” của Nhóm tác giả Nông Thị Hồng, Nguyễn Thị Thuỳ Linh, Lê Thị Hương Quỳnh, Lê Kim Tiến, Đinh Thị Trang từ Học viện Ngoại giao. 

3. Vấn đề đảo nhân tạo trong quan hệ quốc tế: Trường hợp Trung Quốc tại Biển Đông” của Nhóm tác giả Nguyễn Đức Hải, Lê Ngọc Khánh Ngân và Chu Minh Phương từ Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, TP. Hồ Chí Minh.

Một số hình ảnh tại vòng chấm thuyết trình

Tại Lễ Trao giải, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ, PGS.TS Đặng Đình Quý đánh giá cao sự nhiệt tình, quan tâm, nỗ lực của các tác giả, đặc biệt là sự tham gia “chưa từng có” của các bạn trẻ thế hệ tuổi 9x trong cuộc thi lần này. Thứ trưởng hi vọng sau cuộc thi lần này, các tác giả tiếp tục theo đuổi nghiên cứu về Biển Đông và “tăng cường kết nối để nuôi dưỡng ngọn lửa nhiệt huyết đam mê” về nghiên cứu bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền biển đảo. Trong tương lai, Quỹ FESS cần lan toả hơn nữa để có thêm nhiều nghiên cứu có chất lượng hơn, phục vụ tốt cho công tác giáo dục, tuyên truyền, xây dựng chính sách và xây dựng đồng thuận.

 

Thay mặt các tác giả đạt giải, Thạc sỹ Trần Thị Phương Thảo (Trường George Washington, Mỹ) chia sẻ giải thưởng là động lực nghiên cứu khoa học để góp phần vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Cuối buổi lễ, TS.Trần Trường Thuỷ tuyên bố phát động Giải thưởng Nghiên cứu Biển Đông trong năm 2018 với cơ cấu giải thưởng như sau:

- 03 Giải “Công trình Nghiên cứu Biển Đông xuất sắc năm 2018” dành cho các học giả, nhà nghiên cứu về Biển Đông trong và ngoài nước, trị giá 50 triệu VNĐ/giải.

- 13 Giải “Bài nghiên cứu về Biển Đông năm 2018” dành cho nghiên cứu sinh, sinh viên, học viên đang học tập trong các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu trong và ngoài nước có bài nghiên cứu về Biển Đông, trong đó có 10 Giải xuất sắc có giá trị 15 triệu VNĐ/giải và 03 Giải đặc biệt xuất sắc có giá trị 20 triệu VNĐ/giải.

- 05 Giải “Báo chí xuất sắc về Biển Đông năm 2018” dành cho các phóng viên, nhà báo, nhà bình luận có bài báo về Biển Đông đăng trên các báo, tạp chí, có giá trị 20 triệu VNĐ/giải.

 

DANH SÁCH GIẢI THƯỞNG

(Theo thứ tự Alphabet tên các tác phẩm)

GIẢI CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU  XUẤT SẮC 

Tên Công trình

Tác giả

Đơn vị

Địa chỉ

Chính sách biển của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế

Nguyễn Thanh Minh

Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển

Hà Nội

 

GIẢI BÀI NGHIÊN CỨU ĐẶC BIỆT XUẤT SẮC

Tên Bài nghiên cứu

Tác giả

Đơn vị

Địa chỉ

Historic rights and historic titles: The Compatibility of the Arbitral Tribunal Award in the Philippines v. China case and the international law of the sea

Trần Thị Phương Thảo

Đại học George Washington

Mỹ

Ảnh hưởng của mạng xã hội và các kênh thông tin chính thống đến nhận thức và hành động của sinh viên trên địa bàn Hà Nội về vấn đề chủ quyền biển đảo

Nông Thị Hồng

Nguyễn Thị Thuỳ Linh

Lê Thị Hương Quỳnh

Lê Kim Tiến

Đinh Thị Trang

Khoa Truyền thông,

Học viện Ngoại giao

Hà Nội

Vấn đề đảo nhân tạo trong quan hệ quốc tế: Trường hợp Trung Quốc tại Biển Đông

Nguyễn Đức Hải

Lê Ngọc Khánh Ngân, Chu Minh Phương

Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP. Hồ Chí Minh

TP. Hồ Chí Minh

 

GIẢI BÀI NGHIÊN CỨU XUẤT SẮC 

Tên Bài nghiên cứu

Tác giả

Đơn vị

Địa chỉ

Cách thức đưa tin của hai tờ báo Tân Hoa Xã và Hoàn cầu Thời báo phiên bản Tiếng Anh trong các thời điểm trước, trong và sau phán quyết của Toà Trọng tài Quốc tế về tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines

Nguyễn Thị Khánh Linh

Trần Thị Minh Ánh

Nguyễn Kim Thu Giang

Phạm Yến Phượng

Nguyễn Hải Hoàn

Nguyễn Thị Lụa

 

Khoa Truyền thông,

Học viện Ngoại giao

Hà Nội

Chính sách cứu nạn trên biển dưới các triều vua Gia Long - Minh Mạng

Phạm Thị Thơm

Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

Hà Nội

Chủ trương của Đảng về giải quyết vấn đề Biển Đông trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay

Trần Thị Ngọc Thuý

Đại học Thuỷ lợi

Hà Nội

Đánh giá quá trình triển khai các dự án trong khuôn khổ sáng kiến "Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI" của Trung Quốc

Phùng Khánh Chi

Lê Xuân Thuận

Khoa Kinh tế,

Học viện Ngoại giao

Hà Nội

Điều tra, đánh giá hiểu biết về cơ sở lịch sử và cơ sở pháp lý nhằm nâng cao nhận thức chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong học sinh - sinh viên

Nguyễn Thị Mỹ Lệ

Đại học Quy Nhơn

Bình Định

Phán quyết về thẩm quyền của Toà Trọng tài Phụ lục VII trong vụ kiện Philippines - Trung Quốc và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam

Nguyễn Hoàng Minh

Viện Biển Đông

Hà Nội

Thái độ của học giả với cách hành xử của Việt Nam ở Biển Đông: Đánh giá và gợi ý chính sách

Đỗ Văn Thiện

Đại học Công nghệ Ilmenau

Đức

Trục quan hệ của ngư dân ở Hoàng Sa - Trường Sa

Lê Văn Chương

Báo Biên phòng

Quảng Ngãi

 

GIẢI BÁO CHÍ XUẤT SẮC 

Tên Tác phẩm báo chí

Tác giả

Đơn vị

Địa chỉ

Bước tiến COC và thách thức trên Biển Đông

Ngô Minh Trí

Báo Thanh niên

TP.Hồ Chí Minh

Cứu nạn cứu hộ nơi đầu sóng

Lê Ngọc Tú

Báo Nhân dân

Hà Nội

Ký sự biển đảo quê hương, tập: Hòn Tre - Đảo không xa bờ

Lê Vũ Hoàng

Hãng phim truyền hình

Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh

TP.Hồ Chí Minh

Loạt bài viết: Trường Sa trong tim người trẻ

Phan Quang Lộc

Báo Tiền Phong

Hà Nội

Loạt bài viết: Việt Nam vượt con sóng chủ nghĩa dân tộc

Dư Nhật Đăng

Báo Tuổi trẻ

Hà Nội

 

QUỸ HỖ TRỢ NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG