29/08/2016
Chủ nghĩa dân tộc đang chèo lái sức mạnh của Trung Quốc. Những phản ứng của nước này đối với vụ kiện không hề có dấu hiệu nào cho thấy rằng, việc sử dụng sức mạnh đó để theo đuổi lợi ích quốc gia sẽ bị kiềm chế bởi nhận thức về tính công bằng của luật pháp quốc tế hay bởi sự tôn trọng đối với các quy chuẩn quốc tế.
Phán quyết gần đây của Tòa Trọng tài Công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) về vụ Philippines kiện Trung Quốc đã được nhiều quốc gia vốn có quan ngại về căng thẳng gia tăng ở Biển Đông hoan nghênh. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, phán quyết lại kích động nhiều làn sóng phản đối.
Như đã được dự đoán, chính phủ Trung Quốc tái khẳng định lập trường kiên định phản đối, không công nhận thẩm quyền của Tòa và không chấp nhận Phán quyết. Quân đội nước này đã khởi động những cuộc tập trận mới và tuyên bố tuần tra trên không ở Biển Đông. Một vị đô đốc đã cảnh báo Mỹ rằng, hoạt động tự do hàng hải của Mỹ có thể sẽ “kết thúc trong thảm họa”, trong khi đó một vị đô đốc khác khẳng định rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ bỏ dở giữa chừng hoạt động cải tạo gây tranh cãi đối với các rạn san hô ở Trường Sa, và tuyên bố thêm “hải quân Trung Quốc đã được chuẩn bị để đối phó với mọi hành vi xâm phạm đến quyền hay các hành động xâm lược.” Theo một nguồn tin có mối quan hệ với quân đội Trung Quốc nói với hãng tin Reuters rằng “Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã sẵn sàng”. “Chúng tôi sẽ tấn công và khiến họ chảy máu giống như Đặng Tiểu Bình đã làm đối với Việt Nam năm 1979”.
Như thể không muốn “kém cạnh” về tinh thần yêu nước, Công ty Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ xây dựng các trạm điện hạt nhân ở Biển Đông với lời giải thích rằng “công trình điện hạt nhân trên biển sẽ được sử dụng để hỗ trợ cho hoạt động kiểm soát hiệu quả của Trung Quốc ở Biển Đông.”
Theo báo chí đưa tin, mạng xã hội WeChat của Trung Quốc và các trang blog vốn được đa số người Trung Quốc sử dụng hàng ngày đã ồ ạt tràn ngập hai hình ảnh. Thứ nhất là một bức thư kêu gọi các cựu quân nhân tái gia nhập quân đội, với lời bình luận tương tự, “Nếu có chiến tranh, theo lời hiệu triệu tôi sẽ tái ngũ ra tiền tuyến.” Hình ảnh còn lại tấm bản đồ về lãnh thổ Trung Quốc, trong đó đánh dấu đường 9 đoạn, với tiêu đề “Đây là lãnh thổ của Trung Quốc, một tấc đất cũng không thể bị đánh mất.”
Trên trang bìa tờ Nhật báo Trung Quốc cũng tuyên bố rằng: “Chúng ta không yêu sách một tấc đất nào khi chúng không thuộc về chúng ta, nhưng chúng ta cũng sẽ không từ bỏ một tấc đất nào khi chúng thuộc về Trung Quốc.”
Nhiều người Trung Quốc cho rằng, vụ kiện là mưu đồ của Mỹ, Nhật Bản (sau đó còn nêu cả Chủ tịch Tòa án Quốc tế về Luật biển, người đã bổ nhiệm 4 trong tổng số 5 thẩm phán là người Nhật Bản) và Philippines để cướp đoạt lãnh thổ của Trung Quốc cũng như “quyền lịch sử” đối với hơn 80% đối với khu vực Biển Đông. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc còn đi xa hơn khi cáo buộc các vị thẩm phán là đã bị đồng tiền mua chuộc.
Tuy nhiên, khi tìm hiểu phán quyết chúng ta thấy rằng rất nhiều trong số những tình cảm oán trách này đều là sai lầm.
Không phải là một phán quyết về lãnh thổ
Trước hết là về vấn đề lãnh thổ, Tòa Trọng tài thực chất không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào chống lại bất kỳ tấc đất nào thuộc chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc hay của quốc gia khác, điều này phù hợp với thực tế là Tòa vốn không có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về chủ quyền. Thầm quyền mà theo đó Tòa đã đưa ra phán quyết dành cho Philippines một Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) có chiểu rộng 200 hải lý, đây là một khái niệm được được quy định trong UNCLOS hoàn toàn khác với lãnh thổ. Mặc dù Tòa cũng đã đưa ra phán quyền về các bãi đá và cát ngầm bị ngập nước khi thuỷ triều lên, theo luật quốc tế các cấu tạo địa chất này không phải là “đảo” và do đó chúng không phải là đối tượng để các bên có thể đòi chủ quyền. Tóm lại, Tòa Trọng tài không hề đả động đến bất cứ phần lãnh thổ mà về mặt pháp lý chúng có thể là lãnh thổ của một quốc gia nào đó. Tất cả các quốc gia yêu sách, đó Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines và Việt Nam, vẫn có thể tranh chấp nhau về các thực thể đảo mà họ đã làm như vậy trước khi vụ kiện này diễn ra.
Cần phải lưu ý rằng Malaysia và Việt Nam, hai quốc gia cũng có yêu sách đối với toàn bộ hay một phần ở quần đảo Trường Sa, đều không hề phản đối và phàn nàn rằng Tòa Trọng tài đã làm điều gì đó không đúng đối với chủ quyền lãnh thổ của hai quốc gia này.
Như vậy, tại sao Trung Quốc lại phản đối về vấn đề chủ quyền lãnh thổ của mình? Lý do đầu tiên là nước này đưa ra yêu sách hoàn toàn trái với các quy định của luật quốc tế, đặc biệt là yêu sách đối với các vùng biển mà về mặt luật pháp không một quốc gia nào được phép tuyên bố chủ quyền. Lý do thứ hai là chính phủ Trung Quốc đang cố tình diễn giải sai về phán quyết, đây là phán quyết về vùng EEZ, trong khi Trung Quốc lại diễn giải thành phán quyết về chủ quyền lãnh thổ - điều này sẽ biện hộ cho cả hai quan điểm của Trung Quốc là Tòa Trọng tài không có thẩm quyền phân xử vụ kiện và đồng thời thúc đẩy tinh thần chủ nghĩa dân tộc, lợi dụng một tình cảm tràn lan của Trung Quốc rằng những kẻ ngoại bang đã đánh cắp lãnh thổ của Trung Quốc khi quốc gia này suy yếu.
Phán quyết về EEZ và quyền lịch sử
Chính xác thì Tòa Trọng tài đã đưa ra phán quyết như thế nào về vùng EEZ? Có hai điểm trong phán quyết của Tòa. Thứ nhất, khi một quốc gia gia nhập của UNCLOS, điều đó triệt tiêu yêu sách về quyền lịch sử trong vùng EEZ của một quốc gia khác. Điều quan trọng là sự triệt tiêu này không bao gồm yêu sách đối với lãnh thổ đảo và các vùng biển thuộc về các vùng lãnh thổ đó. Thứ hai, không một khu vực lãnh thổ nào trong quần đảo Trường Sa thỏa mãn điều kiện của UNCLOS để được hưởng vùng EEZ. Phán quyết này áp dụng đối với cả Philippines và Trung Quốc.
Về phán quyết của Tòa đối với quyền lịch sử trong vùng EEZ của các quốc gia khác, những tâm tư dân tộc chủ nghĩa đang bùng phát ở Trung Quốc có vẻ đã không nhận thức được thực tế rằng phán quyết của Tòa thực sự phù hợp với quan điểm của Trung Quốc về đường 9 đoạn trong suốt quá trình từ lần đầu tiên đường này được vẽ ra cho đến ít nhất là một vài thập kỷ trước đây.
Trong khi một số người cho rằng Trung Quốc có “quyền lịch sử” đối với các vùng biển nằm trong đường 9 đoạn, thì đơn giản đó chỉ là lịch sử được ngụy tạo và mới chỉ được ngụy tạo gần đây mà thôi. Trong khi còn là Tổng thống của Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan), Mã Anh Cửu đã tuyên bố rằng khi chính phủ Quốc Dân đảng của Trung Quốc lần đầu tiên tuyên bố đường 9 đoạn vào năm 1947, mục đích lúc đó là yêu sách đối với các đảo nằm trong đường 9 đoạn, không yêu sách về các quyền đối với các vùng biển cũng như bên dưới đáy biển. Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (PRC) sau đó vẫn duy trì quan điểm này thông qua việc phê chuẩn các công ước Vienna về lãnh hải và thềm lục đại trong những năm 1950. Điều đáng chú ý là vào những năm 1960 và 1979, Indonesia, Malaysia, Philippines và Miền Nam Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền đối với các vùng của thềm lục địa ở khu vực phía Nam Biển Đông, đây là các khu vực chồng lấn vào hẳn đường 9 đoạn, khi đó cả PRC và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (RoC) đều không phản đối.
Trong suốt quá trình đàm phán UNCLOS III và được phê chuẩn vào năm 1982, Trung Quốc có lập trường ủng hộ mạnh mẽ về cơ chế vùng EEZ có 200 hải lý dành cho các quốc gia ven biển, và Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra khái niệm về quyền lịch sử đối với các vùng biển và vùng đáy biển nằm bên trong đường 9 đoạn. Một số học giả Trung Quốc công nhận điều này và khẳng định rằng vào thời điểm đó Trung Quốc đã quyên mất quyền lịch sử của mình. Như vậy mặc dù mục đích ban đầu của đường 9 đoạn không hề có yêu sách về quyền lịch sử đối với các vùng biển và cho đến khi đàm phán UNCLOS III Trung Quốc cũng chưa bao giờ khẳng định những quyền như vậy, do đó cần phải nói chính xác hơn là cho đến tận thời điểm đó Trung Quốc vẫn chưa hình thành khái niệm quyền lịch sử chứ không phải là họ quên điều đó.
Mãi đến tận năm 1992 khi lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra yêu sách đối với thềm lục địa đối với khu vực phía nam của Biển Đông, đó là khi nước này ký hợp đồng về quyền khai thác dầu khí ở khu vực Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) cho công ty Crestone của Mỹ. Và do đó năm 1992 là thời điểm mà khái niệm về “quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với vùng đáy biển bên trong đường 9 đoạn lần đầu tiên ra đời. Bằng chứng hàm ý thể hiện “lịch sử từ thời cổ đại” của các quyền đó được thực ra được nguỵ tạo kể từ nhận thức năm có từ năm 1992.
Nói một cách đơn giản thì những làn sóng tình cảm chủ nghĩa dân tộc về “quyền lịch sử” đối với không gian biển bên trong đường 9 đoạn là một hệ quả của một quan điểm sai lầm nhưng lại rất phổ biến là Trung Quốc vẫn đang có yêu sách và thực thi các quyền lịch sử đó ít nhất là từ năm 1947.
Thực tế là lịch sử được ngụy tạo không hề có sức nặng pháp lý. Bên cạnh đó, một quốc gia đã từng đi tiên phong trong việc ký một hiệp định với gần như tất cả các quốc gia trên thế giới và được hưởng lợi ích từ hiệp định đó, thì Trung Quốc không thể xé bỏ hiệp ước đó và tạo ra một thứ gì đó mà họ cho là phù hợp hơn cho sự phát triển hải quân của mình.
Với quan điểm của Tòa về “quyền lịch sử”, phán quyết của Tòa cho rằng không một thực thể nào ở quần đảo Trường Sa được hưởng vùng EEZ là điều hết sức quan trọng. Nếu không có phán quyết này, ngay cả khi “quyền lịch sử” bị bác bỏ, Trung Quốc vẫn sẽ có thể duy trì cái mác về tính hợp pháp cho các yêu sách biển quá mức của họ bằng việc lập luận rằng quần đảo Trường Sa thuộc về Trung Quốc VÀ chúng được được hưởng vùng EEZ 200 hải lý. Điều trớ trêu là làn sóng tình cảm chủ nghĩa dân tộc lại chỉ bám chặt vào vấn đề “lãnh thổ” và “lịch sử” mà lại hoàn toàn phớt lờ phán quyết này.
Luật pháp quốc tế chỉ là phụ
Điều thú vị là ở một quốc gia đông dân nhất thế nhưng lại có rất ít học giả đưa ra một quan điểm khác cho dư luận Trung Quốc. Khi lập trường chính thức của Bắc Kinh quá cứng rắn, đi trái đường lối là sự hủy hoại nghề nghiệp đối với bất kỳ học giả nào. Do đó, hầu hết các phân tích của Trung Quốc chỉ nhắc lại quan điểm chính thức và tiếp tục thổi bùng chủ nghĩa dân tộc.
Khi một quốc gia toàn ý và kiên quyết theo đuổi một phiên bản luật quốc tế của riêng mình, việc họ tuyên bố rằng quan điểm và hành động của mình phù hợp với luật quốc tế một cách chung chung, thì đó đơn thuần chỉ là lời nói suông. Đặt trong bối cảnh sức mạnh và chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc đang trỗi dậy, đó quả thực là một thực tế đáng lo ngại rằng ngay cả những luật sư quốc tế của Trung Quốc cũng tỏ quan điểm coi thường phán quyết của tòa trọng tài quốc tế.
Ngay tại thời điểm hiện tại, chủ nghĩa dân tộc đang chèo lái sức mạnh của Trung Quốc. Những phản ứng của nước này đối với vụ kiện không hề có dấu hiệu nào cho thấy rằng, việc sử dụng sức mạnh đó để theo đuổi lợi ích quốc gia, đặc biệt là ở Biển Đông cũng như khu vực khác, sẽ bị kiềm chế bởi nhận thức về tính công bằng của luật pháp quốc tế hay bởi sự tôn trọng đối với các quy chuẩn quốc tế.
Huy Dương là chuyên viên nghiên cứu liên kết cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hồ Chí Minh. Ông đều có các bài viết cho các tờ báo của Việt Nam, Philippines, cho các website như BBC, CogitASIA, Yale Global, RSIS Commentaries, The Diplomat, East Asia Forum và các webstie khác. Bài viết được đăng trên The National Interest.
Bài dịch thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.
Năm 2023, dù chiến sự tại Ukraine diễn biến căng thẳng và xung đột tại Trung Đông leo thang, tình hình Biển Đông tiếp tục thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Biển Đông cũng ngày càng được coi là chỉ dấu về trật tự dựa trên luật lệ từ phía Mỹ và đồng minh – đối tác thông qua các tuyên bố và văn bản...
Trả lời câu hỏi của phóng viên chiều ngày 25/5/2023, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết, tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 (XYH-10) của Trung Quốc cùng một số tàu hải cảnh, tàu cá bảo vệ đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được xác lập phù hợp với các quy định của...
Trong gần hai năm trở lại cầm quyền tại Malaysia từ tháng 5/2018 - 3/2020, Thủ tướng Mahathir Mohamad (sau đây gọi là Chính quyền Mahathir 2.0) đã thổi luồng gió mới vào chính sách Biển Đông của Malaysia. Khác với cách tiếp cận “thầm lặng” của chính quyền tiền nhiệm, Thủ tướng Mahathir và chính quyền...
Qua phân tích ảnh vệ tinh Đá Ba Đầu từ 2016 đến nay cho thấy, việc Trung Quốc tập kết lượng lớn tàu, dài ngày tại Đá Ba Đầu không phải để tránh thời tiết xấu mà nhiều khả năng là chiến thuật "cắt lát Salami" mới ở Biển Đông, bắt đầu triển khai từ tháng 2 năm 2020.
Bài viết phân tích Hải chiến Hoàng Sa (1974), cuộc tấn công ở Trường Sa (1988), sự kiện Đá Vành Khăn (1995) và sự kiện Bãi cạn Scarborough (2012) để tìm ra những quy luật nhất định. Đây sẽ là cơ sở để phán đoán thời điểm Trung Quốc hành động chiếm mới các thực thể ở Biển Đông để từ đó Việt Nam ra...
Nội dung bài viết bao quát lịch sử quá trình từ khi Trung Quốc manh nha thúc đẩy ý tưởng nghiên cứu băng cháy trên Biển Đông; cho đến hiện trạng khai thác hiện nay để làm rõ thực chất Trung Quốc đã đi đến bước nào trong tiến trình khai thác một loại năng lượng mới ở trên Biển Đông.