23/05/2018
Nhìn chung, đa số các học giả Trung Quốc có xu hướng coi đây là một chiến lược để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tuy nhiên, các học giả Trung Quốc không chắc chắn về tính hiệu quả trong tương lai của chiến lược này do vấn đề còn tồn tại trong hợp tác giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc.
Các học giả Trung Quốc coi chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở là một chính sách ngăn chặn, nhưng họ không tin rằng nó sẽ lâu dài.
Mặc dù Chính phủ Trung Quốc chưa công khai thảo luận về chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở” (FOIP) của Mỹ - thường được gọi đơn giản ở Trung Quốc là chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương – nhưng cộng đồng học giả Trung Quốc đã có một cuộc tranh luận nảy lửa về bản chất của khái niệm này, tác động có thể có đối với Trung Quốc và khu vực, và tương lai của quan hệ Mỹ-Trung. Những cuộc tranh luận đang diễn ra giữa những tiếng nói bên trong của Trung Quốc đã làm sáng tỏ một khái niệm quan trọng trong quan hệ Mỹ-Trung và các vấn đề khu vực ở châu Á.
Định nghĩa của Trung Quốc
Theo một số học giả Trung Quốc, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một ý tưởng sơ bộ để Mỹ kết nối Ấn Độ Dương và khu vực Thái Bình Dương, kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc từ góc độ địa chính trị và bảo vệ quyền lãnh đạo và các lợi ích của chính họ trong khu vực.
Nhiều học giả Trung Quốc tin rằng khái niệm này vẫn chưa phát triển hoàn thiện. Chẳng hạn, Lin Minwang, một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Phúc Đán, tin rằng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vẫn là một khái niệm cần được xây dựng và đối thoại an ninh 4 bên – Bộ Tứ được hình thành gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc – chỉ là sự khởi đầu cho việc xây dựng khu vực an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Hơn nữa, nhiều học giả tin rằng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đơn giản là sự kế thừa và mở rộng chiến lược “tái cân bằng” của Chính quyền Obama. Chẳng hạn, Wang Xiaowen, một học giả thuộc Đại học Ngôn ngữ và văn hóa Bắc Kinh, đã viết rằng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về cơ bản là một sự mở rộng và làm sâu sắc hơn chiến lược “tái cân bằng”, với mục tiêu kết nối khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương về mặt chiến lược.
Zheng Yongnian, một học giả nổi tiếng đến từ Singapore, đã lưu ý rằng “sự xuất hiện của ‘chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương’ có liên quan đến thực tế rằng trật tự thế giới và cốt lõi của cuộc cạnh tranh quyền lực đang trải qua một sự chuyển biến lớn”.
Việc phát triển khái niệm này có liên quan mật thiết đến những thay đổi trong tình hình địa chính trị của châu Á, và định nghĩa của nó về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm mục đích định hình lại trật tự khu vực này. Một số học giả tin rằng cốt lõi của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là nhóm 4 nước được gọi là Bộ Tứ. Jin Canrong, một học giả nổi tiếng người Trung Quốc đến từ Đại học Nhân dân, tuyên bố rằng “liên minh Mỹ-Nhật Bản-Ấn Độ-Úc dựa trên các giá trị dân chủ, trong khi liên minh Nhật Bản-Ấn Độ-Úc-Việt Nam, được Mỹ mặc nhiên chấp nhận và Nhật Bản đóng vai trò dẫn đầu, là một khái niệm địa chính trị”.
Hiện tại, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc dường như có những đánh giá và cân nhắc khác nhau về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Do sự suy giảm sức mạnh của Mỹ và những chia rẽ nội bộ trong hệ thống liên minh, và những khác biệt trong năng lực giữa các nước, có những khác biệt trong cách mà mỗi thành viên huy động các nguồn lực chiến lược. Theo nghĩa đó, nhiều học giả Trung Quốc tin rằng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Chính quyền Trump đưa ra là có hạn và phải đối mặt với nhiều điều không chắc chắn trong những năm tới.
Bối cảnh của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Trong những năm gần đây, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và khái niệm Bộ Tứ đã được đưa ra và nhận được sự ủng hộ của nhiều nước tại nhiều thời điểm khác nhau. Một mặt, các học giả Trung Quốc tin rằng những thay đổi địa chính trị do sự trỗi dậy của Trung Quốc mang lại là nguyên nhân chính khiến Washington đang nỗ lực thúc đẩy các liên minh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là nhằm chống lại hành vi của Trung Quốc trong tương lai.
Vài năm trước, Wei Zongyou, một học giả thuộc Đại học Phúc Đán, đề xuất rằng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang trở thành trung tâm địa chiến lược tiếp theo của thế giới. Với sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nền kinh tế mới nổi khác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã chuyển hướng các trọng tâm chiến lược của họ sang phía Đông. Trọng tâm của nền chính trị quốc tế cũng đã chuyển sang khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Chẳng hạn, Giáo sư Zhu Feng đến từ Đại học Nam Kinh tin rằng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Trump phản ánh thực tế rằng kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, cán cân sức mạnh và tình hình địa chiến lược ở khu vực châu Á đã thay đổi. Chen Bangyu, một học giả thuộc Đại học Sư phạm Hoa Trung, chỉ ra rằng việc tạo thế cân bằng với Trung Quốc là một động lực căn bản đối với Mỹ, Úc và Ấn Độ nhằm thúc đẩy khái niệm chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Xia Liping thuộc Đại học Đồng Tế tin rằng chiến lược này của Mỹ thực tế là một nỗ lực nhằm tiết chế sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ bên trong khuôn khổ của cấu trúc quốc tế và các quy tắc quốc tế vốn do Mỹ chi phối. Phần lớn các học giả Trung Quốc có hiểu biết tương tự nhau về định hướng của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong đó mục đích của nó là kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Mặt khác, nhiều học giả cũng công nhận rằng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Trump là một phiên bản sửa đổi và cập nhật của chiến lược “tái cân bằng” của Obama. Xue Li, một nhà nghiên cứu thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, tin rằng chiến lược mới này là cần thiết do văn hóa chiến lược và nhu cầu phải có cán cân sức mạnh ở Mỹ. Hu Xin, một học giả thuộc Đại học quốc gia về Khoa học và công nghệ quốc phòng, cũng chỉ ra rằng một trong những nguyên nhân giải thích cho sự lựa chọn của Trump về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là do chiến lược “tái cân bằng” không thành công và ngoại giao láng giềng của Trung Quốc đã bù đắp cho bất kỳ hiệu quả ban đầu nào mà chiến lược “tái cân bằng” đã mang lại, buộc Mỹ phải tìm kiếm một “tiêu điểm” mới. Bên cạnh đó, Lin Minwang của Đại học Phúc Đán, người tập trung vào nghiên cứu quan hệ Trung-Ấn, tin rằng việc thúc đẩy quan hệ giữa 4 quốc gia trong Bộ Tứ, và phát triển một cơ chế đối thoại 4 bên, là một động lực nội tại và nền tảng cho sự phát triển bền vững của cơ chế đối thoại an ninh.
Như vậy, những thay đổi trong môi trường địa chính trị ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là những nguyên nhân căn bản thúc đẩy việc lập ra chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong bối cảnh vị thế thống trị của Mỹ đang tương đối suy yếu và trọng lực địa chính trị và kinh tế đang ngày càng chuyển dịch sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mục tiêu là định hình lại các liên minh và quan hệ đối tác để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Chiến lược này hoạt động như thế nào?
Hiện nay, nhiều chiến lược gia người Trung Quốc đã chỉ ra rằng vì chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Trump vẫn còn trong giai đoạn trứng nước, nên đường hướng chính sách của nó vẫn chưa chắc chắn. Tuy nhiên, không khó để dự đoán rằng Mỹ sẽ tiến hành một chiến dịch trấn áp chiến lược chống lại Trung Quốc theo nhiều cách. Theo quan điểm của nhiều học giả Trung Quốc, các triển vọng trong tương lai của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đều mơ hồ. Chen Jimin, phó giáo sư thuộc Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, tin rằng nó sẽ phải đối mặt với một số điểm hạn chế: Lập trường “Nước Mỹ trước tiên” của Trump đã làm xói mòn động lực trong nước đối với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; êkíp hiện nay của Chính quyền Trump không mạnh mẽ; và các nước trong khu vực đang “đặt cược cho cả 2 bên” (hay phòng ngừa) để tránh bị phụ thuộc quá nhiều vào một nước Mỹ không đáng tin cậy. Huang Jing, một giáo sư thỉnh giảng thuộc Trường chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore, tin rằng chỉ mỗi sự tồn tại của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thì không có nghĩa là nó có thể được thực hiện hiệu quả, và việc liệu nó có được thực hiện hay không phụ thuộc phần lớn vào cách phản ứng của Trung Quốc. Jin Canrong thuộc Đại học Nhân dân đã chỉ ra một cách trực tiếp hơn rằng “ý tưởng ‘chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương’ giống như một bong bóng; ngay khi mặt trời chiếu sáng, bong bóng sẽ biến mất”. Quan điểm này trực tiếp đặt câu hỏi về tính khả thi và các triển vọng trong tương lai của Bộ Tứ và khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn.
Từ quan điểm này, mặc dù các học giả Trung Quốc tin rằng mục tiêu ban đầu của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ở một mức độ nhất định, là kiềm chế Trung Quốc và cản trở việc xây dựng lại trật tự khu vực thông qua các chiến lược như Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, nhưng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể phải đối mặt với các vấn đề về nguồn lực, và/hoặc bị chệch hướng bởi những thay đổi hơn nữa trong tình hình khu vực và việc các bên không thể tham gia đầy đủ.
Các học giả Trung Quốc do đó nghi ngờ liệu chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể đạt được các mục tiêu của nó hay không. Tuy nhiên, một số học giả cũng đã phân tích các xu hướng chính sách cụ thể của Mỹ và cách họ suy ngẫm về chiến lược này. Giáo sư Zhu thuộc Đại học Nam Kinh tin rằng Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng các liên minh quân sự của họ để đối trọng với Trung Quốc, mở rộng mạng lưới liên minh phương Tây ở châu Á, ngăn chặn và kiềm chế Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Theo một phân tích của Wu Minwen đến từ Đại học quốc gia về Khoa học và Công nghệ quốc phòng, khi Mỹ triển khai chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong khu vực, họ sẽ áp dụng các biện pháp toàn diện ở nhiều cấp độ từ chính trị (thúc đẩy các giá trị dân chủ) cho đến ngoại giao (lôi kéo các nước đối tác có chung tư tưởng) và quân sự (tập trận và buôn bán vũ khí) nhằm đẩy mạnh sứ mệnh kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trong vấn đề này, Mỹ cũng nhắm mục tiêu làm suy yếu tầm ảnh hưởng của Trung Quốc nhằm mục đích duy trì, đảm bảo và củng cố vị thế bá chủ của Washington.
Đối với các học giả Trung Quốc, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phải đối mặt với nhiều điều không chắc chắn. Mặc dù mục tiêu cốt lõi của nó đã rõ ràng, nhưng khả năng kiềm chế Trung Quốc ở khu vực châu Á với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vẫn cần phải xem xét.
Tác động đối với quan hệ Mỹ-Trung
Cho dù là chiến lược “tái cân bằng” của Chính quyền Obama hay chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Trump, thì việc Mỹ điều chỉnh chiến lược châu Á-Thái Bình Dương đã lấy mối quan hệ Trung-Mỹ làm điểm cân nhắc chính.
Tác động của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đối với Trung Quốc và quan hệ Mỹ-Trung là mối quan tâm chung đối với nhiều học giả Trung Quốc. Một mặt, do thực tế rằng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vẫn còn trong giai đoạn trứng nước, các học giả Trung Quốc tin rằng cho đến nay những tổn thất đối với Trung Quốc và quan hệ Mỹ-Trung vẫn còn hạn chế.
Giáo sư Zhao Kejin thuộc Đại học Thanh Hoa thì lạc quan hơn. Ông tin rằng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Trump, Trung Quốc không hoàn toàn được Mỹ xác định là một đối thủ chiến lược, và vẫn có nhiều không gian cho đàm phán. Jia Wenshan, một nhà nghiên cứu đến từ Học viện Phát triển và chiến lược quốc gia thuộc Đại học Nhân dân, cũng chỉ ra rằng Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc và chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không nhất thiết phải xung khắc với nhau. Ông lưu ý rằng “một số cơ quan truyền thông phương Tây đã coi chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, do Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản lên kế hoạch, là một đối thủ cạnh tranh của Sáng kiến ‘Vành đai và Con đường’”. Nhưng chừng nào việc thực hiện của Bộ Tứ tuân thủ nghiêm ngặt 3 nguyên tắc tham vấn, cùng xây dựng và chia sẻ do Trung Quốc đề xuất, thì chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới có thể thực sự được coi là một phần không thể thiếu trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.
Mặt khác, các khía cạnh cạnh tranh và đối đầu của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã khiến một số học giả Trung Quốc bi quan và lo ngại về tương lai của quan hệ Mỹ-Trung. Chẳng hạn, Wei Zongyou và các học giả khác tin rằng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ có tác động tiêu cực đến môi trường chiến lược xung quanh Trung Quốc ít nhất là trong ngắn hạn. Ding Dong, một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện nghiên cứu hòa bình và phát triển quốc tế, một trung tâm do Trung tâm Carter của Mỹ và Đại học giao thông vận tải Tây An đồng sáng lập, tin rằng sự chuyển đổi chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc có một tác động tiêu cực rõ ràng. Ông lập luận rằng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một phiên bản nâng cao của chiến lược “tái cân bằng” của Obama. Kết quả là, quan hệ Mỹ-Trung có thể hướng tới một kỷ nguyên “Chiến tranh Lạnh” mới trong những năm tới. Hơn nữa, một số học giả Trung Quốc tin rằng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể đóng vai trò là đối thủ cạnh tranh với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Với các khía cạnh kinh tế và an ninh quân sự cố hữu, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể được coi là cạnh tranh với “Vành đai và Con đường”. Sự cạnh tranh như vậy chắc chắn sẽ có hại cho quan hệ Mỹ-Trung.
Nhìn chung, mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau ở Trung Quốc khi đề cập đến khái niệm chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới được đề xuất, đa số các học giả Trung Quốc có xu hướng coi nó như một chiến lược đối đầu được Mỹ sử dụng với hi vọng kiềm chế hoặc trấn áp sự trỗi dậy cuối cùng của Trung Quốc. Tuy nhiên, các học giả Trung Quốc không chắc chắn về tính hiệu quả trong tương lai của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì vấn đề hợp tác giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc sẽ rất lớn. Do đó, hầu hết các học giả Trung Quốc đều đang áp dụng cách tiếp cận “chờ xem” và trì hoãn các đánh giá sâu hơn cho đến khi có nhiều bằng chứng hơn.
Dingding Chen là giáo sư về Quan hệ quốc tế Đại học Tế Nam, Quảng Châu, Trung Quốc, nghiên cứu viên không thường trú tại Viện Chính sách Công toàn Cầu Berlin GPPi), Đức. Ông cũng là Giám đốc Sáng Lập Viện Intellisia, một think tant độc lập mới thành lập nghiên cứu về các vấn đề quốc tế tại Trung Quốc. Lĩnh vực nghiên cứu của ông chủ yếu về chính sách đối ngoại của Trung Quốc, an ninh Châu Á, chính trị Trung Quốc. Bài viết được đăng trên The Diplomat.
Trần Quang (gt)
Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo mọi thứ và có mặt ở khắp mọi nơi. Một trong những phi hành gia của Trung Quốc đã kêu gọi thành lập một nhánh của ĐCSTQ ngoài không gian - sẽ là “một bước tiến nhỏ của con người, một bước tiến vĩ đại cho nhân loại”.
Để phục vụ công tác nghiên cứu và tra tìm tư liệu, website Nghiên cứu Biển Đông trân trọng giới thiệu bạn đọc toàn văn bài nghiên cứu có tựa đề “Chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman và việc bổ nhiệm đại sứ mới Tần Cương liệu có mở ra bước ngoặt cho quan hệ Trung – Mỹ?” của tác giả Zhou Yuan,...
Liệu họ có thể tin tưởng vào một quốc gia ban đầu đã tìm cách che giấu dịch COVID-19 để rồi khiến nó lan ra toàn cầu hay không?
Bài viết này xem xét chính sách đối ngoại và ngoại giao của Trung Quốc trong khuôn khổ lý thuyết địa tâm lý học, một loại lý thuyết có thể được định nghĩa là lăng kính địa lý về mô hình hành vi và thái độ của một dân tộc đối với các dân tộc khác, bắt nguồn từ những kinh nghiệm trong quá khứ, quá trình...
Luận điệu của Trung Quốc về cuộc chiến chống COVID-19 đã thay đổi rõ rệt theo sự chuyển biến của tiến trình chống dịch trong nước: từ thận trọng và phòng vệ sang bất mãn với những nhận định về nguồn gốc của virus.
Tham vọng của Bắc Kinh xây dựng PLA thành một lực lượng quân đội hàng đầu thế giới sẽ đặt ra những thách thức đối với các lợi ích của Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác của nước này trong và ngoài khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.