Theo thông tin từ các cơ quan chức năng của Việt Nam, khoảng 3h sáng ngày 2/4/2020, Tàu cá QNg 90617 TS và 8 ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại lãnh hải của đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 4301 ngăn cản và cố tình đâm chìm. Ba tàu cá Việt Nam QNg 90045, QNg 90399 và QNg 90929 sau khi nhận được thông tin đã chạy đến tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên, đến 6h sáng 2/4/2020, Trung Quốc điều thêm 2 tàu số hải cảnh số hiệu 4001 và 4002 đến để ngăn cản xua đuổi, vây bắt hai tàu cá QNg 90399 và QNg 90929 đưa vào đảo Phú Lâm, lục soát, tịch thu, đập phá trang thiết bị trên tàu, đồng thời dùng vòi rồng phun nước truy đuổi tàu cá QNg 90045 làm hư hỏng nhiều tài sản. Đến 18h cùng ngày, phía Trung Quốc trao trả 8 ngư dân bị đâm chìm cho hai tàu cá QNg 90399 và QNg 90929 và truy đuổi hai tàu này nhiều giờ trong đêm, buộc phải rời khỏi Hoàng Sa.[1]

Bài viết này xem xét vụ việc trên dưới góc nhìn luật pháp quốc tế. Bài viết sẽ cung cấp quan điểm chính thức từ hai bên cũng như ý kiến từ bên thứ ba để thấy rõ tính chất đáng lo ngại của động thái hung hăng này, nhất là khi cả thế giới đang phải đối đầu với đại dịch Covid-19. Bài viết chỉ ra rằng hành vi của tàu hải cảnh Trung Quốc là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế vì đã đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế như bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia và thiện chí thực hiện cam kết quốc tế (pacta sunt servanda). Đồng thời, Trung Quốc cũng vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) và Công ước về các quy định quốc tế về phòng ngừa đâm va trên biển năm 1972 (COLREGs) mà hai nước là thành viên, cũng như Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC), Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, trái với nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước về đối xử nhân đạo với ngư dân. Hành vi từ phía Trung Quốc đi ngược lại những nỗ lực chung của khu vực trong đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Quan điểm trái ngược

Ngày 3/4/2020, Việt Nam và Trung Quốc đã có phát biểu chính thức về vụ việc. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói rằng:

Hành động trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe doạ an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ hai nước cũng như việc duy trì hoà bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.”

Bà Hằng cũng cho biết đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối. Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và bồi thường thoả đáng cho ngư dân Việt Nam.[2]

Trong khi đó, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Ánh nói rằng tàu hải cảnh Trung Quốc khi tuần tra phát hiện tàu cá Việt Nam đánh bắt bất hợp pháp ở quần đảo Hoàng Sa nên đã kêu gọi tàu này rời đi. Tàu cá Việt Nam từ chối rời đi và “bất ngờ chuyển hướng về phía tàu Trung Quốc” khiến cho tàu hải cảnh Trung Quốc đâm vào tàu cá Việt Nam “dù đã cố hết sức để tránh”. Tàu cá Việt Nam sau đó bị ngập nước và chìm. Tàu hải cảnh Trung Quốc đã tiến hành cứu hộ ngư dân Việt Nam ngay lập tức. Sau khi hoàn thành quy trình điều tra, thu thập chứng cứ cần thiết, tàu Hải cảnh Trung Quốc đã để 8 ngư dân rời đi.[3]

Đây là sự bao biện từ phía Trung Quốc đối với vụ việc. Không có gì ngạc nhiên bởi sự vụ này không phải là diễn biến mới trên Biển Đông. Trung Quốc thường xuyên bắt giữ các tàu cá và ngư dân Việt Nam hoạt động tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa trong nhiều năm qua, và vẫn đưa ra những lý lẽ “khó hiểu” - tàu vỏ gỗ của ngư dân Việt Nam cố ý đâm vào tàu vỏ sắt được trang bị vũ trang của cảnh sát biển Trung Quốc![4]  

Quan điểm của các nước

Mỹ và Philippines đã lên án hành vi trên của Trung Quốc, kêu gọi duy trì hoà bình và ổn định trên Biển Đông trong bối cảnh cả thế giới đang phải đương đầu với thảm hoạ dịch Covid-19. Trong Tuyên bố ngày 6/4/2020, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nêu rõ Mỹ quan ngại sâu sắc trước thông tin Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam. Đây là vụ việc mới nhất trong một loạt hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định những yêu sách biển trái pháp luật và gây thiệt hại cho các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông. Chính phủ Mỹ ủng hộ Phán quyết Trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc năm 2016, trong đó bác bỏ yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông.[5] Đến ngày 9/4/2020, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng ra Tuyên bố thể hiện sự quan ngại và nhấn mạnh hành vi của Trung Quốc trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó tất cả các quốc gia lớn nhỏ đều được bảo đảm chủ quyền.[6]

Về phía Philippines, Tuyên bố ngày 8/4/2020 của Bộ Ngoại giao Philipppines bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về vụ việc, cho rằng những sự vụ như vậy làm suy yếu tiềm năng xây dựng mối quan hệ khu vực thực sự sâu sắc và đáng tin cậy giữa ASEAN và Trung Quốc. Với đà tiến tích cực của các cuộc thảo luận về một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), điều quan trọng là phải tránh những sự cố như vậy và sự khác biệt được giải quyết theo cách tăng cường đối thoại và tin tưởng lẫn nhau.[7]

Phản ứng nhanh chóng và rõ ràng của bên thứ ba ở trong và ngoài khu vực cho thấy sự bao biện từ phía Trung Quốc không được cộng đồng quốc tế chấp nhận. Hành động của Trung Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế, gây hấn và gây chia rẽ ở Biển Đông. Hơn nữa, hành vi của tàu hải cảnh Trung Quốc cũng đi ngược lại những nỗ lực trong đàm phán về COC giữa ASEAN và Trung Quốc.

Một hành vi, Năm vi phạm

Thứ nhất, Trung Quốc vi phạm nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia vì xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại lãnh hải của đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa). Bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia là nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế mang tính tập quán pháp, được ghi nhận tại Điều 2(1) Hiến chương Liên hợp quốc, được giải thích trong Nghị quyết 2625 (1970) của Đại hội đồng Liên hợp quốc về các nguyên tắc của luật quốc tế về quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc. Theo đó, mọi quốc gia có nghĩa vụ tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác.[8] Trong vụ việc, tàu cá QNg 90617 TS hoạt động trong lãnh hải của đảo Phú Lâm. Theo Điều 2 UNCLOS, chủ quyền của quốc gia ven biển được mở rộng đến lãnh hải.[9] Do đó, theo nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia, Trung Quốc có nghĩa vụ tôn trọng chủ quyền của Việt Nam tại lãnh hải của đảo Phú Lâm.

Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam dựa trên luật quốc tế về thụ đắc lãnh thổ (nguyên tắc chiếm cứ hữu hiệu).[10] Trong khi đó, hành vi sử dụng vũ lực để chiếm đóng Hoàng Sa vào năm 1974 của Trung Quốc là vi phạm nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực và đe doạ sử dụng vũ lực trong luật quốc tế, không thể là cơ sở để xác lập chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa.[11] Nguyên tắc cấm đe doạ sử dụng vũ lực và sử dụng vũ lực được ghi nhận tại Điều 2(4) Hiến chương Liên hợp quốc cũng như các điều ước quốc tế phổ cập khác,[12] là tập quán pháp, thậm chí là một quy phạm bắt buộc chung (jus cogen) đòi hỏi sự tuân thủ tuyệt đối từ các quốc gia.[13] Khi Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam Cộng Hoà đã gửi thư đến Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đề nghị can thiệp.[14]

Thứ hai, Trung Quốc vi phạm quy định tại UNCLOS – mà cả hai nước là thành viên - về quyền chủ quyền (quyền khai thác tài nguyên thiên, trong đó có nguồn tài nguyên cá) và quyền tài phán. Trong lãnh hải, xuất phát từ chủ quyền quốc gia đối với lãnh thổ, mọi hoạt động liên quan đến khai thác, quản lý hay bảo tồn nguồn tài nguyên cá sẽ thuộc thẩm quyền của quốc gia ven biển. Theo Điều 17 UNCLOS, tàu thuyền nước ngoài được “đi qua không gây hại” trong lãnh hải của quốc gia ven biển.[15] Do đó, trong lãnh hải của đảo Phú Lâm thuộc chủ quyền của Việt Nam, tàu cá QNg 90617 TS của Việt Nam thực hiện hoạt động đánh bắt cá là hoàn toàn hợp pháp. Tàu thuyền nước ngoài như tàu hải cảnh Trung Quốc chỉ có quyền đi qua không gây hại trong vùng biển này. Điều 19 UNCLOS quy định rất cụ thể về quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải của quốc gia ven biển.[16]

Về quyền tài phán, theo Điều 27 và Điều 73 UNCLOS, quốc gia ven biển được quyền bắt giữ tàu mang cờ quốc gia khác hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển, để bảo đảm việc tôn trọng các luật và quy định mà quốc gia ven biển đã ban hành phù hợp với Công ước. Thực tiễn xét xử tại Toà án quốc tế về Luật biển (ITLOS) đã minh chứng quy định này. Trong Vụ Camouco, tàu Camouco là tàu cá mang cờ Panama bị tàu giám sát Floreal của Pháp bắt giữ tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của đảo Namibia, thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Pháp, vì đánh bắt cá trái phép.[17] Tương tự, trong Vụ Monte Confurco, tàu cá Monte Confurco mang quốc tịch Seychelles bị Pháp bắt giữ tại EEZ của đảo Kerguelen, thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Pháp, vì đánh bắt cá bất hợp pháp.[18] Tuy nhiên, trong vụ việc này, tàu hải cảnh Trung Quốc đã bắt giữ tàu và ngư dân Việt Nam tại lãnh hải của đảo Phú Lâm (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trong khi họ không thực hiện bất kỳ hoạt động nào vi phạm quyền chủ quyền tại các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của Trung Quốc. Vì vậy, đây là một vụ bắt giữ trái với UNCLOS.

Thứ ba, Trung Quốc vi phạm Công ước về các quy định quốc tế về phòng ngừa đâm va trên biển năm 1972 (COLREGs) mà cả hai nước là thành viên. Theo quy định tại Điều 8 COLREGs, các tàu thuyền hoạt động trên biển phải có nghĩa vụ hành động để tránh va chạm. Trong vụ việc, tàu hải cảnh Trung Quốc 4301 đã cố tình đâm chìm tàu cá QNg 90617 TS của Việt Nam.

Thứ tư, Trung Quốc vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên Biển Đông (DOC) và các thoả thuận khác của Lãnh đạo cấp cao hai nước. Điểm 5 DOC nói rằng các bên cam kết kiềm chế các hoạt động có thể làm phức tạp thêm tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định.[19] Tuy nhiên, hành động từ phía tàu hải cảnh Trung Quốc trong vụ việc rõ ràng đã gây phức tạp tình hình và không có lợi cho việc duy trì hoà bình, ổn định và hợp tác trên Biển Đông. Điều này dấy nên “mối quan ngại sâu sắc” cho các nước trong và ngoài khu vực.

Bên cạnh đó, theo Điểm 6(d) DOC, các bên cam kết hợp tác tìm tiếm cứu hộ trên biển.[20] Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc cũng ghi nhận hai bên “thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của DOC”, tích cực thúc đẩy hợp tác “tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển”.[21] Vậy mà tàu hải cảnh Trung Quốc đã cố tình đâm chìm tàu cá Việt Nam cũng như xua đuổi, vây bắt các tàu cá khác đến tìm kiếm cứu nạn, gây thiệt hại về tài sản, đe doạ an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam.

Ngoài ra, hành vi của tàu hải cảnh Trung Quốc đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân. Tại “Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam - Trung Quốc lần 4” diễn ra vào ngày 5/6/2013 tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn thống nhất “đối xử nhân đạo với ngư dân lao động hòa bình trên biển”.[22] Tuy nhiên, trong vụ việc, bên cạnh việc đâm chìm tàu cá QNg 90617 TS, đe doạ tính mạng 8 ngư dân Việt Nam trên tàu, lực lượng chấp pháp biển Trung Quốc còn bắt các ngư dân trên hai tàu cá QNg 90399 và QNg 90929 đưa vào đảo Phú Lâm lục soát, tịch thu, đập phá trang thiết bị trên tàu, đồng thời dùng vòi rồng phun nước truy đuổi tàu cá QNg 90045 làm hư hỏng nhiều tài sản. Ngư dân vốn là đối tượng lao động hoà bình trên biển dễ bị tổn thương. Do đó, những hành vi như cố tình đâm chìm, đập phá trang thiết bị, dùng vòi rồng phun nước tấn công… mà tàu hải cảnh Trung Quốc tiến hành đối với các tàu cá của Việt Nam là vô cùng nguy hiểm, đe doạ trực tiếp đến mạng sống con người, chưa tính đến những tổn thất to lớn về kinh tế.

Thứ năm, Trung Quốc vi phạm nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế (pacta sunt servanda). Đây là một tập quán pháp, được quy định tại Điều 2(2) Hiến chương Liên hợp quốc, được giải thích trong Nghị quyết 2625 (1970) của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Theo đó, mọi quốc gia có nghĩa vụ thực hiện với thiện chí những nghĩa vụ của mình trong những thoả thuận quốc tế có hiệu lực theo những quy tắc và quy phạm được luật quốc tế thừa nhận chung.[23] Như đã phân tích, Trung Quốc không chỉ không tuân thủ các điều ước quốc tế mà Trung Quốc là thành viên như UNCLOS và COLREGs, mà Trung Quốc còn vi phạm những cam kết của chính mình tại DOC và Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc. Đây là hai thoả thuận quốc tế thể hiện ý chí chính trị, ghi nhận các cam kết của các bên liên quan, trong đó có Trung Quốc.

Kết luận

Như vậy, tàu cá QNg 90617 TS cùng với 8 ngư dân Việt Nam hoạt động bình thường tại lãnh hải của đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa), thuộc chủ quyền của Việt Nam, hoàn toàn là hợp pháp. Việc tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá và bắt giữ ngư dân Việt Nam là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế vì xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm những quy định tại UNCLOS 1982, COLREGs 1972 mà Trung Quốc là thành viên, đi ngược lại Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, trái với tinh thần DOC và nhận thức của Lãnh đạo cấp cao hai nước về đối xử nhân đạo với ngư dân. Trung Quốc đã vi phạm những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế được quy định tại Hiến chương Liên hợp quốc là nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia và thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế (pacta sunt servanda). Hành vi vũ lực đơn phương từ phía Trung Quốc trong vụ việc gây ảnh hưởng tới những nỗ lực chung của khu vực trong tiến trình đàm phán COC.

Nguyễn Mai Hương là trợ lý nghiên cứu tại Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

 


[1] Phản đối tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Quảng Ngãi ở Hoàng Sa”, https://tuoitre.vn/phan-doi-tau-trung-quoc-dam-chim-tau-ca-quang-ngai-o-hoang-sa-20200403195112676.htm truy cập 8/4/2020.

[2] Phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng về thông tin tàu cá QNg 90617 TS cùng 08 ngư dân Việt Nam gặp nạn tại khu vực đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, http://www.mofahcm.gov.vn/mofa/tt_baochi/pbnfn/ns200403222212 truy cập 8/4/2020.

[3] Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Ánh trả lời cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3/4, https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/xwfw_665399/s2510_665401/2511_665403/t1765751.shtml truy cập 8/4/2020.

[4] dụ, ngày 21/6/2009, lực lượng tuần tra Trung Quốc đã bắt 3 tàu cá và 37 ngư dân Việt Nam đang bắt đánh cá tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, “Người phát ngôn Bộ Ngoại giao: Yêu cầu Trung Quốc thả ngư dân và tàu cá Việt Nam”, https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/thoi-su/-26528/nguoi-phat-ngon-bo-ngoai-giao-yeu-cau-trung-quoc-tha-ngu-dan-va-tau-ca-viet-nam truy cập 8/4/2020. Tương tự, tháng 3/2012, Trung Quốc đã bắt giữ 2 tàu cá và 21 ngư dân của Việt Nam đang đánh bắt cá tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc thả 21 ngư dân và 2 tàu cá”, https://www.sggp.org.vn/viet-nam-yeu-cau-trung-quoc-tha-21-ngu-dan-va-2-tau-ca-219343.html truy cập 8/4/2020.

[5] Tuyên bố ngày 6/4/2020 của Bộ Ngoại giao Mỹ về thông tin Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam trên Biển Đông, https://www.state.gov/prcs-reported-sinking-of-a-vietnamese-fishing-vessel-in-the-south-china-sea/?fbclid=IwAR2FwNZcrDLqT7DUzkvWpY_e39JVMhDTx8EUtUzXBXhzZSq36Jpqp-SIsps truy cập 8/4/2020.

[7] Tuyên bố ngày 8/4/2020 của Bộ Ngoại giao Philippines về vụ chìm tàu ​​cá Việt Nam ở Biển Đông, https://dfa.gov.ph/dfa-news/statements-and-advisoriesupdate/26621-statement-on-the-sinking-of-a-vietnamese-fishing-vessel-in-the-south-china-sea truy cập 10/4/2020.

[8] Hiến chương Liên hợp quốc, Điều 2 Khoản 1.

Nghị quyết 2625 (1970) của Đại hội đồng Liên hợp quốc về các nguyên tắc của luật quốc tế về quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, Nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia, điểm c, https://www.un.org/ga/search/view_doc.asp?symbol=A/RES/2625(XXV) truy cập 8/4/2020.

[9] Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, Điều 2.

[10] Việt Nam là quốc gia đầu tiên xác lập chủ quyền và là quốc gia duy nhất quản lý hữu hiệu, liên tục, hoà bình và công khai đối với quần đảo Hoàng Sa từ thế kỷ XVII. Xem Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (Đỗ Bá tự Công đạo, 1686), Phủ biên tạp lục (Lê Quý Đôn, 1776)…

[11] Nghị quyết 2625 (1970) của Đại hội đồng Liên hợp quốc khẳng định “Lãnh thổ của một quốc gia sẽ không là đối tượng thụ đắc bởi bất kỳ quốc gia nào khác bằng việc đe dọa sử dụng vũ lực và sử dụng vũ lực. Không có hành vi thụ đắc lãnh thổ nào đe dọa sử dụng vũ lực và sử dụng vũ lực sẽ được công nhận hợp pháp.”

Nghị quyết 662 (1990) của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc liên quan đến chiến tranh vùng vịnh giữa Iraq và Kuwait nói rằng việc Iraq sáp nhập Kuwait dưới mọi hình thức và lý do đều không có giá trị pháp lý và được xem là vô hiệu.

[12] Công ước Viên 1969 về Luật điều ước quốc tế, Điều 52: Mọi điều ước quốc tế sử dụng vũ lực một cách bất hợp pháp đều vô hiệu.”

[13] Trong án lệ Nicaragua kiện Mỹ, Toà án Công lý quốc tế khẳng định nguyên tắc cấm đe doạ sử dụng vũ lực và sử dụng vũ lực mang bản chất của một quy phạm bắt buộc chung (jus cogen). Xem: Các hoạt động quân sự và bán quân sự tại Nicaragua và chống lại Nicaragua (1986) giữa Nicaragua và Mỹ, Báo cáo Toà án công lý quốc tế số 392, đoạn 184.

[14] Quốc Pháp, “Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có bị ràng buộc bởi Công hàm 1958?”, Luật quốc tế và những vấn đề thực tại Việt Nam, Hội luật quốc tế Việt Nam, NXB Thanh Niên, 2019.

[15] Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982, Điều 17, Điều 18 và Điều 19.

[16] Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982, Điều 19 (1) quy định rằng “Việc đi qua là không gây hại, chừng nào nó không làm phương hại đến hòa bình, trật tự hay an ninh của quốc gia ven biển. Việc đi qua không gây hại cần phải được thực hiện theo đúng với các quy định của Công ước và các quy tắc khác của pháp luật quốc tế.”. Điều 19 (2) giải thích cụ thể khái niệm “phương hại đến hoà bình, trật tư hay an ninh của quốc gia ven biển” với 12 điểm.

[17] Vụ Camouco (Panama và Pháp), ITLOS Judgement, 2000, https://www.itlos.org/en/cases/list-of-cases/case-no-5/ truy cập 8/4/2020.

[18] Vụ Monte Confurco (Seychelles và Pháp), ITLOS Judgement, 2000, https://www.itlos.org/en/cases/list-of-cases/case-no-6/ truy cập 8/4/2020.

[19] Tuyên bố về ứng xử của các bên Biển Đông 2002, Điểm 5, https://asean.org/?static_post=declaration-on-the-conduct-of-parties-in-the-south-china-sea-2 truy cập 8/4/2020.

[20] Tuyên bố về ứng xử của các bên Biển Đông 2002, Điểm 6(d), https://asean.org/?static_post=declaration-on-the-conduct-of-parties-in-the-south-china-sea-2 truy cập 24/4/2020.

[21] Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, http://www.mofahcm.gov.vn/mofa/nr040807104143/nr040807105001/ns111012101302 truy cập 8/4/2020.

[22] “Phải đối xử nhân đạo với ngư dân”, https://tuoitre.vn/phai-doi-xu-nhan-dao-voi-ngu-dan-552565.htm truy cập 8/4/2020.

[23] Hiến chương Liên hợp quốc, Điều 2 khoản 2.

Nghị quyết 2625 (1970) của Đại hội đồng Liên hợp quốc về các nguyên tắc của luật quốc tế về quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, Nguyên tắc thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế https://www.un.org/ga/search/view_doc.asp?symbol=A/RES/2625(XXV) truy cập 8/4/2020.