12/10/2018
Việc đổ lỗi cho Trung Quốc đe dọa kìm hãm tiến trình toàn cầu hóa thị trường tự do mà không thiết lập được bất cứ thứ gì thay thế cho nó – một cách tiếp cận mà chỉ có thể dẫn đến một vòng luẩn quẩn với hoạt động kinh tế bất thường ngày một gia tăng và xung đột mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa là nguyên nhân và kết quả của nhau và đẩy thế giới đi theo một chiều hướng rất nguy hiểm.
Cuộc chiến thương mại là dấu hiệu của việc một hệ thống toàn cầu đã trở nên rất tồi tệ.
Một thái độ mới đối với Trung Quốc đang nhanh chóng được định hình trên mọi khía cạnh của chính trị nước Mỹ. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders (chính trị gia độc lập đến từ bang Vermont) nhắc lại các luận điểm của Tổng thống Donald Trump, chỉ trích việc chuyển giao công nghệ của Mỹ cho Trung Quốc và việc đầu tư vào đó. Thượng nghị sĩ có tư tưởng tiến bộ Elizabeth Warren (đảng viên Đảng Dân chủ đến từ bang Massachusetts) đứng về phía cựu Chiến lược gia trưởng của Nhà Trắng Steve Bannon kêu gọi phải có một chính sách “hung hăng”. Các đảng viên Đảng Dân chủ thuộc giới quyền uy như Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo phe thiểu số, đang ủng hộ cuộc chiến thương mại của Trump với Trung Quốc. Những người trung thành ủng hộ thương mại tự do như ban biên tập tạp chí Wall Street Journal và các cơ quan trong bộ máy chính quyền như Hội đồng quan hệ đối ngoại đang tìm điểm chung với các liên đoàn bảo hộ như Liên đoàn công nhân ngành thép và những tổ chức chỉ trích công đoàn như Tổ chức giám sát thương mại toàn cầu. Mặc dù vẫn có những khác biệt đáng kể về chính sách và chiến lược, nhưng mọi người dường như đều nhất trí rằng Trung Quốc đang tiến hành hoạt động thương mại theo kiểu trục lợi gây tổn hại đến công việc kinh doanh và lao động ở Mỹ, và đã đến lúc cần phải đối đầu.
Điều gây tò mò là không có bất kỳ phân tích nào về động lực của chính sách Trung Quốc trong những cuộc tranh luận này. Thay vào đó, chúng ta lại thấy một hình ảnh thô kệch về việc những người Trung Quốc dối trá quyết tâm lợi dụng những người Mỹ ngây thơ. Như Thượng nghị sĩ bang Oregon Ron Wyden, đảng viên cấp cao của Đảng Dân chủ thuộc Ủy ban tài chính Thượng viện, đã phát biểu tại một phiên điều trần vào tháng 3/2018: “Trung Quốc đã đánh cắp tài sản trí tuệ của chúng ta, o ép các công ty của Mỹ cho đến khi họ tiết lộ bí mật thương mại của họ, và thao túng các thị trường của mình một cách chiến lược nhằm cướp lấy công ăn việc làm và các ngành công nghiệp của Mỹ”. Hay như Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John Cornyn thuộc bang Texas đã nói: “Đơn giản là chúng ta không thể để Trung Quốc làm xói mòn lợi thế an ninh quốc gia của chúng ta bằng cách né tránh luật pháp của chúng ta và khai thác các cơ hội đầu tư vì những mục đích bất chính”.
Hình ảnh này phản ánh theo những cách đáng lo ngại lịch sử lâu dài của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc bài Trung Quốc ở Mỹ. Và giống như việc những người Trung Quốc nhập cư vào thế kỷ 19 bị đổ lỗi là nguyên nhân dẫn đến sự bất lực của chủ nghĩa tư bản thị trường tự do trong việc tạo ra sự thịnh vượng được chia sẻ rộng rãi, Trung Quốc giờ đây cũng bị đổ lỗi là nguyên nhân khiến cho tiến trình toàn cầu hóa thị trường tự do không đạt được sự tăng trưởng mang tính tổng hòa.
Sự đối đầu mới xuất hiện với Trung Quốc chỉ là dấu hiệu gần đây nhất cho thấy rằng một điều gì đó đã trở nên rất tồi tệ trong nền kinh tế toàn cầu. Những người chỉ trích Trung Quốc không sai khi cho rằng Mỹ và Trung Quốc hiện đang bị kẹt trong một cuộc cạnh tranh được mất ngang nhau vì sự tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề không phải là Bắc Kinh mà là bản thân cấu trúc kinh tế toàn cầu. Khi người ta ngày càng thấy rõ rằng hình thức toàn cầu hóa hiện tại không còn khả năng thúc đẩy sự phát triển, thì việc chê bai Trung Quốc đã trở thành một sự thay thế cho việc phải đối mặt một cách thành thật với nhu cầu cấp thiết là phải biến đổi bản chất của tăng trưởng toàn cầu.
Nếu người Mỹ đơn giản là chấp nhận những hạn chế do cấu trúc hiện tại áp đặt và cố gắng đấu tranh để giải quyết nó trong phạm vi những hạn chế này, thì chúng ta đang tiến vào một chu kỳ xung đột đang tăng tốc từng bước. Đối với Trung Quốc, đó là vì vấn đề trung tâm không phải là thương mại mà là sự phát triển. Khi được nhìn nhận từ khía cạnh này thì điều trở nên rõ ràng là những đòi hỏi mà Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đang đưa ra không khác gì việc cắt đứt con đường để Trung Quốc tiến tới một xã hội giàu có hơn. Đối với ban lãnh đạo Trung Quốc, điều này đặt ra một mối đe dọa mang tính sống còn.
Đúng là nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ cao nhất trong lịch sử của nó trong 3 thập kỷ qua, cải thiện đáng kể mức sống của hàng trăm triệu người dân. Tuy nhiên, phần lớn người dân Trung Quốc vẫn hết sức nghèo khó vì họ xuất phát từ một mức thu nhập thấp và vì của cải được phân phối rất không đồng đều. Một báo cáo gần đây đã đưa ra mức thu nhập trung bình của các hộ gia đình, được điều chỉnh theo sức mua, là 6.180 USD. Con số đó ở Mỹ là 43.585 USD – nhiều hơn 7 lần.
Trong khi nhiều tỉnh ven biển của Trung Quốc đã đạt đến mức phát triển cao, thì rất nhiều tỉnh nội địa vẫn chìm trong nền nông nghiệp quy mô nhỏ năng suất thấp. Ngay cả ở Thượng Hải, thành phố giàu có nhất Trung Quốc, đại đa số lao động vẫn phải làm thuê những công việc lương thấp, thường kéo dài ít nhất 12 tiếng/ngày như lao động đến gãy lưng trên các công trường xây dựng, vắt kiệt mồ hôi tại các công xưởng trong điều kiện nguy hiểm, vận hành các cửa hàng nhỏ với lãi suất vô cùng ít ỏi, làm nghề mại dâm, quét rác trên đường phố hay bới rác.
Sự vật lộn để có được một cuộc sống tốt đẹp trong điều kiện cạnh tranh dữ dội và khan hiếm chung đã khiến cho bất ổn xã hội trở thành tình trạng kinh niên ở Trung Quốc. Chính phủ không còn công bố dữ liệu thống kê về số lượng các cuộc đình công và phản kháng, và các phương tiện truyền thông chính thức hiếm khi đưa tin về chúng, nhưng hầu như không ai nghi ngờ về việc sự bất mãn đó vừa có chiều rộng vừa có chiều sâu. Theo thống kê không chính thức của tổ chức China Labour Bulletin, con số các cuộc bạo loạn của người lao động trong năm 2017 dừng ở mức 1.257 và trong 7 tháng đầu năm 2018, con số này đã lên tới 1.063. Vì những con số này chỉ phản ánh các trường hợp có thể biết được trên mạng, chủ yếu thông qua truyền thông xã hội, nên nhóm thống kê tin rằng con số thực tế có lẽ cao hơn thế 10 đến 20 lần.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã kết luận rằng cách duy nhất để kiểm soát tình trạng bất ổn nguy hiểm này là tiếp tục quỹ đạo phát triển hiện tại và duy trì việc dịch chuyển Trung Quốc sang nền sản xuất có giá trị cao hơn. Điều họ lo ngại hơn cả là Trung Quốc có thể rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” mà ở đó quỹ đạo phát triển của một nước dừng lại và trì trệ, không đạt đến được trình độ tiên tiến. Các nước như Ai Cập, Thái Lan và Brazil bị rơi vào tình trạng như vậy, không đáp ứng được nguyện vọng của người dân nước họ và gây hỗn loạn chính trị rộng khắp.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thức sâu sắc về trải nghiệm này cũng như những tiền lệ trước đó của Trung Quốc, kể cả các cuộc phản kháng tại quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989 do tình trạng lạm phát cao và sự trục trặc của nền kinh tế gây ra. Cách đây vài năm, Vương Kỳ Sơn – thường được coi là người đàn ông quyền lực thứ hai ở Trung Quốc – đã yêu cầu các cán bộ cấp cao phải đọc tác phẩm “Chế độ cũ và cuộc cách mạng” của nhà sử học người Pháp Alexis de Tocqueville, cảnh báo rõ ràng rằng tình trạng hiện nay của Trung Quốc giống như tình trạng nước Pháp ngay trước khi cuộc cách mạng nổ ra.
Sẽ không có một sức ép nào từ phía Mỹ thuyết phục được các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ bỏ chiến lược phát triển của họ khi họ cảm thấy đã rơi vào bước đường cùng. Nhưng tại sao lại như vậy? Việc đưa một đất nước đi lên từ đói nghèo và làm gia tăng cơ hội cho tất cả mọi người sẽ không phải là những mục tiêu gây tranh cãi. Vậy thì tại sao lại có nhiều người ở Mỹ vội vàng tóm lấy cơ hội để chỉ trích Trung Quốc vì điều đó đến vậy? Câu trả lời là theo hình thái toàn cầu hóa hiện nay, cách duy nhất để có được sự phát triển là gian lận – được định nghĩa là sự can thiệp đáng kể của nhà nước vào nền kinh tế thị trường. Chỉ có những nước lớn tạo được bước đột phá trong phát triển mới đúng là những nước thao túng các điều kiện mà nền kinh tế toàn cầu đưa ra.
Kết quả tăng trưởng trong 3 thập kỷ toàn cầu hóa vừa qua đã chứng tỏ điều này. Trong số các nước đông dân nhất có thu nhập thấp và trung bình, chỉ có Trung Quốc là chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể và bền vững về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người. Ngược lại, các nước khác đã cho thấy sự gia tăng vừa phải về mức thu nhập nhưng lại không có sự đột phá trong phát triển. Cấu trúc chung của các nền kinh tế này vẫn trì trệ – hoặc tồn tại trong tình trạng nghèo xác xơ hoặc bị cản trở đến mức còn lâu mới trở thành các nước giàu có.
Kỷ nguyên tăng trưởng toàn cầu hậu Chiến tranh thế giới thứ hai, dễ thích nghi hơn với các cơ chế đầu tư do nhà nước dẫn dắt, đã chứng kiến các nước như Brazil và Mexico phát triển nhanh chóng. Nhưng trong thời kỳ toàn cầu hóa thị trường tự do, cơ hội phát triển duy nhất của các nước nghèo là thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành sản xuất để xuất khẩu hàng hóa sang các nước giàu. Sự lựa chọn thay thế khác có ý nghĩa, xuất khẩu các hàng hóa cơ bản từ dầu mỏ đến đồng rồi đậu nành, đã làm giàu cho một số người ở những nước nghèo nhưng nhìn chung lại không biến thành sự tăng trưởng trên diện rộng bởi các chu kỳ thịnh-suy diễn ra nhanh chóng và các thành tựu của những thị trường này trong lĩnh vực việc làm là có hạn.
Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan vào những năm 1960 và 1970 đã đi tiên phong trong việc xuất khẩu hàng hóa sản xuất như một chiến lược phát triển. Là đồng minh của Mỹ trong cuộc Chiến tranh Lạnh trước khi ý thức hệ thị trường tự do được áp đặt trở lại, những chính phủ này hoàn toàn được tự do hướng các nguồn lực vào các ngành công nghiệp chiến lược. Điều có ý nghĩa không kém là sự cạnh tranh mà họ phải đối mặt trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa giá rẻ là rất hạn chế.
Khi ngày càng có nhiều quốc gia hội nhập chế độ toàn cầu hóa thị trường tự do bắt đầu vào đầu những năm 1980, sự tranh giành đầu tư và các thị trường xuất khẩu trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Càng có nhiều quốc gia sử dụng chiến lược này, càng khó cho bất kỳ quốc gia đơn lẻ nào trong việc tích lũy tư bản họ cần để đổi mới căn bản nền kinh tế và duy trì sự gia tăng về của cải. Và không giống như sự phối hợp có chủ ý trong việc lập kế hoạch phát triển cho kỷ nguyên hậu chiến tranh, thị trường tự do có xu hướng chuyển các nguồn lực sang các nước vốn đã giàu có vì những nước này hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao nhất. Kết quả là, 3/5 đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên toàn cầu hóa rơi vào tay 1/8 dân số thế giới tập trung ở những nước giàu.
Vì thị trường người tiêu dùng toàn cầu vẫn luôn có giới hạn, nên các nước nghèo bị buộc phải cạnh tranh gay gắt với nhau. Việc theo đuổi sự phát triển thông qua các công xưởng bóc lột công nhân thậm tệ có nghĩa là chỉ có những nước duy trì được nguồn lao động rẻ mới thu hút thành công đầu tư nước ngoài. Nếu giá lao động bắt đầu tăng – nghĩa là nếu tăng trưởng kinh tế bắt đầu mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người lao động – thì nguồn đầu tư nước ngoài sẽ dịch chuyển đi nơi khác.
Kết quả là, nhiều nước đã chứng kiến việc dòng đầu tư đổ vào không để lại bất kỳ di sản lâu dài nào vì nguồn vốn nhanh chóng ra đi khi người lao động bắt đầu đưa ra các yêu cầu hay khi có sẵn các lựa chọn rẻ hơn. Chẳng hạn, Mexico đã chứng kiến một vài làn sóng đầu tư nước ngoài quy mô lớn. Tuy nhiên, mức lượng là không đổi trong hơn một thập kỷ, tỷ lệ đói nghèo chiếm hơn một nửa dân số, và số lượng công ăn việc làm trong ngành sản xuất hiện giờ vẫn giữ ở mức như trong năm 1960.
Trung Quốc đã thoát khỏi cái bẫy này chính xác là vì họ có các phương tiện cần thiết để gian lận trong khi chơi trò chơi dối trá này. Khi Trung Quốc bước vào cuộc cạnh tranh để phát triển trong những năm 1980, họ lấy làm hãnh diễn vì có một lực lượng lao động có kỷ luật và học thức đến mức khác thường, cơ sở hạ tầng đặc biệt tiên tiến và một nền tảng công nghiệp rất đa dạng so với các nước khác có cùng trình độ phát triển. Từ năm 1989 đến năm 2016, Trung Quốc đã thu hút 1/5 toàn bộ nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các nước đang phát triển.
Nhưng chỉ mình đầu tư thì không tạo ra được sự phát triển. Khu vực Mỹ Latinh, trong cùng giai đoạn, đã thu hút được một phần thậm chí còn lớn hơn trong số FDI cho các nước đang phát triển – 1/4 – mà không đạt được sự tăng trưởng bùng nổ như đã thấy ở Trung Quốc.
Giống như ban lãnh đạo của hầu hết các nước nghèo, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xác nhận sự phát triển là mục tiêu trung tâm cho tính chính danh của mình. Nhưng ở các nước khác, quyền lực chủ yếu được thiết lập thông qua các mạng lưới nhà bảo trợ-khách hàng chắp vá, chỉ liên kết theo kiểu ký sinh với hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Ngược lại, nhà nước Trung Quốc là nhà nước trung ương tập quyền tới mức khác thường và sở hữu quyền kiểm soát cũng ở mức độ khác thường đối với nền kinh tế.
Trung Quốc chắc chắn không phải là không có sự bảo trợ và tham nhũng, nhưng trong hệ thống đảng-nhà nước từ trên xuống dưới, các quan chức thăng tiến bằng cách có được những con số thống kê đẹp về nền kinh tế vĩ mô và đóng góp vào chính sách công nghiệp do trung ương quyết định. Do có mối quan hệ gần gũi giữa quan chức và doanh nghiệp nên có thể theo đuổi sự bảo trợ thông qua việc đầu tư có hiệu quả thay vì chỉ thông qua việc bòn rút các nguồn lực.
ĐCSTQ đã nuôi dưỡng các lực lượng thị trường để đưa lực lượng lao động vào kỷ luật và các công ty tư nhân vẫn duy trì khả năng của họ trong việc giám sát các mô hình đầu tư lớn. Bằng việc dồn vốn để tăng cường các ngành công nghiệp chiến lược và kiến thức chuyên môn, ban lãnh đạo đã từng bước dịch chuyển lần lượt các lĩnh vực của nền kinh tế hướng đến một nền sản xuất ngày càng tiên tiến. Trong các lĩnh vực từ đồ chơi và dệt, đến thép và hóa chất, rồi đến xe hơi và hàng không và bây giờ là công nghệ thông tin và robot tiên tiến, nhà nước đã từng bước thúc đẩy nền sản xuất đi lên.
Nếu tầm nhìn đặc biệt này và năng lực của nhà nước mang lại động lực thúc đẩy Trung Quốc phát triển, thì chính vị thế thương lượng vững chắc có một không hai của Trung Quốc đã cho phép nước này thực hiện thành công các kế hoạch của mình. Thị trường rộng lớn và ngày càng phát triển của Trung Quốc đã thuyết phục được các tập đoàn lớn của nước ngoài đầu tư theo các điều khoản đã được đàm phán với nước này thay vì đơn phương áp đặt các điều kiện của riêng họ, như họ từng làm với ngành sản xuất ở Mỹ Latinh hay ngành công nghiệp khai khoáng ở châu Phi. Đáng chú ý nhất là Trung Quốc đã yêu cầu các tập đoàn nước ngoài bước vào thị trường trong nước phải tham gia liên doanh với các công ty Trung Quốc, điều cho phép các công ty trong nước học được các thông lệ về quản lý và công nghệ của thế giới các nước phát triển. Trung Quốc cũng đã đặt ra các quy định nhằm đảm bảo các điều kiện có lợi để các doanh nghiệp Trung Quốc được cấp phép sử dụng công nghệ của các công ty nước ngoài.
Chính phủ Trung Quốc và cá nhân một số công ty của Trung Quốc cũng đã giành được quyền tiếp cận công nghệ tiên tiến thông qua tình báo công nghiệp. Trong việc này, họ đã đi theo một con đường mà mọi quốc gia khác từng thành công về kinh tế đã đi qua – nhất là Mỹ. Vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, nước Mỹ non trẻ và lạc hậu về công nghệ đã hăng hái tham gia đánh cắp và chuyển giao bất hợp pháp các kỹ thuật sản xuất mũi nhọn từ nước Anh.
Tuy nhiên, việc công khai đánh cắp chỉ đóng một vai trò nhỏ trong chiến lược của Trung Quốc. Ngay cả Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, một người hiếu chiến ủng hộ đường lối cứng rắn đối với Trung Quốc, cũng không dám nói rằng tình báo công nghiệp là một thành tố chính cấu thành nên chính sách của Trung Quốc nhằm thâu tóm thành công công nghệ tiên tiến. Báo cáo của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ sau cuộc điều tra của họ về “chế độ chuyển giao công nghệ bất hợp pháp” của Trung Quốc theo Mục 301 của Luật thương mại Mỹ năm 1974 tập trung rất nhiều vào các cuộc chuyển giao được thực hiện thông qua hoạt động liên doanh, các quy định về cấp phép và việc các công ty Trung Quốc thu mua các công ty nước ngoài – tất cả những điều này hẳn sẽ không xảy ra nếu các công ty nước ngoài có liên quan đều không sẵn sàng thỏa thuận. Mỗi một hình thức chuyển giao công nghệ đơn giản là một trường hợp khác của nguyên tắc chung về thị trường rằng các bên tham gia có sức mạnh thương lượng lớn hơn sẽ luôn đạt được những thỏa thuận tốt hơn cho mình. Phân tích cho cùng, Trung Quốc đã giành được quyền tiếp cận công nghệ không phải bằng cách gian lận mà vì họ không yếu đến mức thảm hại như những nước khác cũng đang hy vọng phá vỡ thế độc quyền của các nước giàu vốn dựa vào kỹ thuật để đạt năng suất cao.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã phải trả giá rất đắt cho chiến lược phát triển. Nhu cầu của Trung Quốc về đầu tư nước ngoài xuất hiện đồng thời với chiến dịch dài hạn của các tập đoàn ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản nhằm cắt giảm tiền lương và phá vỡ sức mạnh của các liên đoàn. Sự sẵn có của lao động Trung Quốc giá rẻ cho phép các tập đoàn này ép buộc người lao động phải chấp nhận mức lương trì trệ và điều kiện làm việc ngày càng tồi tệ trước sự đe dọa dịch chuyển sản xuất ra nước ngoài, góp phần đáng kể vào sự sụp đổ của khế ước xã hội ở những nước phát triển.
Chiến lược của Trung Quốc cũng tước đi khả năng phát triển của các nước nghèo khác. Một lần nữa ở đây, sức mạnh của nhà nước Trung Quốc đảm bảo nước này có một lợi thế quan trọng so với các đối thủ cạnh tranh, không chỉ trong việc cung cấp cho tư bản nước ngoài một lực lượng lao động giá rẻ và có kỷ luật và cơ sở hạ tầng có chất lượng cao một cách khác thường, mà còn bằng việc duy trì tỷ giá hối đoái thấp cho đồng nhân dân tệ. Điều này bảo đảm lợi thế về giá cả cho hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc khiến các nước khác bị gạt sang một bên.
Đặc biệt là người dân Trung Quốc cũng phải chịu đựng rất nhiều. Vì sự tăng trưởng dựa vào xuất khẩu đòi hỏi phải khai thác mạnh mẽ lực lượng lao động, nên Trung Quốc đã phá hủy có hệ thống sức dao động. Kết quả là, lao động Trung Quốc đã phải chịu đựng điều kiện làm việc nguy hiểm, mức lương nghèo nàn, tình trạng thường xuyên bị đánh cắp tiền lương và bị sỉ nhục ở nơi làm việc trong nhiều thập kỷ. Điều gây kinh hoàng là 38.000 lao động Trung Quốc đã mất mạng trong các tai nạn xảy ra tại nơi làm việc vào năm 2017.
Mặc dù sự phát triển đã mở ra các cơ hội kinh tế cho phần lớn người Trung Quốc, nhưng hệ thống trung ương tập quyền từ trên xuống dưới vốn cần thiết để đạt được sự phát triển theo tiến trình toàn cầu hóa thị trường tự do đã hạn chế đáng kể những lĩnh vực tự do khác ở Trung Quốc. Xuất hiện cùng với sự gia tăng về của cải là tình trạng tham nhũng mang tính đặc hữu, sự sa sút của các dịch vụ công và việc của cải rõ ràng chỉ được phân phối cho các tầng lớp trên. Vì dân thường ngày càng dễ bị ảnh hưởng bởi các lực lượng thị trường, nên họ đã phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng dữ dội, tình trạng bất ổn gia tăng và sự đổ vỡ lòng tin và cộng đồng đi kèm tình trạng như vậy. Sự phát triển làm xói mòn thay vì thúc đẩy các triển vọng dân chủ hóa của nước này.
Những vấn đề này không phải chỉ có ở Trung Quốc. Tiến trình toàn cầu hóa thị trường tự do đã khiến cho người lao động ở tất cả các nước phải cạnh tranh với nhau trong tình trạng đối kháng theo kiểu “cuộc đua đến đáy” (các công ty cạnh tranh với nhau bằng cách cắt giảm tiền lương và điều kiện làm việc – ND). Không nên đổ lỗi cho bên thắng cũng như bên thua trong cuộc chiến này về các hậu quả. Vấn đề là bản thân cấu trúc của nền kinh tế toàn cầu.
Sự dư thừa năng lực là vấn đề thực sự, cũng như sự cạnh tranh khắc nghiệt mà việc phát triển có kế hoạch của nền sản xuất công nghệ cao của Trung Quốc có thể gây ra cho các khu vực năng động nhất của nền kinh tế Mỹ. Nhưng thay vì cản trở sự phát triển ở Trung Quốc, một hình thức toàn cầu hóa mới có thể giải quyết các vấn đề này bằng cách nâng cao mức lương và năng suất trên toàn thế giới. Cách tiếp cận mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa tìm cách hạn chế sự cạnh tranh bằng cách giới hạn nguồn cung, trong khi cách tiếp cận thay thế sẽ giải quyết tình trạng dư thừa năng lực và hạn chế về thị trường bằng cách mở rộng nhu cầu.
Nhưng một giải pháp như vậy đòi hỏi phải có một sự suy tính lại về sự tăng trưởng toàn cầu ở mức độ sâu sắc hơn nhiều so với những gì mà các chính trị gia dù là cánh tả hay cánh hữu đã dự tính. Nó đòi hỏi phải chấm dứt “cuộc đua đến đáy”: một chế độ toàn cầu về các quyền của người lao động mà sẽ phân phối lợi ích thu được từ sự tăng trưởng một cách rộng rãi hơn và đồng thời buộc các tập đoàn phải cạnh tranh bằng cách đầu tư vào lao động của họ thay vì làm cho các điều kiện làm việc trở nên tồi tệ hơn. Nó cũng đòi hỏi phải dành các khoản đầu tư đáng kể cho hàng tỷ người hiện đang cần vốn – các khoản đầu tư mà thị trường tự do từ chối bỏ ra – nhằm biến những người bị mắc kẹt trong các khu ổ chuột, khu biệt cư và các khu vực nông thôn bị bần cùng hóa trở thành người lao động và người tiêu dùng trong tương lai.
Việc đổ lỗi cho Trung Quốc đe dọa kìm hãm tiến trình toàn cầu hóa thị trường tự do mà không thiết lập được bất cứ thứ gì thay thế cho nó – một cách tiếp cận mà chỉ có thể dẫn đến một vòng luẩn quẩn với hoạt động kinh tế bất thường ngày một gia tăng và xung đột mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa là nguyên nhân và kết quả của nhau và đẩy thế giới đi theo một chiều hướng rất nguy hiểm. Một con đường khác sẽ đòi hỏi đối đầu với các nhóm lợi ích đầy quyền lực, ở Mỹ cũng như ở Trung Quốc. Trái ngược với tư duy dân tộc chủ nghĩa lợi ích ngang nhau, lựa chọn thay thế là một tầm nhìn thực sự mang tính toàn cầu về sự phát triển.
Jake Werner là nhà sử học về Trung Quốc hiện đại. Ông là Phó giáo sư về Khoa học Xã hội Đại học Chicago, Mỹ. Bài viết được đăng trên Foreign Policy.
Trần Quang (gt)
Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo mọi thứ và có mặt ở khắp mọi nơi. Một trong những phi hành gia của Trung Quốc đã kêu gọi thành lập một nhánh của ĐCSTQ ngoài không gian - sẽ là “một bước tiến nhỏ của con người, một bước tiến vĩ đại cho nhân loại”.
Để phục vụ công tác nghiên cứu và tra tìm tư liệu, website Nghiên cứu Biển Đông trân trọng giới thiệu bạn đọc toàn văn bài nghiên cứu có tựa đề “Chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman và việc bổ nhiệm đại sứ mới Tần Cương liệu có mở ra bước ngoặt cho quan hệ Trung – Mỹ?” của tác giả Zhou Yuan,...
Liệu họ có thể tin tưởng vào một quốc gia ban đầu đã tìm cách che giấu dịch COVID-19 để rồi khiến nó lan ra toàn cầu hay không?
Bài viết này xem xét chính sách đối ngoại và ngoại giao của Trung Quốc trong khuôn khổ lý thuyết địa tâm lý học, một loại lý thuyết có thể được định nghĩa là lăng kính địa lý về mô hình hành vi và thái độ của một dân tộc đối với các dân tộc khác, bắt nguồn từ những kinh nghiệm trong quá khứ, quá trình...
Luận điệu của Trung Quốc về cuộc chiến chống COVID-19 đã thay đổi rõ rệt theo sự chuyển biến của tiến trình chống dịch trong nước: từ thận trọng và phòng vệ sang bất mãn với những nhận định về nguồn gốc của virus.
Tham vọng của Bắc Kinh xây dựng PLA thành một lực lượng quân đội hàng đầu thế giới sẽ đặt ra những thách thức đối với các lợi ích của Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác của nước này trong và ngoài khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.