Hai năm trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng tới năm 2049, khi Trung Quốc kỷ niệm 100 năm thành lập, nước này sẽ thành một "cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại" với một nền kinh tế phát triển. Để đạt được mục tiêu đầy tham vọng đó, Trung Quốc sẽ cần có thêm 30 năm nền kinh tế phát triển mạnh nữa. Câu hỏi đặt ra là làm như thế nào để đạt được điều đó.

Bước đầu tiên để trở lời câu hỏi này là phải hiểu điều gì đã dẫn tới những thành công trước đây của Trung Quốc. Danh sách các yếu tố từng nên thành công của Trung Quốc khá ấn tượng: 3 thập kỷ tăng trưởng GDP đạt mức hai con số; tỉ lệ đô thị hóa tăng mạnh, từ 18% năm 1978 lên 57% năm 2016; và tỷ lệ đói nghèo giảm nhanh chóng, theo số liệu của Trung Quốc thì tỷ lệ này đã giảm từ 250 triệu người năm 1978 xuống còn 50 triệu người năm 2016. Với tốc độ này, Trung Quốc sẽ hoàn toàn xóa bỏ được tình trạng đói nghèo vào khoảng năm sau.

Tuy nhiên, Trung Quốc không hề phát triển nhanh chóng trong giai đoạn đầu. Ngược lại, phương pháp tập trung và rất giáo điều của Chủ tịch Mao Trạch Đông, được thể hiện trong cuộc Đại Nhảy vọt thảm họa và Cách mạng Văn hóa một cách cuồng tín, không chỉ ngăn cản Trung Quốc phát triển về mặt công nghệ mà còn đẩy nền kinh tế nước này tới bên bờ vực sụp đổ.

Theo Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Trung Quốc, vào cuối năm 1977, chỉ riêng cuộc Cách mạng Văn hóa kéo dài một thập kỷ đã khiến Trung Quốc mất khoảng 500 tỷ nhân dân tệ (70 tỷ USD) trong tổng thu nhập quốc gia. Con số này tương đương với 80% tổng đầu tư tư bản trong suốt 30 năm đầu tiên kể từ khi Trung Quốc ra đời, và lớn hơn cả tổng giá trị tài sản cố định của Trung Quốc trong giai đoạn đó.

Hơn nữa, trong 30 năm đầu tiên kể từ khi thành lập, Trung Quốc đạt được rất ít tiến triển trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo. Năm 1978, gần 84% dân số Trung Quốc sống dưới mức nghèo đói theo tiêu chuẩn của quốc tế là 1,25 USD/ngày; thu nhập theo đầu người chưa tới 1/3 mức trung bình của khu vực Tiểu Sahara của châu Phi; và 85% người Trung Quốc sống ở các làng xã nông thôn, bị tách biệt và thiếu những nhu yếu phẩm cơ bản như lương thực và quần áo.

Mọi chuyện đã thay đổi vào năm 1978, khi người kế nhiệm Mao Trạch Đông là Đặng Tiểu Bình đưa ra chiến lược "cải cách và mở cửa". Nhờ sự thay đổi này - vốn tập trung vào việc liên tục thử nghiệm, kiểm tra, và điều chỉnh - Trung Quốc đã tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, được thúc đẩy bởi tăng trưởng xuất khẩu mạnh và được chỉ dẫn từ những bài học của các quốc gia khác - những nước khi đó vừa trở thành các nền kinh tế hiệu quả.

Trong tiến trình đó, chính phủ Trung Quốc khuyến khích dòng chảy vốn nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng trong những lĩnh vực có nhiều lợi thế cạnh tranh. Khi những lĩnh vực này bắt đầu có lợi thế cạnh tranh trên toàn cầu, chúng giúp thúc đẩy sự thay đổi cấu trúc, tích lũy tư bản, và tăng năng suất cũng như việc làm.

Cách tiếp cận này dẫn tới việc nền kinh tế Trung Quốc, mặc dù có thị trường nội địa rất lớn, nhưng trở nên phụ thuộc nhiều vào thương mại bên ngoài. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), thương mại chiếm tới gần 38% GDP của Trung Quốc năm 2017 - vẫn là một tỷ lệ khá cao, đặc biệt là đối với một đất nước lớn như Trung Quốc. Trên thực tế, gia công xuất khẩu chiếm một tỷ trọng lớn - tới hơn một nửa trong suốt 40 năm qua - và phụ thuộc phần lớn vào đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Ban đầu, Trung Quốc thậm chí không nhập khẩu nguyên vật liệu để gia công, do vừa thiếu thiết bị vừa không biết cách làm; thay vào đó, nước này chủ yếu gia công và lắp ráp bằng những nguyên vật liệu do khách hàng cung cấp. Và khi Trung Quốc bắt đầu có được những thiết bị cần thiết, thì những thiết bị này phần lớn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài, khiến thu nhập của các công ty địa phương rất ít ỏi. Chỉ khi tới những năm 90 cuả thế kỷ XX, Trung Quốc mới bắt đầu gia công một lượng lớn các nguyên vật liệu nhập khẩu.

Sự khởi đầu chậm chạp này đã làm ảnh hưởng tới chiến lược của Trung Quốc là dùng sức mạnh của các nền kinh tế phát triển để làm đòn bẩy giúp Trung Quốc vượt qua những điểm yếu của riêng mình. Tuy nhiên, do sự méo mó về thể chế, bao gồm sự phân biệt đối xử trong lĩnh vực tài chính gây bất lợi cho các doanh nghiệp tư nhân, có thể cách tốt nhất để các công ty Trung Quốc tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu là thông qua việc sử dụng "quá mức" nguồn vốn nước ngoài.

Khi Trung Quốc tích lũy kinh nghiệm và vốn - một tiến trình đã được tăng tốc trong những năm 90, nước này đã nỗ lực hơn nữa trong việc áp dụng cách tiếp cận nói trên, mở cửa những thành phố và khu vực tiền tiêu (như thành phố Thượng Hải và đồng bằng sông Dương Tử), để thu hút thêm FDI. Chính phủ Trung Quốc cũng khuyến khích các doanh nghiệp địa phương liên doanh với các đối tác nước ngoài. Kết quả là Trung Quốc trở thành một trung tâm sản xuất của toàn cầu.

Tuy nhiên, không chịu đứng yên ở vị trí gần cuối các chuỗi giá trị toàn cầu, Trung Quốc tiếp tục leo cao hơn, theo đuổi tiến bộ công nghệ nhanh chóng và liên tục nâng cấp công nghiệp. Từ đó, Trung Quốc đã có thể giảm đáng kể sự phụ thuộc vào tư bản nước ngoài trong 15 năm qua.

Tuy nhiên, trong thập kỷ vừa qua, tăng trưởng của Trung Quốc đã chậm lại đáng kể. Do bản chất dài hạn của những nhân tố gây ra tình trạng suy thoái này - bao gồm mức cầu của thế giới đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc suy giảm, tỷ trọng quá lớn của khu vực sản xuất mang lại giá trị gia tăng so với GDP, và quy mô dân số trong độ tuổi lao động bị thu hẹp - nên xu hướng trên chắc chắn sẽ còn tiếp diễn. Để Trung Quốc đạt được mục tiêu trở thành một nền kinh tế tiên tiến vào năm 2049, thì nước này cần thực hiện những thay đổi lớn đối với mô hình tăng trưởng của mình.

Giới lãnh đạo Trung Quốc đã nhận ra điều này. Nhận thức được rằng những ngày tăng trưởng GDP đạt mức 2 con số của đất nước có thể đã kết thúc, giới chức trách Trung Quốc đang nỗ lực để kiềm chế tăng trưởng tín dụng và trên quy mô lớn hơn là hạn chế rủi ro nợ và tài chính để có thể chế ngự xu thế tăng trưởng đang chậm lại. Ngoài ra, Bắc Kinh đang nỗ lực thúc đẩy quá trình phát triển mới trong các lĩnh vực công nghệ cao. Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc đã và đang đẩy nhanh việc mở cửa các thị trường tài chính và vốn.

Nhưng để thực hiện được tầm nhìn của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc phải tiến xa hơn nữa, thay đổi cơ bản mô hình phát triển của mình để có thể tạo ra một thời kỳ tăng trưởng thu nhập lớn hơn ngay trong thị trường nội địa. Do đó, việc tăng mạnh và bền vững nhu cầu nội địa là vấn đề then chốt. Trước hết, điều này đòi hỏi cần tiếp tục tiến trình đô thị hóa nhanh chóng, với dân số sinh sống ở những thành phố phát triển cần tăng lên 200 triệu-250 triệu người trong 30 năm tiếp theo.

Ngoài ra, việc có đạt được mục tiêu mà Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra hay không còn phụ thuộc vào nhu cầu tiếp tục tăng đối với cơ sở hạ tầng, đầu tư lớn vào máy móc và trang thiết bị. Điều này đòi hỏi Bắc Kinh phải tăng tốc độ mở cửa hơn nữa nhằm cho phép không chỉ các doanh nghiệp nước ngoài, mà quan trọng hơn là cho cả các công ty tư nhân của Trung Quốc, được tiếp cận các lĩnh vực đang được nhà nước bảo vệ và bị trì trệ, đặc biệt là ngành dịch vụ. Nói tóm lại, Trung Quốc phải tạo ra được một nguồn lực đáng kể để thúc đẩy tăng trưởng. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng cần đảm bảo cạnh tranh nội địa công bằng, từ đó đảo ngược tình trạng suy giảm niềm tin đầu tư của khu vực tư nhân trong suốt 1 thập kỷ qua và cải thiện tổng thể khả năng sản xuất của cả nền kinh tế.

Không nghi ngờ gì rằng việc đặt trọng tâm vào xuất khẩu đã mang lại nhiều thành công cho Trung Quốc trong 40 năm qua. Tuy nhiên, chìa khóa để đạt được mục tiêu mà Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra - tạo ra một "cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại" vào năm 2049 - sẽ là giải phóng những tiềm năng của nền kinh tế nội địa, đặc biệt là bằng cách xóa bỏ những rào cản về thể chế đối với sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân. Chỉ khi đó Trung Quốc mới có thể tiến xa hơn việc bắt chước các đối tác phát triển hơn của mình và đi đầu thế giới trong lĩnh vực sáng tạo./.

Theo “Project-syndicate

Mỹ Anh (gt)