21/03/2018
Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ đóng vai trò ngày càng rõ rệt cả trong và ngoài khu vực Âu-Á thông qua những sự triển khai và con đường ngoại giao. Điều đó có nghĩa là Mỹ sẽ phải liên tục đánh giá lại mối quan hệ đối tác quân sự của mình trong khu vực.
Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ đóng vai trò ngày càng rõ rệt cả trong và ngoài khu vực Âu-Á thông qua sự triển khai và con đường ngoại giao.
Những bài báo truyền thông gần đây cho thấy rằng việc Trung Quốc có thể sẽ sớm mở thêm căn cứ quân sự thứ 2 đặt tại Pakistan làm dấy lên câu hỏi: Đến khi nào Trung Quốc mới dừng lại? Trung Quốc sẽ bố trí đóng quân với số lượng lớn để bảo vệ đế chế thương mại của họ như các nước lớn khác, hay dấu ấn quân sự toàn cầu của họ sẽ nhỏ hơn? Trong khi Trung Quốc có thể mở thêm những căn cứ hải quân nhằm hỗ trợ những lợi ích của mình ở nước ngoài, chi phí cao và lợi ích hạn chế kiềm chế sự phát triển một mạng lưới các căn cứ kiểu Mỹ lớn hơn. Tuy nhiên, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ đóng vai trò ngày càng rõ rệt cả trong và ngoài khu vực Âu-Á thông qua những sự triển khai và con đường ngoại giao. Điều đó có nghĩa là Mỹ sẽ phải liên tục đánh giá lại mối quan hệ đối tác quân sự của mình trong khu vực.
Tăng số viên ngọc trai trên chuỗi ngọc
Vào giữa những năm 2000, các nhà phân tích của Mỹ và Ấn Độ bắt đầu thảo luận về chiến lược “Chuỗi ngọc trai”, dự đoán rằng Bắc Kinh sẽ sử dụng đầu tư thương mại vào các bến cảng dọc vành đai Ấn Độ Dương và xa hơn nữa nhằm hỗ trợ việc hoạt động trong thời gian khủng hoảng hoặc chiến tranh. Bị các quan chức Trung Quốc tại thời điểm đó bác bỏ như một sản phẩm của sự lạm phát đe dọa từ nước ngoài, luận điểm đã được phần nào xác minh bởi những phát triển gần đây. Vào tháng 8, Trung Quốc thiết lập căn cứ hải quân ở nước ngoài đầu tiên tại Djibouti, nằm vắt ngang hiểm lộ biển then chốt nối giữa Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương. Ngày càng nhiều các bài báo truyền thông gần đây cho thấy rằng Trung Quốc đang trong tiến trình hướng tới căn cứ thứ 2 đặt tại bờ biển Arập của Pakistan gần biên giới Iran. Những căn cứ này đem lại một số lợi ích tác chiến và chiến lược rõ ràng, bao gồm cắt giảm một số chi phí triển khai tầm xa của hải quân Trung Quốc, ví dụ như những cuộc triển khai được giao phó cho các cuộc tuần tra chống cướp biển ở vịnh Aden từ năm 2008; đóng vai trò như những trung tâm qua đó tiến hành các cuộc di tản lớn cho các công dân Trung Quốc, một điều cần thiết đã được thể hiện rõ qua cuộc di tản những người có quốc tịch Trung Quốc từ Libya vào năm 2011 và Yemen năm 2015; tăng cường bảo vệ các tuyến đường nhập khẩu năng lượng theo quy mô lớn của Trung Quốc, mà dễ bị ngăn chặn tại các vị trí trọng yếu như eo biển Hormuz và eo biển Malacca; và đóng vai trò như những địa điểm từ đó các nhà hoạt động tình báo Trung Quốc có thể giám sát các hoạt động dân sự và quân sự, tương tự với nhiệm vụ của các đơn vị PLA ở Djibouti.
Một chiến lược “Chuỗi ngọc trai” rộng lớn hơn, bao gồm các căn cứ ở những nơi như Namibia hoặc Sri Lanka, có thể mang lại những lợi ích tương tự, nếu giả định rằng các thỏa thuận về tình trạng lực lượng có thể được giải quyết với chính phủ nước chủ nhà. Các căn cứ bổ sung cũng có thể được hỗ trợ bởi bộ máy hải quân của Trung Quốc. Trong tất cả các quân chủng, hải quân đã tích cực tham gia vào sứ mệnh bảo vệ lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài, gánh nặng chính thức được Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt lên vai PLA vào năm 2004 dưới tên gọi là “những sứ mệnh lịch sử mới”. Một trong những tiêu chí chính cho sự thăng cấp trong hải quân - dấu hiệu về những ưu tiên của quân chủng này - là kinh nghiệm ở nước ngoài, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương. Lý do cho sự nhiệt tình của hải quân tương đối dễ hiểu: các nhiệm vụ ở các vùng xa xôi sẽ cần nhiều nguồn kinh phí tài chính hơn để chế tạo các tàu lớn, như tàu sân bay và tàu hỗ trợ.
Những tham vọng lớn hơn nữa?
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu các căn cứ ở phía trước của Trung Quốc có phát triển vượt ra ngoài một số tiền đồn hải quân hay không. Trong một báo cáo năm 2007, Andrew Krepinevich và Robert Work đã chỉ ra sự phân biệt hữu ích giữa các mô hình viễn chinh và đồn trú của các căn cứ ở nước ngoài. Trong hầu hết thế kỷ 19, Mỹ đã dựa vào các trạm hải quân tại các nơi như Brazil và Tây Ấn nhằm bảo vệ các tuyến thương mại trọng điểm. Chỉ đến sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, Washington mới cho phát triển mạng lưới các đơn vị đồn trú quân sự và căn cứ không quân toàn cầu, bao gồm hàng trăm nghìn người vào thời kỳ cao điểm của Chiến tranh lạnh. Ngay cả sau khi giảm bớt thời hậu Chiến tranh lạnh, Mỹ vẫn duy trì khoảng 800 cơ sở, cả lớn lẫn nhỏ trên toàn thế giới. Mô hình về căn cứ ở phía trước của PLA lấy hải quân làm trung tâm gần như tương tự với triển khai có giới hạn của Mỹ thế kỷ 19 hơn là với tư thế của Mỹ hiện tại.
Nhìn từ góc độ chiến đấu, PLA không cần thiết phải thiết lập các đơn vị đồn trú quân sự lớn ở nước ngoài. Hầu hết các nhiệm vụ chiến đấu được giao cho quân đội Trung Quốc đều nằm ở các khu vực giáp ranh với Trung Quốc như Đài Loan, bán đảo Triều Tiên, Biển Đông, hoặc các tranh chấp vùng biên giới với Ấn Độ qua dãy Himalaya. Việc thành lập một hệ thống gồm 5 bộ chỉ huy tác chiến khu vực nhằm chống lại các mối đe dọa xuyên biên giới, một phần trong các cuộc cải cách quân sự của Trung Quốc gần đây, đã nhấn mạnh thực tế rằng trọng tâm chiến đấu của PLA sẽ tiếp tục tập trung vào các nước ngoài gần Trung Quốc. Hơn nữa, như Christopher Yung đã lập luận, các căn cứ hạn chế phù hợp vào thời bình hoặc các hoạt động an ninh không truyền thống có thể không có các hệ thống phòng thủ và hậu cần cần thiết để hỗ trợ các hoạt động chiến đấu lớn.
Tuy nhiên, việc mở rộng các lợi ích thương mại ở nước ngoài của Trung Quốc, đặc biệt là dọc theo các hành lang kinh tế không có đường biển được xây dựng như một phần của Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (Dự án 1 tỷ USD của Trung Quốc cho sự phát triển cơ sở hạ tầng Âu-Á), có thể dẫn đến nhu cầu lớn hơn về việc triển khai không quân và lục quân của PLA. Các lực lượng này có thể được sử dụng để phản ứng nhanh nhạy trước một số tình huống bất ngờ mà người Trung Quốc và lao động nước ngoài bị đe dọa, như các sự cố khủng bố, xung đột dân sự, hay thiên tai, và để bảo vệ cho các dự án mà Trung Quốc tài trợ. Các đơn vị của PLA triển khai phía trước cũng có thể góp phần đem lại sự ổn định chung tại các khu vực thiết yếu, đặc biệt là khi lực lượng của nước chủ nhà không thể bảo vệ cho lợi ích của Trung Quốc.
Chi phí và lợi ích
Mặc dù vậy, vẫn có một vài lý do khiến Bắc Kinh không theo đuổi kiểu căn cứ theo phong cách Mỹ toàn diện hơn.
Thứ nhất là do năng lực hạn chế của PLA: phải đối mặt với những thách thức từ khu vực láng giềng liền kề của Trung Quốc, PLA có thể không muốn cung cấp nguồn lực cho các hoạt động ở các vùng xa với quy mô lớn. Mặc dù cung cấp nhân lực cho các hoạt động gìn giữ hòa bình do Liên hợp quốc tài trợ, quân đội vẫn tập trung chủ yếu vào nhiệm vụ chiến đấu và răn đe (dù có thể phải đóng quân tại các căn cứ hải quân của Trung Quốc ở nước ngoài với số lượng nhỏ để cung cấp an ninh và các dịch vụ khác, nếu cần thiết); những cắt giảm lớn trong cơ cấu của lực lượng vũ trang gần đây cũng có thể hạn chế khả năng duy trì các triển khai ở phía trước. Đây là chưa nói đến chi phí tài chính để hoạt động các căn cứ ở nước ngoài (có thể là một vấn đề trong thời kỳ suy giảm tăng trưởng ngân sách của PLA).
Thứ hai là các cuộc triển khai của PLA thường không cần thiết phải trước hết là để bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc ở nước ngoài. Các mối nguy hiểm bắt nguồn từ bất ổn dân sự hoặc các sự cố khủng bố quy mô nhỏ ở những nơi như tỉnh Baluchistan của Pakistan có thể được giải quyết theo cách không có sự dính líu của PLA. Chúng bao gồm việc dựa nhiều hơn vào các cơ quan an ninh Trung Quốc và tư nhân nước ngoài, đạt được các thỏa thuận với các quốc gia chủ nhà để cung cấp nhân sự và bảo vệ công trình (ví dụ như việc Pakistan phân công khoảng 12.000 binh sĩ để bảo vệ các tài sản Trung Quốc) và hợp tác với các đối tác trong khu vực về việc thi hành luật dân sự trên các mặt chẳng hạn như chống khủng bố và chống ma túy. Trong những thời kỳ bất ổn nghiêm trọng, các đại sứ quán Trung Quốc cũng có thể sơ tán người dân Trung Quốc mà không cần phải dựa quá nhiều vào khả năng của PLA. Ví dụ, trong năm 2011, khoảng 35.000 người lao động Trung Quốc đã được sơ tán khỏi Libya chủ yếu thông qua tàu và máy bay thuê.
Thứ ba là Bắc Kinh tiếp tục dựa vào quân đội Mỹ để đảm bảo tính ổn định ở các khu vực quan trọng với việc đầu tư Vành đai và Con đường. Một ví dụ là Afghanistan, nơi mà các nhà chiến lược Trung Quốc lo lắng về sự suy giảm nhanh chóng của lực lượng Mỹ (biết rằng PLA không sẵn sàng hoặc không đủ khả năng để lấp đầy khoảng trống), bởi hậu quả có thể đe dọa đến việc đầu tư của Trung Quốc vào cả Afghanistan lẫn nước láng giềng Pakistan. Bắc Kinh cũng được hưởng lợi từ các hoạt động chống khủng bố của Mỹ tại khu vực vùng Vịnh, đến mức mà họ có thể giúp tạo ra môi trường khu vực an toàn hơn cho các khoản đầu tư của Trung Quốc và giảm thiểu khả năng những chiến binh cấp tiến có thể đến và tấn công ngay tại Trung Quốc.
Thứ tư, Bắc Kinh tiếp tục phản đối mở rộng đảm bảo an ninh lẫn nhau cho các quốc gia đối tác. Lực lượng quân đội Mỹ thường được hoan nghênh (hoặc dung túng) ở nước ngoài nhờ các cam kết liên minh kéo dài hàng thập kỷ: thỏa thuận trao đổi là bạn đón tiếp chúng tôi, chúng tôi sẽ giúp đảm bảo an ninh cho bạn. Tuy nhiên, bất chấp lời khuyên của của một số học giả Trung Quốc rằng Trung Quốc cần phát triển các liên minh của chính mình, những đề xuất đó chẳng đi đến đâu bởi Bắc Kinh sợ bị dính líu đến những tai họa trong nước và nước ngoài. Việc tránh các liên minh như vậy đặt ra câu hỏi vậy thì nước nào sẽ hoan nghênh Trung Quốc gửi binh sĩ đến, nếu các lực lượng đó chỉ để bảo vệ lợi ích của Trung Quốc. Thiếu liên minh cũng có thể sẽ hạn chế khả năng của Trung Quốc sử dụng các căn cứ ở các quốc gia trung lập để hỗ trợ các hoạt động chiến đấu trong một cuộc xung đột quân sự.
Do đó, Trung Quốc có thể vừa không muốn vừa không thể chuyển từ mô hình đặt căn cứ viễn chinh “Chuỗi ngọc trai” sang chế độ đồn trú lớn hơn kiểu Mỹ vào lúc nào đó; điều này có thể để lại cho quân đội Mỹ những sắp xếp đặt căn cứ có phạm vi rộng lớn nhất trên thế giới (kể cả khi các cuộc tranh luận vẫn tiếp diễn về việc Mỹ có nên đóng cửa một vài hoặc nhiều tiền đồn của nước này ở nước ngoài hay không).
Washington: Không được chủ quan
Ngay cả khi Trung Quốc vẫn duy trì tư thế đóng căn cứ hạn chế ở nước ngoài, không nghi ngờ là PLA sẽ tiếp tục tăng cường sự hiện diện của mình tại khu vực Âu-Á bằng những cách khác là rõ ràng khó thể phủ nhận. Các hoạt động quân sự hợp tác, như các chuyến thăm đối tác cấp cao, các cuộc tập trận huấn luyện kết hợp với các đối tác, các chương trình hỗ trợ an ninh, và vai trò trong các hoạt động gìn giữ hòa bình do Liên hợp quốc bảo trợ, sẽ mở rộng cùng với các lợi ích kinh tế và ngoại giao ngày càng tăng của Trung Quốc. Điều này có thể đẩy nhanh một loạt các phản ứng trong khu vực. Một số nước có thể đáp lại bằng cách cố gắng làm cho Washington và Bắc Kinh chống lại nhau nhằm có được thỏa thuận tốt nhất; một số lại mong muốn tránh khỏi bị mắc kẹt giữa cuộc cạnh tranh về tầm ảnh hưởng của Mỹ với Trung Quốc; trong khi một số nước khác, như Ấn Độ, sẽ coi sự có mặt về quân sự của Trung Quốc, dưới bất kỳ hình thức nào, như một thách thức chiến lược và có thể kêu gọi các quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với Mỹ. Do đó, khi Chính quyền Trump tinh chỉnh chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, họ sẽ phải cân nhắc xem các quan hệ đối tác quân sự có thể được xem lại và cập nhật như thế nào cho một kỷ nguyên mới.
Joel Wuthnow là chuyên viên nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quân sự Trung Quốc, Đại học Quốc phòng Mỹ. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả và được đăng trên The National Interest.
Trần Quang (gt)
Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo mọi thứ và có mặt ở khắp mọi nơi. Một trong những phi hành gia của Trung Quốc đã kêu gọi thành lập một nhánh của ĐCSTQ ngoài không gian - sẽ là “một bước tiến nhỏ của con người, một bước tiến vĩ đại cho nhân loại”.
Để phục vụ công tác nghiên cứu và tra tìm tư liệu, website Nghiên cứu Biển Đông trân trọng giới thiệu bạn đọc toàn văn bài nghiên cứu có tựa đề “Chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman và việc bổ nhiệm đại sứ mới Tần Cương liệu có mở ra bước ngoặt cho quan hệ Trung – Mỹ?” của tác giả Zhou Yuan,...
Liệu họ có thể tin tưởng vào một quốc gia ban đầu đã tìm cách che giấu dịch COVID-19 để rồi khiến nó lan ra toàn cầu hay không?
Bài viết này xem xét chính sách đối ngoại và ngoại giao của Trung Quốc trong khuôn khổ lý thuyết địa tâm lý học, một loại lý thuyết có thể được định nghĩa là lăng kính địa lý về mô hình hành vi và thái độ của một dân tộc đối với các dân tộc khác, bắt nguồn từ những kinh nghiệm trong quá khứ, quá trình...
Luận điệu của Trung Quốc về cuộc chiến chống COVID-19 đã thay đổi rõ rệt theo sự chuyển biến của tiến trình chống dịch trong nước: từ thận trọng và phòng vệ sang bất mãn với những nhận định về nguồn gốc của virus.
Tham vọng của Bắc Kinh xây dựng PLA thành một lực lượng quân đội hàng đầu thế giới sẽ đặt ra những thách thức đối với các lợi ích của Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác của nước này trong và ngoài khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.