Viện Biển Đông tổ chức khóa học thứ hai của Trung tâm Ngoại giao Biển

Bài: Việt Hà & Đỗ Hoàng

Ảnh: Thu Ngân

Khóa học thu hút sự tham gia của 20 học viên là các chuyên gia và cán bộ làm công tác về an ninh biển đến từ các bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương, cơ sở giáo dục và viện nghiên cứu trong nước. Ngoài ra, Khóa cũng quy tụ các chuyên gia về an ninh biển đến từ Trung tâm Thông tin Hải chiến Mỹ, Văn phòng Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ và Đại học New South Wales (Úc).

Khóa học lần này có nhiều điểm mới về hình thức và nội dung. Đây là lần đầu tiên các giảng viên đến giảng dạy trực tiếp sau quãng thời gian gián đoạn về đi lại do COVID-19. Về nội dung, nếu như Khóa học thứ nhất (tháng 12/2021) xoay quanh các vấn đề về quản trị đại dương, quy hoạch không gian biển và luật biển, Khóa học thứ hai tập trung vào Nhận thức Biển (MDA) và minh bạch hóa thông tin trên biển. Khóa thứ hai cũng có nhiều thông tin cập nhật liên quan đến diễn biến thực địa tại Biển Đông và khu vực Thái Bình Dương. Học phần về SeaVision (phần mềm do Bộ Giao thông Mỹ phát triển) trong Khóa cũng thiên về các bài tập tìm kiếm và theo dõi thực địa nhiều hơn.

Phát biểu tại buổi lễ khai mạc khóa học, PGS. TS. Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng, Viện Biển Đông cho biết MDA là nhu cầu cấp thiết với Việt Nam trong bối cảnh khoa học kĩ thuật phát triển và các điểm nóng an ninh biển khu vực có nhiều biến động. Các kỹ năng về MDA sẽ giúp phát hiện sớm hơn các diễn biến trái với luật pháp quốc tế. Đại diện Đại sứ quán Mỹ, Thiếu tá Kris Valdez, Cảnh sát biển, hy vọng Khóa học sẽ giúp kiến tạo một mạng lưới các chuyên gia về phân tích hình ảnh thực địa.

Viện Biển Đông tổ chức khóa học thứ hai của Trung tâm Ngoại giao Biển

PGS. TS. Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng, Viện Biển Đông phát biểu tại lễ khai mạc.
 
Viện Biển Đông tổ chức khóa học thứ hai của Trung tâm Ngoại giao Biển
Giảng viên từ Trung tâm Thông tin Hải chiến Mỹ trao đổi về phần mềm SeaVision.

Bà Chelsea Goldstein, Giám đốc phụ trách Đông Nam Á, Văn phòng Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ về Chính sách, đã giới thiệu về Sáng kiến Nhận thức Biển (IPMDA) của Nhóm Bộ tứ/Quad. Sáng kiến được các lãnh đạo Quad đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh tại Tokyo hồi tháng 5/2022, hướng tới minh bạch hóa hoạt động của các tàu thường xuyên tắt tín hiệu vệ tinh (AIS) để tiến hành các hoạt động trái phép. Sáng kiến cũng có thể giúp khu vực ứng phó nhanh chóng hơn khi các thảm họa khí hậu hay khủng hoảng nhân đạo xảy ra trên biển. Dự kiến, Mỹ sẽ sớm giới thiệu IPMDA với các nước Đông Nam Á trong năm tới.

Viện Biển Đông tổ chức khóa học thứ hai của Trung tâm Ngoại giao Biển

Bà Chelsea Goldstein, Giám đốc phụ trách Đông Nam Á, Văn phòng Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, trình bày về Sáng kiến IPMDA.

Bên cạnh các thông tin và kỹ năng cần thiết, Khóa học cũng đem đến cơ hội kết nối giữa các cơ quan có liên quan đến biển để thúc đẩy hợp tác trong và ngoài nước. Phát biểu tại lễ bế mạc, TS. Lại Thái Bình, Phó Viện trưởng, Viện Biển Đông bày tỏ hy vọng chuỗi Khóa học của MDC sẽ giúp các học viên gắn kết hơn, thông qua mối quan tâm đến biển – đại dương cũng như thông qua công tác chung của nước nhà. Viên chức Chính trị - Quân sự Ashley Barrett nhấn mạnh Đại sứ quán Mỹ tự hào hợp tác với Học viện Ngoại giao và các cơ quan khác để giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền và ủng hộ trật tự thế giới dựa trên luật lệ.

Viện Biển Đông tổ chức khóa học thứ hai của Trung tâm Ngoại giao Biển

Lại Thái Bình, Phó Viện trưởng, Viện Biển Đông và Viên chức Chính trị - Quân sự Ashley Barrett phát biểu tại lễ Bế mạc.

Viện Biển Đông tổ chức khóa học thứ hai của Trung tâm Ngoại giao Biển

Viện Biển Đông tổ chức khóa học thứ hai của Trung tâm Ngoại giao Biển

Các đại biểu, giảng viên và học viên trong lễ khai mạc và bế mạc Khóa học.

Trong thời gian tới, dựa trên nhu cầu thực tiễn, Trung tâm Ngoại giao Biển sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác để tổ chức các Khóa học tiếp nối. Qua đó, Trung tâm hy vọng sẽ góp phần tăng cường năng lực quản lý biển và hợp tác quốc tế về biển cho cán bộ và chuyên gia Việt Nam, hướng tới mục tiêu chung là thực hiện thành công “Chiến lược Phát triển kinh tế biển bền vững Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”./.