042309_china_navy2_800.JPG

Tóm tắt

Từ khi Đặng Tiểu Bình khởi xướng cuộc cải cách toàn diện năm 1978, nền kinh tế Trung Quốc được đánh thức, đưa nước này trỗi dậy mạnh mẽ, vượt qua Nhật Bản để trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai trên thế giới kể từ năm 2009. Cùng với sự phát triển kinh tế, Trung Quốc bắt đầu đầu tư lớn cho hiện đại hóa quốc phòng, tập trung ưu tiên các lĩnh vực hải quân, không quân và quân sự vũ trụ. Kiểm soát Biển Đông là điều kiện cần cho quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc. Ngược lại, Quân đội được hiện đại hóa là điều kiện đủ cho Trung Quốc quyết đoán kiểm soát Biển Đông. Bài viết này đánh giá mối tương tác giữa chiến lược hiện đại hóa quân đội với chính sách quyết đoán của Trung Quốc trên Biển Đông trong những năm gần đây.

 

Chuyển dịch chiến lược quân sự

Từ những năm cuối thập kỷ 1980 và những năm đầu thập niên tiếp theo, một số sự kiện lớn đã diễn ra tại Trung Quốc và trên thế giới, ảnh hưởng đến tư duy của giới lãnh đạo Trung Quốc liên quan đến chiến lược an ninh quốc phòng. Chiến tranh Lạnh đi đến hồi kết với sự sụp đổ của Liên Xô và tan rã của khối các nước Xã hội Chủ nghĩa (XHCN). Các nước XHCN còn lại, trong đó có Trung Quốc, đứng trước nhiều khó khăn nghiêm trọng. Dù Trung Quốc đã tiến hành công cuộc đổi mới trước đó và cách tiếp cận của Bắc Kinh với tư tưởng XHCN - Tư bản Chủ nghĩa (TBCN) đã khác nhiều so với trước đây, cái kết của Chiến tranh Lạnh với ưu thế của phương Tây vẫn là một biến cố lớn. Trong bối cảnh đó, sự kiện liên quan trực tiếp đến Trung Quốc là cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Thiên An Môn năm 1989 và hệ quả là Bắc Kinh chịu lệnh cấm vận và trừng phạt chặt chẽ hơn từ phương Tây.

Những năm sau đó, chiến thắng nhanh gọn tuyệt đối của liên quân do Mỹ cầm đầu tại I-rắc năm 1991 và tại Bosnia năm 1995 gây ấn tượng mạnh với các nhà chiến lược ở Trung Quốc. Trong các chiến dịch đó, Liên quân đã sử dụng các vũ khí tối tân, công nghệ hiện đại để thực hiện các cuộc tấn công nhanh với độ chính xác cao. Đối lập với hình ảnh này là chiến lược quân sự truyền thống “biển người” đã tỏ rõ sự lỗi thời của Trung Quốc. Việc sử dụng bộ binh dựa vào số đông đã hoàn toàn lép vế khi thế giới bước vào giai đoạn vũ khí hiện đại công nghệ cao. Điều đó càng thúc ép Bắc Kinh xây dựng một chiến lược quân sự mới trong giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh.

Ngay từ đầu những năm 1990, trường Đại học Quốc phòng Trung Quốc đã sử dụng các tài liệu mới trong giảng dạy chiến lược cho các quan chức quân đội.1 Các tài liệu đó sau này được biên tập, phát triển, và xuất bản thành cuốn “Khoa học Chiến lược quân sự” vào năm 1999. Năm 2005, cuốn sách này đã được xuất bản bằng tiếng Anh, khẳng định hơn nữa việc Trung Quốc công khai với thế giới về những thay đổi Chiến lược Quốc phòng. Điểm nổi bật nhất trong thay đổi của Trung Quốc là chuyển trọng tâm tập trung từ bộ binh sang tác chiến phối hợp giữa hải, không quân và chiến tranh điện tử.[1]

Xu hướng này tiếp tục trong những năm đầu thế kỷ 21 và diễn ra sâu rộng hơn. Từ năm 2000, cứ hai năm một lần, Bắc Kinh xuất bản Sách trắng Quốc phòng, trong đó công bố các đường hướng chiến lược quân sự chính của Trung Quốc. Sách trắng xuất bản năm 2004 ghi rõ: Trong khi tiếp tục đề cao việc xây dựng Lục quân, Quân đội giải phóng Nhân dân Trung Hoa ưu tiên phát triển Hải quân, Không quân, và lực lượng Chiến lược để tăng cường năng lực chiến đấu và quyền làm chủ trên biển và trên không.[2] Việc công bố chiến lược làm chủ trên biển trên một tài liệu chính thống cấp cao như vậy khẳng định biển đã trở thành yếu tố quan trọng trong chiến lược quân sự của Trung Quốc.

Biển trong chiến lược hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc

Hai trong số các ưu tiên chiến lược của quá trình hiện đại hóa quân sự Trung Quốc là Không quân - Quân sự Vũ trụ và Hải quân. Từ năm 2004, Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc đã chính thức hóa học thuyết tác chiến quân sự kết hợp giữa không quân với lực lượng quân sự vũ trụ. Do vậy, hai lĩnh vực không quân và quân sự vũ trụ có thể gộp chung khi nghiên cứu, bao gồm nghiên cứu các ngành/lĩnh vực chủ yếu như vệ tinh, ra-đa, máy bay chiến đấu, và tên lửa (gọi tắt là ngành hàng không vũ trụ phục vụ quân sự).

Chiến lược Hàng không vũ trụ (HKVT) của Trung Quốc

Ngành công nghiệp HKVT quân sự của Trung Quốc được Đặng Tiểu Bình sớm đặt mục tiêu phát triển sau khi trở lại cầm quyền từ cuối thập kỷ 1970. Trong giai đoạn đầu, Trung Quốc nhanh chóng sản xuất được tổng số trên 12 ngàn máy bay thuộc 25 loại khác nhau trong các nhóm chính: máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, máy bay tiêm kích, máy bay vận tải, trực thăng và các máy bay chuyên dụng khác. Hàng chục ngàn cán bộ, kỹ sư, kỹ thuật viên chuyên môn được đào tạo, nhiều cơ sở nghiên cứu HKVT được thiết lập. Nhiều chuyên gia HKVT hàng đầu của Trung Quốc đã được đào tạo từ giai đoạn này.[3]

Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, Trung Quốc chú trọng đến số lượng hơn là chất lượng. Chỉ đến khi chứng kiến các chiến dịch quân sự của Mỹ sau Chiến tranh Lạnh, như cuộc tấn công dựa trên công nghệ cao ở I-rắc năm 1991, Bắc Kinh mới thực sự tỉnh ngộ, thay đổi chiến lược quân sự của mình. Năm 1991, Giáo sư Lí Đại Quang (Li Daguang) của Đại học Quốc phòng Trung Quốc cho rằng, do sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, kiểm soát không gian là nhân tố quyết định trong các cuộc chiến tranh hiện đại.[4] Sau đó, giới chiến lược quân sự Trung Quốc cũng tin rằng chiến tranh không gian sẽ là tâm điểm trong các cuộc chiến không giáp mặt trong tương lai. Một tướng cao cấp trong Quân đội Trung Quốc năm 2007 từng lên báo khẳng định, không gian sẽ không còn là một môi trường hòa bình mà sẽ bị vũ trang hóa trong tương lai rất gần.[5]

Ngoài ý nghĩa quân sự, phát triển HKVT cũng có ý nghĩa chính trị và kinh tế đối với Trung Quốc. Ngành HKVT phát triển sẽ đem lại vị thế cường quốc mới cho Trung Quốc, vì chỉ có một số ít quốc gia có khả năng phát triển lĩnh vực này. Điều đó khẳng định hệ thống chính trị Trung Quốc hiện tại có đủ khả năng lãnh đạo đất nước tiến vào thời kỳ công nghệ hiện đại. Về kinh tế, ngành HKVT phát triển sẽ hỗ trợ được nhiều ngành nghề khác như quy hoạch đất đai, phóng vệ tinh thương mại, cảnh báo thảm họa sớm và dự báo thời tiết; giúp nền kinh tế Trung Quốc hoạt động hiệu quả hơn.

Những thay đổi về tư duy như thế thúc đẩy Trung Quốc đầu tư mạnh hơn nữa vào HKVT. Nhiều dự án nghiên cứu lớn như Chương trình 126, Chương trình 863 và Chương trình 998 những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 được tổ chức nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, và ứng dụng các vũ khí chiến lược, những vũ khí hủy diệt thần tốc trong chiến lược quốc phòng của Trung Quốc.[6]

Hiện đại hóa Hải quân của Trung Quốc

Quá trình hiện đại hóa Hải quân Trung Quốc được tiến hành theo hai hướng chính: phát triển năng lực tàu ngầm và năng lực tàu sân bay.

Tàu ngầm gồm hai nhóm chính là nhóm tàu ngầm tấn công (SSN) và nhóm tàu ngầm chiến lược (SSBN). Tàu ngầm tấn công dùng để tấn công các tàu bè và cơ sở vật chất của đối phương trên bờ. Đây là một vũ khí quan trọng trong chiến lược chống tiếp cận (A2/AD) của Trung Quốc.[7] Trong khi đó, tàu ngầm chiến lược mang đầu đạn hạt nhân, thường cố gắng ẩn mình để không bị phát hiện và bị tấn công, đóng vai trò răn đe hạt nhân đối với các nước khác. Loại tàu này đóng vai trò răn đe quan trọng, vì các cơ sở phóng tên lửa trên mặt đất thường dễ bị theo dõi và phá hủy ngay từ đầu nếu có chiến tranh xảy ra. Ngược lại, do tàu ngầm thay đổi vị trí liên tục và nằm sâu trong lòng biển nên việc theo dõi và chống đỡ các cuộc tấn công từ nó khó khăn hơn nhiều.

Trung Quốc sở hữu những tàu ngầm đầu tiên từ đầu những năm 1950, khi mua được bốn tàu ngầm đã qua sử dụng của Liên Xô. Từ năm 1958, nước này đã thông qua kế hoạch tự thiết kế và xây dựng tàu ngầm của riêng mình.[8] Hiện nay, Trung Quốc có khoảng 70 tàu ngầm đóng tại 3 hạm đội: Hạm đội Biển Bắc, Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Biển Đông (Nam Hải). Trong số đó, có 4 tàu ngầm chiến lược và 66 tàu ngầm tấn công.[9]

Bên cạnh tàu ngầm, Trung Quốc cũng theo đuổi chương trình xây dựng đội tàu sân bay rất tham vọng. Về mặt quân sự, tàu sân bay góp phần mở rộng đáng kể tầm tác chiến của không quân. Về ý nghĩa chính trị, xây dựng tàu sân bay còn là biểu tượng của một cường quốc hàng đầu thế giới, góp phần thúc đẩy sức mạnh tổng thể của một quốc gia.

Từ khi còn là Tổng tư lệnh Hải quân Trung Quốc năm 1982, Đô đốc Lưu Hoa Thanh (Liu Huaqing), sau này trở thành Phó Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương và là quân nhân cuối cùng là thành viên Bộ Chính trị Trung Quốc, đã khởi động chương trình nghiên cứu xây dựng tàu sân bay. Năm 1997, ông đã viết bài trên báo Hải quân Trung Quốc, khẳng định rằng nước này cần có các tàu sân bay để bảo vệ chủ quyền và tài nguyên biển.[10]

Năm 1998, Trung Quốc mua được con tàu đang đóng dở của U-crai-na - tàu Varyag. Con tàu này được đưa về cảng Đại Liên năm 2002. Sau hơn 10 năm sửa chữa và bổ sung, năm 2011 tàu Varyag đã hoàn thiện và trở thành tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc với tên gọi Liêu Ninh. Kể từ đó, tàu Liêu Ninh đã được chạy thử và diễn tập nhiều lần. Hiện nay, quân đội Trung Quốc đã thành công trong việc thử nghiệm cất - hạ cánh của máy bay chiến đấu J-15 từ tàu Liêu Ninh.

Việc đóng tàu Liêu Ninh chỉ là bước đầu trong kế hoạch tàu sân bay của Trung Quốc. Một số nguồn tin cho rằng Bắc Kinh đang đóng tiếp 2 tàu sân bay, có khả năng sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động trong 15 năm tới.[11] Một tướng quân đội Trung Quốc đánh giá, nước này cần có 3 đến 5 tàu sân bay để hiện thực hóa tham vọng trên biển của mình.[12] Ước đoán này cũng phù hợp với các tính toán của Mỹ, khi cho rằng để có 1 đến 2 tàu sân bay sẵn sàng hoạt động bất kỳ lúc nào, Trung Quốc cần khoảng 5 tàu sân bay cùng đội tàu đi kèm.

Sức mạnh quân sự gia tăng, Trung Quốc quyết đoán ở Biển Đông

Đô đốc Robert Willard, Chỉ huy lực lượng Thái Bình Dương của Mỹ từng nhận xét, trong thập kỷ qua, sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã phát triển vượt mọi dự đoán tình báo trước đó của Mỹ, ở mức chưa có tiền lệ trong lịch sử.[13] Sở hữu sức mạnh Hải quân, Không quân và ngành quân sự vũ trụ vượt trội, trong đó có tàu sân bay, tàu ngầm, các tàu chiến hiện đại, và các thiết bị vệ tinh, ra-đa theo dõi tàu thuyền tạo ra ưu thế lớn cho Trung Quốc đối với các nước láng giềng, đồng thời tạo chiến lược chống tiếp cận (A2/AD) đối với tàu chiến Mỹ trong trường hợp xung đột leo thang.

Trong quá khứ, không ít thời điểm Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh quân sự để uy hiếp hoặc chiếm đoạt các đảo, đá của các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, một trong những lý do quan trọng khiến Bắc Kinh còn dè chừng, đó chính là khả năng hạn chế của lực lượng vũ trang, đặc biệt không quân. Theo nghiên cứu của hai học giả Andrew Erickson và Gabe Collin thì Đô đốc Chen Weiwen, người giữ vị trí chỉ huy lực lượng Trung Quốc đánh chiếm bãi Johnson South (Gạc Ma) của Việt Nam năm 1988 đánh giá, trong cuộc tấn công này, phía Trung Quốc không sợ các tàu chiến của Việt Nam mà sợ các máy bay chiến đấu, bởi trong thời điểm đó, không quân Trung Quốc khó lòng hỗ trợ. Chiến đấu cơ Trung Quốc nếu bay từ căn cứ gần nhất là đảo Hải Nam thì cũng chỉ có khoảng 5 phút tham chiến trước khi phải quay về vì hết xăng. Vì thế, Trung Quốc rất thèm muốn sở hữu tàu sân bay để tăng cường khả năng kiểm soát trên không trong trường hợp có chiến sự.[14]

Điều đó khẳng định việc mở rộng kiểm soát không trung có yếu tố sống còn hỗ trợ cho lực lượng hải quân trong tham vọng trên biển của Bắc Kinh. Một chuyên gia hải quân Trung Quốc, ông Lý Kiệt (Li Jie), nhận định khi tàu sân bay Liêu Ninh được khánh thành rằng tàu sân bay sẽ đóng vai trò quan trọng đối với Bắc Kinh trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên biển và bảo vệ các quyền và lợi ích trên biển của Trung Quốc.[15]

HKVT tăng cường năng lực kiểm soát biển

Với quyết tâm hiện đại hóa, ngành Hàng không vũ trụ Trung Quốc trong cả lĩnh vực quân sự và dân sự đã có bước phát triển vượt bậc từ đầu thế kỷ 21. Những thành tựu công nghệ ra-đa vượt đường chân trời (over-the-horizon - OTH), hiện do Không quân Trung Quốc quản lý, cho phép phát hiện mục tiêu ở khoảng cách từ 1000 đến 4000 km.[16]

Bên cạnh đó, hệ thống vệ tinh phức tạp và hệ thống định vị toàn cầu góp phần tăng cường năng lực của Trung Quốc trong việc theo dõi tàu thuyền trên biển khơi với độ chính xác cao. Hệ thống vệ tinh được Bắc Kinh đầu tư phát triển với tốc độ nhanh chóng trong thập kỷ qua. Năm 2000, Trung Quốc mới phóng vệ tinh đầu tiên có khả năng cung cấp các ảnh phục vụ quân đội, truyền trực tiếp ảnh đến các trạm mặt đất. Đến năm 2006, Trung Quốc phóng thành công Yaogan-1, vệ tinh ra-đa hoạt động trong không gian đầu tiên của nước này. Kể từ đó, các vệ tinh tương tự liên tục được Bắc Kinh đưa lên quỹ đạo, đặc biệt từ năm 2008. Tính tổng, từ năm 2000 đến nay, Trung Quốc đã phóng 32 vệ tinh do thám có thể sử dụng cho mục đích quân sự, trong số đó, khoảng 15-17 vệ tinh vẫn đang hoạt động trên quỹ đạo, cho phép Trung Quốc tăng cường thông tin chiến lược cũng như các khả năng tác chiến cụ thể.[17] Ít nhất 13 vệ tinh Yaogan đã được phóng lên quỹ đạo cho đến nay, tạo thành hệ thống giám sát điện tử đầu tiên của Trung Quốc. Hệ thống này được phát triển tương tự như hệ thống Giám sát Biển NOSS của Mỹ. NOSS cho phép phát hiện và xác định các loại tàu thuyền trên biển và các thông số chi tiết quan trọng khác của các tàu đó như vị trí, tốc độ di chuyển, hướng di chuyển, cỡ tàu và thậm chí trạng thái của các trang thiết bị điện tử có trên tàu.[18]

Một thành tựu đáng kể khác của ngành công nghiệp vệ tinh Trung Quốc là hệ thống định vị toàn cầu Beidou-2. Hệ thống này được bắt đầu phát triển từ năm 1999 và dự kiến sẽ hoàn thành năm 2020 với tổng cộng 35 vệ tinh. Cho đến nay, chỉ có một số ít nước và khu vực có trình độ phát triển cao như Mỹ, EU, và Nga mới sở hữu được các hệ thống định vị toàn cầu. Beidou-2 được sử dụng cho cả các mục đích dân sự và quân sự, có khả năng định vị và dẫn đường chính xác.[19] Nhiều tàu của lực lượng Hải giám Trung Quốc đã được trang bị hệ thống giám sát và truyền tin hiện đại, bao gồm cả dịch vụ định vị toàn cầu của Beidou, giúp lực lượng chấp pháp Trung Quốc dễ dàng theo dõi vị trí của những tàu cá Trung Quốc được trang bị thiết bị định vị đầu cuối nhỏ gọn, vì thế có thể hỗ trợ và can thiệp nhanh chóng khi tàu cá yêu cầu.[20] Điều này góp phần giải thích tại sao lực lượng chấp pháp Trung Quốc trong rất nhiều trường hợp gần đây có khả năng phản ứng nhanh với các tình huống khẩn cấp trên biển của tàu cá như vậy, đặc biệt khi các tàu cá Trung Quốc đối mặt với các tàu chấp pháp nước khác ở khu vực tranh chấp.

Kiểm soát không trung, Trung Quốc tăng cường khả năng răn đe trên biển

Ngoài khả năng theo dõi các diễn biến trên biển dựa vào sự phát triển của hệ thống ra-đa, vệ tinh, và định vị toàn cầu, sự phát triển của lực lượng HKVT quân sự của Trung Quốc còn góp phần quan trọng vào năng lực kiểm soát biển khơi của Trung Quốc trên hai khía cạnh chủ yếu: (1) Mở rộng tầm kiểm soát trên không, và (2) phát triển hệ thống chống tiếp cận trên biển (A2/AD).

Với chương trình hiện đại hóa quốc phòng, hiện không quân Trung Quốc đã có tầm hoạt động rộng hơn, tăng cường khả năng kiểm soát trên không của Bắc Kinh trong các hoạt động quân sự xa đất liền. Hiện tại, nước này đã có một số máy bay tiếp liệu H-6U và máy bay chiến đấu có khả năng tiếp liệu trên không.[21] Hoạt động tiếp liệu trên không cho phép Trung Quốc tiến hành các chiến dịch không quân ngoài khơi xa hơn trong trường hợp có xung đột. Tuy nhiều máy bay chiến đấu hiện đại của Trung Quốc như SU-30 do Nga sản xuất chưa tương thích với H-6U, và lượng dầu mỗi máy bay H-6U có thể tiếp chỉ khoảng gần 17.000 lít, thấp hơn nhiều mức 36 - 45.000 lít như kỳ vọng,[22] nhưng với đầu tư của Bắc Kinh cho quốc phòng lớn như hiện nay, khả năng không quân Trung Quốc sẽ còn có những bước tiến dài trong những năm tới đây.

Bên cạnh lực lượng Không quân, Trung Quốc còn có các đơn vị Không quân riêng của lực lượng Hải quân. Đơn vị này được thành lập từ năm 1950 với nhiệm vụ hỗ trợ các hoạt động của hải quân trên biển. Chính lực lượng này đã tham gia các hoạt động vũ lực của quân đội Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa trong những năm 1970 và 1980.[23] Hiện nay, lực lượng này có hơn 330 máy bay chiến đấu, hơn 100 trực thăng, một số máy bay ném bom, và một số máy bay không người lái hiện đại.[24]

Tầm kiểm soát trên không xa hơn góp phần quan trọng khiến Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn trong những xung đột trên biển. Một trong những lý do trước đây Trung Quốc không dám sử dụng vũ lực để chiếm Trường Sa vì quần đảo này nằm rất xa Trung Quốc so với các bên tranh chấp khác. Nếu xung đột xảy ra trên biển, Bắc Kinh không có khả năng phản ứng nhanh và hỗ trợ trên không.[25] Ngày nay, khi tầm tác chiến trên không được mở rộng, Trung Quốc lại trở lại với tham vọng độc chiếm biển Đông ngày một rõ ràng hơn. Dù vậy, tiếp liệu trên không cho các hoạt động kéo dài của máy bay chiến đấu là công việc rất phức tạp mà Trung Quốc chưa hề có kinh nghiệm thực tế chiến trường. Vì thế, khả năng hỗ trợ thực sự của không quân đối với hải quân nếu có xung đột xảy ra trên vùng biển xa vẫn là câu hỏi lớn. Điều đó cho thấy, các hoạt động mở rộng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở khu vực Trường Sa, cho phép máy bay có thể cất và hạ cánh là vấn đề hết sức nghiêm trọng, tạo bàn đạp quân sự vững chắc cho tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Bên cạnh mở rộng tầm tác chiến trên không, Trung Quốc cũng phát triển hệ thống vũ khí răn đe để ngăn ngừa sự tham gia của các cường quốc khác, đặc biệt Mỹ, trong trường hợp xảy ra xung đột trên biển. Tên lửa chống tàu tầm xa Dong-Feng (DF21-D) là một ví dụ điển hình. Loại tên lửa này được công bố từ năm 2009, sử dụng hệ thống dẫn đường hiện đại để tấn công các tàu chiến khi chúng còn cách xa Trung Quốc. Theo lý thuyết thì chỉ cần một tên lửa DF-21D, với sức nặng 600kg, là đủ để phá hủy hoàn toàn một tàu sân bay. Phía Trung Quốc nói DF-21D có khả năng tấn công tàu ở khoảng cách 2.700 km sau khi được phóng từ bờ. Tuy nhiên, phía Mỹ ước đoán khoảng cách này chỉ ở mức 1.500km.[26] Chính công nghệ ra-đa và vệ tinh Trung Quốc xây dựng được tích hợp trong thành tố dẫn đường cho tên lửa. Điều đáng lưu ý là, dù mức độ chính xác của tên lửa này cũng chưa được kiểm chứng, Dong-Feng DF-21D là tên lửa chống tàu tầm xa đầu tiên trên thế giới có khả năng tấn công tàu sân bay đang hoạt động trên biển từ các bệ phóng di động trên đất liền.

Nhìn rộng hơn nữa, các loại vũ khí tầm xa và vũ khí không gian của Trung Quốc là thách thức lớn đối với các cường quốc khác. Tháng 1/2007, Bắc Kinh phóng một tên lửa phá hủy một vệ tinh thời tiết với lý do vệ tinh này đã hết hạn sử dụng. Vụ thử vũ khí thành công này khiến các cường quốc giật mình. Trung Quốc đã chính thức sở hữu vũ khí chống vệ tinh (ASAT), khiến các vệ tinh nước ngoài, dù phục vụ mục đích quân sự hay dân sự, không còn an toàn nếu có xung đột xảy ra liên quan tới Trung Quốc. Vệ tinh là nguồn cung cấp thông tin chính xác tối quan trọng cho nhiều hoạt động thương mại và quân sự. Một khi vệ tinh bị tấn công, thiệt hại kinh tế và quốc phòng đối với quốc gia sở hữu là rất lớn. Thành công trong việc phát triển vũ khí chống vệ tinh vì thế nâng cao vị thế của Trung Quốc trong quan hệ với các cường quốc khác, đặc biệt với Mỹ.

Hiện đại hóa quân đội và nhu cầu chiếm Biển Đông

Quá trình hiện đại hóa quốc phòng cho phép Trung Quốc tăng cường năng lực răn đe và kiểm soát trên biển. Ngược lại, một trong những tiền đề quan trọng phục vụ việc hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc, cả không quân và hải quân, là khả năng kiểm soát trên biển Đông.

Biển Đông: lá chắn chương trình không gian của Trung Quốc

Phát triển khoa học HKVT phục vụ mục đích thương mại và quân sự là một ưu tiên chiến lược quan trọng đối với Trung Quốc. Vì thế, trong những năm qua, Bắc Kinh đã xây dựng thêm một trung tâm phóng vệ tinh lớn thuộc Công viên HKVT tại đảo Hải Nam. Trước khi xây dựng trung tâm này, Trung Quốc có ba trung tâm khác đặt ở Tửu Tuyền, Tây Xương và Thái Nguyên (Jiuquan, Xichang, và Taiyuan), đều nằm sâu trong đất liền.[27] Trung tâm phóng vệ tinh Wenchang (WSLC) đặt tại đảo Hải Nam là trung tâm lớn và hiện đại nhất hiện nay, được xây dựng từ năm 2007 và mới hoàn thành giữa năm 2014.[28]

WSLC có hai ưu điểm kỹ thuật lớn mà các trung tâm trước đây của Trung Quốc không có. Thứ nhất, khu vực này nằm ở vùng vĩ độ thấp (khoảng 19 độ vĩ độ Bắc), cho phép phóng các thiết bị nặng hơn 7,4% so với các trung tâm đang có. Vì thế, WSLC được dùng để phóng các vệ tinh cỡ lớn, ví dụ như các bộ phận lớn của trạm không gian, hay các chương trình lên mặt trăng hoặc các hành tinh khác. Điều này là tối quan trọng cho chương trình không gian mang theo người của Trung Quốc. Thứ hai, vì WSLC nằm ở gần cảng biển, các thiết bị phóng sẽ được vận chuyển đến đây bằng tàu biển. Điều này giúp việc vận chuyển các lõi đẩy thế hệ mới có kích cỡ lớn của Trung Quốc dễ dàng và an toàn hơn nhiều so với vận chuyển bằng đường sắt khổ hẹp trên đất liền của Trung Quốc như hiện nay.[29]

Điểm yếu lớn nhất của WSLC chính là việc nó nằm ở Hải Nam, rất dễ bị theo dõi hoặc tấn công từ biển. Cách duy nhất để hạn chế điểm yếu này là kiểm soát toàn bộ Biển Đông và không cho phép các tàu và máy bay do thám nước ngoài tiếp cận khu vực. Điều này cũng phần nào giải thích lý do Trung Quốc phản ứng rất mạnh với các chương trình do thám trên không và trên biển của Mỹ xung quanh đảo Hải Nam trong những năm qua.

Biển Đông: Tương lai của hải quân Trung Quốc

Một lý do tối quan trọng khiến Biển Đông có ý nghĩa sống còn đối với hải quân hiện đại của Trung Quốc là vị trí chiến lược và cấu tạo địa lý đặc biệt của nó mà không vùng biển nào khác tiếp giáp với Trung Quốc có được. Trung Quốc giáp với ba biển chính là Hoàng Hải, Đông Hải và Biển Đông (Nam Hải – theo cách gọi của Trung Quốc). Trên thực tế, Hoàng Hải là một phần phía bắc của Đông Hải, nằm kẹp trong đất liền. Vì thế, Trung Quốc chỉ có thể tiếp cận biển xa qua Đông Hải và Biển Đông.

Về yếu tố địa chính trị, Đông Hải bị chặn bởi bán đảo Triều Tiên ở phía Bắc, chuỗi đảo Ryukyu của Nhật ở phía Tây và Đài Loan ở phía Nam. Cả Hàn Quốc, Nhật Bản, và Đài Loan đều là những đồng minh thân cận của Mỹ và sở hữu năng lực hải quân hiện đại, và đều rất nhạy cảm với những phát triển của Hải quân Trung Quốc. Ở Biển Đông, các nước Đông Nam Á tiếp giáp biển cũng nhạy cảm với quá trình hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc, nhưng yếu hơn nhiều so với Nhật Bản, Hàn Quốc, và Đài Loan cả về kinh tế và quân sự. Hơn nữa, sau năm 1992, Mỹ đóng cửa hai căn cứ quân sự tại Phi-líp-pin, trong khi Liên Xô tan rã, khiến ảnh hưởng của các nước lớn ngoài khu vực giảm sút rõ rệt. Vì thế, sự mở rộng hoạt động của Hải quân của Trung Quốc ở Biển Đông ít vấp phải sự phản đối mạnh mẽ hơn.

Về đặc điểm địa lý, Biển Đông là vùng biển tiếp giáp Trung Quốc duy nhất phù hợp cho sự phát triển của tương lai Hải quân Trung Quốc, bao gồm hệ thống tàu ngầm chiến lược, tàu sân bay, và các tàu chiến cỡ lớn khác. Đông Hải quá nhỏ và nông cho sự phát triển quy mô lớn của hải quân. Những nghiên cứu của cơ quan quản lý Biển và Khí hậu của Mỹ (NOAA) cho thấy, có tới 70% Đông Hải (bao gồm cả Hoàng Hải) có độ sâu dưới 200 mét, và độ sâu trung bình của vùng biển này chỉ đạt 350 mét. Khu vực sâu hơn ở Hoàng Hải, từ 200 đến 1000 mét nằm ở phía Tây và Nam, chạy dọc theo chuỗi đảo Ryukyu của Nhật. Vùng sâu nhất là khoảng 2.700 mét, nằm kẹt giữa chuỗi đảo Ryukyu và Senkaku (Điếu Ngư) cũng do Nhật Bản kiểm soát.[30] Trong khi đó, Nhật bản và Mỹ sở hữu các trang thiết bị và công nghệ săn ngầm hiện đại, gồm máy bay, hệ thống ra-đa, vệ tinh, máy bay v.v... Tháng 3/2013, lực lượng phòng vệ Biển Nhật Bản đã tiếp nhận 2 máy bay săn ngầm P-1 trong tổng số dự kiến 70 máy bay săn ngầm loại này để thay thế máy bay săn ngầm P-3C do Mỹ sản xuất. P-1 và P-8A Poseidon do Mỹ sản xuất là hai loại máy bay săn ngầm thế hệ mới, được trang bị công nghệ tối tân hàng đầu thế giới và có tầm hoạt động xa với tốc độ nhanh hơn. Một nghiên cứu gần đây thậm chí còn cho rằng các tàu ngầm tấn công của Mỹ không cần thiết phải theo sát tàu ngầm chiến lược Trung Quốc. Chỉ cần xác định tương đối khu vực hoạt động của tàu ngầm chiến lược Trung Quốc, họ có thể vô hiệu hóa các tên lửa đạn đạo phóng lên từ tàu ngầm này.[31] Điều đó có nghĩa sức mạnh răn đe của tàu ngầm chiến lược Trung Quốc bị hạn chế nhiều khi dễ dàng bị theo dõi khi ra vào biển Đông Hải.

Để so sánh, Biển Đông có diện tích khoảng gần 3,7 triệu km2, rộng gấp ba lần Đông Hải. Về độ sâu, biển Đông có độ sâu trung bình hơn 1.200m. Một khu vực bằng phẳng và rộng có độ sâu trung bình 4.500m. Vùng sâu nhất ở biển Đông thuộc rãnh Manila (Manila Trench) có độ sâu 5.377m.[32] Với độ sâu và vùng nước rộng lớn, Biển Đông là nơi đặc biệt thuận lợi cho các tàu ngầm chiến lược của Trung Quốc ra vào và ẩn náu, tránh sự truy tìm của các trang thiết bị săn ngầm nước ngoài.[33] Là một khu vực rộng lớn, đây sẽ là nơi lý tưởng cho các hoạt động của các tàu sân bay - vốn là những tàu chiến lớn và nặng nhất trên thế giới, và thường được hộ tống bởi một đội trên dưới 10 tàu khác nhau trong các cuộc tập luyện cũng như tác chiến. Một đội tàu như thế thường cần có một khu vực rộng lớn để tổ chức huấn luyện và diễn tập. Hiện nay, Trung Quốc mới chỉ có một tàu sân bay Liêu Ninh duy nhất, có căn cứ ở cảng Đại Liên ở Hoàng Hải. Vì thế, vấn đề hoạt động của tàu sân bay chưa thực sự cấp thiết. Tuy nhiên, theo kế hoạch đội tàu sân bay của Trung Quốc có thêm một số tàu nữa trong những thập kỷ tới, khi đó Đông Hải sẽ trở nên quá chật chội cho tất cả đội tàu này. Đó là lý do khiến Biển Đông phù hợp hơn rất nhiều so với Đông Hải trong việc trở thành căn cứ chính cho tương lai phát triển của Hải quân Trung Quốc.

Việc Trung Quốc xây dựng căn cứ tàu ngầm Du Lâm lớn và hiện đại trên đảo Hải Nam với những hang ngầm trong núi cho phép tàu ngầm tránh các cuộc tấn công từ bên ngoài càng khẳng định ý đồ xây dựng lực lượng quân sự mạnh trên Biển Đông của Trung Quốc. Nhiều va chạm giữa các tàu/máy bay do thám Mỹ với lực lượng của Trung Quốc trên Biển Đông, như vụ EP-3 năm 2001 hay vụ Impeccable năm 2009 là bằng chứng nữa về quyết tâm của Trung Quốc loại bỏ các hoạt động do thám của nước ngoài trên biển Đông.[34] Với việc xây dựng các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa từ nửa đầu năm 2014, trong đó có xây dựng các cơ sở quân sự và tiếp liệu, ý đồ từng bước thâu tóm quyền kiểm soát toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc để phát triển lực lượng quân sự trên vùng biển này ngày càng lộ rõ.

Kết luận

Biển Đông có vai trò ngày càng quan trọng cho tương lai phát triển của Trung Quốc trên cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, chiến lược, quân sự, và an ninh. Trong đó, yếu tố chiến lược quân sự đóng vai trò đặc biệt quan trọng chi phối chính sách của Trung Quốc trong những năm gần đây. Mối quan hệ hai chiều đó có thể được diễn giải theo sơ đồ như sau:

  

Việc kiểm soát Biển Đông đóng vai trò tiên quyết cho tương lai phát triển và hiện đại hóa của hải quân và ngành hàng không vũ trụ của Trung Quốc. Nói cách khác, vai trò chiến lược của Biển Đông đối với Trung Quốc đã gia tăng cùng với quá trình hiện đại hóa của quân đội nước này. Ngược lại, nhờ tăng cường sức mạnh hải - không quân và ngành hàng không vũ trụ, trong đó có quân sự vũ trụ, Trung Quốc đã tăng cường khả năng răn đe và kiểm soát trên biển. Điều đó cho phép Bắc Kinh quyết đoán hơn trong các tình huống căng thẳng trên Biển Đông./.

Tác giả TS. Hà Anh Tuấn là Cán bộ nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao. Những quan điểm nêu trong bài là của riêng tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của cơ quan nơi tác giả công tác. Bài viết được đăng lần đầu tiên trên Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế số 1 (100), tháng 3/2015.

 



1 Taylor Fravel. (2005). “The evolution of China's military strategy: Comparing the 1987 and 1999 editions of Zhanluexue”, trong: James Mulvenon & David Finkelstein (Eds.), China's revolution in dotrinal affairs: Emerging trend in the operational art of the Chinese People's Liberation Army, The CNA Corporation.

[1] David M. Finkelstein (2007). “China's national military strategy: An overview of the ‘military strategic guidelines’”, trong: Roy Kamphausen & Andrew Scobell (Eds.), Right sizing the People's Liberation Army: Exploring the contours of China's military. Strategic Studies Institute, US Army War College.

[2] Xinhua (2004, 27/12). China's national defense in 2004.

[3] Deba R. Mohanty (2000). “The dragon flying high? Examining China's aerospace industry: The Deng Era”. Strategic Analysis, 24(1), 17-30.

[4] Li Daguang. (2001). Space warfare (太空). Beijing: Military Science Press. (tr.375-376)

[5] Chinese colonel sees arms in space, The Washington Times, 2007, 26th January.

[6] Ashley. J. Tellis (2007). “China’s military space strategy”. Survival, 49(3), tr. 51.

[7] Ronal O'Rourke (2012). China naval modernization: Implications for US navy capabilities, US Congressional Research Service, tr.4.

[8] John W. Lewis and Xue Litai (1994). China's strategic seapower: The politics of force modernization in the nuclear age, California, CA: Stanford University Press.

[9] IISS. (2014). Chapter Six: Asia. The Military Balance, 114(1), tr.235.

[10] Ian Storey & You Ji (2004), “China's aircraft carrier ambitions: Seeking truth from rumors”,  Naval War College Review, LVII(1), tr.78.

[11] Bonnie S. Glaser & Brittany Billingsley (2011). Is China’s aircraft carrier a threat to US interests?, CSIS.

[12] Xinhua. (2012, 31/7). Three to five aircraft carrier battle groups is justified.

[13] Bill Gertz. (2009, 5/11). Inside the ring: China estimate war. The Washington Times.

[14] Andrew Erickson & Gabe Collins. (2012). Introducing the ‘Liaoning’: China’s new aircraft carrier and what it means. The Wall Street Journal, tr. 14.

[15] Sđd

[16] Mark A. Stokes & Ian Easton. (2011). ‘Evolving Chinese aerospace trends: Regional maritime implications’, trong A. S. Erickson & L. Goldstein (Eds.), Chinese aerospace power: Evolving maritime roles, Annapolis, MD: Naval Institute Press. (Stokes & Easton 2011, tr. 29).

[17] Eric Hagt & Matthew Durnin. (2011), “Space, China's tactical frontier”, Journal of Strategic Studies, 34(5), tr. 733-761.

[18] Easton, I., & Stokes, M. A. (2011). “China’s electronic intelligence satellite developments: Implications for U.S. air and naval operations”, tr. 2,3,12.

[19] Eric Hagt & Matthew Durnin. (2011) sđd, tr. 734; USCC (2012). Report to the Congress of the US-China Economic and Security Review Commission, Washington: US-China Economic and Security Review Commission, November.

[20] USCC (2012). Report to the Congress of the US-China Economic and Security Review Commission, Washington: US-China Economic and Security Review Commission, November (tr.227).

[21] IISS (2014) (sđd) tr.235; “Phillip C. Saunders & Erik R. Quam. (2007). China’s air force modernization”. Joint Force Quarterly (47). Số liệu có đôi chút khác nhau giữa các tài liệu nghiên cứu. Không có con số chính xác về số máy bay tiếp liệu trên không của Trung Quốc. Tuy nhiên, con số ước tính khoảng dưới 10.

[22] Phillip C. Saunders & Joshua K. Wiseman. (2012). “China’s quest for advanced aviation technologies”, trong R. Hallion, R. Cliff & P. C. Saunders (Eds.), The Chinese air force: evolving concepts, roles, and capabilities (Chg. xxviii, tr. 394 ). Washington DC, National Defense University Press, tr. 313.

[23] Bruce Elleman. (2009). “Maritime territorial disputes and their impact on maritime strategy: A historical perspective”, trong S. Bateman & R. Emmers (Eds.), Security and international politics in the South China Sea: Towards a cooperative management regime (tr. 42-58), New York: Routledge.

[24] IISS (2014) sđd tr.235.

[25] Andrew Erickson & Gabe Collins. (2012). sđd.

[26] Ronal O'Rourke (2012) (sđd) tr.9; US Department of Defense (2011). Annual report to Congress: Military and security developments involving the People’s Republic of China 2011, tr.3.

[27] Mark A. Stokes & Dean Cheng. (2012). “China's evolving space capabilities: Implications for US interests”. Project 2049, tr.12-13.

[28] Zhao Lei (2014, September 11). “China completes construction of advanced space launch facility”, China Daily, tr. 5.

[29] The Nuclear Threat Initiative. (2012). “Hainan space launch center”. Truy cập tại website của Nuclear Threat Initiative: http://www.nti.org/facilities/882/

[30] Smith, W., & Sandwell, D. (1997). “Measured and estimated seafloor topography”. NOAA, US National Oceanic and Atmospheric Administration, (2008), East China Sea. Truy cập tại: http://www.pmel.noaa.gov/np/pages/seas/ecs.html

[31] Wu Riqiang. (2011). “Survivability of China's sea-based nuclear forces”. Science & Global Security, 19(2), tr.103-104.

[32] Brian Morton & Graham Blackmore (2001). “South China Sea”. Marine Pollution Bulletin, 42(12), 1236-1263. Tr. 1236-1237.

[33] Gurpreet S. Khurana. (2008). “China's new submarine base at Hainan: Analyses of recent media reports”. Strategic Analysis, 32(5), tr. 718.

[34] Vụ EP-3 năm 2001: Ngày 1/4/2001, máy bay do thám EP-3 của Hải quân Mỹ đã buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam sau khi va chạm với một máy bay của Không quân Trung Quốc. Vụ va chạm này xảy ra sau khi máy bay EP-3 bị hai máy bay chiến đấu cỡ nhỏ của Trung Quốc ngăn chặn khi đang hoạt động ở khoảng 70 dặm ngoài vùng trời Hải Nam. Vụ va chạm với 1 trong 2 máy bay nói trên làm viên phi công Trung Quốc thiệt mạng và buộc EP-3 phải hạ cánh khẩn cấp. 24 thành viên đội bay của EP-3 bị phía Trung Quốc giữ lại trong 11 ngày. Phía Trung Quốc phản ứng rất dữ dội về sự kiện này, đòi phía Mỹ phải xin lỗi chính thức và bồi thường 1 triệu đô la. Tuy nhiên, phía Mỹ chỉ gửi một bức thư ở cấp Đại sứ với lời lẽ đa nghĩa và trả 34.000 đô la với lý do chi phí ăn ở cho phi hành đoàn trong thời gian ở Hải Nam.

Vụ Impeccable năm 2009: Ngày 8/3/2009, tàu do thám đại dương Mỹ Impeccable, hay T-AGOS 23, trong khi đang hoạt động ở vùng nước cách đảo Hải Nam khoảng 75 dặm về phía Nam đã bị 5 tàu Trung Quốc can thiệp, trong đó có 3 tàu của các cơ quan chức năng và 2 tàu cá. Các tàu cá Trung Quốc tiếp cận rất gần tàu Mỹ, buộc tàu Mỹ phải chuyển hướng đột ngột để tránh va chạm. Sau đó, phía Mỹ đã phái tàu USS Chung-Hoon đến để bảo vệ và tàu Impeccable hoạt động bình thường trở lại.