30/09/2016
Sự gắn kết của ASEAN được “thử lửa” trước sự "tấn công” của Trung Quốc đối với những quốc gia ASEAN không liên quan trực tiếp tới tranh chấp về Biển Đông đã và đang nhận các khoản viện trợ "không hoàn lại" lớn từ Bắc Kinh.
Trung Quốc hay Mỹ sẽ giành chiến thắng trong “hiệp đấu” tranh giành ảnh hưởng trong Hiệp hội ASEAN gần đây về vấn đề Biển Đông? Tuyên bố chung của 10 nước thành viên ASEAN tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Lào vừa qua đã không đề cập tới phán quyết hồi tháng 7/2016 của Tòa Trọng tài ở La Hay (Hà Lan), trong đó bác bỏ yêu sách “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo một số nguồn tin đáng tin cậy tại Hội nghị lần này, giới chức Trung Quốc đã tìm cách ngăn ASEAN ra Tuyên bố chung, trong đó đề cập đến phán quyết của Tòa Trọng tài.
Những năm gần đây, các thỏa thuận của ASEAN trong các cuộc Hội nghị thượng đỉnh đều bị ảnh hưởng do căng thẳng leo thang trong việc tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông giữa Trung Quốc và các thành viên ASEAN. Căng thẳng không chỉ bao gồm những vấn đề giữa Trung Quốc với Philippines và Việt Nam, mà còn bao gồm Brunei, Malaysia và Indonesia. Sự gắn kết của hiệp hội cũng được “thử lửa” trước sự "tấn công" ảnh hưởng của Trung Quốc đối với những quốc gia ASEAN không liên quan trực tiếp tới tranh chấp về Biển Đông đã và đang nhận các khoản viện trợ "không hoàn lại" lớn từ Bắc Kinh. Trái lại, Mỹ khẳng định nước này ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài về tranh chấp Biển Đông và cho rằng quyết định này “mang tính ràng buộc”. Trên thực tế, Tòa Trọng tài thiếu cơ chế để thi hành phán quyết, trong khi các quan chức ngoại giao Trung Quốc "lớn tiếng" sử dụng những cụm từ như “trò hề”, “bất hợp pháp và không hợp lệ” hay “chỉ là trên giấy” để nói về phán quyết của Tòa Trọng tài. Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh tại Lào mới đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định phán quyết của Tòa Trọng tài “làm sáng tỏ quyền lợi biển trong khu vực. Tôi nhận thấy điều này làm gia tăng căng thẳng, nhưng mong muốn các bên cùng nhau thảo luận để giảm căng thẳng, đồng thời thúc đẩy các giải pháp ngoại giao và ổn định khu vực”.
Mặc dù ASEAN có thể đã “nhượng bộ” trước yêu cầu của Trung Quốc về việc không đề cập tới phán quyết của Tòa Trọng tài trong bất kỳ tuyên bố chung nào, nhưng đã có dấu hiệu cho thấy lập trường của tổ chức này bắt đầu cứng rắn hơn khi có các thông tin rằng Trung Quốc đang nhanh chóng quân sự hóa các đảo, rạn san hô ở Biển Đông. Một quan chức Mỹ, yêu cầu giấu tên, cho biết Trung Quốc đã cố gắng để ngăn chặn sự xuất hiện của các từ và cụm từ như “các hoạt động gần đây”, “quan ngại sâu sắc”, “cải tạo”, “quân sự hóa”, “mất lòng tin” và "cần tôn trọng quy định pháp luật”. Nhưng cuối cùng, tất cả các từ này đều được đưa vào Tuyên bố chung của ASEAN tại Lào. Về phía Mỹ, mặc dù quốc gia Bắc Mỹ này tuyên bố đã giành chiến thắng ngoại giao, nhưng các sự kiện "lùm xùm" khác xung quanh Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vừa qua đã cho thấy sự mất mát lớn mang tính chiến lược. Quan hệ giữa Mỹ và Philippines, một đồng minh quan trọng trong nỗ lực của Washington nhằm duy trì tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, đã bị lung lay sau khi Tổng thống Obama hủy bỏ một cuộc họp theo lịch trình với Tổng thống Rodrigo Duterte sau khi nhà lãnh đạo có tính khí thất thường này lăng mạ ông Obama và cảnh báo người đồng cấp Mỹ nếu còn giáo huấn về nhân quyền tại Philippines. Đến nay, ông Duterte đang có cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn với Trung Quốc. Điều này khiến nhiều người đồn đoán ông có thể hủy bỏ Thỏa thuận an ninh với Mỹ, vốn cho phép Washsington thiết lập các cơ sở quân sự ở 5 khu vực khác nhau tại Philippines. Thỏa thuận này đã được người tiền nhiệm Benigno Aquino nhiệt tình ủng hộ.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Thái Lan, đã từng được coi là một trong những mối quan hệ phát triển mạnh nhất ở châu Á thời gian qua, nhưng nay cũng đang “rã đám” bởi giờ đây, Bangkok đang dần ngả sang Trung Quốc. Trong một phát biểu trái hoàn toàn với thái độ trung lập lâu nay của Thái Lan về vấn đề Biển Đông, Người phát ngôn của Chính phủ Thái Lan, ông Weerachon Sukondhapatipak cho biết Thái Lan “ủng hộ các nỗ lực của Trung Quốc” trong việc “thúc đẩy hòa bình và ổn định" trên Biển Đông. Tuyên bố được đưa ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN chỉ vài giờ sau khi Philippines công bố các bức ảnh chụp nhiều tàu thuyền của Trung Quốc đang tập trung tại bãi cạn Scarborough trên Biển Đông. Bãi cạn Scarborough vốn là thực thể tranh chấp giữa Bắc Kinh và Manila suốt nhiều năm qua và nếu Trung Quốc vẫn quyết tâm bồi đắp thành đảo và quân sự hóa thì bãi cạn này có thể làm thay đổi đáng kể tình hình an ninh trên Biển Đông. Hiện chưa thể biết rõ liệu Thái Lan, Campuchia và một số quốc gia ASEAN khác có tiếp tục phản đối việc đề cập tới phán quyết của Tòa Trọng tài trong thời gian tới hay không, nhưng điều rõ ràng là ASEAN không còn tiếng nói có chung về các vấn đề liên quan đến tranh chấp tại Biển Đông.
Tác giả Shawn Crispin là phóng viên chuyên viết về chính trị, an ninh ở khu vực Đông Nam Á. Bài viết đăng trên Tạp chí "The Diplomat" (ngày 9/9).
Vũ Hiền (gt)
Trong hai ngày 16-17/11/2022, Học viện Ngoại giao đã tổ chức các Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14 về chủ đề “Biển hoà bình – Phục hồi bền vững”.
Sáng ngày 16/11/2022, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14 do Học viện Ngoại giao, phối hợp tổ chức cùng các đối tác đồng bảo trợ trong và ngoài nước, đã khai mạc tại Đà Nẵng với chủ đề “Biển Hòa Bình – Phục hồi bền vững”.
Ngày 12-13/9/2022, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã phối hợp với Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội tổ chức Khóa học Nâng cao Năng lực Biển lần thứ hai thuộc khuôn khổ Trung tâm Ngoại giao Biển (MDC).
Ngày 23/9, Học viện Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến An ninh biển và Luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Ngày 19/8/2021, Học viện Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Anh và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS), Đức tại Hà Nội tổ chức Đối thoại Biển lần thứ 7 (trực tuyến) với chủ đề “Đánh giá các vấn đề biển đang nổi lên từ góc độ luật pháp quốc tế”.
Thông cáo báo chí: Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh Robert Ben Lobban Wallace thăm và thảo luận tại Học viện Ngoại giao Việt Nam, ngày 22/7/2021)