Năm 2005, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đưa ra luận thuyết của ông về sự trỗi dậy lịch sử và tương lai của Đảng Cộng sản Trung Quốc, gọi đó là thuyết Ba đại diện. Tại hội nghị cấp cao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mới đây nhất tại Kuala Lumpur, theo khẩu hiệu gồm 3 phần “người dân của chúng ta, cộng đồng của chúng ta, tầm nhìn của chúng ta”, các nhà lãnh đạo của 10 nước thành viên đã hoan nghênh sự hình thành của Cộng đồng ASEAN dựa trên 3 trụ cột: cộng đồng kinh tế ASEAN, cộng đồng chính trị-an ninh ASEAN và cộng đồng xã hội-văn hóa ASEAN.

 

Cùng với việc Trung Quốc-ASEAN đón nhận “cỗ xe tam mã” này, tác giả muốn vạch trần 3 sự ngộ nhận ở khắp nơi về các mối quan hệ kinh tế hiện tại của Trung Quốc-ASEAN. Thứ nhất là sức ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Thứ hai là sự đánh đồng ASEAN (một tổ chức liên chính phủ lỏng lẻo) với Đông Nam Á (một khu vực gồm 10 nhà nước đa sắc tộc). Thứ ba là bản chất của cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung liên quan đến các thỏa thuận thương mại khu vực. Mỗi một điều trong 3 “sự ngộ nhận” này đứng riêng sẽ khiến chúng ta khó có khả năng hiểu được những đường hướng hiện tại và trong tương lai của mối quan hệ kinh tế Trung Quốc-ASEAN. Tuy nhiên, chúng thường xuất hiện như là lẽ phải thông thường, trong khi trên thực tế chúng không là lẽ phải mà cũng chẳng thông thường.

 

 

Ưu thế của Trung Quốc

Dựa trên toàn bộ số liệu thống kê thương mại, Trung Quốc thường được thể hiện là đối tác kinh tế quan trọng nhất đối với tất cả các nước Đông Nam Á. Trái lại, Mỹ và Nhật Bản thường được thể hiện là đang nhanh chóng suy giảm sức ảnh hưởng, trong khi đó Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và Đài Loan hiếm khi được đề cập đến. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất đối với các nền kinh tế Đông Nam Á với tư cách là một nhóm và đối với mỗi nước, ngoại trừ Brunei. Ưu thế của Trung Quốc khi đề cập đến hàng hóa nhập khẩu thậm chí còn lớn hơn. Theo toàn bộ số liệu thống kê thương mại ASEAN, năm 2014, Trung Quốc chiếm nhiều hơn 1 trong mỗi 5 USD hàng nhập khẩu vào Đông Nam Á. EU với 28 nước thành viên chiếm 1 trong mỗi 8 USD và Nhật Bản là 1 trong mỗi 10 USD. 

Nhưng có 2 vấn đề với việc sử dụng thiếu thận trọng tập hợp số liệu thống kê thương mại sẵn có làm thước đo cho sức ảnh hưởng kinh tế tương đối và là hệ quả cho quyền tôn trọng ngoại giao. Thứ nhất là vấn đề về chiều sâu. Đối với 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á – Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines và Việt Nam tương ứng (cũng được biết đến là SEA-6) – một phần đáng kể cả hàng xuất khẩu đến lẫn nhập khẩu từ Trung Quốc là kết quả của việc đặt các kết nối dây chuyền sản xuất khu vực và toàn cầu ở Trung Quốc và 6 nền kinh tế đó.

Tuy nhiên, đa số dây chuyền sản xuất không được kiểm soát bởi các hãng của Trung Quốc mà là bởi các hãng của Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và Mỹ, các hãng sở hữu và được lợi từ quyền sở hữu trí tuệ “bôi trơn” cho các dây chuyền này. Samsung là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Do đó việc diễn giải tập hợp số liệu thống kê thương mại sẵn có giữa Trung Quốc và Đông Nam Á hay Trung Quốc và mỗi nền kinh tế trong SEA-6 thành thước đo về sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc hoặc ảnh hưởng đòn bẩy kinh tế tiềm năng của Trung Quốc đối với các nền kinh tế và những nhà nước này là sai lầm.

 

Thứ hai, vấn đề nguy hại hơn là một vấn đề về chiều rộng. Tập hợp các số liệu thống kê sẵn có chỉ là một thước đo và có khả năng không phải là thước đo tốt nhất về hội nhập kinh tế, tầm quan trọng hoặc sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế. Mặt khác, đầu tư trực tiếp nước ngoài đã và đang là yếu tố tác động đến thương mại của các nền kinh tế Đông Nam Á với thế giới. Nếu người ta nhìn vào dữ liệu UNCTAD về dòng chảy FDI vào Đông Nam Á, sẽ thấy chúng kể một câu chuyện rất khác so với các con số thương mại sẵn có. Ngoài Campuchia, Lào và Myanmar, Trung Quốc không phải là nguồn FDI chủ yếu cả về phương diện cổ phiếu lẫn phần lớn dòng tiền chảy vào đối với các nền kinh tế Đông Nam Á.

 

 

Vào cuối năm 2012, FDI của Nhật Bản đổ vào khu vực dưới dạng cổ phiếu lớn hơn gấp 5 lần so với của Trung Quốc, trong khi của EU thì lớn hơn gần 9 lần. FDI dưới dạng cổ phiếu của Đài Loan bằng một nửa so với nước láng giềng khổng lồ bên kia eo biển. FDI dưới dạng cổ phiếu của Mỹ ở quốc đảo Singapore nhỏ bé lớn hơn gấp 3 lần quy mô tổng đầu tư của Trung Quốc trong khu vực. Mặc dù Trung Quốc là nguồn cung vốn FDI lớn nhất cho Campuchia, Lào và Myanmar, theo thứ tự, nhưng nó không nằm trong số 5 nước đầu tư FDI nhiều nhất cho bất kỳ nước nào thuộc SEA-6. Có một sự tương quan tỷ lệ nghịch mạnh mẽ giữa mức độ phát triển kinh tế và mở cửa của các nền kinh tế Đông Nam Á với sự phụ thuộc của họ vào FDI Trung Quốc. Thành công kinh tế gần đây của Việt Nam là một ví dụ rõ ràng về điều này, bất chấp việc là một nước láng giềng và hệ thống chính trị tương đồng của Trung Quốc.

 

Những dữ liệu thống kê kinh tế quan trọng khác làm xáo trộn hiểu biết thông thường về ưu thế của Trung Quốc. Chẳng hạn, những khoản kiều hối là hình thức cá nhân trực tiếp hơn về trao đổi kinh tế xuyên biên giới và có thể được cho là hình thức đóng góp trực tiếp lớn nhất nhằm làm giảm đói nghèo. Nền kinh tế Philippines nhận được dòng kiều hối chảy vào lớn nhất so với bất kỳ nền kinh tế nào trong khu vực và ngân hàng trung ương của nước này theo dõi sát sao chiếc phao cứu sinh kinh tế này. Theo các con số của Bangko Sentral, năm 2014, các khoản tiền được chuyển từ Mỹ chiếm 42,6% trong 24,3 tỷ USD đổ vào nước này. Singapore là nguồn cung vốn quan trọng nhất Đông Á, cung cấp 4,8%, Nhật Bản đứng sau với 4%.

 

 

Tuy nhiên, Trung Quốc chiếm không đáng kể về mặt thống kê là 0,1% lượng kiều hối chuyển về Philippines, ít hơn gấp 2 lần các dòng chảy từ nhà nước có dân số thấp nhất của Đông Nam Á, Brunei. Việc ngân hàng cho vay và đầu tư gián tiếp là những số liệu thống kê khác không phù hợp với quan điểm dựa trên tổng thương mại có thể có về ưu thế kinh tế hiện nay và đang gia tăng mạnh mẽ của Trung Quốc.

ASEAN = Đông Nam Á

Nghiên cứu về các nhà nước và xã hội Đông Nam Á bị cản trở bởi xu hướng ngày càng tập trung vào Đông Nam Á như là một khu vực chứ không vào các nhà nước riêng lẻ của nó, và sau đó bị ảnh hưởng xấu hơn nữa bởi sự đánh đồng ASEAN với Đông Nam Á. Sự đánh đồng này lan rộng trong cộng đồng học thuật và trong ngôn ngữ ngoại giao và kinh doanh ở khu vực tới mức có nguy cơ trở thành một ảo tưởng có khả năng gây ảnh hưởng. Việc nói về EU như là một khu vực kinh tế thì đáng tin cậy hơn nhiều, do các mức độ lớn hơn nhiều của hội nhập kinh tế, sự phụ thuộc lẫn nhau và quyền tự do đi lại giữa các nền kinh tế thành viên EU, sự giống nhau tương đối về mức độ phát triển kinh tế và cơ cấu công nghiệp, phạm vi và quyền thực thi pháp lý của luật pháp EU, và thực tế rằng EU là một liên minh hải quan.

 

Đông Nam Á lại đa dạng hơn nhiều về mặt kinh tế so với châu Âu. GDP đầu người của Singapore theo giá đồng USD hiện hành là cao hơn gần 60 lần so với của Myanmar, nền kinh tế nghèo nhất Đông Nam Á. Trong khi tính theo đầu người Malaysia là nền kinh tế giàu có thứ ba Đông Nam Á, nó chỉ bằng 1/5 Singapore, nhưng lại giàu hơn gấp 3 lần so với Indonesia, nền kinh tế giàu có thứ 5 và lớn nhất ở Đông Nam Á. Về quyền tự do kinh tế, bằng chứng về sự đa dạng và sự khác biệt một lần nữa lấn át bằng chứng về sự tương đồng và thống nhất.

 

 

Theo xếp hạng tự do kinh tế gần đây nhất của Heritage Foundation, Singapore là nền kinh tế tự do thứ hai trên thế giới sau Hong Kong. Myanmar ít tự do nhất trong 10 nền kinh tế Đông Nam Á, đứng thứ 158 trên 178. Indonesia đứng thứ 99. Với một vài ngoại lệ, (Brunei tồi tệ hơn và Philippines khá giả hơn), xếp hạng khu vực về tự do kinh tế phù hợp với xếp hạng về của cải theo đầu người. Nền kinh tế càng tự do, người dân càng giàu có.

Giả định vốn có khi đề cập đến ASEAN như là một khu vực hoặc một nền kinh tế là tư cách thành viên trong nhóm mang tính khu vực này là đặc điểm quyết định cho sự hội nhập của các nền kinh tế Đông Nam Á với nhau và với thế giới rộng lớn hơn. Một lần nữa, điều này khó có thể duy trì. Mặc dù các nhà nước thành viên bị ràng buộc bởi Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN, nhưng cơ chế tranh chấp của nó chưa bao giờ được kích hoạt. Đây là tình huống bất chấp những vi phạm rõ ràng, vì lý do rằng điều đó sẽ chống lại cái gọi là “Phương thức ASEAN”.

Các nhà nước Đông Nam Á đã sử dụng ASEAN như là một phương tiện để đàm phán các thỏa thuận thương mại ưu tiên với 6 nền kinh tế khác, với nhiều thỏa thuận nữa sắp diễn ra. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng những thỏa thuận này là quá thấp và các nền kinh tế giàu có hơn, tiên tiến hơn trong khu vực có những thỏa thuận thương mại sâu rộng hơn được đàm phán với các đối tác thương mại then chốt ngoài ASEAN. Thực tế rằng Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam là các bên ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một bằng chứng rõ ràng cho điều này, cũng như sự quan tâm được bày tỏ của Thái Lan, Indonesia và Philippines tham gia vòng thứ hai của TPP. Điều này khiến cho chỉ còn Campuchia, Lào và Myanmar phụ thuộc chủ yếu vào ASEAN để có được những thỏa thuận thương mại quan trọng nhất của họ.

Cuối cùng, bất chấp chức năng trung chuyển của Singapore, các kết nối thương mại và đầu tư giữa các nền kinh tế Đông Nam Á tương đối yếu và, với một số ngoại lệ, không tăng cường nhanh chóng. Sự chi phối của Singapore đối với các dòng chảy đầu tư và thương mại trong Đông Nam Á và các con số không cân xứng đáng kể trong khu vực không phải là điều tương tự ở EU. Đông Nam Á có 10 nền kinh tế khá đa dạng không được hội nhập tốt với nhau và mặc dù ASEAN quan trọng, nhưng nó còn lâu mới là một nguồn mang tính quyết định cho sự hội nhập này hoặc cho sự hội nhập toàn cầu của các nền kinh tế này.

Chiến tranh lạnh Mỹ-Trung

Giờ đây, điều mong đợi là thể hiện những nỗ lực đang diễn ra để đàm phán các thỏa thuận thương mại ưu đãi trong khu vực ở châu Á-Thái Bình Dương như là hiện thân của cuộc đấu tranh theo tư tưởng Mani giáo nhằm giành được ưu thế khu vực giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc Tổng thống Barack Obama đề cập đến TPP như là một cơ chế để cho phép Mỹ (chứ không phải Trung Quốc) viết ra các quy tắc về trật tự kinh tế khu vực đã gia tăng sự hiểu biết thông thường này. Tuy nhiên, các quan chức và truyền thông đại chúng Trung Quốc, sau khi mới đầu kịch liệt chỉ trích TPP là âm mưu của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc về kinh tế, giờ đây lại công khai cân nhắc khả năng Trung Quốc gia nhập TPP trong vòng hai hoặc sau đó. Nếu TPP chủ yếu là vũ khí của Mỹ trong sự kình địch chiến lược của nước này với Trung Quốc, thì việc Trung Quốc gia nhập nó sẽ là một sự đầu hàng có điều kiện. Nếu không thì ý tưởng rằng TPP chủ yếu là một vũ khí như vậy sẽ được chứng minh là sai.

 

Xu hướng coi các thỏa thuận thương mại là vũ khí trong sự kình địch Mỹ-Trung thậm chí còn khó duy trì hơn khi đề cập đến Trung Quốc. Chẳng hạn, nhiều chuyên gia và các nhà bình luận coi tiến trình Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) bao gồm Trung Quốc chứ không có Mỹ là câu trả lời của Trung Quốc đối với TPP. Tuy nhiên, xét cho cùng RCEP không phải do Trung Quốc dẫn dắt, đó là do ASEAN dẫn dắt sau khi các nước thành viên ASEAN phản đối thông qua sáng kiến trước đó của Trung Quốc về Thỏa thuận Thương mại Tự do Đông Á. Trên thực tế, Indonesia là chủ tịch RCEP.

 

 

Hơn nữa, Mỹ không phải là một phần của các cuộc đàm phán, không phải vì Trung Quốc ngăn cản Mỹ, mà là bởi việc gia nhập RCEP đòi hỏi các nhà nước không thuộc ASEAN phải có thỏa thuận thương mại ưu đãi từ trước với ASEAN. Mỹ không có và không dự định bắt đầu đàm phán một thỏa thuận thương mại Mỹ-ASEAN. EU, Nga và Đài Loan cũng vậy.

Năm 2014, khi đăng cai Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Chủ tịch Tập Cận Bình đã bắt chước Tổng thống Mỹ George H.W.Bush và tán thành ý tưởng đã có từ cả thập kỷ là sử dụng APEC, một diễn đàn thương mại gồm cả Mỹ và Trung Quốc, để hướng tới Khu vực Thương mại Tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) mà sẽ bao gồm tất cả 21 nền kinh tế APEC và hơn thế nữa. Các nhà lãnh đạo APEC đã công nhận cả tiến trình TPP do Mỹ dẫn dắt lẫn RCEP do ASEAN dẫn dắt là “những con đường mòn” dẫn tới thỏa thuận lớn hơn này. Nếu 9 nền kinh tế APEC hiện không nằm trong TPP tham gia, thì hoàn toàn có sự chồng lấn giữa TPP và APEC.

 

Việc Chủ tịch Tập Cận Bình sử dụng FTAAP làm tiêu điểm chính cho năm APEC của Trung Quốc được dư luận rộng rãi coi là một động thái nhằm chống lại TPP; Mỹ đâm, Trung Quốc đỡ. Tuy nhiên, FTAAP, như các nhà lãnh đạo tại APEC đã nhất trí, là một tham vọng dài hạn. Về một nghĩa nào đó, TPP là con đường tiên tiến nhất dẫn đến FTAAP. Mỹ là nền kinh tế lớn nhất và tiên tiến nhất được cân nhắc đến và xem xét tham gia FTAAP, và các nước thành viên TPP hiện tại chiếm 2/3 GDP tích lũy của APEC. Rất khó để xem làm thế nào mà FTAAP có thể là đối trọng với TPP, trừ phi ai đó muốn áp thực tế, dù có gượng gạo đến đâu, cho khớp với giả định có từ trước về sự kình địch Mỹ-Trung như là động lực chủ yếu cho động thái hiện tại đối với các thỏa thuận thương mại siêu khu vực giữa các nhà nước châu Á-Thái Bình Dương. Vượt qua được các cuộc đàm phán thương mại toàn cầu bế tắc và sự thiếu hiệu quả của các thỏa thuận thương mại song phương lỗi thời trên khắp châu Á-Thái Bình Dương là những động lực mạnh mẽ hơn và tích cực hơn của tiến trình TPP và RCEP, và có lẽ cũng cả các nguyện vọng thành lập FTAAP.

 

 

Đường hướng cho mối quan hệ Trung Quốc-ASEAN

 

Hiểu được 3 “ngộ nhận” ở khắp nơi này giúp làm rõ tình hình hiện tại và đường hướng có khả năng của các mối quan hệ Trung Quốc-ASEAN. Thứ nhất, những nỗi lo sợ của Đông Nam Á về ưu thế kinh tế của Trung Quốc ở Đông Á đơn giản chỉ là những nỗi sợ hãi. Ngay cả khi Trung Quốc muốn trở thành bá chủ, điều mà Bắc Kinh bác bỏ kịch liệt, ngoài Campuchia, Lào và Myanmar, nước này không có sức ảnh hưởng để thành công. Thứ hai, tương lai của các thỏa thuận thương mại và thương mại khu vực không phải là con tin cho sự cạnh tranh Mỹ-Trung, và vai trò trung tâm của ASEAN không bị làm xói mòn mà được tăng cường bởi những nỗ lực hiện tại đàm phán các thỏa thuận thương mại tự do siêu khu vực. Cuối cùng, đặc biệt là đối với những người quan tâm đến kinh doanh, một lời cảnh báo: Đông Nam Á không phải là một khu vực kinh tế cố kết và hội nhập, và ASEAN không phải là một tác nhân mạnh mẽ cho cả sự cố kết lẫn hội nhập lớn hơn. Thay vào đó, Đông Nam Á là một khu vực đa dạng gồm 10 nền kinh tế hoàn toàn khác nhau. Sự đa dạng, như luôn là tình huống ở Đông Nam Á, chiến thắng sự thống nhất.

 

 

Malcolm Cook là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên Cứu ISEAS-Yusof Ishak, Singapore. Bài viết được đăng trên Knowledge Wharton, Đại học Pennsylvania, Mỹ.

Trần Quang (gt)