Bản tin tuần Biển Đông (ngày 30.3-5.4.2024)

TIÊU ĐIỂM

  • Trung Quốc thực hiện huấn luyện thực chiến tấn công tàu cá có vũ trang tại Biển Đông
  • Philippines sẽ sớm ký Hiệp định tiếp cận căn cứ quân sự (RAA) với Nhật Bản sau Thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Philippines vào 12/4/2024
  • Diễn đàn nhánh Biển Đông trong khuôn khổ Bác Ngao 2024: nhấn mạnh xây dựng Cộng đồng chung vận mệnh tại Biển Đông, thảo luận về vấn đề Philippines và các mô hình hợp tác biển
  • Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto, nhắc đến Cộng đồng chung vận mệnh, trao đổi về quản trị đất nước, kết nối chiến lược phát triển, hợp tác biển, ASEAN
  • Tổng thống Mỹ Joe Biden điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: thảo luận “thẳng thắn”, “mang tính xây dựng” về nhiều vấn đề, bao gồm Đài Loan, Biển Đông và công nghệ cao

 

TIN TỨC

THỰC ĐỊA

Trung Quốc thực hiện huấn luyện thực chiến tấn công tàu cá có vũ trang tại Biển Đông

Trang mạng Quan sát ngày 31/3 đăng tải video của Truyền hình Quân đội Trung ương Trung Quốc, trong đó tàu chiến Tuyết Sơn, Lư Sơn và nhiều tàu chiến khác của Hải quân Chiến khu miền Nam Trung Quốc triển khai huấn luyện thực chiến nhiều hạng mục với cường độ cao, xuyên ngày đêm tại một khu vực trên Biển Đông. Nội dung huấn luyện bao gồm tập trận tấn công vào tàu cá có vũ trang của đối thủ khi hoạt động tại vùng biển Trung Quốc.

Nhật Bản sẽ sớm tham gia tuần tra chung với Philippines ở Biển Đông năm 2024

Ngày 1/4, nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho biết Nhật Bản có kế hoạch tham gia tuần tra chung trên Biển Đông với Philippines sau khi diễn ra cuộc họp Thượng đỉnh lần đầu tiên giữa ba nước Mỹ - Nhật Bản - Philippines vào ngày 11/4/2024.

Ngoài ra, Chính phủ Philippines cũng đang có kế hoạch tăng cường hợp tác an ninh ba bên Philippines - Mỹ - Nhật. Hợp tác an ninh chính thức giữa ba nước là cơ sở để Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tham gia các hoạt động tập trận chung giữa Mỹ và Philippines ở Biển Đông. Trước đó vào tháng 6/2023, Cảnh sát biển Nhật Bản đã tham gia diễn tập với Mỹ và Philippines tại vùng biển Philippines.

Trung Quốc bắt đầu các cuộc tập trận bắn đạn thật gần biên giới Myanmar

Ngày 02/4, Trung Quốc bắt đầu các cuộc tập trận bắn đạn thật gần biên giới Myanmar. Các lực lượng mặt đất và không quân thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ tập luyện triển khai nhanh, tấn công chính xác và các hoạt động khác. Đại tá Tian Junli cho biết các đơn vị chiến đấu thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền, ổn định biên giới, tính mạng, tài sản và sự an toàn của người dân Trung Quốc.

Từ tháng 10/2023, quân đội và các nhóm sắc tộc Myanmar đã nhiều lần đụng độ, kể cả ở các khu vực gần biên giới phía đông bắc Myanmar với TQ. Tháng 1/2024, sau các cuộc đàm phán ở Côn Minh, chính phủ Trung Quốc tuyên bố quân đội và ba nhóm sắc tộc chính thức đồng ý đình chiến. Tuy nhiên, giao tranh vẫn tiếp diễn, ảnh hưởng đến người dân Trung Quốc. Ngày 01/4, Đặng Tích Quân, đặc phái viên của TQ về Châu Á đã đến thăm Myanmar, thảo luận về các cuộc đàm phán hòa bình giữa quân đội Myanmar và các nhóm dân tộc có vũ trang.

Nhật Bản, Mỹ, Úc và Philippines chuẩn bị tập trận hải quân bốn bên lần đầu tiên tại vùng biển Palawan của Philippines (thuộc Biển Đông) vào ngày 07/4/2024

Ngày 4/4, Báo Kyodonews của Nhật Bản đưa tin 04 nước Nhật Bản, Mỹ, Úc và Philippines sẽ tập trận tại vùng biển Palawan vào ngày 07/4/2024 trước thềm cuộc thượng đỉnh Mỹ, Nhật Bản và Philippines diễn ra vào ngày 11/4/2024.

Đây sẽ là cuộc tập trận lần đầu tiên có sự góp mặt của hải quân 4 nước. Nội dung tập trận gồm chống tàu ngầm, trao đổi thông tin liên lạc giữa các tàu và phối hợp trong di chuyển tàu chiến. Máy bay chiến đấu của Úc, tàu khu trục của Nhật Bản cùng các tàu chiến của Mỹ và Philippines sẽ tham sẽ tham gia cuộc tập trận. Tập trận hải quân bốn nước diễn ra trong bối cảnh vừa qua vào 23/3/2024, tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã bắn vòi rồng vào tàu tiếp tế của Philippines và làm bị thương bốn lính hải quân. Trước đó, vào tháng 08/2023, bốn nước đã có cuộc diễn tập đơn giản tiếp nhiên liệu và gặp mặt chào hỏi giữa các tàu hải quân ở ngoài khơi khu vực phía bắc Philippines.

AN NINH - QUỐC PHÒNG

Philippines sẽ sớm ký Hiệp định tiếp cận căn cứ quân sự (RAA) với Nhật Bản sau Thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Philippines vào 12/4/2024

Ngày 04/4, đại sứ Philipines tại Nhật Bản Jose Romualdez cho biết Philippines đang chuẩn bị ký Hiệp định tiếp cận căn cứ quân sự (RAA) với Nhật Bản trước thềm Thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Philippines tại Washington vào 12/4 tới. Theo ông Romualdez, Philippines và Nhật Bản đã đàm phán RAA trong nhiều tháng. Theo đó, hai nước được phép sử dụng căn cứ quân sự của nhau với các mục đích như huấn luyện quân sự, cứu nạn thiên tai theo dạng luân chuyển quân (tương tự như Hiệp định EDCA Philippines có với Mỹ). Trước đó trả lời báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản Masashi Mizobuchi cũng cho biết Nhật Bản và Philippines sẽ sớm ký RAA. Việc ký kết và triển khai RAA sẽ giúp nâng cao khả năng hiệp đồng giữa quân đội hai nước. Tuy nhiên, Người phát ngôn cũng nhấn mạnh hai nước không thảo luận việc triển khai Lực lượng phòng vệ Nhật Bản thường trú tại Philippines vì sẽ gây ra nhiều tranh cãi và phản đối nội bộ trong các đảng phái của Nhật Bản.

CHÍNH TRỊ - NGOẠI GIAO

Diễn đàn nhánh Biển Đông trong khuôn khổ Bác Ngao 2024: nhấn mạnh xây dựng Cộng đồng chung vận mệnh tại Biển Đông, thảo luận về vấn đề Philippines và các mô hình hợp tác biển

Trang Tin tức Trung Quốc ngày 29/3 đăng tải các phát biểu của quan chức Trung Quốc tại Diễn đàn nhánh Biển Đông trong khuôn khổ Diễn đàn Châu Á - Bác Ngao 2024, cụ thể:

Đặc phái viên của Trung Quốc về biến đổi khí hậu Lưu Chấn Dân:

  • ASEAN và Trung Quốc cần nỗ lực duy trì tình hình Biển Đông nằm trong khả năng kiểm soát;
  • Các quốc gia cần tiếp tục tuân thủ cách tiếp cận kép trong vấn đề Biển Đông, vừa duy trì hòa bình, ổn định trên biển, vừa giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán.
  • Các quốc gia cần có tầm nhìn lâu dài và tìm kiếm hợp tác khi giải quyết vấn đề Biển Đông.

Phó Vụ trưởng Vụ Biên Hải, Dương Nhân Hỏa:

  • Hòa bình, ổn định và hợp tác trên Biển Đông đứng trước nhiều thách thức: một số quốc gia ngoài khu vực lợi dụng mâu thuẫn, khác biệt lợi ích để can thiệp và làm suy yếu sự đoàn kết của các nước trong khu vực; một số nước ven biển bị lôi kéo và có những động thái bất lợi cho hòa bình, ổn định;
  • Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các nước trong khu vực để thúc đẩy khái niệm Cộng đồng chung vận mệnh, trao đổi kinh nghiệm và thảo luận về mô hình hợp tác biển.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc – Đông Nam Á Ngô Sĩ Tồn:

  • Đối thoại và hợp tác là con đường duy nhất để đạt được hòa bình và ổn định;
  • Các nước trong khu vực cần có ý chí chính trị và tuân thủ nguyên tắc thiện chí, thúc đẩy hợp tác hàng hải thực chất, tạo động lực mới để đạt được hòa bình và ổn định lâu dài ở Biển Đông.

Philippines ban hành Sắc lệnh hành pháp (EO) 57, nhấn mạnh tăng cường an ninh và nâng cao nhận thức hàng hải; tái tổ chức các cơ quan hàng hải

Ngày 31/3, Philippines ban hành Sắc lệnh hành pháp (EO) 57 nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường an ninh biển, đồng thời nâng cao nhận thức biển của người dân. Sắc lệnh cũng đưa ra các yêu cầu tái tổ chức các cơ quan biển Philippines, cụ thể:

Theo EO 57, Philippines sẽ tái tổ chức các cơ quan hàng hải như sau:

  1. Hội đồng Giám sát Bờ biển Quốc gia Philippines (NCWC) đổi tên và tái tổ chức thành Hội đồng Hàng hải Quốc gia (NMC). Nhiệm vụ chính cua NMC là xây dựng các chính sách và chiến lược nhằm đảm bảo sự phối hợp hiệu quả, thống nhất về an ninh biển và giám sát không gian biển. NMC gồm Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, Cố vấn An ninh Quốc gia, các Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Bộ Năng lượng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông vận tải và Giám đốc Cơ quan phối hợp tình báo quốc gia.
  2. Ban Thư ký NCWC đổi tên thành Văn phòng Tổng thống về các vấn đề Hàng hải (POMC). Nhiệm vụ chính của POMC là tham vấn, nghiên cứu về hành chính và kỹ thuật cho NMC; đảm bảo thực hiện hiệu quả các chính sách của NMC. Trợ lý Tổng thống về các vấn đề hàng hải (PAMC) thay Giám đốc Điều hành làm Trưởng Ban Thư ký NMC. Nhiệm vụ chính: Báo cáo trực tiếp với Tổng thống về các vấn đề quan trọng, cấp bách, ảnh hưởng đến an ninh và giám sát không gian biển.
  3. Trung tâm Giám sát Bờ biển Quốc gia đổi tên thành Trung tâm Hàng hải Quốc gia với nhiệm vụ chính là thực hiện và điều phối các hoạt động an ninh hàng hải và nhiều hoạt động khác. Lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia về Biển Tây Philippines (NTF-WPS) hoạt động dưới sự chỉ huy của NMC với nhiệm vụ chính là tổ chức, đồng bộ hóa và vận hành lực lượng của các cơ quân khác nhau để thực hiện các hành động một cách thống nhất.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto, nhắc đến Cộng đồng chung vận mệnh, trao đổi về quản trị đất nước, kết nối chiến lược phát triển, hợp tác biển, ASEAN

Ngày 01/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto, trong đó đề cập Trung Quốc và Indonesia đã bước vào giai đoạn mới của Cộng đồng Chung vận mệnh. Cụ thể:

  • Về quan hệ song phương, Trung Quốc mong muốn cùng Indonesia duy trì quan hệ mật thiết, làm sâu sắc quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện, trong đó: (i) xây dựng cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc - Indonesia có tầm ảnh hưởng tại khu vực và thế giới; (ii) Trao đổi kinh nghiệm quản trị đất nước; (iii) Tăng cường kết nối chiến lược phát triển, (iii) Thúc đẩy sâu sắc hạng mục “Hai quốc gia hai khu công nghiệp” (Two Countries Twin Parks)” và “Hành lang kinh tế tổng hợp khu vực”; (iv) Làm sâu sắc hợp tác trên biển; (v) Trung Quốc sẽ hỗ trợ và tăng cường hợp tác với Indonesia trong mục tiêu giảm nghèo, thoát nghèo.
  • Về tầm nhìn khu vực, Trung Quốc sẽ cùng Indonesia: (i) Duy trì vị thế trung tâm của ASEAN; (ii) Duy trì khuôn khổ khu vực mở, bao trùm; (iii) Xây dựng Cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc-ASEAN ngày càng khăng khít.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường hội kiến Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto, nhấn mạnh hợp tác đa phương, thúc đẩy khối các quốc gia đang phát triển, kinh tế số và kinh tế bền vững

Ngày 01/4, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường hội kiến Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto, trong đó Thủ tướng Lý Cường đề cập đến các vấn đề song phương, khu vực và quốc tế cùng quan tâm, cụ thể:

  1. Về quan hệ hai nước
  • Trung Quốc mong muốn duy trì lòng tin chiến lược ở mức độ cao, làm sâu sắc hợp tác cùng có lợi, thúc đẩy Cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc - Indonesia tiếp tục đi sâu và thực chất;
  • Duy trì giao lưu cấp cao, tận dụng tốt các cơ chế đối thoại các cấp;
  • Hai nước cần thúc đẩy kết nối chiến lược trong sáng kiến BRI, tăng cường thúc đẩy xây dựng các dự án trọng điểm như “Hành lang kinh tế tổng hợp khu vực” và “Hai quốc gia hai khu công nghiệp ”, làm sâu sắc hợp tác trong lĩnh vực truyền thống như nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, đồng thời mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực kỹ thuật cao và mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, tăng cường hợp tác trong phát triển giảm nghèo và chấn hưng nông thôn.
  1. Về khu vực và quốc tế
  • Hai nước cần tăng cường trao đổi phối hợp trong các cơ chế đa phương như Liên hợp quốc, Cơ chế Hợp tác Đông Á;
  • Duy trì và thúc đẩy lợi ích của nhóm các quốc gia đang phát triển, thúc đẩy phát triển quản trị toàn cầu theo hướng công bằng và hợp lý.

Tổng thống Mỹ Joe Biden điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: thảo luận “thẳng thắn”, “mang tính xây dựng” về nhiều vấn đề, bao gồm Đài Loan, Biển Đông và công nghệ cao

Ngày 02/4/2024, Tổng thống Mỹ Joe Biden điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Lãnh đạo hai nước đã có cuộc thảo luận “thẳng thắn”, “mang tính xây dựng” về nhiều vấn đề, bao gồm Đài Loan, Biển Đông và công nghệ cao.

  1. Theo thông cáo của Mỹ:
  • Về các điểm nóng, Tổng thống Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, pháp quyền và tự do hàng hải ở Biển Đông,..
  • Về kinh tế - công nghệ, Tổng thống Biden quan ngại chính sách thương mại không công bằng và hoạt động kinh tế phi thị trường của TQ. Đồng thời, Tổng thống Biden khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện các hành động cần thiết nhằm ngăn chặn TQ lợi dụng các công nghệ tiên tiến của Mỹ để làm suy yếu an ninh quốc gia Mỹ.
  • Tổng thống Biden khẳng định tiếp tục duy trì liên lạc cởi mở.
  1. Theo thông cáo của TQ:
  • Ông Tập nhấn mạnh 3 nguyên tắc cho quan hệ Mỹ - Trung: hòa bình, ổn định và uy tín.
  • Khẳng định Đài Loan là lằn ranh đỏ đầu tiên trong quan hệ Mỹ - Trung.

KINH TẾ - KẾT NỐI

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết Mỹ và Nhật Bản sẽ hợp tác với Philippines để sản xuất chip và công nghệ sạch

Trả lời phỏng vấn báo Nikkei ngày 04/4, Thủ tướng Nhật Bản cho biết Mỹ và Nhật Bản sẽ thảo luận về hợp tác với Philippines để sản xuất vật liệu bán dẫn, số hoá, công nghệ thông tin 5G, công nghệ sạch, khoáng sản chiến lược trong cuộc họp thượng đỉnh ba nước vào ngày 11/4/2024 tại Washington.

Thủ tướng Kishida cho rằng thế giới đang bước sang một giai đoạn chuyển đổi mới và Nhật Bản cần phải có trách nhiệm lớn hơn, sự hiện diện lớn hơn thông qua việc cung cấp các lựa chọn phát triển cho các quốc gia khu vực Đông Nam Á, bao gồm Philippines. Mỹ và Nhật Bản hi vọng với việc tăng cường hợp tác khoa học công nghệ, Philippines sẽ giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ để phát triển kinh tế. Việc thúc đẩy hợp tác ba nước Mỹ - Nhật - Philippines sẽ giúp tăng cường sức mạnh an ninh và kinh tế của mỗi nước, đảm bảo chuỗi cung ứng và đối phó với các vấn đề về biến đổi khí hậu toàn cầu.

 GÓC NHÌN QUỐC TẾ

Hiroyuki Akita (Nikkei Asia): thái độ hòa dịu đối với TQ trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ sẽ không có tác dụng; TQ đã hung hăng với Philippines kể cả trong thời Duterte

Ngày 30/3, nhà bình luận Hiroyuki Akita của báo Nikkei Asia cho biết thái độ hòa dịu đối với Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ sẽ không có tác dụng, cụ thể:
  • Căng thẳng ở biển Tây Philippines đã gia tăng trước khi Marcos lên nắm quyền. Trung Quốc đã thực hiện các hành vi hung hăng dưới thời Duterte. Tàu Hải cảnh, tàu dân binh Trung Quốc thường xuyên đi vào vùng biển tranh chấp và cố gắng mở rộng quyền kiểm soát bằng việc đe dọa tàu Philippines. Tuy nhiên chính quyền Duterte chỉ công khai một số ít, cụ thể là 03 cuộc.
  • Trung Quốc cũng gia tăng áp lực lên Malaysia và Việt Nam, gia tăng tần suất đi vào vùng biển tranh chấp, nhưng các quốc gia ven biển trên chưa công khai những diễn biến đó.
  • Năm 2009, chính quyền Yukio của Nhật Bản cũng áp dụng cách tiếp cận hòa dịu với Trung Quốc, nhưng Trung Quốc không vì thế mà ôn hòa với Nhật Bản. Tháng 09/2010, các vụ va chạm giữa tàu tuần tra Nhật Bản và tàu cá Trung Quốc tại Senkaku đã gây ra tranh chấp ngoại giao giữa hai nước, làm dấy lên làn sóng biểu tình chống Nhật Bản khắp Trung Quốc.
Học giả Renato Cruz De Castro (ĐH De ​​La Salle) cho rằng Trung Quốc sẽ không thay đổi cách hành động bất kể các quốc gia áp dụng thái độ xoa dịu hay cứng rắn, điều quan trọng là phải duy trì các nguyên tắc của Philippines và tăng cường khả năng bảo vệ lãnh thổ.

Ý kiến học giả về 'đường cơ sở' mới của TQ ở Vịnh Bắc Bộ, cho rằng đường này không thể thay đổi hiệp định phân định VBB với VN, không phù hợp với UNCLOS, có thể ảnh hưởng đến tự do hàng hải

Ngày 31/3, trang tin VOA đăng tải ý kiến một số học giả về 'đường cơ sở' Trung Quốc mới tuyên bố ở Vịnh Bắc Bộ:
  • Hoàng Việt (ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh) cho rằng Vịnh Bắc Bộ đã được phân định, do đó, Trung Quốc hầu như không thể sửa đổi thỏa thuận đã phê chuẩn giữa hai nước cũng như yêu sách nhiều hơn những gì đã nhất trí trong thỏa thuận. Đường cơ sở mới biến một khu vực quan trọng thành vùng biển khép kín của Trung Quốc. Theo đó, eo biển Quỳnh Châu (eo biển giữa đảo Hải Nam và đất liền Trung Quốc) hoàn toàn nằm trong vùng nội thủy của Trung Quốc. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do hàng hải của tàu nước ngoài.
  • Raymond Powell (ĐH Stanford) cho rằng đường cơ sở mới này của Trung Quốc khác với thông lệ tiêu chuẩn của UNCLOS. Trung Quốc đã vẽ đường cơ sở thẳng từ bờ biển của mình tới một số hòn đảo ngoài khơi để mở rộng lãnh hải một cách bất hợp pháp. UNCLOS chỉ cho phép vẽ đường cơ sở thẳng trong một số trường hợp ngoại lệ: nơi bờ biển bị khoét sâu và lồi lõm hoặc nếu có một chuỗi đảo nằm sát ngay và chạy dọc theo bờ biển, hoặc bờ biển cực kỳ không ổn định. Tuy nhiên, Vịnh Bắc Bộ không thuộc các trường hợp nêu trên.

Nikkei Asia: Tàu chiến của Trung Quốc tiếp tục thăm Căn cứ Hải quân Ream, Campuchia cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ Ream vì mục đích quân sự

Ngày 01/4/2023, Nikkei Asia đăng tải hình ảnh tàu hộ tống Wenshan của Trung Quốc xuất hiện tại Căn cứ Hải quân Ream của Campuchia vào ngày 20/3/2024. Trang tin Nikkei Asia đưa ra phỏng đoán Campuchia cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ Ream vì mục đích quân sự. Trước đó, tàu chiến Trung Quốc lần đầu ghé thăm Ream vào đầu tháng 12/2023 và rời căn cứ Ream vào giữa tháng 1/2024. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Seiha, đây là thời điểm Campuchia và Trung Quốc đang chuẩn bị cho các cuộc tập trận. Việc Campuchia cho phép tàu hải quân của Trung Quốc được ra vào thường lệ tại căn cứ hải quân Ream cho thấy Campuchia dành cho Trung Quốc đặc quyền nhất định tại căn cứ này để đổi lấy sự hỗ trợ của Trung Quốc trong việc cải tạo và phát triển cơ sở hạ tầng của cảng.

Campuchia bác bỏ việc Trung Quốc sử dụng cảng Ream vì mục đích quân sự dựa trên lập luận hiến pháp Campuchia không cho phép lực lượng nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Campuchia.

Jeoffrey Maitem (SCMP): Philippines phối hợp liên ngành chặt chẽ hơn cho nhiệm vụ tiếp tế Bãi Cỏ Mây; tăng cường hoạt động chung với đồng minh và chuẩn bị cho các tình huống bất ngờ trên Biển Đông

Ngày 1/4, Nhật báo Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin trích dẫn ý kiến các quan chức và học giả Philippines cho rằng, Philippines phối hợp liên ngành chặt chẽ hơn cho nhiệm vụ tiếp tế Bãi Cỏ Mây; tăng cường hoạt động chung với đồng minh và chuẩn bị cho các tình huống bất ngờ trên Biển Đông. Thông tin chi tiết:

  1. Ý kiến quan chức Philippines:
  • Tướng Romeo Brawner (Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Philippines) đã thảo luận với Lực lượng bảo vệ bờ biển, Hải quân và Cục Thủy sản và Nguồn lợi Thủy sản về việc luân chuyển quân và hậu cần cho các nhiệm vụ tiếp tế cho BRP Sierra Madre. Philippines sẽ sử dụng tất cả các công cụ sẵn có để bảo vệ yêu sách của mình và sẽ điều chỉnh hoạt động để đối phó với các hành động của Trung Quốc.
  • Phó Đô đốc Alberto Carlos cho biết Philippines không chấp nhận việc dừng nhiệm vụ tiếp tế và đang nghiên cứu tất cả các kịch bản có thể xảy ra. Quân đội Philippines đã sẵn sàng cho mọi tình huống xấu nhất.
  • Chuẩn đô đốc Armand Balilo, người phát ngôn của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cho biết Philippines sẽ tăng cường tuần tra ở vùng biển tranh chấp.
  1. Ý kiến học giả:
  • Nhà phân tích an ninh quốc gia Rommel Banlaoi lo ngại về nguy cơ xung đột vũ trang gia tăng do các biện pháp quân sự của Philippines và Trung Quốc, cho rằng Philippines nên tăng cường thực thi pháp luật và xây dựng năng lực quân sự, mua sắm vũ khí từ các đồng minh như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…
  • Nhà sử học quân sự và phân tích quốc phòng Jose Antonio Custodio cho rằng Philippines nên xem xét huy động sự ủng hộ của người dân nước này trong việc khẳng định lợi ích và quyền của mình, đồng thời tăng cường hoạt động với Mỹ, Nhật, Australia…

Nhận xét:

  • Philippines đang sắp xếp lại lực lượng, tăng khả năng phối hợp liên ngành và tăng cường hợp tác với đồng minh để sẵn sàng đối phó với TQ. Bằng chứng gần đây nhất cho điều này là việc Philippines ban hành Sắc lệnh hành pháp (EO) 57, nhấn mạnh tăng cường an ninh và nhận thức hàng hải; tái tổ chức các cơ quan hàng hải để nâng cao phối hợp liên ngành

Báo cáo khảo sát thường niên của ISEAS–Yusof Ishak Institute về tình hình Đông Nam Á 2024: 50.5 % số người được hỏi chọn Trung Quốc nếu phải chọn giữa 2 siêu cường; Nhật Bản tiếp tục là cường quốc tầm trung được tin tưởng nhất ở ĐNA

Ngày 02/4, Viện ISEAS ra báo cáo thường niên về tình hình Đông Nam Á 2024. Đáng chú ý, 50.5 % số người được hỏi chọn Trung Quốc trong trường hợp nếu phải chọn giữa 2 siêu cường Trung Quốc và Mỹ; Nhật Bản tiếp tục là cường quốc tầm trung được tin tưởng nhất ở khu vực và mức độ tin tưởng vào Nhật Bản ngày càng tăng, cụ thể:

  1. Trung Quốc
  • TQ lần đầu tiên vượt Mỹ trong câu hỏi chọn bên (TQ được 50.5 % số người tham gia lựa chọn - tăng so với 38.9% vào 2023). Các nước có số người lựa chọn TQ nhiều nhất là Lào, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Brunei.
  • TQ tiếp tục được chọn là nước có ảnh hưởng lớn nhất cả về chiến lược, chính trị lẫn kinh tế đối với Đông Nam Á nhưng lại không được tin tưởng. 80.3% người Thái Lan được hỏi cho quan ngại về ảnh hưởng kinh tế của TQ.
  1. Biển Đông là mối quan tâm hàng đầu: Philippines (90.2%) → Việt Nam (72.5 %) → Brunei (50.6%) → Malaysia (47.6%) → Singapore (44.3 %) → Indonesia (43%).
  2. Nước tầm trung
  • Nhật Bản tiếp tục là cường quốc tầm trung được tin tưởng nhất và ngày càng tăng qua từng năm (Mỹ xếp thứ hai với khoảng cách khá lớn và giảm so với năm 2023).
  • Khu vực tiếp tục ít/ không tin tưởng Ấn Độ.
  1. Mỹ
  • Hợp tác với QUAD: 40.9 % người được hỏi cho rằng hợp tác với QUAD có lợi cho khu vực (mức tăng cao so với 31% năm 2023), trong đó Campuchia, Lào và Việt Nam là 3 nước nhìn nhận QUAD tích cực nhất.
  • Về IPEF: Báo cáo cho biết khu vực nhìn nhận IPEF ngày càng yếu đi

+   Nhóm tích cực: Việt Nam (64,0%) và Philippines (62,8%) là 2 nước nhìn nhận IPEF tích cực nhất

  • Nhóm không chắc chắn: Lào (56,9%), Malaysia (52,4%) và Myanmar (51,9%) là 3 nước không chắc chắn về IPEF nhất (trong đó, Brunei và Malaysia là 2 nước thành viên ban đầu của IPEF)
  • Nhóm tiêu cực: Brunei (26,0%) và Indonesia (25,7%) là cao nhất trong nhóm này.

Aaron M. Cooper và Romain Chuffart (The Arctic Institute): Nga không nên rút khỏi UNCLOS vì sẽ không mang lại lợi ích cho Nga

Ngày 02/4, Aaron M. Cooper và Romain Chuffart (The Arctic Insitute) có bài bình luận về việc Chủ tịch Ủy ban Duma Quốc gia về Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực cho biết Nga xem xét rút khỏi UNCLOS tại Bắc Cực. Các tác giả cho rằng Nga không nên rút khỏi UNCLOS vì:

  1. Các quốc gia không thể lựa chọn áp dụng hoặc rút khỏi UNCLOS một cách chọn lọc tại một khu vực địa lý cụ thể mà chỉ có thể rút khỏi hoàn toàn;
  2. Ngay cả khi rút khỏi UNCLOS, Nga vẫn phải tuân thủ quy định của UNCLOS vì các điều khoản trong UNCLOS thể hiện tập quán quốc tế;
  3. Khi rút khỏi UNCLOS, Nga không thể sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc của UNCLOS;
  4. Nga rút khỏi UNCLOS sẽ làm suy yếu lợi ích của Nga trong việc kiểm soát các hoạt động tại Bắc Cực;
  5. Việc Nga rút khỏi UNCLOS có thể gây ra phản ứng dư luận rằng Nga đang đi ngược lại với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Nhận xét: Việc Nga tuyên bố xem xét rút khỏi UNCLOS có thể chỉ là chiến thuật truyền thông nhằm thể hiện sự bất mãn trước yêu sách về thềm lục địa mở rộng của Mỹ ở Bắc Cực.

Hử Lợi Bình (Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc): Philippines cải tổ Hội đồng Hàng hải quốc gia là tạo cơ sở cho các hoạt động tiếp theo tại Biển Đông; lôi kéo các nước ngoài khu vực có thể tổn hại đến an ninh của Philippines

Ngày 04/3, Học giả Hử Lợi Bình (Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc) trả lời phỏng vấn báo chí liên quan đến các chính sách tại Biển Đông của Philippines, cho biết:

  1. Về việc cải tổ Hội đồng Hàng hải quốc gia của Philippines:
  • Thể hiện mong muốn đạt được sự ủng hộ của nhân dân;
  • Việc cải tổ có quy mô lớn, tầng nấc cao và tạo cơ sở cho các hoạt động tiếp theo của Philippines tại Biển Đông;
  • Mục đích: một mặt mong muốn gia tăng hiệu quả của tình báo quân sự, mặt khác tăng cường trang thiết bị và bồi dưỡng nhân lực để đẩy mạnh mức độ hành động.
  1. Về động thái tăng cường quan hệ với các nước ngoài khu vực, học giả cho rằng “việc lôi kéo các nước ngoài khu vực có thể làm tổn hại an ninh của Philippines” do:
  • Tăng cường hợp tác và diễn tập quân sự với các nước ngoài khu vực vi phạm DOC, làm phức tạp và quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.
  • ASEAN sẽ không đồng ý việc Philippines đặt lợi ích bản thân lên trên lợi ích khối, vì lôi kéo các nước sẽ làm khuấy động tình hình Biển Đông.
Bản PDF tại đây