Cuộc tranh chấp gần đây giữa Trung Quốc và Nhật Bản về đảo Điều Ngư (hay Nhật Bản gọi là Senkaku) dường như đã lắng dịu với việc thả thuyền trưởng một tàu đánh cá của Trung Quốc đã bị lực lượng cảnh vệ bờ biển Nhật Bản bắt giữ trước đó trong tháng 9/2010. Khá nhiều phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc đưa tin nổi bật tuyên bố rằng Nhật Bản đã đầu hàng. Tuy nhiên, không có biểu hiện rõ ràng nào cho thấy Trung Quốc là người chiến thắng. 


Quả thực, những mức độ thả lỏng khác thường mà Bắc Kinh đã thể hiện trong việc gò dây cương các cuộc biểu tình của quần chúng phản đối cái gọi là sự chiếm đóng của Nhật Bản đối với quần đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, đã bộc lộ một thiếu sót mang tính quyết định của cái gọi là mô hình Trung Quốc: ban lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc thiếu khả năng sử dụng có hiệu quả dư luận quần chúng để thúc đẩy các mục tiêu trong nước cũng như ngoại giao. Thay vì hướng dẫn dư luận quần chúng, những ngày này các nhà lãnh đạo Trung Quốc đôi khi bị đẩy vào những thế khó chịu làm giảm những lựa chọn của họ. 

Cuộc tranh chấp với Nhật Bản là một ví dụ nổi bật. Vào đỉnh điểm của cuộc tranh chấp này, các nhà chức trách Trung Quốc đã dốc hết sức để ngăn chặn những người Trung Quốc yêu nước bày tỏ quan điểm của họ. Các nhà tổ chức các cuộc phản kháng, như các biên tập viên của mạng www.cfdd.org.cn, một website nổi tiếng ủng hộ các vấn đề có liên quan đến đảo Điều Ngư, đã được cảnh sát cảnh báo “chớ nên vi phạm pháp luật” bằng cách tổ chức các cuộc biểu tình và những hành động cấp tiến khác. 


Mấy trăm nhà hoạt động tham gia các cuộc tập hợp ngày 18/9 - nhân dịp 79 năm ngày Nhật Bản xâm lược các tỉnh Đông Bắc Trung Quốc - ở các thành phố trong đó có Bắc Kinh, Quảng Châu, Thượng Hải và Thâm Quyến, đã bị cảnh sát giám sát chặt chẽ, số cảnh sát nhiều hơn số người biểu tình ít nhất với tỉ lệ 4/1. Những người thực thi pháp luật đã giải tán những người biểu tình trong khoảng một giờ. 


Ngày 12/9, cảnh sát Trung Quốc đã ngăn chặn một nhóm các nhà hoạt động theo đường lối dân tộc thuê một chiếc tàu đi từ tỉnh Phúc Kiến đến những hòn đảo nhỏ thuộc đảo Điếu Ngư để tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Một hành động tương tự diễn ra sau đó 10 ngày của một tổ chức phi chính phủ (NGO) yêu nước ở Hồng Công đã bị chính quyền địa phương cản trở, chính quyền đã ngăn chặn chiếc tàu đánh cá này vì lý do tàu này không được phép chuyên chở hành khách. 


Một lý do mà Bắc Kinh rất lo ngại về các cuộc biểu tình là dựa trên kinh nghiệm trước đây, “những người gây rối” thường tận dụng những cơ hội hiếm hoi đó để bày tỏ những phàn nàn về các vấn đề phi ngoại giao, đặc biệt nạn tham nhũng trong đảng và các bộ thuộc chính phủ. Theo tổ chức giám sát Những người bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc, điều đó giải thích lý do tại sao ít nhất 9 nhà hoạt động đã bị bắt giữ hoặc bị cảnh báo chớ nên tham gia các cuộc biểu tình ở Bắc Kinh và Quảng Châu. Trong số họ có Xu Zhiyong, giảng viên thuộc trường Đại học Bưu điện và Viễn Thông Bắc Kinh, và Teng Biao, một luật sư, Xu và Teng là hai nhà hoạt động NGO nổi tiếng đã đứng lên ủng hộ các nạn nhân của nạn tham nhũng chính thức. 


Tuy nhiên lý do quan trọng nhất giải thích tại sao các nhà chức trách của đảng tỏ ra đa nghi về các cuộc biểu tình của quần chúng là ngoài việc bôi nhọ đường hướng của Tôkyô, những người biểu tình có thể còn tập trung vào việc Bắc Kinh không làm được gì đáng kể để lấy lại vùng lãnh thổ đã mất. Cuộc tranh cãi Trung – Nhật về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku có từ đầu những năm 1970, khi Oasinhtơn trao trả quần đào này cho Nhật Bản, nhưng những hành động của Bắc Kinh chưa bao giờ đi quá những khẳng định bằng lời lẽ về “chủ quyền của mình từ thời xa xưa”. 


Những hành động này cũng không có khả năng như vậy. Bất chấp sự phát triển rất nhanh của lực lượng Hải quân Trung Quốc, một giải pháp quân sự dường như chưa được bàn đến. Những hòn đảo nhỏ nằm trong phạm vi của hiệp ước phòng thủ chung Nhật – Mỹ, một thực tế đã được Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhắc lại khi bà gặp Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara đang thăm Mỹ tại New York vào tháng 9.

 

Một giải pháp thực tế hơn là giải pháp do cố trưởng lão Đặng Tiểu Bình đề xướng khi ông đến thăm Nhật Bản năm 1978: tìm kiếm sự phát triển chung quần đảo giàu tài nguyên thiên nhiên này, đồng thời gác lại những lo ngại về chủ quyền. Đặng nói vào dịp đó rằng có lẽ tốt hơn là để cho “các thế hệ tương lai, những thế hệ có thể khôn ngoan hơn” giải quyết sự rắc rối về chủ quyền. Tuyên bố của Đặng, có thể được lý giải là hợp lý hóa hiện trạng đảo Điếu Ngư do Nhật Bản cai quản trên cơ sở thực tế, chưa bao giờ được đưa công khai nhiều ở Trung Quốc. Tuyên bố này cũng chưa được nhắc đến trong các sách giáo khoa lịch sử ở trường trung học. 


Tại sao? Tại sao Trung Quốc lo ngại người dân của mình nhiều như vậy? 

Ngoài truyền thống quản lý mất dân chủ nổi tiếng của ban lãnh đạo đảng, lý do chủ yếu đằng sau “hoạt động ngoại giao hộp đen” là nhằm tránh chịu trách nhiệm về việc không dám đương đầu với các cường quốc nước ngoài như Mỹ hoặc Nhật Bản. Bất chấp hiệu quả tương đối của “Bức tường Lửa khổng lồ” của Trung Quốc, số người theo đường lối dân tộc đang gia tăng nhanh có thể thường xuyên sử dụng Internet để bày tỏ quan điểm của họ, trong đó có những quan điểm tiêu cực về các chính sách đối ngoại và an ninh của Bắc Kinh. Những người theo đường lối dân tộc ngày càng lớn tiếng này nói chung tin rằng Trung Quốc đang trỗi dậy đã trở thành một cường quốc sung mãn và xứng đáng có một vị trí trong các vấn đề thế giới cho tương xứng với ảnh hưởng kinh tế đang gia tăng nhanh của nước này. 


Chính vì lo sợ sự phản ứng mạnh mẽ của những người theo đường lối dân tộc mà các cuộc thương lượng của Trung Quốc với Mỹ và các nước khác về việc nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới chẳng hạn, đều được tiến hành bí mật. Bắc Kinh rõ ràng lo ngại rằng nếu dân thường Trung Quốc biết được những nhượng bộ đáng kể mà nước này đã đưa ra trong các lĩnh vực trong đó có việc giảm thuế quan, thì những cán bộ cao cấp trong đó có cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ sẽ bị những người phản đối WTO gán cho cái mác là “những kẻ phản bội”. 


Những lo sợ tương tự đã bao phủ các cuộc thương lượng với Nga về một hiệp ước đã kết thúc những thập kỷ tranh chấp về đường biên giới chung dài 2.700 dặm của hai nước. Hiệp ước này, đã chính thức được ký năm 2008, chủ yếu được thương lượng giữa cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân và cựu Tổng thống Boris Yeltsin. Nó hợp pháp hóa quyền sở hữu của Nga đối với các khu vực rộng lớn thuộc lãnh thổ Trung Quốc – ước tính gấp 40 lần quy mô của Đài Loan – đã được chiếm từ Trung Quốc trong những ngày dưới thời Sa Hoàng. 


Tuy nhiên, trong các trường hợp khác, việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ chối để dân chúng – trong đó có tầng lớp trung lưu ngày càng có học thức và khôn khéo – tham gia việc đề ra chính sách đối ngoại đã làm giảm đáng kể phạm vi hoạt động của các quan chức và các nhà ngoại giao.

 

Chẳng hạn, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Nhật Bản lúc đó Yasuo Fukuda đã đạt được một hiệp định trên nguyên tắc vào giữa năm 2008 nhằm giải quyết các cuộc tranh chấp chủ quyền đối với Biển Hoa Đông. Hiệp định này phần lớn dựa trên nguyên tắc “tìm kiếm sự phát triển chung đồng thời gác lại vấn đề chủ quyền”. 

Một lần nữa, Bắc Kinh đã không cố gắng giải thích cho công dân của mình lý do căn bản đằng sau giải pháp cùng thắng tiềm tàng này. Khi hiệp ước về Biển Hoa Đông được công bố vài tuần sau khi Hồ Cẩm Đào rời Tôkyô, cư dân trên mạng Trung Quốc đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ, thậm chí trên các websites chính thức. Từ đó, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã chần chừ trong các cuộc thương lượng về việc chuyển hiệp định trên nguyên tắc Hồ Cẩm Đào – Fukuda thành một hiệp định chính thức.

 

Nhưng Bắc Kinh chưa bao giờ tìm cách thuyết phục dân chúng Trung Quốc về sự khôn ngoan của thỏa hiệp này. Và năm ngoái, những người theo đường lối cứng rắn bao gồm các nhân vật diều hâu trong quân đội đã công khai bày tỏ sự phản đối công thức “tìm kiếm sự phát triển chung đồng thời gác lại những tranh chấp chủ quyền”. 


Tuy nhiên, trở ngại khác của việc hoạch định chính sách đối ngoại thiếu công khai minh bạch của Bắc Kinh là Trung Quốc có xu hướng sử dụng các biện pháp hoài nghi nếu không nói là phi lý để xoa dịu những người theo đường lối dân tộc. Trong cuộc tranh chấp gần đây này, Bắc Kinh đã chơi những con bài kinh tế bao gồm việc thuyết phục những người Trung Quốc không đi thăm Nhật Bản với tư cách là các nhà du lịch và, nghe nói, đe dọa cắt giảm xuất khẩu đất hiếm cho các công ty của Nhật Bản. 


Những chiến thuật này về cơ bản không khác gì lời hiệu triệu quen thuộc “tẩy chay hàng Nhật”, thường được những người theo đường lối dân tộc Trung Quốc đưa ra. Tuy nhiên, như Đại sứ Ngô Kiến Dân, cựu Hiệu trưởng trường Đại học Các vấn đề Đối ngoại Trung Quốc, đã chỉ rõ, “Vào thời buổi toàn cầu hóa này, 95% các sản phẩm của Sony được sản xuất ở Trung Quốc. Không phải là ngớ ngẩn khi kêu gọi “tẩy chay hàng Nhật” hay sao?” 


Trong phạm vi rộng rãi hơn, sự quyết đoán gần đây của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản đã thổi bùng lên ngọn lửa của luận thuyết “mối đe dọa Trung Quốc” – và khiến cho các nước khác trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ - và một số nước Đông Nam Á tham gia “chính sách kiềm chế chống Trung Quốc”, được cho là do Oasinhtơn đi đầu. Nỗ lực rõ ràng của Bắc Kinh nhằm ngăn chặn trước sự chỉ trích từ những người sử dụng Internet theo đường lối dân tộc đã dẫn đến việc cấp tiến hóa hoạt động ngoại giao của Trung Quốc mà có thể làm giảm ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc. 


Bây giờ thì sao? Trước khi Bắc Kinh có thể giải quyết một cách có hiệu quả một loạt vấn đề chủ quyền nhạy cảm với các nước láng giềng của mình, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và các đồng nghiệp trong Bộ chính trị của ông trước hết phải tìm kiếm một thỏa thuận với dân chúng Trung Quốc về những tham số của lợi ích quốc gia của Trung Quốc – và làm thế nào để đạt được những lợi ích đó thông qua các chuẩn mực quốc tế đã được công nhận đầy đủ. Về lâu dài, việc tiếp tục đối xử với người dân Trung Quốc như một mối đe dọa nữa phải được vô hiệu hóa sẽ chỉ tạo ra một sự tiên tri tự nó diễn ra./.

Nguồn: Foreign Policy; TTXVN