Trung Quốc rất chú ý tới chính sách đối ngoại của Chính quyền Donald Trump, trong đó có rất nhiều nội dung chưa rõ ràng, và cố gắng tranh thủ để khẳng định vị thế của mình. 

Phải đợi tới 20 ngày Donald Trump mới đưa ra một cử chỉ chính thức với Trung Quốc. Ngày 10/2, lần đầu tiên tân tổng thống Mỹ đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với người đồng cấp Trung Quốc và chính thức thừa nhận nguyên tắc “Một Trung Quốc”, điều rất cần thiết với Bắc Kinh. Vào tháng 12, Donald Trump đã nhận cuộc gọi của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn chúc mừng ông thắng cử. Cuộc nói chuyện với Tập Cận Bình đã làm dịu căng thẳng, nhưng lại phủ thêm một làn sương mờ lên tầm nhìn về chính sách của Chính quyền Trump. Tân tổng thống Mỹ đã nhiều lần công kích Trung Quốc qua Twitter, thể hiện thái độ rất hung hăng trên các lĩnh vực kinh tế và quân sự, nhưng bỏ qua hoàn toàn vấn đề môi trường và nhân quyền. Trong vài tuần lễ, Donald Trump đã làm xáo trộn cán cân sức mạnh giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới, đẩy Bắc Kinh đôi khi vào tình thế buộc phải cởi mở và ôn hòa. Dưới đây điểm lại bốn vấn đề nổi bật. 

Quản trị toàn cầu 

Đây là lần hiếm hoi các phương tiện thông tin đại chúng của Trung Quốc và phương Tây đồng ý với nhau: Diễn văn của Tập Cận Bình tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos tháng 1/2017 chắc chắn sẽ còn lưu rất lâu trong ký ức. Trong vòng 30 phút, trong 1 bài diễn văn rất trôi chảy và trích dẫn cả nhà văn Charles Dickens, chủ tịch Trung Quốc đã ca ngợi những hào quang của chủ nghĩa tư bản và tự nhận là người lãnh đạo của hệ thống quản trị toàn cầu. Ông Jean-Vincent Brisset, chuyên gia người Pháp về chính sách quốc phòng và chiến lược Trung Quốc, nhận xét: “Tập Cận Bình đã làm một cuộc cách mạng về chính sách của Trung Quốc, đưa nó đi theo phong cách truyền thống, dưới cách nhìn của phương Tây”. Bài diễn văn trong chuyến công du Thụy Sỹ này được coi là bước đi nhằm thúc đẩy toàn cầu hóa của chủ tịch Trung Quốc. Ông Barthélemy Courmont, Giám đốc nghiên cứu tại Viện quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IFRIS), nói: “Bắc Kinh muốn chiếm lĩnh thế thượng phong và tìm cách thay thế sức mạnh đang suy yếu của Mỹ”. Đây là sự đoạn tuyệt với truyền thống không can thiệp của chính sách đối ngoại Trung Quốc. Ông Courmont giải thích: “Từ hơn 10 năm nay, Bắc Kinh đã thực hiện chiến lược ‘sức mạnh mềm’ bằng cách chăm chút hình ảnh của mình để được một số khu vực chấp nhận”. 

Tại Davos, Tập Cận Bình đã đáp trả Donald Trump một cách gián tiếp, khi đó mới chỉ là tổng thống đắc cử chưa nhậm chức, ám chỉ tới các tác động tiêu cực nếu Mỹ rút khỏi trường quốc tế. Theo Barthélemy Courmont, “khó có thể hình dung Mỹ thu mình lại và không còn quan tâm tới các hồ sơ quốc tế”. Không hoàn toàn theo chủ nghĩa biệt lập, Trump “sẽ là một tổng thống thực dụng”, có thể từ bỏ các hồ sơ mà ông không quan tâm hoặc trong đó ông cho rằng lợi ích của Mỹ chưa bị đe dọa. Xét theo góc độ này, Trump quay trở lại với dạng chủ nghĩa thực dụng kiểu Cộng hòa, đặc trưng là chuyến thăm của Richard Nixon tới Trung Quốc năm 1972. Với kiểu chính trị thực dụng này, Mỹ sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc rảnh tay trên những lĩnh vực mà họ bỏ qua. 

Chống biến đổi khí hậu 

Bắc Kinh cũng như tất cả các thành phố lớn khác của Trung Quốc đang phải chịu đựng tình trạng ô nhiễm nặng nề. Tình hình báo động đã thúc đẩy chính phủ phải đứng ra đảm nhiệm vai trò đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Gabrielle Desarnaud, chuyên gia nghiên cứu của Trung tâm năng lượng thuộc Viện quan hệ quốc tế Pháp (IFRI), nhận xét mục tiêu đầu tiên của Bắc Kinh là cải thiện các điều kiện môi trường trên lãnh thổ của mình, vốn đang kích động nhiều phong trào xã hội lớn. Cùng với tăng trưởng kinh tế chậm lại, vấn đề này có thể gây ra nguy cơ bùng nổ xã hội. Bị coi là nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới và trong một thời gian dài lưỡng lự về chủ đề này, Trung Quốc đã thay đổi triệt để lập trường. Trong kế hoạch 5 năm đưa ra gần đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc dự kiến sẽ đầu tư khoảng 361 tỷ USD từ nay đến năm 2020 vào các nguồn năng lượng tái tạo. Mục tiêu là tạo ra 13 triệu việc làm. Bà Gabrielle Desarnaud nhận xét: “Việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo cho phép Bắc Kinh thu hút nguồn nhân lực bị cắt giảm từ ngành than và giảm bớt các khó khăn kinh tế mà họ đang phải đối phó hiện nay”. 

Nhưng chính sách của Mỹ hiện nay lại đi theo hướng ngược lại. Nếu như Trung Quốc coi các nguồn năng lượng tái tạo là một trong những động lực thúc đẩy nền kinh tế, thì Mỹ có ý định tiếp tục sử dụng than và dầu mỏ. Mới đây, Donald Trump đã cho phép mở lại hồ sơ đường ống dẫn dầu Keystone XL, có khả năng vận chuyển 830.000 thùng dầu/ngày. Tổng thống Mỹ cũng quyết định xem lại sắc lệnh về Kế hoạch năng lượng sạch. Dự luật này được đệ trình dưới thời Barack Obama, hứa hẹn sẽ giảm tỷ trọng than từ 39% xuống 27% trong rổ nhiên liệu của Mỹ, đồng thời thúc đẩy phát triển năng lượng gió và mặt trời. Không ai có thể bác bỏ rằng Trump có quan điểm hoài nghi về biến đổi khí hậu. Năm 2012, ông đã gọi biến đổi khí hậu là một chuyện vớ vẩn, do Trung Quốc đưa ra để làm suy yếu nền công nghiệp Mỹ. Chính ông đã đe dọa rút khỏi Thỏa thuận Paris về khí hậu. Nhưng trong lĩnh vực này, Trump cũng có những tuyên bố lẫn lộn. Ngoại trưởng Rex Tillerson, cựu Chủ tịch Exxon Mobil, một tập đoàn từ lâu đã nói dối về tác động từ các hoạt động của họ đối với khí hậu, đã thừa nhận trong cuộc điều trần bổ nhiệm tại Thượng viện rằng biến đổi khí hậu là có thật và cần phải có các biện pháp để nhanh chóng đối phó. 

Kinh tế 

Chuyên gia Jean-Vincent Brisset nhận xét: “Phát biểu của Tập Cận Bình tại Davos là điều khó có thể tưởng tượng đối với hai người tiền nhiệm của ông ta, Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân”. Còn theo nhật báo Thụy Sỹ Le Temps, chủ tịch Trung Quốc đã tự nhận là người bảo vệ cho tự do thương mại, “dạy cho nước Mỹ của Donald Trump một bài học”, đồng thời khẳng định tương quan lực lượng giữa Washington và Bắc Kinh đã thay đổi. Ông Barthélémy Courmont phân tích: “Mỹ tự đánh giá đang ở trong tình thế phụ thuộc lẫn nhau với Trung Quốc, nhưng tình thế này càng ngày càng thay đổi”. Mấy năm gần đây, thâm hụt thương mại giữa 2 nước ngày càng trầm trọng, đạt mức 365,7 tỷ USD nghiêng về phía Mỹ năm 2015. Năm 2000, con số này chỉ có 50 tỷ USD. Theo nhà nghiên cứu người Pháp, Trung Quốc đã tăng cường trao đổi kinh tế và thương mại một cách ngoạn mục với châu Phi và châu Âu. Còn Mary-Françoise Renard, nhà kinh tế tại Đại học Clermont-Auvergne, thì đi xa hơn: “Nếu Trump quyết thực hiện ý tưởng đánh thuế hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh có thể phản ứng bằng cách mua Airbus thay vì Boeing”. 

Gắn chặt với khẩu hiệu tranh cử “Nước Mỹ trên hết”, Donald Trump hứa sẽ đưa việc làm trở lại Mỹ và tái lập hàng rào thuế quan với các hàng hóa Trung Quốc. Có lẽ ông không biết rằng biện pháp đó hoàn toàn hão huyền. Bởi vì Bắc Kinh sử dụng thặng dư thương mại để mua trái phiếu chính phủ Mỹ. Đến nay, Trung Quốc là nước giữ trái phiếu Mỹ nhiều thứ 2 thế giới, chỉ sau Nhật Bản, với hơn 1.000 tỷ USD. Nếu Trump thực hiện lời đe dọa, Bắc Kinh, trong trường hợp trả đũa, sẽ ngừng mua trái phiếu Mỹ, và điều đó sẽ càng đào sâu thêm khối nợ của Mỹ. 

Vừa mới lên nhậm chức, Trump đã quyết định rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), với lý do hiệp định này được xây dựng để Trung Quốc lách luật. Quyết định này không ăn nhập với mục tiêu mà thỏa thuận này đặt ra là nhằm chống lại sự chi phối của Trung Quốc tại châu Á. Một sự trớ trêu lịch sử, cuối tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Úc  Malcolm Turnbull đã tuyên bố Trung Quốc có thể thay thế Mỹ trong TPP. Hiện nay, Bắc Kinh quan tâm đến mở rộng thị trường hơn bao giờ hết. Nhưng Trung Quốc cũng rất cảnh giác, vì “sự không ổn định của Trump sẽ không tạo thuận lợi cho quan hệ đối tác giữa hai bên”, theo đánh giá của bà Gabrielle Desarnaud. 

Biển Đông 

Barack Obama đã coi Thái Bình Dương là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Với việc rút khỏi TPP, Trump đã thực hiện một cú đoạn tuyệt rất lớn. Ngược lại, tân Chính quyền Mỹ lại có ý định tiếp tục đóng vai trò sen đầm trong khu vực. Washington đã nhiều lần nhắc lại cảnh báo về việc Trung Quốc xây dựng các công trình bất hợp pháp trên Biển Đông. 

Trước khi Trump giành chiến thắng, giám đốc chiến dịch vận động tranh cử của ông, Steve Bannon, từng phát biểu “không nghi ngờ” về việc Mỹ và Trung Quốc sẽ gây chiến với nhau trong khu vực. Điều đáng ngạc nhiên là Trung Quốc đột nhiên đã thay đổi thái độ, cùng với Mỹ hát bài ca “không đe dọa hòa bình và ổn định”. Họ cũng biết thể hiện sự điềm tĩnh tuyệt đối: “Bất cứ một chính trị gia có lý trí nào đều có thể thừa nhận rằng không thể xảy ra xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc, khiến cả hai đều mất mát quá nhiều”. 

Tuy vậy, điều này không hẳn biến Bắc Kinh thành người chủ trương hòa bình. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Washington, phát ngôn viên của Chính phủ Trung Quốc đã tái khẳng định chủ quyền của nước này trên quần đảo Senkaku: “Quần đảo Điếu Ngư thuộc về Trung Quốc và không gì có thể lay chuyển quyết tâm của Trung Quốc bảo vệ chủ quyền quốc gia và lãnh thổ của mình”. Trong lĩnh vực này, chưa ai biết được ý định của tổng thống Mỹ như thế nào.

Theo Libération, Pháp

Hương Lan (gt)