Tình hình nổi bật

Theo Văn phòng người phát ngôn của Mỹ ngày 29/10, Mỹ đã hợp tác với Chính phủ Úc, Nhật Bản và Palau để tài trợ cho việc xây dựng một tuyến cáp quang biển tới Cộng hòa Palau trị giá khoảng 30 triệu USD. Dự án đánh dấu sự hợp tác đầu tiên được chuyển giao trong khuôn khổ Quan hệ Đối tác ba bên về đầu tư cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương giữa Mỹ, Úc và Nhật Bản.

Báo Sohu, Trung Quốc, ngày 2/11 trích dẫn SCSPI cho biết quân đội Mỹ thuê máy bay thương mại đ trinh sát gần bờ biển Tỉnh Triết Giang và Giang Tô, Trung Quốc. Trong thời gian hành động, máy bay này đã bay qua vùng nhận diện phòng không ADIZ của Trung Quốc tại Biển Hoa Đông. Từ tháng 8 đến nay, trung bình mỗi tháng có khoảng 10 máy bay Mỹ hoạt động tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Góc nhìn Quốc tế

+ Châu ÂuMỹ:

VOA, Mỹ, ngày 31/10 dẫn ý kiến học giả đánh giá cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 đã mở ra cơ hội để Việt Nam tăng cường hợp tác an ninh với các nước phương Tây. Giáo sư Alexander Vuving (Trung tâm APCSS, Mỹ) cho rằng “Việt Nam được mời dự Quad [các cuộc họp về ứng phó với COVID-19 và các tác động kinh tế sau đại dịch hồi tháng 3 năm nay] bởi Việt Nam là “bức tường thành” ngăn Trung Quốc, nhưng các nước trong Quad có thể lấy cớ rằng Việt Nam được mời bởi họ đang là Chủ tịch ASEAN. Học giả Yun Sun (Trung tâm Stimson, Mỹ) đánh giá các liên kết với Quad “sẽ giúp Việt Nam có một ‘liên minh’ vững chắc tại khu vực để đối phó với Trung Quốc”.

Derek Grossman, Viện RAND, Mỹ, ngày 1/11 nhận định bất kể ai thắng cử Tổng thống, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Derek đưa ra các cơ sở cho nhận định này của mình bao gồm quan điểm tiêu cực của dân chúng Mỹ với Trung Quốc ngày càng gia tăng, đồng thuận lưỡng đảng về cạnh tranh và đối phó với Trung Quốc và trên thực tế chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng có nhiều điểm tương đồng với chính sách xoay trục của chính quyền Obama. Nếu Trump tái đắc cử, Derek dự đoán khả năng cao là Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác để đối phó với Trung Quốc. Nếu Biden trúng cử, Biden có thể nỗ lực tái thiết lập quan hệ với Trung Quốc, tránh sụp đổ quan hệ hoàn toàn và cố gắng có những tiến triển trong hợp tác 2 nước về các vấn đề toàn cầu nhưng Biden nhìn chung vẫn giữ quan điểm cứng rắn với Trung Quốc.

Cựu Chỉ huy Hải quân Hoàng gia Anh Alan West ngày 31/10 cảnh báo nếu không có hành động nào chống lại Bắc Kinh ở Biển Đông, hành vi hung hăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong khu vực có thể dẫn đến các hậu quả tồi tệ. Ông kêu gọi Anh nên tìm kiếm và thành lập các liên minh mới trong khu vực để phòng thủ và chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc, có thể là phục hồi một liên minh hoặc tổ chức dựa trên Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO). Ngoài ra, ông cũng thể hiện sự lo ngại rằng các lực lượng vũ trang sẽ không đủ năng lực tài chính để làm những điều cần thiết nhằm chống lại Trung Quốc.

+ Các nước khác:

Theo Inquirer ngày 31/10, Emmanuel Bautista, cựu Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Philippines cảnh báo Trung Quốc đang triển khai chiến thuật vùng xám trên nhiều lĩnh vực đối với Philippines, bao gồm tại các vùng biển tranh chấp, thông tin tuyên truyền, kinh tế… Ông kêu gọi Chính phủ Philippines cảnh giác với các hành động dưới ngưỡng quân sự của Trung Quốc. “Chúng ta cần có các chính sách quốc gia về kiểm soát các ngành công nghiệp chiến lược, bảo vệ các tài sản chiến lược”. Ông cũng nhấn mạnh rằng Hiệp ước Phòng thủ chung giữa Philippines và Mỹ vẫn đang có hiệu lực.

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin ngày Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn