Bản tin tuần Biển Đông (06/12-12/12/2024)

Tiêu điểm

  1. Mỹ-Nhật-Philippines tập trận chung trong khuôn khổ Hoạt động Hợp tác Hàng hải đa phương (MMCA) lần thứ 5 tại Biển Đông.
  2. Mỹ-Nhật-Philippines tổ chức Đối thoại Biển ba bên lần đầu tiên.
  3. Đài Loan phát hiện 21 tàu và 47 máy bay quân sự Trung Quốc tại vùng biển xung quanh Đài Loan.
  4. Tàu khu trục Mỹ tiến hành hoạt động tự do hàng hải (FONOP) tại Đá Hoa Lau, quần đảo Trường Sa.
  5.  

 

Thực địa

Mỹ-Nhật-Philippines tập trận chung trong khuôn khổ Hoạt động Hợp tác Hàng hải đa phương (MMCA) lần thứ 5 tại Biển Đông

Ngày 6/12, Lực lượng Phòng thủ biển Nhật Bản, Hải quân Mỹ và Hải quân Philippines đã cử tàu và máy bay chiến đấu tham gia tập trận chung trong khuôn khổ Hoạt động Hợp tác Hàng hải đa phương (MMCA) lần thứ 5 tại Biển Đông. Ba nước tuyên bố triển khai hoạt động nhằm tăng tương tác và phối hợp giữa các lực lượng quân đội, ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và quyền của các nước ven biển dựa trên luật pháp quốc tế.

Tàu khu trục Mỹ tiến hành hoạt động tự do hàng hải (FONOP) tại Đá Hoa Lau, quần đảo Trường Sa

Ngày 6/12, sỹ quan hải quân Hạm đội 7 của Mỹ cho biết tàu khu trục Mỹ USS Preble đã tiến hành hoạt động tự do hàng hải (FONOP) tại Đá Hoa Lau, quần đảo Trường Sa. Tàu USS Preble di chuyển trong phạm vi 12 hải lý xung quanh Đá Hoa Lau. Đây là FONOP thứ hai của Mỹ ở Biển Đông trong năm 2024.

Đài Loan phát hiện 21 tàu và 47 máy bay quân sự Trung Quốc tại vùng biển xung quanh Đài Loan

Ngày 11/12, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết đã phát hiện 21 tàu, gồm 12 tàu chiến và chín tàu công vụ cùng 47 máy bay quân sự Trung Quốc đang hoạt động tại vùng biển xung quanh Đài Loan. Người đứng đầu Văn phòng Phó Tổng Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Đài Loan Hsieh Jih-sheng cho biết, các hạm đội tàu Trung Quốc đang xây dựng hai bức tường vây quanh vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Quân đội Đài Loan đã tiến hành các cuộc tập trận chuẩn bị chiến đấu để ứng phó với các cuộc tấn công và diễn biến bất ngờ trong thời gian tới.

 

Chính trị-Ngoại giao

Việt Nam-New Zealand tổ chức Đối thoại Biển song phương lần thứ nhất

Ngày 9/12, Việt Nam và New Zealand tổ chức Đối thoại Biển lần thứ nhất tại Hà Nội. Hai bên trao đổi về các vấn đề biển và đại dương, đề cao hợp tác biển trên tinh thần tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS, phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ môi trường biển và hợp tác nghiên cứu khoa học biển.

Ngày 10/12, Mỹ, Nhật Bản và Philippines tiến hành Đối thoại Biển ba bên đầu tiên tại Tokyo (Nhật Bản). Các bên bày tỏ quan ngại với các hành vi nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông, tái khẳng định cam kết duy trì luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS, đồng thời thúc đẩy hợp tác ba bên trong tương lai thông qua các hoạt động hợp tác hàng hải, thực thi pháp luật trên biển và xây dựng năng lực.

 

An ninh-Quốc phòng

Tham vấn Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Úc-New Zealand (ANZMIN 2+2)

Ngày 6/12, Úc và New Zealand tổ chức Hội nghị Tham vấn Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng (ANZMIN 2+2) lần thứ hai trong năm 2024. Tuyên bố chung giữa hai bên khẳng định thúc đẩy liên minh Úc-New Zealand, hoan nghênh các cơ chế tiểu đa phương ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AUKUS, Quad, Ngũ nhãn) và thảo luận về tình hình Biển Đông và Eo biển Đài Loan.

Úc-New Zealand ra Tuyên bố chung về Quan hệ Quốc phòng Chặt chẽ hơn (CDR)

Ngày 6/12, trong khuôn khổ Tham vấn Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Úc-New Zealand (ANZMIN 2+2), Úc và New Zealand đã ký Tuyên bố chung về Quan hệ Quốc phòng Chặt chẽ hơn (CDR). Tuyên bố chung khẳng định hai bên cần thúc đẩy hợp tác để bảo vệ lợi ích chung và ứng phó với các mối đe dọa hiện tại thông qua việc tái khởi động Khối Hiệp ước quân sự ANZUS năm 1951 và Năm Mục tiêu Phòng thủ chung.

Philippines khẳng định không triển khai tàu chiến ở Biển Đông

Ngày 10/12, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos khẳng định Philippines “không ở trong tình trạng chiến tranh” và sẽ không triển khai tàu chiến tại Biển Đông, bất chấp các hành vi quấy rối của Trung Quốc gần đây. Ông Marcos cũng nhấn mạnh Philippines sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tiếp tế và bảo vệ chủ quyền của nước này ở Biển Đông.

 

Pháp lý

Việt Nam kỷ niệm 30 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) có hiệu lực

Ngày 10/12, Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày UNCLOS có hiệu lực. Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh giá trị và vai trò của UNCLOS, khẳng định Việt Nam luôn tuân thủ, thực thi đầy đủ, có trách nhiệm các quy định của Công ước, chủ trương giải quyết các bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

 

GÓC NHÌN QUỐC TẾ

Tư lệnh Hải quân Philippines Jose Ma. Ambrosio Ezpeleta: Philippines có thể áp dụng chiến thuật “vùng xám” của riêng mình tại Biển Đông để đối phó với các chiến thuật mà Trung Quốc sử dụng

Ngày 6/12, trả lời câu hỏi về việc liệu Philippines có thể tạo ra chiến thuật “vùng xám” của riêng mình để đối phó với các chiến thuật của Trung Quốc hay không, Tư lệnh Hải quân Philippines Jose Ma. Ambrosio Ezpeleta nhận định Philippines cần tăng hiện diện hàng hải tại các vùng biển tranh chấp và hỗ trợ tốt hơn cho các tàu trắng (ví dụ lực lượng tuần duyên), đẩy mạnh năng lực nhận diện và giám sát trên biển và xây dựng mối quan hệ đồng minh với các quốc gia có cùng chí hướng. Ông Ambrosio Ezpeleta cũng cho biết, hiện tại Philippines đang nỗ lực hiện đại hóa quân đội nhằm tăng khả năng răn đe.

The Diplomat: Trung Quốc tận dụng tối đa năng lực hiện có để gây áp lực lên Đài Loan nhưng không vượt ngưỡng “leo thang nguy hiểm”

Ngày 7/12, trang The Diplomat đăng tải ý kiến của TS. Cheng-kun Ma (Đại học Quốc phòng, Đài Loan) và K. Tristan Tang (Dự án Nghiên cứu về Quốc phòng Trung Quốc) về xu hướng tuần tra sẵn sàng chiến đấu của quân đội Trung Quốc quanh Đài Loan. Các học giả nhận định, trong sáu tháng cuối năm 2024, các cuộc tuần tra đã giảm số lượng và tăng cường độ nhưng vẫn chưa có quy chuẩn cố định và lịch trình rõ ràng. Thực tế này cho thấy quân đội Trung Quốc vẫn bị giới hạn bởi hỗ trợ hậu cần và khả năng huấn luyện ban đêm. Mặt khác, Trung Quốc cũng cho thấy có ý định gây áp lực lớn hơn lên Đài Loan nhưng không vượt qua ngưỡng “leo thang nguy hiểm”. Trong tương lai, nếu năng lực và quy mô của quân đội Trung Quốc lớn mạnh hơn thì tần suất tuần tra có thể vượt mức hiện tại.

New York Times: Lệnh cấm vận khoáng sản chiến lược của Trung Quốc làm tăng căng thẳng Trung-Mỹ

Ngày 9/12, tờ New York Times đăng tải bài viết của tác giả Keith Bradsher (Trưởng Văn phòng Bắc Kinh của The Times) về tác động của lệnh cấm vận khoáng sản thiết yếu của Trung Quốc với căng thẳng Trung-Mỹ. Tác giả nhận định, các công ty đa quốc gia đang kinh doanh với Trung Quốc ngày càng lo ngại về việc Trung Quốc ra lệnh cấm vận thương mại đối với việc xuất khẩu bốn loại khoáng sản chiến lược sang Mỹ. Lệnh cấm vận khoáng sản của Trung Quốc mở rộng áp dụng cho cả trường hợp các tổ chức hoặc cá nhân từ các quốc gia hoặc khu vực khác chuyển giao hoặc cung cấp các khoáng sản có nguồn gốc từ Trung Quốc cho các tổ chức hoặc cá nhân ở Mỹ.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa vào một lệnh cấm rộng rãi về việc chuyển tải hàng hóa trong quy định của chính phủ về xuất khẩu. Điều này cũng cho thấy Trung Quốc sẵn sàng đáp trả các chính sách thương mại cứng rắn hơn mà Donald Trump đã tuyên bố, đánh dấu leo thang trong cuộc chiến công nghệ giữa hai nước.

 

Bản PDF tại đây