TIÊU ĐIỂM
- PLA tuần tra trên biển và trên không quanh Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham lần thứ hai trong vòng bốn tháng.
- Tuyên bố chung Mỹ-Indonesia khẳng định tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia theo luật quốc tế, tôn trọng quyền và lợi ích của bên thứ ba ở Biển Đông.
- Úc-Philippines lần đầu họp Bộ trưởng Quốc phòng, khẳng định tiếp tục tăng cường hợp tác song phương và đa phương khu vực.
- Trung Quốc phát hành phiên bản mới của bản đồ Thành phố Tam Sa, bao gồm các đơn vị hành chính của Quận Tây Sa và Quận Nam Sa.
- Trung Quốc ra mắt chiến đấu cơ tàng hình mới J-35A, trở thành quốc gia thứ hai sau Mỹ sở hữu hai loại tiêm kích tàng hình.
TIN TỨC
Thực địa
Ngư dân Philippines bị Hải cảnh Trung Quốc quấy rối và chặn đường vào bãi Sa Bin
Ngày 14/11, Inquirer đăng tải nội dung bản tường trình của thuyền trưởng Philippines tố cáo hải cảnh Trung Quốc (CCG) liên tục quấy rối tàu cá Philippines trong nhiều ngày bằng nhiều hình thức. Cụ thể:
- Hú còi và thực hiện động tác cơ động áp sát tàu (tàu CCG- 4108);
- Triển khai tàu cao tốc (speed boat) để chặn đầu, liên tục đâm vào tàu cá Philippines (tàu CCG-5203);
- Triển khai “tàu xám” (số hiệu 629) và tàu CCG 4103 bám đuôi, theo dõi và hú còi.
Trước đó ngày 12/11, Người phát ngôn cảnh sát biển Philippines (PCG) Jay Tarriela cho biết:
- PCG nhanh chóng xác định vị trí của ngư dân để tiến hành điều tra và yêu cầu nộp bản tường trình;
- PCG dự kiến đệ trình báo cáo sự cố lên Lực lượng đặc nhiệm quốc gia về Biển Đông nhằm đưa ra động thái phù hợp.
Cùng ngày 12/11, Người phát ngôn Hải quân Philippines, Chuẩn đô đốc Roy Vincent Trinidad cho biết trong tháng 10 có ít nhất 15 tàu CCG và 14 tàu Hải quân Trung Quốc hoạt động ở Biển Đông.
PLA tuần tra trên biển và trên không quanh Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham
Ngày 13/11, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tiến hành tuần tra trên biển và trên không xung quanh Bãi cạn Scarbourough/Hoàng Nham. Bộ tư lệnh Chiến khu Nam PLA cho biết các hoạt động tuần tra được "thực hiện theo luật pháp".
- Đây là cuộc tập trận thứ hai của PLA quanh Bãi cạn trong vòng bốn tháng.
Ray Powell: Trung Quốc cử 5 tàu dân quân biển đến bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, kết hợp với 3 tàu hải cảnh cỡ lớn để chặn lối vào của tàu Philippines
Ngày 14/11, Ray Powell (Giám đốc chương trình Sea Light) đăng tải trên mạng xã hội X thông tin về Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Cụ thể:
- Ngày 13/11, Trung Quốc triển khai năm tàu dân binh biển Qiong Sansha Yu đến Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, kết hợp ba tàu lớn của CCG chặn đường tiếp cận của các tàu an ninh và đánh cá của Philippines.
- Hình ảnh:
Chính trị-Ngoại giao
Tuyên bố chung Mỹ-Indonesia: Tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của các nước theo luật quốc tế, tôn trọng quyền và lợi ích của bên thứ ba ở Biển Đông
Ngày 12/11, Tổng thống Mỹ Joseph Biden và Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto ra Tuyên bố chung (TBC) nhân kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao. Về vấn đề Biển Đông, TBC cho biết hai bên:
- Nhất trí tăng đối thoại, hợp tác an ninh biển, hiện đại hóa quân đội-quốc phòng;
- Tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS;
- Coi trọng DOC và ủng hộ nỗ lực của ASEAN nhằm xây dựng COC hiệu quả và thực chất;
- Tôn trọng quyền và lợi ích của bên thứ ba tại Biển Đông, “lưu ý” Phán quyết 2016 được thành lập dựa trên UNCLOS.
NPN BNG Trung Quốc Lâm Kiếm kêu gọi Philippines nhanh chóng rút hệ thống tên lửa Typhon của Mỹ như đã cam kết
Ngày 14/11, trả lời câu hỏi về việc Philippines có kế hoạch mua hệ thống tên lửa tầm trung Typhon của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm cho biết:
- Trung Quốc đã nhiều lần phản đối việc Mỹ triển khai hệ thống tên lửa tầm trung tại Philippines;
- Việc đưa vũ khí chiến lược tấn công này vào Philippines tạo điều kiện cho quốc gia bên ngoài khu vực tiếp tục gây căng thẳng và thù địch trong khu vực, đồng thời kích động đối đầu địa chính trị và chạy đua vũ trang;
- Trung Quốc kêu gọi Philippines nhanh chóng rút hệ thống tên lửa như đã cam kết.
An ninh-Quốc phòng
Trung Quốc ra mắt chiến đấu cơ tàng hình mới J-35A
Ngày 12/11, Trung Quốc ra mắt chiến đấu cơ đa nhiệm tàng hình mới J-35A tại Triển lãm Hàng không Vũ trụ 2024 tại tỉnh Quảng Đông.
- Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia thứ hai sau Mỹ sở hữu hai loại tiêm kích tàng hình, gồm J-20 và J-35. Hiện tại, Không quân PLA đang triển khai một đội bay J-20 (biên chế từ cuối năm 2016).
- Wang Mingzhi, nhà nghiên cứu cấp cao của Không quân PLA cho rằng J-20 và J-35 sẽ trở thành trụ cột của Không quân PLA vốn hiện đang tập trung vào tác chiến tàng hình.
Philippines công bố kế hoạch mua mới 49 tàu quân sự của Pháp và Nhật Bản
Chỉ huy PCG Ronnie Gil Gavan cho biết Philippines có kế hoạch mua 49 tàu mới từ Pháp và Nhật Bản, dự kiến bổ sung vào năm 2027.
Trước đó, ngày 5/11, Hội đồng Cơ quan Phát triển Kinh tế Quốc gia Philippines (NEDA) phê duyệt Gói vay hỗ trợ phát triển chính thức từ Pháp lên tới ít nhất 438 triệu USD, bao gồm chương trình hỗ trợ hậu cần kéo dài chín năm cùng các thiết bị bổ sung.
Úc-Philippines lần đầu tiên họp Bộ trưởng Quốc phòng
Ngày 12/11, Úc và Philippines họp Bộ trưởng Quốc phòng lần đầu tiên tại Canberra. Trong TBC sau cuộc họp, hai bên:
- Bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về tình hình ở Biển Đông, đặc biệt là hành vi nguy hiểm của Trung Quốc đối với tàu Philippines;
- Nhấn mạnh vai trò của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, khẳng định các quốc gia cần theo đuổi giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế;
- Tái khẳng định Phán quyết của Tòa trọng tài Biển Đông năm 2016 mang tính chung thẩm và ràng buộc đối với các bên.
Về hợp tác song phương:
- Philippines xác nhận tham gia Tập trận Talisman Sabre lần đầu tiên vào năm 2025;
- Úc tiếp tục tham gia Tập trận Balikatan và lần đầu tham gia Tập trận Salaknib năm 2025;
Về hợp tác đa phương khu vực:
- Úc và Philippines hoan nghênh hợp tác quốc phòng giữa bốn quốc gia (với Mỹ và Nhật), bao gồm hợp tác biển trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, hoạt động xây dựng năng lực và tăng cường khả năng tương tác.
Pháp lý
Trung Quốc phát hành phiên bản mới của bản đồ Thành phố Tam Sa, bao gồm các đơn vị hành chính của Quận Tây Sa và Quận Nam Sa
Ngày 12/11, tài khoản WeChat của Uỷ ban TW Đoàn thanh niên Chủ nghĩa Cộng sản Trung Quốc đăng tải thông tin về việc Bộ Tài nguyên thiên nhiên Trung Quốc phát hành phiên bản mới của bản đồ Thành phố Tam Sa. Cụ thể:
- Bộ bản đồ Thành phố Tam Sa bao gồm các đơn vị hành chính của Quận Tây Sa và Quận Nam Sa;
- Tổng cục Bưu điện Nhà nước Trung Quốc ban hành thông báo chỉ định mã bưu chính 573299 cho Quận Nam Sa, Thành phố Tam Sa, Tỉnh Hải Nam;
- Đảo Phú Lâm, Đảo Cây và Đảo Duy Mộng ở Quận Tây Sa, Thành phố Tam Sa sẽ tiếp tục sử dụng các mã bưu chính hiện tại là 573199, 573101 và 573102.
Góc nhìn quốc tế
Tổng thống Trump chọn Ngoại trưởng mới và Cố vấn An ninh Quốc gia có lập trường cứng rắn với Trung Quốc và quan tâm đến Biển Đông
Ngày 11/11, Maggie Haberman, Jonathan Swan và Edward Wong đăng bài về Tân Ngoại trưởng và Cố vấn An ninh Quốc gia của chính quyền Trump 2.0.
Tổng thống đắc cử Trump công bố lựa chọn Thượng nghị sĩ Marco Rubio làm Ngoại trưởng và Dân biểu Mike Waltz làm Cố vấn An ninh Quốc gia cho nhiệm kỳ tới. Đáng lưu ý, hai cá nhân thường bày tỏ quan tâm sâu sắc đến Biển Đông cũng như có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc.
- Năm 2017, Thượng nghị sĩ Marco Rubio đã trình Dự thảo “Luật trừng phạt Biển Đông và Biển Hoa Đông”, hướng tới đối tượng là cá nhân, tập đoàn, công ty của Trung Quốc liên quan đến hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, thậm chí Dự luật còn đề nghị trừng phạt đối với cả các quốc gia ủng hộ chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông.
- Đầu năm 2024, Dân biểu Mike Waltz cùng Thượng nghị sĩ Mark Kelly đã gửi một lá thư đến Tổng thống Biden kêu gọi tăng cường sức mạnh hàng hải của Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Biển Đông và các lực lượng Houthi tấn công tại Biển Đỏ.
Trung Quốc chế tạo nguyên mẫu lò phản ứng mới để tiến tới việc đóng tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân
Ngày 11/11, theo phân tích hình ảnh vệ tinh và các tài liệu chính phủ Trung Quốc cung cấp cho The Associated Press, Trung Quốc đã xây dựng một nguyên mẫu lò phản ứng hạt nhân trên đất liền cho một tàu chiến mặt nước cỡ lớn tại vùng núi của thị trấn Lạc Sơn, cách thủ phủ Thành Đô của tỉnh Tứ Xuyên khoảng 112 km về phía Tây Nam. Đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang tiến tới việc chế tạo tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân (NPAC) đầu tiên.
Tong Zhao (Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế tại Washington, D.C.) nhận định:
- “Đối với giới lãnh đạo Trung Quốc, phát triển NPAC khẳng định uy tín quốc gia, thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc trong nước và nâng cao hình ảnh cường quốc hàng đầu”;
- Tàu sân bay có khả năng linh hoạt và bền bỉ hoạt động xung quanh điểm nóng chiến lược (dọc theo Chuỗi đảo thứ nhất), đồng thời mở rộng hoạt động của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương, thách thức khả năng “can thiệp” của Mỹ.
Aristyo Darmawan: Thoả thuận khai thác chung có thể làm suy yếu chủ quyền của Indonesia và hợp pháp hoá yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông
Ngày 11/11, SCMP đăng tải ý kiến của học giả về thoả thuận khai thác chung gần quần đảo Natuna giữa Trung Quốc và Indonesia. Học giả nhận định việc Indonesia ký thoả thuận khai thác chung là “nguy hiểm” vì nội dung thừa nhận hai nước có “yêu sách chồng lấn”:
- Trong suốt 10 năm qua, Indonesia luôn kiên định rằng không có bất kỳ yêu sách chồng lấn nào với Trung Quốc nhưng tuyên bố này lại đặt ra nghi vấn về điều đó;
- Nếu Indonesia thừa nhận có yêu sách chồng lấn với Trung Quốc, điều này có thể thay đổi cục diện trong đàm phán COC cũng như làm lung lay đoàn kết ASEAN;
- Trung Quốc có thể viện dẫn rằng Indonesia công nhận các yêu sách của Trung Quốc, từ đó làm suy yếu vị thế của ASEAN.
Ding Duo: Việc công bố đường cơ sở Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham là phản ứng trước sự khiêu khích, đồng thời tái khẳng định lập trường của Trung Quốc, chứ không phải là một bước leo thang trong sáng kiến của Trung Quốc
Ngày 10/11, CCTV đăng tải bình luận của học giả Trung Quốc về việc Trung Quốc công bố đường cơ sở (ĐCS) giáp với Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Cụ thể:
- Lei Xiaolu (Đại học Vũ Hán): Trung Quốc công bố do chủ quyền của Trung Quốc thời gian gần đây liên tục bị thách thức; ĐCS giúp yêu sách của TQ trở nên rõ ràng hơn, qua đó khiến các hoạt động thực thi pháp luật và thẩm quyền của Trung Quốc tại các vùng biển này minh bạch hơn.
- Ding Duo (Viện Nam Hải): Đây là phản ứng trước khiêu khích từ bên ngoài; ĐCS tái khẳng định lập trường của Trung Quốc, không phải bước leo thang; Trung Quốc đã chuẩn bị trong nhiều năm; Đây chỉ là bước đầu tiên, trong tương lai Trung Quốc sẽ công bố các ĐCS ở các khu vực khác theo trình tự, theo tiến bộ của nghiên cứu khoa học và quy hoạch không gian biển.
Bản PDF tại đây
Chịu trách nhiệm nội dung: Đỗ Hoàng
Biên soạn nội dung và tổng hợp: Lan Hương, Đức Trung
Thiết kế: Hợp Châu