Bản tin tuần Biển Đông (31/10-07/11/2024)

TIÊU ĐIỂM

  1. Tổng thống Philippines Marcos ký Đạo luật Vùng biển và Đạo luật Tuyến đường biển quần đảo. Trung Quốc phản đối hai Đạo luật, ra Tuyên bố về Đường cơ sở lãnh hải giáp với đảo Scarborough/Hoàng Nham và công bố tên gọi 64 thực thể tại Biển Đông.
  2. Trung Quốc-Indonesia ra tuyên bố chung về Đối tác Chiến lược Toàn diện nhắc đến “các yêu sách chồng lấn”. Indonesia sau đó tuyên bố không thay đổi lập trường tại Biển Đông và không công nhận “Đường chín Đoạn”.
  3. Canada-Hàn Quốc lần đầu họp 2+2, khẳng định ủng hộ đối với trật tự dựa trên luật lệ, đồng thời bày tỏ quan ngại về diễn biến ở Biển Đông.
  4. Hải quân Trung Quốc tập trận tàu sân bay kép lần đầu tiên ở Biển Đông.
  5. Philippines tập trận bắn đạn thật kéo dài hai tuần, mô phỏng kịch bản chiếm giữ đảo đang tranh chấp tại Biển Đông.

 

TIN TỨC

Pháp lý

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. ký Đạo luật Vùng biển và Đạo luật Tuyến đường biển quần đảo

Ngày 8/11, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. ký Đạo luật Vùng biển (The Maritime Zones Act - MZA) và Đạo luật Tuyến đường biển quần đảo (The Archipelagic Sea Lanes Act - ASLA). Philippines khẳng định hai Đạo luật là minh chứng cho cam kết của Philippines về duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và bảo vệ quyền khai thác tài nguyên một cách hòa bình trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).

  • MZA tuyên bố các vùng biển của Philippines theo các tiêu chuẩn do UNCLOS 1982 đặt ra;
  • ASLA thiết lập hệ thống các tuyến đường biển và đường hàng không quần đảo, qua đó tàu thuyền và máy bay nước ngoài thực hiện quyền đi qua các tuyến đường này.

Ngày 8/11, Trung Quốc “phản đối nghiêm túc” với Đại sứ Philippines ngay sau khi Tổng thống Marcos Jr. ký MZA và ASLA.

  • Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết, Đạo luật Vùng biển của Phillipines “bao gồm hầu hết Đảo Hoàng Nham và Quần đảo Nam Sa của Trung Quốc cùng các khu vực liên quan trong các vùng biển của Philippines một cách bất hợp pháp”, đồng thời phía Trung Quốc sử dụng tên tiếng Trung tương ứng cho Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham và Quần đảo Trường Sa.

Trung Quốc ban hành Tuyên bố đường cơ sở lãnh hải giáp với Scarborough/Hoàng Nham

Ngày 10/11, Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra Tuyên bố về đường cơ sở lãnh hải giáp với đảo Scarborough/Hoàng Nham và khẳng định đường này phù hợp với “Luật pháp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp” ngày 25/2/1992.

Đường cơ sở lãnh hải giáp đảo Scarborough/Hoàng Nham là đường thẳng nối liền 16 điểm cơ sở liền kề với đầy đủ toạ độ.

Trung Quốc công bố tên chuẩn cho 64 thực thể tại Biển Đông

Ngày 10/11, Bộ Tài nguyên Thiên nhiên và Bộ Nội vụ Trung Quốc công bố Thông báo về “Tên chuẩn của một số đảo và rạn san hô ở Biển Đông”, trong đó đặt ra cách gọi tên cho sáu đảo và 58 đá ở Biển Đông.

Các tên chuẩn được công bố trước đó vào năm 1983 và 2020 liên quan đến một số đảo và rạn san hô ở Biển Đông vẫn có hiệu lực.

 

Chính trị-Ngoại giao

Trung Quốc-Indonesia ra Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện:

Ngày 9/11, Quốc vụ viện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đăng tải Tuyên bố chung (TBC) Trung Quốc-Indonesia về thúc đẩy Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện và xây dựng Cộng đồng Chung Tương lai. Trong TBC, hai nước đề cập đến khả năng “phát triển chung tại các khu vực có yêu sách chồng lấn”.

Indonesia phản hồi không công nhận yêu sách “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc

Ngày 11/11, Bộ Ngoại giao Indonesia ra phản hồi về TBC Trung Quốc-Indonesia, khẳng định:

  • Indonesia không công nhận yêu sách “Đường chín đoạn”, đồng thời nhấn mạnh yêu sách này không có cơ sở pháp lý quốc tế và không phù hợp với UNCLOS 1982;
  • Hợp tác Trung Quốc-Indonesia không ảnh hưởng đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Indonesia ở Biển Bắc Natuna.

Cảnh sát biển Trung Quốc ra Tuyên bố khẳng định chủ quyền đối với Đảo Scarborough/Hoàng Nham, chỉ trích Philippines xâm phạm khu vực

Ngày 10/11, Cảnh sát biển (CSB) Trung Quốc ra Tuyên bố khẳng định Scarborough/Hoàng Nham là “lãnh thổ vốn có của Trung Quốc” và Trung Quốc “thực thi liên tục, hòa bình và hiệu quả chủ quyền và quyền tài phán” với thực thể này. 

  • Philippines thường xuyên cử quân đội, cảnh sát, máy bay và tàu công vụ vào vùng biển, vùng trời gần đảo thực thể để gây rối, khiêu khích, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích biển của Trung Quốc;
  • Tàu cá Philippines, tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp như đầu độc cá và đánh bắt động vật thủy sinh có nguy cơ tuyệt chủng, phá hủy hệ sinh thái của các vùng biển gần Scarborough/Hoàng Nham.

CSB Trung Quốc sẽ căn cứ nội luật (Luật Hải cảnh, Luật Nghề cá, Luật Bảo vệ Môi trường biển) và tham chiếu luật quốc tế (trong đó có UNCLOS) để tiếp tục tăng cường tuần tra chấp pháp tại đây, kiên quyết duy trì trật môi trường sinh thái và tài nguyên sinh vật, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các quyền, lợi ích biển.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tuyên bố các quốc gia thành viên ASEAN phải cùng nhau chống lại yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông

Ngày 7/11, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim khẳng định ASEAN phải đoàn kết chống lại yêu sách chủ quyền Trung Quốc tại với Biển Đông.

Tuy nhiên, Thủ tướng bác bỏ ý kiến ​​cho rằng Trung Quốc “hung hăng”, nói rằng những nhận định như vậy là do “nhà tư bản phương Tây” tạo ra.

Canada-Hàn Quốc lần đầu họp 2+2, khẳng định ủng hộ đối với trật tự dựa trên luật lệ, vai tò của UNCLOS, hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan; đồng thời bày tỏ quan ngại về những diễn biến ở Biển Đông.

Ngày 1/11, tại Hội nghị Bộ trưởng 2+2 đầu tiên, Canada và Hàn Quốc khẳng định cam kết đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở; bày tỏ ủng hộ đối với trật tự hàng hải toàn cầu dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982. 

Bên cạnh đó Canada và Hàn Quốc bày tỏ quan ngại về các diễn biến ở Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông phù hợp với UNCLOS.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim thăm chính thức Trung Quốc, cam kết thúc đẩy hợp tác Malaysia-Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực

Từ 4-7/11, trong chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, công nghệ số, năng lượng và đào tạo; đề cao vai trò của Trung Quốc trong đảm bảo thịnh vượng của khu vực, đặc biệt trong cơ chế hợp tác ASEAN-Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC)-Trung Quốc.

Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez: Philippines tin tưởng vào liên minh với Mỹ dưới thời Trump

Ngày 7/11, Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez khẳng định Philippines tin tưởng chính sách Mỹ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hiệp ước phòng thủ song phương dưới thời Tổng thống Trump, nhận định quan hệ song phương sẽ tiếp tục được lưỡng đảng Mỹ ủng hộ. Ông cũng nhấn mạnh Philippines sẽ tiếp tục đối thoại với Trung Quốc, miễn là không tổn hại lợi ích của Philippines.

 

An ninh-Quốc phòng

Việt Nam-Nhật Bản trao đổi tăng cường hợp tác quốc phòng

Ngày 4/11, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Phạm Hoài Nam tiếp đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng, Lực lượng Phòng vệ và Quỹ Hòa bình Sasakawa (SPF) của Nhật Bản tại Hà Nội.

Phía Việt Nam bày tỏ coi trọng tăng cường giao lưu, hợp tác giữa các tổ chức, hiệp hội, coi đây là kênh hợp tác hiệu quả vì lợi ích của nhân dân hai nước, đồng thời bày tỏ mong muốn SPF tiếp tục thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, môi trường, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là các hoạt động nhân đạo như hỗ trợ người khuyết tật, cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam.

Tổng Tư lệnh quân đội Philippines yêu cầu Trung Quốc bồi thường và trả lại vũ khí sau vụ va chạm ngày 17/6 giữa Trung Quốc và Philippines gần Bãi Cỏ Mây.

Ngày 5/11, Tổng Tư lệnh quân đội Philippines Romeo Brawner Jnr nhắc lại yêu cầu Trung Quốc bồi thường và trả lại vũ khí sau vụ ngày 17/6, trong đó một thủy thủ bị thương và lực lượng Trung Quốc làm hỏng hai thuyền bơm hơi của Philippines.

Philippines yêu cầu Trung Quốc bồi thường 60 triệu peso (khoảng 1,02 triệu USD) và trả lại súng trường bị thu giữ. Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila hiện chưa phản hồi. 

Philippines phê duyệt mua tàu tuần tra tăng cường năng lực an ninh biển và quản trị lũ lụt

Hội đồng Cơ quan Kinh tế và Phát triển Quốc gia (NEDA) do Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. làm chủ tịch phê duyệt yêu cầu mua 40 tàu tuần tra nhanh (FPC) của Bộ Giao thông vận tải và Cảnh sát biển Philippines (PCG). Dự án trị giá 25,8 tỷ peso này do chính phủ Pháp tài trợ, bao gồm 20 tàu FPC do địa phương chế tạo, hỗ trợ hậu cần tích hợp và thiết bị hỗ trợ cho các căn cứ PCG.

 

Kinh tế-Công nghệ

Trung Quốc kêu gọi các thành viên Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) mở rộng thị trường, tăng cường hợp tác kinh tế

Ngày 7/11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) lần thứ 8 diễn ra ở Côn Minh (Trung Quốc), Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường phát biểu kêu gọi thành viên GMS mở cửa thị trường để xây dựng một thị trường hiệu quả và năng động. Thủ tướng Lý Cường cũng đưa ra đề xuất xây dựng dự án Vành đai Con đường chất lượng cao, triển khai tốt Quan hệ Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực và đẩy nhanh việc ký kết Nghị định thư nâng cấp 3.0 của Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA).

 

Thực địa

Hải quân Trung Quốc tập trận tàu sân bay kép lần đầu tiên ở Biển Đông

Ngày 31/10, Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) thông báo tập trận với đội hình tàu sân bay kép lần đầu tiên tại Biển Đông, bao gồm hai tàu sân bay đang hoạt động Liêu Ninh và Sơn Đông. Trong quá trình huấn luyện, đội tàu di chuyển đến Biển Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Tập trận với hai tàu sân bay đòi hỏi tính linh hoạt cao trong hoạt động và thể hiện khả năng triển khai và duy trì sức mạnh trên không và trên biển, tạo ra sức răn đe đối với các đối thủ tiềm tàng.

Ấn Độ tiến hành Tập trận đối tác hàng hải (MPX) với Pháp ở Ấn Độ Dương lần thứ hai trong năm 2024

Ngày 31/10, khinh hạm tàng hình INS Talwar của Ấn Độ tập trận với tàu Pháp Floreal ở Ấn Độ Dương. Tập trận tập trung vào diễn tập phối hợp và diễn tập bay trực thăng.

Trước đó, tàu INS Talwar đã ghé thăm Đảo La Reunion của Pháp nhằm tăng cường hợp tác trong giải quyết thách thức an ninh biển khu vực.

Việt Nam-Ấn Độ: Diễn tập song phương về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc năm 2024 (VINBAX 2024) - lần đầu không quân tham gia

Từ 4-23/11, Việt Nam và Ấn Độ tổ chức tập trận VINBAX lần thứ năm tại Ambala. Lần đầu tiên không quân hai nước tham gia tập trận bên cạnh lực lượng công binh.

VINBAX 2024 nhằm tăng cường năng lực quân sự chung, tập trung vào triển khai các đại đội công binh và đội y tế theo các nhiệm vụ của Liên hợp quốc. Nội dung bao gồm diễn tập 48 giờ tập trung hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai, lồng ghép giao lưu văn hóa.

Philippines tập trận bắn đạn thật hai tuần, mô phỏng kịch bản chiếm giữ đảo đang có tranh chấp tại Biển Đông

Ngày 4/11, quân đội Philippines thông báo tổ chức tập trận với hơn 3.000 quân nhân lục quân, hải quân và không quân tham gia.

Đại tá quân đội Philippines Michael Logico cho biết nội dung tập trận bao gồm tập trận bắn đạn thật sử dụng pháo binh, súng trường tấn công và tập trận đổ bộ trên bãi biển. Tại Biển Đông, lực lượng Philippines mô phỏng tình huống chiếm quyền kiểm soát một hòn đảo. 

 

GÓC NHÌN QUỐC TẾ

Stratfor: Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 sẽ ảnh hưởng tới chính sách thương mại của Mỹ với Việt Nam

Ngày 31/10, Stratfor đăng bài đánh giá về cách tiếp cận khác nhau đối với quan hệ thương mại Việt-Mỹ của hai ứng cử viên tân Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2025-2029. Trang báo đánh giá rằng:

  • Trump sẽ ưu tiên giảm thâm hụt thương mại hơn so với phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Mỹ, thông qua áp dụng các biện pháp thuế quan cứng rắn hơn. Ngoài ra chính sách cạnh tranh của Trump với Trung Quốc có thể khiến hạn chế hợp tác Việt Nam-Mỹ trong các vấn đề an ninh - công nghệ;
  • Tuy nhiên, Trump từng thúc đẩy bán một số thiết bị quân sự cho Việt Nam, do đó nếu Việt Nam sẵn sàng mua vũ khí Mỹ, Trump có thể nới lỏng thuế quan.

Ryan Martinson: Trung Quốc sử dụng lực lượng hải cảnh thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài như một công cụ để bảo vệ các lợi ích ở nước ngoài của Trung Quốc.

Ngày 4/11, Ryan D. Martinson phân tích về việc triển khai hạm đội tàu Mai Sơn và Tú Sơn của Trung Quốc trong tập trận chung với Nga. Đây là lần đầu tiên CSB Trung Quốc và Nga tuần tra chung; đồng thời lần đầu tiên CSB Trung Quốc tuần tra ngoài khơi.

Tập trận cho thấy Trung Quốc coi việc triển khai CSB là hoạt động nhằm bảo vệ và thúc đẩy lợi ích ở nước ngoài của mình, khiến tình hình Biển Đông thêm “xám” hơn, thể hiện qua:

  • Trung Quốc sử dụng tàu Type 818, được mô phỏng theo lớp khinh hạm tiên tiến nhất của hải quân thay vì dùng các tàu chuyên thực hiện nhiệm vụ tuần tra chuyên dụng;
  • Trung Quốc dùng sĩ quan hải quân chuyên nghiệp thay vì CSB;
  • Nhiệm vụ và cách hoạt động của hai hạm đội tàu giống với hoạt động hải quân hơn.


Bản PDF tại đây