Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Trang mạng Bộ Khoa học Kỹ thuật Trung Quốc ngày 16/10 cho biết Giám đốc Sở Khoa học Kỹ thuật tỉnh Hải Nam ngày 18/9 làm việc với Bí thư thành ủy “thành phố Tam Sa” về vấn đề tăng cường phát triển công tác đổi mới khoa học công nghệ của “Tam Sa”, chú trọng thúc đẩy đổi mới khoa học biển: (i) xây dựng các công trình nghiên cứu trọng điểm biển sâu, tận dụng lợi thế địa lý và tài nguyên của Biển Đông; (ii) Xây dựng các đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến biển nhiệt đới, yêu cầu tình và thành phố cùng nỗ lực hỗ trợ và triển khai thực hiện các chuyên đề.

Cục Hải sự Dương Phổ (Trung Quốc) ngày 17/10 đăng cảnh báo hàng hải Quỳnh Châu số 0093 thông báo việc tập trận đạn thật tại vùng biển phía Tây đảo Hải Nam, cho biết từ 6h00 đến 19h00 ngày 18-19/10 tiến hành tập trận quân sự bắn đạn thật tại vùng biển được liên kết bởi 4 tọa độ 19-43.00N/108-54.00E, 19-51.50N/109-01.00E, 20-10.00N/108-47.33E, 19-53.00N/108-32.50E và cấm tàu thuyền đi vào.

 

Hạm đội 7 Hải quân Mỹ ngày 19/10 thông báo tàu khu trục USS John S. McCain, tàu khu trục JS Kirisame (Nhật Bản) và tàu khu trục HMAS Arunta (Úc) đã tập trận chung trên Biển Đông. Các lực lượng tham gia huấn luyện và hoạt động chung nhằm gia tăng năng lực tập thể của các nước đồng minh, nhằm duy trì an ninh biển và tính sẵn sàng phản ứng trước các tình huống bất ngờ trong khu vực.

Tờ Times of India ngày 20/10 cho biết trong tháng 11, Australia sẽ cùng Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ tham gia cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn - diễn tập hải quân Malabar - ở khu vực ngoài khơi Ấn Độ, qua đó cho thấy cơ chế Bộ tứ an ninh Mỹ - Nhật Bản - Australia - Ấn Độ đã bước vào thời kỳ cụ thể hóa các hợp tác trong lĩnh vực quân sự.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 21/10 cho biết Phó Tổng tham mưu trưởng đơn vị Quốc phòng Đài Loan Lý Đình Thành ngày 20/10 đã bay đến đảo Đông Sa và thị sát trên đảo, đồng thời có 3 máy bay của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tiến vào vùng ADIZ phía Tây Nam của Đài Loan (máy bay đối kháng thông tin Y-9, máy bay chống ngầm Y-8, máy bay KJ-500), trong đó có 2 máy bay tiếp cận gần không phận đảo Đông Sa.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Tờ Reuters ngày 15/10 cho biết Tổng thống Rodrigo Duterte đã chấp thuận khuyến nghị của Bộ Năng lượng nước này về việc dỡ bỏ lệnh cấm đối với sản xuất dầu và khí đốt ở Biển Đông. Động thái này được cho là sẽ mở đường cho việc nối lại việc thăm dò ở các khu vực tranh chấp, bao gồm cả hoạt động thăm dò chung với Trung Quốc. Bộ trưởng Năng lượng Philippines Alfonso Cusic cho biết Chính phủ ra quyết định dỡ bỏ lệnh cấm “với thiện chí và sự quan tâm đối với các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Philippines và Trung Quốc, công ty Forum Ltd và Tổng công ty Dầu khí ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC)”.

Trước việc doanh nghiệp Trung Quốc có hành vi đăng ký công ty ở Hoàng Sa, NPN BNGVN ngày 15/10 khẳng định: "Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa và các hành vi có liên quan, vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Các hành vi của Trung Quốc có liên quan đến cái gọi là "thành phố Tam Sa" là không có giá trị, không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình ở Biển Đông, khu vực và thế giới." Theo AMTI đến tháng 6/2019, có khoảng 446 doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nhỏ đã đăng ký kinh doanh ở cái gọi là "thành phố Tam Sa", với tổng số vốn đăng ký của 307 doanh nghiệp trong số đó lên tới 1,2 tỷ USD.

NPN BNG VN ngày 15/10, bình luận về thông tin nhóm các nước Mỹ, Nhật, Úc, Ấn muốn tăng cường quan hệ với ASEAN trong tự do trên biển, khẳng định Việt Nam đã và đang phát huy vai trò Chủ tịch của mình, đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng, khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và mở rộng quan hệ đối ngoại của ASEAN. Việt Nam mong muốn và sẵn sàng cùng ASEAN và các nước đối tác chung tay khôi phục kinh tế, ổn định đời sống người dân vì một khu vực Châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng. Trong quá trình này, luật pháp quốc tế, tinh thần đối thoại và hợp tác cần luôn được đề cao.

VnExpress ngày 15/10 đưa tin Thủ tướng Nhật Bản Suga chọn Việt Nam là điểm đến công đầu tiên sau nhậm chức. Đây là lần thứ hai liên tiếp, một Thủ tướng mới của Nhật Bản chọn Việt Nam là điểm đến thăm đầu tiên sau khi nhậm chức, thể hiện sự phát triển tốt đẹp, mạnh mẽ và thực chất trên nhiều lĩnh vực của quan hệ đối tác chiến lược hai nước. Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng và cung cấp ODA hàng đầu cho Việt Nam.

Tân Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Tarumi Hideo, một chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc trong Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ngày 15/10 trả lời phỏng vấn độc quyền với NHK trước khi lên đường tới Bắc Kinh vào tháng sau cho rằng Nhật Bản và Trung Quốc nên bỏ qua quan hệ song phương bất ổn hiện tại và nỗ lực xây dựng quan hệ vững chắc hơn thông qua đối thoại cấp cao. Ông Tarumi nhấn mạnh rằng Nhật Bản sẽ phản ứng kiên quyết trước việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động tại Biển Hoa Đông, trong đó có vùng biển quanh quần đảo Senkaku. Ông cho biết sẽ không nhượng bộ do đây là vấn đề chủ quyền của Nhật Bản. Quan hệ song phương Nhật - Trung thường lên xuống đột ngột, nên hai nước cần phải xây dựng quan hệ mới, thay vì mối quan hệ dựa trên nền tảng không vững chắc và lung lay bất cứ khi nào gặp vấn đề.

Báo Sohu ngày 15/10 cho biết Trung Quốc đang xem xét dự thảo Luật Cảnh sát biển. Tại kỳ họp lần thứ 22 Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc, các đại biểu đã nghe và thảo luận về dự thảo “Luật Cảnh sát biển” do Quân ủy Trung ương Trung Quốc chủ trì xây dựng và báo cáo. Sau khi được ban hành, “Luật Cảnh sát biển” sẽ là cơ sở pháp lý cho hoạt động thực thi pháp luật của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 16/10 trả lời câu hỏi về việc Philippines chấm dứt lệnh cấm thăm dò dầu khí tại Biển Đông, cho rằng Trung Quốc và Philippines đã đạt được nhận thức chung về cùng khai thác tài nguyên dầu khí trên Biển Đông và xây dựng các cơ thế tham vấn có liên quan. Hy vọng và tin tưởng hai nước sẽ tiến về phía trước và thúc đẩy việc cùng khai thác không ngừng đạt được những tiến triển mới.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 16/10, Bộ trưởng Biển và Nghề cá Indonesia Edhy Prabowo có buổi làm việc với Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Phạm Vinh Quang để trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác trong lĩnh vực biển và nghề cá giữa hai nước. Bộ trưởng Edhy Prabowo (i) mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam  trong lĩnh vực đánh bắt, nuôi trồng và xuất nhập khẩu thủy hải sản vì lợi ích của nông dân và ngư dân hai nước; (ii) nhất trí với việc giải quyết vấn đề ngư dân bị bắt giữ trên tinh thần nhân đạo và quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai nước, không để các vấn đề này ảnh hưởng tới đà phát triển quan hệ song phương. Indonesia sẽ xem xét tích cực để sớm ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) về thiết lập đường dây nóng chống đánh bắt cá bất hợp pháp.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres ngày 21/10 tại cuộc họp Bộ trưởng ASEAN-Liên hợp quốc phát biểu về tình hình Biển Đông, cho rằng sự gia tăng căng thẳng tại Biển Đông đòi hỏi các bên triển khai đối thoại và tránh leo thang; hy vọng các cuộc tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông sẽ mang lại kết quả càng sớm càng tốt, đồng thời kêu gọi giải quyết hòa bình tranh chấp, tuân thủ luật pháp quốc tế và "Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển".

SCMP ngày 22/10 cho biết cuộc tập trận tên lửa của Trung Quốc trên Biển Đông khiến máy bay Đài Loan quay trở lại Hồng Công. Các cuộc tập trận tên lửa trong Biển Đông và những hạn chế về hàng không là lý do khiến một máy bay Đài Loan bị từ chối vào không phận Hồng Kông trên đường đến quần đảo “Đông Sa” vào tuần trước.

Góc nhìn quốc tế

+ Trung Quốc:

Thời báo Hoàn Cầu ngày 21/10 chất vấn hành động tập trận gần đây của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ với Hải quân Nhật Bản, Úc liệu có lợi cho tất cả các quốc gia trong khu vực?! Trích dẫn tin từ Hạm đội 7 Hải quân Mỹ, cho biết cuộc tập trận giữa ba nước này là hành động liên hợp thứ 5 được triển khai trong khu vực hoạt động của Hạm đội 7. Đối với các hoạt động trên, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng đã nhiều lần cảnh báo và nhấn mạnh sẽ tiếp tục theo dõi sát các động thái này.

+ Châu Âu - Mỹ:

Học giả James Holmes (chuyên gia quân sự Đại học Hải chiến Mỹ) ngày 20/10 đánh giá tuyên bố của ông Tập khi tới thăm căn cứ Thủy quân lục chiến của PLA ở Quảng Đông. Ông cho rằng đối tượng chính mà ông Tập hướng đến là Đài Loan, rằng “họ không thể chiến thắng và chỉ chuốc lấy thất bại nếu cản trở ý chí của Bắc Kinh”; đồng thời tuyên bố cũng hướng tới Mỹ cùng các nước có khả năng thách thức các tham vọng của Trung Quốc. Đối với Mỹ, ông Tập dường như muốn Mỹ phải cân nhắc cái giá phải trả khi hỗ trợ Đài Loan, và Mỹ “sẽ tới hiện trường muộn, không thể hoàn thành mục tiêu hỗ trợ quân sự cho đảo”.

Drone Wars UK ngày 21/10 công bố báo cáo “Contested Sea, Crowded Sky” về vai trò của các thiết bị bay không người lái đối với các nước khu vực ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Hiện nay các nước trong khu vực đều tăng cường đầu tư vào các thiết bị bay không người lái. Tuy nhiên mới chỉ có Trung Quốc có năng lực vận hành máy bay không người lái có vũ trang. Mặc dù về trước mắt sử dụng máy bay không người lái có thể giảm thiểu rủi ro về người, nhưng trong bối cảnh vẫn chưa có bất kỳ thỏa thuận quốc tế nào về tiêu chuẩn sử dụng loại thiết bị này, việc tăng cường triển khai các máy bay không người lái có thể khiến xung đột vũ trang dễ xảy ra hơn.

+ Các nước khác:

Tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide ngày 19/10 thăm chính thức Việt Nam – điểm đến công du nước ngoài đầu tiên. Chuyến thăm mang ý nghĩa lớn không chỉ đối với quan hệ song phương, mà còn là một thông điệp về hợp tác quốc tế. GS. Carlyle Thayer (Đại học New South Wales, Úc) cho rằng ông Suga thể hiện rõ lập trường ủng hộ chính sách đối ngoại của Cựu Thủ tướng Abe về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, bao gồm tự do hàng hải và hàng không, và một trật tự dựa trên luật lệ, tôn trọng luật pháp quốc tế. TS. Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận định Việt Nam sẽ là điểm thu hút để Nhật Bản tăng tốc di dời các công ty ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung leo thang.

GS Brahma Chellaney, Trung tâm Nghiên cứu chính sách công trụ sở tại New Delhi, ngày 19/10 nhận định, Quad, từ một liên minh chiến lược lỏng lẻo đang nhanh chóng được củng cố để đối phó với một Trung Quốc ngày càng hung hăng. Hành động và chính sách ngoại giao chiến lang của Trung Quốc không chỉ buộc các nước Bộ Tứ tập trung nhiều hơn vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mà còn khiến các cường quốc xa xôi như Pháp, Đức phải chú ý. Pháp đã bổ nhiệm Đại sứ phụ trách khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Đức phát triển chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cho EU. Điều này cho thấy thời gian tới, các thành viên Quad có thể sẽ tăng cường hợp tác với các đối tác EU về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhiều hơn.

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn