Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Bộ Quốc phòng Úc trên Twitter ngày 18/9 thông báo Nhật Bản và Úc tập trận chung tại Biển Đông, qua đó thể hiện cam kết chung về an ninh khu vực ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trang mạng Nhân dân (Trung Quốc) ngày 20/9 cho biết Đài truyền hình vệ tinh “Tam Sa” trực thuộc Đài phát thanh truyền hình Hải Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 7 năm thành lập từ tháng 9/2013. Đến nay, Đài truyền hình vệ tinh “Tam Sa” đã phủ sóng đến khoảng 230 triệu người xem trong nước và 16,3 triệu người xem ở bên ngoài Trung Quốc đại lục.

Truyền hình Trung Quốc ngày 20/9 công bố một video mô phỏng của lực lượng không quân của Trung Quốc có tên “Thần chiến tranh H-6K tấn công” cho thấy máy bay ném bom H-6 có khả năng mang vũ khí hạt nhân thực hiện một cuộc tấn công vào một địa điểm giống Căn cứ Không quân Andersen trên đảo Guam, căn cứ trọng yếu của Mỹ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Báo Sina (Trung Quốc) ngày 21/9 cho biết Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) công bố thông tin sau 30 tháng xây dựng, cụm mỏ dầu khí trên biển “Lưu Hoa 16-2” đã chính thức đi vào sản xuất. Đây là tổ hợp mỏ dầu khí nước sâu đầu tiên do Trung Quốc tự thiết kế, xây dựng, vận hành và cũng là cụm mỏ dầu khí có sản lượng lớn nhất hiện nay của Trung Quốc ở Biển Đông với sản lượng tối đa lên đến 4,2 triệu mét khối mỗi năm. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng phương thức khai thác hoàn toàn dưới nước sau khi hoàn thành mới dẫn lên kho dự trữ dầu nổi trên biển (FPSO).

Thời báo Hoàn Cầu ngày 21/9 cho biết CIA đã từng phái điệp viên tiến hành điều tra Biển Đông khiến 4 đặc công của Mỹ tử vong do gió bão. Năm 2008, do nghi ngờ việc một khu vực phía Bắc đảo Luzon của Philippines bị quân đội Trung Quốc chiếm lĩnh, CIA đã tiến hành một nhiệm vụ bí mật và cung cấp tàu thương mại cho 4 đặc công tiến hành lắp đặt thiết bị theo dõi dưới nước gần đảo Luzon để có thể theo dõi tín hiệu điện tử của tàu chiến Trung Quốc.

Báo Sina ngày 22/9 trích dẫn SCSPI cho biết vào 5h sáng máy bay trinh sát điện tử EP-3E bay vào Biển Đông trinh sát và rời đi lúc 11h. Cùng ngày, máy bay tuần tra P-3C tiến vào Biển Đông thực hiện nhiệm vụ lúc 10h và đến 13h, và một máy bay giám sát tên lửa RC-135S của không quân Mỹ mất tín hiệu sau khi cất cánh tại Kadena Okinawa (máy bay này có thể hướng đến biển Hoàng Hải để trinh sát).

Cuộc tập trận (PASSEX thường kỳ) diễn ra hai ngày 23/9 và 24/9 với sự tham gia của tàu khu trục HMAS Hobart của Úc, tàu hộ vệ tàng hình INS Sahyadri, INS Karmuk và máy bay tuần tra tầm xa P-8I của Ấn Độ. Cuộc tập trận nhằm thúc đẩy năng lực phòng không trên biển, gồm các hoạt động như khai hỏa, điều khiển tàu, diễn tập và cất hạ cánh máy bay trên tàu.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines ngày 17/9 thông báo sau một thời gian bị đình trệ do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, ASEAN và Trung Quốc đã nối lại đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Trong thông cáo, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila nêu rõ Trung Quốc và các nước ASEAN đã nối lại cuộc họp cấp chuyên viên về COC thông qua một hội nghị trực tuyến diễn ra vào ngày 3/9.

Tờ NHK của Nhật Bản ngày 19/9 đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao 4 nước Nhật Bản, Mỹ, Úc và Ấn Độ đang lên kế hoạch gặp gỡ tại Tokyo vào đầu tháng 10/2020 nhằm thảo luận về các hoạt động trên biển ngày càng gia tăng của Trung Quốc và tái khẳng định sự cam kết đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở dựa trên luật lệ.

Theo Inquirer ngày 19/9, các quan chức Chính phủ cũ và đương nhiệm Philippines hoan nghênh Anh, Pháp, Đức ủng hộ Phán quyết về Biển Đông, Người phát ngôn Harry Roque cảm ơn ba quốc gia đã ủng hộ Phán quyết 2016 và bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc nhưng khẳng định rằng việc nêu vấn đề trước Đại hội đồng LHQ sẽ phản tác dụng bởi vì Philippines không cần phải khẳng định thêm các tuyên bố của mình vì đã giành được thắng lợi với Phán quyết 2016, vấn đề cũng không thể đưa lên HĐBA do Trung Quốc có quyền phủ quyết và không có lực lượng nào trên thế giới có thể ép buộc Trung Quốc thực thi Phán quyết. Ông Roque cũng cho biết TT Duterte đã quyết định gác lại tranh chấp trên biển và theo đuổi hợp tác song phương với Trung Quốc. 

Theo CNN Philippines ngày 21/9, trong một cuộc điều trần về ngân sách Hạ viện, Ngoại trưởng Philippines Locsin, khi được hỏi liệu có phản đối ngoại giao chống lại Việt Nam, Đài Loan và Malaysia vì đã chiếm đóng các thực thể ở Biển Đông hay không, cho rằng không cần phản đối ngoại giao chống lại các bên tranh chấp khác ở Biển Đông không có xung đột với Philippines. Do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền toàn bộ Biển Đông với “Đường chín đoạn” và tàu Trung Quốc thường xuyên xâm phạm vùng biển của Philippines nên Philippines thường có phản đối ngoại giao. Theo Locsin, 54 phản đối ngoại giao đã được đệ trình chống lại Trung Quốc và 42 đ trình đã được trả lời.

Tổng thống Indonesia Jokowi ngày 23/9 phát biểu tại Đại hội đồng LHQ rằng sự ổn định và hoà bình toàn cầu có thể bị "phá huỷ" nếu cuộc cạnh tranh địa chính trị tồn tại và tiếp tục gia tăng, các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế thường bị bỏ qua (nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ). Indonesia sẽ là người kết nối và ủng hộ cho sự bình đẳng toàn cầu.

Tổng thống Duterte ngày 23/9 trong họp trực tuyến kỳ họp thứ 75 Đại hội đồng LHQ lần đầu tiên thể hiện lập trường mạnh mẽ về Phán quyết Biển Đông 2016; khẳng định cam kết của Philippines tại Biển Đông phù hợp với UNCLOS, bác bỏ mọi nỗ lực làm tổn hại đến Phán quyết 2016 và bày tỏ vui mừng khi nhiều quốc gia đã ủng hộ Phán quyết.

Lực lượng Tuần duyên Mỹ ngày 17/9 ra báo cáo về tầm nhìn chiến lược nhằm đối phó với hoạt động IUUF, trong đó chỉ trích hoạt động khai thác nguồn cá quá mức của Trung Quốc. Trung Quốc đang sở hữu lực lượng tàu cá xa bờ lớn nhất thế giới. Thống kê năm 2019 của Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) cho thấy quy mô vi phạm của tàu cá mang quốc tịch Trung Quốc, trong đó có nhiều vụ khai thác hải sản bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của những nước ven biển trên khắp thế giới, từ phía Tây và Trung Thái Bình Dương đến bờ biển châu Phi và Nam Mỹ. Ngoài ra, lực lượng dân quân biển Trung Quốc (hơn 3.000 tàu) đang chủ động thực hiện những hành động hung hăng trên đại dương và vùng biển chủ quyền của các nước khác, nhằm đe dọa những ngư dân hợp pháp và phục vụ các mục tiêu hàng hải chiến lược dài hạn của Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 22/9 có tuyên bố hoan nghênh việc Anh, Đức và Pháp phản đối các yêu sách biển phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc cần tuân thủ các chuẩn mực quốc tế.  Mỹ sẽ sát cánh cùng các đồng minh để bác bỏ khái niệm “sức mạnh quyết định lẽ phải”.

Đại sứ Mỹ tại Anh Woody Johnson ngày 22/9 trên twitter cá nhân đã hoan nghênh việc Anh phản đối các yêu sách biển phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Anh đang xem xét sẽ điều động một hoặc hai tàu sân bay tới Biển Đông (có thể là tàu HMS Queen Elizabeth).

Đại sứ Đức tại Singapore TS. Norbert Riedel ngày 19/9 cho biết: nhìn tổng thể, chính sách mới của Đức với AD-TBD cho thấy tầm quan trọng ngày càng gia tăng của khu vực với Đức và EU. Về quan hệ song phương, Đức nhìn thấy tiềm năng hợp tác ở nhiều lĩnh vực khác ngoài an ninh bao gồm luật lệ, nhân quyền, trao đổi văn hoá, khoa học, giáo dục, công nghệ chuyển đổi kỹ thuật số. Về đa phương, Đức hy vọng mở ra chương mới trong hợp tác với ASEAN. Mạng lưới chính sách an ninh, kinh tế và chính trị mạnh hơn sẽ làm giảm thiểu sự phụ thuộc đơn phương, duy trì chủ quyền cũng như năng lực hành động của các nước. Đức coi Singapore là đối tác quan trọng cho các sáng kiến mới ở khu vực. EU cũng có thoả thuận thương mại tự do mang tính tiên phong với Singapore.

+ Pháp lý:

Phái đoàn thường trực của Pháp, Đức và Anh tại Liên hợp quốc ngày 16/9 gửi công hàm làm rõ lập trường pháp lý trong vấn đề Biển Đông, trong đó khẳng định: (i) UNCLOS là cơ sở chung, phổ quát trong việc đặt ra khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động thực hiện trong các vùng biển và đại dương; (ii) Sự quan trọng của việc thực thi quyền tự do không bị cản trở trên vùng biển cả, trong đó bao gồm khu vực Biển Đông; (iii) Các quốc gia lục địa không thể có cơ sở pháp lý khi vẽ đường cơ sở quần đảo; (iv) Hoạt động xây dựng hay các hình thức chuyển đổi nhân tạo khác không thể thay đổi việc phân loại thực thể địa lý theo như quy định của UNCLOS; (v) Các yêu sách liên quan đến việc thực thi "quyền lịch sử" đối với các vùng biển ở Biển Đông là không phù hợp với luật quốc tế và các quy định của UNCLOS; và (vi) Tất cả các yêu sách biển ở Biển Đông cần phải được đưa ra và giải quyết một cách phù hợp với các quy tắc, quy định của UNCLOS và các công cụ, thủ tục cho việc giải quyết tranh chấp như được quy định trong Công ước.  

Vụ trưởng Vụ Luật pháp Quốc tế Bộ Ngoại giao Indonesia Damos Agusman ngày 19/9 bình luận về Công hàm số CML/63/2020 của Trung Quốc phản hồi Công hàm của ba nước Anh-Pháp-Đức rằng công hàm này có một số lập luận mới mà Trung Quốc chính thức đưa ra lần đầu tiên. Thứ nhất, về lập luận UNCLOS không phải cơ sở duy nhất để điều chỉnh các vấn đề trên biển, Agusman cho rằng nếu nói về quyền lịch sử thì vấn đề này đã được được UNCLOS điều chỉnh. Thứ hai, về vấn đề quần đảo ngoài khơi của quốc gia lục địa, Agusman cho rằng chưa có bằng chứng đầy đủ chứng minh luật quốc tế đã điều chỉnh vấn đề này. Agusman cho rằng việc Trung Quốc từ chối Phán quyết không ảnh hưởng đến giá trị của Phán quyết.

Phái đoàn Trung Quốc tại Liên hợp quốc ngày 18/9 gửi công hàm số CML/63/2020 lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc để phản bác công hàm ngày 16/9 của Phái đoàn các Anh, Pháp và Đức liên quan đến Biển Đông. Theo đó, Trung Quốc tuyên bố chống lại “việc sử dụng UNCLOS là vũ khí chính trị để tấn công các nước khác”, khẳng định “UNCLOS không bao trùm mọi vấn đề trên biển”. Theo Điểm 2 của Công hàm, “Chủ quyền lãnh thổ và các quyền lợi về biển của Trung Quốc tại Biển Đông đã được xác lập trong quá trình lịch sử lâu dài và luôn được các chính quyền Trung Quốc liên tục duy trì”, khẳng định các quyền này “phù hợp với luật quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc và UNCLOS” đồng thời phủ nhận giá trị của phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực.

Góc nhìn quốc tế

+ Trung Quốc:

Báo Sina ngày 20/9 trích dẫn tin nước ngoài về việc Mỹ diễn tập ngăn chặn các tàu thương mại tại Biển Đông. Tuy những động thái tương tự như vậy là phổ biến trong Thủy quân lục chiến và Hải quân Mỹ nhưng bài viết cho rằng địa điểm được lựa chọn để diễn tập lần này (Biển Đông) là một điều đáng chú ý.

Báo Sohu ngày 22/9 đưa tin Truyền hình TW Trung Quốc cho biết nước này vừa xuất bản tuyển tập về “nghiên cứu lịch sử địa lý Nam Hải chư đảo Trung Quốc”. Việc đặt tên các thực thể địa lý tại Biển Đông năm nay của Trung Quốc là lần đặt tên thứ 5 của Chính phủ Trung Quốc đối với “Nam Hải chư đảo”. Tuyển tập là công trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia gồm 4 chương về (i) giới thiệu khái quát địa lý tại Biển Đông và quá trình hình thành về hình dạng của các đảo đá; (ii) chứng minh Nam Hải chư đảo và các vùng biển lân cận là lãnh thổ của Trung Quốc dưới góc độ các tên địa danh và các chứng cứ lịch sử; (iii) giới thiệu bối cảnh và quá trình hình thành cuốn Canh Lộ Bộ và những phát hiện mới của học giả; (iv) miêu tả các nguyên tắc, ý nghĩa lịch sử, phương thức và nội dung của việc đặt tên các đảo và thực thể tại Nam Hải chư đảo.

+ Đông Nam Á:

Ngày 21/9, TS. Hoàng Thị Hà (ISEAS) cho rằng đại dịch là cơ hội để ASEAN nhìn nhận lại đàm phán COC kỹ càng hơn. Việt Nam và ASEAN đang thúc đẩy các mối liên hệ quốc tế-khu vực với đàm phán COC. Việt Nam đã củng cố lập trường của ASEAN về Biển Đông với trọng tâm mạnh mẽ hơn và nhấn mạnh hơn đến luật pháp quốc tế. Những nỗ lực của Việt Nam được các quốc gia ven biển ASEAN khác ủng hộ, dù từ sự ủng hộ sang đồng thuận ASEAN vẫn là một vấn đề. ASEAN dưới sự dẫn dắt của Việt Nam đã bổ sung một tiêu chuẩn mới cho COC là “phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS 1982”, khẳng định, “cần được cộng đồng quốc tế thừa nhận”

+ Châu Âu - Mỹ:

SCMP ngày 21/9 dẫn ý kiến học giả đánh giá Philippines đang là tâm điểm trong cạnh tranh Mỹ - Trung tại Biển Đông. Derek Grossman (Viện Nghiên cứu RAND, Mỹ) nhận định Philippines có tầm quan trọng lớn với Mỹ không chỉ bởi căn cứ hải quân lớn nhất của Mỹ đang được đặt tại Philippines, mà còn bởi Philippines là quốc gia đồng minh duy nhất của Mỹ có liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông. Kang Lin (Đại học Hải Nam, Trung Quốc) đánh giá mối quan hệ giữa Manila và Washington là một phần lý do cho việc Bắc Kinh tìm cách vun đắp quan hệ với Tổng thống Philippines Duterte. Ông cho rằng với việc Tổng thống Duterte sẽ hết nhiệm kỳ vào năm 2022, Bắc Kinh sẽ làm mọi thứ có thể củng cố quan hệ với Philippines trong thời gian tới, và “Tổng thống sắp tới của Philippines, dù đó có là ai đi nữa, thì cũng khó có thể thân Trung Quốc như Duterte”.

CNN ngày 21/9 cho rằng Bắc Kinh liên tục đưa máy bay (chiến đấu và ném bom) vượt qua đường ranh giới hai bờ sẽ gây ra căng thẳng cho eo biển Đài Loan. Đài Loan trên twitter cho biết ĐCS Trung Quốc tuyên bố không có đường ranh giới ở Eo biển Đài Loan sau nhiều lần máy bay chiến đấu liên tục vượt qua đường này. Đài Loan kêu gọi cộng đồng quốc tế phê phán Trung Quốc vì ngôn từ nguy hiểm và khiêu khích, đe dọa tới hòa bình và nguyên trạng.

Zachary Haver, AMTI, Mỹ, ngày 22/9 nhận định để thu hút sự tham gia của các công ty, Thành phố Tam Sa đã tạo nhiều điều kiện cho các công ty này. Qua đó, thành phố có được nguồn tiền và hạ tầng do các công ty phát triển để phục vụ chiến dịch khẳng định yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.

+ Các nước khác:

Premesha Saha, chuyên viên nghiên cứu ORF, ngày 23/9 nhận định, cạnh tranh Mỹ-Trung tác động lớn đến Biển Đông. Hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc, FONOP của Mỹ và các cuộc tập trận của Trung Quốc đang khiến khu vực nguy cơ trở thành vùng quân sự. Tình hình đang đặt các nước Đông Nam Á có yêu sách vào tình thế khó khăn. Do đó các nước ASEAN cần: (i) Đoàn kết và có lập trường vững chắc; (ii) Nhanh chóng hoàn tất COC. COC có thể đi theo hướng “Dựng từng khối” (building block): ban đầu tập trung vào hạn chế đánh bắt bất hợp pháp, chấm dứt hành vi quấy rối tàu thăm dò khai thác. Tiếp sau đó là giảm sự tham gia của tàu quân sự trong vùng tranh chấp; (iii) Hợp tác với Ấn, Úc, Nhật và Mỹ về nâng cao năng lực, đàm phán COC tại các diễn đàn đa phương của ASEAN.

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn