Bản tin tuần Biển Đông (ngày 21 - 27/5/2022)

Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Hải quân Mỹ ngày 23/5 công bố báo điều tra về tai nạn của tàu ngầm USS Connecticut (SSN 22) ngày 2/10/2021. Tàu USS Connecticut va phải núi ngầm chưa được ghi trên bản đồ ở một khu vực thuộc vùng biển quốc tế. Cuộc điều tra kết luận sự cố này có thể “ngăn chặn được” nếu không có thiếu sót cấp đơn vị trong quy hoạch điều hướng, giám sát và quản lý rủi ro ở tiêu chuẩn thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn của Hải quân Mỹ. 

Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) thông báo Trung Quốc ngày 28/5 sẽ diễn tập quân sự ở vùng biển có diện tích 100 km vuông, nằm cách bờ biển đảo Hải Nam 25 km. Tàu thuyền bị cấm đi vào khu vực này trong thời gian diễn tập.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Đại sứ quán Philippines tại Mỹ ngày 22/5 cho biết thành công của Thượng đỉnh ASEAN-Mỹ chuyển đi thông điệp mạnh mẽ về mong muốn phát triển kinh tế của hai bên, giúp tăng thêm việc làm và đầu tư cho Philippines. Về Biển Đông, Đại sứ quán Philippines nhận định ASEAN-Mỹ có chung lợi ích về một Biển Đông hòa bình, ổn định và thịnh vượng; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm căng thẳng, xây dựng lòng tin, thúc đẩy đàm phán COC phù hợp với UNCLOS.  

Ngày 23/5, Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) chính thức khởi động ở Tokyo, với 13 nước tham gia gồm Mỹ, Úc Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Mỹ và các nước sẽ "trao đổi hướng tới các đàm phán tương lai" về các trụ cột là thương mại, chuỗi cung ứng, năng lượng sạch, hạ tầng cơ sở và chống tham những. Trong từng trụ cột, các nước sẽ tiếp tục tìm ra các lĩnh vực hợp tác dựa trên tham vấn chung.

Trả lời phỏng vấn báo Nikkei ngày 23/5, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng các quốc gia dù lớn hay nhỏ đều cần thượng tôn luật pháp, bảo vệ các thiết chế quốc tế như Hiến chương Liên hợp quốc, UNCLOS. Châu Á không cần một liên minh quân sự tập thể như NATO vì các nước đều có quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc. Theo ông Lý, khủng hoảng Ukraine không tạo hệ luỵ tương tự ở Biển Đông vì Trung Quốc và ASEAN đang tập trung đàm phán COC và các nước tránh để xảy ra xung đột. 

Phát biểu với báo giới ngày 23/5, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đánh giá, "Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ nhằm kiếm chế Trung Quốc. Cái gọi là chiến lược này gây nhiều cảnh giác và lo ngại trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt là ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, bởi không chỉ tìm cách xóa bỏ cái tên "Châu Á - Thái Bình Dương" và cấu trúc hợp tác hiệu quả trong khu vực, mà còn xóa đi những thành tựu và động lực phát triển hòa bình của các quốc gia khu vực trong những thập kỷ qua”.

Tuyên bố Thượng định nhóm Quad ngày 24/5 cho hay, “Các Lãnh đạo cam kết bảo vệ luật lệ quốc tế, đặc biệt phản ánh trong UNCLOS và tự do hàng hải, hàng không; phản đối mạnh mẽ hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng, hành vi khiêu khích gây căng thẳng trong khu vực, phương hại đến hoạt động khai thác tài nguyên trên biển của các nước”. Nhóm Quad cho biết dành 50 tỷ USD hỗ trợ phát triển hạ tầng cơ sở và đầu tư ở khu vực Ấn - Thái và khởi động sáng kiến tăng cường nhận thức biển (IPMDA) nhằm giúp các nước khu vực trong hoạt động cứu trợ nhân đạo và đối phó nạn đánh bắt cá bất hợp pháp.

Ngày 24/5, một trong hai tàu hộ vệ mang tên lửa dẫn đường của hải quân Philippines được triển khai tới Vịnh Subic trong khi không quân nước này có kế hoạch triển khai máy bay tới đây để theo dõi và phản ứng nhanh với các diễn biến trên thực địa. Hải quân Philippines sẽ trang bị tên lửa đất đối đất SSM-700K C-Star cho hai tàu hộ vệ lớp Jose Rizal (BRP Jose Rizal và BRP Antonio Luna) do công ty đóng tàu Hyundai Heavy Industries của Hàn Quốc chế tạo với giá 16 tỷ peso, được bàn giao Philippines vào năm 2020 và 2021.

Thông cáo chung sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và người đồng cấp Singapore Lý Hiển Long ngày 26/5 cho hay, “Thủ tướng Kishida bày tỏ phản đối mạnh mẽ các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Hai nhà Lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và củng cố trật tự khu vực tự do và rộng mở, dựa trên luật pháp; hoan nghênh việc Mỹ khởi động sáng kiến Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Phát biểu ngày 26/5 sau khi đắc cử, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos tuyên bố theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, coi trọng quan hệ với nước ngoài nhưng không để can dự vào các quyết sách của đất nước. Ông Marcos khẳng định sẽ đối phó với các thách thức từ Trung Quốc; tuân thủ Phán quyết Tòa năm 2016 và sẽ không bao giờ nhân nhượng chủ quyền. 

Góc nhìn quốc tế

Trên “Bloomberg” ngày 22/5, học giả James Stavridis bình luận Tổng thống Marcos mang nhiều hy vọng cho quan hệ song phương Philippines - Mỹ sau khi người tiền nhiệm Duterte đưa Philippines xích gần Trung Quốc. Tuy nhiên, những diễn biến mới nhất kể từ khi ông Marcos đắc cử cho thấy quan hệ Philippines - Mỹ không phát triển nhanh như Mỹ mong đợi. Cuộc tiếp xúc quan trọng đầu tiên của tân Tổng thống Marcos không phải với Mỹ mà với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tổng thống Marcos cho biết quan hệ Philippines-Trung Quốc sẽ mở rộng và "chuyển sang cấp độ cao hơn" khi ông lên nắm quyền. Tuy nhiên, Philippines vẫn sẽ hợp tác với Mỹ trong nhiều vấn đề khác nhau và Hiệp định Phòng thủ chung năm 1951 vẫn là nền tảng vững chắc bảo đảm an ninh cho Philippines. Việc chọn Úc đi nghỉ ngay sau bầu cử cho thấy ông Marcos cởi mở trong việc tiếp tục quan hệ với phương Tây.

Trên “The Diplomat” ngày 26/5, học giả Fikry A. Rahman đánh giá Malaysia cần sớm ổn định nội bộ để thống nhất chính sách đối ngoại trong bối cảnh hiện nay: (i) Malaysia đang ở thế bị kẹt trong cạnh tranh Mỹ-Trung và Trung Quốc liên tục xâm phạm vùng biển nước này. Đây là thời điểm để Malaysia củng cố vị thế và yêu sách ở Biển Đông bằng cách tăng cường hợp tác biển với các cường quốc; (ii) Chiến lược phòng bị nước đôi (hedging strategy) với nước lớn là giải pháp phù hợp để Malaysia cân bằng giữa lợi ích kinh tế và rủi ro an ninh. Malaysia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Mỹ ở Đông Nam Á; đồng thời là đối tác BRI của Trung Quốc với tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2021 đạt 176.8 tỷ USD; (iii) Malaysia cần phải quan sát, học hỏi các nước láng giềng Indonesia, Singapore, Việt Nam trong việc tối đa hóa tiềm năng kinh tế.

Bình luận của Viện Biển Đông

Ngày 24/5, lãnh đạo 4 nước Quad ra Tuyên bố chung với một số điểm đáng chú ý: 1) Tránh trực tiếp nhắc tới Trung Quốc và Nga. Về điểm nóng Biển Đông - Hoa Đông và Ukraine, lãnh đạo Quad chỉ kêu gọi tuân thủ luật quốc tế/UNCLOS, đảm bảo tự do hàng hải/hàng không, giải quyết hòa bình tranh chấp và lên án các hoạt động đơn phương nói chung..., khác hẳn các tuyên bố riêng rẽ hay tuyên bố Mỹ - Nhật và Nhật - Úc; 2/ Sáng kiến an ninh biển mới. Quad đưa ra sáng kiến mới mang tên Hợp tác Ấn - Thái về Nhận thức Biển (IPMDA), tập trung vào chia sẻ thông tin giữa Quad và các nước khu vực thông qua các trung tâm thông tin/đào tạo tại Ấn Độ Dương, Đông Nam Á và các đảo quốc Thái Bình Dương. Mặc dù tuyên bố nêu IPMDA nhằm giải quyết tình trạng đánh bắt cá trái phép và phục vụ cứu trợ nhân đạo, đây cũng có thể là hoạt động tình báo hoặc răn đe nhằm đối phó với lực lượng dân binh biển trong tương lai. Đây là lần đầu tuyên bố Quad nhắc tới hiện diện "nguy hiểm" của dân binh biển, có thể ngụ ý lực lượng dân binh Trung Quốc (vốn gia tăng tập kết với số lượng lớn tại một số đảo/đá trong 2 năm trở lại đây); 3) Khoản đầu tư mới gắn với sáng kiến kinh tế của Mỹ? Tuyên bố nhắc đến mục tiêu đầu tư hơn 50 tỷ USD trong vòng 5 năm tới để hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực Ấn - Thái. Có thể, nguồn vốn này sẽ được huy động từ các sáng kiến đầu tư hạ tầng khu vực như Hệ thống Điểm xanh (của Mỹ, Nhật và Úc), B3W (của G7) hay Khuôn khổ Kinh tế Ấn - Thái mới (của Mỹ).

Bản PDF tại đây

Viện Biển Đông – Học viện Ngoại giao

“Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông” được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn