Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Ngày 22/10, Hạm đội 7 Hải quân Mỹ thông báo tàu chiến đấu ven biển USS Jackson (LCS 6) và USS Tulsa (LCS 16) cùng tàu khu trục Bayern của Đức diễn tập tại Biển Philippines ngày 18/10. Hai bên nhấn mạnh năng lực vận hành đặc biệt của tàu chiến đấu ven biển, cam kết củng cố quan hệ với các đồng minh, đối tác. Tháng 5/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Đức từng có chuyên thăm tàu USS Charleston (LCS 18).

Ngày 25/10, Hải quân Mỹ thông báo Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson đang tập trận trên Biển Đông cùng nhóm tàu sân bay trực thăng Nhật Bản JS Kaga. Kể từ khi được triển khai đến vùng hoạt động của Hạm đội 7, nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson đã tham gia hàng loạt chiến dịch và cuộc tập trận chung với các đơn vị của Hải quân Nhật Bản, gần đây nhất là MALABAR 2021 và Tập trận Đối tác Hàng hải.

Hải quân Mỹ ngày 27/10 vẫn chưa xác định được tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut va vào vật thể gì trong sự cố ngày 2/10. Các dấu hiệu ban đầu cho thấy tàu có thể đã va phải núi ngầm. Các nguồn tin cũng xác nhận tuyên bố của Hải quân rằng khoang lò phản ứng của tàu ngầm không bị hư hại.

Ngày 28/10, không quân Đài Loan ký thỏa thuận lắp đặt, bảo dưỡng và sửa chữa tên lửa đất-đối-không Patriot PAC-3 với Mỹ trị giá 35 triệu USD. Đây là lần thứ hai Mỹ-Đài ký thỏa thuận liên quan đến Patriot; trước đó ngày 31/8 hai bên đạt thỏa thuận trị giá 50 triệu USD. Đài Loan cũng đặt mục tiêu tới năm 2025-26 bổ sung 300 hệ thống nhằm cải thiện tầm bắn.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Trong cuộc họp báo ngày 22/10, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki khẳng định Tổng thống Joe Biden chưa đưa ra tuyên bố hay quyết định nào về thay đổi chính sách với Đài Loan. Trong ngày 22/10, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tuyên bố, "Không ai muốn thấy chiến tranh bùng nổ ở Eo biển (Đài Loan), chắc chắn không phải Tổng thống Biden".

Ngày 23/10, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu kêu gọi Mỹ quay trở lại CPTPP nhằm tăng cường sự ổn định Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, góp phần thiết lập trật tự kinh tế khu vực. Ngoại trưởng Toshimitsu đánh giá quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật là nền tảng cho hoà bình và thịnh vượng của quốc tế. Bên cạnh liên kết chặt chẽ của 4 thành viên trong nhóm Bộ Tứ (QUAD), trong tương lai Nhật Bản sẽ thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn với ASEAN và Châu Âu.

Trả lời phỏng vấn “KyodoNews” ngày 25/10, Đại sứ Pháp phụ trách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Christophe Penot tuyên bố Pháp sẽ không ủng hộ thỏa thuận AUKUS do có thể làm gia tăng căng thẳng tại khu vực. AUKUS sẽ buộc các nước phải lựa chọn Mỹ hoặc Trung Quốc hoặc có thể thúc đẩy các nước mua tàu ngầm hạt nhân. Theo ông Penot, chiến lược của Pháp không có gì thay đổi và Pháp sẽ tăng cường quan hệ với Nhật Bản và Ấn Độ. Về quan hệ Mỹ-Pháp, hai bên đã khôi phục đối thoại và mối quan hệ đang tiến triển tốt đẹp.

Tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ ngày 26/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định: “Quan hệ ASEAN - Mỹ quan trọng đặc biệt với tương lai của hơn 1 tỷ người dân Mỹ và ASEAN. Mỹ cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của ASEAN. Mỹ dự kiến công bố chương trình và sáng kiến mới trị giá hơn 100 triệu USD để tăng cường hợp tác với ASEAN”.

Phát biểu tại hội nghị về phát triển vũ khí và thiết bị quân sự ở Bắc Kinh ngày 25-26/10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025), đặc biệt là phát triển vũ khí-trang thiết bị quân sự, xây dựng hệ thống quản lý vũ khí hiện đại nhằm "góp phần thực hiện các mục tiêu đặt ra" nhân kỷ niệm 100 năm thành lập của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa. 

Ngày 26/10, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố khẳng định sự tham gia và đóng góp của Đài Loan cho một số cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc (LHQ) trong 50 năm qua rất giá trị. Mỹ "khuyến khích tất cả các Quốc gia thành viên LHQ hỗ trợ sự tham gia có ý nghĩa của Đài Loan trong toàn bộ hệ thống LHQ và cộng đồng quốc tế. Gần đây Đài Loan đã không được phép đóng góp vào các nỗ lực của LHQ”.

Ngày 27/10, Việt Nam và Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ký thỏa thuận thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam. Điều này minh chứng cho vị thế của Việt Nam trong hội nhập quốc tế cũng như quan điểm của Việt Nam ủng hộ nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế.

Sau hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Úc đầu tiên, Nước Chủ tịch ASEAN Brunei ngày 27/10 tuyên bố hai bên nhất trí nâng cấp quan hệ ASEAN-Úc lên "quan hệ đối tác chiến lược toàn diện". Indonesia dù tiếp tục nêu quan ngại về AUKUS nhưng cũng ủng hộ việc nâng cấp quan hệ ASEAN-Úc.

Góc nhìn quốc tế

Trả lời “Thanh Niên” ngày 22/10, 3 học giả Mỹ nhận xét Dự luật S.1657 về Trừng phạt Biển Đông và Hoa Đông 2021 được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện thông qua ngày 19/10. Theo GS. Jonathan G.Odom, “Nếu được ban hành, đạo luật mới sẽ tạo ra các biện pháp thực tế để trấn an đồng minh và đối tác của Mỹ. Các biện pháp trừng phạt kinh tế là một cơ chế hoàn toàn hợp pháp để các quốc gia có chủ quyền quyết định hợp tác kinh doanh với ai. Ông Carl O.Schuster nhận xét, “Bản thân dự luật có lẽ không đủ sức ngăn cản Bắc Kinh. Mỹ cần kết hợp với các biện pháp khác khiến Trung Quốc phải đánh đổi nếu tiếp diễn các hoạt động gây quan ngại ở Biển Đông”. Trong khi đó, ông Greg Poling nhận định dự luật khó ảnh hưởng thực chất. Các dự luật giống hệt đã được đưa ra trong 4 kỳ quốc hội gần đây và chưa bao giờ được thông qua. Nếu được thông qua, điều đó chủ yếu thể hiện sự không hài lòng của quốc hội Mỹ với Trung Quốc hơn là hành động thực tế.

Trên “Pacforum” ngày 22/10, học giả Denny Roy chỉ ra 5 sai lầm trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc: (i) Ngoại giao chiến lang; (ii) Đụng độ với Ấn Độ tại thung lũng Galwan; (iii) Chính sách quyết đoán tại Biển Đông; (iv) Hăm dọa Đài Loan và (v) Triển khai chính sách cưỡng ép Úc. Chính sách đối ngoại của Trung Quốc ngày càng vấp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc áp đặt ý chí của mình lên các nước láng giềng yếu hơn thay vì tìm kiếm một thoả hiệp có thể chấp nhận được.

Ngày 23/10, trả lời phỏng vấn tờ “SCMP”, cựu thủ tướng Úc Kevin Rudd đánh giá AUKUS ra đời trong bối cảnh các nước lớn Trung Quốc, Nhật Bản tăng cường phát triển quốc phòng và hiện diện quân sự tại khu vực. AUKUS không phải hiệp ước quốc phòng, mà chỉ là thỏa thuận tiếp nhận trang bị quốc phòng. AUKUS không phục vụ lợi ích bán vũ khí của Mỹ, mà xuất phát từ nhận thức của Mỹ về mức độ phát triển quân sự của Trung Quốc. Quan hệ Úc – Trung Quốc có chiều hướng xấu đi do ba thay đổi chính: (i) ảnh hưởng từ sức mạnh của Trung Quốc, (ii) cạnh tranh Mỹ - Trung, (iii) lập trường của chính quyền đảng bảo thủ Úc. Căng thẳng Mỹ - Trung chưa đến mức Chiến tranh lạnh, ít có nguy cơ xảy ra chiến tranh nóng ở thời điểm hiện tại, nhưng có nguy cơ cao hơn vào cuối thập kỷ này. Chính phủ Úc hiện tại quá chú trọng vào Mỹ, thay vì thúc đẩy quan hệ với các nước trong khu vực.

Học giả Lưu Lâm (Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc) ngày 27/10 đánh giá ba nguyên nhân Mỹ không công khai sự kiện tàu ngầm hạt nhân gặp nạn tại Biển Đông: (i) sự việc xảy ra vào thời điểm nhạy cảm, gần như đồng thời với việc thành lập AUKUS; (ii) nếu Mỹ công khai sự việc sẽ làm lộ ra những hoạt động của Mỹ tại Biển Đông; (iii) vụ việc tổn hại đến danh tiếng của cường quốc quân sự số một. Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có độ nhạy cảm cao. Việc ngày càng nhiều tàu ngầm hạt nhân hiện diện ở vùng biển Đông Nam Á không chỉ gây chạy đua vũ trang, mà còn ảnh hưởng tới khu vực phi hạt nhân ở Đông Nam Á và hòa bình, an ninh khu vực.

Bản PDF tại đây

Viện Biển Đông – Học viện Ngoại giao

“Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông” được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn