Bản tin tuần Biển Đông (ngày 23.3-29.3.2024)

TIÊU ĐIỂM

 

  • Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố ủng hộ Philippines ở Biển Đông - lần thứ 2 trong năm 2024
  • Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar thăm Philippines, tái khẳng định cam kết hỗ trợ Philippines duy trì hòa bình và tự do ở khu vực Ấn – Thái trong bối cảnh va chạm giữa tàu Philippines và Trung Quốc tại bãi cạn Second Thoma
  • BNG Úc tuyên bố quan ngại tàu TQ phun vòi rồng; ngăn chặn nguy hiểm tàu tiếp tế PLP ngày 5 và 23/3; tái khẳng định tính chung thẩm của Phán quyết 2016 
  • TQ loại bỏ chip Mỹ trong máy tính của các cơ quan chính quyền để thay thế công nghệ nước ngoài bằng các sản phẩm trong nước
  • Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nêu quan ngại sâu sắc về việc tàu Trung Quốc sử dụng vòi rồng bắn vào tàu tiếp tế của Philippines tại bãi Cỏ Mây ngày 24/3/2024

TIN TỨC

CHÍNH TRỊ - NGOẠI GIAO

Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố ủng hộ Philippines ở Biển Đông - lần thứ 2 trong năm 2024

Ngày 23/3/2024, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố ủng hộ Philippines trong vụ tàu Trung Quốc sử dụng vòi rồng bắn vào tàu tiếp tế của Philippines tại bãi Cỏ Mây ngày 23/3/2024, lên án hành vi của TQ gây bất ổn cho khu vực và coi thường luật quốc tế, đồng thời tái khẳng định cam kết bảo vệ của Mỹ với Philippines theo Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT).

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nêu quan ngại sâu sắc về việc tàu Trung Quốc sử dụng vòi rồng bắn vào tàu tiếp tế của Philippines tại bãi Cỏ Mây

Trả lời báo chí ngày 24/3/2024, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lim Soo-suk đã, cho biết Hàn Quốc quan ngại sâu sắc về hành động tàu Trung Quốc nhiều lần bắn vòi rồng của vào tàu tiếp tế của Philippines ở bãi Cỏ Mây.

Người phát ngôn nhấn mạnh hành động này làm gia tăng căng thẳng ở trên Biển Đông, tuyến đường hàng hải quốc tế lớn của các nước trong đó có Hàn Quốc, ảnh hưởng hoà bình, ổn định, an ninh và trật tự trên biển dựa trên luật lệ ở khu vực.

Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar thăm Philippines, tái khẳng định cam kết hỗ trợ Philippines duy trì hòa bình và tự do ở khu vực Ấn – Thái trong bối cảnh va chạm giữa tàu Philippines và Trung Quốc tại bãi Cỏ Mây

Ngày 25/03, trong cuộc họp báo diễn ra tại Manila, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar lên tiếng về vụ va chạm giữa tàu tuần duyên Philippines và tàu hải cảnh Trung Quốc tại Bãi Cỏ Mây ở quần đảo Trường Sa vào đầu tháng 3, cho biết Ấn Độ tái khẳng định cam kết hỗ trợ Philippines duy trì hòa bình và tự do ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Cuộc họp báo diễn ra trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Ấn đến Philippines và 2 nước Đông Nam Á khác (Singapore, Malaysia) từ ngày 23/03-27/03.

Cũng trong chuyến thăm, Ngoại trưởng Ấn Jaishankar đã gặp Tổng thống Philippines Marcos để (i) thảo luận về việc mở rộng quan hệ song phương, trong đó có tiềm năng hợp tác hàng hải giữa Ấn Độ và Philippines; (ii) ký kết thỏa thuận về tăng cường hợp tác hàng hải và vận tải biển trắng.

BNG Nga lên tiếng phản đối hành động của Mỹ về việc mở rộng thềm lục địa; chỉ trích Mỹ áp dụng UNCLOS "có chọn lọc" để phục vụ lợi ích riêng

Ngày 25/3/2024, BNG Nga đưa ra thông cáo báo chí về việc Nga không công nhận ranh giới bên ngoài của thềm lục địa mở rộng do Mỹ đơn phương thiết lập vào tháng 12/2023. Thông cáo báo chí nêu rõ:

  • Phái đoàn Nga tại Cơ quan Đáy biển Quốc tế (ISA) đã tuyên bố không công nhận ranh giới bên ngoài của thềm lục địa mở rộng của Mỹ tại 7 khu vực trên các đại dương;
  • Mỹ đang đơn phương giảm diện tích đáy biển thuộc quyền quản lý của ISA và cộng đồng quốc tế, đồng thời giành thêm các phần thềm lục địa cho riêng mình (khoảng 1 triệu km2). Những hành động đơn phương này của Mỹ không phù hợp với các quy tắc và thủ tục theo luật pháp quốc tế;
  • Nga chỉ trích cách tiếp cận có chọn lọc của Mỹ trong việc áp dụng luật quốc tế, đồng thời lên tiếng phê phán việc Mỹ sử dụng UNCLOS để phục vụ lợi ích riêng. Trước đó, Nga cũng đã gửi một công hàm phản đối đến Mỹ qua các kênh song phương.

Thứ trưởng Ngoại giao TQ Mã Triều Húc 27/3 điện đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Campbell, nhắc đến Đài Loan, Biển Đông, Triều Tiên và vấn đề TQ hỗ trợ công nghiệp quốc phòng cho Nga

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc điện đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Campbell ngày 27/3. Hai bên trao đổi ý kiến về quan hệ Trung Mỹ và các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Trong thông cáo từ Bộ Ngoại giao Mỹ, Thứ trưởng Campbell (i) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan, Biển Đông và Bán đảo Triều Tiên; (ii) nêu mối lo ngại về sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga.

BNG Úc tuyên bố quan ngại tàu TQ phun vòi rồng; ngăn chặn nguy hiểm tàu tiếp tế PLP ngày 5 và 23/3; tái khẳng định tính chung thẩm của Phán quyết 2016 (nội dung tương đồng với tuyên bố tháng 12/2023)

Ngày 27/3, BNG Úc ra tuyên bố, “chia sẻ quan ngại của Philippines về hành động của tàu Trung đối với tàu Philippines trong các nhiệm vụ tiếp tế thường lệ ở Biển Đông vào ngày 5/3 và 23/3. Tàu Trung Quốc đã sử dụng vòi rồng và ngăn chặn nguy hiểm, gây hư hại cho các tàu tiếp tế của Philippines và khiến thủy thủ đoàn bị thương; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tất cả các quốc gia có thể thực hiện các quyền lợi, bao gồm tự do hàng hải, theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS; tái khẳng định Phán quyết Trọng tài về Biển Đông năm 2016 là phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý đối với các bên”.

Cục trưởng Cục Thông tin BQP TQ Ngô Khiêm: TQ có đủ quyết tâm chiến lược để giải quyết vấn đề BĐ

Trong cuộc họp báo thường kì ngày 28/3, Đại tá Ngô Khiêm - Cục trưởng Cục Thông tin BQP TQ cho biết: (1) sự can thiệp của Mỹ là nguyên nhân lớn nhất gây bất ổn ở Biển Đông; (2) sự khiêu khích và gây rối của Philippines là nguyên nhân trực tiếp khiến vấn đề Biển Đông leo thang gần đây. Đại tá Ngô Khiêm khẳng định, Trung Quốc có đủ quyết tâm chiến lược để giải quyết vấn đề Biển Đông, đồng thời nêu thêm:

  • Trong một thời gian, Mỹ kích động đối đầu, ủng hộ lập trường của Philippines, nhiều lần đe dọa và gây áp lực với Trung Quốc bằng cái gọi là hiệp ước song phương, đồng thời còn cử tàu chiến đến Biển Đông để gây rối, phá hoại nghiêm trọng hòa bình và sự ổn định khu vực. Mỹ không có quyền can thiệp vào vấn đề Biển Đông;
  • PLP ỷ vào sự hỗ trợ của lực lượng bên ngoài, thường xuyên có các hành vi vi phạm trong không gian biển, khiêu khích, gây rối, phát tán thông tin sai sự thật nhằm đánh lừa cộng đồng quốc tế.
  • TQ sẽ không để PLP làm bất cứ điều gì họ muốn. Trung Quốc có đủ quyết tâm chiến lược để giải quyết vấn đề Biển Đông và cam kết quản lý đúng đắn những khác biệt trên biển với các bên liên quan thông qua đối thoại và tham vấn.

KINH TẾ - KẾT NỐI

TQ loại bỏ chip Mỹ trong máy tính của các cơ quan chính quyền để thay thế công nghệ nước ngoài bằng các sản phẩm trong nước

Theo tờ Financial Times ngày 24/3, giới chức trách TQ bắt đầu tuân thủ hướng dẫn mới về mua sắm máy tính cá nhân, máy tính xách tay và máy chủ do Bộ Tài chính (MoF) và Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (MIIT) ban hàng tháng 12/2023.

Theo đó, Hướng dẫn mua sắm của MOF và MIIT đưa ra 18 sản phẩm chip được phê duyệt, trong đó có chip của Huawei và Phytium (được nhà nước hậu thuẫn); đồng thời tìm cách loại bỏ hệ điều hành Windows của Microsoft và phần mềm cơ sở dữ liệu do nước ngoài sản xuất để chuyển sang sử dụng các sản phẩm thay thế ở trong nước. Dự báo máy chủ do các công ty trong nước sản xuất sẽ chiếm 23% doanh số máy chủ ở Trung Quốc vào năm 2026.

GÓC NHÌN QUỐC TẾ

Walter Russell Mead: Ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ đang suy yếu; lỗi không hoàn toàn vì Chính quyền Biden

Ngày 19/3, WSJ đăng bình luận của Walter Russell Mead  cho rằng ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ đang suy yếu, cụ thể:

Các dấu hiệu cho xu hướng trên:  

  • Niger chấm dứt hợp tác quân sự với Mỹ sau khi Mỹ cáo buộc Niger bán uranium cho Iran.
  • Putin tiếp tục đe dọa sử dụng hạt nhân, kéo dài chiến sự Ukraine.
  • Iran vừa can dự vào Biển Đỏ, vừa bắn tên lửa vào Israel.
  • Triều Tiên đang tăng cường năng lực hạt nhân.
  • Trung Quốc ồ ạt gia tăng chi tiêu quốc phòng và phát huy lợi thế của mình trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Tây bán cầu.

Nguyên nhân không phải hoàn toàn là lỗi của Chính quyền Biden:

  • Chính sách đối ngoại Mỹ sa sút kể từ cuộc xâm lược Iraq, Mỹ sa lầy và rút lui cẩu thả tại Afghanistan.
  • Mỹ sau đó không can dự hiệu quả khi Nga tấn công Georgia năm 2008 và Ucraina năm 2014.
  • Vì đấu đá nội bộ, Mỹ không theo kịp đà xây dựng quân lực của Trung Quốc.
  • Hiện tượng Trump khiến uy tín Mỹ suy giảm, chủ nghĩa biệt lập gia tăng.
  • Đề xuất ngân sách quốc phòng tài khóa 2025 quá thấp. Biden so sánh năm 2024 với năm 1941 là năm cực kỳ nguy hiểm nhưng Mỹ năm 41 còn tăng ngân sách 4 lần.

Kiến nghị:

  • Đệ trình ngân sách quốc phòng mới để răn đe đối thủ và trấn an các nước đồng minh, đối tác.
  • “Giết ngay một vài con quạ"

David M. Andrews (ANU): AUKUS và QUAD không phải là liên minh và sẽ không trở thành liên minh kiểu “NATO châu Á”

Ngày 22/3/2024, Viện Quan hệ Quốc tế Úc đăng bình luận của học giả David M. Andrews (ANU) cho rằng AUKUS và QUAD không phải là liên minh và sẽ không trở thành “NATO châu Á” xét trên cả lý thuyết và thực tiễn triển khai. Lý do là:

  • Các nước thành viên đều tuyên bố không có ý định hình thành liên minh kiểu NATO ở Ấn – Thái. Cố vấn ANQG và BTQP Mỹ đều thẳng thừng phủ nhận ý định thành lập NATO Châu Á. BNG Úc tuyên bố Quad là một tổ chức ngoại giao, không phải an ninh. Ngoại trưởng Ấn cho biết Quad là hậu liên minh ( post-alliance)
  • Trên phương diện lý thuyết: Liên minh bao gồm phối hợp chính sách quân sự giữa hai hay nhiều nước nhằm theo đuổi một mục tiêu chung, thường có hiệp ước rõ ràng và có nguyên tắc phòng thủ chung/tập thể. Theo đó, QUAD hay AUKUS không đủ điều kiện là liên minh (không có quy tắc phòng thủ chung, không có ban thư ký điều phối, không có trụ sở, phối hợp quân sự chỉ ở mức song phương).
  • Trên phương diện thực tiễn triển khai.
    • AUKUS tuy có thỏa thuận ba bên chính thức nhưng thỏa thuận này tập trung vào việc đặt ra các điều kiện trao đổi công nghệ và các yêu cầu về an ninh thông tin và nhân sự. AUKUS tác động đến công nghiệp, NCKH, công nghệ hơn là chiến lược quốc phòng. Úc và Anh vốn đã là liên minh của Mỹ nên không cần biến AUKUS thành liên minh để thêm trách nhiệm (Trong quá khứ Úc từ chối Anh gia nhập ANZUS).
    • QUAD không có thỏa thuận, không có mục tiêu chung rõ ràng; tuyên bố tầm nhìn 5/2023 chủ yếu tập trung vào nguyện vọng của các đối tác đối với khu vực và cách thức thực hiện các cam kết một cách tự nguyện; các nước có cùng thách thức là TQ nhưng không có “mặt trận chung” (Ấn Độ và TQ xung đột ở dãy Himalaya; Nhật Bản với TQ ở Biển HĐ; Úc và TQ cạnh tranh ở TBD). ĐNA nổi lên là khu vực các nước có nhiều lợi ích chung nhất)

PGS Rahul Mishra: Chuyến thăm của Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar đến ĐNA đánh dấu 10 năm triển khai chính sách Hành động Hướng Đông; sự thống trị của Trung Quốc tại khu vực là thách thức chung của Ấn Độ và ASEAN

Ngày 23/03, Phó Giáo sư Rahul Mishra (Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Đại học Jawaharlal Nehru, New Delhi) có bài đăng trên trang Hindustan Times bình luận về chuyến thăm của Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar đến Singapore, Philippines, Malaysia từ ngày 23/03 - 27/03/2024. Hai mục đích chính của chuyến thăm:

  • Kỷ niệm 10 năm triển khai chính sách Hành động hướng Đông (2014 - 2024), tiếp tục đưa mối quan hệ với các nước ĐNA lên tầm cao mới. Singapore là cửa ngõ của Ấn Độ vào ASEAN, một trong những đối tác đáng tin cậy nhất của Ấn Độ trong khu vực trong nhiều lĩnh vực hợp tác chiến lược. Quan hệ với Philippines còn nhiều dư địa để mở rộng, hợp tác quốc phòng phát triển ấn tượng, có thể nâng mối quan hệ lên cấp độ đối tác chiến lược. Malaysia giữ vai trò Chủ tịch ASEAN 2025.
  • Khẳng định giá trị chung với ASEAN. Mục tiêu các sáng kiến của Ấn Độ như IPOI, SAGAR có sự tương đồng với AOIP của ASEAN, đều cam kết duy trì khu vực Ấn - Thái bao trùm, hòa bình, dựa trên luật lệ và cởi mở. Ấn Độ cũng có lợi ích trong việc đảm bảo ASEAN đóng vai trò trung tâm trong việc hòa giải tranh chấp trên Biển Đông. Các thách thức ASEAN đang phải đối mặt ngày càng tương đồng với các thách thức của Ấn Độ, cụ thể là sự thống trị của Trung Quốc và cạnh tranh Mỹ Trung.

Thông tin thêm:

  • Theo thỏa thuận quốc phòng song phương ký vào 01/2022, Ấn Độ sẽ cung cấp biến thể tên lửa hành trình siêu thanh chống hạm BrahMos cho Philippines. Hai nước sắp tiến tới kỷ niệm 75 năm quan hệ song phương
  • Quan hệ Ấn - Malaysia phát triển toàn diện: (i) Quan hệ thương mại phát triển, kim ngạch đạt gần 20 tỷ USD năm tài chính 2022-2023; (ii) Malaysia đang cân nhắc việc nhập khẩu quốc phòng từ Ấn Độ; (iii) Cộng đồng gốc Ấn lớn nhất thế giới, 2,77 triệu người gốc Ấn, chiếm 8,5% dân số Malaysia.

Daniel Depetris: Niger hủy thỏa thuận quân sự với Mỹ sẽ không quá đáng ngại với Mỹ

Ngày 23/3, National Review đăng bình luận của Daniel Depetris, cho rằng việc Niger hủy thỏa thuận quân sự với Mỹ, nếu thật sự xảy ra, sẽ không quá đáng ngại với Mỹ.

Chi tiết:

  • Khủng bố tại châu Phi ngày một lan rộng, châu Phi thành thành trì khủng bố thay vì Trung Đông. Nếu Niger đuổi lính Mỹ đi thật, khủng bố sẽ hoành hành tại Niger.
  • Chình quyền Biden đã đàm phán với Ghana, Bờ biển Ngà và Benin về vị trí đặt các căn cứ cho thiết bị không người lái nên nếu bị đuổi khỏi Niger, Mỹ vẫn có lựa chọn thay thế.
  • Can dự của Mỹ tại nhiều nước châu Phi chủ yếu là chống nổi loạn ở các nước quản trị yếu, không phải chống khủng bố nên không cần lính Mỹ phải hiện diện.
  • Châu Phi tăng quan hệ với Nga và TQ nhưng sẽ không dựa vào Nga và TQ lâu dài được vì tiềm lực kinh tế của 2 nước này có hạn. Châu Phi vẫn sẽ cần Mỹ

Thông tin thêm:

  • Một số ý kiến khác cho rằng Niger hủy thỏa thuận thật sẽ là tổn hại lớn cho Mỹ vì Mỹ có: 650 lính tại Niger, 1 căn cứ không quân tại Agadez và 1 căn cứ drone trị giá hơn 100 triệu USD. Từ Niger, Mỹ có thể hoạt động tại toàn bộ Tây Bắc Phi.
  • Mỹ bày tỏ tín hiệu không rõ ràng: vừa muốn hòa hoãn với Niger về vấn đề hậu cần dù từng cáo buộc Niger "đi đêm" với Nga và Iran.
  • Một số khác cho rằng Nga đứng đằng sau rạn nứt giữa Mỹ và Niger vì Nga đang tăng hợp tác với các phiến quân tại Niger.

BÌNH LUẬN CỦA VIỆN BIỂN ĐÔNG

Phản ứng của các nước trước vụ việc trung quốc bắn vòi rồng vào tàu tiếp tế philippines ở bãi cỏ mây ngày 23/03

  • Ngày 23/3/2024, Philippines (PH) cáo buộc Trung Quốc (TQ) bắn vòi rồng vào tàu tiếp tế Unaizah May 4 (UM4) của Philippines ở Bãi Cỏ Mây (thuộc Trường Sa), khiến tàu bị hư hại “đáng kể” và ba lính hải quân bị thương. Cùng ngày, Philippines công bố video về sự cố làm bằng chứng.
  • Trước diễn biến căng thẳng mới nhất ở Biển Đông, nhiều nước trong và ngoài khu vực đã nhanh chóng đưa ra phản ứng. Tính đến ngày 28/3, bốn nước ra Tuyên bố chính thức về vụ việc, gồm Mỹ, Úc, Hàn Quốc và EU. Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Đức Thắng cho biết VN rất quan ngại về những căng thẳng gần đây ở BĐ và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, thực hiện nghiêm túc DOC, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, tuân thủ LQT, UNCLOS. Việc các bên liên quan cho người lên thực thể thuộc chủ quyền của VN mà không được sự cho phép của VN là hành vi xâm phạm chủ quyền của VN.
  • Ít nhất 15 Cơ quan Đại diện ngoại giao tại Philippines đã phản ứng/bình luận về vụ việc trên mạng xã hội, chủ yếu qua trang X/Twitter, gồm Mỹ, EU, Anh, Nhật, Úc, Đức, Pháp, Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan, Thụy Điển, New Zealand, Cộng hòa Séc, Canada và Italy. Nội dung các bài đa phần không mới: nêu quan ngại về vụ việc, kêu gọi các bên kiềm chế và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, đồng thời nhấn mạnh LQT, UNCLOS và Phán quyết 2016. Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar tuyên bố Ấn Độ ủng hộ Phippines trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và nhắc lại tầm quan trọng UNCLOS 1982 nhưng không trực tiếp nhắc tên TQ.
  • TQ tiếp tục phản đối mạnh mẽ qua kênh chính thức lẫn không chính thức. Ngày 23/3, Tờ Hoàn cầu đăng tải video phản chứng từ phía Cảnh sát biển TQ, cáo buộc Philippines đưa phóng viên lên tàu tiếp tế và dàn dựng vụ việc để “thổi phồng” vấn đề Biển Đông. Ngày 25/3, ông Trần Hiểu Đông, Thứ trưởng Ngoại giao TQ, điện đàm với người đồng cấp PH và cho biết mối quan hệ hai nước đang đứng trước “bước ngoặt”, do đó PH cần thận trọng với các bước đi, chấm dứt các hành vi đơn phương, khiêu khích và quay lại con đường đàm phán để quản lý khác biệt.
  • Sự việc lần này cho thấy Philippines tiếp tục chiến dịch “minh bạch hóa” nhưng có giới hạn. TQ cũng chuẩn bị trước và tung ra các bằng chứng phản bác. Các nước trong và ngoài khu vực ngày càng quan tâm đến các sự cố ở Biển Đông, đưa ra phản ứng nhanh, mạnh và đồng bộ hơn. Tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp.

Bản PDF tại đây