Bản tin tuần Biển Đông (ngày 28/5 - 3/6/2022)

Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2022 dự kiến diễn ra từ ngày 29/6 - 4/8 ngoài khơi Hawaii và California với sự tham gia của 26 nước. Đây là cuộc tập trận do Mỹ đăng cai với 38 tàu chiến mặt nước, 4 tàu ngầm, hơn 170 máy bay và 25.000 nhân viên quân tham gia. RIMPAC 2022 có nhiều khoa mục bao gồm đổ bộ, bắn đạn thật, chống ngầm, phòng không, gỡ mìn, xử lý vật liệu nổ, hoạt động lặn và cứu hộ…

+ Chính trị - Ngoại giao:

Ngày 30/5, Bộ Ngoại giao Philippines gửi công hàm phản đối lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông. Công hàm nhấn mạnh hành động của Trung Quốc vượt quá thẩm quyền hợp pháp theo quy định UNCLOS năm 1982; kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ theo luật quốc tế và Phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016.

Trả lời báo chí sau cuộc gặp với Tân Tổng thống Philippines ngày 30/5, Đại sứ Anh tại Philippines Laure Beaufils cho hay Anh là một quốc gia biển, rất quan tâm tới luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS năm 1982. Anh tiếp tục hợp tác với mọi đối tác quan tâm tới việc duy trì trật tự biển, cũng như ủng hộ Phán quyết của Tòa năm 2016. Nhóm tàu sân bay của Anh có thể trở lại vào năm 2023.

Tuyên bố chung sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tại Nhà Trắng ngày 31/5 khẳng định, “Một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do hơn và rộng mở phụ thuộc vào việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ trên biển. Chúng tôi tái khẳng định sự ủng hộ đối với tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, phù hợp với UNCLOS năm 1982; phản đối các yêu sách và hoạt động trái pháp luật ở Biển Đông đi ngược lại trật tự luật lệ.”

Ngày 1/6, Cảnh sát biển Philippines tiếp nhận tàu đa năng lớp Kunisaki thứ 2 của Cảnh sát biển Nhật Bản. Tàu BRP Melchora Aquino dài 97 mét có thể hoạt động trong điều kiện biển động và với hải trình ít nhất 15 ngày trên biển. Chiếc đầu tiên BRP Teresa Magbanua được đưa vào hoạt động ngày 6/5. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Philippines nhấn mạnh việc mua lại các tàu mới là một bước đột phá, giúp nâng cao năng lực biển.

Hải quân Philippines dự kiến đặt mua 6 tàu tuần tra trị giá 30 tỷ Peso từ Hyundai, Hàn Quốc. Theo một quan chức an ninh giấu tên, Hàn Quốc dự kiến chuyển giao cho Philippines thêm 1 tàu lớp Pohang được tân trang kèm với thương vụ này. Đây là hợp đồng thứ ba giữa Philippines và Hyundai. Hàn Quốc là nhà cung cấp tàu hải quân lớn nhất cho Philippines trong những năm gần đây.

Ngày 2/6, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines đã tới thăm xã giao Tư lệnh Cảnh sát biển Philippines Đô đốc Artemio Abu tại Manila. Đô đốc Abu cho biết chuyến thăm nhằm trao đổi, thúc đẩy hoạt động hợp tác giữa lực lượng cảnh sát biển hai nước, từ đó tăng cường gắn kết, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.     

Trong buổi trao đổi trực tuyến với báo giới châu Âu ngày 2/6, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman nhấn mạnh, “Ngay cả trước khi Nga - Trung tuyên bố quan hệ đối tác “không giới hạn” vào tháng 2, Trung Quốc đã thách thức an ninh của châu Âu, nền kinh tế của châu Âu và các giá trị của châu Âu".  Trung Quốc ở cách xa nhưng các hành động đóng vai trò quan trọng đối với tương lai của châu Âu. Theo Thứ trưởng Sherman, Mỹ không muốn một cuộc chiến tranh lạnh mới nhưng không thể dựa vào Trung Quốc để thay đổi hành vi của nước này.

Trên Twitter ngày 3/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price viết,"Lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của CHND Trung Hoa ở Biển Đông không phù hợp với Phán quyết của Tòa trọng tài thường trực vào năm 2016 và luật pháp quốc tế. Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế".

Ngày 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jeong-sup và người đồng cấp Philippines Delfin Lorenzana có cuộc gặp nhân chuyến thăm Hàn Quốc của ông Lorenzana. Bộ trưởng Lee nhấn mạnh Hàn Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực cho Lực lượng Vũ trang Philippines. Hai bên thảo luận về việc thành lập một ủy ban quân sự liên hợp cấp thứ trưởng. Về Biển Đông, hai Bộ trưởng “tái khẳng định cần duy trì tự do hàng hải, hàng không và tôn trọng luật pháp quốc tế".

Góc nhìn quốc tế

Trên “East asia forum” ngày 31/5, nhà báo Kavi Chongkittavorn đánh giá quan hệ ASEAN-Mỹ đang phát triển một cách thận trọng, với một số diễn biến mới: (i) cam kết thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (tháng 11/2022); (ii) Tổng thống Biden bổ nhiệm cố vấn thân cận Yahannes Abraham làm đặc phái viên tại Ban Thư ký ASEAN sau 6 năm bỏ trống; (iii) 7/10 thành viên ASEAN tham gia đàm phán Khuôn khổ kinh tế Ấn-Thái (IPEF). Tuy nhiên ASEAN không đưa quan điểm chung về vấn đề Ukraine trong Tuyên bố Tầm nhìn chung. Việc Mỹ tạo áp lực thuyết phục ASEAN nghiêng về phương Tây có thể phản tác dụng. Theo ông Kavi, để thúc đẩy quan hệ hai bên, Mỹ cần: (i) coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN; (ii) mở rộng hợp tác về an ninh y tế, khí hậu, cơ sở hạ tầng, các vấn đề biển, giáo dục...

Trên “East asia forum” ngày 2/6, nhà phân tích Makoi Popioco cho rằng nội bộ Chính quyền cựu Tổng thống Duterte phát biểu mâu thuẫn về AUKUS, tương tự trong vấn đề Biển Đông với Trung Quốc. Về AUKUS, Bộ trưởng Ngoại giao Locsin và Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana từng bày tỏ ủng hộ trong khi Tổng thống Duterte bày tỏ quan ngại. Về vấn đề Biển Đông, hai người đứng ngành ngoại giao và quốc phòng đều tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc, trong khi Tổng thống Duterte mềm mỏng, hoà dịu. Theo ông Popioco, cần theo dõi tiếp xem liệu sự mâu thuẫn này còn tồn tại dưới chính quyền mới không khi tân Tổng thống Marcos kế thừa chính sách của ông Duterte. 

Bản PDF tại đây

Viện Biển Đông – Học viện Ngoại giao

“Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông” được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn