Bản tin tuần Biển Đông (ngày 31.12-6.1.2024)

Tin tức nổi bật

  • Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ra Tuyên bố về thúc đẩy ổn định ở không gian biển Đông Nam Á
  • Hải quân Trung Quốc tuần tra “thường lệ” Biển Đông, cử tàu theo dõi diễn tập Mỹ - Philippines
  • Hải quân Mỹ - Philippines diễn tập ở Biển Đông với tàu sân bay USS Carl Vinson tham gia
  • Đối thoại Mỹ - Nhật - Hàn lần đầu tiên về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
  • Mỹ cho biết máy bay Trung Quốc giảm “ngăn chặn nguy hiểm” máy bay Mỹ ở Thái Bình Dương

+ Thực địa:

CNN ngày 2/1 dẫn lời quan chức quốc phòng Mỹ cho biết các vụ “ngăn chặn nguy hiểm” (unsafe interception) của máy bay Trung Quốc đối với máy bay Mỹ đã giảm trong thời gian qua. Vụ việc cuối cùng xảy ra từ ngày 24/10, khi một chiến đấu cơ của Trung Quốc áp sát máy bay ném bom B-52 của Mỹ bay trên Biển Đông. Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ khẳng định phi công Trung Quốc đã bay “không an toàn và thiếu chuyên nghiệp” trong khi áp sát máy bay của Mỹ. Theo Lầu Năm góc, máy bay Trung Quốc đã hành xử nguy hiểm trong hơn 180 vụ trong 2 năm qua.

Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) và Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Mỹ (USINDOPACOM) tổ chức “hoạt động hợp tác biển” (MCA) lần thứ hai ở Biển Đông từ ngày 3-4/1. Đại tá Xerxes Trinidad cho biết MCA bao gồm diễn tập đội hình, kiểm tra thông tin liên lạc, tuần tra chung, diễn tập sĩ quan giám sát (OW). Tham gia MCA lần này, hải quân Philippines cử 4 tàu tham gia trong khi USINDOPACOM cử một tàu sân bay, một tàu tuần dương và hai tàu khu trục. Tham mưu trưởng AFP Tướng Romeo Brawner cho biết MCA đánh dấu một bước tiến lớn trong quan hệ đồng minh và khả năng phối hợp tác chiến của hai bên. Theo Đại tá Xerxes Trinidad, hai tàu hải quân Trung Quốc theo dõi nhóm chiến hạm Mỹ và Philippines tiến hành MCA. Theo ông Trinidad, “Philippines hy vọng Trung Quốc và các nước khác sẽ tôn trọng chủ quyền và quyền của Philippines khi tiến hành các hoạt động tuân theo luật pháp quốc tế”.

Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam của Trung Quốc cho hay đã cử lực lượng hải quân và không quân tuần tra thường lệ ở Biển Đông trong ngày 3/1 và 4/1, “Quân đội luôn trong tình trạng cảnh giác cao độ, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích của Trung Quốc trên biển. Mục đích nhằm kiểm soát các  hoạt động quân sự gây bất ổn và tạo ra các điểm nóng ở Biển Đông”. 

+ Chính trị - Ngoại giao:

Ngày 30/12/2023, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra Tuyên bố Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về duy trì và thúc đẩy ổn định không gian biển ở Đông Nam Á. Theo đó, “tái khẳng định tính cấp thiết của việc khôi phục và tăng cường lòng tin và tin cậy; kiềm chế các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định; tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình và giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982". Đây là lần thứ 5 ASEAN ra Tuyên bố riêng về các vấn đề trên biển kể từ 1995.

Ngày 4/1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Vương Văn Bân chỉ trích hoạt động diễn tập của hải quân Mỹ và Philippines và Biển Đông, “Các hoạt động phô trương sức mạnh, khiêu khích quân sự của Mỹ và Philippines ở Biển Đông không có lợi cho việc quản lý tình hình trên biển và giải quyết tranh chấp trên biển. Trung Quốc kêu gọi các nước liên quan chấm dứt những động thái vô trách nhiệm và tôn trọng nỗ lực của các nước trong khu vực nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.

Ngày 5/1, Đối thoại Thứ trưởng Mỹ - Nhật - Hàn Quốc về Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương lần đầu tiên diễn ra ở Washington, Mỹ. Tuyên bố chung sau cuộc gặp khẳng định, “Ba nước tái khẳng định quan điểm đã được công khai về hành động nguy hiểm và leo thang gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông; nhấn mạnh cam kết đối với luật pháp quốc tế, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không; phản đối mọi nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ba nước tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan không tách rời an ninh và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế”.

Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Eduardo Ano ngày 5/1 cho hay Philippines sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc và mong muốn thúc đẩy quan hệ tốt đẹp với tất cả các quốc gia. Thông qua đối thoại hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế, các bên có thể đạt được một giải pháp phục vụ lợi ích tốt nhất cho bên. Theo ông Ano, các cuộc tuần tra chung của Philippines và Mỹ thể hiện cam kết chung đối với một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và thúc đẩy hòa bình, ổn định trong khu vực.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ Mỹ - Trung ngày 5/1, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh, “Hai bên cần đề cao sự tôn trọng, nhận thức đúng đắn về nhau. Thúc đẩy sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Quốc thông qua con đường hiện đại hóa của Trung Quốc có nghĩa là Trung Quốc sẽ đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn và đóng góp nhiều hơn cho hòa bình và phát triển thế giới. Trung Quốc không có ý định thay thế hay thống trị ai, càng không có ý định tìm kiếm bá quyền. Trung Quốc cam kết xây dựng một mối quan hệ Trung-Mỹ ổn định, lành mạnh và bền vững, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, hy vọng Mỹ tôn trọng sự lựa chọn của người dân Trung Quốc, tôn trọng con đường phát triển của Trung Quốc, tôn trọng lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và tôn trọng nỗ lực của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.

Góc nhìn quốc tế

Ngày 2/1 trên trang “ESD”, học giả Hans-Uwe Mergener bình luận việc Mỹ công bố tọa độ ranh giới thềm lục địa mở rộng là nỗ lực vẽ bản đồ ngoài lục địa lớn nhất từ trước tới nay. Bộ Ngoại giao Mỹ chủ trì việc xác định ranh giới thềm lục địa mở rộng thông qua một cơ chế liên ngành gồm 14 bộ, ngành khác nhau với động lực chính có thể xuất phát từ nguồn tài nguyên dồi dào, gồm dầu, khí, lithium, đất hiếm... Mỹ tuyên bố xác định ranh giới thềm lục địa mở rộng theo luật tập quán quốc tế, như được quy định trong các điều khoản của UNCLOS 1982 và hướng dẫn của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa. Động thái này có thể ảnh hưởng đến ít nhất 6 nước: Bahamas, Canada, Cuba, Nhật, Mexico và Nga. Mỹ vẫn có thể mở rộng yêu sách thềm lục địa trong tương lai vì không phê chuẩn UNCLOS, không chịu giới hạn 10 năm của CLCS.  

Phát biểu tại một sự kiện của “Grandview Institution” tại Bắc Kinh hôm 4/1, GS. Phó Côn Thành (ĐH Hạ Môn, Trung Quốc) nhận định Trung Quốc nắm trong tay nhiều công cụ pháp lý để đối phó với Philippines nhưng chưa sử dụng, cụ thể: (i) Quyền đánh bắt truyền thống của ngư dân Trung Quốc trong vùng nước quần đảo của Philippines, bao gồm biển Sulu và một số vùng biển khác; (ii) Thách thức yêu sách của Philippines với nhóm đảo Kalayaan (Trường Sa); (iii) Thách thức đường cơ sở quần đảo của Philippines; (iv) Yêu cầu Philippines mở lối quá cảnh cho tàu và máy bay Trung Quốc qua vùng nước quần đảo Philippines, theo quy định của UNCLOS.

Trên “Fulcrum” ngày 5/1, học giả Lye Liang Fook bình luận các quốc gia Đông Nam Á có phản ứng và mức độ đón nhận khác nhau với khái niệm “Cộng đồng chia sẻ tương lai chung” do Trung Quốc khởi xướng. Các sáng kiến bao hàm trong khái niệm này như GDI và GCI không liên quan vấn đề nhạy cảm và phù hợp với nguyên tắc chung của các nước nên có thể sẽ nhận được nhiều ủng hộ. Trong khi đó, GSI liên quan đến vấn đề an ninh sẽ gây lo ngại hơn. Các nước ASEAN ủng hộ tầm nhìn này chủ yếu vì lợi ích kinh tế, chính trị thay vì tán thành trật tự thế giới do Trung Quốc dẫn dắt. 

Trên “Antara” ngày 6/1, nhà phân tích Muhammad Teguh Ariffaiz Nasution (ĐHQG Úc) bình luận Indonesia có thể xây dựng hải quân biển xanh (blue-water navy) với năng lực nhất định để đối phó với cướp biển & bảo hộ công dân. Theo thang Todd-Lindberg có 5 mức sức mạnh hải quân tương ứng với mục tiêu về quân sự - chính trị - kinh tế, trong đó Mỹ là nước duy nhất thuộc Mức 1 (hoạt động toàn cầu), Nga thuộc Mức 3, Indonesia thuộc Mức 5. Hiện nay Indonesia chưa có nhiều lợi ích tại khu vực biển xanh, ngoại trừ chống cướp biển và hỗ trợ công dân tại vùng xung đột (như vụ tàu MV Sinar Kudus tại Somali năm 2011 hay sơ tán người dân tại Sudan năm 2023). Indonesia không cần đến mức 1-2-3 với khả năng can dự vào xung đột quốc tế mà mức 4 theo thang Todd & Lindberg là hợp lý. Ngoài ra, Indonesia cũng cân nhắc tăng cường năng lực chống tiếp cận/xâm nhập (A2/AD).

Trên “The Diplomat” ngày 6/1, 02 chuyên gia Shambhu Sajith & Aswani RS (ĐH Dầu khí Ấn Độ) đánh giá dù lợi ích của Ấn Độ tại Biển Đông nói chung và với Philippines nói riêng đã tăng lên nhưng nước này nên duy trì lập trường hỗ trợ Philippines thay vì trực tiếp can dự vào tranh chấp. Với quan tâm chính là Ấn Độ Dương, Ấn Độ nên tiếp tục “đóng vai phụ” tại Biển Đông, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu và tăng cường quan hệ kinh tế với Philippines.

Bản PDF tại đây