Bản tin tuần Biển Đông (ngày 9.9-15.9.2023)

 

  • Trung Quốc hoàn tất thăm dò địa chất trong 45 ngày gần Bãi cạn Scarborough
  • Philippines thảo luận về cập nhật bản đồ mới ở Biển Đông
  • Philippines - Ấn Độ lần đầu tiên tổ chức Đối thoại Biển kênh hai
  • Mỹ muốn tiếp cận thêm các căn cứ quân sự ở Philippines theo Thỏa thuận EDCA
  • Tàu chiến Mỹ - Canada di chuyển qua Eo biển Đài Loan và tập trận chung ở Biển Đông
  • Tuyên bố G20 kêu gọi các nước sớm ký kết, phê chuẩn BBNJ

Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Tờ “SCMP” ngày 11/9 cho biết Viện Hải dương học Biển Đông (SCSIO) thuộc Viện Khoa học Trung Quốc và Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc (CUG) đã phối hợp hoàn tất cuộc thăm dò địa chất quy mô lớn gần Scarborough. Cuộc thăm dò thực hiện bằng tàu khảo sát ShiYan 6, kéo dài 45 ngày từ đầu tháng 7/2023 ở độ sâu 4.000m, nghiên cứu các cấu trúc địa vật lý dọc theo đường thẳng 100 km ngoài khơi bờ biển phía Đông của Philippines. Đây là chuyến thăm dò đầu tiên mà tất cả các thiết bị quan trọng được sử dụng đều được sản xuất tại Trung Quốc. Phó Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm về địa chất biển và biển cận biên thuộc SCSIO Sun Zhen cho biết đây chỉ là một cuộc thăm dò địa chất bình thường, sử dụng hình ảnh điện tử EM để đưa ra kết quả và hoạt động này mất 4 năm chuẩn bị. Năm 2019, Trung Quốc đã thực hiện một hoạt động nghiên cứu tương tự cũng tại khu vực này.

Ngày 12/9, Hải quân Mỹ - Brunei bắt đầu cuộc tập trận thường niên CARAT lần thứ 28. Cuộc tập trận với khoa mục hỗ trợ nhân đạo, cứu hộ, an ninh biển sẽ tập trung vào cải thiện khả năng phối hợp tác chiến nhằm đối phó với các thách thức về an ninh biển. Lực lượng tham gia chính của Mỹ lần này là Hạm đội 7. Năm nay, hoạt động đào tạo bao gồm huấn luyện hàng không với sự tham gia của máy bay tuần tra biển (MPRA), giúp tăng cường khả năng giám sát vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và hỗ trợ các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn (SAR). Đặc biệt năm 2023 lần đầu tiên có sự tham gia của Tuần duyên Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương.

Hạm đội 7 của Mỹ ngày 12/9 thông báo tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Ralph Johnson (DDG 114) và khinh hạm HMCS Ottawa (FFH 341) của Hải quân Hoàng gia Canada đang diễn tập ở Biển Đông. Cuộc tập trận “Noble Wolverine” bao gồm bài tập cơ động, hoạt động bằng tàu nhỏ và huấn luyện trên sân bay trực thăng cũng như các hoạt động thường lệ trên mặt biển. Sĩ quan chỉ huy tàu HMCS Ottawa Sam Patchell nhấn mạnh, “Bằng cách tiếp tục hiện diện ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Hải quân Hoàng gia Canada đang xây dựng mối quan hệ với các đối tác và củng cố quan hệ với đồng minh như Mỹ”. Trước khi vào Biển Đông, hai tàu trên đã di chuyển qua Eo biển Đài Loan.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Ngày 8/9, trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Jakarta, Đại sứ Hàn Quốc tại ASEAN Lee Jang-keun nhấn mạnh Biển Đông chiếm tới 1/3 vận tải đường biển toàn cầu, do đó hòa bình và ổn định trong khu vực này có ý nghĩa sống còn đối với tăng trưởng khu vực. Hàn quốc cam kết duy trì trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không, dựa trên luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS năm 1982. Đại sứ Lee cho biết Hàn Quốc theo dõi chặt chẽ tiến độ đàm phán về COC ở Biển Đông và mong muốn có một COC hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và tôn trọng quyền của các bên thứ ba.

Tuyên bố Thượng đỉnh G20 tại New Delhi, Ấn Độ ngày 10/9 khẳng định, “các Lãnh đạo G20 ghi nhận việc thông qua khuôn khổ ràng buộc pháp lý quốc tế mới theo UNCLOS về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển ở các khu vực ngoài thẩm quyền quốc gia (BBNJ) và kêu gọi tất cả các nước sớm ký kết, phê chuẩn. Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia duy trì các nguyên tắc của luật pháp quốc tế bao gồm cả lãnh thổ toàn vẹn và chủ quyền, luật nhân đạo quốc tế và hệ thống đa phương đó bảo vệ hòa bình và ổn định. Giải quyết hòa bình các xung đột và giải quyết giải quyết khủng hoảng bằng ngoại giao và đối thoại là rất quan trọng”.

Tổng thống Pháp thăm Bangladesh, thúc đẩy chiến lược Ấn Độ  Dương - Thái Bình Dương. Chuyến thăm hôm 10/9 diễn ra sau khi Tổng thống Emmanuel Macron tham dự thượng đỉnh G20 tại New Delhi, Ấn Độ. Trong hội đàm với Thủ tướng Bangladesh bà Sheikh Hasina, Tổng thống Macron  cho hay, “Dựa trên các nguyên tắc dân chủ và pháp quyền, trong một khu vực đang phải đối mặt với chủ nghĩa đế quốc mới, chúng tôi muốn đề xuất những giải pháp thay thế và không có ý định bắt nạt các đối tác hoặc đẩy họ vào một kế hoạch không bền vững”. Thủ tướng Hasina cho hay  việc Tổng thống Macron thúc đẩy quyền tự chủ chiến lược phù hợp với chính sách đối ngoại của Bangladesh.

Trong cuộc họp báo sau Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại New Delhi ngày 10/09, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni cho biết Rome đang tìm cách đảm bảo quan hệ đối tác cùng có lợi với Trung Quốc, ngay cả khi nước này rút khỏi Sáng kiến BRI. Theo bà Meloni, một số quốc gia châu Âu không tham gia BRI nhưng đã tạo dựng được quan hệ thuận lợi hơn với Trung Quốc so với những gì Ý đã làm được. Trong thời gian diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G20, Thủ tướng Ý Meloni cũng mô tả cuộc hội kiến với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường mang tính "lịch sự và xây dựng" trong quan hệ Ý-Trung.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilbert Teodoro ngày 10/9 cho hay bản đồ “10 đoạn” của Trung Quốc gần đây là minh chứng rõ ràng nhất về chính sách mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông và thậm chí còn xa hơn. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Francis Tolentino đồng tình với phát biểu của Tổng thống Ferdinand Marcos tại Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 43 rằng không nên nhìn nhận tranh chấp Biển Đông qua lăng kính cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung. Theo ông Tolentino, “Đây không phải là một cuộc chiến ủy nhiệm giữa Mỹ và Trung Quốc bởi không chỉ có Mỹ mà còn rất nhiều nước khác ủng hộ Philippines như Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, Châu Âu”.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 11/9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết từ ngày 06-7/9, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã tham dự nhiều hội nghị tại Jakarta như Thượng đỉnh Trung Quốc - ASEAN lần thứ 26, Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 18...Đây là lần đầu tiên tân Thủ tướng Trung Quốc tham dự các hội nghị cấp cao về hợp tác Đông Á. Thủ tướng Lý Cường kêu gọi các bên tăng cường đoàn kết, khai thác tiềm năng, duy trì môi trường khu vực cởi mở và toàn diện, thúc đẩy tăng trưởng. Về việc Việt - Mỹ nâng cấp quan hệ và ký hiệp định hợp tác về chất bán dẫn và khoáng sản, Người phát ngôn  Mao Ninh cho hay, “Việt Nam nhiều lần nhấn mạnh quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt là ưu tiên hàng đầu trong đối ngoại của Việt Nam. Trung Quốc tin rằng các nước phát triển quan hệ song phương không nhằm vào bên thứ ba, không xâm hại hòa bình ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực. Trung Quốc đề nghị Mỹ tôn trọng nguyện vọng chung của các nước trong khu vực về ổn định, hợp tác và phát triển, từ bỏ tâm lý bá quyền và Chiến tranh Lạnh khi quan hệ với các nước châu Á”.

Trao đổi với báo giới ngày 12/9 về quan hệ Việt - Mỹ, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper cho hay, “mối quan hệ song phương này không vì ai mà chính vì hai đất nước chúng ta, cũng như giá trị thực chất hai bên chia sẻ vì thịnh vượng chung, an ninh chung, lợi ích chung ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở cũng như một Biển Đông tự do và rộng mở”. Tham gia cùng sự kiện này, Trợ lý đặc biệt của Tổng thống và Giám đốc cấp cao về Đông Á và Châu Đại Dương, Hội đồng An ninh Quốc gia TS. Mira Rapp-Hooper nhấn mạnh, “hai nước nhất quán về tầm quan trọng của pháp quyền, tự do hàng hải và giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. Hai bên có nhiều hợp tác quan trọng để xây dựng năng lực. Mỹ mong muốn tiếp tục phát triển mối quan hệ trong các lĩnh vực này với Việt Nam”.

Philippines - Ấn Độ lần đầu tiên tổ chức Đối thoại Biển kênh 02. Viện Stratbase ADR cùng Văn phòng phụ trách Biển và Đại dương, Bộ Ngoại giao Philippines phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Manila và Quỹ “National Maritime Foundation” (NMF) của Ấn Độ ngày 14/9 đồng tổ chức trên với sự tham gia của nhiều chuyên gia an ninh biển, chính trị, kinh tế và các quan chức ngoại giao hai bên. Giám đốc điều hành Quỹ NMF Phó Đề đốc Hải quân Ấn Độ Debesh Lahiri nhấn mạnh sự cần thiết khi các quốc gia cùng chí hướng như Philippines và Ấn Độ hợp tác để đảm bảo Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và bao hàm, “Đối với Ấn Độ, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một khu vực địa lý chiến lược quan trọng. Do đó, khu vực này phải được duy trì tự do, cởi mở, bất kể quy mô của quốc gia và quy mô nền kinh tế. Tất cả các bên phải tuân thủ UNCLOS và một số văn kiện khác đã được quốc tế công nhận”. Chủ tịch Viện Stratbase ADR Dindo cho biết các sáng kiến hợp tác biển giữa Philippines và Ấn Độ cần tiếp tục được mở rộng vì cả hai đều công nhận tầm quan trọng ngày càng tăng của không gian biển. Chỉ huy Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Ấn Độ Ravindra Kumar Shrivastava đề xuất các lĩnh vực cính hai bên có thể hợp tác như kinh tế xanh, khai thác năng lượng tái tạo ngoài khơi, an ninh và an toàn hàng hải, quản lý bền vững tài nguyên biển, kết nối biển, bảo tồn đa dạng sinh học biển và hợp tác khoa học biển.

Ủy ban Thượng viện về Khu vực Biển và Hải quân của Phillipines chuẩn bị bắt đầu các phiên điều trần về bản đồ mới của Philippines. Thượng nghị sĩ Francis Tolentino cho biết ủy ban hàng hải sẽ vẽ một bản đồ mới của Philippines thể hiện các thực thể của Philippines ở Biển Đông, “Sẽ có năm phiên điều trần về vấn đề bản đồ mới. Đây là động thái phản ứng bản đồ 10 đoạn của Trung Quốc”. Phiên điều trần đầu tiên dự kiến tổ chức vào ngày 14/9. Trả lời phỏng vấn trên truyền hình cùng ngày, Người phát ngôn lực lượng đặc nhiệm Biển Tây Philippine (NTF-WPS) Jonathan Malaya cho hay, “Chúng tôi hy vọng có thể sớm đưa ra thông báo về bản đồ mới của Philippines. Việc này đang được xem xét nghiêm túc và một số đầu việc đang được triển khai”.

Ngày 15/9, trong cuộc hội kiến Thủ tướng Campuchia Hun Manet, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định, “ủng hộ việc duy trì chủ quyền, an ninh, lợi ích phát triển của hai bên, duy trì công bằng quốc tế, duy trì lợi ích chính đáng của đông đảo các quốc gia đang phát triển. Hai nước cùng xây dựng cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc-Campuchia với chất lượng và tiêu chuẩn thời đại mới; phát huy các cơ chế ủy ban điều phối liên chính phủ; duy trì trao đổi chiến lược, thường xuyên triển khai hợp tác an ninh chấp pháp, tiếp tục triển khai hoạt động trong năm hữu nghị Trung Quốc-Campuchia”.

+ Quốc phòng - An ninh:

Ngày 14/9, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Mỹ Đô đốc John Aquilino cho hay Washington có thể được phép tiếp cận thêm nhiều căn cứ quân sự của Philippines theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) năm 2014. Đô đốc Aquilino đã thảo luận với Người đứng đầu lực lượng vũ trang của Philippines Trung tướng Romeo Brawner về việc này và đã "khuyến nghị với lãnh đạo cấp cao hai bên". Ngoài ra, hai nước đang hoàn tất thỏa thuận tăng cường chia sẻ thông tin tình báo. Tính tới thời điểm hiện tại, Mỹ được quyền tiếp cận 9 căn cứ quân sự ở Philippines.

Góc nhìn quốc tế

Trên tờ “Tom Dispatch” ngày 13/9, nhà nghiên cứu Joshua Frank cho rằng Trung Quốc đã và đang tích cực tìm kiếm các các kết hạch đa kim/nốt đa kim (polymetallic nodules), một dạng khoáng sản quan trọng tại Biển Đông. Đến năm 2022, Trung Quốc có 5 hợp đồng thăm dò do Cơ quan quản lý Đáy biển Quốc tế (ISA) của Liên hợp quốc cấp, cho phép nước này tiến hành thử nghiệm và lấy mẫu dưới đáy đại dương. Tuy nhiên ISA sẽ không can thiệp vào các hoạt động khai thác hay quản lý trực tiếp. Cạnh tranh khai thác biển sâu giữa Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông, cùng việc thiếu các cơ chế quản lý và khu bảo tồn có thể gây tổn hại, phá hủy môi trường hệ sinh thái biển sâu.

Trên tờ “Japan times” ngày 22/6, học giả Kei Koga bình luận các quốc gia Nam bán cầu là những chủ thể không thể thiếu trong việc xây dựng một trật tự quốc tế. Trật tự này được duy trì nhờ sự nhất trí của đa số cộng đồng mà các quốc gia Nam bán cầu chiếm số đông. Trong đó, các quốc gia ASEAN chính là trung tâm địa chính trị và địa kinh tế của khu vực Ấn - Thái, đồng thời là hiện thân của chủ nghĩa đa phương khu vực ở Đông Á. Trong cạnh tranh ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc ở khu vực, với ảnh hưởng chính trị, kinh tế và xã hội trong khu vực, cả về địa lý và lịch sử, Trung Quốc dường như có lợi thế hơn Mỹ. Tuy nhiên, tầm nhìn của Trung Quốc về trật tự thế giới mới vẫn chưa rõ ràng. Trung Quốc muốn nhấn mạnh các nguyên tắc cơ bản về chủ quyền quốc gia và không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác, nghĩa là chống lại việc Mỹ và các nước Châu Âu thúc đẩy chủ nghĩa tự do. Bắc Kinh đang sử dụng sự kết hợp giữa đòn bẩy kinh tế và áp lực ngoại giao để ngăn cản ASEAN hình thành một chính sách thống nhất. Lập trường của các nước khu vực đối với Trung Quốc là theo đuổi chiến lược phòng ngừa, bằng cách tăng cường mối quan hệ với các cường quốc khu vực như Mỹ và Nhật Bản, nhưng vẫn cần cảnh giác với lập trường ngoại giao cứng rắn của Trung Quốc. ASEAN nên tập trung vào cách thức để quản lý cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, qua đó thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng trong khu vực, thay vì đưa ra “tầm nhìn" riêng để định hình trật tự quốc tế. Thực tế, ASEAN chính là chìa khóa để xây dựng sự ổn định, hoà bình và phát triển ở khu vực Ấn - Thái.

Trên tờ “East Asia Forum” ngày 5/5, nhà nghiên cứu Minh Phuong Vu đánh giá trước những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kiểm soát ở Biển Đông, các quốc gia như Việt Nam và Philippines tìm kiếm sự hỗ trợ lớn hơn từ các đối tác bên ngoài. Tháng 3 năm 2023, Philippines đã tham gia liên kết an ninh với Nhật Bản và Mỹ. Điều này đặt ra câu hỏi về chiều hướng hợp tác của Việt Nam khi Việt Nam xác định nguyên tắc không tham gia các liên minh quân sự chính thức và không chính thức. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể phát triển quan hệ an ninh góp phần nâng cao năng lực quốc phòng. So với việc lưỡng lự trong hợp tác biển với Mỹ, Việt Nam có vẻ “thoải mái” hơn với Ấn Độ và Nhật Bản. Hai nước này quan ngại về các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông nhưng không tìm cách đối kháng quá mức với Bắc Kinh. Năm 2014, New Delhi đã cung cấp khoản tín dụng 100 triệu USD để giúp Việt Nam đóng 12 tàu tuần tra cao tốc và bàn giao vào năm 2022. Năm 2015, Tokyo đã chuyển giao 6 tàu đã qua sử dụng cho lực lượng Kiểm ngư Việt Nam. Hợp tác biển với Ấn Độ và Nhật Bản còn bao gồm khía cạnh như đối thoại, tập trận hải quân, các chuyến thăm cảng và chương trình huấn luyện chung. Ấn Độ và Nhật Bản - là những đối tác có năng lực và sẵn sàng - sẽ là giải pháp để Hà Nội giữ khoảng cách vừa đủ với Washington, trong khi vẫn đảm bảo được sự hỗ trợ từ bên ngoài để xây dựng năng lực biển./.

Bản PDF tại đây