(Phần 1; Phần 2)

 

III. Công hàm của Trung Quốc

NCS. Vũ Hải Đăng

Tiếp tục liên quan đến vấn đề này, Trung Quốc vừa gửi công hàm  trả lời Phi-líp-pin. Sau khi đọc xong, tôi mấy suy nghĩ sơ bộ sau:

1) Tôi thấy khá khó hiểu với lập trường của Trung Quốc về địa vị của Trường Sa. Ở đoạn "kể tội" Phi-líp-pin, họ có nói Phi-líp-pin đã chiếm một vài đảo, đá (some islands and reefs) của Trường Sa. Nhưng sau đó, công hàm lại có đoạn viết là Trường Sa có đầy đủ các vùng lãnh hải, Đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa (is fully entitled to Territorial Sea, Exclusive Economic Zone and Continental Shelf). Bãi đá (Reefs) thì làm sao có vùng Đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa được?  Phải chăng đây là một cách khẳng định gián tiếp rằng Trung Quốc định áp dụng quy chế quần đảo cho Trường Sa ?

2) Khi tuyên bố các quốc gia ven biển vùng Đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa yêu sách không xâm phạm đến chủ quyền lãnh thổ của các nước (coastal states' EEZ and continental shelf claims shall not infringe upon the territorial sovereignty of other states) phải chăng Trung Quốc viện dẫn nguyên tắc không xâm phạm lẫn nhau (no-encroachment principle) ? Điều này làm tôi nhớ tới lý lẽ của Hy Lạp trong vụ Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp năm 1978. Chỉ khác là trong vụ này, Hy Lạp viện dẫn rõ ràng điều 121 của Công Ước Luật Biển.

ThS. Nguyễn Thị Thanh Hà

Liên quan đến nội dung công hàm của Trung Quốc phản bác công hàm của Phi-líp-pin, mọi người có nhận thấy là bây giờ đã hình thành rõ 2 trường phái quan điểm: (i) các nước ASEAN cho rằng cách xác định vùng biển liên quan đến quần đảo Trường Sa là phải đưa trên cụ thể các hình thái địa chất (geological features) của quần đảo; (ii) Trung Quốc thì nói rằng toàn bộ quần đảo có lãnh hải, vùng Đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa riêng.

Việt Nam chưa nói một cách chính thức quan điểm của mình về cách xác định vùng biển ở quần đảo Trường Sa mặc dù một số học giả Việt Nam đã phản đối việc coi quần đảo Trường Sa giống như một quốc gia quần đảo. Bây giờ chính là lúc Việt Nam phải lên tiếng. Liệu Việt Nam sẽ công khai đứng về bên nào? Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng hợp tác với ASEAN để giải quyết các vấn đề Biển Đông. Không biết mọi người có nghĩ như vậy không?

NCS. Nguyễn Đăng Thắng

Cám ơn anh Đăng đã chia sẻ thông tin và suy nghĩ về Công hàm của Trung Quốc.

Về câu hỏi thứ nhất của anh Đăng, tôi nghĩ đúng là Trung Quốc coi Trường Sa là có quy chế quần đảo. Thực chất là Trung Quốc đã áp dụng đường cơ sở quần đảo đối với quần đảo Hoàng Sa. Nhưng ngay cả nếu Trung Quốc coi Trung Quốc là quy chế quần đảo cũng có điểm tốt đó là Trung Quốc coi như bỏ yêu sách về vùng nước lịch sử mà giờ đây lại coi đường 9 đoạn  là ranh giới vùng biển/thềm lục địa tính từ các đảo (việc này sẽ là rất có lợi cho ta và có thể thay đổi phần nào cách thức và diễn đàn để đấu tranh).  

Về câu hỏi thứ hai, tôi nghĩ có thể hiểu là theo nguyên tắc “không xâm phạm lẫn nhau” (non-encroachment) cũng được. Tôi chưa đọc vụ Hy Lạp/ Thổ Nhĩ Kỳ nhưng theo tôi hiểu, nguyên tắc này hoàn toàn có thể áp dụng được vì nó chỉ là một phần của học thuyết đất thống trị biển. Trong tranh luận lần trước tôi có nói là Phi-líp-pin áp dụng học thuyết đất thống trị biển không hoàn toàn chính xác và hạn chế theo hướng có lợi cho mình: một đảo nếu đáp ứng 121 thì hoàn toàn có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng (chính vì thế vùng biển ngoài KIG như Phi-líp-pin nói có thể sẽ nằm trong vùng biển tính từ Trường Sa chứ không phải là của quốc gia ven biển khác nếu Trường Sa – đảo lớn thứ hai ở quần đảo này - được coi là đáp ứng 121).

Ngoài ra, cũng như anh Đăng nói là Trung Quốc "kể tội" Phi-líp-pin là đã chiếm đóng các đảo này. Cái này theo cảm giác của tôi là thể hiện việc Trung Quốc hơi bị bất ngờ về công hàm của Phi-líp-pin, cần có câu trả lời sớm trước khi Tổng thống Phi-líp-pin sang Trung Quốc. Chính vì thế đoạn này trong công hàm dường như là không cần thiết. Trung Quốc còn viện dẫn nguyên tắc “các hành vị bất công không tạo nên luật pháp” (ex injurita jus non oritur), một nguyên tắc thường được viện dẫn trong trường hợp xâm chiếm có sử dụng vũ lực. Hình như TQ quên mất sự kiến năm 1988? 

Điểm cuối cùng bên trên đưa đến câu hỏi cuối cùng và cực kỳ quan trọng mà chị Hà nêu ra đó là lập trường của Việt Nam thế nào? Có nhiều quan điểm của học giả cho rằng việc Việt Nam đệ trình ranh giới ngoài tính từ bờ biển, bỏ qua các đảo là sự thừa nhận các đảo ở Trường Sa không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Cá nhân tôi thì cho rằng theo nguyên tắc không được giải thích hạn chế chủ quyền (limitation on sovereignty cannot be presumed) thì việc Việt Nam và Malaixia đệ trình từ bờ biển không nhất thiết có nghĩa là Việt Nam và Malaixia cho rằng các đảo trong quần đảo Trường Sa không đáp ứng 121.

Cuối cùng, có một điểm nữa đó là cả công hàm tiếng Anh của cả Phi-líp-pin và Trung Quốc đều sử dụng các thuật ngữ tiếng la-tinh và tiếng Pháp. Mọi người có bình luận gì không?

NCS. Trần Văn Thùy

Về bài viết của anh Thao, nó thực sự sẽ rất hữu ích nếu như anh làm sáng tỏ hơn trong kết luận của anh  đoạn: “Nó cũng thể hiện tình đoàn kết giữa các nước ASEAN hình thành một lập trường chung: Mọi tranh chấp tại Biển Đông đều cần phải giải quyết trên cơ sở Công ước Luật biển 1982 của Liên hợp quốc." Khi đọc đến điểm này, băn khoăn của tôi là UNCLOS có thể đáp ứng việc giải quyết tất cả các tranh chấp ở Biển Đông đến đâu và đến mức độ nào, nhất là vấn đề về chủ quyền.

Về phát biểu của Phái đoàn Thường trực của Trung Quốc, như anh Thắng đã đề cập, tôi nghĩ đây có thể là thời điểm để Việt Nam triệt để khai thác lập luận của Trung Quốc thể hiên trong công hàm của họ, đặc biệt là học thuyết pháp lý “ex injuria jus non oritur” để củng cố và tăng cường yêu sách lâu dài của Việt Nam đối với Trường Sa và Hoàng Sa. Theo tôi, động thái của Phi-líp-pin và Trung Quốc đòi hỏi phản ứng của Việt Nam và Việt Nan cần cân nhắc kỹ thời điểm phản ứng.

TS. Trần Trường Thủy

Tiếp theo ý kiến của mọi người, tôi thấy có một số vấn đề nữa cần đề cập hay làm rõ hơn:

1) Bên cạnh khía cạnh pháp lý, thì đây là trò chơi chính trị (political game), nhất là trong bối cảnh Phi-líp-pin  thay đổi lãnh đạo, cứng lên với Trung Quốc, thân với Mỹ. Cái hay là bây giờ các nước (kể cả Trung Quốc) trong khi theo đuổi các lợi ích chính trị và an ninh (political và security interests) đều phải "trong khuôn khổ luật pháp quốc tế hiện đại", do đó việc đẩy tiếp COC lại rất cần thiết.

2) Ý thứ hai là hệ quả của ý thứ nhất, về Công hàm mới nhất của Trung Quốc, có thể thấy là Trung Quốc đã làm sáng tỏ yêu sách theo UNCLOS, nhất là Trường Sa nằm hoàn toàn trong Lãnh hải, vùng Đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa (is fully entitled to Territorial Sea, Exclusive Economic Zone and Continental Shelf). Do đó bây giờ "cuộc chiến pháp lý" lại quay trở lại với: (i) Tranh luận về chủ quyền đối với các hình thái địa chất của Hoàng Sa, Trường Sa; (ii) Đất thống trị được bao nhiêu biển? các hình thái địa chất này có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hay không?.

3) Về phản đối Đường lưỡi bò của các nước ASEAN, đến nay Việt Nam, Indonesia và bây giờ là Philippin đã chính thức phản đối, Malaysia chỉ gián tiếp phản đối bằng báo cáo chung về ranh giới ngoài với Việt Nam, Bnunei thì giữ "low profile". Do đó rõ ràng là câu chuyện còn chưa kết thúc.

4) Việt Nam còn nhiều việc cần làm ngay (ngoài việc như anh Thùy nêu về phản ứng sau câu chuyện Công hàm của Phi-líp-pin và Trung Quốc và việc chị Hà nêu về làm sáng tỏ lập trường về "quy chế đảo" - mặc dù nhiều học giả quốc tế cho rằng Việt Nam đã minh bạch qua các báo cáo ranh giới ngoài vừa rồi).

NCS. Vũ Hải Đăng
Tôi xin phép có 2 ý kiến ngắn liên quan đến việc lập trường liên quan đến địa vị của Trường Sa và  viện dẫn "ex injurita jus non oritur" của Trung Quốc:

1.   Về quy chế của Trường Sa, theo tôi thì cho tới thời điểm này có thể khẳng định quan điểm chung của Việt Nam, Malayxia và Philippines là không coi Trường Sa có quy chế quần đảo. Có việc lên tiếng khẳng định thực thể nào là đảo, thực thể nào không tôi nghĩ là chưa cần thiết và cũng chưa thực sự thích hợp.

2.    Tôi nghĩ không phải là Trung Quốc quên các sự kiện 1974 và 1988 đâu. Nếu cần thiết, họ sẽ lập luận rằng đấy là hành động tự vệ (self defence), được luật pháp quốc tế cho phép trong khi đó việc yêu sách Trường Sa của Phi-líp-pin  rõ ràng là muộn hơn nhiều so với Trung Quốc và Việt Nam.

Cảm ơn anh Thắng đã trả lời các câu hỏi của tôi. Tôi xin phép nêu ý kiến của tôi về thắc mắc của anh  việc sử dụng "tràn lan" các thuật ngữ la tinh và tiếng Pháp trong 2 Công hàm. Lúc đầu, tôi cũng hơi thắc mắc tại sao Phi-líp-pin lại sử dụng thuật ngữ latin trong Công hàm. Về sau tôi nghĩ chắc mục đích quan trọng nhất của Phi-líp-pin là muốn phản đối việc coi Trường Sa là quần đảo và có vùng Đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa nên muốn nhấn mạnh nguyên tắc "đất thống trị biển" và còn nêu bật về sau “quốc gia đảo và quốc gia ven biển phù hợp” (the appropriate coastal and archipelagic state). Còn mục đích của Trung Quốc khi sử dụng các thuật ngữ latin có lẽ là muốn "gậy ông đập lưng ông", "lấy mỡ nó rán nó", dùng chính phong cách và khái niệm Phi-líp-pin sử dụng để bác quan điểm của Phi-líp-pin

Cuối cùng tôi xin phép thêm một thắc mắc nhỏ: theo cao kiến của các anh, chị thì liệu Bru-nây có lên tiếng không đây ? Sau Việt Nam và Phi-líp-pin thì Brunei là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất do đường yêu sách lưỡi bò. Bên cạnh đó, 3 nước bị ảnh hưởng đều đã lên tiếng cả rồi.

NCS. Nguyễn Đăng Thắng

Một câu hỏi hay. Tôi nghĩ Bru-nây từ trước đến giờ vẫn giữ quan điểm “giấu mình chờ thời” (low profile) nên ít có khả năng họ cũng tham gia cùng các nước ASEAN khác phản đối Trung Quốc, trừ phi có đòn bẩy khác.

Về vấn đề quyền tự vệ (self-defence), có nhiều cách giải thích. Tôi nghĩ lập luận về việc sử dụng vũ lực để "lấy lại" lãnh thổ hiện đang nằm trong sự kiểm soát của quốc gia khác là không thuyết phục. Cá nhân tôi nghiên về hướng lập luận của Higgins, nguyên Chánh án Tòa án quốc tế, một trong những luật gia xuất sắc nhất giai đoạn hiện nay cho rằng quyền tự vệ phải căn cứ trên chiếm hữu thực tế. Tôi thấy cách giải thích này là hợp lý nhất và phù hợp với nguyên tắc giải quyết hòa bình tranh chấp. Nếu không thì quan hệ quốc tế sẽ rất bất ổn định.

PGS. TS. Nguyễn Hồng Thao

Về công hàm của Trung Quốc, anh Đăng thấy có sự lộn xộn, lẫn lộn nhưng theo tôi Trung Quốc không thể có một sai lầm vội vàng mà không tính các bước đi trước. Dù Phi-líp-pin nói rõ về Đường lưỡi bò nhưng công hàm của Trung Quốc không nhắc lại mà chỉ nêu Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi trên các đảo, vùng nước tiếp giáp...vùng nước liên quan...Cái ngầm nhắc đến Đường lưỡi bò là từ xa xưa trong lịch sử. Trung Quốc không bao giờ bỏ Đường lưỡi bò nhưng cố tình mập mờ để tận dụng có lợi. Cách các học giả hiểu thường là Trung Quốc yêu sách cả các đảo cũng như vùng nước trong phạm vi Đường lưỡi bò. Gần đây do phản ứng quốc tế, học giả Trung Quốc tìm cách thăm dò Đường lưỡi bò  chỉ là yêu sách các đảo chứ không phải vùng nước. Cách phản biện lần này của Trung Quốc không khác với công hàm  phản đối VN 7/5/2009 và cũng tìm cách cho phù hợp với các Luật Lãnh hải  và Luật Đặc quyền kinh tế. Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở Biển Đông và vùng nước liền kề và có chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như là đáy biển và vùng đất dưới đáy biển (China has indisputable sovereignty over the islands in the SCS and the adjacent waters, and enjoys sovereign rights and jurisdiction over the relevant waters as well as the seabeds and subsoils thereof ). Câu này chỉ dùng từ “island” có nghĩa là Trung Quốc coi tất cả các đảo trong Biển Đông có Đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa chứ không phải là đảo đá theo điều 121.3.

Tiếp đó, từ “relevant waters” có thể hiểu là các vùng nước liên quan Đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa của từng đảo trong quần đảo Trường Sa. Điều này phù hợp với các Luật Lãnh hải, Luật Đặc quyền kinh tế mà Trung Quốc kể dưới. Nghĩa là có một cách giải thích mới: Đường lưỡi bò là yêu sách tất cả các đảo trong đó và các vùng nước của chúng phát sinh từ UNCLOS cũng nằm trong đó hoàn toàn hay một phần thì vẫn là  vùng nước liên quan (relevant waters). Qua đó có thể giải thích, Trung Quốc vừa có tính lịch sử, vừa theo đúng luật UNCLOS.

Từ đó, Trung Quốc lật lại với Phi-líp-pin các Quốc gia ven biển và Quốc gia quần đảo có quyền mở rộng các vùng biển từ đường cơ sở của mình  nhưng nếu có đảo đá thuộc chủ quyền của Trung Quốc trong đó thì việc xác định Vùng Đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa của những quốc gia ven biển không được xâm phạm đến quyền chủ quyền của các nước khác (title over the EEZ and CS of the coastal States can not infringe upon the territorial sovereignty of other states). Trung Quốc đã viết đúng như vậy “coastal states' EEZ and continental shelf claims shall not infringe upon the territorial sovereignty of other states".

Còn sử dụng các từ Latin thì đúng như anh Thắng và anh Đăng đã phân tích, sử dụng gậy ông đập lưng ông. Phi-líp-pin dùng thì Trung Quốc cũng không kém. Kinh nghiệm cho thấy, Trung Quốc luôn có tính làm mập mờ, lúc nào dùng Luật Quốc tế, lúc dùng Luật biển đều có tính toán cả.

Một ý liên tưởng nữa là Phi-líp-pin đưa ra đất thống trị biển nội dung tương tự như  Hilary Clinton tại ARF 17 năm 2010, có chăng chỉ khác cách thể hiện. Liệu công hàm của Phi-líp-pin có sự tác động của Mỹ?

Về ý kiến của anh Thủy hiện có Việt Nam, Phi-líp-pin và In-đô-nê-xi-a phản đối, còn Ma-lai-xi-a chỉ gián tiếp thì nên xem xét trong bối cảnh chung. Việt Nam và Ma-lai-xi-a gửi công hàm phản đối công hàm ngày 7/5/2009 của Trung Quốc ngay ngày hôm sau, vì vậy có thể hiểu Ma-lai-xi-a cũng đã phản đối. Còn nếu đòi họ phản đối rõ từng chữ như Phi-líp-pin thì chắc sẽ khó.  Lần này mọi người hy vọng Việt Nam nên có ý kiến chính thức sau khi Phi-líp-pin và Trung Quốc đã có công hàm.

NCS. Nguyễn Đăng Thắng

Đúng là phần trên (đoạn thứ 2), Trung Quốc tiếp tục sử dụng những khái niệm như vùng nước lân cận, chủ quyền và các quyền "liên quan" (related rights - khác với quyền chủ quyền) dựa trên các bằng chứng lịch sử và pháp lý. Cái này cho thấy âm hưởng tiếp khái niệm vùng nước lịch sử theo đường 9 đoạn.

Mặt khác, đoạn thứ 4, Trung Quốc lại chỉ hạn chế lại còn lãnh hải, vùng Đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa thôi theo Công ước Luật biển, Luật Lãnh hải và Luật về vùng Đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa. Đặt trong bối cảnh của nó (đoạn 4 đi sau đoạn 3 phản đối Phi-líp-pin) thì đoạn 4 trong công hàm của Trung Quốc là để 'tranh luận' với PLP về đường 9 đoạn. Như vậy, có thể giải thích là Trung Quốc phần nào đã làm sáng tỏ ý nghĩa của đường 9 đoạn - đó là thể hiện phạm vi địa lý của quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, cách giải thích này lại có điểm không phù hợp với lịch sử vì theo tôi hiểu Trung Quốc lần đầu tiên công bố đường 9 đoạn (đúng ra là 11 đoạn) vào năm 1947. 

Những năm 1930s, Trung Quốc chỉ công bố bản đồ "các đảo của Trung Quốc" trên Biển Đông nhưng không dùng đường 9 hay 11 đoạn để vẽ. Nói cách khác, đoạn 4 chỉ là để khẳng định chủ quyền đối với Trường Sa và quy chế của quần đảo này, không đả động gì đến đường 9 đoạn. Chính vì thế tôi cho rằng công hàm của TQ chưa chắc đã đem lại sự giải thích rõ ràng  (greater clarity) mà có khi còn tạo ra 'sự mơ hồ hơn (deeper confusion).

Trong hoàn cảnh nào, tôi nghĩ Trung Quốc cũng đã tính toán kỹ khi đưa cơ sở pháp lý cho việc yêu sách vùng biển và Thềm lục địa của quần đảo Trường Sa là Công ước Luật biển, Luật Lãnh hải và Luật về vùng Đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa. Đáng chú ý, luật cuối cùng có quy định là "các quyền lợi biển của Trung Quốc không bị ảnh hưởng". Quy định này có thể sẽ được Trung Quốc sử dụng sau này để "tái khẳng định" các quyền lịch sử theo đường 9 đoạn ở Biển Đông.

Có một điểm nữa, hôm qua tôi chưa nêu ra khi ủng hộ quan điểm của anh Đăng về việc cho rằng Trung Quốc "đang" yêu sách vùng nước quần đảo ở Trường Sa đó là việc Trung Quốc sử dụng cụm từ  Quần đảo Nam Sa (Nansha Islands) ở số ít. Tôi sẽ kiểm tra lại bản tiếng Trung của công hàm này.

PGS. TS. Nguyễn Hồng Thao

Có thể nói, Trung Quốc luôn giữ Đường lưỡi bò là vũ khí cho vấn đề Biển Đông. Bên cạnh đó, để phù hợp với các vùng biển khác nữa, Trung Quốc cũng phải dựa vào Luật biển Quốc tế. Nếu đối phương không mạnh thì sẽ ép Đường lưỡi bò theo đúng cách hiểu truyền thống bao gồm tất cả các địa vật và vùng nước, đáy biển bên trong. Nếu bị phản đối thì tìm cách giải thích xoa dịu sao cho vẫn vận dụng được Luật biển Quốc tế. Cách tốt nhất là làm sao dung hoà được hai lập trường này. Chính vì vậy, họ đã dùng thuật ngữ “relevant waters” chăng?

Nếu bị phê không phù hợp với Luật biển thì họ sẽ giơ ra các luật Đặc quyền kinh tế, luật Lãnh hải và các vùng nước này là vùng nước liên quan và vùng nước liền kề (adjacent and relevant waters) cả. Cho dù 200 hải lý thì chúng cũng nằm trong phạm vi đường lưỡi bò. Mặt khác các quyền lịch sử vẫn được giữ nguyên. Đến đây, rất đồng ý với anh Thắng đường lưỡi bò là phạm vi địa lý yêu sách quần đảo Trường Sa nhưng không loại trừ nếu Trung Quốc mạnh thì họ sẽ nói tiếp vùng nước liền kề (adjacent waters)  tính từ đường lưỡi bò chứ không chỉ bên trong tính từ các đảo. Lúc đó là sự kết hợp yêu sách cao nhất về đường lưỡi bò và luật biển.

Đó là trường hợp của bãi Tư Chính. Nếu chúng ta "mềm" với họ ở bãi Tư Chính, họ sẽ cho là vùng đó sẽ đương nhiên là vùng tranh chấp cần phân định. Phi-líp-pin có ưu điểm xuất phát từ “đất thống trị biển” nên lo-gic là các đường nhân tạo không phù hợp yêu cầu luật pháp và kinh tế sẽ không có giá trị. Và các vùng biển sẽ thuộc Quốc gia ven biển và Quốc gia quần đảo, tức đường lưỡi bò không đóng vai trò trong phân định.

Điểm 3 của Trung Quốc chính là bác bỏ, sử dụng luôn nguyên tắc “đất thống trị biển” mà Phi-líp-pin đã nêu dù các anh có mở rộng từ bờ biển hay Quốc gia quần đảo thì điều đó không ảnh hưởng đến các đảo "của TQ" theo nguyên tắc “đất thống trị biển”, chúng cũng có vùng biển tương tự và phải phân chia giữa đường lưỡi bò với phạm vi từ bờ biển hay Quốc gia quần đảo. Theo logic như tôi đã nhận định: đoạn 3 nói  về quyền lịch sử đường lưỡi bò, đoạn 4 nói về luật biển hiện đại. Vì đoạn 3 trước đoạn 4 nên ko phải đoạn 4 bác bỏ đường lưỡi bò mà nó phải tuân thủ đường lưỡi bò, đồng thời tuân thủ Luật biển. Do đó, tôi mới nghĩ Trung Quốc tính toán nhiều đường như vậy. Tôi cũng băn khoăn như vậy là không phù hợp với 11 đoạn lúc đầu. Song nếu tôi không nhầm thì CHND Trung Hoa nói đường lưỡi bò 9 đoạn chứ không nói đường lưỡi bò 11 đoạn. Cái đó từ thời Trung Hoa Dân quốc và còn vào lúc lẫn lộn giữa con đường của tư nhân vẽ và đường xuất bản chính thức.

Về ý kiến của anh Đăng, TQ áp dụng đường cơ sở quần đảo cho Trường Sa như Hoàng Sa. Về lý thuyết, tôi nghĩ  có khả năng đó nhưng cũng nên tính đến những yếu tố sau đây: Trung Quốc vẽ đường cơ sơ quần đảo cho Hoàng Sa vì đã chiếm hoàn toàn quần đảo còn Trường Sa thì chưa; khi vẽ vì Trường Sa rộng hơn Hoàng Sa 10 lần nên mức độ ảnh hưởng quyền quá cảnh của các nước lớn, Trung Quốc phải tính đến phản ứng của cộng đồng quốc tê; duy  trì đường lưỡi bò vẫn đảm bảo quyền lợi các vùng biển còn hơn là vẽ đường cơ sở quần đảo.

NCS. Nguyễn Đăng Thắng

Nhận xét của anh Thao làm tôi vỡ ra nhiều điều. Đúng là Trung Quốc dường như cảm nhận được rằng đường 9 đoạn của họ đang làm cho các nước trong khu vực 'vò đầu, bứt tai'. Vấn đề bây giờ là làm sao bớt vò đầu bứt tai? Một trong những lý do gây vò đầu bứt tai đó là Trung Quốc vẫn lập lờ trong quan điểm của mình làm cho các nước lo. Như anh Thao đã nói, Trung Quốc luôn có mấy phương án bỏ túi và sẽ được sử dụng trong những thời điểm khác nhau. Mỗi lần có sự kiện Trung Quốc lại hé lộ quan điểm một chút dù vẫn lập lờ. Cái khó bây giờ là làm sao làm cho Trung Quốc tiếp tục đưa ra một phương án cụ thể và sau đó 'cột' TQ với phương án đó. Có như thế thì mới tận dụng được sự ủng hộ của các bên khác.

Về vấn đề vùng nước quần đảo cho Trường Sa, đúng như Thao nói, là khả năng đó chỉ xảy ra trên lý thuyết. Trung Quốc cũng chẳng dại gì tự dưng đi tuyên bố vùng nước quần đảo trong khi thực tế chẳng quản lý được và hơn nữa lại gây xung đột với các nước lớn khác (không chỉ riêng Mỹ) có nhu cầu sử dụng Biển Đông cho mục đích hàng hải. Dù gì, cái Trung Quốc quan tâm đó là tài nguyên nằm trên vùng biển và Thềm lục địa của các nước ven biển khác và cứ 'con mèo nào bắt được nhiều chuột hơn' là Trung Quốc dùng, không cần biết mèo đó có được từ UNCLOS hay là 'có từ lịch sử'.  

Về Đoạn 4 trong công hàm của Trung Quốc - điểm liên quan đến đường 9/11 đoạn thì chắc tôi nói chưa rõ hoặc có thể tôi đã hiểu sai lịch sử. Theo tài liệu tôi đọc được thì những năm 1930s, Trung Quốc dưới Chính quyền Tưởng Giới Thạch chỉ mới công bố địa danh các đảo Trung Quốc yêu sách ở Biển Đông, bao gồm cả Trường Sa. Đường 9/11 đoạn lần đầu tiên được đưa ra là vào năm 1947 (nếu tôi không nhầm). Nếu như vậy, Đoạn 4 trong công hàm của Trung Quốc vẫn chỉ là tiếp tục khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với Trường Sa và chẳng nói gì đến đường 9 đoạn. Trung Quốc hoặc là thấy chẳng cần, hoặc là không muốn nói cụ thể về giá trị của đường 9 đoạn. Đoán mò của tôi thì nếu Trung Quốc được hỏi thì sẽ trả lời là công hàm của Phi-líp-pin  sai ngay từ đoạn chủ quyền của Phi-líp-pin đối với KIG rồi nên cần gì phải xem xét đến lập luận liên quan đến đường 9 đoạn nữa.

Nói tóm lại, tưởng là công hàm của TQ làm cho vấn đề sáng tỏ hơn nhưng hóa ra lại thành mơ hồ hơn, rối rắm hơn.

Rõ ràng cuộc chiến pháp lý tại Biển Đông vẫn chưa kết thúc, NCBĐ xin tạm dừng cuộc tọa đàm bàn tròn lần này, chân thành cám ơn các chuyên gia đã tham gia tranh luận và hẹn gặp lại trên chủ đề khác lần sau./.

BBT NCBĐ

Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập NCBĐ.