Động thái quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc hạ thủy hai khu trục hạm mới. Thời báo Hoàn Cầu cho biết Trung Quốc hôm 10/5 hạ thủy hai khu trục hạm có tên lửa dẫn đường Type 052D tại xưởng đóng tàu Đại Liên. Tàu Type 052D có khả năng đảm nhận nhiệm vụ hộ tống và phòng không. Hiện Trung Quốc có tổng cộng 20 chiến hạm Type 052D, đang hoạt động và sắp đưa vào hoạt động. Loại này được cải tiến từ loại trước đó là Type 052C. Trung Quốc cũng đang đóng khu trục hạm Type 55 được cho là loại tàu hiện đại nhất cùng loại ở Châu Á.

Trung Quốc đóng tàu hải cảnh tuần tra Hoàng Sa. Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Vũ Xương vừa nhận hợp đồng trị giá 23,5 triệu USD đóng một tàu hải cảnh, dự kiến hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Theo trang web của tỉnh Hải Nam, tàu hải cảnh này sẽ có trọng tải 1.900 tấn, dài 102 m và với thủy thủ đoàn lên đến 50 người, phạm vi hoạt động hơn 10.000 km. Dự kiến đến năm 2021, cái gọi là "chính quyền Tam Sa" của Trung Quốc sẽ sở hữu khoảng 20 tàu hải cảnh.

+ Philippines:

Philippines khẳng định quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg hôm 16/5, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cho hay sự mơ hồ chiến lược của Mỹ ở Biển Đông khiến Philippines cải thiện quan hệ với Trung Quốc, “Việc Trung Quốc ngỏ lời về đối tác chiến lược hấp dẫn hơn nhiều so với sự mơ hồ chiến lược của Mỹ.” Tổng thống Duterte có ý định đẩy mạnh quan hệ với Trung Quốc trong 3 năm còn lại trong nhiệm kỳ. Ông Locsin nhắc lại trong chuyến thăm Manila vào năm 2014, Tổng thống Mỹ khi đó Barack Obama không đưa ra một sự đảm bảo rõ ràng rằng Mỹ sẽ bảo vệ Philippines trong trường hợp xung đột ở Biển Đông. Dù vậy, ông Locsin nhấn mạnh Philippines vẫn là đồng minh quân sự của Mỹ và sẽ đứng về phía Mỹ khi xung đột xảy ra.

+ Singapore:

Singapore khẳng định tầm quan trọng của COC. Phát biểu tại Triển lãm Quốc phòng Biển Quốc tế lần thứ 12 hôm 14/5, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore ông Ng Eng Hen khẳng định, “Các nước cần vùng biển bình yên để đảm bảo tính thông suốt của giao thương toàn cầu và duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa các quốc gia. Vì phụ thuộc quá nhiều vào biển, chúng ta cần sự đồng thuận từ mọi quốc gia đối với các quy định phổ quát về biển. Đối với tranh chấp Biển Đông, COC mở đường cho thỏa thuận về các quy tắc biển quốc tế và ngăn chặn xung đột. Đáng mừng là ASEAN và Trung Quốc đã thống nhất về bản dự thảo đàm phán COC duy nhất và các nước cần đẩy nhanh tiến trình đàm phán và sớm đạt được COC hiệu quả và ý nghĩa.”

Singapore thúc giục Mỹ chấp nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc. Phát biểu tại sự kiện CSIS hôm 15/5, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan cho rằng, “việc xem Trung Quốc là đối thủ phải kiềm chế không hiệu quả và cần “cạnh tranh mang tính xây dựng” giữa các siêu cường. Singapore muốn sự hiện diện của Mỹ được duy trì, đồng thời muốn Trung Quốc có thể đảm nhận một vị trí xứng đáng khi nước này phát triển và trở thành siêu cường. Trung Quốc khó có khả năng làm suy yếu hệ thống toàn cầu do Mỹ lãnh đạo do nước này là một trong những bên được hưởng lợi lớn nhất. Đối với các quốc gia ở giữa, đặc biệt là các nước nhỏ, không muốn phải lựa chọn, vì vậy chúng tôi hy vọng cả hai bên sẽ tìm ra một phản ứng chiến lược, cân nhắc ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và tìm ra cách hài hòa lợi ích của mỗi bên.”

+ Mỹ:

Mỹ tuyên bố Trung Quốc quan tâm quá mức tới FONOP ở Biển Đông. Phát biểu bên lề hội nghị an ninh biển ở Singapore hôm 15/5, Tư lệnh hải quân Mỹ Đô đốc John Richardson cho hay, "Thực lòng, các chiến dịch của chúng tôi được chú ý nhiều hơn mức cần thiết trên truyền thông và đôi khi là từ Trung Quốc." Bình luận của ông Richardson đưa ra sau khi Mỹ triển khai hai tàu khu trục USS Preble và USS Chung Hoon áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc ở đá Ga Ven và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đô đốc Richardson trước đó cho hay các hoạt động của hải quân Mỹ trên Biển Đông vẫn được duy trì trong nhiều thập kỷ và không gia tăng gần đây.

Tướng Mỹ khẳng định máy bay Mỹ thường xuyên tuần tra Biển Đông. Phát biểu trong một cuộc họp báo ở Manila hôm 16/5, Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương của Mỹ, Tướng Charles Q. Brown Jr nhấn mạnh, “Không quân Mỹ bay trên Biển Đông và thực tế toàn bộ khu vực trên cơ sở hàng ngày. Hoạt động này nhằm thúc đẩy tự do hàng không, dù ít nhận thấy như hoạt động của hải quân ở các khu vực tranh chấp.” Theo ông Brown, hoạt động tuần tra của không quân không mang tính khiêu khích và cần thực hiện thường xuyên để đảm bảo quyền bay qua những khu vực được luật pháp cho phép.

Tư lệnh Mỹ kêu gọi Úc và Indonesia tăng cường tuần tra ở Biển Đông. Trả lời phỏng vấn báo Sydney Morning Herald hôm 16/5, Tư lệnh Hải quân Mỹ Đô đốc John Richardson khuyến khích Úc và Indonesia tăng cường hiện diện ở Biển Đông, bao gồm tiến hành các hoạt động FONOP. Theo ông Richardson, mỗi nước ở Đông Nam Á cần xác định phản ứng riêng trước hành động quân sự hóa của Trung Quốc, “mỗi quốc gia sẽ phải đánh giá tình hình và cách tiếp cận riêng. Nhưng đến một lúc nào đó, các lực lượng hải quân sẽ phải hành động, và đưa ra lựa chọn cho các nhà lãnh đạo của họ.” Tư lệnh hải quân Mỹ cho rằng Úc và Indonesia là hai nước ủng hộ mạnh mẽ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp.

Tàu chiến Mỹ tiến hành FONOP gần Bãi cạn Scarborough. Phát ngôn viên Hạm đội 7 của hải quân Mỹ trung tá Clay Doss cho hay Tàu khu trục USS Preble hôm 19/5 "đã đi vào phạm vi 12 hải lý quanh bãi cạn Scarborough nhằm thách thức những yêu sách biển quá mức và duy trì quyền tiếp cận các tuyến hải lộ luật quốc tế quy định." Đây là hoạt động FONOP thứ hai của Mỹ tại Biển Đông trong tháng qua. Trước đó hôm 13/5, lực lượng tuần duyên của Mỹ và Philippines gồm ba tàu Bertholf, BRP Batangas và BRP Kalanggaman diễn tập tìm kiếm cứu nạn gần Bãi cạn này. Hai tàu cảnh sát biển Trung Quốc cũng hiện diện gần đó nhưng chỉ quan sát và không có bất kỳ hành động cản trở. Scarborough là một bãi cạn nhỏ nằm cách đảo Luzon 200 km và cách bờ biển đông nam Trung Quốc khoảng 1.000 km.

Hoạt động song phương, đa phương

Mỹ - Philippines tăng cường hợp tác quốc phòng. Trong chuyến thăm từ ngày 15-17/5, Tư lệnh Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương, Tướng Charles Brown đã hội đàm với Tổng tham mưu trưởng Philippines tướng Benjamin Madrigal và Tư lệnh Không quân Philippines tướng Rozzano Briguez. Phát biểu trước báo giới, ông Charles Brown cho hay hai bên thảo luận về tăng cường năng lực chiến đấu cơ, xây dựng trung tâm chỉ huy và kiểm soát, hỗ trợ nhân đạo, “Hai bên tìm cách để hợp tác và huấn luyện tốt hơn.” Năm 2019, Quân đội hai nước đã gia tăng hoạt động hợp tác lên con số 281 hoạt động, trong đó có 60 hoạt động hợp tác giữa Không quân hai bên.

Quan chức cấp cao Trung Quốc – ASEAN bàn thảo về Biển Đông. Ngày 18/5, Hội nghị Quan chức cao cấp (SOM) Trung Quốc - ASEAN lần thứ 17 về thực hiện DOC diễn ra tại Hàng Châu, Trung Quốc. Hai bên trao đổi ý kiến về các chủ đề như thực hiện toàn diện và hiệu quả DOC, tăng cường hợp tác thực chất trên biển và tham vấn xây dựng COC. Các bên nhất trí tiếp tục thực hiện toàn diện và hiệu quả DOC, tích cực thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác trên biển, tăng cường tin cậy, nhận thức chung, nỗ lực nhằm duy trì hòa bình, ổn định tại Biển Đông. Hội nghị nhất trí đẩy nhanh tiến trình tham vấn, nỗ lực sớm đạt được COC. Hội nghị cũng xem xét và cập nhật “Kế hoạch công tác giai đoạn 2016 - 2021 về thực hiện DOC”, xác định một số hạng mục mới về hợp tác thực chất trên biển. Trước đó, trong 2 ngày 16 - 17/5, các bên đã tiến hành Cuộc họp lần thứ 28 của Nhóm công tác chung về thực thi DOC.

Tàu chiến Nhật Bản thăm thiện chí Philippines. Tàu khu trục JS Samidare (DD-106) của Lực lượng Phòng vệ trên Biển Nhật Bản đã cập cảng Subi, Philippines trong chuyến thăm thiện chí từ ngày 17 - 19/5. Tàu DD-106 được trang bị 2 trực thăng SH-60K và biên chế 200 thủy thủ. Đại tá Takahiro Nishiyama, Tư lệnh Biên đội hộ tống số 4, cho biết Hải quân Nhật Bản muốn tăng cường quan hệ đối tác với Hải quân Philippines thông qua các hoạt động trao đổi và hợp tác. Chuyến thăm diễn ra trước khi Tổng thống Duterte có chuyến thăm Nhật Bản và dự diễn đàn Tương lai Châu Á từ ngày 30 - 31/5.

Tàu chiến Mỹ USNS Fall River thăm Thái Lan. Tàu vận tải Mỹ USNS Fall River hôm 18/5 đã cập cảng Sattahip, điểm dừng chân cuối cùng trong khuôn khổ Đối tác Thái Bình Dương năm 2019. Đây là chương trình thường niên về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai quốc gia lớn nhất ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Mỗi năm, Mỹ sẽ triển khai chương trình với các nước đối tác để tăng cường khả năng phối hợp và phản ứng khủng hoảng, củng cố an ninh và ổn định khu vực. Trung tá Sasipandh Hiranwong, quân đội hoàng gia Thái Lan cho hay, “hợp tác của chúng tôi đem lại lợi ích cho người dân ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Chúng tôi hy vọng các quốc gia khu vực sẽ biết đến và tham gia chương trình trong tương lai.”

Ấn Độ - Singapore diễn tập chung trên Biển Đông. Hải quân hai nước ngày 19/5 bắt đầu cuộc diễn tập song phương SIMBEX-2019, gồm khu trục hạm INS Kolkata, tàu chở dầu INS Shakti và một trinh sát cơ P-8I Poseidon của Ấn Độ và hai tàu chiến Steadfast, Valiant, một máy bay tuần tra biển Fokker-50 cùng một tiêm kích F-16 của Singapore. Trong giai đoạn đầu từ 16-18/5, các chiến hạm sẽ neo đậu tại cảng để tổ chức các hội nghị lập kế hoạch, huấn luyện tác chiến trên cơ sở các tình huống giả định, giao lưu thể thao. Giai đoạn trên biển từ 19-22/5 sẽ bao gồm nhiều bài tập tác chiến như tấn công mục tiêu trên không và trên biển, giám sát vùng trời, hiệp đồng tấn công mục tiêu theo kịch bản định sẵn. SIMBEX được tổ chức thường niên từ năm 1993 và ngày càng được mở rộng quy mô về hoạt động cũng như chiến thuật.

Việt Nam - Ấn Độ khẳng định cần giải quyết hòa bình tranh chấp biển. Chiều 11/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến Phó Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ Venkaiah Naidu nhân dịp sang thăm chính thức Việt Nam từ ngày 9 - 12/5. Hai nhà Lãnh đạo bày tỏ coi trọng hợp tác quốc phòng - an ninh; đề nghị Ấn Độ tiếp tục hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác giữa các Quân binh chủng của quân đội hai nước, chia sẻ kinh nghiệm trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Về Biển Đông, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh và tự do hàng hải, hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982, sớm hoàn tất COC ở Biển Đông./.