I. Động thái của các quốc gia

 + Trung Quốc:

Trung Quốc phản đối thảo luận về Biển Đông trong Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á. Trung Quốc và Mỹ dường như đang hướng tới một cuộc đối đầu mới về vấn đề tranh chấp Biển Đông trong Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á diễn ra tuần này – đây là lần đầu tiên có sự tham dự của một tổng thống Mỹ - tại Bali, Inđônêxia. Hôm thứ ba, Bắc Kinh đã tuyên bố rõ rằng nước này không muốn thảo luận bất kỳ khía cạnh nào về Biển Đông tại hội nghị trong hai ngày. Tuy nhiên, Nhà Trắng, sau đó nói rằng chủ đề sẽ xuất hiện trong các cuộc thảo luận sẽ là an ninh hàng hải – mối quan tâm chính của Mỹ khi nước này đang tìm kiếm sự tái khẳng định tầm ảnh hưởng của mình ở Châu Á[1].

“Hội nghị các nhà lãnh đạo Đông Á gánh vác trách nhiệm quan trọng”. Các ngoại trưởng ASEAN cho biết ASEAN không muốn trở thành nơi diễn ra các cuộc đấu đá cạnh tranh của các nước lớn, do vậy cần nhanh chóng đưa ra COC để giải quyết vấn đề trong khuôn khổ pháp luật. Hiện nay các bên đang trao đổi chặt chẽ, dự kiến sau các Hội nghị EAS sẽ triển khai các cuộc họp SOM DOC và các cuộc hội thảo về tự do an toàn hàng hải ở Biển Đông. Báo chí các nước ASEAN quan tâm đến việc Mỹ tham gia Hội nghị lần này, đặc biệt là cách nhìn của Mỹ đối với vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực[2].

Chi nhánh ngân hàng của Trung Quốc trên các đảo đã thông suốt. Cuối tháng 10 vừa qua, chi nhánh ngân hàng Công thương Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa, Trung Sa, Trường Sa đã chính thức nối mạng với hệ thống ngân hàng trong lục địa Trung Quốc. Như vậy, từ nay mọi nghiệp vụ ngân hàng như rút tiền, gửi tiền, chuyển khoản, thanh toán trên quần đảo Hoàng Sa đã có thể thực hiện bằng thẻ tín dụng ngân hàng[3].

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân trả lời về Biển Đông tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 16/11. (i) Đề nghị cho biết bình luận của Trung Quốc trước việc Mỹ gần đây bày tỏ sẽ ủng hộ nhiều hơn cho Philippines về quốc phòng trên vấn đề Biển Đông? Trả lời: Vấn đề Biển Đông là một vấn đề phức tạp, Trung Quốc duy trì trao đổi với các nước có tranh chấp tại Biển Đông. Chúng tôi cho rằng các nước không có liên quan và thế lực bên ngoài can dự vào sẽ không giúp ích cho việc giải quyết vấn đề, chỉ làm phức tạp thêm, tăng thêm khó khăn cho việc giải quyết vấn đề. (ii). Đề nghị cho biết đánh giá của Trung Quốc về việc ngày 15/11, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân phát biểu tại cuộc họp báo bày tỏ Trung Quốc không hi vọng thảo luận vấn đề Biển Đông tại Hội nghị EAS sắp tới. Tuy nhiên có tin Mỹ vẫn sẽ thảo luận vấn đề Biển Đông tại Hội nghị EAS? Trả lời: Vấn đề Biển Đông không nên trở thành một nội dung của Hội nghị, đưa vấn đề có tranh chấp vào Hội nghị chỉ ảnh hưởng đến không khí hợp tác và không khí tin tưởng lẫn nhau, phá hoại cục diện phát triển tốt không dễ mà có tại khu vực, chỉ có hại chứ không có lợi[4].

 “Nga vũ trang cho các nước Biển Đông nhằm thu hút sự chú ý của Trung Quốc xuống phía Nam?”. Nga đang tích cực vũ trang cho các nước có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc ở khu vực Biển Đông. Ngoài ‘khách hàng lớn’ Việt Nam, Nga còn cung cấp nhiều loại vũ khí cho một số nước khác như Malaysia. Giới chuyên gia quân sự nhận định, mặc dù tình hình tranh chấp Biển Đông diễn biến phức tạp và Nga có cung cấp vũ khí cho một số bên tranh chấp nhưng tranh chấp Biển Đông ít có khả năng bùng nổ thành xung đột vũ trang. Việc để xảy ra xung đột vũ trang là không phù hợp với lợi ích của tất cả các bên[5].

Đọc toàn bộ Bản tin tại đây



[1] http://online.wsj.com/article/SB10001424052970203503204577039892130094070.html

[2] Nhân dân Nhật báo ngày 17/11

[3] Mạng Phượng Hoàng ngày 12/11/2011

[4] http://www.3abc.net/?p=21634

[5] Mạng Tinh đảo Hoàn cầu ngày 16/11