I. Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Hội thảo về an toàn đường biển trên Biển Đông tại Trung Quốc. Ngày 17/11, Viện nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc đã tổ chức một buổi hội thảo tại đảo Hải Nam với chủ đề về an toàn đường biển trên Biển Đông, với mục đích tìm ra những ủng hộ về pháp lý cho lập trường của Trung Quốc trong việc ngăn cản hoặc hạn chế tối đa các hoạt động quân sự của nước ngoài tại khu đặc quyền kinh tế, trái ngược với lập trường của Mỹ. Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia Đông Nam Á thuộc Học viện quốc phòng Australia, cho biết: “Điều mà Trung Quốc muốn nói là Mỹ trong điều kiện hiện tại chỉ có hai lựa chọn hoặc là tham gia công ước (Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển) hoặc nếu không thì hãy im lặng đừng cố tìm cách diễn giải công ước khi mà chính bản thân mình không muốn tham gia (Quốc Hội Mỹ vẫn chưa thông qua)” [1].

Bắc Kinh: Vấn đề Biển Đông càng đa phương càng rắc rối! Phát biểu tại cuộc họp báo về Hội nghị Lãnh đạo cấp cao Đông Á và hỏi đáp các vấn đề Biển Đông hôm 21/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân cho hay, vấn đề Biển Đông nên do các nước có chủ quyền liên quan giải quyết; việc các thế lực bên ngoài can thiệp hay đem vấn đề Biển Đông ra thảo luận tại các diễn đàn đa phương sẽ càng làm cho tình hình phức tạp hơn, không có lợi cho việc giải quyết tranh chấp[2].

Truyền thông Trung Quốc cảnh cáo Philíppin về vấn đề Biển Đông. Tân Hoa Xã ngày 21/11 lên tiếng cảnh cáo Philíppin chớ nên khiêu khích Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông. Bài báo đả kích việc chính phủ Manila đặt tên cho Biển Đông là Biển Tây Philíppin, đồng thời lên án Ngoại trưởng Hillary Clinton của Hoa Kỳ đã dùng theo cách gọi này trong chuyến thăm Philíppin. Tân Hoa xã nói hành động khiêu khích thường xuyên của Philíppin trong vấn đề Biển Đông chủ yếu là một trò phô trương chính trị và Hoa kỳ nên tránh bị lôi kéo trong các tranh chấp phức tạp[3].

Trung Quốc bí mật đóng thêm tàu ngầm Type-041. Các trang mạng Trung Quốc vừa đăng hình một chiếc tàu ngầm diesel-điện được cho thuộc lớp Yuan (Nguyên), đóng tại nhà máy Giang Nam và đang chuẩn bị được hạ thủy. Trước đó, tàu ngầm Type-041 lớp Nguyên đầu tiên của Trung Quốc đã được hạ thủy vào năm 2004 ở nhà máy đóng tàu Vũ Hán. Như vậy, Trung Quốc đang có tới 2 nhà máy cùng đóng tàu lớp Nguyên, việc này cho thấy Trung Quốc đang muốn sớm sở hữu số lượng lớn các tàu ngầm hiện đại để tăng cường cho các hạm đội của mình[4].

Bắc Kinh cảnh báo Đêli về Biển Đông. Với lời cảnh báo trực tiếp hướng vào Ấn độ, người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc phát biểu rằng “chúng tôi hy vọng không nhìn thấy sự can dự của các thế lực bên ngoài vào tranh chấp Biển Đông và không muốn thấy các công ty nước ngoài tiến hành các hoạt động gây phương hại đến chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc”. Đây là câu trả lời cho câu hỏi về cuộc thảo luận giữa thủ tướng Mammohan Singh và người đồng nhiệm Trung Quốc Ôn Gia Bảo bên lề của Thượng đỉnh Đông Á tại Bali cuối tuần qua[5].

Đọc toàn bộ Bản tin tại đây



[1] http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/us-cn-d-t-agree-in-eez-vh-11212011114151.html

[2] http://www.fmprc.gov.cn/eng/xwfw/s2510/t880858.htm

[3] http://news.xinhuanet.com/english2010/indepth/2011-11/21/c_131259724.htm

[4] http://www.baomoi.com/Home/TheGioi/quocphong.baodatviet.vn/Trung-Quoc-bi-mat-dong-them-tau-ngam-Type041/7407451.epi

[5] http://articles.timesofindia.indiatimes.com/2011-11-22/india/30428399_1_south-china-sea-forward-bilateral-relations-gautam-bambawale