Động thái của các quốc gia

+ Việt Nam:

Việt Nam yêu cầu Đài Loan không tái diễn hành động xâm phạm chủ quyền. Về việc Đài Loan diễn tập bắn đạn thật ở đảo Ba Bình, quần đảo Trường Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 24/8 nêu rõ: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Đài Loan nhiều lần tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông."

+ Philippines:

Tổng thống Duterte khẳng định không đối đầu với Trung Quốc trên biển. Trước cáo buộc của Thẩm phán Tòa án Tối cao Antonio Carpio rằng Trung Quốc đang kiểm soát, thậm chí là xâm phạm Sandy Cay, cồn cát nằm cách Thị Tứ khoảng 2,5 dặm, Tổng thống Duterte hôm 21/8 cho biết Đại sứ Trung Quốc tại Philippines đã cam kết Trung Quốc không có kế hoạch xâm chiếm hay xây dựng các công trình tại Sandy Cay. Ông Duterte cũng nhấn mạnh Philippines không thể  đối đấu trong cuộc chiến với Trung Quốc.

Quan chức Philipines cho hay Trung Quốc theo dõi đảo của nước này. Hai quan chức an ninh giấu tên của Philippines hôm 22/8 cho hay một nhóm tàu Trung Quốc gồm ba tàu hải quân, một tàu hải cảnh và 10 tàu đánh cá đã bắt đầu theo dõi Sandy Cay vào ngày 12 tháng 8 sau khi quan sát một nhóm ngư dân Philippines ở bãi cát này. Thậm chí khi những ngư dân Philippines rời đi thì tàu Trung Quốc vẫn ở lại. Theo hai sĩ quan trên, chỉ có Bộ Ngoại giao mới được phép thảo luận công khai các vấn đề liên quan đến tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Philippines cáo buộc Trung Quốc cắm cờ trên cồn cát ở Trường Sa. Nghị sĩ đảng đối lập Gary Alejano hôm 22/8 cho hay, “Theo nguồn tin tôi có được, Trung Quốc cắm cột cờ bằng thép với chiều cao 3m trên cồn cá nằm cách đảo Loại Ta (Philippines gọi là Kota) khoảng 7 hải lý về phía Đông Bắc. Cột cờ được phát hiện vào khoảng tuần thứ ba của tháng 7 năm 2017.” Theo ông Alejano, hoạt động xâm lấn trên biển của Trung Quốc vẫn tiếp tục trong bối cảnh quan hệ Philippines-Trung Quốc đang cải thiện. Trước thông tin này, Người Phát ngôn Phủ Tổng thống Ernesto Abella hôm 24/8 cho hay, “Theo nguồn tin đáng tin cậy, hiện không có lá cờ nào ở đó.”

Philippines tiếp nhận hệ thống ra-đa TARS của Mỹ. Người Phát ngôn hải quân Philippines Lued Lincuna cho biết Mỹ đã chuyển hệ thống ra-đa TARS cho Philippines từ tháng 7 và lễ bàn giao chính thức được tổ chức vào ngày 22/8 tại trung tâm Chỉ huy Giáo dục và Huấn luyện Hải quân Philippines tại San Antonio. TARS là hệ thống ra-đa gắn vào khinh khí cầu được Mỹ sử dụng để giám sát các khu vực biên giới. Việc tiếp nhận TARS giúp hải quân Philippines tăng cường năng lực giám sát trên biển và trên không. Trước đó vào tháng 7, Philippines đã nhận 2 máy bay tuần tra Cessna C-208B Grand Caravan của Mỹbiên chế cho căn cứ không quân Edwin Andrews ở thành phố Zamboanga miền nam Philippines.

+ Malaysia:

Malaysia tăng cường nỗ lực hiện đại hóa hải quân. Ngày 24/8, Hải quân Malaysia hạ thủy tàu chiến đấu ven biển đầu tiên theo hợp đồng trị giá 2 tỷ USD được ký vào năm 2011. Tàu Maharaja Lela 3.100 tấn, dựa theo thiết kế của tàu Gowind 2500 của Pháp, được trang bị nhiều hệ thống vũ khí hiện đại. Tàu Maharaja Lela do công ty đóng tàu ở Lumut, Malaysia chế tạo và dự kiến bắt đầu hoạt động vào nửa đầu năm 2019.

+ Indonesia:

Indonesia tăng cường sức mạnh không quân. Indonesia thông báo nước này sẽ dùng tiền và hàng hóa để trao đổi mua 11 máy bay chiến đấu Sukhoi 35 của Nga, trị giá 1,14 tỷ USD. Trong một tuyên bố chung với Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu, Bộ trưởng Thương mại nước này Enggartiasto Lukita cho biết những chi tiết về chủng loại và số lượng hàng hóa dùng để trao đổi "vẫn còn đang trong quá trình đàm phán." Dự kiến, các máy bay này sẽ được chuyển giao trong nhiều giai đoạn trong vòng hai năm.

+ Mỹ:

Mỹ tiếp tục hoạt động FONOP sau các vụ đâm va tàu chiến. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Kuala Lumpur, Malaysia hôm 25/8, Chỉ huy lực lượng không quân Mỹ ở Thái Bình Dương, Tướng O'Shaughnessy khẳng định: "Các hoạt động tự do hàng hải sẽ không giảm bớt sau khi xảy ra những vụ tai nạn gần đây của hải quân Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Chúng tôi chắc chắn sẽ tiếp tục các hoạt động hàng hải và hàng không ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép." Trước đó, tàu Mỹ USS John S. McCain đã va chạm với một tàu hàng Alnic MC cũng đang lưu thông ở phía đông của Eo biển Malacca gần Singapore. Đây là vụ tai nạn lớn thứ 4 của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ trong năm nay, dẫn đến một cuộc điều tra trong hạm đội và kế hoạch tạm dừng các hoạt động để tập trung đảm bảo sự an toàn.

Quan hệ các nước

Úc - Việt Nam tăng cường hợp tác quốc phòng. Chiều 24/8, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã hội đàm với Bộ trưởng Marise Payne đang trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 24-25/8. Tại cuộc hội đàm, hai Bộ trưởng đánh giá quan hệ hợp tác quốc phòng hai bên mang tính thực chất, ổn định, bền vững, phù hợp với Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng ký năm 2010. Hai bên nhất trí xem xét việc tổ chức Đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng lần đầu tiên. Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam lần thứ 4 của Bộ trưởng Quốc phòng Úc kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ quốc phòng vào năm 1999.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Indonesia. Ngày 22/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm chính thức Cộng hòa Indonesia theo lời mời của Tổng thống Joko Widodo. Trong cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Indonesia Joko Widodo sáng 23/8, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, bảo đảm an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Hai bên cam kết tích cực đẩy nhanh và sớm kết thúc đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế, tiến tới giải pháp mang tính tổng thể, bao gồm cả xử lý những vấn đề liên quan đến tàu cá, ngư dân trên tinh thần nhân đạo. Cũng trong sáng 23/8 tại Jakarta, Trung tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam và Tư lệnh Cảnh sát biển Indonesia (BAKAMLA) Laksdya Tni Ari Soedewo hội đàm song phương. Hai bên nhấn mạnh quan hệ đối tác Việt Nam-Indonesia phải phản ánh thực chất qua hợp tác giữa CSB hai bên, đặc biệt trong việc giảm căng thẳng tại khu vực biển Đông, vùng tiếp giáp với Bắc Natuna. Hai bên đã ký Ý định thư về tăng cường hợp tác giữa hai lực lượng cảnh sát biển. Trong cuộc họp tư vấn không chính thức giữa Cảnh sát biển hai nước trước đó, hai bên nhất trí sẽ tăng cường liên lạc và thiết lập địa chỉ liên lạc giữa 2 lực lượng; thống nhất sử dụng tiếng Anh khi liên lạc chính thức qua đàm thoại hoặc văn bản; lần lượt thay phiên tổ chức họp thường kỳ ít nhất một năm một lần tại Indonesia và Việt Nam.

Việt Nam - Myanmar kêu gọi giải quyết hòa bình tranh chấp biển. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm Myanmar từ ngày 24-26/8/2017 theo lời mời của Tổng thống Myanmar Htin Kyaw. Tuyên bố chung sau chuyến thăm khẳng định hai bên "cam kết duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, cũng như việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế. Hai bên tái khẳng định sự ủng hộ đối với việc triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC ở Biển Đông và sớm đạt COC trên cơ sở khung COC đã nhất trí.” 

Phân tích và đánh giá

Chiến lược biển của Trung Quốc: Quá trình thay đổi mang tính thể chế về chính sách biểncủa KIM, Hankwon

Về sự thay đổi chính sách, bài viết đưa ra ba giai đoạn: (i) đầu thập niên 80 với việc thúc đẩy chiến lược “Phòng thủ trên biển từ xa”, đánh dấu sự thay đổi tư duy từ chuẩn bị cho các chiến dịch gần bờ sang các chiến dịch xa bờ; (ii) giai đoạn 2000-2010. Năm 2003, Trung Quốc lần đầu tiên đề cập đến mục tiêu trở thành cường quốc biển trong “Kế hoạch khung phát triển kinh tế biển quốc gia”. Năm 2004,  Sách trắng quốc phòng khẳng định hải quân nước này sẽ mở rộng phạm vi và quy mô các hoạt động phòng vệ ngoài khơi. Năm 2012, khái niệm “cường quốc biển” lần đầu tiên được đưa vào Báo cáo Đại hội 18 Đảng cộng sản Trung Quốc do Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trình bày. Từ thời điểm này, chính sách biển của Trung Quốc được nâng tầm trở thành chiến lược quốc gia; (iii) giai đoạn Tập Cận Bình. Tại cuộc họp Bộ Chính trị Trung Quốc tháng 7/2013, Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát biểu “Trung Quốc là cường quốc trên bộ và trên biển và có lợi ích chiến lược to lớn đối với các đại dương”, phản ánh ý chí của nhà lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục củng cố các chính sách biển. Trong diễn văn đầu năm 2017, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc sẽ quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các quyền và lợi ích biển, đánh dấu lần đầu tiên Nhà lãnh đạo Trung Quốc công khai tuyên bố về hai khái niệm này trong diễn văn năm mới.

Về tác động đối với Hàn Quốc: (i) Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung, Hàn Quốc cần thúc đẩy việc thảo luận về các tranh chấp hàng hải giữa Mỹ và Trung Quốc, cụ thể là các chiến dịch tự do hàng hải, trong khuôn khổ Liên hợp quốc, qua đó bảo đảm lập trường của Hàn Quốc về các tranh chấp trên Biển Đông phù hợp với quan điểm chung của cộng đồng quốc tế, thay vì phải lựa chọn giữa Washington và Bắc Kinh; (ii) Chiến lược biển của chính quyền Tập Cận Bình dường như có sự gắn kết với sáng kiến Vành đai và Con đường. Do đó, từ khía cạnh kinh tế, Hàn Quốc cần tham gia sáng kiến này. Hàn Quốc có thể theo đuổi cách tiếp cận đa phương (hợp tác kinh tế Hàn-Trung-Triều hoặc Hàn-Nga-Triều) để kết nối với Con đường Tơ lụa trên bộ nhằm thúc đẩy quan hệ liên Triều trong khi vẫn tuân thủ các nghị quyết cấm vận Bình Nhưỡng; (iii) Khi Bắc Kinh đang củng cố chính sách biển, Seoul không nên vội vã hoàn thành phân giới với Trung Quốc mà thay vào đó nên tập trung đàm phán về Hiệp định nghề cá Trung - Hàn và vấn đề tàu đánh cá trái phép của Trung Quốc trong vùng biển Hàn Quốc.

Châu Á đang chờ đợi gì ở nước Mỹ của Ravi Velloor

Có nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ không bỏ rơi châu Á và khu vực này cần kiên nhẫn chờ đợi Mỹ.

Tuần này, tàu đổ bộ USS America của Mỹ đã cập cảng Căn cứ Hải quân Sepanggar ở Sabah, Malaysia. Với quân số khoảng 2.500 người, tàu USS đã sẵn sàng cho các hoạt động tại Biển Đông. Tàu USS có thể sẵn sàng triển khai lực lượng vũ trang để đổ bộ nếu cần. Tàu này có thể hỗ trợ 28 máy bay bao gồm máy bay Osprey và F-35.

Với việc Trung Quốc tuyên bố nước này có chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, Malaysia tuyên bố chủ quyền đối với một phần quần đảo Trường Sa giáp thềm lục địa với Sabah, việc tàu của Mỹ đóng tại Sabah dĩ nhiên được coi là một cách để trấn an Malaysia và lực lượng quân đội của nước này. Những động thái này cho thấy Lầu Năm Góc đang phất cờ Mỹ tại khu vực này trong khi chờ hiệu lệnh rõ ràng hơn từ Washington.

Một bài báo của hãng tin AP cho biết những ngày đầu của Chính quyền Trump, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Tham mưu trưởng Nhà Trắng John Kelly - người phụ trách an ninh quốc gia trước đó - đã thống nhất một trong hai số họ buộc phải có mặt trong nước tại bất kỳ thời điểm nào. Điều này thể hiện phần nào đó về mức độ tin cậy của các cố vấn vào sự khôn ngoan của ông Trump.

Sáu tháng cầm quyền đầu tiên của Chính quyền Trump đã trôi qua, cho thấy các chính sách liên quan tới châu Á, ngoài vấn đề Triều Tiên và cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, chỉ là giải pháp tình thế trong việc cố gắng duy trì một vị trí nhất định của Mỹ ở châu Á. Một số nhân vật trong Chính quyền Trump như Tướng về hưu Mattis, Ngoại trưởng Rex Tillerson, Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster và ông Kelly có trách nhiệm giúp trấn an châu Á rằng Mỹ vẫn đóng vai trò quan trọng ở đây. Hồi đầu năm nay, chính những nhân vật này đã thuyết phục Phó Tổng thống Mike Pence thăm Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia và Úc. Ông Pence đã làm tròn trách nhiệm, thậm chí còn thăm Ban thư ký ASEAN tại Jakarta để thông báo Tổng thống Trump sẽ tham dự 3 hội nghị thượng đỉnh liên quan tới châu Á vào cuối năm nay. Cùng tháng đó, ông Mattis cũng thuyết phục ông Trump phê duyệt lịch cho hoạt động FONOP của Mỹ cho đến hết năm nay, vì vậy Lầu Năm Góc sẽ không phải xin phép Nhà Trắng mỗi khi cần.

Dĩ nhiên đây là những động thái đáng hoan nghênh, nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Vụ việc Trung Quốc đe dọa Việt Nam gần đây cũng như liên quan đến Ấn Độ và Trung Quốc về tranh cãi tại Dolam tại khu vực ngã ba biên giới rất cần một tuyên bố hay cử chỉ thiện chí từ phía Mỹ. Một số khác cũng cho rằng hoạt động tuần tra FONOP của tàu USS John McCain hiện nay tại khu vực Đá Vành Khăn cũng không mang tính răn đe như hồi tháng 5 vừa qua.

Những người thuộc phe đảng Cộng hòa cũng thừa nhận rằng họ cần phải có nhiều hành động mạnh mẽ hơn tại châu Á. Một nguồn tin thân cận với đảng Cộng hòa cho biết ông Trump sẽ tập trung nhiều hơn vào khu vực Đông Nam Á và vấn đề này chỉ còn là thời gian.

Quan hệ Ấn-Việt: Không chỉ là hợp đồng mua bán tên lửa BrahMoscủa Harsh V Pant

Việt Nam ngụ ý đã mua tên lửa Brahmos của Ấn Độ. Mặc dù không đi vào chi tiết cụ thể nhưng người phát ngôn Việt Nam đã nói rằng “Việc mua sắm các trang thiết bị quốc phòng của Việt Nam là phù hợp với chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ, là việc làm bình thường để bảo vệ đất nước”. Dù vậy phía Ấn Độ tuyên bố rằng các báo về thương vụ là “không chính xác”.

Việt Nam đang ngày trở thành trung tâm trong chính sách “Hành động phía Đông của Ấn Độ”. Chuyến thăm của ông Modi tới Việt Nam năm 2016 là chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Ấn Độ tới Việt Nam. Dưới thời Modi, Ấn Độ không giấu diếm mong muốn đóng vai trò quyết đoán hơn nữa trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Bản thân ông Modi cho rằng Ấn Độ có thể là điểm tựa cho hòa bình, thịnh vượng và ổn định từ châu Á tới châu Phi, từ Ấn Độ Dương tới Thái Bình Dương. Do vậy, tham vọng vươn tới Việt Nam không có gì là ngạc nhiên.

Ngoài thương vụ Brahmos, Ấn Độ cũng đang cung cấp gói tín dụng ưu đãi 100 triệu USD mua sắm quốc phòng và thương vụ đầu tiên đã được thực hiện là việc bán bốn tàu tuần tra xa bờ cho Việt Nam. Hoạt động này diễn ra vào thời điểm Mỹ gỡ bỏ lệnh cấn bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Ấn Độ muốn xây dựng các mối quan hệ với các quốc gia như Việt Nam để gây áp lực lên Trung Quốc. Ấn Độ cũng đang hỗ trợ Việt Nam sủa chữa và bảo trì vũ khí. Lực lượng vũ trang hai bên đã bắt đầu hợp tác trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, đào tạo ngoại ngữ cho quân nhân Việt Nam. Có thể thấy Ấn Độ can dự vào Biển Đông thông qua Việt Nam: ký thỏa thuận gia hạn, mở rộng và khai thác dầu khí ở Biển Đông và khẳng định quyết định của mình bất chấp thách thức từ Trung Quốc. Điều này không chỉ thắt chặt quan hệ hữu nghị với Việt Nam mà còn phớt lờ cảnh báo từ Trung Quốc. Hà Nội đang ngày càng trở thành điểm mấu chốt trong hành động hướng đông của Ấn Độ. Đó là lý do tại sao một số ý kiến cho rằng Việt Nam là đối trọng với Trung Quốc giống như Pakistan với Ấn Độ. Nếu Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Nam Á và Ấn Độ Dương thì Ấn Độ cũng làm tương tự ở Đông Á. Nếu Trung Quốc có thể có đối tác chiến lược với Pakistan mà lờ đi quan ngại của Ấn Độ thì Ấn Độ cũng có thể phát triển các mối quan hệ với các quốc gia như Việt Nam.

Khủng hoảng Doklam không thể là biến số quyết định. Quyết định của Ấn Độ sẽ phải dựa trên những ưu tiên an ninh và đối ngoại dài hạn của mình.

 Mối quan hệ chiến lược Việt Nam-Indonesia ngày càng phát triểncủa Veeramalla Anjaiah

Hiện Việt Nam là đối tác chiến lược duy nhất của Indonesia trong khu vực Đông Nam Á. Tại sao chỉ là Việt Nam?

Indonesia coi Việt Nam là một nước quan trọng, đóng vai trò quan trọng mang tầm chiến lược tiềm năng to lớn ở khu vực Đông Nam Á. Trong lịch sử, Việt Nam là nước duy nhất tại Đông Nam Á đã đánh bại các thế lực xâm lược hùng mạnh và ngày nay, đang nổi lên là một điểm đến tiềm năng. Với dân số 95 triệu người, Việt Nam được biết đến là một thị trường mạnh mẽ và là một trong những nền kinh tế có tốc độ lớn mạnh nhất trên thế giới. Trong 10 năm qua, GDP của Việt Nam đã tăng hơn 2 lần và đạt tới ngưỡng kỷ lục 202,61 tỷ USD vào năm 2016 – đánh dấu một bước tiến ngoạn mục so với con số 77,41 tỷ USD của năm 2007. Với kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt mốc 38,44 tỷ USD trong năm ngoái, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu lớn nhất trong khối ASEAN sang thị trường Mỹ, vượt qua tất cả các nước trong khối gồm Indonesia, Singapore, Thái Lan và Malaysia.

Indonesia đang đặt một “niềm tin chiến lược” vào Việt Nam bởi tin tưởng vào vai trò của Việt Nam trong giải quyết một số vấn đề nổi cộm trong khu vực. Mặt khác, Việt Nam cũng đang xem Indonesia là một đối tác quan trọng, có vai trò giữ vững sự thống nhất, trung lập trong khối ASEAN, cũng như duy trì hòa bình và an ninh tại khu vực Đông Nam Á.

Chuyến thăm Indonesia của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (diễn ra từ ngày 22-24/8) là một nỗ lực tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Chuyến thăm lịch sử này không chỉ góp phần mở ra một chương mới trong mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Indonesia, mà còn phản ánh các mối quan hệ chiến lược đang ngày càng lớn mạnh giữa “hai ngôi sao đang lên” trong khối ASEAN.

Cho đến nay, cả hai nước đã ký hơn 30 hiệp định trong nhiều lĩnh vực. Các nhà lãnh đạo và quan chức hai nước thường xuyên gặp gỡ tại hai diễn đàn quan trọng là Uỷ ban Hợp tác về Khoa học và Công nghệ và Uỷ ban Hợp tác Song phương.

Trên bình diện kinh tế, mối quan hệ cạnh tranh đan xen với tương đồng đã thúc đẩy kim ngạch thương mại hai nước tăng gần gấp 4 lần trong thập kỷ qua. Năm 2016, kim ngạch thương mại song phương đã tăng lên mức kỷ lục 6,27 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 1,6 tỷ USD vào năm 2006. Kim ngạch thương mại của Indonesia với Việt Nam trong năm 2016 cao hơn nhiều so với kim ngạch thương mại của Indonesia với các nền kinh tế lớn như Đức (5,79 tỷ USD), Anh (2,48 tỷ USD) và Pháp (2,23 tỷ USD).

Trong lĩnh vực chính trị, cả hai nước chia sẻ nhiều quan điểm chung và hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, ASEAN và các tổ chức quốc tế khác. Cả hai nước đều có lập trường tương đồng về vấn đề Biển Đông, sự đoàn kết của ASEAN và kiến trúc an ninh khu vực.

Chuyến thăm Indonesia của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ góp phần tích cực vào việc làm sâu sắc mối quan hệ song phương và tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Các chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Widodo (dự hội nghị APEC 2017 tới tại Đà Nẵng) sẽ ấn định đường hướng cho các quan hệ chiến lược giữa Việt Nam và Indonesia trong tương lai.

Thách thức lớn nhất của ASEAN là đối phó với Trung Quốc” - bình luận trên trang Nikkei Asian Review

Ở tuổi 50, ASEAN phải đoàn kết để đối phó với trò chơi quyền lực của Trung Quốc.

ASEAN đã có những bước tiến to lớn trong lịch sử 50 năm của mình. Tuy nhiên ASEAN, đánh dấu lễ kỷ niệm 50 thành lập vào 8/8, giờ đây phải đối mặt với một số thách thức mới.

Vai trò lãnh đạo của Mỹ, vốn từ lâu là hòn đã tảng cho trật tự khu vực Châu Á, đã lung lay, trong khi Trung Quốc dần gia tăng ảnh hưởng và nỗ lực thiết lập bá quyền khu vực. Thách thức đối với ASEAN giờ đây là làm thế nào để đối phó với sự dịch chuyển này.

Về vấn đề Biển Đông, ASEAN đã “hạ giọng”. Ngôn từ trong tuyên bố chung ngày 5/8 không còn mạnh mẽ như tuyên bố “quan ngại nghiêm trọng” hồi năm ngoái. Năm nay, các ngoại trưởng ASEAN cùng với ngoại trưởng Trung Quốc đã đạt thỏa thuận về khung COC. Nhưng các bên đã không đạt được thỏa thuận xác về COC mang tính ràng buộc pháp lý.

Việc Trung Quốc dành được lợi thế trong đàm phán một phần có thể do sự suy yếu về vai trò lãnh đạo của Mỹ ở Châu Á.  Trái với chính quyền Obama, chính sách Châu Á của chính quyền Trump vẫn ở thời kỳ sơ khai và không ổn định. Trong khi đó, chính quyền Duterte của Philippines lại thực hiện cách hòa giải với Trung Quốc, từ bỏ lập trường cứng rắn của chính quyền tiền nhiệm Aquino.

Các quốc gia ASEAN khác như Campuchia, Lào, là các nước không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, lại dựa rất lớn vào Trung Quốc về hỗ trợ kinh tế. Khi sử dụng các quốc gia này để gây chia rẽ, Trung Quốc đã kiểm soát ngăn ASEAN có lập trường cứng rắn, đoàn kết đối phó với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Ít nhất về mặt hình thức, hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN năm nay có vẻ như có một số bất hòa so với năm ngoái. Tuy nhiên trên thực tế thì mọi hội nghị khác nhau đều diễn ra như thể Bắc Kinh mang tầm ảnh hưởng quyết định, đó mới là nguyên nhân gây quan ngại. Cần phải theo dõi sát sao tiến trình soạn thảo các điều khoản cho COC.

Ngoài ra, đường hướng chính sách Châu Á của Mỹ dưới thời Donald Trump rõ ràng cũng gây ra mối quan ngại. Các quốc gia thành viên ARF lo ngại về hành vi bá quyền của Trung Quốc, như Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, cần phải liên tục nỗ lực để làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác của mình, đồng thời cần thúc đẩy đoàn kết mạnh mẽ hơn nữa trong ASEAN cũng như một chính sách Châu Á rõ ràng hơn từ phía Mỹ./.