Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc dự kiến xây dựng trạm phát điện nổi ở Biển Đông. Trung Quốc có kế hoạch lập nhà máy phát điện bằng năng lượng sóng để phục vụ mạng lưới radar quân sự trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Các trạm phát điện nổi này sẽ biến chuyển động liên tục của nước biển thành điện và có thể giữ vị trí hoạt động trong những ngày không có gió và cả khi phải đối diện với siêu bão. Theo một nhà nghiên cứu giấu tên, “Radar quân sự là những con thú lúc nào cũng cần ăn, trong khi đó việc vận chuyển nhiên liệu hóa thạch vừa khó khăn và tốn kém.” Khi hoạt động nhằm vào một chiến đấu cơ hay vật thể không xác định từ xa, một hệ thống cảnh báo sớm có thể cần lượng điện tương đương nhu cầu của 1.000 hộ gia đình trung bình ở Mỹ.

Trung Quốc đưa tàu hậu cần lớn ra Biển Đông. Lục quân Trung Quốc hôm 23/11 đã triển khai tàu hậu cần lớn nhất ra Biển Đông để làm nhiệm vụ vận chuyển, tiếp tế vật tư cho các đảo. Tàu hậu cần GY820 dài 90 mét, bề ngang 14,6 mét, độ giãn nước 2.700 tấn. Con tàu có thể chuyên chở các vũ khí hạng nặng và có bãi đáp trực thăng. Việc triển khai tàu hậu cần ra hỗ trợ “cái gọi là thành phố Tam Sa” là động thái mới nhất của Trung Quốc trong một loạt hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông.

Trung Quốc phản đối vụ kiện của Philippines. Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 24/11, Người phát ngôn Hồng Lỗi tuyên bố: “Trong nỗ lực phủ nhận chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển của Trung Quốc ở Biển Đông, Philippines đã đơn phương tiến hành vụ kiện, vi phạm sự đồng thuận song phương với Trung Quốc và cam kết của nước này đối với DOC. Quan điểm của Trung Quốc là hết sức rõ ràng: Trung Quốc không chấp nhận và không tham gia vụ kiện.” Trong cuộc họp báo hôm 25/11, ông Hồng tuyên bố: “Về các vấn đề chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển, Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất kỳ giải pháp mang tính áp đặt hoặc đơn phương sử dụng cơ chế giải quyết của bên thứ ba. Về việc Mỹ - Nhật phối hợp tập trận chung và cùng tăng cường năng lực cho các nước Đông Nam Á, ông Hồng hôm 26/11 tuyên bố: “Trung Quốc thúc giục các nước liên quan đóng góp vào hòa bình và ổn định ở Biển Đông, thay vì phô trương sức mạnh quân sự, làm gia tăng căng thẳng và quân sự hóa ở Biển Đông.”

+ Việt Nam:

Việt Nam cử quan sát viên dự phiên tranh tụng vụ kiện về Biển Đông. Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 26/11, về phản ứng của Việt Nam trước phiên tranh tụng trong vụ kiện của Philippines, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: “Là quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, lập trường nhất quán của Việt Nam là luôn theo đuổi và ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Trên tinh thần đó, Việt Nam đã tiếp tục cử đoàn với tư cách quan sát viên đến dự phiên tranh tụng về nội dung thực chất của vụ kiện trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc diễn ra từ ngày 24 đến 30/11/2015.” Ngày 27/11, về phản ứng của Việt Nam trước thông tin các tàu hải cảnh và tàu quân sự của Trung Quốc vây ép, đe dọa sử dụng vũ lực đối với tàu Hải Đăng 05 của Việt Nam, Người Phát ngôn Lê Hải Bình nêu rõ: “Tôi xin khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết phản đối mọi hành vi sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực đối với các tàu thuyền của Việt Nam. Việc làm đó là vi phạm luật pháp quốc tế, trái với tinh thần và lời văn của DOC, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định ở khu vực và hoàn toàn không thể chấp nhận, biện minh được.

+ Philippines:

Philippines chi mạnh tay tăng cường sức mạnh quân sự. Ngày 28/11, Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Fernando Manalo cho hay Tổng thống nước này Benigno Aquino đã thông qua kế hoạch mua sắm trang thiết bị quân sự trị giá 44 tỷ peso (932,74 triệu USD) nhằm giúp tăng cường sức mạnh biển trong bối cảnh gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. Thông tin trên được ông Manalo đưa ra sau khi Philippines nhận được 2 trong số 12 chiến đấu cơ do Hàn Quốc sản xuất để nâng cao năng lực phòng không. Theo ông Manalo, Tổng thống Aquino cũng đã thông qua hợp đồng mua sắm 2 tàu khu trục nhỏ, 8 tàu đổ bộ tấn công, 3 máy bay trực thăng chống ngầm, 2 máy bay tuần tra tầm xa, 3 radar phòng không, đạn dược cho các máy bay chiến đấu và máy bay hỗ trợ. 

+ Ấn Độ:

Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải ở các vùng biển của châu Á. Phát biểu trong chương trình Singapore Lecture lần thứ 37 do Viện ISEAN-Yosuf Ishak tổ chức hôm 23/11, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã phác họa những nét chính về chính sách Hành động Hướng Đông của nước này. Thủ tướng Modi tuyên bố Ấn Độ sẽ hợp tác với các nước trong và ngoài khu vực, như Mỹ và Nga, để đảm bảo rằng các khu vực chung như biển, vũ trụ, không gian mạng sẽ vẫn là những khu vực cùng phát triển, chứ không trở thành đấu trường tranh chấp. Ấn Độ sẽ góp sức để duy trì các vùng biển mở và an toàn vì lợi ích của tất cả các nước.

+ Mỹ:

Đại sứ Mỹ kêu gọi Thái Lan tham gia giải quyết vấn đề Biển Đông. Ngày 23/11, trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwon, Đại sứ Mỹ tại Thái Lan ông Glyn Davies cho rằng Thái Lan nên góp tiếng nói kêu gọi Trung Quốc giải quyết các tranh chấp biển một cách hòa bình do vị thế trung lập, không có liên quan tranh chấp của Thái Lan. Phát biểu với các phóng viên sau cuộc gặp này, ông Davies cũng cho biết cũng đã thảo luận với Tướng Prawit về vấn đề buôn người và hợp tác chống khủng bố.

Mỹ tăng cường viện trợ quân sự cho Philippines. Phát biểu trên kênh truyền hình ANC ngày 25/11, Đại sứ Mỹ tại Philippines ông Philip Goldberg cho hay, “Chúng tôi đã tăng khoản viện trợ quân sự nước ngoài cho Philippines, có thể vào khoảng 79 triệu USD trong năm nay. Nguồn viện trợ tăng và những gì đang được đề xuất là một sáng kiến an ninh biển trong khu vực.” Kể từ năm 2002, Mỹ đã cung cấp cho Philippines gần 500 triệu USD thông qua viện trợ quân sự cùng nhiều thiết bị quân sự.

Mỹ sẽ triển khai chiến hạm đến Biển Đông. Siêu hạm tuần duyên USS Milwaukee  vừa được biên chế cho hải quân Mỹ sẽ được triển khai ở Biển Đông trong thời gian tới. Quan chức quản lý chương trình các chiến hạm tuần duyên ven biển của Mỹ - chuẩn đô đốc Brian Antonio cho biết: “Giống như tàu USS Fort Worth, chiến hạm tuần duyên USS Milwaukee là đại diện tốt nhất cho đất nước và hải quân Mỹ.” Những chiến hạm tuần duyên ven biển có thể hoạt động ở gần bờ biển được lắp đặt các thiết bị dò tìm bom mìn dưới nước cũng như chiến đấu với các tàu khác, kể cả tàu ngầm.

+ Nhật Bản:

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản ủng hộ Mỹ tuần tra ở Biển Đông. Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp với Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris ở Hawaii ngày 24/11, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cho hay quân đội Mỹ đang đi đầu trong những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm bảo vệ các vùng biển mở, tự do và hòa bình trong khu vực, “Cộng đồng quốc tế sẽ không cho phép việc đơn phương thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực. Nước Mỹ cũng như vậy và chúng tôi ủng hộ Mỹ.” Theo ông Nakatani, “Nhật Bản sẽ tích cực tham gia vào các hoạt động duy trì ổn định khu vực, bao gồm xây dựng năng lực cho các quốc gia xung quanh Biển Đông và tiến hành các cuộc diễn tập chung giữa quân đội Mỹ và lực lượng phòng vệ Nhật Bản.”

Quan hệ các nước

Khai mạc hội thảo quốc tế về Biển Đông. Ngày 23/11 tại Vũng Tàu, Hội thảo quốc tế lần thứ 7 về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ Nghiên cứu Biển Đông (FESS), và Hội luật gia Việt Nam (VLA) tổ chức đã khai mạc. Hơn 200 đại biểu, trong đó có gần 70 học giả quốc tế, 70 học giả và đại biểu Việt Nam, cùng hơn 30 đại diện của 19 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam và hơn 30 phóng viên thuộc 17 hãng tin trong và ngoài nước tham dự hội thảo. Hơn 30 tham luận sẽ được các đại biểu trình bày trong hai ngày hội thảo gồm 6 phiên: tình hình thế giới và những tác động đến vấn đề Biển Đông; những diễn biến gần đây trên Biển Đông; quan hệ nước lớn ở Biển Đông; luật pháp quốc tế; triển vọng tương lai; và tình huống giả định: giải quyết, phân định, và hợp tác ở Biển Đông. Hội thảo cũng lần đầu tiên tổ chức Chương trình Các nhà lãnh đạo trẻ tập hợp 9 nhà nghiên cứu trẻ và nghiên cứu sinh tiến sỹ từ 7 quốc gia với mục tiêu xây dựng mạng lưới các nhà nghiên cứu trẻ về Biển Đông và thảo luận về các ý tưởng và sáng kiến hợp tác mới vì hòa bình và phát triển ở Biển Đông.

PCA bắt đầu điều trần vụ kiện của Philippines. Ngày 24/11, Tòa án Trọng tài Thường trực Liên hợp quốc (PCA) ở La-Hay đã bắt đầu phiên điều trần vụ kiện của Philippines Biển Đông. Dự kiến, phiên điều trần này sẽ kéo dài từ ngày 24-30/11 và PCA sẽ ra phán quyết vào năm 2016.  

Triển lãm ảnh hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngày 29/11, triển lãm ảnh về hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông đã diễn ra tại khuôn viên Trường Đại học Kyunghee ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Đây là sự kiện do Hội Hậu duệ dòng họ Lý Hoa Sơn tại Hàn Quốc tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc lần thứ 11. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hôi Hậu duệ dòng họ Lý Hoa Sơn nhấn mạnh, qua triển lãm ảnh lần này, Ban Tổ chức muốn giới thiệu rõ hơn về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, về những hành động của Trung Quốc gây ảnh hưởng tới môi trường biển trong thời gian gần đây, qua đó mang đến cho người xem cái nhìn trực quan về hiện trạng những gì đã và đang diễn ra trên Biển Đông.

Phân tích và đánh giá

“Hội thảo Quốc tế về Biển Đông - Một tiến trình xây dựng lòng tin mới?” của Bill Hayton

Hội thảo Quốc tế về Biển Đông ở Việt Nam vào hôm thứ Tư có thể đánh dấu bước khởi đầu cho một tiến trình xây dựng lòng tin mới ở Biển Đông. Sự kiện diễn ra ở thành phố Vũng Tàu  do Học viện Ngoại giao, một cơ quan nghiên cứu, tổ chức. Hội thảo được tổ chức thường niên với sự tham gia của các quan chức chính phủ, các học giả và các nhà quan sát từ Malaysia, Indonesia, Đài Loan, Việt Nam, Brunei, Indonesia và Đài Loan và Trung Quốc.

Tại Hội thảo, các đại biểu thảo luận về các bước đi thực tế hướng tới triển khai các sáng kiến đã được nhất trí trong Tuyên bố Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và ASEAN. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng dành thời gian thảo luận về tự do hàng hải, bảo vệ môi trường, hợp tác chung và liên kết biển. Phiên cuối cùng tập trung thảo luận về “các giàn xếp mang tính thể chế tham vấn/ đàm phán và thực thi các hoạt động mang tính hợp tác”.

Việt Nam có sự hiện diện của các quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao, ngư nghiệp, quốc phòng cùng các quan chức hải quân và cảnh sát biển. Các đại biểu của Việt Nam bày tỏ nỗ lực nghiêm túc để tạo ra và thể chế hoá các tiến trình xây dựng lòng tin thực tế ở Biển Đông. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra liệu các bên yêu sách khác có muốn làm điều tương tự.

Mặc dù bên lề cuộc Hội thảo, các đại biểu cho rằng, Việt Nam và Philippines đã có những hoạt động hợp tác trên thực tế. Các cuộc thi đấu giao lưu thể thao giữa các đơn vị đồn trú ngoài đảo hai nước là biểu tượng dễ nhận thấy nhất cho tiến trình hợp tác giữa hai bên,  nổi bật là chuyến thăm của hải quân Việt Nam tới Philippines và việc ký kết đối tác chiến lược giữa hai quốc gia.

Tuy nhiên, vẫn không rõ rằng liệu Trung Quốc có sẵn sàng tham gia vào bất cứ tiến trình xây dựng lòng tin nào đã được thảo luận tại Vũng Tàu này không bởi các quy chế này quá “mang tính đa phương”, trái với mong muốn đàm phán song phương của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tính đến khả năng rằng, các cơ chế đa phương sẽ hình thành thêm tính đại diện cho Đài Loan với tư cách là một  bên tranh chấp ở Biển Đông.

Hơn nữa, liệu các quốc gia ASEAN như Brunei, Malaysia, Indonesia (các quốc gia có EEZ chồng lấn với đường chữ U của Trung Quốc) có chuẩn bị những nỗ lực và nguồn lực cần thiết nhằm tạo nên một tiến trình thực tiễn khả thi hay không.

Nhưng có lẽ cuộc họp này đã cho thấy rằng, nhóm nhỏ các quốc gia hợp tác cùng nhau có thể tăng cường hợp tác thực tiễn dễ dàng hơn nhiều so với những cố gắng của ASEAN về một hành động tập thể.

“Cách tiếp cận tranh chấp biển của Ấn Độ: Những bài học cho Trung Quốc ở Biển Đông” của Mercedes Page

Trong khi đợi xem điều gì sẽ diễn ra trên Biển Đông, hãy xem cách tiếp cận của Ấn Độ đối với tranh chấp biển cùng các quốc gia láng giềng nhỏ hơn như thế nào, và bài học Trung Quốc cần rút ra từ giải pháp của Ấn Độ là gì.

Vào tháng 7/2014, Toà Trọng tài đã ra phán quyết cuối cùng về tranh chấp phân định kéo dài suốt 40 năm qua giữa Ấn Độ và Bangladesh ở Vịnh Bengal. Tranh chấp này bắt đầu từ đầu những năm 1970 khi một hòn đảo (tiếng Ấn Độ là New Moorevà tiếng Bangladehs là Nam Talpatti)  nhô lên ở cửa sông Hariabhanga, chia tách Ấn Độ và Bangladesh tại vịnh Bengal. Cả hai cùng yêu sách hòn đảo dẫn tới những căng thẳng liên miên về biên giới biển và quyền mở rộng EEZ và thềm lục địa giữa hai nước . Sau 8 vòng đàm phán thất bại, năm 2009, Bangladesh đã khởi động vụ kiện trọng tài đối với Ấn Độ theo UNCLOS.

Yêu sách của hai nước dựa trên những giải thích khác biệt về luật biển quốc tế. Và giải thích của Toà về nguyên tắc công bằng có lợi cho Bangladesh đã ảnh hưởng lớn đến mối quan hệ của hai nước. Tuy nhiên, cuối cùng Ấn Độ đã tuân thủ phán quyết ràng buộc xuất phát từ lợi ích của cả hai bên, mở ra giai đoạn hợp tác mới và hiểu biết chung. Bangladesh ngợi khen thiện chí của Ấn Độ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình và luật quốc tế, cũng như thái độ tôn trọng phán quyết của trọng tài của Ấn Độ. Kết quả là, Ấn Độ và Bangladesh đã có thể giải quyết được các tranh chấp khác về biên giới, lãnh thổ vốn đang tồn tại từ lâu giữa hai nước.

Đối với Biển Đông, Trung Quốc liên tục nhấn mạnh họ muốn giải quyết hoà bình tranh chấp. Như vậy có lẽ họ nên áp dụng một vài bài học có giá trị ở Biển Đông từ Ấn Độ:

Một là, giống như trường hợp giữa Trung Quốc và Philipines, Ấn Độ là quốc gia lớn hơn Bangladesh. Ngay trong thời gian diễn ra vụ kiện, Ấn Độ đã được ngợi khen sâu sắc bởi không “bắt nạt” quốc gia láng giềng nhỏ bé hơn nhiều, thậm chí họ tuyên bố rằng Ấn Độ có thể là quốc gia lớn hơn, nhưng họ vẫn là một chủ thể của luật pháp quốc tế và họ cần tuân thủ các quy tắc của luật pháp. Bởi vậy, nếu Trung Quốc muốn giành được tình cảm và tìm kiếm sự ảnh hưởng ở khu vực, thì họ nên học theo Ấn Độ bằng cách tham gia vào tiến trình của vụ kiện. Từ chối tham gia, Trung Quốc sẽ làm xói mòn UNCLOS và toàn bộ hệ thống pháp luật quốc tế,  gây nên mối quan ngại cho các quốc gia láng giềng.

Hai là, Trung Quốc nên tuân thủ mọi phán quyết của Toà PCA đưa ra. Bất chấp sức mạnh kinh tế và quân sự, nếu Trung Quốc tảng lờ các phán quyết của Toà, danh tiếng và vị thế của Trung Quốc sẽ bị phá huỷ.

Nếu mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là mối quan hệ gắn bó hơn với các quốc gia láng giềng và hoà bình ở khu vực, Trung Quốc  cần học tập các bước đi của Ấn Độ. Dù đây không phải là điều dễ dàng đối với Trung Quốc nhưng Trung Quốc cần đánh giá xem liệu những gì có được trong ngắn hạn ở Biển Đông có thực sự phục vụ cho mục tiêu chiến lược lâu dài.

“Trung Quốc và Tái cân bằng Trật tự Thế giới: Góc nhìn từ Đông Nam Á” của Yang Razali Kassim

Cuộc gặp gỡ song phương giữa hai cựu thù chính trị, Trung Quốc và Đài Loan mang một thông điệp rất lớn: tầm nhìn của Chủ tịch Tập Cận Bình về sự trỗi dậy một người khổng lồ châu Á và nó đang được thể hiện trong thế giới hiện đại, thậm chí có ảnh hưởng đến sự hình thành trật tự toàn cầu. Điều này sẽ bắt đầu với sân sau của Trung Quốc: Châu Á- Thái Bình Dương, bao gồm cả Đông Nam Á.

Chiến lược đa gọng kìm

Đông Nam Á đang chứng kiến  một Trung Quốc với tư thế mới, cứng  rắn hớn, triển khai chiến lược 3 gọng kìm: ngoại giao, phát triển sức mạnh kinh tế và phô trương sức mạnh quân sự. Tất cả các thiết chế toàn cầu lớn đều đang được khai thác, từ Liên Hợp Quốc tới các diễn đàn khu vực, thậm chí các sáng kiến mới như Diễn đàn Hương Sơn tới Đối thoại Sangrila.

Chiến lược mới nhất của Trung Quốc dường như có 2 mục tiêu: (i)- ngăn chặn cái mà Trung Quốc gọi là chiến lược bao vây của Mỹ; (ii)- mở rộng không gian kinh tế, ngoại giao và chính trị thông qua sáng kiến một Vành Đai - một Con Đường (OBOR). Ở cấp độ chiến lược toàn cầu, OBOR là một phần trong chiến lược đối phó của Trung Quốc đối với chiến lược tái cân bằng của Mỹ.

Hoạt động ngoại giao của ông Tập tại Hội nghị APEC nhằm tái trật tự lại hệ thống kinh tế và thương mại toàn cầu. Vấn đề ở đây là cuộc đấu giữa TPP do Mỹ đứng đầu và hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Trung Quốc khởi xướng.

Điểm nóng, Trật tự thế giới mới kiểu Trung Quốc hay “chiến tranh thế giới thứ 3”

Các dấu hiệu mới nhất của mồi lửa Biển Đông  là các hoạt động tự do hàng hải và hàng không của Mỹ trên vùng biển khu vực mà Trung Quốc tuyên bố nhưng Mỹ và cộng đồng quốc tế không công nhận vì cho rằng trái với luật pháp quốc tế. Nhiều học giả đã không loại trừ một cuộc đụng độ bất ngờ giữa hai nước sẽ dẫn đến chiến tranh thế giới thứ 3 hay một sự thay đổi địa chiến lược hướng tới một khu vực mới, trật tự trong khu vực Đông Á, trật tự thế giới kiểu Trung Quốc.

Những nỗ lực của Trung Quốc để tái định hình lại khu vực và tiến tới là trật tự thế giới đang diễn ra trên nhiều mặt trận: ngoại giao và kinh tế thông qua các mô hình hợp tác như BRICS, OBOR, AIIB, và đẩy mạnh đầu tư toàn cầu. Tuy nhiên, trái với những nỗ lực đó, ở Biển Đông, Trung Quốc lại đang phải đối mặt với một hình ảnh hiếu chiến với các quốc gia khu vực. Các quốc gia vẫn chưa nắm bắt được đầy đủ về động cơ thực sự của Trung Quốc khi thúc đẩy và làm sống lại con đường tơ lụa ở Đông Nam Á – rằng đây là sự hợp tác thực sự để cùng có lợi, hay là để làm suy yếu các mối quan hệ đã thiết lập trong khu vực? ASEAN sẽ phải đối mặt với thách thức về việc làm thế nào để duy trì kết nối giữa các nước để quá trình thay đổi về trật tự khu vực sẽ không ảnh hưởng đến khối.

Vì sao Mỹ vẫn chưa thực sự sẵn sàng ở Biển Đông?” của Tetsuro Kosaka

Các quốc gia khu vực đều mong muốn Mỹ duy trì sự hiện diện ở Biển Đông và sử dụng năng lực quân sự để đối phó với tham vọng về yêu sách lãnh thổ quá mức của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên Mỹ lại đang rơi vào thế lưỡng nan. Tuy mong muốn dập tắt tham vọng đơn phương thay đổi trật thế giới của Trung Quốc nhưng Mỹ hiện vẫn lưỡng lự thực hiện một cuộc xung đột toàn diện với Trung Quốc. Có ba lý do giải thích cho điều này:

Thứ nhất, quân đội Mỹ đang bị kéo căng bởi cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Trung Đông, mặt trận chống khủng bố ở Mỹ và trên thới giới, thêm vào đó là cuộc khủng hoảng chưa có hồi kết với Nga trong vấn đề Ukraine;

Thứ hai, binh lính Mỹ đang mệt mỏi và tinh thần suy giảm. Đây là hậu quả của các chiến trường Afghanistan và Iraq để lại. Đây cũng là một trong những lý do khiến Tổng thống Obama không muốn gửi quân đến Syria;

Thứ ba, ngân sách quốc phòng Mỹ đang bị vắt kiệt.

Sẽ phải mất đến 10 năm để quân đội Mỹ lấy lại đủ sức mạnh, trong khi đó quân đội Trung Quốc đang trong tư thế sẵn sàng. Sau 10 đến 20 năm nữa, Mỹ có thể lật thế cân bằng trên Biển Đông với các khí tài tân tiến và hiện đại. Nhưng ở thời điểm đó Trung Quốc cũng có đủ thời gian tận dụng các đảo trên Biển Đông để thiết lập thành trì và đủ sức tiến hành các trận chiến quy mô nhỏ trước khi quân đội lấy lại sức mạnh.

Ông John McCain: Tôi không hài lòng với hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông” đăng trên The Asahi Shimbun

Tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản đã đăng tải bài trả lời phỏng vấn của Chủ tịch Uỷ ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain về chính sách quốc phòng của chính quyền Obama. Nổi lên một số nội dung đáng chú ý sau:

Về  hoạt động từ do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông (FONOP), ông cho rằng mình không hài lòng về FONOP gần đây của hải quân Mỹ do chính quyền đã không tiến hành thường xuyên. Hoạt động này cần được coi như một sự kiện bình thường và được tiến hành định kỳ. Các quốc gia liên quan khác cũng cần tham gia cùng Mỹ trong việc thực thi quyền tự do hàng hải. Trung Quốc sẽ không thể ngăn chặn sự đoàn kết này.

Nguyên nhân Bộ Quốc phòng không công khai thông tin chi tiết về cuộc tuần tra gần đây là do tránh ảnh hưởng đến những thoả thuận Mỹ - Trung trong lĩnh vực biến đổi khí hậu. Thực sự sẽ là một điều xúc phạm khi tưởng tưởng ra viễn cảnh Mỹ không thể đảm bảo những ưu tiên đặc biệt quan trọng về luât quốc tế.

Về các vấn đề an ninh mạng, sự phát triển về quân sự của Trung Quốc, đặc biệt là ở Biển Đông, ông McCain cho rằng, chính quyền Mỹ thực tế không hề có một chính sách cụ thể nào để đối phó với sự lớn mạnh của Trung Quốc, các hành động của Trung Quốc liên quan đến an ninh mạng và Biển Đông. Và ông cho rằng, một chiến lược đối với Trung Quốc cần có: một mặt, khẳng định Mỹ mong muốn một mối quan hệ hợp tác, thân thiện với Trung Quốc, nhưng mặt khác, cần thực sự hướng về Châu Á thông qua việc tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực, nâng cao năng lực, đặc biệt trong lĩnh vực hàng hải cho các quốc gia như Việt Nam, Philippines và Indonesia, hợp tác với ASEAN để đảm bảo tính đoàn kết trong khối này trong các công việc liên quan đến Trung Quốc.

Về khẳ năng Mỹ có thể duy trì vị thế đứng đầu trong khu vực hay viễn cảnh phải thỏa hiệp với Trung Quốc, ông McCain cho rằng, Mỹ sẽ không thỏa hiệp với Trung Quốc. Từ lâu Mỹ vẫn duy trì vị thế này trong khu vực. Và hiện tại Mỹ có những mối quan hệ đồng minh và đối tác gần gũi với các quốc gia khu vực, đặc biệt là các quốc gia biển như Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Việt Nam. Đó chính là cách thức thể hiện sức mạnh về sự hợp tác. Trung Quốc cần phải hiểu rằng, vì lợi ích của chính mình, họ cần phải hành xử theo cách thức hòa bình, họ không thể “tỉa” từng người như đã làm và thành công trong quá khứ./.