Bản PDF tại đây

 

Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc phản ứng trước chỉ trích của Mỹ về hoạt động cải tạo đất ở Trường Sa. Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 24/11, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố: “Các bên không liên quan không có quyền đưa ra những bình luận vô trách nhiệm về các hoạt động của Trung Quốc. Hoạt động xây dựng mà Trung Quốc thực hiện trên các đảo này chủ yếu để cải thiện điều kiện sống cho các nhân viên tại đó, đồng thời giúp thực hiện tốt hơn trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế trong hoạt động tìm kiếm, cứu hộ.” Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 22/11 kêu gọi Trung Quốc “dừng chương trình cải tạo đất và tham gia vào những sáng kiến ngoại giao để thúc đẩy các bên kiềm chế không tiến hành những hoạt động kiểu như vậy.”

Trung Quốc bao biện hoạt động xây dựng đảo ở Trường Sa. Tại cuộc họp báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 27/11, trả lời câu hỏi về hoạt động xây dựng của nước này trên Đá Chữ Thập, người phát ngôn Cảnh Nhạn Sinh cho biết: “Việc Trung Quốc tiến hành bảo dưỡng công trình và thiết bị trên các đảo, đá ở Biển Đông là chính đáng. Đã có một số bên phản đối nhưng tôi muốn khẳng định rằng các nước khác không có quyền chỉ trích hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên các đảo, đá thuộc chủ quyền của Trung Quốc.” Về khả năng thiết lập cái gọi là “Vùng Nhận dạng Phòng không” ở Biển Đông, Cảnh Nhạn Sinh cho biết: “Việc này phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, như mối đe dọa mà các quốc gia phải đối mặt cũng như tổng thể môi trường an ninh. Trung Quốc tin tưởng vào mối quan hệ với các nước xung quanh Biển Đông, cũng như tình hình tổng thể là ổn định ở Biển Đông.”

Trung Quốc triển khai tàu hộ vệ tên lửa mới ra Biển Đông. Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc hôm 28/11 được bàn giao một tàu hộ vệ tên lửa mới nhằm tăng cường hoạt động trên Biển Đông. Tàu Triều Châu, số hiệu 595, do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo, dài 88,9 m, rộng 11,14 m với lượng giãn nước 1,300 tấn. Tàu hộ vệ này có thể độc lập tác chiến hoặc hiệp đồng chiến đấu với tàu mặt nước khác, đồng thời đảm nhận các nhiệm vụ như tuần tra, hộ tống tàu thuyền, chống ngầm, cứu hộ cứu nạn.

Chủ tịch Trung Quốc khẳng định giải quyết hòa bình các tranh chấp. Phát biểu tại một kỳ họp của đảng Cộng sản Trung Quốc về vấn đề đối ngoại trong hai ngày 28-29/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Chúng ta cần tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận cởi mở, đôi bên cùng có lợi trong mọi khía cạnh quan hệ quốc tế ở các lĩnh vực văn hóa, an ninh, kinh tế, chính trị. Chúng ta cần bảo vệ sự công bằng và theo đuổi các lợi ích chung, giải quyết hòa bình tranh chấp và bất đồng giữa các quốc gia thông qua đối thoại và tham vấn, đồng thời phản đối việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Trung Quốc cần tăng cường quyền lực mềm, giới thiệu một hình ảnh đẹp và truyền tải tốt hơn thông điệp ra thế giới bên ngoài.” Tuy nhiên ông Tập cũng khẳng định, “Chúng ta sẽ giữ vững chủ quyền lãnh thổ, quyền lợi biển và giải quyết thỏa đáng các tranh chấp biển.” 

+ Việt Nam:

Tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc tấn công. Chiều 27/11, hai tàu cá QNg 90226 và QNg 95159 của ngư dân xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi đã về Trạm biên phòng Tịnh Kỳ trình báo việc bị tàu Trung Quốc tấn công. Theo ông Đỗ Thành (chủ tàu QNg 90226), khoảng 12g ngày 26/11 trong lúc đang thả lưới ở gần đảo Đá Lồi (thuộc Quần đảo Hoàng Sa) thì phát hiện tàu Trung Quốc màu trắng số hiệu 46102 tiến đến áp sát phá lưới. Một giờ sau, thêm hai tàu Trung Quốc nữa áp đến, chạy với tốc độ cao kèm cặp. Sau khi phun vòi rồng, một tàu Trung Quốc bất ngờ tăng tốc đâm vào mạn trái tàu khiến tàu của ông bị hư hỏng nặng. Tương tự, tàu QNg 95159 của ông Phạm Y cũng bị các tàu Trung Quốc phun vòi rồng làm bể kính cabin, 50 tấm lưới bị hất văng xuống biển khi đang đánh bắt tại đảo Đá Lồi. Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, từ đầu năm đến nay đã có 7 tàu cá với 72 ngư dân địa phương bị nước ngoài bắt giữ.

+ Philippines:

Philippines phạt ngư dân Trung Quốc về tội bắt trộm rùa biển. Tòa án của Philippines đã kết án 9 ngư dân Trung Quốc vì tội đánh bắt trái phép hàng trăm cá thể rùa biển quý hiếm ở Bãi Trăng Khuyết với khoản tiền phạt gần 103.000 USD/người, song không tuyên án tù. Các ngư dân này bị bắt hồi tháng 5 khi thuyền của họ có 555 cá thể rùa biển. Hiện vẫn chưa rõ các ngư dân Trung Quốc sẽ phải trả tiền phạt như thế nào, nhưng nếu không trả, họ sẽ phải chịu hình phạt 6 tháng tù. Về phia Trung Quốc, tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 25/11, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh đã yêu cầu Philippines phóng thích ngư dân và tàu cá của nước này vô điều kiện.

+ Indonesia:

Indonesia cân nhắc xử lý mạnh tay các tàu xâm phạm vùng biển nước này. Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 25/11, Bộ trưởng phụ trách Chính trị, Pháp lý và An ninh của Indonesia ông Tedjo Edhy Purdijatno cho biết, Jakarta đang xem xét khả năng triển khai tên lửa trên tàu nhằm chống lại các tàu đánh cá nước ngoài xâm phạm vào vùng biển nước này. Tuyên bố trên được đưa trong bối cảnh Indonesia vừa bắt giữ 10 tàu cá nước ngoài xâm nhập vùng biển nước này ở khu vực quần đảo Natuna, phía Nam Biển Đông ngày 19/11. Trước đó, một quan chức Indonesia tiết lộ, nước này thiệt hại kinh tế khoảng 25 tỷ USD mỗi năm do hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp của tàu thuyền nước ngoài.

+ Mỹ:

Mỹ kêu gọi minh bạch hoá các hoạt động ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Trong cuộc họp báo hôm 25/11, Giám đốc Văn phòng báo chí, Bộ Ngoại giao Mỹ ông Jeff Rathke cho biết, “Điều 5 của DOC mà Trung Quốc và các nước ASEAN đã ký kết quy định rằng các bên liên quan cần kiềm chế, không tiến hành các hoạt động làm phức tạp hoặc gia tăng tranh chấp, ảnh hưởng tới hoà bình và ổn định. Những hoạt động xây dựng quy mô lớn hoặc động thái lớn nhằm quân sự hoá hay mở rộng các hoạt động chấp pháp tại các khu vực chiếm giữ, chẳng hạn như mở rộng quy mô các thực thể thông qua việc cải tạo đất sẽ làm phức tạp tình hình và leo thang căng thẳng. Một tuyên bố từ các bên liên quan rằng họ sẽ tránh thực hiện một số hành động trong quá trình đàm phán bộ quy tắc ứng xử, sẽ tạo môi trường thuận lợi và tích cực, đồng thời giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố nguy hiểm”. Theo ông Jeff Rathke, “Mỹ có lợi ích căn bản đối với tự do hàng hải và các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực được giải quyết hòa bình theo luật pháp quốc tế.”

Quan hệ các nước

Nhật Bản tiến hành tập trận quân sự chung với Mỹ và Úc. Dự kiến Nhật Bản sẽ điều động khoảng 30 sỹ quan và binh sỹ tham gia cuộc tập trận Talisman Sabre ở tiểu bang Queensland của Úc. Cuộc tập trận sẽ tập trung vào hoạt động tấn công đổ bộ vào mục tiêu giả định là “các bãi biển của đối phương nhằm giành lại một đảo bị một cường quốc nước ngoài chiếm giữ” với sự tham gia của khoảng 30.000 binh sỹ cùng nhiều tàu chiến, máy bay trực thăng và chiến đấu cơ. Trong khi Bộ Quốc phòng Úc từ chối xác nhận thông tin trên thì phía quân đội Mỹ khẳng định rằng Úc và Mỹ đã mời Nhật Bản tham dự tập trận Talisman Sabre.

Tàu Hải quân Việt Nam thăm Philippines. Ngày 25/11, 2 tàu Hải quân Việt Nam đã lần đầu tiên cập cảng Philippines, bắt đầu chuyến thăm chính thức 3 ngày. Thiếu tá Hải quân Philippines Marineth Domingo cho biết: “Tàu Việt Nam cập cảng Philippines là dấu hiệu tích cực và tốt đẹp nhằm tăng cường quan hệ giữa Hải quân hai nước”. Trước đó, tháng 3/2014, Hải quân Việt Nam và Philippines đã tổ chức gặp mặt nhằm tăng cường trao đổi về hoạt động tình báo và công nghệ biển.

Hội thảo về Biển Đông qua cuốn sách của nhà báo Bill Hayton. Chiều 25/11, tại Brussels, Viện châu Âu nghiên cứu về Châu Á đã tổ chức hội thảo quốc tế giới thiệu cuốn sách về Biển Đông của nhà báo Bill Hayton. Gần 100 đại biểu bao gồm học giả các nước Mỹ, Nhật Bản, Úc, Pháp, các quan chức EU, các nhà ngoại giao tại Bỉ... đã tham dự. Với tiêu đề “Biển Đông: Cuộc đấu tranh quyền lực ở châu Á”, tác giả Bill Hayton nhấn mạnh Biển Đông là nơi Trung Quốc thể hiện tham vọng sở hữu của mình. Ông cũng nhận định sự bất ổn trên Biển Đông phát sinh do vị trí ở trung tâm của tuyến đường biển bận rộn thứ hai trên thế giới nối kết Đông Á với Trung Đông lẫn địa thế phức tạp của nó. Thảo luận tại hội thảo, đa số đại biểu đều cho rằng Biển Đông có tầm quan trọng toàn cầu. Các tranh chấp, căng thẳng ở các vùng biển tại khu vực này nếu không xử lý tốt có thể dẫn đến đụng độ, ảnh hưởng đến tự do hàng hải, lưu thông hàng hóa, môi trường đầu tư, thương mại của khu vực, và tác động đến nền kinh tế thế giới. 

Phân tích và đánh giá

“Hiệp ước thân thiện của Trung Quốc: Chiêu bài đánh lạc hướng?” của David Gitter. Trước việc Trung Quốc một lần nữa hứa hẹn về khoản vay trị giá hàng tỷ USD và thúc đẩy hiệp ước “Láng giềng Thân thiện và Hợp tác Hữu nghị”, các quốc gia Đông Nam Á cần cân nhắc mục tiêu thật sự của Bắc Kinh trước khi đặt bút ký. Nhìn chung, Trung Quốc luôn coi ASEAN là một đối tác tiềm năng kể từ khi hai bên bắt đầu mối quan hệ vào năm 1991. Chính là bởi “cách thức ASEAN” với đặc điểm linh hoạt và không ràng buộc, luôn cởi mở trước những đề nghị giúp đỡ đôi bên cùng có lợi của Trung Quốc, mà đằng sau đó là mục tiêu hiện thực hóa những tham vọng lãnh thổ của nước này tại Biển Đông. Với thực tế Bắc Kinh luôn tìm cách khai thác những đặc điểm này để phục vụ mục tiêu bành trướng của mình, ASEAN cần xem xét nghiêm túc liệu có nên ký vào một văn bản mập mờ khác nữa hay không, khi mà ảnh hưởng ngoại giao của họ có thể sẽ được sử dụng tốt hơn vào những khuôn khổ thay thế khác. Cụ thể, nếu thông điệp về sự thịnh vượng và phát triển của Bắc Kinh là cây củ cà rốt trong quan hệ Trung Quốc - ASEAN, thì sự cô lập về kinh tế sẽ là cây gậy. Trung Quốc luôn cho rằng Biển Đông không phải là vấn đề giữa ASEAN và Trung Quốc. Thời điểm căng thẳng nhất trong quan hệ giữa Philippines với Trung Quốc, hoa quả từ Philippines đã bị cấm nhập khẩu vào Trung Quốc và nước này cũng ban hành một lệnh cấm người dân Trung Quốc du lịch tới Philippines. Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng phớt lờ Philippines trong chuyến công du Đông Nam Á vào mùa thu 2013. Trong chuyến đi này, hai nhà lãnh đạo của Trung Quốc đã ký kết những hợp đồng béo bở và đặt những mục tiêu thương mại đầy tham vọng với mỗi quốc gia ghé thăm. Tương tự như vậy, bản đồ Con đường Tơ lụa gần đây của Trung Quốc cho thấy tuyến đường này đã bỏ qua Philippines trong lộ trình đi qua khu vực Đông Nam Á và chạy dài tới Venice. Giờ đây, ngay cả khi ông Lý thúc đẩy hiệp ước “Láng giềng Thân thiện và Hợp tác Hữu nghị”, Trung Quốc vẫn tiếp tục hoạt động cải tạo đất tại Biển Đông và đang xây dựng một đảo nhân tạo đủ lớn bao gồm một đường băng. Việc Bắc Kinh tìm cách lợi dụng “cách thức ASEAN” và chính sách ngoại giao cùng có lợi để đạt được mục tiêu lãnh thổ của mình, các quốc gia ASEAN cần cân nhắc kĩ lưỡng trước khi ký vào hiệp ước thân thiện và hợp tác của Trung Quốc. Họ cần phải nhớ lại rằng TAC, DOC, và tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về DOC tại Biển Đông đều không ngăn cản hành động của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp; không có lý do gì để tin rằng hiệp ước thân thiện mới này sẽ khiến Bắc Kinh kiềm chế. Thay vào đó, ASEAN nên xem xét nghiêm túc Sáng kiến Hòa bình Biển Hoa Đông của Đài Loan, đây là sáng kiến được Đảng Cộng hòa Mỹ (đang nắm quyền kiểm soát cả hai viện của Quốc hội Mỹ) ủng hộ mạnh mẽ thông qua một  Nghị quyết Ủng hộ Sáng kiến Hòa Bình của Đài Loan tại Biển Đông. Nếu một ASEAN thống nhất có thể nhận được sự ủng hộ lớn hơn từ Mỹ nhằm bảo vệ khối trước sức ép của Trung Quốc, thì sáng kiến này có thể là một cơ chế ngoại giao thích hợp để ASEAN và Đài Loan cùng hợp tác trước sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông.

“Một năm sau ADIZ tại Biển Hoa Đông: Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo?” của Ankit Panda. Đã một năm kể từ khi Trung Quốc đơn phương áp đặt vùng nhận dạng phòng không (Air defense identification zone – ADIZ) trên một khu vực rộng lớn thuộc Biển Hoa Đông. Những câu hỏi như tại sao Trung Quốc lựa chọn cách thiết lập ADIZ và điều này sẽ đưa an ninh ở Châu Á - Thái Bình Dương, cũng như quan hệ Trung - Nhật tới đâu, đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Mặt khác, nhiều nghi vấn mới lại hình thành. Trong đó câu hỏi liệu Trung Quốc có khả năng áp đặt ADIZ ở Biển Đông vẫn là điều mà giới phân tích quan tâm hơn cả. Trung Quốc sẽ phải quan tâm đến việc thực thi ADIZ như thế nào dù hải quân và không quân nước này hiện được xem như lực lượng mạnh nhất tại khu vực. Khi Trung Quốc tuyên bố ADIZ trên Biển Hoa Đông, các nước như Nhật Bản và Mỹ không những phớt lờ mà còn thể hiện sự thách thức. Nhiều chuyến bay dân sự của Tokyo và các chiến đấu cơ ném bom B-52 của Washington vẫn qua lại vùng trời này mà không cần khai báo hay xin phép Bắc Kinh. Nếu thiết lập ADIZ ở Biển Đông và gặp phải những phản ứng tương tự từ Việt Nam, Philippines hay các bên liên quan, nó sẽ làm lộ điểm yếu rằng Bắc Kinh không đủ khả năng quản lý những khu vực mà nước này tuyên bố chủ quyền. Hơn nữa, những lợi thế về pháp lý mà Trung Quốc muốn có được thông qua ADIZ ở Biển Hoa Đông sẽ khó đạt được hơn trong trường hợp ở Biển Đông. Bên cạnh đó, khi ASEAN chưa thể thống nhất về một Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông, việc tuyên bố ADIZ trong khu vực là một hành động kém khôn ngoan về chiến lược. Nó chỉ khiến các quốc gia tranh chấp khác nỗ lực hơn nữa hoặc tiến tới xây dựng một mặt trận thống nhất để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Cho dù khả năng ADIZ ở Biển Đông còn rất xa vời, điều quan trọng mà Bắc Kinh nên thực hiện là giải thích rõ ràng về việc thiết lập ADIZ trên Biển Hoa Đông. Hành động này vấp phải rất nhiều phản đối cũng như sự hoài nghi về mặt pháp lý của nó. Bắc Kinh sẽ vẫn phải tiếp tục giải quyết vấn đề này trong quan hệ ngoại giao song phương với những cường quốc có lợi ích tại Biển Hoa Đông, đặc biệt là Mỹ.

“Sáu biện pháp chống lại chiến thuật ‘Cắt lát Salami’ trên biển” của Robert Haddick. Mỹ và các quốc gia bạn bè, đồng minh trong khu vực dường như đang lúng túng không biết ứng phó thế nào với chiến thuật “cắt lát salami” của Trung Quốc tại Biển Đông. May mắn thay, vẫn có rất nhiều hành động thiết thực mà các nước láng giềng của Trung Quốc xung quanh Biển Hoa Đông và Biển Đông có thể thực hiện để chống lại chiến thuật “cắt lát salami”. Những biện pháp này tập trung vào việc xây dựng năng lực biển, đặc biệt là đối với lực lượng phi quân sự. Các biện pháp nên tập trung vào tăng cường hợp tác và phối hợp giữa các nước láng giềng nhằm tận dụng tối đa các nguồn lực hạn chế và tăng cường tính chính danh về mặt chính trị, pháp lý của việc chống lại những hành vi cứng rắn của Trung Quốc. Mỹ phải trở thành đối tác ủng hộ chính để các sáng kiến dưới đây có thể thành công. Dưới đây là 6 biện pháp mà các quốc gia trong khu vực, dưới sự ủng hộ của Mỹ, có thể chống lại chiến thuật “cắt lát salami” của Trung Quốc. (i) Tăng cường sự hiện diện đội tàu cá của các nước khác ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Các quốc gia cần có các chính sách khuyến khích và ủng hộ các hoạt động đánh bắt cá dân sự và phải coi đây là một ưu tiên cho an ninh quốc gia. Mục đích của sáng kiến này là để đối phó với sự hiện diện của lực lượng dân sự Trung Quốc ở các vùng biển nói trên và để tránh tạo ra cảm giác là các nước nhỏ đang nhường những vùng biển này cho Trung Quốc. (ii) Chính sách và ngân sách của các quốc gia nên hỗ trợ việc nâng cao năng lực và tăng cường sự hiện diện của lực lượng chấp pháp và cảnh sát biển. Việc cạnh tranh giữa các lực lượng dân sự và “tàu trắng” có thể thuận lợi hơn cho các nước nhỏ. Vì vậy, đầu tư vào nâng cao năng lực của các “tàu trắng” nên được quan tâm vì nó sẽ giúp các nước nhỏ có phương tiện để cạnh tranh với Trung Quốc một cách thuận lợi hơn. (iii) Lực lượng trên biển của Mỹ (cả dân sự lẫn quân sự) cũng như của các nước đối tác và đồng minh trong khu vực cần mở rộng các hoạt động chia sẻ thông tin, trao đổi nhân lực và huấn luyện đa phương. Việc trao đổi kiến thức, kinh nghiệm hoạt động, các thực tiễn tiêu biểu và chuyên gia kỹ thuật là những biện pháp tăng cường năng lực biển ít tốn kém, đem lại lợi ích lớn cho tất cả các bên tham gia. (iv) Mỹ cùng với các nước đồng minh và các nước đối tác cần thiết lập một hệ thống chính thức để chia sẻ thông tin tình báo cơ bản, kịp thời về các vấn đề trên biển. Điều này sẽ cho phép các quốc gia trong mạng lưới đối tác thiết lập “một bức tranh chung về tình hình trên biển”, tạo điều kiện cho các hành động ứng phó với sự tham gia của nhiều bên khi xảy ra các vụ việc trên biển. (v) Các nhà hoạch định chính sách và kế hoạch của Mỹ và các quốc gia khác trong mạng lưới khu vực cần chuẩn bị cơ chế nhân sự cho các tình huống ứng phó với khủng hoảng có sự tham gia của nhiều bên. Chuẩn bị trước cho các khủng hoảng có thể xảy ra, cho dù là các thảm họa thiên nhiên hay các vấn đề địa chính trị, sẽ giúp việc quản lý khủng hoảng thuận lợi và hiệu quả hơn. Điều này cũng sẽ cản trở ý chí của những bên muốn lợi dụng khủng hoảng để tạo đòn bẩy cho mình. (vi) Mời các quốc gia khác có quan tâm tham gia vào các sáng kiến nói trên. Mở rộng danh sách các nước tham gia sẽ giúp tăng cường nguồn lực cho các sáng kiến này, cung cấp thêm kiến thức mới cho các lãnh đạo và tăng cường tính chính đáng về mặt pháp lý và đạo đức cho các nỗ lực bảo vệ các vùng biển chung cũng như quyền chủ quyền. Rõ ràng là các nước láng giềng nhỏ của Trung Quốc đang đứng ở tiền tuyến trong cuộc cạnh tranh này và sẽ rất cần sự hỗ trợ, nếu họ đủ tự tin đối chọi lại sự cứng rắn của Trung Quốc. Trên đây là những cách hiệu quả để chống lại “cắt lát salami”. Bằng sự đầu tư tương đối, vừa phải về thời gian và nguồn lực, Mỹ có thể giúp các nước khác xây dựng năng lực biển với cái đích cuối cùng là ngăn chặn xung đột và bảo vệ ổn định khu vực.

“Bài phát biểu của ông Tập Cận Bình: Chú trọng ngoại giao, giảm bớt sức mạnh cứng” của Rory Medcalf. Không khó để giới truyền thông nhận ra rằng bài phát biểu gần đây của Chủ tịch Trung Quốc về chính sách đối ngoại là một phát biểu rất đáng chú ý. Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung vào cam kết giữ vững yêu sách biển của Trung Quốc trong bài phát biểu đó thì có lẽ họ sẽ không nhận ra được câu chuyện thật sự đằng sau. Tôi thật sự ngạc nhiên khi nhận ra bài phát biểu này có những điểm rất khác biệt. Đúng vậy, nó thách thức trật tự thế giới mà chúng ta biết, tuy nhiên nó không có tính đối đầu hay xung đột. Đây là một thách thức không thật sự rõ ràng, và khiến các quốc gia khác vừa phải thận trọng, lại vừa cảm thấy yên tâm phần nào. Tín hiệu tích cực ở đây là bài phát biểu của ông Tập chú trọng vào ngoại giao hơn hơn là sức mạnh cứng. Tín hiệu này đến sau sự kiện Trung Quốc tổ chức APEC và tiếp đón Tổng thống Obama, sau khi nước này nhấn mạnh lợi ích của mình trên tinh thần không đối đầu tại Hội nghị Đông Á và G20, và sau chuyến thăm thành công tới Úc và New Zealand để trấn an về các mục tiêu của Trung Quốc. Chúng ta có thể lồng ghép bài phát biểu này với các sáng kiến ngoại giao đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm thay đổi trật tự thế giới, từ việc thành lập một ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng cho tới thiết lập các diễn đàn an ninh mới. Từ đó để thấy rằng, bài phát biểu này khẳng định Trung Quốc muốn thay đổi trật tự thế giới, tuy nhiên theo một cách thận trọng. Nó khẳng định quyết tâm bảo vệ các yêu sách và quyền lợi biển của Trung Quốc, phát triển một “con đường tơ lụa trên biển” với các kết nối về kinh tế, an ninh và ngoại giao trên phiên bản Ấn Độ - Thái Bình Dương của Trung Quốc, và xây dựng năng lực đủ mạnh để bảo vệ sự hiện diện ngày càng tăng của nước này. Tuy nhiên một điểm quan trọng nữa là bài phát biểu nhấn mạnh đến sự cẩn trọng và kiềm chế, cách thức để truyền thông tốt hơn thông điệp về “quyền lực mềm” của Trung Quốc. Bài phát biểu cũng có những câu từ đề cập đến việc không sử dụng vũ lực và thậm chí là tôn trọng luật pháp quốc tế. Trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục các hoạt động xây dựng đảo tại Biển Đông, những câu từ trong bài phát biểu này đương nhiên sẽ khiến người ta hoài nghi. Tuy nhiên, chúng có thể được co là tín hiệu cho thấy ông Tập chuyển hướng dòng tư tưởng chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc ra khỏi chủ nghĩa phiêu lưu tiềm ẩn nhiều rủi ro. Sau 2 năm có nhiều biến cố tại Biển Hoa Đông và Biển Đông, gần đây ông Tập cũng nhấn mạnh cần thiết phải có các biện pháp quản lý khủng hoảng và “xây dựng lòng tin” với các lực lượng hải quân nước ngoài. Ông Tập đã ký một thỏa thuận với ông Obama về vấn đề này, đồng thời ủng hộ những nỗ lực mới nhằm giảm thiểu rủi ro về xung đột quân sự với Nhật. Trong 12 tháng qua, chính sách ngoại giao của Trung Quốc đã sử dụng nhiều kênh khác nhau để sửa chữa và khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực do chính sách quyết đoán của nước này gây ra. Bài phát biểu của ông Tập phần nào có thể được coi như là trung tâm trong chiến dịch này. Bài phát biểu dù không đủ sức nặng để thuyết phục được những nước ủng hộ trật tự thế giới do Mỹ đứng đầu, và buộc họ phải ứng xử khéo léo hơn. Tuy nhiên, chí ít đây cũng là một lựa chọn hợp lý nhất trong thời điểm hiện tại, bởi nó nhấn mạnh nhiều hơn đến ngoại giao thay vì sức mạnh.

“Tranh chấp Biển Đông: Singapore liệu có khả năng trở thành ‘nhà hòa giải trung thực’?” của Daniel Wei Boon Chua. Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN gần đây ở Nay Pyi Taw, Myanmar, Ngoại trưởng Singapore K Shanmugam đã đề cập với giới truyền thông về tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN. Bởi Singapore không phải là một bên yêu sách, nên ông Shanmugam đề xuất rằng Singapore có thể đóng vai trò là một “nhà hòa giải trung thực”. Tuy nhiên, liệu điều này có thể trở thành hiện thực và vai trò đó giúp ích gì cho Singapore? Ông Shanmugam đã giải thích ngắn gọn những phẩm chất giúp Singapore trở thành quốc gia trung gian thích hợp đối với Trung Quốc và các bên yêu sách khác. Đó là (i) Singapore được coi là vừa có đặc điểm Châu Á, vừa có đặc tính “Âu hóa”; (ii) Singapore là quốc gia nhỏ, không phải là mối đe dọa với bất kỳ quốc gia nào khác, và có thể “phát ngôn một cách tự do và thẳng thắn”. Tuy nhiên, liệu các bên yêu sách ở Biển Đông có cùng chia sẻ quan điểm này hay không? Việc Singapore sở hữu phẩm chất mà một “nhà hòa giải trung thực” cần có dựa trên đánh giá của các quốc gia khác. Cho dù Singapore không phải là một bên có yêu sách trong tranh chấp Biển Đông, tuy nhiên những lợi ích của họ tại khu vực cũng khiến những quốc gia khác đặt ra câu hỏi về sự trung lập của Singapore. Ngoài ra, cũng có ý kiến nói rằng một quốc gia nhỏ như Singapore không thể gây ảnh hưởng đến các bên yêu sách và có thể đưa những quốc gia này đến bàn đàm phán. Tệ hơn nữa, vai trò của một nhà trung gian tại Biển Đông sẽ có tác động tiêu cực tới lợi ích của Singapore. Thứ nhất, một cách giải quyết tranh chấp có lợi cho bất kỳ một bên nào đó sẽ khiến người ta đặt câu hỏi về sự trung lập của Singapore trong tranh chấp, điều mà Singapore chắc chắn không muốn gặp phải. Thứ hai, việc làm trung gian trong một tranh chấp có sự tham gia của các thành viên ASEAN sẽ đi ngược lại nguyên tắc không-can-thiệp. Tuy nhiên, tại sao Singapore vẫn nên duy trì vai trò hòa giải? Có gần 50 năm kinh nghiệm trong chính sách ngoại giao chủ động, ở cả khu vực và quốc tế, Singapore thường được biết đến với khả năng hành động “vượt quá tầm vóc của mình”. Để bảo vệ lợi ích sống còn của mình, Singapore cũng đã chấp nhận rủi ro tại một số thời điểm, với việc sử dụng các cam kết rõ ràng và kĩ năng ngoại giao lão luyện. Nếu chỉ đứng ngoài và để tranh chấp Biển Đông trở thành một cuộc xung đột tàn khốc, chắc chắn sự phát triển kinh tế và các mối quan hệ ngoại giao của Singapore sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, đề xuất Singapore trở thành một “nhà hòa giải trung thực” của ông Shanmugam không nên bị gạt sang một bên như là một mộng tưởng về vai trò của Singapore. Đề xuất này phản ánh cam kết trên thực tế của Singapore đối với sự ổn định khu vực, điều sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia Đông Nam Á./.