Kể từ khi Tập Cận Bình lên lãnh đạo đất nước đến nay, nền ngoại giao Trung Quốc đã trải qua một sự thay đổi lớn, thể hiện rõ đặc điểm ngoại giao nước lớn. “Vành đai và Con đường”, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á, Ngân hàng Phát triển mới BRICS…, đều là những sáng kiến quan trọng của Trung Quốc. Khởi nguồn của ngoại giao Trung Quốc xét theo nghĩa hiện đại là để ứng phó với khủng hoảng. Năm 1861, Chính quyền nhà Thanh lập ra Tổng lý nha môn (tương đương Bộ Ngoại giao hiện nay), bắt đầu kết giao với thế giới bên ngoài theo phương thức phi truyền thống, ở mức độ rất lớn là do những tác động của bên ngoài. Đó là một thời đại của những thay đổi lớn. Trong một thời gian tương đối dài sau đó, một Trung Quốc yếu đuối vẫn chưa thể thoát khỏi màu sắc ứng phó với khủng hoảng về mặt ngoại giao. Năm 1949, sau khi hoàn toàn độc lập dân tộc về mặt ý nghĩa, việc tiếp theo là làm thế nào xử lý vấn đề lá chắn của thế giới phương Tây đối với Trung Quốc; cộng thêm mâu thuẫn trong phe xã hội chủ nghĩa sau đó, không gian cho ngoại giao Trung Quốc để chủ động phát huy vai trò của mình là không lớn.

Năm 1978 là một thời điểm quan trọng. Đó là năm khởi động cải cách mở cửa, ngoại giao Trung Quốc cũng bắt đầu trải qua sự thay đổi lớn. Quan niệm chính của ngoại giao Trung Quốc từ đó về sau không còn là để ứng phó khủng hoảng, đồng thời cũng hoàn toàn mất đi sắc thái của “ngoại giao cách mạng”. Ngoại giao phục vụ cho phát triển kinh tế trong nước là chủ đề chính của ngoại giao Trung Quốc thời kỳ này. Sau 40 năm cải cách mở cửa, sức mạnh tổng hợp quốc gia và sức ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc tăng mạnh, ngoại giao Trung Quốc một lần nữa đứng ở ngưỡng cửa lịch sử của sự chuyển mình. Đây lại là một thời đại cải cách lớn, ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc theo đó đã xuất hiện.

Ưu tiên kinh tế

Sự thay đổi và không thay đổi của ngoại giao Trung Quốc luôn có quan hệ mật thiết với tình hình quốc tế và nhận thức đối với tình hình quốc tế. Tháng 10/1970, Trung Quốc khôi phục vị trí hợp pháp ở Liên hợp quốc. Bối cảnh lớn dẫn đến sự biến đổi đó là tình hình quốc tế lúc đó có sự thay đổi.

Do xung đột đảo Trân Bảo (Damansky, tiếng Hán là珍宝岛) giữa Trung Quốc và Liên Xô vào tháng 3/1969, Kissinger đã bí mật thăm Trung Quốc vào tháng 7/1971, từ đó, ngoại giao Trung Quốc bắt đầu chuyển sang “liên minh với Mỹ chống lại Liên Xô”. Sự điều chỉnh này được dựa trên những tính toán chiến lược, nhưng vẫn chưa phải là sự thay đổi thực sự. Sau khi khôi phục vị trí hợp pháp ở Liên hợp quốc, Trung Quốc không tham gia các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT)… Xét ở mức độ nào đó, Trung Quốc lúc bấy giờ vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng cho việc gia nhập cộng đồng quốc tế.

Sự thay đổi thật sự xuất hiện vào năm 1978. Hội nghị Trung ương 3 khóa XI tổ chức vào cuối năm đó đã xác lập chính sách lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm. Bên cạnh đó, ngoại giao Trung Quốc cũng bắt đầu có những điều chỉnh lớn. Trong năm này, sự kiện nổi bật nhất trong điều chỉnh ngoại giao của Trung Quốc là ký kết “Hiệp ước hòa bình hữu nghị Trung-Nhật”, cũng như Trung Quốc và Mỹ tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao. Trước đó, Trung Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước Tây Âu. Không lấy sự khác biệt về ý thức hệ để xử lý quan hệ giữa các nước có thể được xem là một thay đổi lớn của ngoại giao Trung Quốc. Ngoại giao là sự nối dài của các vấn đề nội bộ, vấn đề nội bộ lớn nhất của Trung Quốc thời kỳ đầu cải cách mở cửa chính là phát triển kinh tế. Tháng 1/1980, Đặng Tiểu Bình trong một bài phát biểu đã chỉ rõ: “Hiện nay cần phải biết kiềm chế, ngoại trừ xảy ra chiến tranh quy mô lớn, phải quán triệt xuyên suốt việc thực hiện lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm, mọi thứ đều phải xoay quanh mục tiêu này, không được để có bất cứ sự can thiệp nào”. Sự xác định của Đặng Tiểu Bình lúc đó đối với ngoại giao Trung Quốc là: “Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác đối ngoại là tranh thủ hòa bình phục vụ cho việc xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa”. Cách xác định như vậy vừa là sự suy ngẫm lại lịch sử, vừa là sự quyết đoán chiến lược dựa trên thực tế.

Trung Quốc trước tiên mở cửa với phương Tây do họ có vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý cần cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Sau khi cải cách mở cửa, hợp tác kinh tế thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ và Tây Âu tiến nhanh vào quỹ đạo; ngoại giao Trung Quốc cũng bước vào thời kỳ linh hoạt, lãnh đạo đi thăm các nước phương Tây thường có các phái đoàn kinh tế thương mại tháp tùng. Năm 1978, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ và Tây Âu lần lượt đạt khoảng 1 tỷ USD và 2 tỷ USD, năm 1989 tăng lên 12,2 tỷ USD và 23,5 tỷ USD, tăng bình quân 10 lần, cùng thời kỳ đó, tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc tăng từ khoảng 20 tỷ USD lên 115 tỷ USD, chỉ tăng khoảng 5 lần. Chiến tranh Lạnh kết thúc, tình hình quốc tế một lần nữa có sự thay đổi lớn. Nhưng trong bối cảnh biến động lớn đó, ngoại giao Trung Quốc đã thể hiện rõ tính liên tục mạnh mẽ. Đặng Tiểu Bình đưa ra phương châm ngoại giao “Lặng lẽ quan sát, giữ vững trận địa, bình tĩnh ứng phó”, tiếp tục nhấn mạnh việc tách biệt giữa ý thức hệ và quan hệ quốc gia. Sau đó, kiên trì “hòa bình và phát triển” vẫn là chủ đề thời đại. Đồng thời với việc nỗ lực phá vỡ sự cô lập về chính trị của phương Tây, Trung Quốc cũng tranh thủ không để sự khác biệt về chính trị tác động đến hợp tác kinh tế-thương mại. Sau khi tốc độ tăng trưởng thương mại giữa Trung Quốc với một số nước như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… chậm lại trong thời gian ngắn thì đã nhanh chóng phục hồi trở lại mức gần 10%.

Đặc điểm nổi bật hơn của ngoại giao Trung Quốc lúc đó không nằm ở sự liên tục, mà là mở rộng. Ngay sau khi Chiến tranh Lạnh vừa kết thúc, Trung Quốc đã khởi động ngoại giao láng giềng, điểm sáng lớn nhất chính là ngoại giao đối với Đông Nam Á. Năm 1991, Trung Quốc và các nước ASEAN bắt đầu tiến trình đối thoại, sau đó đã nhanh chóng chuyển sang đàm phán Khu thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN. Từ năm 1991 đến năm 2001 là giai đoạn khởi động xây dựng khu thương mại tự do, kim ngạch thương mại song phương tăng 5 lần từ mức chưa đến 8 tỷ USD lên trên 40 tỷ USD. Cùng kỳ, tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc tăng khoảng 3,7 lần. Cục diện mức tăng trưởng thương mại của Trung Quốc và ASEAN cao hơn mức tăng trưởng chung của ngoại thương Trung Quốc tiếp tục kéo dài cho đến hiện nay.

….

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

Bài viết được đăng trên Cửa sổ phương Nam.

Hoàng Lan (dịch)

Hoàng Thu (hiệu đính)