Doanh nhân John Slosar đã nhận được bài học cay đắng về cách mà các doanh nghiệp châu Á cần phải chuẩn bị trước kỷ nguyên mới của sự can thiệp của Trung Quốc. Slosar đã phải từ chức Chủ tịch Cathay Pacific hôm 4/9 và trở thành nạn nhân mới nhất trong một chiến dịch của Chính phủ Trung Quốc nhằm trừng phạt hãng hàng không này vì vai trò của một số nhân viên của hãng trong phong trào biểu tình ở Hong Kong.

Tuần trước, một sự kiện khác thu hút sự chú ý ít hơn. Đó là việc tỷ phú Dhanin Chearavanont, Chủ tịch Tập đoàn Charoen Pokphand (CP Group) của Thái Lan, đã cho đăng quảng cáo trên các tờ báo của Thái Lan kêu gọi sự bình tĩnh ở Hong Kong giống như nhiều chủ doanh nghiệp khác đã làm.

Tuy nhiên, việc tỷ phú Chearavanont buộc phải lên tiếng trên công luận cho thấy các lãnh đạo doanh nghiệp châu Á ngoài Trung Quốc đang thích ứng với sự gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh trong các vấn đề kinh doanh ở bên ngoài biên giới Trung Quốc như thế nào, và họ làm như vậy để tự bảo vệ các hoạt động kinh doanh của mình và tránh các giới hạn đỏ về chính trị của Trung Quốc.

Mặc dù có trụ sở chính ở Bangkok nhưng CP Group có hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc, trong đó có góp cổ phần ở Ping An – công ty bảo hiểm có trụ sở ở Thâm Quyến (Shenzhen). Quan hệ của CP Group với Trung Quốc sâu sắc đến mức CP Group khẳng định tập đoàn này là nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc rót vốn vào Đặc khu Kinh tế Thâm Quyến ngay sau khi đặc khu này ra đời năm 1978.

Cách xử lý đối với Cathay Pacific trong những tuần gần đây được cho là gửi đi một thông điệp tới các công ty khác ở Hong Kong rằng các hành động đi ngược các lợi ích cốt lõi của đại lục sẽ không được dung thứ. CP Group đã cho thấy các doanh nghiệp ở những nước khác cũng đã nhận thức được cảnh báo này.

Không giống như Cathay Pacific, cả CP Group và các nhân viên của tập đoàn này không làm bất cứ điều gì gây khó chịu cho chính quyền Trung Quốc. Trên thực tế, tập đoàn này đã trở thành thỏi nam châm để thu hút dòng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Thái Lan. Tuy nhiên, hiện tại, lo ngại về khả năng gây khó chịu cho Bắc Kinh lớn đến mức tỷ phú Chearavanont vẫn cảm thấy ông cần phải chứng tỏ rằng CP Group công khai ủng hộ lập trường của Trung Quốc.

Nhìn từ các thủ phủ kinh tế ở Đông Nam Á, hành vi của Bắc Kinh ở Hong Kong trong các tuần gần đây cho thấy ảnh hưởng đang gia tăng trong khu vực của Trung Quốc có thể mang lại kết cục như thế nào. Các công ty toàn cầu đã phải có rất nhiều nhượng bộ để tiếp cận thị trường Trung Quốc. Các xưởng phim ở Hollywood phải cắt bớt những chi tiết có thể chọc giận các nhà kiểm duyệt Trung Quốc như phải bỏ cờ Nhật Bản và cờ Đài Loan khỏi áo vét của Tom Cruise trong bộ phim "Top Gun: Maverick".

Đài Loan là một điểm nhức nhối khác. Năm 2018, các nhà chức trách Trung Quốc đã yêu cầu các công ty như tập đoàn khách sạn Marriott và hãng hàng không Delta phải xin lỗi vì đã liệt kê Đài Loan như một quốc gia chứ không phải là một tỉnh của Trung Quốc trên trang mạng trực tuyến (web) của các công ty này.

Khi các lợi ích kinh tế và chính trị của Trung Quốc gia tăng, Bắc Kinh có thể sẽ áp dụng chiến thuật gây áp lực như họ đã làm với Cathay Pacific ngoài những gì mà họ coi là “các lợi ích cốt lõi” như tình trạng của Đài Loan, và can thiệp nhiều hơn vào các khu vực khác ở bên ngoài.

Các ông chủ doanh nghiệp ở châu Á đang ngày càng lo lắng về viễn cảnh này. Các báo cáo cho thấy một loạt lãnh đạo doanh nghiệp Hong Kong đã bị triệu tập về để các "sếp" đại lục quở trách trong những tuần gần đây.

Tuy nhiên, các nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia và Myanmar cũng có nhiều doanh nghiệp lớn với quan hệ tài chính rất sâu ở Trung Quốc giống như CP Group. Không ai muốn gây rủi ro cho các mối quan hệ này. Tất cả đều có thể cảnh báo các chính phủ của mình ứng xử tử tế với Bắc Kinh.

Một điểm gây áp lực chính là sự tiếp cận đối với dòng vốn của Trung Quốc, chứ không chỉ là các hợp đồng hạ tầng có khả năng sinh lời cao như một phần trong sáng kiến "Vành đai và Con đường". Là trung tâm tài chính cạnh tranh với Hong Kong ở châu Á, Singapore có thể sẽ tận dụng những khó khăn hiện nay của Hong Kong để thu hút các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp của nước này đã rút ra bài học từ việc chọc giận Bắc Kinh vào năm 2017, khi đó Thủ tướng Lý Hiển Long không được mời để tham dự một diễn đàn quan trọng liên quan tới sáng kiến "Vành đai và Con đường" sau khi Bắc Kinh bày tỏ sự bất bình đối với các chính sách về Biển Đông của Singapore.

Thương mại là một điểm nóng nữa. Cho đến nay, các công ty nước ngoài hầu như chưa phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt vì chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc như Google đã làm khi chuyển hoạt động sản xuất điện thoại di động Pixel từ Trung Quốc sang Việt Nam vào tháng 8/2019. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ dễ dàng thay đổi trong tương lai.

Trung Quốc không phải là nước duy nhất sử dụng chiến thuật gây áp lực về mặt kinh doanh. Dưới thời chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Mỹ sẵn sàng sử dụng các quy tắc thương mại như vũ khí. Bên cạnh đó, Washington cũng nhằm vào các công ty đơn lẻ, trong đó có tập đoàn Huawei của Trung Quốc.

Tuy nhiên, khi thế lực của Trung Quốc gia tăng, các công ty châu Á muốn tránh sự giận dữ của Bắc Kinh trong bối cảnh họ tin rằng chính Trung Quốc, chứ không phải Mỹ, sẽ là bá chủ của khu vực này.

Mặc dù vậy, điều này sẽ chưa thay đổi ngay lập tức và các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với các xung đột. Ở Hong Kong, họ muốn duy trì “hệ thống một nhà nước, hai chế độ”, chí ít là tại thời điểm này. Khi đà tăng trưởng kinh tế đang chậm dần, họ cần thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Việc ra tay nặng quá sẽ khó khăn hơn.

Tuy nhiên, theo nhiều cách khác nhau, Trung Quốc đang trở nên dễ nổi nóng đối với các doanh nghiệp vượt qua giới hạn đỏ của mình. Trong tháng 9, Phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EU) ở Bắc Kinh đã lên tiếng cảnh báo về hệ thống “đánh giá tín nhiệm xã hội của doanh nghiệp”, được thiết kế nhằm buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải trở thành các công dân tốt. Nhiều người tin rằng một hệ thống như vậy cũng được sử dụng để trừng phạt các công ty bên ngoài Trung Quốc.

James Crabtree là Phó giáo sư tại trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học quốc gia Singapore; cũng là tác giả của bài “Tỷ phú Raj”. Bài viết được đăng trên tờ Asia Nikkei. 

Văn Cường (gt)